Đại Tá Gaddafi của Nước Libya |
Tác Giả: © Phạm Văn Tuấn | |||
Thứ Bảy, 26 Tháng 2 Năm 2011 00:15 | |||
Ông Gaddafi là nhân vật lãnh tụ lâu năm nhất của các quốc gia không theo quân chủ Đại Tá Muammar Abu Mingar al-Gaddafi, được gọi tắt là Đại Tá Gaddafi (các cách viết khác là Qaddafi, Gadhafi hay Gadhafy), hiện nay là nhà lãnh đạo của nước Libya, cầm quyền kể từ cuộc đảo chính vào năm 1969. Ông Gaddafi là nhân vật lãnh tụ lâu năm nhất của các quốc gia không theo quân chủ (non-royal national leaders) và cũng là lãnh tụ cầm quyền lâu dài nhất của nước Libya, nếu kể từ năm 1551 khi đất nước này còn là một tỉnh của Đế Quốc Ottoman. Vào năm 1972 khi ông Gaddafi hủy bỏ chức vụ Thủ Tướng, ông được gọi là “Người Hướng Dẫn của cuộc Đại Cách Mạng mồng 1 tháng 9 của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nhân Dân Ả Rập Libya” (Guide of the First of September Great Revolution of the Socialist People’s Libyan Arab Jamahiriya) hay của nước Jamahiriya, và ông Gaddafi còn có danh xưng là “Người Lãnh Đạo Anh Em hay Người Hướng Dẫn của cuộc Cách Mạng” (Brotherly Leader or Guide of the Revolution). 1. Thời kỳ thanh niên Ông Gaddafi sinh ngày 7 tháng 6 năm 1942, trong một gia đình du mục Bedouin nghèo khó với cha mẹ sinh sống nhờ trồng trọt và chăn nuôi một số nhỏ dê và lạc đà, tại một địa điểm gần thị trấn Sirt. Khi lên 7 tuổi, cậu Gaddafi đã theo các lớp tiểu học và trung học nhưng vì gia đình nghèo và gốc Bedouin, cậu đã bị các bạn bè khinh rẻ. Lúc còn là thanh niên, cậu Gaddafi đã là người ngưỡng mộ Tổng Thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, là nhân vật đã mang lại niềm hãnh diện Ả Rập, sự đoàn kết và độc lập cho xứ sở, cậu đã ưa thích ý thức hệ quốc gia (nationalist) và xã hội chủ nghĩa Ả Rập (Arab socialist). Vào năm 1956 nhân vụ khủng hoảng Kênh Đào Suez, cậu Gaddafi đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống Do Thái. Năm 1963, Gaddafi theo học tại Học Viện Quân Sự Benghazi, tốt nghiệp sĩ quan vào năm 1965. 2. Khi cầm quyền Vào ngày 1 tháng 9 năm 1969, khi Vua Idris (trị vì từ 1951-69) của xứ Libya đi chữa bệnh tại nước Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm nhỏ các sĩ quan trung cấp, lãnh đạo bởi Đại Úy Gaddafi, đã âm mưu một cuộc đảo chính không đổ máu. Nhóm sĩ quan này đã quản thúc tại nhà Hoàng Thái Tử Sayyid Hasan ar-Rida al-Mahdi as-Sanussi, công bố hủy bỏ chế độ quân chủ và thành lập nứoc Cộng Hòa Ả Rập Libya mới (the new Libyan Arab Republic). Một Hội Đồng Chỉ Huy Cách Mạng được thành lập để cai trị đất nước với Đại Úy Gaddafi làm Chủ Tịch rồi vào năm 1970, ông Gaddafi tự nhận là Thủ Tướng (Prime Minister) nhưng 2 năm sau, ông lại không dùng danh xưng này. Không giống như nhiều nhà cách mạng quân sự khi nắm quyền lực, ông Gaddafi không ưa thích được thăng cấp lên hàng tướng lãnh mà chỉ chấp nhận một nghi lễ nâng cấp từ Đại Úy lên Đại Tá và ông vẫn còn lưu giữ cấp bậc này cho đến ngày nay, bởi vì theo lời của chính ông, xứ sở Libya “được cai trị do dân” (ruled by the People), vì vậy ông Gaddafi không cần tới các danh xưng lớn lao hay các cấp bậc cao cấp của quân lực. Đại Tá Gaddafi đã tổ chức lại chế độ mới của nước Libya bằng cách pha trộn Chủ Nghĩa Quốc Gia Ả Rập (Arab nationalism) với các hình thức của một xứ sở dùng tới hệ thống phúc lợi xã hội nhà nước (the welfare state), thứ hệ thống này được ông Gaddafi gọi tên là “nền dân chủ trực tiếp và phổ thông” (direct, popular democracy). Ông Gaddafi đã gọi hệ thống xã hội chủ nghĩa của ông ta là “xã hội chủ nghĩa Islam” (Islamic socialism) trong đó chính quyền cho phép tư nhân làm chủ các công ty nhỏ còn chính quyền sở hữu các công ty lớn. Chế độ xã hội chủ nghĩa Islam này đã đặt nặng các vấn đề phúc lợi (welfare), giải phóng (liberation, emancipation) và giáo dục, ngăn cấm cờ bạc và uống rượu. Để bắt chước các nhà cách mạng trong thế kỷ 20, đặc biệt là Mao Trạch Đông với quyển sách nhỏ “Mao Tuyển” (the Little Red Book), ông Gaddafi đã tóm lược triết lý chính trị của ông ta trong “Cuốn Sách Xanh” (the Green Book) và quyển sách tóm lược nhỏ này được cấp phát cho người dân Libya mỗi người một cuốn, trong khi toàn bộ tư tưởng được in thành 3 tập được xuất bản từ năm 1975 tới năm 1979. Vào năm 1977, Đại Tá Gaddafi còn công bố rằng nước Libya đã thay đổi hình thức chính quyền, từ một nước cộng hòa (a republic) sang loại xứ sở “Jamahiriya” , đây là một từ mới có nghĩa là một quốc gia quần chúng (a mass-state) hay “chính quyền do quần chúng quản trị (government by the masses). Theo lý thuyết, từ nay nước Libya theo nền dân chủ trực tiếp (direct democracy), cai trị bời người dân qua các hội đồng phổ thông địa phương (local popular councils) hay các công xã (communes). Ở trên đỉnh của tổ chức đất nước này là “Quốc Hội Nhân Dân” (the General People’s Congress) với Đại Tá Gaddafi là Tổng Bí Thư (Secretary General). Hai năm sau, ông Gaddafi đã từ bỏ mọi chức vụ chính quyền để theo đúng lý thuyết triết học bình đẳng mới (the new egalitarian philosophy). 3. Các chính sách đối ngoại của Đại Tá Gaddafi Sau khi chiến thắng trong cuộc Cách Mạng năm 1969, ông Gaddafi cố gắng tìm cách để chính mình trở nên một nhân vật giống như nhà cách mạng Che Guevara, ông thường mặc bộ y phục đi săn (safari-suit) với cặp kính mát luôn luôn che đôi mắt. Ông Gaddafi đã giúp đỡ các phần tử cấp tiến chống phương tây (anti-Western radicals) bằng cách cung cấp cho họ vũ khí và ngân khoản tài chính, miễn là họ chống chủ nghĩa đế quốc (imperialism). Vào năm 1970, Đại Tá Gaddafi cũng ra lệnh trục xuất tất cả người Ý (Italians) sinh sống trên xứ Libya. Tại trong nước, ông cũng đàn áp bằng võ lực các vụ chống đối chính quyền. Nhiều người đã chống đối các chính sách của ông Gaddafi bởi vì các hành động của ông đi ngược với một số luật lệ tôn giáo và truyền thống. Các người chống đối công khai đã bị “mất tích”, chẳng hạn người ta không còn thấy Sheikl al-Bishti, một vị lãnh đạo tôn giáo tại thành phố Tripoli khi ông này lên án chế độ của Đại Tá Gaddafi. Một số các người chống đối đã phải chạy ra nước ngoài, một nhóm khác gọi tên là Mặt Trận Quốc Gia Cứu Nguy Libya (the National Front for the Salvation of Libya = NFSL) đã âm mưu một cuộc đào chính vào năm 1984, nhưng họ đã không thành công. Một nhóm khác tên là al-Burkan, đã tìm cách ám sát các nhân viên cao cấp của chính quyền. Để đàn áp các kẻ chống đối, các ủy ban cách mạng của ông Gaddafi cũng gửi ra nước ngoài vào tháng 4 năm 1980 các đội mật vụ ám sát để tìm cách giết hại các nhà đối lập và kết quả là 9 người Libyans đã bị ám sát trong đó 5 người đang sinh sống tại nước Ý. Chế độ toàn trị của Đại Tá Gaddafi vẫn bị dân chúng trong nước chống đối. Vào tháng 10 năm 1993, một số phần tử trong quân đội Libya đã tìm cách ám sát ông Gaddafi nhưng họ không thành công. Vào ngày 14/7/1996, nhân dịp trận bóng đá do người con trai của ông Gaddafi tổ chức tại Tripoli, đã xẩy ra một cuộc nổi loạn đẫm máu để phản đối sự đàn áp của chính quyền. Theo các người bất đồng chính kiến, tới nay đã có 343 nạn nhân bị giết hay bị ám sát vì chính trị. Theo lời tố cáo của Hội Nhân Quyền Libya (the Libyan League for Human Rights = LLHR), vào tháng 2 năm 2006 trong một cuộc biểu tình phản đối chính quyền tại thành phố Benghazi, đã có 30 người Libya và ngoại quốc bị giết. Đối với các nước láng giềng, Đại Tá Gaddafi đã làm theo các ý tưởng “thuần Ả Rập” (pan-Arabism) của Tổng Thống Gamal Abdel Nasser của nước Ai Cập và là người cổ võ cho chương trình hợp nhất mọi quốc gia Ả Rập thành một nước Ả Rập duy nhất. Sau khi Tổng Thống Nasser qua đời vào ngày 28/9/1970, Đại Tá Gaddafi đã muốn trở nên nhà lãnh đạo ý thức hệ của chủ nghĩa quốc gia Ả Rập (Arab nationalism). Vào năm 1972, Đại Tá Gaddafi công bố thành lập “Liên Hiệp các Quốc Gia Cộng Hòa Ả Rập” (the Federation of Arab Republic), gồm 3 nước Libya, Ai Cập và Syria, nhưng cả ba quốc gia này đã không đồng ý với nhau về các điều kiện hợp nhất. Hai năm sau, 1974, ông Gaddafi đã ký một thỏa hiệp với Tổng Thống Tunisia là ông Habib Bourguiba, để hai nước kết hợp lại thành một quốc gia nhưng rồi trên thực tế, các khác biệt cơ bản đã làm cho hai nước này trở thành thù nghịch. Nước Libya cũng tham gia vào việc tranh giành giẻo đất Aouzou (the Aouzou Strip) với nước Chad láng giềng, miền đất này bị người Libya chiếm đóng vào năm 1973. Cuộc tranh chấp đã dẫn tới việc quân đội Libya xâm lăng qua nước láng giềng và vụ xung đột được chấm dứt bằng cuộc ngưng chiến vào năm 1987. Cuộc tranh giành đất đai này đã kết thúc một cách hòa bình vào tháng 6 năm 1994 khi Tòa Án Quốc Tế (the International Court of Justice) ra lệnh cho Libya phải rút quân đội ra khỏi nước Chad. Đại Tá Gaddafi cũng là người ủng hộ mạnh mẽ cho Tổ Chức Giải Phóng Palestine (the Palestine Liberation Organization), công việc này đã làm thiệt hại tới sự liên hệ với nước Ai Cập khi vào năm 1979 nước Ai Cập ký thỏa ứơc Hòa Bình với nước Do Thái. Nhưng sự ủng hộ kể trên đã không kéo dài được lâu khi nước Do Thái bắt đầu thương lượng về vấn đề hòa bình với Mặt Trận Giải Phóng Palestine (PLO) thì Đại Tá Gaddafi đã phản ứng lại bằng cách trục xuất 30,000 người Palestines sinh sống tại Libya. Trong khi liên hệ với Ai Cập kém đi, Đại Tá Gaddafi tìm cách kết thân với Liên Xô và như vậy Libya đã là nước ở ngoài khối Liên Xô mà nhận được các chiến đấu cơ siêu thanh Mig-25 (the supersonic Mig-25 combat fighter), nhưng rồi sau đó, các liên lạc Libya-Liên Xô bị suy giảm đi. 4. Trợ giúp các tổ chức khủng bố Đại Tá Gaddafi muốn làm gia tăng ảnh hưởng của nước Libya ra các xư sở bên ngoài, đặc biệt là những nơi có dân số Hồi Giáo. Ông Gaddafi đã kêu gọi nên tạo dựng ra một quốc gia Islam của miền Sa Mạc Sahara (a Saharan Islamic state) và nước Libya đã yểm trợ cho các lực lượng chống chính phủ trong miền đất phía nam của Sa Mạc Sahara. Nước Libya còn bảo trợ các phong trào nổi loạn tại miền tây của châu Phi (West Africa), đặc biệt là tại 2 xứ Sierra Leone và Liberia, yểm trợ cho mặt trận Polisario (the Polisario Front) trong các công cuộc chống “chủ nghĩa thuộc địa hóa Tây Ban Nha” (Spanish colonialism) và sự chiếm đóng quân sự Marốc (the Moroccan military occupation), cũng như đỡ đầu cho các nhóm Muslim khác và trong 2 thập niên 1970 và 1980, nhiều nhóm khủng bố với ý thức hệ khác hẳn với triết lý của ông Gaddafi cũng đã nhận được tài trợ và giới quan sát quốc tế khó mà hiểu rõ các lý do của các hành động của ông Gaddafi. Vào giữa thập niên 1980, đa số các nhà chính trị phương tây cho rằng Đại Tá Gaddafi là người đứng đầu cung cấp tài chính cho các vụ khủng bố quốc tế (international terrorism). Nhiều cơ quan đã báo cáo rằng ông Gaddafi là ngừoi tài trợ chính cho “Phong Trào Tháng 9 Đen” (the Black September Movement) với quân khủng bố đột nhập vào khu vực “Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1972” (the 1972 Summer Olympics) và Hoa Kỳ đã tố cáo ông Gaddafi phải chịu trách nhiệm về vụ đặt bom Vũ Trường Berlin năm 1986 (the 1986 Berlin discotheque bombing), làm cho 3 người chết, hơn 200 người bị thương với số thương vong đáng kể là quân lính Hoa Kỳ. Ông Gaddafi cũng bị tố cáo đã trả tiền cho tên “Carlos the Jackal” để bắt cóc các bộ trưởng mỏ dầu của 2 nước Iran và Ả Rập Saudi, rồi sau đó thả họ ra. Chính sách chống phương tây của Đại Tá Gaddafi đã gây tiếng xấu trong các giới ngoại giao và trong giới truyền thông của phương tây, rồi các căng thẳng giữa nước Libya và phưong tây đã đi tới cao điểm trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Ronald Reagan. Chính quyền thời Tổng Thống Reagan đã coi Libya là một nước hiếu chiến, đã có lập trường không thỏa hiệp đối với nền độc lập của xứ Palestine, đã ủng hộ nước Iran cách mạng chống Iraq trong các năm 1980-88, đã hậu thuẫn cho các “phong trào giải phóng” tại các quốc gia đang phát triển. Tổng Thống Reagan đã gọi Đại Tá Gaddafi là “con chó điên của miền Trung Đông” (the mad dog of the Middle East). Vào tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cấm tất cả các công dân Hoa Kỳ du lịch tới xứ Libya rồi tới tháng 3 năm 1982, Hoa Kỳ cấm nhập cảng dầu thô của Libya, cấm xuất cảng các kỹ thuật lọc dầu của Hoa Kỳ qua xứ sở này. Vào năm 1984, một cảnh sát viên người Anh tên là Yvonne Fletcher trong khi đang canh gác tại một cuộc biểu tình chống Gaddafi bên ngoài Thư Viện Libya trong thành phố London thì một loạt súng liên thanh đã nổ từ bên trong tòa nhà thư viện làm thiệt mạng cô cảnh sát viên kể trên. Các nhà ngoại giao Libya đã viện cớ được đặc miễn ngoại giao để trở về xứ mà không bị xét xử về vụ án mạng kể trên. Vì thế nước Anh đã đoạn tuyệt ngoại giao với nước Libya trong hơn một chục năm. Tại ngoài khơi của xứ Libya, từ tháng 1 tới tháng 3 năm 1986, Hải Quân Hoa Kỳ đã tấn công các tầu tuần tiễu của Libya trong Vịnh Sidra, nơi đây nước Libya coi là lãnh hải của họ. Rồi vào ngày 15 tháng 4 năm 1986, Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã hạ lệnh thả bom vào hai thành phố Tripoli và Benghazi, cuộc oanh tạc này được gọi là “Cuộc Hành Quân El Dorao Canyon”, đã làm chết 45 nhân viên dân sự và quân sự của Libya, 15 người dân thường cùng với người con gái nuôi của ông Gaddafi tên là Hannah. Libya đã chống lại bằng cách bắn 2 hỏa tiễn Scud vào các tầu tuần duyên Hoa Kỳ đang trú đóng tại hòn đảo Lampedusa của nước Ý. Hai hỏa tiễn này đã rơi xuống biển và không gây thiệt hại. Vào cuối năm 1987, con tầu biển thương mại tên là MV Eksund bị chặn lại và bị khám xét, người ta đã tìm thấy rất nhiều võ khí và chất nổ được xứ Libya chuyển vận cho Phong Trào Giải Phóng Ái Nhĩ Lan (IRA). Nhiều người đã tin chắc rằng Đại Tá Gaddafi đã từng xuất cảng võ khí cho nhóm nổi loạn FARC tại xứ Columbia. Nước Libya còn bị tố cáo đã cho đặc công của mình gài bom trên chuyến bay Pan Am số 103, khiến cho chiếc phi cơ này bị nổ trên không phận của miền Lockerbie, Tô Cách Lan (Scotland). Vụ phá hoại này đã khiến cho nước Libya đã bị một số nước phương tây cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao, bởi vì Đại Tá Gaddafi đã từ chối không cho dẫn độ 2 kẻ khủng bố. Nhờ sự can thiệp sau này của Tổng Thống Nelson Mandela của nước Nam Phi và Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, vào năm 1999, Đại Tá Gaddafi mới đồng ý giao 2 phạm nhân kể trên cho nước Hòa Lan để xét xử theo luật Ái Nhĩ Lan. 5. Thay đổi chính sách đối ngoại Tới tháng 8 năm 2003, nước Libya mới viết thư chính thức cho Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm về vụ gài bom Lockerbie và chịu trả số tiền bồi thường là 2.7 tỉ Mỹ kim để đền bù cho 270 gia đình nạn nhân. Tới tháng 10 năm 2008, Libya cũng đồng ý bồi thường 1.5 tỉ Mỹ kim cho các nạn nhân thuộc về a) vụ gài bom Lockerbie, b) vụ đặt bom trong vũ trường Berlin năm 1986, c) chuyến bay UTA số 772 bị gài bom vào năm 1989, d) các nạn nhân Libya của cuộc oanh tạc do Hoa Kỳ vào năm 1986 tại hai thành phố Tripoli và Benghazi. Kết quả của hai việc bồi thường kể trên là Tổng Thống Bush đã ký một đạo luật giải tỏa tất cả các vụ kiện liên quan. Kể từ nay, Đại Tá Gaddafi đã tỏ ra muốn cải thiện liên lạc với các quốc gia phương tây. Ông ta hứa sẽ chống quân khủng bố al-Qa’ida và sẵn lòng để các chuyên viên quốc tế khám xét chưong trình võ khí. Ông Gaddafi cũng xuất hiện trên đài ABC để trả lời các câu phỏng vấn của ký giả George Stephanopoulos, đây là một điều mà 10 năm về trước, không ai dám nghĩ tới. Tới tháng 3 năm 2004, Thủ Tướng Anh Tony Blair là chính khách phương tây đầu tiên tới viếng thăm thành phố Tripoli và chính thức gặp mặt Đại Tá Gaddafi, rồi vào ngày 15/5/2006, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố việc phục hồi mọi liên lạc ngoại giao với nước Libya. Vào tháng 7 năm 2007, Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy viếng thăm nước Libya và đã ký các hiệp ước song phương và đa phương với Đại Tá Gaddafi. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ là bà Condoleezza Rice cũng tới thăm nước Libya vào tháng 9 năm 2008 và đã gặp mặt Đại Tá Gaddafi. Đây là lần thăm viếng đầu tiên của một Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ kể từ năm 1953. Ngày 23 tháng 9 năm 2009, Đại Tá Gaddafi đã đọc diễn văn trong 1 giờ 36 phút tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (the United Nations General Assembly) ở New York, nhân kỳ họp thứ 64, ông Gaddafi tới đây một phần cũng vì nhà ngoại giao Libya là ông Ali Treki mới trở nên Chủ Tịch của Đại Hội Đồng LHQ trong nhiệm kỳ 2009-2010. Trong kỳ họp này, ông Gaddafi đã chỉ trích Liên Hiệp Quốc là đã thất bại, không thể tránh cho 65 cuộc chiến tranh xẩy ra. Ông Gaddafi cũng gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (UN Security Council) là “Hội Đồng Khủng Bố” (the Terro Council) đồng thời ông ta cũng bênh vực Nhóm Khủng Bố Taliban và các quân cướp biển Somali (Somali pirates). Đại Tá Gaddafi là một nhà lãnh đạo cách mạng, đã dùng tài nguyên thiên nhiên của xứ Libya là dầu hỏa, để mang lại một phần thịnh vượng cho người dân trong nước nhưng đồng thời cũng mang tiếng xấu cho nước Libya vì các hành động yểm trợ khủng bố và thái độ không hợp tác với nhiều nước khác trên thế giới.
|