Phương Tây có cần can thiệp vào Libya hay không? |
Tác Giả: Alain Gresh / Phạm Nguyên Trường (dịch) | ||||
Thứ Hai, 28 Tháng 2 Năm 2011 11:20 | ||||
Trước hết phải công nhận sự kiện là trừ những trường hợp cực kì ngoại lệ, thí dụ như vụ diệt chủng ở Ruanda, sự can thiệp bằng quân sự do Liên hiệp quốc bảo trợ không phải là giải pháp tốt nhất. Kể từ khi chế độ của Ben Ali ở Tunisia sụp đổ, làn sóng bất bình của dân chúng, được kênh truyền hình Al Jazzera khuyến khích, đã bao trùm lên thế giới Arab. Chính kênh truyền hình này đã tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế theo dõi một cách trực tiếp sự phát triển của các sự kiện. Từ Marocco đến Bahrain, từ Algeria đến Irak, người dân tay không một tấc sắt đã tràn ra đường phố và đòi phải tiến hành những cuộc cải cách chính trị và công bằng xã hội. Trong phần lớn các trường hợp, chính quyền đã tránh sử dụng bạo lực, trong khi ở Libya người biểu tình đã gặp phải những cuộc đàn áp cực kì dã man. Thông tin nhận được từ Libya vừa chứa đầy mâu thuẫn, vừa rời rạc và không được kiểm chứng. Không ai nghi ngờ về sự tàn bạo của chế độ, số người thiệt mạng cũng rất lớn: theo số liệu của các tổ chức phi chính phủ thì đã có hàng trăm người chết, họ đều là nạn nhân của những vụ bạo hành do những lực lượng trung thành với chính phủ thực hiện. Nếu miền Đông, với những thành phố như Benghazi và Tobrouk đã nằm trong tay những người khởi nghĩa, cho phép các nhà báo ngoại quốc ra vào thì miền Tây và trước hết là Tripoli vẫn là khu vực bị bế quan tỏa cảng. Có vẻ như Kaddafi vẫn kiểm soát được tình hình ở thủ đô và vẫn giữ được lòng trung thành của các bộ lạc. Gần đây ông ta đã tuyên bố rằng từ mai Tripopli sẽ mở cửa cho tất cả các nhà báo. Ngoài ra, ông ta còn dựa vào đám lính đánh thuê từ Trung Phi, điều này có thể tạo ra làn sóng bài sắc tộc ở trong nước. Tính cách độc tài và thiếu nhất quán của đại tá Muammar Kaddafi càng được khẳng định trong bài diễn văn mà ông ta đọc vào ngày 22 tháng 2 năm nay. Nhà lãnh đạo Libya nhắc nhở mọi người về thành tích của chế độ của ông ta (trước hết là việc rút các căn cứ quân sự của Anh và Mĩ và quốc hữu hóa lãnh vực dầu khí), những thành tích này đã mang lại cho ông ta sự ủng hộ rộng rãi của người dân và những lời phê phán nặng nề không kém từ phía phương Tây. Tuy nhiên trong bài diễn văn này ông ta cũng nói rằng không thể từ chức vì không giữ một chức vụ nào hết, rằng ông ta sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và đất nước đang tiến gần đến một cuộc nội chiến. Sự bất bình chính đáng đối nghịch hẳn với sự im lặng tuyệt đối vào đầu những năm 2000, khi mà chế độ bắt đầu hòa giải với phương Tây và tiến hành đàn áp một cách dã man phong trào Hồi giáo. Những vụ bắt bớ và tra tấn người Hồi giáo ở Libya (cũng như ở Ai Cập và Tunisia) đã không làm cho những tâm hồn trong trắng đó xúc động. Dù sao mặc lòng, những lời kêu gọi can thiệp ngày càng vang lên một cách thường xuyên hơn. Trong blog trên Foreign Policy, Marc Lynch (Giám đốc viện Nghiên cứu Trung Đông, thuộc trường đại học George Washington – ND) đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình về vấn đề này, đầu đề của bài viết ‘Can thiệp vào bi kịch Libya’ (21/02/2011) đã cho thấy rõ điều đó: “Cần phải đưa ra sự tương đồng với Bosnia, Kosovo hay thậm chí với Uganda: chúng ta đã nhìn thấy những vụ tắm máu được truyền hình trực tiếp và cả thế giới đều muốn hành động. Đã đến lúc Mĩ, NATO, Liên hiệp quốc và Liên đoàn các nước Arab cần phải sử dụng vũ lực nhằm ngăn chặn các sự kiện đã làm đổ khá nhiểu máu và đang xấu đi.” Tuy nhiên những sự so sánh được nhắc tới bên trên không phải là hoàn toàn đúng chỗ. Ở Ruanda đã diễn ra một cuộc diệt chủng với hàng trăm ngàn người chết, còn việc can thiệp bằng quân sự vào Kosovo khó có thể gọi là thắng lợi. Marc Lynch viết tiếp như sau: “Hành động ở đây tôi hiểu là một sự đáp trả trực tiếp và kiên quyết nhằm ngăn chặn chính quyền Libya sử dụng vũ lực để đàn áp người chống đối. Tôi đã thấy những bản báo cáo cho rằng NATO đã gửi tới Libya lời cảnh báo nghiêm khắc về những vụ đàn áp mới nhằm chống lại nhân dân nước họ. Lực lượng NATO có thể coi không phận Libya là vùng cấm bay, không để cho họ sử dụng không quân chống người biểu tình”. Trong khi đó Justin Raimondo (Tổng biên tập website: Antiwar.com – ND) có quan điểm trái ngược hẳn. Trong bài báo ‘Libya như là mục tiêu can thiệp’ (23 tháng 2) trên site Antiwar.com, ông ta viết như sau: “Bóng ma của sự can thiệp của Mĩ – đấy là cái Faddafi đang cần: tất cả những điều này chỉ có lợi cho ông ta. Hành động của Mĩ thường như thế, hậu quả của sự can thiệp như thế thường trái ngược hẳn với kế hoạch. (...) Chả lẽ giáo sư Lynch thực sự cho rằng sự can thiệp một cách “kiên quyết” (...) không củng cố địa vị của Kaddafi hay sao? Ông ta biết cách lợi dụng tình cảm và định kiến của nhân dân nước mình, còn chiến lược của ông ta là chia đất nước theo thế hệ” (...) “Sự can thiệp của phương Tây chỉ củng cố thêm vị trí của Kaddafi và cứu ông ta khỏi một kết cục xứng đáng với ông ta. Ngoài ra, nó sẽ đưa vũ khí vào tay phong trào Hồi giáo hiện đang mai danh ẩn tích, mà phong trào này lại có cảm tình với Al-Qaeda. Quan niệm của hai bên sẽ trùng hợp với nhau ở nhiều điểm. Kaddafi sẽ nói: người ngoại quốc đã tới để chiếm đất nước ta. Phong trào Hồi giáo sẽ nói: bọn thập tự chinh đã tới nhằm tước đoạt cuộc cách mạng của chúng ta”. Các sự kiện đang diễn ra ở Libya đơn giản là kinh khủng. Nhưng đã có ai đòi can thiệp quân sự khi máy bay Israel ném bom dải Gaza? Hay khi NATO ném bom Afghanistan? Hay khi Mĩ ném bom Irak? Ngoài ra, trường hợp Irak kêu gọi chúng ta phải cực kì thận trọng. Chế độ độc tài của Saddam Hussein là một trong những chế độ dã man nhất ở Trung Đông, mặc dù được coi là đồng minh của Mĩ trong cuộc chiến tranh với Iran. Việc đưa quân vào Kuweit đã làm thay đổi tương quan lực lượng và biến nước này thành kẻ bỏ đạo. Nhưng tám năm sau khi Mĩ đổ quân vào Irak, ai dám nói là thắng lợi? Tất cả những hành động phản đối, cả trong khu vực Kurdistan (được coi là mẫu hình dân chủ) cũng như ở những nơi khác đều bị đàn áp một cách dã man, mặc dù đa số các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng tốt nhất là ngậm miệng. Thế thì phải làm gì? Trước hết phải công nhận sự kiện là trừ những trường hợp cực kì ngoại lệ, thí dụ như vụ diệt chủng ở Ruanda, sự can thiệp bằng quân sự do Liên hiệp quốc bảo trợ không phải là giải pháp tốt nhất. Hơn nữa, việc thực hiện chắc chắn sẽ được giao cho NATO, thế mà vai trò của nó ở Afghanistan không phải là tích cực lắm. Các phong trào quần chúng ở Tunisia và Ai Cập đã đi đến kết cục hợp lí mà không cần bất kì sự nào can thiệp từ bên ngoài. Cần phải tính đến quan điểm của Liên đoàn các nước Arab, lần đầu tiên Liên đoàn này đã đưa ra quyết định ngừng tư cách thành viên của một nước do những vấn đề liên quan tới “chủ quyền quốc gia”. Quan điểm này cũng như quan điểm của Tổ chức thống nhất châu Phi và tổ chức Hội nghị Hồi giáo sẽ làm gia tăng sự chia rẽ của chế độ, mà trước hết là trong quân đội và các nhà ngoại giao, nhiều người trong số đó đã bỏ rơi Kaddafi rồi. Quan điểm của các tổ chức này còn có giá trị hơn là ý kiến của các nhà lãnh đạo Âu-Mĩ, những người có Nếu các nước châu Âu không thể và không muốn làm cho chính sách đối ngoại của mình phụ thuộc vào việc bảo vệ quyền con người cũng như không muốn cắt đứt quan hệ với những chế độ vi phạm quyền con người (thí dụ như Israel) thì họ vẫn phải soạn thảo một chính sách có cân nhắc hơn, cân bằng được giữa các nguyên tắc và quyền lợi, hơn nữa, nhiều dự án tưởng như là tuyệt vời lại kết thúc một cách thảm hại: - Trong những năm vừa qua các nước châu Âu (trong đó có Pháp) đã cung cấp vũ khí cho quân đội Libya, cố vấn cho họ và cung cấp cho họ các phương tiện nhằm đấu tranh chống lại chính nhân dân nước mình (Paris thậm chí còn nghĩ đến việc bán máy bay trực thăng Rafale nữa); - Châu Âu và trước hết là Italy ủng hộ chế độ của đại tá Kaddafi là do họ nghĩ rằng Libya có thể ngăn chặn được dòng người tị nạn từ châu Phi vào châu Âu. Ý muốn ngăn chặn dòng người tị nạn đã buộc Brussel phải giúp đỡ một loạt chế độ không quan tâm đến quyền con người. Phải bảo vệ pháo đài châu Âu bằng mọi giá, do quan điểm như thế mà Kaddafi đã trở thành đồng minh rất có giá trị của Silvio Berluskoni; Đáng tiếc là khi nhìn vào các sự kiện đầy bi kịch ở Libya thì người châu Âu lại lo lắng trước hết đến tương lai của việc xuất khẩu dầu mỏ và sợ hãi trước làn sóng của người nhập cư. Quan hệ như thế sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho tương lai hết. Như vậy là chính các nguyên tắc được xem xét bên trên chứ không phải lời kêu gọi can thiệp bằng quân sự sẽ phải trở thành động lực cho chính sách của châu Âu đối với tất cả các nước Arab, mà đặc biệt là các nước nằm ở phía Nam Địa Trung Hải, những nước đang bị làn sóng cách mạng từ thế giới Arab tràn vào. Nguồn: Faut-il intervenir militairement en Libye? Alain Gresh (Le Monde diplomatique, 24/02/2011)
|