Home Tin Tức Bình Luận Vì sao Đặng Tiểu Bình đánh VN năm 1979?

Vì sao Đặng Tiểu Bình đánh VN năm 1979? PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Hai, 21 Tháng 2 Năm 2011 07:38

Đặng Tiểu Bình tỏ ra có quan điểm thù ghét Việt Nam một cách khác thường

        

Năm 1979, quân Trung Quốc đánh vào đến Lạng Sơn

Nhắc lại Chiến tranh Trung - Việt 32 năm về trước, một số nguồn sử liệu gần đây nhấn mạnh hơn đến vai trò riêng của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình trong cuộc tấn công Trung Quốc gọi là 'phản kích tự vệ'.
Trong phần gửi cho BBC hôm 16/2 vừa qua, ông Dương Danh Dy, nhà ngoại giao Việt Nam từng làm việc tại Trung Quốc, có nói đến cách nhìn cuộc chiến từ hai phía.
Tuy nhiên, văn bản này còn cho biết thêm về vai trò quan trọng của ông Đặng Tiểu Bình trong quyết định đánh Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế có cả quan hệ với Washington và Moscow.

Nay BBC Tiếng Việt khai thác thêm các góc độ trong tài liệu này và so sánh với một số đánh giá đã nêu từ trước về cuộc chiến 1979, sự kiện vẫn chưa được thảo luận công khai ở cả Việt Nam và Trung Quốc.

'Hoa Kỳ không tán thành'

Đặng Tiểu Bình được trích lời nói rằng ông đã tuyên bố dạy cho Việt Nam 'một bài học' trước đó, khi thăm Hoa Kỳ, mở đầu chiến lược kiên kết với chính quyền Carter, nhằm chống lại Moscow và các đồng minh, trong đó có Hà Nội.
Ông Đặng nói với các tướng lĩnh Quân Giải phóng rằng Hoa Kỳ không tán thành việc Bắc Kinh trừng phạt Hà Nội nhưng cũng giúp một ít tin tình báo.
Cuộc đưa quân sang Campuchia của Việt Nam khi đó cũng là chủ đề đáng được nhắc lại vì phía TQ cho rằng cuộc chiến 1979 chủ yếu để 'dạy cho VN một bài học' vì 'xâm lăng Campuchia', nước khi đó là đồng minh, và hiện nay cũng đang gần lại với Trung Quốc trong chiến lược Đông Nam Á của Bắc Kinh.

Trong bản dịch của học giả Dương Danh Dy đăng tại một số trang mạng cá nhân ở Việt Nam như nguyenxuandien.blog nhân kỷ niệm 32 năm Chiến tranh Biên giới,

Ông Đặng tiết lộ:

"Khi thăm Mỹ tôi nói cho Việt Nam bài học, nước Mỹ không tán thành. Chúng ta sử dụng hành động tương đối lớn sợ dẫn tới phản ứng lớn của Liên Xô, nước Mỹ một mặt phản đối chúng ta trừng phạt, nhưng mặt khác cũng thông báo cho chúng ta chút tình báo, nói quân đội Liên Xô về căn bản không động đậy, trên mấy ngàn cấy số biên giới( Trung Xô) chỉ có 54 sư đoàn không đầy đủ quân số,"

Có vẻ như chi tiết này khiến TQ tiến hành cuộc chiến họ gọi là 'Đối Việt tự vệ phản kích chiến' nhanh chóng và sau khi tàn phá sáu tỉnh biên giới của VN thì rút quân về:

"Ba phần tư binh lực Liên Xô bố trí tại châu Âu, nên muốn tấn công Trung Quốc qui mô lớn thì phải chuyển dời trọng điểm chiến lược, ít nhất phải điều 1 triệu quân từ châu Âu về, việc này không kịp vì thời gian hành động của chúng ta không dài."

Trong bài nói chuyện đó, ông Đặng Tiểu Bình cũng gọi Việt Nam là 'Cuba Phương Đông', hàm ý nước này là 'tay sai Liên Xô', và gọi các lãnh đạo Hà Nội là 'điên cuồng'.
Với giới trí thức bên ngoài, kể cả ở Phương Tây, cuộc chiến ngắn ngày nhưng dữ dội là một cột mốc quan trọng để đánh giá Trung Quốc trong quá trình tìm con đường mới, thoát khỏi thời kỳ tự cô lập của Mao Trạch Đông, và xác định vị trí trên trường quốc tế.

Vai trò quyết định

Trong một nghiên cứu hồi 2010, tác giả Trương Tiểu Minh từ U.S. Air War College, Hoa Kỳ cho rằng ông Đặng có vai trò cá nhân nổi bật trong quyết định đánh Việt Nam.
Theo ông, nhìn từ quan điểm của ban lãnh đạo TQ khi đó thì có ba yếu tố khiến bối cảnh xảy ra cuộc chiến trở nên khả thi.
Đó là quan hệ đặc biệt giữa Moscow và Hà Nội sau hiệp định 1978; vai trò thống trị của Việt Nam ở Đông Dương và quan hệ xấu đi nghiêm trọng giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Còn về nội bộ, theo TS Trương, chính việc thăng chức của ông Đặng Tiểu Bình, từ vị trí phó thủ tướng khi Mao chết năm 1976, lên chức vụ cao nhất, nắm Quân uỷ Trung ương tại Hội nghị Trung ương 3, Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là yếu tố quyết định cho việc đánh VN.
Trong bài dịch của học giả Dương Danh Dy, ông Đặng tỏ ra có quan điểm thù ghét Việt Nam một cách khác thường.

Trong phát biểu ngày 16/3/1979, ông được trích lời nói:

"Đồng thời khi kinh doanh chuyện chống đối Trung Quốc, Việt Nam đã đánh nhau nhiều năm, ngay lúc chúng ta tăng cưòng viện trợ cho chúng, có công sự đã xây bẩy năm, có cái đã được ba năm, chỗ nào cũng thấy công sự, tích trữ rất nhiều vật tư, rất nhiều vật tư là do chúng ta viện trợ, gạo, đạn, vũ khí, lần này lấy về một loạt, Việt Nam cậy có hiệp ước Xô Việt mới dám như thế."
Một số nhà quan sát đã từng cho rằng ông Đặng phụ trách chuyện viện trợ của TQ cho Hà Nội thời chiến tranh Mỹ - Việt nên cảm thấy bị 'phản bội' bởi thái độ quay sang Liên Xô của nước Việt Nam cộng sản sau chiến tranh.

Vì thế, quyết định trừng phạt của ông được nói rõ:

"Nó cũng nghĩ là cậy hiệp ước này kéo Liên Xô xuống nuớc, cũng cậy có hiệp ước này cho rằng chúng ta không dám áp dụng trừng phạt qui mô tưong đối lớn. Ngay trước khi chúng ta ra quân mấy ngày nó còn dự đoán rằng chúng ta chỉ có hành động phạm vi nhỏ hai sư đoàn. Chúng ta hạ quyết tâm này đúng là đã tỉnh táo đánh giá phản ứng của phía bắc lớn đến đâu."

Các nguồn tin của phía Việt Nam, chẳng hạn như lời kể của cựu đại tá Bùi Tín, cho rằng mâu thuẫn giữa ông Lê Duẩn và Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình lên cao trước khi xảy ra cuộc chiến năm 1979.
Một số giới tại Việt Nam tin rằng ban lãnh đạo Bắc Kinh không thực sự muốn hai miền Nam Bắc VN thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hà Nội.

Ngoài ra, trong dư luận Việt Nam có niềm tin rằng Trung Quốc chỉ lợi dụng tình thế để kiếm lợi về địa chính trị và cả lãnh thổ, với bằng chứng là vụ đưa quân chiếm Hoàng Sa năm 1974 từ tay Việt Nam Cộng Hòa.

Hệ quả lâu dài

Về vai trò của Mỹ, các bình luận cho tới nay phần nhiều đồng ý rằng chiến lược lôi kéo Trung Quốc để bao vây Liên Xô của cố vấn an ninh Zbigniew Brzezinski là yếu tố cơ bản để Washington liên kết với Bắc Kinh trong vấn đề Đông Dương.

Điều này cũng được chính giáo sư Brzezinski, người gần đây lại một lần nữa kêu gọi chính quyền Obama xây đắp trở lại quan hệ với Trung Quốc, xác nhận trong nhiều bài viết và sách của ông.
Đổi lại, Trung Quốc được mở lối vào lại với Phương Tây để hiện đại hóa nền kinh tế nhờ các thí điểm về đầu tư tư bản và công nghệ.

Về phía Hoa Kỳ, chiến lược Brzezinski tạo liên minh không tên với Trung Quốc khiến Washington phá vỡ khối xã hội chủ nghĩa châu Á mà không phải tham chiến.
Chiến tranh Biên giới 1979 và cuộc chiến Việt Nam - Campuchia đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế này, xung đột quân sự nổ ra giữa các nước cùng ý thức hệ.
Kế hoạch Bốn Hiện Đại hóa của Trung Quốc cuối thập niên 1970, đầu 1980 có cả phần về quân sự.

Và dù thiệt hại nặng trong cuộc chiến biên giới, Quân Giải phóng Trung Quốc đã rút kinh nghiệm trong việc tổ chức và tiến đến hiện đại hóa.
Việc tăng cường quân bị theo mô hình dùng không quân, hải quân và tên lửa nhiều hơn bộ binh, lực lượng chịu nhiều thiệt hại năm 1979, khiến Trung Quốc ngày nay trở thành một cường quốc khu vực với tham vọng toàn cầu.

Còn với Việt Nam, ngoài thiệt hại nghiêm trọng về vật chất ở các tỉnh biên giới phía Bắc, xung đột vẫn kéo dài, gây chảy máu nền kinh tế.
Cuộc chiến và việc đóng quân lại Campuchia cũng khiến Hà Nội bị cô lập nhiều năm về chính trị và kinh tế.
Tới khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc 10 năm sau, cùng thời gian cách mạng dân chủ rung chuyển Đông Âu, ban lãnh đạo Việt Nam đã quay trở lại làm thân với Bắc Kinh qua cuộc gặp Thành Đô, tạo ra một loạt hệ luỵ mới cho quan hệ song phương tới ngày nay.

Vấn đề biên giới trên bộ và trên biển dần dần được giải quyết nhưng hòa bình qua đường biên giới, giao thương tăng nhanh với phần lợi nghiêng về Trung Quốc, vẫn chưa thực sự đem lại hòa giải giữa hai nước.

Việc các trang mạng cá nhân và blog ở Việt Nam nhắc lại nhiều về cuộc chiến 1979 cho thấy giới trí thức e ngại Trung Quốc vẫn muốn lên tiếng, trong khi truyền thông chính thức không đả động gì đến chủ đề lịch sử này.