Home Tin Tức Bình Luận Khai thác đất hiếm : Miền đông nam Trung Quốc bị tàn phá

Khai thác đất hiếm : Miền đông nam Trung Quốc bị tàn phá PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Sáu, 11 Tháng 3 Năm 2011 11:16

Đất hiếm "nặng" là một trong những loại đất hiếm đắt tiền nhất và được tìm mua nhiều nhất trên thế giới

 Đặc phái viên của nhật báo Le Monde tại Giang Tây báo động, việc chạy đua khai thác đất hiếm đã tàn phá miền đông nam Trung Quốc. Bắc Kinh đã không ngăn chặn được nạn khai thác lậu đang làm đất đai vùng này bị nhiễm độc.

Trung Quốc sản xuất 97% lượng đất hiếm trên thế giới. Trong ảnh là cảnh khai thác tại mỏ đất hiếm ở Nam Xương, Giang Tây.
REUTERS/Stringer/Files   

Bài báo ghi nhận, quang cảnh ở trấn Pha Đầu, huyện Toàn Nam thuộc thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây giống như trên mặt trăng, với những ngọn đồi bị đào bới nham nhở.

 Khoảng một cây số vuông diện tích đã bị bỏ hoang hơn một chục năm qua, do nhiều dãy núi đã bị phá hủy toàn bộ để khai thác đất hiếm. Kiến tạo địa chất đặc biệt đã khiến cho vùng đất này có trữ lượng các đất hiếm "nặng", quan trọng trên thế giới.

Đất hiếm "nặng" là một trong những loại đất hiếm đắt tiền nhất và được tìm mua nhiều nhất trên thế giới, trong số 17 kim loại quý cần thiết cho công nghệ kỹ thuật cao.

Cho dù hiện nay đang sử dụng các kỹ thuật tân tiến hơn, như cho một dung dịch vào khi khoan, rồi cho chảy vào hồ lắng để trích xuất đất hiếm dưới dạng bột, nhưng môi trường vẫn tiếp tục bị xâm hại.

Các chất hóa học như sulfate ammonium vẫn bị thải ra ngoài thiên nhiên. Tác giả bài báo cho biết, có những cơ sở khai thác không giấy phép chỉ hoạt động từ nửa đêm trở đi.

Từ nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã có cố gắng đưa các chủ tư nhân khai thác lậu ở Giang Tây vào khuôn khổ. Những người này bị mờ mắt vì vốn đầu tư ban đầu ít, nhưng nhanh chóng thu được lợi nhuận, nhất là khi sản phẩm được buôn lậu sang tỉnh Quảng Đông bên cạnh.

Tuy nhiên một phần tiền bạc thu được từ khai thác đất hiếm đã chạy vào túi riêng của các quan chức địa phương, vốn không hề quan tâm đến môi trường, và sử dụng mọi phương tiện để bịt miệng các nông dân mà mùa màng bị thất bát, vì đất đai nhiễm độc kim loại.

Một chỉ thị hồi đầu năm đã đặt toàn bộ khu vực 2.500km2 này dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài nguyên, nhưng vấn đề không dễ giải quyết.

 Lúc đầu, các chủ mỏ bồi hoàn cho nông dân số tiền tương đương với số thu hoạch bị thiệt hại do ô nhiễm, nhưng đến tháng 9/2009 thì họ bảo, đi tìm chính phủ mà đòi. Người dân bèn chận lại các xe tải chở hóa chất, và phá hủy một số thiết bị khai thác.

Bốn ngày sau, người đại diện nông dân bị bắt, cảnh sát chống bạo động đến can thiệp, diễn ra các vụ bắt người vô cớ nhằm răn đe, còn những ai biết sử dụng internet đều bị tống vào tù. Người dân còn phẫn uất hơn, khi họ chưa hề nhận được một xu nhỏ tiền thuê đất nào từ các chủ mỏ.

Ngược lại, tại một làng kế cận cũng thuộc trấn Pha Đầu, dân làng ngỡ rằng, đã lời to khi cho các chủ mỏ thuê hàng trăm mẫu đất thuộc sở hữu công vào năm 2006, với giá một triệu nhân dân tệ, tương đương 110.000 euro, trong vòng 15 năm.

 Một đảng viên về hưu tại đây cho biết, nhà nước cho dân thuê thời hạn 50 năm với cái giá rẻ hơn gấp trăm lần. Tuy nhiên, không ai tưởng tượng được hậu quả về môi trường ra sao.

Vào mùa mưa, những dòng thác bùn ồ ạt cuộn chảy xuống các sườn đồi trọc, tràn ngập các con đường làng và các thửa đất.

Dân làng phải đi xa nhiều cây số mới có được nước uống. Phân nửa số dân trong làng đành sang làng kế bên cư ngụ, có người dùng tiền cho thuê đất để mua nhà, mua xe.

Một người cho biết lại vừa ký hợp đồng cho thuê thêm bốn năm, vì không có chọn lựa nào khác : các ông chủ mỏ đe dọa sẽ thanh toán.

Người này nói, nếu không ký thì người khác cũng ký, còn nạn ô nhiễm thì vẫn thế. Và như vậy, ông đành phải nhận lấy những đồng tiền nhiễm độc từ đất hiếm.