Trung Đông biến động: Châu Âu lo làn sóng nhập cư |
Tác Giả: Tú Anh | |||
Thứ Sáu, 04 Tháng 3 Năm 2011 12:34 | |||
Trong vài tuần lễ, gần 8 000 người Tunisia đổ bộ bất hợp pháp lên nước Ý. Bạo loạn tại Libya, nơi có trên dưới 1 triệu lao động nhập cư sinh sống, đã buộc hàng trăm ngàn người phải di tản. Khoảng 100 000 người bị chủ hãng bỏ rơi phải tự tìm đường hồi hương kẹt ở biên giới Tunisia và biên giới Ai Cập. Thuyền nhân Tunisa cập bến Lampedusa / AFP/Mauro Seminara Vào lúc phong trào nổi dậy đòi dân chủ lan rộng tại Bắc Phi và Trung Đông, các nước châu Âu lo ngại bị di dân tràn ngập. Pháp kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu một mặt phải phối hợp đối phó với làn sóng di dân và tỵ nạn « vượt tầm kiểm soát » mặt khác phải ủng hộ phong trào dân chủ trong khối Ả Rập. Trong vài tuần lễ qua, gần 8 000 người Tunisia đổ bộ bất hợp pháp lên nước Ý. Libya, chiến lũy bảo vệ châu Âu chống nạn di dân bất hợp pháp đang bị lung lay trước sức ép của phong trào nổi dậy chống chế độ Kadhafi. Tthủ tướng Pháp tuyên bố là « Pháp sẽ cứng rắn » với người nhập cư bất hợp pháp . Theo giới phân tích, mối lo ngại này nói lên sự yếu kém của châu Âu trong việc tiếp đón người di tản. Từ những ngày qua, tình hình bạo loạn tại Libya, nơi có trên dưới 1 triệu lao động nhập cư sinh sống, đã buộc hàng trăm ngàn người phải di tản, tìm cách chạy về nước. Ngoài lao động đến từ Á châu như người Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, đa số vẫn là dân các nước láng giềng là Ai Cập và Tunisia. Sự kiện khoảng 100 000 người bị chủ hãng bỏ rơi phải tự tìm đường hồi hương kẹt ở biên giới Tunisia và biên giới Ai Cập được Liên Hiệp Quốc mô tả là « khủng hoảng nhân đạo ». Luật sư Claire Rodier thuộc mạng lưới Di dân châu Âu, Migreurop, dự đoán là những lao động này, mất việc tại Libya mà lại khó có thể hội nhập trở lại đời sống còn khó khăn tại quê nhà, sẽ tìm cơ hội mới tại châu Âu nếu tình hình tại Libya không ổn định. Trong viễn cảnh này, chủ tịch Cơ quan Nhập cư và Hội nhập của Pháp-Ofii, ông Dominique Paillé thẩm định là cần phải giúp cho « lực lượng lao động này ở lại quê hương của họ và có thể tham gia kiến tạo đất nước ». Nhưng trước khi xảy ra cách mạng Hoa lài tại Tunisia, đã có một đợt 6000 người Tunisia, đổ lên đảo Ý Lampedusa với hy vọng sang Pháp sau đó. Tối thứ ba, có thêm 500 thuyền nhân cập bến trong lúc còn 3 chiếc tầu khác xuất hiện ngoài khơi. Từ nhiều tuần nay, Ý cũng báo động nguy cơ xảy ra « thảm nạn nhân đạo » và làn sóng thuyền nhân Libya. Sau Ý , đến lượt Pháp kêu gọi triệu tập hội nghị thượng đỉnh tìm giải pháp chung. Vào lúc người dân Ả Rập tự mình đòi lại quyền sống tự do thì châu Âu lại tỏ ra lo sợ hệ quả di dân. Điều này phải chăng là một nghịch lý ? Theo giới phân tích thì dù cho khối Ả Rập được dân chủ và ổn định thì cũng không chấm dứt xu hướng di cư. Thành phần trung lưu có học thức sẽ có cơ hội ra nước ngoài và sẽ càng có nhu cầu « tìm đất dụng võ ». Mối lo sợ của lãnh đạo châu Âu hiện nay, theo nhật báo Le Monde của Pháp, chỉ làm nổi bật sự yếu kém về điều kiện đón tiếp người tỵ nạn và nhân tài. Trong khi chờ đợi châu Âu phối hợp ngăn chận di dân, thông tín viên Huê Đăng từ Roma trình bày về tình hình nhập cư tại Ý, đầu cầu đổ bộ của những ứng cử viên châu Phi tìm đất hứa ở châu Âu : Tâm lý lo sợ dân Ả Rập tràn sang châu Âu này có chính đáng, có thể xẩy xảy ra hay không? Từ nhiều năm gần đây châu Âu đã phải chứng kiến hiện tượng làn sóng di dân từ Bắc Phi bằng cách vượt biển Địa Trung Hải để đổ bộ lên một số đảo cực nam của nước Ý, nơi được coi như là điểm tiếp cận gần nhất để thâm nhập vào châu Âu. Thông thường những người vượt biển nhập cư bất hợp pháp vào các đảo miền nam nước Ý phần lớn thuộc các nước Phi châu như Somalia, Tunisia, Libya, Nigeria, nhưng cũng có khi có những người lặn lội từ các khu vực Trung Đông, hay thậm chí từ Pakistan. Nói chung đây là hiện tượng di dân để tránh nghèo đói và chiến tranh. Ngèo đói vì họ đến từ những khu vực không phát triển và đời sống quá khó khăn, trong khi đó, qua những kênh tryền hình vệ tinh họ cảm nhận châu Âu như là một vùng đất hứa, nơi mà hình như cuộc sống tràn ngập hàng hoá tiêu thụ và đầy hưởng thụ dễ dãi , nơi mà họ tin rằng sẽ có cơ hội đổi đời. Do đó có rất nhiều người phải bán ruộng vườn nhà cửa hay vay nợ nần để chi trả cho các băng đảng tổ chức vượt biển với hy vọng làm lại cuộc đời trên đất hứa châu Âu. Nguyên nhân thứ hai là chiến tranh. Rất nhiều người đến từ những khu vực đầy mùi súng đạn, nơi mà cuộc sống hầu như không có ngày mai. Và họ di dân sang châu Âu chỉ với hy vọng tìm được một cuộc sống bình thường không phải chịu hãi hùng từng giây từng phút như ở đất nước của họ. Nhìn chung thì hiện tượng di dân từ các khu vực nghèo đói và chiến tranh sang các nước Tây Âu, bằng đường hợp pháp cũng như bất hợp pháp, là một hiện tượng xã hội toàn cầu mà nguyên nhân là chính sự phân chia nguồn tài nguyên thiên nhiên (như nguồn nước, đất canh tác, dầu khí) hoặc thu nhập kinh tế cực kỳ bất bình đẳng giữa hai khu vực: một bên là các nước thuộc khu vực công nghệ tiên tiến và một bên là các nước kém phát triển làm bao nhiêu cũng vẫn không đủ sống. Nhưng trong thời gian gần đây, trước những biến cố về chính trị ở một số nước như ở Tunisia, ở Ai Cập, và gần đây nhất là ở Libya, tạo ra tình trạng xã hội bất ổn định, hiện tượng di dân từ các vùng Bắc Phi vào châu Âu đã “tăng tốc” một cách đáng ngại. Theo tuyên bố báo động của Cao Uỷ Tị Nạn thì hiện nay đã có đến 150 000 người tị nạn đến từ các nước Ả Rập đang tràn ngập các trại tị nạn ở Tunisia, và con số người tị nạn vẫn tiếp tục gia tăng với vận tốc là 10 000 người mỗi ngày. Theo báo cáo của Cao Ủy, nếu không sớm có một phương hướng giải quyết ổn thoả thì tình hình sẽ bùng nổ, trước mắt là có thể xẩy ra tình hình bệnh dịch. Và về lâu về dài, nếu con số người này phải đổ bộ vào châu Âu thì cũng sẽ là một vấn đề lớn đối với các chính phủ châu Âu vốn đang phải đương đầu với những vấn đề kinh tế xã hội nội bộ trong hoàn cảnh khủng hoảng tài chính quốc tế từ mấy năm nay. Làn sóng di dân từ Trung Đông và Bắc Phi đang đổ vào nước Ý /AFP/Roberto Salomone Đứng về mặt địa lý mà nói thì từ Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải, điểm tiếp cận châu Âu gần nhất là các đảo ở phía cực Nam nước Ý. Với việc áp dụng hiệp ước Schengen hiện nay giữa các nước châu Âu, một khi đã đặt chân lên lãnh thổ nước Ý thì coi như việc tràn sang các nước châu Âu khác không có nhiều trở ngại vì việc quá cảnh qua biên giới giữa các nước châu Âu hoàn toàn tự do. Đấy là lý do chính khiến các đảo cực nam nước Ý đang phải hứng chịu cảnh người nhập cư bất hợp pháp tràn lan đến nỗi các trại đón tiếp ban đầu của những người tị nạn cũng đang bị quá tải, và tình hình này vừa gây căng thẳng ngay chính trong công luận địa phương của các đảo này, và cũng gây căng thẳng chính trị trong các lực lượng chính trị ở Ý. Ngoài lý do địa lý như vừa nói, cũng cần biết thêm rằng các cuộc vượt biển thường được các băng đảng xã hội đen với sự đồng lõa của một số quan chức địa phương của các nước Bắc Phi tổ chức, và chính các băng đảng xã hội đen này cũng thường xuyên hoạt động phối hợp với các băng đảng Mafia của Ý để tổ chức những tuyến nhập cư bất hợp pháp vào nước Ý để từ đó tổ chức cho họ sang các nước châu Âu. Bên cạnh đó, những người nhập cư bất hợp pháp này cũng chính là những lực lượng lao động sống bên lề xã hội, do đó vừa bị bóc lột dễ dàng và cũng là đối tượng lý tưởng để các băng đảng Mafia xung công vào những hoạt động xã hội đen. Nói chung là nước Ý được đánh giá là điểm nhập cư thuận lợi về mọi mặt để từ đó thâm nhập vào châu Âu. Chính sách đối đãi giới di dân tại Ý thuộc loại dễ dàng hay khắt khe ? Dân nhập cư bên Ý sinh hoạt ra sao? Vì có những chênh lệch trong phát triển kinh tế từ những thế kỷ trước do đó cho đến cuối thập niên 70 vừa qua, nước Ý vẫn còn là nước “xuất khẩu lao động” sang các nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, hay xa hơn là Mỹ. Cho đến cuối thập niên 70 vừa qua, nước Ý chưa hề phải đối đầu với những vấn đề nhập cư. Trong khi ở cùng thời điểm lúc đó, các nước châu Âu khác như Đức hay Pháp đã phải đối đầu với vấn đề nhập cư, việc xin giấy nhập cảnh vào Ý vẫn còn rất dễ dãi. Nước Ý chỉ bắt đầu ý thức được vấn đề nhập cư kể từ khi trên thế giới bắt đầu nổ ra làn sóng di dân khổng lồ từ các nước nghèo đói sang Tây Âu và Ý được chọn làm điểm tiếp cận gần nhất cho các tuyến đường vượt biển. Hiện tượng trễ nải nói trên của nước Ý trước vấn đề nhập cư, trong thời gian đầu cũng đã tạo ra những dễ dãi cho người nhập cư, nhưng song song đó, khi tình hình nhập cư bắt đầu ồ ạt, thì lúc đó công luận mới nghiệm ra rằng nước Ý thiếu hẳn một chính sách nhập cư và các điều luật cũng bắt đầu trở nên khắt khe. Thí dụ, cho đến những thập niên 80 vừa qua, việc một người nhập cư thuê mướn nhà cửa cũng rất dễ, giấy tờ đôi khi chỉ làm cho có lệ, nhưng hiện nay, việc mướn nhà càng trở nên khó khăn với những người nhập cư. Họ phải trưng đủ giấy tờ nhập cư hợp lệ và khả năng tài chính ổn định. Theo thống kê thì cộng đồng người nhập cư lớn nhất ở Ý vẫn còn thuộc về các sắc dân thuộc vùng Địa Trung Hải như người Ai Cập, người Bắc Phi. Trong khoảng trên dưới 20 - 25 năm trở lại đây, có cộng đồng người Philippines chủ yếu sang Ý theo chính sách xuất khẩu lao động và hoạt động trong các nghành nghề như dịch vụ cho các gia đình. Kể từ khi các nước Đông Âu tan rã thì có thêm cộng đồng của các sắc dân thuộc các nước Đông Âu cũ. Riêng trường hợp Trung Quốc thì kể từ cuối thế kỷ vừa qua, con số người Trung Quốc nhập cư sang Ý ngày càng đông, và nhất là cộng đồng Trung Quốc đã mang theo nguồn tài chánh đầu tư rất lớn vào các cơ sở sản xuất may mặc và nhập khẩu hàng từ Trung Quốc. Riêng cộng đồng người Việt thì con số rất hạn hẹp, cho đến nay, thống kê cho thấy có khoảng trên dưới 5 000 người Việt sinh sống trên nước Ý, và phần lớn là những người vượt biên được chính phủ Ý đón nhận vào những thập niên 80 hay những người nhập cư qua diện đoàn tụ gia đình sau này. Dân Ý chắc không có tính kỳ thị nhưng chắc cũng có một số ít cãm thấy bị thiệt thòi? Tình trạng kỳ thị nếu có thì nhắm vào những cộng đồng nào nhiều nhất? Chính giới Ý khai thác tâm lý này ra sao? Có thể nói rằng người Ý không có tính kỳ thị. Ngược lại phải công nhận rằng dân Ý rất cởi mở và nồng hậu. Nhưng ngược lại, người dân Ý cũng rất hời hợt trước những nét văn hoá khác biệt của những người nhập cư, do đó tính cởi mở và nồng hậu ... về lâu về dài thường bị sói mòn bởi sự thiếu hiểu biết về những nền văn hoá khác. Nhất là khi tình hình xã hội kinh tế ngày càng khó khăn ... thì những sói mòn đó có thể trở thành nhược điểm trong việc gìn giữ quan hệ với các cộng đồng nhập cư. Như đã nói ở phần trên, phía nhà nước Ý cũng chỉ mới cảm nhận được vấn đề nhập cư vào những thập niên 80 vừa qua, do đó trong các chính sách, các điều lụât về nhập cư cũng vẫn còn nhiều vướng mắc và đôi khi cũng bất cập. Nhiều lúc, các chính sách về nhập cư không được nghiên cứu trên một nền tản có tính khoa học xã hội kinh tế đương đại để đối đầu với một hiện tượng mang tính toàn cầu, mà thường chỉ là những đòn ngón chính trị của các lược lượng đảng phải được đào nặn vào những mùa tranh cử để tìm cách thu phục cử tri. Có thể trình bày một cách đơn giản tệ nạn nói trên bằng một thí dụ rất cổ điển: Hiện nay ở nước Ý có một số ngành nghề lao động đơn giản mà hầu như người dân Ý không mấy ai còn muốn làm, chẳng hạn như nghề lao chùi nhà cửa, rửa chén bát ở các tiệm ăn, làm ô-xin cho các gia đình, lao động thấp ở các cơ sở luyện kim hay cơ khí, quét rác, nấu ăn, trông coi người già hay bệnh tật ... Thậm chí đến cái nghề “gia truyền” là nghề làm pizza, bây giờ cũng chẳng mấy khi thấy chính người Ý đứng bên lò pizza, mà phần lớn được cộng đồng người Ai Cập thay thế: Gần 80% các cửa hàng pizza ở Ý hiện nay đều có “đầu bếp” là người Ai Cập. Điều nầy cho thấy 2 hiện tượng: con số thuế thu nhập của người nước ngoài phải đóng cho nhà nước Ý cũng đang ngày gia tăng, và hiện tượng thứ hai là nếu không có những người nhập cư ...thì xã hội Ý cũng sẽ bị khủng hoảng lao động trong những ngành nghề nói trên. Ây thế mà lúc nào cũng có những lực lượng chính trị bảo thủ và mị dân ra rả đòi đưa ra những điều luật ngăn chận nhập cư để bảo vệ công ăn việc làm cho chính người Ý. Như đã nói ở trên, người Ý không có tính kỳ thị, nhưng do hoàn cảnh kinh tế xã hội ngày càng khó khăn, thanh niên trẻ thất nghiệp ngày càng đông, do đó đã có xẩy ra những hiện tượng hành hung người nước ngoài, nhưng đó là một cách biến tướng của tình trạng những người thấp cổ bé miệng trong xã hội tuyệt vọng không biết phải trách móc ai nên quay ra tìm những đối tượng thấp cổ bé miệng hơn mình để xả cơn tức giận, đó là những người nhập cư, nếu là nhập cư bất hợp pháp thì lại càng dễ xả cơn giận ... vì đó là những phần tử không có tiếng nói trong xã hội. Nói chung, có thể nói, đấy là tình trạng của người nghèo khó chống người nghèo khó, là cuộc chiến giữa những người nghèo với nhau trong cơn tuyệt vọng. Trong bối cảnh xáo trộn tại Bắc Phi thì nước Ý chuẩn bị ra sao về tâm lý và phương tiện chống di dân? Trong tình hình xáo trộn chính trị hiện nay ở Bắc Phi, nhất là kể từ khi nổ ra vụ việc ở Libya, nước Ý đặt trong tình trạng báo động. Báo động bởi nhiều lẽ: Thứ nhất: Ý là nước có nền kinh tế sản xuất lệ thuộc gần như toàn bộ vào nhập khẩu năng lượng: đến 95% năng lượng tiêu dùng phải nhập từ Nga, từ Trung Đông, từ Nam Mỹ ... và từ Libya. Riêng Libya chiếm đến 20% số lượng dầu khi nhập khẩu. Do đó, những biến động hiện nay ở Libya cũng đang gây lo lắng cho chính nước Ý. Thứ hai: Cũng chính vì phải dựa vào đến 20% số lượng dầu khí nhập khẩu, từ đó các chính phủ Ý xưa nay, tả cũng như hữu, đều cố gắng giữ quan hệ tốt đẹp với Kadhafi, dù rằng có thể ai cũng biết bản chất thật của Kadhafi là như thế nào. Và nhất là kể từ khi Berlusconi lên nắm chức vụ thủ tướng Ý thì quan hệ với Kadhafi càng trở nên cực kỳ “hữu nghị”, đôi khi đến độ thái quá, thì dụ như những tuyên bố tâng bốc quá mức của Berlusconi đối với Kadhafi hay những hình ảnh mà trong cương vị thủ tướng Berlusconi lại tự cúi đầu hôn tay Kadhafi là điều không có ghi trong văn bản lễ tân giữa hai nước. Và chính vì đã đặt hết canh bạc lên một nhân vật như Kadhafi, ngày nay nhân vật này đã không còn hữu dụng, thì chắc chắn chính phủ Ý sẽ phải chịu những hậu quả về sự sai lầm trong canh bạc Kadhafi. Thứ ba: nếu tình hình Libya tiếp tục xấu và sẽ còn kéo dài .. thì tình hình di tản sẽ càng trở nên báo động và nước Ý sẽ càng bị áp lực di dân bất hợp pháp. Các đảo cực nam nước Ý chắc chắn sẽ có khả năng bị tràn ngập người di tản. Trong các điều lo ngại kể trên, vấn đề giải quyết chuyện di tản đang là mối lo hàng đầu của chính phủ Ý. Hiện nay, chính phủ Ý đang đề ra song song hai hướng giải quyết. Hướng thứ nhất là phải tìm cách làm giảm áp lực vượt biển. Để làm điều này, trong vòng 48 tiếng đồng hồ sắp tới, chính phủ Ý sẽ cho mở một Ủy ban của Ý chuyên trách về vấn đề di tản có mặt ngay tại biên giới Tunisia và Libya nhằm tìm cách hỗ trợ tại chỗ người di tản. Với phương hướng này, Roma hy vọng có thể làm giảm áp lực vượt biển để tràn vào nước Ý. Phương hướng thứ hai là Ý đang kêu gọi trách nhiệm và sự cộng tác của toàn thể châu Âu trước sự báo động di tản. Để làm điều này, Ý đề nghị các nước châu ÂU ngồi chung với nhau, đưa ra một phương hướng giải quyết chung và cùng trách nhiệm đóng góp thay vì chỉ để nước Ý một mình đứng mũi chịu sào. Phía chính phủ Ý sẵn sàng cho phép tât cả các nước châu Âu sử dụng các căn cứ hậu cần và quân sự của Ý để cùng nhau hợp lực giải quyết vấn đề di tản. Chính phủ Ý cũng đề nghị một giải pháp dùng hải quân của các nước chung quanh Địa Trung Hải để kiểm soát các tuyến đường vượt biển nhập cư bất hợp pháp lên các đảo cực nam của Ý. Theo tính toán thì một cuộc họp châu Âu về vấn đề này sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 3 sắp tới. Thực ra thì vấn đề nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển từ Bắc Phi vào châu Âu xuyên qua các đảo cực nam của Ý cũng đã nhiều năm nay được các chính phủ Ý coi như là vấn đề chung của cả châu Âu, vì Ý chỉ coi như là điểm tiếp cận để đổ bộ lên châu Âu. Cách đánh giá như thế cũng đã từng được các chính phủ Ý đưa ra trước Hội Đồng Châu Âu để bàn thảo, nhưng từ trước đến nay, nói chung, cả khối châu Âu cũng vẫn chưa có một đường hướng giải quyết cụ thể nào cả. Phía các chính phủ Ý thì phê phán châu Âu vẫn chưa thực tâm muốn lấy trách nhiệm, mà mọi chuyện vẫn muốn để chính phủ Ý một mình đứng mũi chịu sào. Phía Hội Đồng Châu Âu thì báo cáo rằng chính những quan hệ song phương giữa hai nước Ý là Libya, và nhất là quan hệ “đặc biệt” cá nhân giữa Berlusconi và Kadhafi đã không cho phép châu Âu có thể đưa ra một chính sách chung, thí dụ như chính Bersluconi đã ký kết riêng với Kadhafi hiệp ước song phưong để kiểm soát đường biển giữa hai nước nhằm ngăn chận làn sóng vượt biển, nhưng tính ra sự kiểm soát này đã không đạt hiệu quả, bằng cớ là con số người vượt biển nhập cư vào các đảo cực nam của Ý trong những năm gần đây vẫn tiếp tục gia tăng. Hy vọng lần này, với sự báo động của Cao Ủy Tị Nạn, vấn đề áp lực di dân sẽ được toàn thể châu Âu lấy trách nhiệm và ra một phương hướng giải quyết lâu dài.
|