Home Tin Tức Bình Luận Chernobyl Nhật Bản: Fukushima đánh dấu kết thúc kỷ nguyên hạt nhân

Chernobyl Nhật Bản: Fukushima đánh dấu kết thúc kỷ nguyên hạt nhân PDF Print E-mail
Tác Giả: © Bản tiếng Việt: Hiếu Tân   
Thứ Hai, 21 Tháng 3 Năm 2011 00:24

Truyền hình Nhật Bản đưa những hình ảnh thảm họa đến hàng triệu phòng khách trên khắp đất nước, nơi những người xem kinh hoàng nhìn thấy một vụ nổ ở một lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima

BBT Spiegel: Nhật Bản vẫn còn đang quay cuồng trong trận động đất lớn nhất từng biết, thì một vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima hôm thứ Bẩy, tiếp theo là một giây thảm họa vào hôm thứ Hai. Mặc dù chính phủ bảo đảm, vẫn có một nỗi lo sợ về một Chernobyl khác. Tai nạn này đã làm bật lên một cuộc tranh cãi chính trị sôi sục ở Đức, và trông có vẻ như chấm dứt giấc mơ về năng lượng hạt nhân rẻ và an toàn.

Truyền hình Nhật Bản đưa những hình ảnh thảm họa đến hàng triệu phòng khách trên khắp đất nước, nơi những người xem kinh hoàng nhìn thấy một vụ nổ ở một lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima.

Vụ nổ hôm thứ Bẩy thổi bay mái của tòa nhà lò phản ứng, đẩy một đám khói trắng dầy đặc lên trời. Khi khói tan, trong số bốn tòa nhà lò phản ứng màu trắng, chỉ còn nhìn thấy có ba.

Tòa nhà thứ tư chẳng còn lại gì ngoài cái vỏ trông ma quái.

Những bức tường ngoài của toà nhà lò phản ứng đã nổ tung. Lớp vỏ thép chứa các thanh nhiên liệu nóng đỏ hình như chịu được vụ nổ, nhưng thảm hoạ chính còn có thể ngăn ngừa được hay không vẫn còn là điều chưa rõ. Ngoài ra, bốn lò phản ứng hạt nhân nằm trong hai khu liên hợp phát điện Fukushima không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Vụ nổ thứ hai

Rồi sau đó, hôm thứ Hai, một vụ nổ thứ hai diễn ra ở nhà máy Daiichi, lần này liên quan đến lò phản ứng 3 của nhà máy. Vụ nổ làm bị thương 11 công nhân và và đẩy một cột khói khổng lồ lên không trung. Vẫn chưa rõ bức xạ rò rỉ trong vụ nổ này có vẻ như gây ra bởi sự tích tụ hydrogen, một nhân viên vận hành nhà máy nói rằng mức phóng xạ tại lò phản ứng vẫn còn thấp hơn các giới hạn cho phép. Hoa Kỳ phản ứng với vụ nổ ngày thứ Hai bằng cách di dời một trong những hàng không mẫu hạm của nó đang ở 100 dặm (160 km) ngoài khơi, ra khỏi khu vực này, sau khi phát hiện mức phóng xạ thấp trong vùng lân cận.

Ngay sau đó, chính phủ loan báo rằng hệ thống làm mát cho lò phản ứng số 2 của nhà máy cũng đã hư hỏng. Các vụ nổ ở các lò phản ứng 1 và 3 đã được báo trước bởi những sự cố tương tự. Hãng tin Jiji hôm thứ Hai báo cáo rằng mức nước ở lò phản ứng số 2 đã tụt xuống sâu đến mức đủ để lộ ra một phần các thanh nhiên liệu.

Các hình ảnh trên ti vi vào dịp cuối tuần qua không để cho ai nghi ngờ gì nữa: quốc đảo tiên tiến này rõ ràng đã trải qua thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất cho đến ngày hôm nay trong thế kỷ 21, do trận động đất khủng khiếp nhất trong lịch sử Nhật Bản gây ra.

Một thời gian ngắn sau vụ nổ ngày thứ Bẩy, Chánh Thư ký Nội các Yukio Edano xuất hiện trên kênh truyền hình chính để nói về tai nạn này – theo cách một thầy giáo nói với học trò của mình trong một chuyến đi của lớp về những việc họ sẽ làm sau đó. Rồi một chuyên gia về nhà máy điện hạt nhân, tóc hoa râm cùng với Edano kêu gọi dân chúng duy trì “reisei”, hãy yên tâm và bình tĩnh.

Reisei, reisei: Cứ như thể chính phủ lo lắng về việc làm nguội những cái đầu của các công dân Nhật Bản hơn là những thanh nhiên liệu hạt nhân đã nóng chảy một phần.

Được khuyên ở trong nhà

Khi lò phản ứng nổ ở Chernobyl cách đây một phần tư thế kỷ, Liên Xô ngay lập tức đưa hàng nghìn công nhân đến để lấp cát và bọc chì các lõi lò phản ứng bị quá nhiệt. Cuối cùng gần như cả một triệu người tham gia vào đảm bảo an toàn cho lò phản ứng này. Nhưng lúc đó Liên Xô không phải đồng thời đối phó với các hậu quả của một trận động đất và một cơn sóng thần.

Những cố gắng của cảnh sát Nhật Bản sơ tán một khu vực rộng lớn xung quanh lò phản ứng có vẻ điên rồ hơn là bình tĩnh. Hàng ngàn người chạy xuống miền nam bằng ô tô riêng.

Trước hết, khó mà đánh giá mức độ nguy hiểm của phóng xạ trong vùng kế cận với lò phản ứng. Các chuyên gia tại chỗ báo cáo rằng mức phóng xạ đo được gần lò phản ứng là một sievert[1] trên giờ. Đây là một mức cao, nhưng không thể so sánh với mức 200 sievert trên giờ mà một số công nhân trực sự cố ở Chernobyl bị phơi nhiễm.

Trong một vụ phóng xạ phát ra từ lõi lò phản ứng bị chảy tan, nhiều chất phóng xạ khác nhau trong đó có plutonium và uranium, và các chất nguy hiểm iodine 131 và cesium 137, cũng làm ô nhiễm môi trường xung quanh Chernobyl. Đã có xác nhận rằng ít nhất một lượng nhỏ cesium cũng đã thoát ra ở Fukushima. Vào thứ Bẩy, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Guido Westerwelle, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã khuyên những người Đức nên rời khỏi các vùng bị ảnh hưởng của sóng thần và sự cố hạt nhân.

Một người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản khuyên các công dân nên ở trong nhà, tắt máy điều hòa nhiệt độ và nếu cần, áp một chiếc khăn mặt ướt lên miệng. Tất cả những cái đó là dấu hiệu cho thấy phản ứng của một đất nước công nghiệp hóa đã vô vọng đến mức nào vào những giờ đầu tiên sau sự cố.

Thái độ ngạo mạn

Sự kiện là Nhật Bản, nước đã có thời được coi là thần kỳ kinh tế, đang đứng trên bờ vực của một thảm họa hạt nhân có thể phá hủy nền công nghiệp hạt nhân nhiều hơn so với thảm họa lò từ phản ứng của Liên Xô ở Chernobyl cách đây một phần tư thế kỷ.

Mọi người đều biết, nước Nhật nằm trong khu vực có động đất, khiến nó dễ gặp nguy cơ hơn nhiều so với các nước như Đức và Pháp. Nhưng Nhật bản tình cờ cũng là nước công nghiệp hàng đầu, một nước mà các kỹ sư được đào tạo tốt, nghiêm cẩn đến mức mô phạm đã chế tạo ra những chiếc xe hơi tối tân nhất và có độ tin cậy cao nhất thế giới.

Khi sự cố Chernobyl xảy ra, công nghiệp hạt nhân Đức cố gắng tự thuyết phục mình và các công dân Đức, rằng đó là tại các lò phản ứng già nua và các kỹ sư kém cỏi, cẩu thả của Đông Âu. Các lò phản ứng của Tây Âu, hay là nền công nghiệp khẳng định thế, là hiện đại hơn, được bảo dưỡng tốt hơn và đơn giản là an toàn hơn.

Bây giờ đã rõ cái thái độ tự tin ấy ngạo mạn như thế nào. Nếu một tai họa tầm cỡ ấy có thể xảy ra ở Nhật Bản, thì nó cũng có thể xảy ra dễ dàng như thế ở Đức. Chỉ cần có một chuỗi những tình huống tai hại thích hợp. Fukushima là bất cứ nơi nào.

Ngày 11/9 của công nghiệp hạt nhân

Có vẻ như từ nay trở đi các nhà chính trị và các nhà khoa học sẽ có cái nhìn hoài nghi hơn về năng lượng hạt nhân. Đây là bằng chứng theo cách tranh luận công khai Bộ trưởng Môi trường Đức Norbert Röttgen, một thành viên của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, phản ứng khi ông nghe nói về vụ nổ tại một lò phản ứng owr đầu bên kia của thế giới. Hôm thứ Bẩy, Röttgen nói với vợ ông rằng đây là “một sự kiện làm thay đổi tất cả.” Họ cảm thấy nhớ lại ngày 11/9, ngày khủng bố tấn công New York và Washington.

Một mối nguy trực tiếp đối với Đức có thể “được loại trừ trên thực tế,” Röttgen nói thêm rằng điều quan trọng nhất bây giờ là “thể hiện thông cảm với Nhật Bản, làm rõ tình hình và giúp đỡ.” Thủ tướng Merkel đã triệu tập một cuộc họp khủng hoảng tối thứ Bẩy.

Röttgen phản ứng giận dữ với cuộc tranh luận mới về hạt nhân diễn ra ở Đức vào cuối tuần qua. “Tôi cảm thấy đây là việc không cần thiết trong tình hình này, và thật sự là không đúng lúc,” ông nói. Bản thân Röttgen không muốn bình luận về những hậu quả đối với kế hoạch kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức, gọi nó là một “cuộc thảo luận chính trị vào thời gian khác.”

Vấn đề các nhà máy điện hạt nhân của Đức nên duy trì hoạt động bao lâu nữa đã là chủ đề của một cuộc tranh cãi sôi nổi mấy năm gần đây. Tháng Mười năm ngoái, quốc hội Đức đã nhất trí kéo dài tuổi thọ của 17 nhà máy điện hạt nhân của đất nước, thật sự lật ngược kế hoạch loại bỏ từng bước điện hạt nhân đã được nhất trí dưới thời chính phủ Gerhard Schröder, người tiền nhiệm của Merkel. Theo luật mới, các nhà máy này sẽ tiếp tục hoạt động thêm một thời gian trung bình 12 năm mỗi cái, có nghĩa là nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức nay sẽ được trù tính đóng cửa vào năm 2035, chứ không phải năm 2021 là hạn chót như chính quyền Schröder dự kiến.

Tuy nhiên đạo luật này cũng có thể bị lật lại: năm bang do đảng Dân chủ Xã hội trung tả kiểm soát gần đây đã đưa ra khiếu nại với Tòa án Hiến pháp Đức chống lại việc kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy này.

Vận động trên một hành lang Chống-Hạt nhân

Đảng Xanh tất nhiên không đồng ý với đánh giá của Röttgen rằng đây không phải lúc nói về năng lượng hạt nhân ỏ Đức. Họ thấy thảm họa hạt nhân Nhật Bản là một dịp để thảo luận một trong những vấn đề cốt lõi truyền thống của họ với độ mãnh liệt mới. Những cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra tại các bang tây nam Baden-Württemberg và Rhineland-Palatinate. Gần đây, Đảng Xanh đã không thành công lắm trong các cuộc điều tra dư luận. Bây giờ nó sẽ vận động trên một hành lang chống hạt nhân, đặc biệt khi Stefan Mappus (CDU) Thống đốc bang Baden-Württemberg là một người ủng hộ mạnh mẽ điện hạt nhân. Thomas Strobl, tổng thư ký CDU ở bang này, đã sẵn sàng lập kế hoạch tiến lên, nói rằng “Chúng ta không nên tiến hành một chiến dịch bầu cử trên sự đau khổ của người Nhật.”

Đảng Xanh không bị ấn tượng với những lời nói hoa mỹ đó. Jürgen Trittin, cựu bộ trưởng môi trường và là nghị sĩ lãnh đạo của đảng Xanh ở Bundestag, cảm thấy chính đáng trong nỗi hoài nghi của ông về điện hạt nhân. “Ngay cả một nước có công nghệ tiên tiến hiện đại như Nhật Bản cũng không miễn nhiễm với nguy cơ phóng xạ. Điều này cũng áp dụng đối với Đức, tại đây chúng ta thậm chí còn kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân cực kỳ mất an toàn như Neckarwestheim,” Trittin nói. Ông chỉ ra rằng tai nạn ở Nhật Bản cũng chứng tỏ rằng việc kéo dài tuổi thọ [các lò phản ứng] là vô trách nhiệm.

Renate Künast, người cùng với Trittin là lãnh đạo nhóm nghị sĩ của Đảng Xanh, bổ sung: “Các nhà máy điện hạt nhân không nên đặt tại những vùng đông dân cư, và phải chắc chắn không nằm trong vùng động đất. Điều này cũng áp dụng cho cả Đức nữa. Neckarwestheim chẳng hạn, không chịu được động đất.”

Volker Kauder, lãnh đạo đảng CDU và đảng anh em Bavarian của nó là Liên minh xã hội Thiên chúa giáo (CSU) – trong quốc hội ở Bundestag, đã nói rõ rằng hai đảng sẽ tiếp tục ủng hộ kéo dài tuổi thọ, bất chấp tai nạn ở Fukushima. Phó trưởng đoàn nghị sĩ của đảng Michael Fuchs đồng ý: “Nhật bản có kiến tạo địa chất hoàn toàn khác Đức. Tai nạn ở đó không gieo nghi ngờ lên việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân ở đây.”

Vấn đề then chốt ở Đức

Đây là một lý lẽ cũ nhưng liệu nó có thể được duy trì liên tục không thì còn phải xem. Cho đến nay, ngành công nghiệp này, CDU/CSUvà FDP đã khăng năng nói rằng các nhà máy điện hạt nhân của Đức an toàn và Đức có thể tin cậy ở các kỹ sư của mình. Nhưng cũng chính điều này đã luôn là đúng ở Nhật Bản. Các kỹ sư của nó có tiếng là giỏi ngang với kỹ sư Đức, khi nó chế tạo mọi thứ, từ ô tô đến nhà máy điện hạt nhân. Như vậy nếu Nhật Bản không thể tin tưởng vào việc xây dựng các lò phản ứng có thể hoạt động một cách an toàn, thì nói gì đến Đức?”

Ít có vấn đề nào khác có tác động mạnh đến lịch sử nước Đức sau chiến tranh như vấn đè điện hạt nhân. Và hiếm có nước nào khác phản ứng nhậy bén như thế với nguy cơ ô nhiễm hạt nhân. Đây là một trong những lý do mà Đức phải thành lập một đảng chống hạt nhân, Đảng Xanh, từ đó đã cắm rễ vững chắc vào hệ thống chính trị.

Đức cũng có địa lý chống đối với điện hạt nhân trong đó có các vị trí như Brokdorf, Kalkar, Wackersdorf và Gorleben, tên của chúng đã trở thành biểu tượng của cuộc tranh luận này. Xã hội công dân Đức đã phát động những trận đánh lớn chống lại vũ khí hạt nhân, bình thường bằng lời lẽ nhưng đôi khi bằng cả dùi cui, đá, súng phun nước và lựu đạn.

Chống đối thậm chí đã trở thành cách sống của một số người, giống như những nhà hoạt động đã lập nên “nước Cộng hòa Tự do Wendland” vắn số vào năm 1980 gần một bãi chôn chất thải ở Gorleben ở Bắc Đức. Phong trào này thậm chí đã đặt ra khẩu hiệu “schottern” nhắc đến hành động phá hoại chống việc vận chuyển chất thải hạt nhân.”

Khởi động lại phong trào chống hạt nhân

Khi Đảng Xanh hình thành một chính phủ liên minh với đảng Xã hội Dân chủ (SPD) trung tả năm 1998, nó đã đặt việc loại bỏ từng phần hạt nhân thành ưu tiên cao nhất, với mục tiêu ngừng hoạt động tất cả các lò phản ứng vào năm 2021. Nhưng khi liên minh CDU/CSU/FDP lên nắm quyền năm 2009, nó bắt đầu bàn đến việc kéo dài tuổi thọ các nhà máy đó. Chính phủ sợ thiếu điện nghiêm trọng nếu các lò phản ứng bị ngừng, và gánh nặng chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh. Ngoài ra, các chính khách trong chính phủ mới lo sợ khả năng đảo ngược đạo luật bị ghét mà SPD/Đảng Xanh đã ban hành trước khi rời chức vụ.

Nhưng chính sự quay ngoắt này đã tạo ra sự ủng hộ mới cho phong trào chống hạt nhân. Khoảng 12.000 người đã tham gia vào chuỗi xích kết bằng người giữa Brunsbüttel và các nhà máy điện hạt nhân Krümmel gần Hamburg. Những mối lo cũ về sự thiếu kiểm soát nguồn năng lượng này đã nổi lên lại.

Liên minh CDU/CSU bị chia rẽ trên chủ đề này. Một bộ phận lớn của nhóm nghị sĩ quốc hội do Volker Kauder ủng hộ việc kéo dài tuổi thọ thêm 15 năm hoặc hơn, trong khi Bộ trưởng Môi trường Röttgen muốn dừng ở 10. Hai phe thỏa thuận 12 năm. Chính phủ quyết định đẩy sang luật mà không dính đến Thượng viện (Bundesrat), bởi vì các đảng liên minh thiếu một đa số ở đó. (Bình thường Bundesrat phải thông qua bất kỳ luật nào tác động đến thẩm quyền của 16 bang nước Đức) Tòa Hiến pháp Liên bang Đức nay đang chờ để xét xem liệu quan điểm của chính phủ có phù hợp với hiến pháp Đức hay không. Cả quá trình này cũng mới được tiếp thêm sinh lực để đối phó với áp lực do thảm họa ở Nhật Bản gây ra.

Trong quá khứ, một đa số người Đức có thể được động viên nhanh chóng để chống năng lượng hạt nhân tại bất cứ nơi nào có lý do để làm thế. Fukushima là một lý do quan trọng, và nó sẽ tạo ra một ấn tượng sâu sắc lên cuộc tranh cãi của Đức. Các đảng ủng hộ hạt nhân, CDU, CSU và FDP sẽ phải đương đầu với những lý lẽ mới để biện hộ cho việc kéo dài tuổi thọ các lò phản ứng. Đảng Xanh có thể tăng thêm thanh thế, và SPD trước đây đã có lần ủng hộ điện hạt nhân nhưng sau đó đã quay ngược chính sách của mình, có thể sẽ tách ra khỏi cuộc tranh cãi mà nó thiếu khả năng thuyết phục.

Thủ tướng Merkel cũng thấy trong vấn đề này bản thân bà hơi thiếu tính quyết đoán mà bà đã có trong nhiều cuộc tranh luận khác. Là một nhà vật lý, bà có niềm tin tự nhiên vào khoa học hạt nhân, và do đó, vào công nghiệp hạt nhân. Nhưng là một chính khách bà biết rằng ủng hộ điện hạt nhân là một lập trường không được lòng dân ở Đức. Kết quả, bà sẽ giữ một lập trường khiêm tốn, và để một con mắt vào cuộc chống đối mạnh trong dân chúng, thận trọng mô tả điện hạt nhân như một “công nghệ bắc cầu” đến tương lai dựa trên năng lượng tái sinh, một công nghệ hiện tại được chấp nhận nhưng ít có ý nghĩa lâu dài.

Đếm ngược thời gian đến một Thảm họa Hạt nhân

Khi động đất xảy ra, máy móc phản ứng nhanh hơn bất cứ con người nào. Các cảm biến seismic ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ngày thứ Sáu đã dò ra những sóng chấn động phá hủy chỉ trong vài giây. Hai phút sau, vào 2:48 chiều theo giờ địa phương, hệ thống điều khiển lò phản ứng đã kích khởi quy trình tự động dừng nhanh của ba lò phản ứng lúc đó đang hoạt động.

Ban đầu mọi việc đều trôi chảy. Trong vài giây, các thanh kiểm soát được đưa vào giữa các thanh nhiên liệu, nhờ đó cắt đứt phản ứng hạt nhân dây chuyền. Đó chính là cách hoạt động đúng của hệ thống. Nhưng sau đó xảy ra một chuyện nghiêm trọng, khởi sự một quá trình đếm ngược đến một thảm họa hạt nhân.

Ngay cả sau khi dừng khẩn cấp, một lò phản ứng hạt nhân vẫn còn sản ra một lượng nhiệt rất lớn khi các chất phóng xạ được tạo ra trong quá trình phân rã hạt nhân tiếp diễn. Trừ khi các kỹ sư tiếp tục làm nguội lò phản ứng trong nhiều ngày sau khi nó ngừng hoạt động, sẽ xảy ra hiện tượng lõi lò phản ứng chảy tan, như trong trường hợp nhà máy hạt nhân Three Mile Island gần Harrisburg, bang Pennsylvania, và ở Chernobyl.

Để phòng ngừa hiện tượng này xảy ra, các bơm nước tiếp tục bơm qua hệ thống làm mát ở Fukushima Nhưng sau đó lưới điện sụp, do kết quả của trận động đất. Các máy phát dự phòng lúc đó bắt đầu hoạt động.

“Giống như Lái một chiếc xe không có Động cơ”

Mỗi lò phản ứng có ba hay bốn máy phát điện diesel. Nhưng khi sóng thần đến, các máy phát điện trong hai lò phản ứng ở Fukushima bị hỏng. Toàn bộ khu vực nhà máy điện bị ngập lụt.

Cuối cùng các kỹ sư đã cố gắng kết nối được bộ ắc quy dự phòng sự cố với hệ thống. Nhưng các ắc quy này chỉ được thiết kế để bắc cầu qua một khoảng thời gian vài phút, chẳng hạn, để có thể chuyển mạch cung cấp điện từ lưới điện sang một nguồn nội bộ. Những nguồn điện yếu này đã ngăn chặn thành công một thảm họa hạt nhân sát sạt vào tối thứ Sáu.

Đó là một hành động liều lĩnh, “giống như cố gắng lái một chiếc ô tô không có động cơ mà chỉ dùng ắc quy” Michael Sailer nói, (ông là Giám đốc điều hành của Viện Öko có cơ sở ở Freiburg và nhiều năm là chủ tịch Ủy ban An toàn Lò phản ứng hạt nhân của Đức). “Ắc quy hoàn toàn là một cố gắng một mất một còn,” Lothar Hahn, cựu giám đốc của Hội An toàn Lò phản ứng nói.

Trong khi các kỹ sư Nhật đang vật lộn chiến đấu để ngăn chặn thảm họa đang lù lù hiện đến, thì các chuyên gia an toàn lò phản ứng trên khắp thế giới đang ngồi trước máy tính và theo dõi tiến trình của phản ứng hạt nhân dây chuyền trong nỗi khiếp sợ. Họ gửi e-mail cho nhau, gọi điện thoại và thảo luận trong các diễn đàn chuyên môn kín. Hầu như không có thông báo chính thức, nhưng họ tất cả họ đều có liên lạc với các chuyên gia ở Nhật Bản. “Tình hình là vô cùng nghiêm trọng,” Hahn kết luận ngay khi biết rằng hệ thống làm mát đã hỏng. “Nếu điều này tiếp tục, trong trường hợp xấu nhất, chúng ta sẽ thấy một vụ lõi lò phản ứng chảy tan” (mà kết quả là phóng xạ), một nhân viên của cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản thú nhận tối thứ Sáu.

Rõ ràng đây chính xác là điều đã xảy ra. Bởi vì các bơm làm mát không làm việc do mất điện, mức nước tụt xuống trong thùng phản ứng. Các thanh nhiên liệu theo báo cáo là chỉ còn ngập một nửa trong nước làm mát, nhô lên khỏi mặt nước đến một mét. Kết quả là, chúng bị phá hủy một phần và trở nên quá nhiệt, đúng như một bộ gia nhiệt ngâm nước có thể trở nên quá nhiệt khi bị lấy ra khỏi nước.

Cuộc chiến đấu vô vọng

Trong sự tuyệt vọng, những người có thẩm quyền cho phép phóng có kiểm soát luồng hơi nước bị ô nhiễm phóng xạ ra môi trường. Mức phóng xạ bên trong nhà máy tăng lên 1000 lần giá trị bình thường, và phóng xạ trong cả khu vực nhà máy cũng tăng cao.

Các báo cáo cho biết áp suất trong thùng chứa lò phản ứng trong Tổ máy số 1 đã tăng lên sáu lần áp suất khí quyển, dường như báo trước thảm họa sắp xảy đến, bởi vì vỏ bảo vệ của lò phản ứng chỉ có thể chịu được một áp suất đến tám lần áp suất khí quyển.

Tình hình ở Fukushima đột ngột leo thang vào đêm thứ Sáu tuần trước. Chuyên gia hạt nhân Sailer so sánh tình hình này với “một bộ phim thảm họa” khi các kỹ sư chiến đấu tuyệt vọng giành lại được kiểm soát các lò phản ứng. Cuối cùng, nó rõ ràng là một cuộc chiến đấu vô vọng.

Các thanh nhiên liệu đã nóng chảy, ít ra là một phần và rõ ràng chỉ còn lại lớp vỏ thép của thùng chứa lò phản ứng và lớp cách ly, ngăn ngừa các chất phóng xạ mạnh nhất khỏi phóng thoát. Tối thứ Bẩy theo giờ địa phương, những người vận hành nhà máy tuyên bố rằng họ có ý định đưa nước biển vào làm ngập các lò phản ứng, đó là cố gắng một mất một còn để ngăn các thùng phản ứng khỏi nóng chảy. “Về cơ bản họ đang cố gắng để nhấn chìm lò phản ứng” chuyên gia hạt nhân Mycle Schneider, người biên soạn “Báo cáo thường niên về tình hình công nghiệp hạt nhân thế giới”nói.

Tiếng vọng của Three Mile Island

Tai nạn Fukushima giống như những gì đã xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island gần Harrisburg, bang Pennsylvania năm 1979. Vào buổi sáng 28 tháng Ba năm 1979, một chiếc van bị kẹt và nhiều sai lầm trong vận hành dẫn đến thất thoát một lượng lớn chất lỏng khỏi hệ thống làm mát cho lò phản ứng thứ hai của nhà máy.

Một trình dừng máy tự động khẩn cấp làm ngưng phản ứng dây chuyền trong lõi lò phản ứng, giống như trong trường hợp ở Nhật Bản tuần trước. Nhưng việc mất nước làm mát dẫn đến tăng nhiệt lượng thừa từ vật liệu của lõi, làm nóng chảy một số vật liệu. Các chất khí phóng xạ thoát ra môi trường, và các chuyên gia mất năm ngày để lấy lại kiểm soát lò phản ứng.

Sự cố Harrisburg là thảm họa lò phản ứng đầu tiên phát ra toàn thế giới những câu hỏi về độ an toàn của năng lượng hạt nhân. Nhưng chỉ sau thảm họa Chernobyl – sắp tới kỷ niệm lần thứ 25 của nó – nhiều nước mới quay lưng lại với loại công nghệ có tính mạo hiểm cao này.

Di sản chết người

Lõi hạt nhân của một trong những lò phản ứng của Chernobyl cũng chảy tan vào cái ngày định mệnh ấy, ngày 6 tháng Tư năm 1986. Thật trớ trêu, đúng vào lúc thanh tra an toàn thì những người vận hành mất kiểm soát lò phản ứng số bốn của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở gần thành phố Pripyat thuộc Ukrain ngày nay.

Do kết quả của nhiều lỗi vận hành khác nhau, đầu ra của lõi lò phản ứng tăng lên khoảng 100 lần công suất định mức của nó. Lượng nhiệt cực lớn do nó sinh ra phá hủy các kênh dành cho các thanh kiểm soát lò phản ứng, xóa đi đúng cái cơ cấu quan trọng nhất để đề phòng một vụ nổ hạt nhân. Một loạt phản ứng hóa học tai hại dẫn đến tích tụ một hỗn hợp các chất khí gây nổ bên dưới mái nhà của thùng áp suất lò phản ứng, khiến nó cuối cùng bùng cháy.

Khi mái bê tông 1000 tấn của thùng áp suất bị thổi bay lên không trung, lõi lò phản ứng bắt lửa. một lượng lớn chất phóng xạ, như iodine 131 và cesium 137, được phóng thoát ra không khí và tản ra trên một bộ phận lớn khắp lãnh thổ phía tây Liên Xô và Tây Âu.

Bụi phóng xạ rơi xuống khoảng 200.000 ki lô mét vuông đất. Vì chính phủ Liên Xô không muốn thừa nhận thảm họa trong nhiều ngày, một khoảng thời gian quý báu mất đi cho những nhiệm vụ như sơ tán thành phố Pripyat gần kề. nhiều công nhân vệ sinh, được biết dưới cái tên “những người thanh toán” bị phơi ra trước phóng xạ liều lượng cao trong mấy ngày đầu tiên. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp tăng vọt trong vùng xung quanh nhà máy trong nhiều năm. Vỏ bê tông cách ly được vội vã xây lên quanh lò phản ứng bắt đầu nứt rạn và vỡ vụn.

“Di tích lịch sử”

Tai nạn lò phản ứng ở Ukraine là do sai lầm của con người. Fukishima bây giờ có thể coi như một cảnh báo rằng các lò phản ứng hạt nhân không thể được bảo vệ một cách tuyệt đối chắc chắn chống lại những lực lượng thiên nhiên, đặc biệt đối với những nhà máy già nua như Fukushima.

Lò phản ứng hạt nhân Nhật Bản là một “di tích lịch sử,” Shaun Burnie, một chuyên gia hạt nhân Anh làm việc cho Greenpeace, người rất thông thạo các lò phản ứng trên ờ biển miền đông Nhật Bản nói.

Burnie đã đến thăm các lò phản ứng Fukushima nhiều lần và đã thường xuyên đến làm việc ở Nhật Bản. Các lò phản ứng số 1 và 2 tại Fukushima Daiichi được đưa vào hoạt động vào đầu những năm 1970, khi các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo hơn nhiều so với ngày nay. Chúng được chế tạo khi Volkswagen đang chế tạo Beetle của nó không có đai an toàn, túi không khí và đệm đầu. Lò phản ứng nổ hôm thứ Bẩy thật ra đã có kế hoạch cho ngừng nay mai.

Vì việc xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân đắt tiền và khó bảo vệ về phương diện chính trị, lợi ích về năng lượng tại nhiều nước đang thuyết phục các chính phủ thông qua việc kéo dài thời hạn sử dụng nhiều hơn so với thời hạn theo kế hoạch đối với các lò phản ứng Đức. Tuy nhiên, sự tái sinh các nhà máy điện già nua này ngày nay đang tỏ ra là một trò chơi nguy hiểm.

Cơ hội nâng cấp bị hạn chế

Những người vận hành nhà máy đang cố gắng duy trì hoạt động của các lò phản ứng của họ vượt quá thời hạn sử dụng thiết kế ban đầu là 40 năm. Hoa Kỳ đã gia hạn giấy phép cho các nhà máy hạt nhân thêm 20 năm, các nước châu Âu đang làm theo. Nhưng công ngệ an toàn trong các nhà máy cũ hơn chỉ có thể nâng cấp trong một phạm vi hạn chế.

Mười một lò phản ứng ở Nhật bản đã phải ngừng hoạt động trong ngày động đất. Năm lò ở trong tình trạng khẩn cấp vì không thể làm mát thích hợp. “Đây là một sự kiện đáng buồn. Công nghiệp hạt nhân quốc tế đã cố gắng để trì hoãn sự kết liễu của nó bằng cách kéo dài thời hạn sử dụng,” chuyên gia hạt nhân Mycle Schneider nói. “Các hệ thống cổ lỗ ở Fukushima nay đã minh họa cho những hậu quả đó. Nền công nghiệp [hạt nhân] sẽ không sống sót qua sự kiện này.”

Burnie cũng có quan điểm tương tự. “Trong một nghìn năm nữa bạn cũng không thể có giấy phép cho Fukushima hôm nay,” ông nói. Trong các lò phản ứng nước sôi thế hệ hai vẫn còn đang được sử dụng trong nhà máy này, các thanh nhiên liệu nổi trực tiếp trong thùng phản ứng. Đức cũng có những nhà máy hạt nhân cùng loại, bao gồm nhà máy Brunsbüttel ở bang miền bắc Schleswig-Holstein. Trước hết, Burnie nói, độ an toàn trong động đất chỉ có thể cải thiện đến một mức độ nhất định. “Nền móng gồm hàng nghìn tấn bê tông. Đó là cái không thể nâng cấp.”

Việc Tái sinh Điện Hạt nhân Toàn cầu đang bị Đe dọa

Các lò phản ứng ở Fukushima Daiichi được đặt sát bờ biển, cách thành phố Sendai khoảng 50 km, đã bị tàn phá trong trận động đất. Hầu như tất cả 55 nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đều được xây dựng gần biển, bởi vì chúng cần một nguồn lớn nước làm mát chắc chắn để hoạt động. Nhưng chính điều đó lại khiến cho chúng rất dễ bị phá hủy trong những cơn sóng thần.

Sau khi cơn sóng thần khổng lồ của Ấn Độ Dương tấn công Đông Nam Á năm 2004, các nhà điều phối hạt nhân và những người vận hành nhà máy nhận ra nguy cơ đối với các nhà máy điện hạt nhân. Cơn sóng thần đó làm ngập các bơm làm mát cho một lò phản ứng ở Nhà máy Điện Nguyên tử Madras ở Ấn Độ, nhưng những người vận hành đã dừng được lò phản ứng vừa kịp đúng lúc để ngăn ngừa một tai nạn. Cơn sóng đó cũng tràn ngập một vị trí xây dựng gần kề với một lò phản ứng tái sinh, nơi người Ấn Độ cũng có ý định sản xuất vật liệu nổ plutonium. Nhưng rõ ràng là những người vận hành Ấn Độ chưa học được nhiều từ cơn sóng thần 2004. Sau khi khu vực đó được xả, họ lại tiếp tục xây một lò phản ứng vẫn ở vị trí đó.

Trong một ý đồ tích cực hơn, Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA) cách đây hai năm đã thiết lập Trung tâm Ân toàn Seismic Quốc tế. Trung tâm này tạo một diễn đàn cho các chuyên gia trao đổi thông tin và đề ra những tiêu chuẩn cao nhất có thể có. Nhật Bản được coi là một trong những nước thành viên tích cực nhất, và như vậy là có lý do. Đây không phải là lần đầu tiên động đất đã đe dọa sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân của Nhật. Năm 2007 chẳng hạn, một trận động đất mạnh 6,8 độ Richte đã làm rung chuyển bờ biển phía tây Nhật Bản. Tâm động đất chỉ cách Kashiwazaki-Kariwa, một tổ hợp 7 lò phản ứng, 16 km và là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Sau đó đã phát hiện ra rằng một trong những thanh điều khiển đã bị kẹt.

Lớn hơn dự kiến

Trận động đất năm 2007 cũng mạnh hơn nhiều so với các kỹ sư dự tính. Thật ra, nó mạnh hơn hai lần rưỡi so với một trận động đất mà lò phản ứng này theo thiết kế có thể chịu được. Ngày nay nó được đưa trở lại hoạt động sau khi đã được nâng cấp. Cùng một cơ quan vận hành, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) sở hữu cả hai nhà máy, Fukushima và Kashiwazaki-Kariwa.

Nhiều chuyên gia hạt nhân của TEPCO, một phần vì lịch sử của nó. Một xì căng đan làm rung chuyển tín nhiệm của công chúng vào công ty này cách đây 10 năm, khi TOPCO bị phát giác đã xoay sở giả mạo các báo cáo về cuộc thử nghiệm rò rỉ được thực hiện trong các đợt thanh tra an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân của họ.

Kết quả của các xì căng đan của TEPCO các công dân Nhật Bản ngày càng mất tin tưởng vào chính phủ của họ và công nghệ hạt nhân. Nhật Bản đã phát ra khoảng một phần ba điện năng từ điện hạt nhân và phụ thuộc vào các lò phản ứng ngang với Pháp.

Sau trận động đất năm 2007, những người vận hành một nhà máy tái chế nhiên liệu ở Rokkasho-Mura được yêu cầu nâng cấp tổ hợp, lúc đó đang tiến hành chạy thử. Việc nâng cấp đòi hỏi phải tăng gần gấp đôi chi phí cho dự án, dẫn đến một tổng chi phí lên đến hơn 20 tỷ $ – cho thấy để đảm bảo an toàn chống động đất tốn kém như thế nào.

Sau trận sóng thần tuần qua, cũng có mất điện ở các cơ sở hạt nhân Rokkasho, và nhiều giờ sau động đất an toàn của nhà máy rõ ràng phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của các động cơ diesel.

Giành đất

Liệu tai nạn ở Fukushima có tác động đến việc bùng nổ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở châu Á hay không vẫn còn phải chờ xem. Điện hạt nhân hiện nay đang trải qua một đợt hồi sinh trên toàn thế giới, là điều không tưởng tượng nổi trong những năm liền sau Chernobyl.

Những nền kinh tế đang lớn nhanh ở châu Á, Trung Hoa, Nam Triều và Ấn Độ cũng như Nga và Hoa Kỳ, một lần nữa lại đang trông cậy từ điện hạt nhân. Sự hồi sinh này là kết quả của cả tình trạng đói năng lượng trầm trọng trong những nền kinh tế mới nổi và cuộc tranh cãi về ô nhiễm khí các bô nic đang là một lo ngại toàn cầu.

Theo IAEA, 29 nước hiện nay đang vận hành 442 lò phản ứng, tạo ra một tổng công suất 375 gigawatt điện. 65 nhà máy khác hiện đang được xây dựng trên khắp thế giới. Bây giờ khi nhiều người tin rằng biến đổi khí hậu đã thế chân thảm họa hạt nhân làm mối đe dọa lớn nhất đối với loài người, công nghệ hạt nhân, với lượng khí thải CO2 thấp, một lần nữa lại giành được ưu thế.

Chẳng hạn Thụy Điển từ lâu đã được coi như một tấm gương về cách thức từ bỏ từng bước năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, vào giữa năm ngoái, quốc hội Thụy Điển đã đảo ngược quyết định giã từ năng lượng hạt nhân từ 30 năm trước. Luật mới có thể cho phép xây dựng đến 10 nhà máy mới, thay thế các nhà máy Forsmark, Ringhals và Oskarshamn đã cũ.

Ở Hoa Kỳ, trong ba thập niên không có dự án xây mới lò phản ứng nào được xúc tiến. Năm ngoái, Tổng thống Barack Obama quyết định dành hàng tỷ đô la trong quỹ bảo đảm cho vay của liên bang cho hai tổ hợp ở Georgia. Một dự án ở Nam Carolina đang được tiến hành xây dựng.

Trung Hoa có 27 địa điểm xây dựng hạt nhân, trong khi Nga hiện đang xây dựng 11 lò phản ứng mới. Moscow thậm chí có kế hoạch xây dựng những lò phản ứng nổi, nhỏ để cung cấp điện ở vùng Bắc Cực nước Nga.

Kết thúc giấc mơ năng lượng rẻ

Tuy nhiên, trước hết, ngày càng nhiều nền kinh tế mới nổi, và ngay cả các nước đang phát triển quan tâm đến công nghệ hạt nhân. “Chúng tôi dự tính có từ 10 đến 25 nước mới đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của họ vào hoạt động vào năm 2030,” Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano nói. Theo ông Amano, tổng số 65 nước, trong đó riêng ở châu Phi có 21 nước, đã tỏ ra quan tâm đến công nghệ này”.

“Dự báo hiện thời cho biết thế giới sẽ tăng tiêu thụ năng lượng toàn cầu lên hơn 50 phần trăm vào năm 2030,” một cuốn sách nhỏ của IAEA có tựa đề “Xem xét Phát động một Chương trình Điện Hạt nhân mới” viết. Theo cuốn sách này, các nhà máy điện hạt nhân có thể giúp đảm bảo “tiếp cận năng lượng có thể với tới được ở nhiều nơi trên thế giới”

Tình hình hiện nay cho thấy rằng những hy vọng của những người vận động cho hạt nhân sẽ bị va chạm mạnh. Sự kiện một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra trên đất của những robot và những ô tô điện đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nền công nghệ này.

Có những hoán dụ cho tất cả những tai nạn của thời đại hạt nhân, đặt những cái tên đã trở thành biểu tượng. Three Mile Island là một trong số đó, và tất nhiên, Chernobyl.

Không có vấn đề cái tên Fukushima sẽ có một ý nghĩa tương tự. Fukushima sẽ tượng trưng cho sự kết thúc giấc mơ năng lượng hạt nhân trong tầm tay – và nhận thức rằng chúng ta không có dạng năng lượng ấy được kiểm soát.

RALF BESTE, PHILIP BETHGE, KLAUS BRINKBÄUMER, DIRK KURBJUWEIT, CORDULA MEYER, RENÉ PFISTER, OLAF STAMPF, THILO THIELKE, WIELAND WAGNER

Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức
© Bản tiếng Việt: Hiếu Tân

1] sievert (ký hiệu: Sv) là đơn vị SI dẫn xuất của lượng tương đương. Nó nhằm đánh gia về lượng các tác động sinh học của phóng xạ, tương phản với các tác động vật lý được đăc trưng bởi lượng hấp thụ, đo bằng gray. Đơn vị này được đặt theo tên nhà vật lý y khoa Thụy Điển Rolf Sievert, nổi tiếng với những công trình về đo lượng phóng xạ và nghiên cứu về các tác động sinh học của phóng xạ.