Lăng Lenin- câu chuyện cũ với những sự kiện mới |
Tác Giả: Bùi Lan Hương | |||||||
Thứ Ba, 22 Tháng 2 Năm 2011 07:10 | |||||||
Giờ đây lăng Lenin chỉ còn là một di tích của lịch sử, và việc đưa Lenin ra khỏi lăng chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Hôm 23 tháng 1 đảng “Nước nga thống nhất” đã mở một trang web riêng, tên là goodbyelenin.ru chỉ để làm một việc duy nhất là lấy ý kiến dân chúng xem có nên đưa di hài Lênin ra khỏi lăng hay không. Tính đến hôm nay, sau hơn 2 tuần lễ trôi qua, đã có hơn 312 ngàn người dân lên mạng bỏ phiếu, kết quả là hơn 68% dân chúng ủng hộ ý kiến đưa di hài của Lenin ra khỏi lăng. Vấn đề di hài Lenin năm nào cũng đều được đưa ra thảo luận vào các dịp kỷ niệm ngày sinh, hay ngày mất của vị lãnh tụ này. Mỗi năm vào dịp này người ta thường tiến hành thăm dò ý kiến dân chúng, để biết bao nhiêu người còn muốn giữ Lenin nằm lại trong lăng, và bao nhiều người muốn ông được giải thoát khỏi nhiệm vụ một mình làm tiền đồn của chủ nghĩa cộng sản ở trên quảng trường Đỏ. Mỗi năm qua đi, số người muốn đưa di hài Lenin ra khỏi lăng lại nhiều hơn. Năm 2000, số người muốn giữ Lenin ở trong lăng vẫn chiếm đến 44% dân chúng, đến năm 2005 số người này đã giảm xuống chỉ còn 30%. Năm 2009, chỉ còn 25% số người được hỏi muốn Lenin ở trong lăng. Năm nay cũng không ngoài thông lệ đó, người ta cũng lại đưa ra vấn đề này để dân chúng thảo luận. Nhưng năm nay vấn đề này trở nên đặc biệt sôi động và gây được sự chú ý của dư luận sau hơn 10 năm bị cất vào ngăn hồ sơ: chuyện không nên bàn nữa. Vào thời kỳ Tổng thống của Yeltsin, vấn đề lăng Lenin là để tài thường xuyên được hâm nóng. Dân chúng nhiều phen tưởng trong tương lai không xa sẽ không còn nhìn thấy lăng Lenin trên quảng trường Đỏ nữa. Nhưng khi đó phe cộng sản trong hạ viện Đuma còn rất mạnh, nên Tổng thống Yeltsin không thể thực hiện được giấc mơ của mình là nhổ đi chiếc đền đài cuối cùng của họ.
Đến thời kỳ Tổng thống của Putin, ông không muốn làm mất lòng tầng lớp trung niên có nhiều kỷ niệm đẹp với chủ nghĩa cộng sản, từ đầu năm 2000 ông đã tuyên bố không động đến lăng Lenin, hơn thế nữa, ông cho dùng lại nhạc quốc ca thời kỳ Liên Xô, chỉ thay đổi lời ca cho hợp thời hơn. Thế là từ đó đến nay, ngoài những trung tâm thăm dò dư luận vô hại, không ai còn nhắc đến việc đưa Lenin ra khỏi lăng nữa. Hiện nay, tuy Putin không còn là Tổng thống, nhưng ông vẫn là chủ tịch đảng “Nước nga thống nhất”, chính vì vậy việc ông Vladimir Medinsky- một đảng viên của đảng này lên tiếng đòi đưa di hài Lenin ra khỏi lăng, và đảng này dùng tên tuổi của mình để khai trương một trang web riêng cho cuộc trưng cầu ý kiến dân chúng làm người ta hết sức ngạc nhiên và tự hỏi sự việc này có ý nghĩa gì?. Putin không lên tiếng ủng hộ việc mở trang web này, nhưng ông cũng không lên tiếng phản đối việc đưa di hài Lenin ra khỏi lăng. Tháng 9 năm 2010, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Putin nói rằng, di hài của Lenin sẽ trở về với cát bụi vào thời điểm của nó, đến thời điểm đó dân chúng Nga sẽ tự nói lên ý nguyện của mình. Phải chăng lập một trang web cho dân chúng tự do bầy tỏ ý kiến của mình là một hình thức để chờ đợi thời điểm lịch sử đó? Tổng thống Medvedev chưa bao giờ lên tiếng về vấn đề này. Người đại diện của ông thì cho hay, cho đến nay trong văn phòng Tổng thống chưa hề có kế hoạch đưa di hài của Lenin ra khỏi lăng. Tờ báo “Vedomosti” giả định là chuyện này rất có thể nằm trong kế hoạch xây dựng cho Tổng thống Medvedev uy tín của một nhà lãnh đạo có tư tưởng dân chủ. Cũng có ý kiến cho rằng, trước ngưỡng cửa cuộc bầu cử vào Đuma vào cuối năm nay, rất có thể Đảng nước Nga thống nhất muốn lôi kéo các cử tri thuộc phe dân chủ về với mình. Hiện nay tinh thần chống cộng sản thường được Đảng dân chủ tự do và Đảng nước Nga công bằng khai thác. Hai đảng này cũng là nhũng đối thủ chính của “Nước Nga thống nhất” trong cuộc bầu cử sắp tới. Việc lôi kéo các cử tri chống cộng sản đã được đảng này tìm cách khai thác từ cuộc bầu cử trước. Tháng 8 năm 2008 ban lãnh đạo Đảng “Nước Nga thống nhất” đã quyết định dùng các hệ thống tư tưởng của Aleksandr Soldzenitsyn, một nhà văn, một nhà tư tưởng nổi tiếng chống đối chủ nghĩa cộng sản. Nhưng vấn đề đưa di hài Lenin ra khỏi lăng cũng là một con dao hai lưỡi, một mặt nó có thể mang lại cho đảng này nhũng cử tri chống cộng sản, nhưng cũng lại làm các cử tri trung niên có nhiều kỷ niệm với quá khứ tức giận, chính vì vậy một mặt đảng này cho phép dùng tên tuổi của mình để mở trang web, nhưng một mặt thì người đứng đầu Ủy ban thường trực trung ương đảng này là ông Andrey Vorobev bình luận việc đưa di hài Lenin ra khỏi lăng chỉ là ý kiến của những cá nhân trong đảng, nó không phải là quyết định chính thức của đảng này. Ông cũng lấp lửng bổ xung thêm, là cũng có thể trong tương lai đảng sẽ chính thức ủng hộ ý kiến này. Như vậy có thể thấy, Đảng nước Nga thống nhất đang thận trọng thăm dò ý kiến của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới, nếu tâm lý chống cộng sản lên cao thì họ sẽ lựa chọn những đường lối thích hợp cho cả cuộc bầu cử vào Duma và bầu cử Thổng thống, và khi đó sáng kiến “của một vài cá nhân trong đảng” này sẽ được chính thức công nhận và thực hiện, còn nếu tâm lý chống cộng còn chưa rõ ràng và yếu ớt, thì sáng kiến này sẽ bị chìm vào quên lãng. Sáng kiến đưa di hài Lenin ra khỏi lăng cũng làm bùng lên một cuộc tranh cãi giữa các đảng phái. Ông Igor Lebedev, người đứng đầu Đảng dân chủ tự do trong Đuma cũng lên tiếng ủng hộ sáng kiến đưa di hài Lenin ra khỏi lăng để được chôn cất như một con người và theo các nghi thức truyền thống của Chính thống giáo. Đảng cộng sản thì ngay lập tức lên tiếng phản đối sáng kiến này. Họ đòi khởi tố ông Vladimir Medinsky vì tội khêu lên mối hận thù giữa các nhóm xã hội khác nhau. Nhưng tất nhiên trong vấn đề này thì cả tòa án và cảnh sát sẽ đứng ra bên ngoài, không dại gì nhảy vào cuộc chiến giữa các phe phái. Dù cuộc tranh cãi này đi đến đâu, thì trên thực tế ý nghĩa lãnh đạo của lăng Lenin cũng đã qua lâu rồi. Tháng 10 năm 1993, Tổng thống Yeltsin đã ra sắc lệnh giải thể các nghi thức bảo vệ lăng, và như vậy lăng Lenin đã mất vai trò bốt gác số 1 của nước Nga, mất vai trò là một biểu tượng của nước Nga. Giờ đây lăng Lenin chỉ còn là một di tích của lịch sử, và việc đưa Lenin ra khỏi lăng chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. —————————————– P.S: Trước khi gửi bài viết này đến bạn đọc, tác giả kiểm tra lại số lượng người đã lên mạng bỏ phiếu một lần nữa, và thấy rất ngạc nhiên là sao số người tăng lên rất chậm. Chỉ 5 ngày đầu tiên sau khi khai trương trang web đã có hơn 250 ngàn người lên bỏ phiếu, với số lượng người tán thành đưa Lenin ra khỏi lăng là trên 70%. Thế nhưng càng ngày số người lên bỏ phiếu càng chậm lại, từ ngày 23-1 đến ngày 13-2, nghĩa là đúng 3 tuần lễ trôi qua mà tác giả chỉ thấy số người vào bỏ phiếu tăng từ hơn 312 ngàn người lên trên 315 ngàn người, và càng ngày thì con số người đồng ý với tác giả trang web càng giảm đi đáng kể, đến ngày 13-2 số người đồng ý đưa Lenin ra khỏi lăng đã chỉ còn 67,9% mà thôi. Dường như sau này chỉ còn toàn người phản đối lên bỏ phiếu mà thôi. Một điều đặc biệt nữa là tác giả định bỏ phiếu trên trang mạng này, nhưng không thể bỏ phiếu được, từ bất cứ máy tính nào cũng chỉ nhận được một dòng thông báo là từ IP máy tính của bạn đã bỏ phiếu rồi, nên không được bỏ phiếu lại nữa. Đầu tiên tác giả tưởng mình lú lẫn, đã bỏ phiếu rồi, lại không nhớ. Bật tiếp cái máy tính thứ hai để bỏ phiếu thì cũng lại nhận được một thông báo tương tự, đâm ra hoang mang, hay là..tác giả trang web bị lú lẫn, đã…nhầm lẫn, khóa trang web lại rồi, nên chẳng ai lên bỏ phiếu được nữa. Nhưng số lượng người lên trang web vẫn chạy, tuy rất chậm, tuy chỉ có số người phản đối là tăng nhanh….làm tác giả phân vân, hay đây là trang web thông minh, biết lựa chọn người bỏ phiếu, lúc nào cần tăng số người ủng hộ thì mở riêng cho họ vào bỏ phiếu, khi nào cần người phản đối tăng nhanh thì mở riêng cho họ vào thôi. Nếu trang web thông minh như thế thì các nhà phân tích chính trị cùng các nhà báo nửa mùa như tác giả phải xin về hưu thôi. Vì nói gì cũng sai hết.
|