Kinh nghiệm ở thế giới Ả Rập: nền tảng du học Mỹ thúc đẩy dân chủ |
Tác Giả: Chuyển ngữ: V.Giang/Người Việt | |||
Thứ Hai, 14 Tháng 3 Năm 2011 09:48 | |||
Một số người xem đây là một thí dụ về sự khôn lanh của Mỹ CAIRO (AP) - Các khó khăn của cựu Tổng Thống Hosni Mubarak có thể nhìn thấy từ cuộc bầu cử ở Ai Cập năm 2005, khi mà các quan sát viên trong nước, với sự giúp đỡ từ các bạn ngoại quốc, nhanh chóng vạch trần sự thật về “đại thắng” của tổng thống trong cuộc bầu cử, cũng giống như các cuộc bầu cử trước, chỉ là một sự gian lận lớn lao. Cuộc cách mạng Ai Cập thành công một phần do tư tưởng dân chủ, năng động, mà thanh niên Ai Cập học được sau khi du học Mỹ về. (Hình: -/AFP/Getty Images) Ở quốc gia láng giềng Jordan, cũng nhờ sự trợ giúp ở bên ngoài trong ngày bầu cử năm 2007 mà dân chúng thấy rõ tính chất phi dân chủ của hệ thống chính trị trong nước, đưa vị vua cai trị nước này vào thế phải có sự thay đổi. Và vào mùa Ðông năm 2011, khi sự phẫn uất nổ bùng thành làn sóng đòi hỏi dân chủ ở Tunisia và sau đó là Ai Cập, nhà tranh đấu trẻ Bilal Diab chấm dứt khóa học cho giới “lãnh đạo trẻ” và các giảng viên ngoại quốc, thực hành những gì vừa học được trong các lều vải dựng lên ở quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo, tâm điểm của cuộc nổi dậy ở Ai Cập. “Những gì đã học giúp chúng tôi tổ chức cuộc cách mạng,” theo lời Diab, 23 tuổi, nói về sự huấn luyện anh có được ở Mỹ. “Người dân bị tản mát, nhưng chúng tôi học được cách làm sao quy tụ họ lại, và chúng tôi đã làm được việc này. Và khi chúng tôi dựng căn lều lên ở Tahrir, chúng tôi loan báo việc thành lập Hội Thanh Niên Cách Mạng (Revolution Youth Union). Cuộc cách mạng bùng lên từ trên đường phố Ả Rập, chấn động các cung điện hoàng triều, lật đổ các tổng thống, làm cả thế giới phải chăm chú theo dõi qua các hàng tít trang nhất của các tờ báo và các làn sóng trong nhiều tuần lễ liên tục. Nhưng đằng sau câu chuyện của cuộc nổi dậy chính trị này là một câu chuyện khác, âm thầm hơn, nói về các tổ chức ở bên ngoài, với sự ủng hộ tài chánh của chính phủ Mỹ và các nguồn tài trợ khác, từng huấn luyện cả một thế hệ trẻ Ả Rập về cách làm sao đạt chiến thắng trong môi trường hoạt động chính trị. Những người liên hệ trong cuộc đều nhấn mạnh rằng những gì xảy ra bắt nguồn từ sự phẫn uất đã có từ lâu trong thế giới Ả Rập chứ không phải do sự xúi giục từ bên ngoài. Nhưng họ cũng nói rằng sự tin tưởng, sự hiểu biết qua việc huấn luyện về dân chủ, do Hoa Kỳ chủ xướng, nhưng cũng có sự tham dự của các quốc gia Tây Âu, là một yếu tố dẫn tới thành công. Sự thành công đó, lại chỉ ra một sự nghịch lý khác: một chính phủ Mỹ từ trước đến nay vẫn ủng hộ Mubarak và các nhà lãnh đạo Ả Rập khác như những đồng minh thân thiết, lại cùng lúc tài trợ cho các chương trình sau cùng đóng góp vào việc sụp đổ của chế độ Mubarak và cũng có thể sẽ kéo theo các nhà lãnh đạo ở các quốc gia khác. Một số người xem đây là một thí dụ về sự khôn lanh của Mỹ, đặt tiền ở nhiều cửa trong cuộc cá cược chính trị tại Ai Cập và những nơi khác. Có những người khác thì lại cho rằng đó là vì hệ thống chính trị Mỹ quá lớn và quá phức tạp nên không thể có sự đồng nhất. “Với tư cách là người Canada, tôi thấy một trong những điểm đặc thù của hệ thống Mỹ là họ có nhiều, rất nhiều, cửa để đi vào các trung tâm quyền lực, và các trung tâm quyền lực có thể có các chính sách trái ngược,” theo lời Les Campbell, người trách nhiệm khu vực Trung Ðông cho tổ chức Mỹ có tên National Democratic Institute for International Affairs (NDI). Tổ chức NDI, có liên hệ với đảng Dân Chủ, và tổ chức International Republican Institute (IRI), có liên hệ với đảng Cộng Hòa, là những đường dây nối vào mạng lưới “trợ giúp dân chủ-democratic assistance” của Mỹ, cũng là cánh cửa đưa đến việc trợ cấp tài chánh của Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (US Agency for International Development USAID) trực thuộc bộ Ngoại Giao Mỹ; cũng như từ National Endowment for Democracy (NED), một tổ chức tư nhân có sự tài trợ của Quốc Hội Mỹ. Tiền của tổ chức National Endowment for Democracy, vào khoảng $100 triệu mỗi năm, hiện được chi ra tại hơn 90 quốc gia trên toàn thế giới. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là các món tiền trợ cấp của USAID, từ ngân sách vào khoảng $800 triệu mỗi năm và dành cho các nỗ lực gọi là phát triển “cạnh tranh chính trị-political competition” và “xã hội dân sự-civil society” tại 67 quốc gia - vốn đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực đòi hỏi dân chủ tại sáu quốc gia Ả Rập từ Morocco sang đến Yemen. Tài khóa của năm 2011 dành ra khoảng $104 triệu cho các quốc gia Ả Rập này. Tại quốc gia Ai Cập sau thời Mubarak, sự trợ giúp này sẽ còn tăng vọt. Trong số tiền $150 triệu dành cho “quỹ chuyển tiếp” ở Ai Cập do Washington loan báo, khoảng $50 triệu sẽ dành cho các chương trình dân chủ và điều hành như các chương trình đã từng huấn luyện hàng trăm người trẻ ở Ai Cập. Con số này coi như tăng gấp ba so với số tiền dự chi trước khi có cuộc nổi dậy. “Chúng tôi cần có thêm hỗ trợ, và cần có ngay,” theo lời Abdallah Helmy, 34 tuổi, đồng sáng lập đảng đối lập Cải Cách và Phát Triển (Reform and Development Party) ở Ai Cập, và cũng là một trong những người được Mỹ trợ giúp huấn luyện về đủ mọi mặt, từ cách điều hành các chiến dịch vận động và bầu cử sang đến việc sử dụng Twitter, Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác để đưa ra các thông điệp chính trị. Người ta ước lượng rằng có hơn 10,000 người Ai Cập từ năm 2005 đến nay đã tham dự các chương trình huấn luyện về dân chủ và điều hành do USAID tài trợ và được thực hiện qua NDI, IRI cùng với 28 tổ chức quốc tế và nội địa. Sau khi chính quyền Ai Cập thấy được kết quả của việc huấn luyện này, ngay lập tức đưa ra các biện pháp ngăn trở như giới hạn hoạt động của NDI và IRI ở Cairo, ra lệnh các khách sạn dùng làm nơi huấn luyện phải hủy bỏ, đưa nhân viên an ninh vào văn phòng của các tổ chức này. Nhưng tổng thống Mubarak cũng không thể quá mạnh tay với người Mỹ, vì đây là nguồn cung cấp số tiền viện trợ $1.5 tỉ mỗi năm về quân sự và kinh tế. Và các tổ chức này cũng thường đưa người được chọn lựa ra ngoại quốc huấn luyện, ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Một trong những thí dụ điển hình là Bassem Samir, nay lãnh đạo tổ chức có tên Egyptian Democratic Academy, từ năm 2005 đã được đưa sang Washington, Hungary, Dubai và các nơi khác để được học về cách tổ chức chính trị, sử dụng các phương tiện truyền thông mới, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối cùng là các kỹ năng khác, dưới sự tài trợ của cả IRI và NDI. Việc hợp tác giữa các nhóm ở các quốc gia có sự tài trợ của phía Mỹ là điều đang xảy ra ngày càng nhiều. Oraib al-Rantawi, một nhà tranh đấu ở Jordan, có sự tài trợ của NDI, cho hãng thông tấn AP hay anh ta từng được đưa sang Yemen hai lần để cố vấn cho các nhà tranh đấu nơi này. Với sự hỗ trợ của NDI, tổ chức có tên Al Quds Center for Political Studies của anh Rantawi đang theo dõi hoạt động của Quốc Hội Jordan và thường xuyên đưa báo cáo lên mạng. “Tất cả những nỗ lực này, của các tổ chức nội địa và quốc tế, mở đường cho những gì chúng ta thấy ngày hôm nay,” anh Rantawi nói. “Các bạn trẻ đó không phải từ đâu rơi xuống để thực hiện cuộc cách mạng.” (V.Giang)
|