Gặp Thời Thế, Thế Thời Phải Thế |
Tác Giả: Lê Quế Lâm | ||||
Thứ Hai, 07 Tháng 2 Năm 2011 19:41 | ||||
Đầu năm mới, ôn lại những trang sử cũ để định hướng tương lai
Đó là lời từ tốn của Ngô Thì Nhậm (1746-1803) - cựu Lại bộ Tả Thị lang trào vua Quang Trung để đáp lại câu đối đầy kiêu căng tự đắc của Đặng Trần Thường (1759-1816) sau khi ông ta phò tá vua Gia Long giành được quyền lực: “Ai công hầu? Ai khanh tướng? Trong trần ai, ai dễ biết ai? Cả hai là những nhân sĩ nổi tiếng đất Bắc, cùng sinh quán ở Hà Đông… Song vì hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương trong thời Lê mạc do nạn Nam Bắc phân tranh, nên chí hướng khác nhau. Lúc bấy giờ, Đàng Ngoài có triều đình nhà Lê, nhưng chỉ là hư vị, mọi quyền bính nằm trong tay chúa Trịnh. Còn Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn đã từng bước tiến xuống phương Nam, mở rộng bờ cõi đến tận mũi Cà Mau. Đến năm 1768, cuộc Nam tiến chấm dứt… Nhưng chánh quyền trung ương ở Thuận Hóa bắt đầu suy sụp do Trương Phúc Loan lộng quyền, tổ chức buôn quan bán chức khiến nhân dân thán oán. Nhân cơ hội đó, Trịnh Sâm cho quân tiến đánh Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng thân quyến phải bỏ chạy vào Đồng Nai. Trong cảnh đất nước loạn lạc, anh em Nguyễn Huệ phất cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn (Bình Định). Họ truy kích quân chúa Nguyễn đến tận Hà Tiên. Sau đó, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc với danh nghĩa “phò Lê diệt Trịnh”. Chiếm được thành Thăng Long, diệt xong Trịnh Khải, ông đem sổ đinh, điền trả lại vua Lê, được vua Hiển Tông nhận làm phò mả, kết duyên với công chúa Ngọc Hân. Ông nhận tước phong Nguyên Súy Uy Quốc Công và trở về Phú Xuân. Ba năm sau, Thanh triều phương Bắc thấy nước Nam có biến động liền đưa quân xâm chiếm. Nguyễn Huệ phải chuyển quân thần tốc ra Bắc, đánh tan quân Thanh với chiến thắng lẩy lừng ở gò Đống Đa. Ngô Thì Nhậm, một cựu thần nhà Lê đã ra giúp Nguyễn Huệ vào thời điểm nầy. Còn Đặng Trần Thường bỏ vào Nam, theo chúa Nguyễn. Khi vua Gia Long thống nhất sơn hà (1802). Ngô Thì Nhậm phải đến trình diện kẻ chiến thắng, Đặng Trần Thường từng biết tiếng ông văn hay chữ tốt lại có mối hiềm khích với ông hồi thuở hàn vi, nên ra câu đối rất khó như kể trên nhằm hạ nhục người đồng hương nay đã thất thế. Câu đối chỉ gồm 13 chữ nhưng có đến năm chữ “ai” ý nghĩa khác nhau. Song ông ung dung đối lại ngay: “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu. Gặp thời thế, thế thời phải thế” Hai câu đối nổi tiếng trên đã đi vào lịch sử. Ngoài giá trị văn học, đối nhau thật chỉnh cả ý lẫn lời… nó còn thâm thúy về mặt đối nhân xử thế, về nhân cách con người để hậu thế “ôn cố tri tân” hoặc “luận cổ suy kim”. Tình thế đất nước vào thời đó cũng lâm vào cảnh chiến tranh triền miên, tranh bá tranh hùng như thời Xuân thu, Chiến quốc bên Tàu. Vì thế công hầu khanh tướng đầy rẫy trong xã hội, cộng thêm nạn buôn quan bán chức nên có câu ca dao: “Mười quan thì đặng tước Hầu. Công hầu khanh tướng trong thời chinh chiến là lẽ thường tình, có gì đáng để tự hào. Xưa nay thời thế tạo biết bao anh hùng… Nhưng có mấy ai biết dựa vào thời thế để hành xử hầu mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc? Kẻ thức thời mới là người tuấn kiệt. Muốn thấy “ai hơn ai” có lẽ phải nhìn việc làm của đối tượng, chớ không thể vì tị hiềm, thành kiến và thù hận. Giá trị con người nằm ở điểm nầy, hơn kém, vinh nhục cũng ở điểm này. Năm 1801, Võ Tánh và Ngô tùng Châu -một võ tướng, một văn quan của Nguyễn Ánh trấn thủ thành Qui Nhơn, bị quân Tây Sơn vây hãm quá ngặt nghèo, các ông đã chọn cái chết để tránh tổn thất vô ích, sau khi gởi thơ yêu cầu tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu đối xử nhân đạo với tướng sĩ của ông. Tướng TQD đã tha tất cả và an táng trọng thể hai đối thủ vừa tuẫn tiết… Nhưng năm sau, Nguyễn Ánh và những người phò tá không hành động anh hùng như Trần Quang Diệu. Vợ ông -nữ tướng Bùi Thị Xuân cùng con gái còn trẻ thơ bị xử chết do voi dầy. Ngô Thì Nhậm bị đem ra đánh đòn tại Văn miếu Hànội, chỉ ít lâu sau thì qua đời. Triều đại Tây Sơn Nguyễn Huệ bị tân triều nhà Nguyễn gán cho là giặc, là ngụy. Đối với dân tộc, cả ba ông Trần Quang Diệu, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đều là những anh hùng lưu danh muôn thuở, dù họ đối nghịch nhau. Ai hơn ai không phải ở việc thắng bại, mà ở chỗ biết hành xử khôn khéo theo tình thế, miễn là đặt lợi ích đất nước, đồng bào lên trên danh lợi cá nhân, nếu cần hy sinh cả mạng sống của mình. Có thể nói “gặp thời thế, thế thời phải thế”, là phương châm hành xử khôn khéo của tiền nhân ta, nhờ đó đã mở rộng và xây dựng một giang sơn hoa gấm truyền lại cho hậu thế. Điều bất hạnh cho dân tộc, là trong hơn 60 năm qua, đa số giới lãnh đạo đất nước lại nặng lòng thù hận và định kiến mà mê muội, quên đi phương châm xử thế khôn khéo của tiền nhân, không nghĩ đến lợi ích lâu dài của đồng bào, khiến chiến tranh và thù hận kéo dài, đất nước tụt hậu thê thảm. Thời Nam tiến: Đời nhà Trần, quân dân ta đã ba lần đẩy lui quân xâm lược Nguyên Mông. Tuy giành được quyền tự chủ, song kẻ thù phương Bắc luôn tìm cách thôn tính nước ta, nên Thượng hoàng Nhân Tôn dùng chánh sách hòa hiếu với Chiêm Thành, hầu yên tâm ở mặt Nam, để dồn lực đối phó với phương Bắc. Nhân cơ hội vua Chiêm Chế Mân xin dâng châu Ô và châu Lý (Rí) để làm sinh lễ cầu hôn, xin cưới công chúa Huyền Trân, nhà vua chấp nhận. Một thế kỷ rưỡi sau, Nguyễn Kim sau khi đánh bại họ Mạc giúp vua Lê phục hưng cơ đồ, ông bị bộ hạ thuốc độc chết, con rể là Trịnh Kiểm lên thay. Để củng cố quyền hành, Kiểm giết con trai lớn của cha vợ mình là Nguyễn Uông. Thấy tính mạng bị đe dọa, em của Uông là Nguyễn Hoàng nài nỉ chị là Ngọc Bảo xin anh rể cho vào trấn thủ Thuận Hoá (1558). Để chống họ Trịnh ở đất Bắc, con cháu Nguyễn Hoàng cũng chủ trương kết thân với các nước phía Nam bằng các cuộc hôn nhân dị chủng. Năm 1620, Chúa Sãi gả công nương Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp (Cao Miên). Mấy năm sau, chúa gả công nương Ngọc Khoa cho vua Chiêm Thành Po Romé. Lúc bấy giờ lãnh thổ nước Chiêm đã thu hẹp trong phần đất từ Khánh Hòa đến Phan Thiết, và từ đó trở thành đất bảo hộ của chúa Nguyễn. Còn Chân Lạp, nhờ sự vận động của công nương Ngọc Vạn, sau này trở thành Thái Hậu nước Miên, lãnh thổ nước ta mở rộng đến Biên Hòa (1658). Hai thập niên sau, khoảng ba ngàn binh sĩ nhà Minh, không thần phục triều đình Mãn Thanh (Trung Hoa), đến xin chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập nghiệp. Chúa cho họ đến khai phá vùng Cù lao Phố (Biên Hòa), và vùng Mỹ Tho, Cao Lãnh. Hai năm sau (1681) một nhóm di dân nữa do Mạc Cữu chỉ huy đổ bộ lên đảo Koh Sral tức Phú Quốc, rồi đến Oudong xin thần phục vua Miên. Mạc Cữu được vua Miên cho phép khai khẩn một vùng đất rộng lớn trong vịnh Xiêm La, nhưng sau đó bị quân Xiêm đánh phá, Mạc Cữu cầu cứu chúa Nguyễn. Sau khi dẹp yên quân Xiêm, Mạc Cữu xin sáp nhập tất cả đất đai cho chúa Nguyễn. Năm 1732, chúa Nguyễn cho lập trấn Hà Tiên. Mạc Cữu và con là Mạc thiên Tích đã mở rộng trấn Hà Tiên xuống đến Châu đốc, Cần thơ, Long xuyên và cả phần đất Cambodge hiện nay như Kompong Som, Kampot. Tổ tiên ta đã mở rộng bờ cõi, cũng là một hình thức xâm lấn nhưng bằng phương pháp hòa bình. Do đó bản chất của người Việt ở phương Nam là hiếu hòa. Thêm vào đó, sự chung sống với người Miên và Tàu còn giúp họ có thêm tánh hiếu khách. John White, một người Anh sau khi viếng Sàigòn trở về Luân Đôn có viết trong quyển hồi ký A Voyage to Cochinchina năm 1824: Chúng tôi rất thỏa mãn về tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy, mang theo cảm tưởng tốt đẹp nhứt về phong tục và tánh tình của dân chúng. Những sự ân cần, lòng tốt và sự hiếu khách mà chúng tôi thấy đã vượt quá cả những gì mà chúng tôi đã quan sát đến nay tại các quốc gia châu Á… Còn Trịnh Hoài Đức, trong quyển Gia Định thành Thống Chí viết năm 1820 đã ghi: “Vùng Gia định nước Việt Nam đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống xa hoa ít chịu súc tính, quen thói bốc rời. Người tứ xứ, nhà nào tục nấy…Gia định có vị trí nam phương dương minh, nên con người khí tiết trung dũng, trọng nghĩa khinh tài”. Theo giáo sư Lâm Văn Bé, bản chất hiếu khách còn là nhu cầu sinh tồn của người lưu dân tại vùng đất mới. Trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, của bất trắc, lưu dân cần sống có nhau, tương trợ nhau. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi mới gặp nhau, dù chưa quen biết nhau, dân miền Nam đều cơm nước trà rượu như đã là bà con ruột thịt. Tánh hiếu khách hào phóng của dân Nam Kỳ là do sự trù phú, mầu mở của ruộng vườn và tài nguyên dễ kiếm, làm chơi mà ăn thiệt. Nhà văn Sơn Nam trong quyển Cá tính của miền Nam (trang 106) lý giải bản tánh hiếu khách của họ xuất phát từ nếp sanh hoạt sâu đậm hấp dẫn của Thiên địa hội -tổ chức “phản Thanh phục Minh” mà người Minh Hương mang đến miền Nam: ăn cơm nhà lo việc ngoài đường, sống chết nhờ anh em, tận tình giúp đỡ bạn. Trút cả tâm sự với bạn kết nghĩa thì không có gì đáng ngại, đã là bạn bè với nhau rồi làm sao có chuyện phản bội. Gặp chuyện bất bình, hoặc như bạn nào bị kẻ khác ăn hiếp thì nổi nóng, trả thù cho bạn vô điều kiện, đó là đạo nghĩa giang hồ, là điệu nghệ anh em kết nghĩa, tứ hải giai huynh đệ”. (Lâm Văn Bé, Nam Kỳ Lục tỉnh: Đất nước & Con người, Đặc san Xuân 2006 Tây Ninh mến yêu) Thời Pháp thuộc: Đến giữa thế kỷ 19, VN cũng như các nước châu Á và châu Phi bị Âu châu đô hộ. Dựa vào lý do triều đình VN cấm đạo, Pháp gây hấn ở Đà Nẵng, sau đó đánh chiếm Nam Kỳ. Ngay bước đầu, quân xâm lược bị nghĩa binh Cần giuộc kháng cự mãnh liệt, sau đó phong trào kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của giới sĩ phu Nho học bùng lên khắp Nam kỳ trải dài từ Tân An, Gò Công đến Rạch Giá, Hà Tiên. Trước đội quân xâm lược hùng mạnh, triều đình Huế cử Phan thanh Giản vào Gia định ký hòa ước Nhâm Tuất (1862): nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Cụ Phan gốc người Minh hương, sinh quán Vĩnh Long là người Nam Kỳ đầu tiên đổ tiến sĩ (1826), từng giữ chức Kinh lược phó sứ Nam Kỳ, sau đó về Huế thăng chức Binh bộ thượng thư. Ông nổi tiếng thanh liêm được vua ban bốn chữ “Liêm bình cần cán”. Năm sau 1863, vua Tự Đức cử cụ cầm đầu phái đoàn sang Pháp xin chuộc ba tỉnh đã mất. Trong thời gian ở Pháp và đi thăm các nước chung quanh, phái đoàn VN học hỏi được nhiều điều mới lạ, họ kiến nghị triều đình thay đổi chính sách mới có thể tồn tại được. Rất tiếc, những đề nghị canh tân xứ sở không được triều đình chấp thuận. Ngày 20/6/1867, Phó Đô đốc De la Grandière đem 1200 quân xuống Vĩnh long, trao tối hậu thư buộc PTG phải giao ba tỉnh miền Tây, viện cớ quân kháng chiến VN đặt bản doanh ở đây để tấn công Pháp ở ba tỉnh miền Đông. Cụ Phan đến gặp De la Grandière để thương lượng. Biết y cương quyết dùng vũ lực, cụ lại từng sang Pháp, đã thấy sức mạnh của đối phưong, cụ đành nhượng bộ. Thử hỏi, thấy con dân dũng cảm như vậy, nhưng làm sao đủ sức đương cự bọn xâm lược nhà nghề. Cụ đành chấp nhận chết để thức tỉnh triều đình “đổi dây thay bánh”, nhờ đó “thế lực may ra còn cứu vãn được” để chờ cơ hội thâu hồi cương thổ, như tờ biểu dâng vua Tự Đức trước khi cụ uống thuốc độc quyên sinh. Khi nằm xuống, cụ dặn con cháu chỉ ghi đơn giản trên tấm triệu phủ quan tài “Hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cửu” (linh cửu người học trò già ở góc biển họ Phan). Và trước mộ phần là tấm bia với dòng chữ “Lương khê Phan lão nông chi mộ” (Mộ phần của người làm ruộng già họ Phan hiệu Lương khê). Nước mất là quốc nhục, thì còn vinh dự gì với khoa bảng, phẩm hàm! Đó là bản chất đặc biệt của người nông dân được hấp thụ chữ nghĩa thánh hiền của miền đồng bằng Đồng Nai Cửu Long. Thấy được nhiệt tình yêu nước của nông dân; tinh thần trách nhiệm của giới nho sĩ như Nguyễn đình Chiểu, Nguyễn trung Trực, Thủ khoa Huân, Thiên hộ Dương. v. v. cùng đức độ của vị quan đứng đầu Nam kỳ… Thực dân phải dùng văn hóa, phổ biến văn minh tiến bộ của Pháp mới mong chinh phục được người bản xứ. Trường dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp được mở rộng khắp nơi. Pháp ra lịnh cưỡng bách một số con em các gia đình khá giả phải đi học chữ Pháp, còn những gia đình nghèo, chánh quyền cấp học bổng. Thời đó bị bắt đi học cũng như bị bắt đi lính cho Tây là nỗi lo lắng cho các gia đình giàu có. Họ sợ con em bị đổi đi xa ở Phi châu hoặc Pháp, và còn sợ bị trả thù khi Pháp trả lại Nam kỳ cho triều đình Huế. Một số điền chủ và các gia đình khá giả mướn người nghèo hoặc đầy tớ thay con em họ đi học. Vì thế có khá nhiều người xuất thân từ những gia đình nghèo “bị” đi học, sau đó đỗ đạt thành danh. Một từng lớp mới trí thức tiểu tư sản xuất hiện ở Nam Kỳ. Thành phần quan lại không xuất thân từ các gia đình khoa bảng danh gia vọng tộc như ở đất Bắc hay miền Trung. Trong sự sung túc của một vùng đất dồi dào tài nguyên, thêm vào đó, trong cảnh vực mới không bị kiềm chế bởi chế độ quân chủ chủ trương cấm đạo và bế quan tỏa cảng…Những tư tưởng dân chủ cấp tiến từ Pháp du nhập vào càng phổ biến khiến người dân Nam kỳ có tư tưởng tự do phóng khoáng, không quan liêu bảo thủ, dễ dàng đón nhận cái mới, biết thích nghi với hoàn cảnh mới… Chữ Quốc ngữ và chữ Pháp được thông dụng trong xã hội đã giúp báo chí phát triển mau lẹ. Đầu tiên là báo Pháp, sau đó có báo Việt. Theo luật Báo chí Pháp năm 1881, được áp dụng ở Nam kỳ từ ngày 22/9 thì “tất cả các loại báo sẽ được phát hành không cần sự cho phép trước và không cần ký quỹ tiền” Gia Định báo là tờ báo đầu tiên phát hành ngày 15/4/1865 do một người Pháp làm chủ biên, nhưng đến tháng 9/1869 giao cho Trương Vĩnh Ký và sau đó là Huỳnh Tịnh Của làm giám đốc đến năm 1907. TVK là nhân sĩ đầu tiên thông thạo Pháp ngữ khi Pháp vừa chiếm Nam kỳ. Ông ra hợp tác với Pháp nhưng xác lập con đường “ở với họ mà không theo họ” (Sic vos non vobis). Ông không gia nhập Pháp tịch và “Ông Đốc Ký khi sanh tiền, tuy là nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết phong tục, lễ nghĩa của con nhà An Nam, cho khỏi mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo đọc sách này, dịch sách kia cho kẻ hậu sanh để học. Thiệt là quan thày của cả Nam Kỳ”. Đó là nội dung bài cổ động đúc tượng đồng kỷ niệm TVK đăng trên báo Lục Tỉnh Tân Văn (Hứa Hoành, Nam Kỳ Lục tỉnh 2). Hai ông Trương vĩnh Ký và Huỳnh tịnh Của đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao dân trí qua việc truyền bá chữ Quốc ngữ, cổ động học thuật Tây phương và chấn hưng cỗ học. Dùng báo chí làm phương tiện truyền bá văn hóa Pháp, cho thấy chế độ thuộc địa Pháp ở Nam kỳ đã thành công bước đầu. Tuy nhiên, tinh thần chống thực dân Pháp của đồng bào vẫn không thay đổi. Từ nay giới trí thức Tây học sẽ đấu tranh với Pháp bằng đường lối ôn hòa, dùng báo chí phổ biến những tư tưởng dân chủ tự do của Pháp để đòi Pháp thực hiện ở Nam Kỳ. Sau Gia Định báo có tờ Phan Yên báo ra đời năm 1897 do Diệp văn Cương làm chủ nhiệm, chỉ trích công khai chánh sách thực dân nên bị cấm lưu hành. Năm 1901, tờ Nông cổ mín đàm ra đời do một người Pháp có vợ Việt đứng tên, nhưng do các trí thức Tây học người Việt lần lượt làm chủ bút: Lương khắc Ninh, Trần chánh Chiếu, Lê văn Trung, Nguyễn chánh Sắc. Tôn chỉ của báo là tuyên truyền cổ động mô hình kinh tế tư bản của giới tư sản dân tộc. Trần chánh Chiếu đại điền chủ ở Rạch giá, trụ cột của phong trào Đông Du và Duy Tân ở Nam kỳ, ông còn làm chủ bút tờ Lục tỉnh Tân văn phát hành ngày 15/11/1907. Ông dùng tờ báo này vào cuộc vận động “Minh Tân” nằm trong phong trào Duy Tân của cả nước, ông lập các cơ sở kinh tài ở Nam kỳ để tranh đua với người Hoa và Pháp. Đầu thập niên 1920, cuộc đấu tranh chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt. Năm 1923, Nguyễn an Ninh thuộc nhóm Ngũ Long ở Paris (gồm Phan chu Trinh, Phan văn Trường, Nguyễn thế Truyền, Nguyễn ái Quốc) từ Pháp trở về nước vận động giới thanh niên đấu tranh trực diện với Pháp. Cùng thời gian này, Nguyễn ái Quốc quyết định đi Nga để tìm chỗ dựa ở Đệ Tam Quốc Tế. Tại Sàigòn, Nguyễn an Ninh ra mắt đồng bào với bài diễn thuyết “Cao vọng Thanh niên” tại hội Khuyến học Nam kỳ. Sau đó, ông xuất bản tờ La Cloche Fêlée viết bằng chữ Pháp, truyền bá tư tưởng Pháp và lấy tư tưởng đó đấu tranh với Pháp. Ông bị Pháp cầm tù liên tục, cuối cùng chết tại Côn đảo năm 1943. Đầu thập niên sau, Tạ Thu Thâu cùng 18 thanh niên du học ở Pháp có khuynh hướng Đệ Tam (Stalin-nít) và Đệ Tứ (Trốt-kít) nên bị trục xuất về nước. Họ cho xuất bản tờ La Lutte tiếp tục đấu tranh với Pháp. Nhưng từ 1936, nhóm La Lutte bị phân liệt, công kích nhau. Phe Đệ Tam xuất bản tờ L’Avant de Garde và Le Peuple trong khi phe Đệ Tứ tiếp tục phát hành tờ La Lutte. Bên cạnh các phần tử quá khích, còn có nhóm đấu tranh ôn hòa đứng đầu là Bùi quang Chiêu. Năm 1919, ông cùng Ls Dương văn Giáo, bs Nguyễn văn Thinh, Nguyễn phan Long, Ls Vương quang Nhường, Bs Trần văn Đôn, Ks Trương văn Bền, Ks Lưu văn Lang, Nguyễn phú Khai thành lập đảng Lập Hiến. Ông viết trên các báo L’Echo Annamite và La Tribune Indochinoise đòi quyền tự trị cho người bản xứ. Trong bài “Pour le dominion Indochinois” ông yêu cầu Pháp áp dụng quy chế tự trị cho các nước Đông Dương có hiến pháp riêng như người Anh đã làm ở Úc đại lợi và Gia nã đại. Ông đắc cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ năm 1932, tái đắc cử năm 1936, nhưng rút lui khỏi chính trường từ 1939. Ông hấp thụ văn hóa Tây phương, có uy tín lớn với chính trường Pháp, được nhiều thức giả Pháp đồng tình ủng hộ VN. Thời cơ lịch sử thuận lợi: Năm 1945, cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước diễn ra trong bối cảnh vô cùng thuận lợi khi Thế chiến II vừa chấm dứt. Trong chiến tranh, TT Hoa Kỳ Roosevelt luôn khuyến cáo hai đồng minh Anh Pháp phải thay đổi chính sách thuộc địa, vì đó là mầm móng của chiến tranh và là nhược điểm của các nước Tây Phương. Do đó, Anh Pháp quyết định, sau khi thu hồi các thuộc địa, họ sẽ thương lượng với những người bản xứ và trao trả độc lập cho các thuộc địa để duy trì ảnh hưởng của mình như là những trụ cột của Hội đồng Bảo An LHQ. De Gaulle đưa ra Tuyên ngôn 24/3/1945 hứa sẽ cho các nước Đông Dương được tự trị trong khối Liên hiệp Pháp. Trong thời Pháp thuộc: Nam Kỳ là thuộc địa, Trung Kỳ tự trị và Bắc Kỳ là đất bảo hộ. Khi TC II chấm dứt, Pháp không có thực lực ở Đông Dương nên Đồng minh giao cho giao cho Anh tạm phụ trách việc giải giới Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16 trong khi quân Pháp chưa đến kịp, còn phần đất phía Bắc do quân Trung Hoa đảm trách. Đầu tháng 2/1946 Pháp đã tái lập xong chủ quyền ở phần đất phía Nam, thành lập Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ để xúc tiến việc thực hiện Tuyên ngôn 24/3. Trong lúc đó, Pháp ký hiệp ước với Trung Hoa (28/2/1946) thỏa thuận trả lại TH các nhượng địa mà triều đình Mãn Thanh giao cho Pháp hồi thế kỷ trước. Để đổi lại, quân Pháp sẽ thay quân Trung hoa ở Bắc vĩ tuyến 16. Đầu tháng 3/1946, Sainteny đại diện chánh phủ Pháp đến Hànội thảo luận với ông Hồ Chí Minh việc thay quân TH và tương lai chính trị VN. Hai bên ký Hiệp ước Sơ bộ 6/3, Pháp công nhận nước VNDCCH là một nước tự do có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chánh riêng và là một thành phần của Liên bang ĐD thuộc khối LHP. Riêng Nam Kỳ tạm thời do Pháp quản lý để chờ trưng cầu ý dân. Pháp hứa sẽ thừa nhận những quyết định của cuộc trưng cầu dân ý này. Để tiến tới một hiệp định chánh thức và toàn bộ, hai phái đoàn Pháp và VNDCCH đã gặp nhau tại hội nghị trù bị Đà Lạt từ 19/4 đến 10/5/1946. Theo quan điểm của Pháp, nước VNDCCH chỉ từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, do đó Cao ủy D’Argenlieu muốn có phái đoàn Nam Kỳ tham dự để cùng thảo luận việc thống nhất Việt Nam. Phía VNDCCH phản đối, khiến hội nghị bế tắc phải dời sang Pháp (Fontainebleau). Nhân dân VN đặt niềm tin vào ông HCM trong cuộc đàm phán với Pháp giành độc lập cho đất nước. Còn ông Hồ là một Ủy viên QTCS, ông muốn VN trở thành tên lính xung kích đầu tiên của các nước thuộc địa đứng lên chống thực dân đế quốc sau Thế chiến II. Đây là chủ trương của trùm Đỏ Stalin. Vì mục tiêu này mà trước khi đàm phán với Pháp, ngày 3/3/1946 Thường vụ TƯ Đảng CSĐD, dù tuyên bố đã giải tán, ra chỉ thị như sau: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không ngừng nghỉ một phút công việc sửa soạn sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta” (* Đề cương bài giảng lịch sử Đảng CSVN, NXB Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hànội 1980, Tr. 163/64). Đối với ông HCM, giành độc lập không phải bằng thương lượng hòa bình mà bằng chiến tranh. Do đó, từ hội nghị Đà lạt đến Fontainebleau, VNDCCH luôn đòi Pháp phải thừa nhận VN độc lập và thống nhất ngay, không ngoài mục đích đưa đàm phán đến bế tắc để phát động chiến tranh. Còn các lãnh tụ Quốc gia với lập trường cứng rắn “thắng hay là chết, chớ nhất định không điều đình”. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có những người đấu tranh ôn hòa mới có thể đưa đất nước khỏi thảm họa chiến tranh. Ông HCM sống ở Pháp hơn một thập niên và đã gia nhập Đảng CS Pháp, sau đó ông sang Nga và trở thành Ủy viên Quốc tế CS. Do đó, chính giới Pháp không muốn thương lượng với ông Hồ… Nhưng họ phải trao trả độc lập cho VN, vì đó là đòi hỏi của HK, nước nầy lại đang tái thiết nước Pháp và Tây Âu qua kế hoạch Marshall. Vì thế, Pháp chỉ muốn nói chuyện với những thành phần ôn hòa. Nam Kỳ vốn là thuộc địa, nay theo Tuyên ngôn 24/3, Pháp sẽ cho Nam Kỳ tự trị. Dựa vào đó, Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh thành lập Chánh phủ lâm thời cộng hòa Nam Kỳ để cùng chánh phủ VNDCCH của HCM thương thuyết với Pháp. Chánh phủ nầy cũng được Pháp thừa nhận là nước Cộng hòa tự do như nước VNDCCH. Từ nước thuộc địa và bị bảo hộ, nay trở thành những nước Cộng hòa tự do, cao hơn mức tự trị mà Pháp dự trù một năm trước đây. Điều đó cho thấy, ngay bước đầu Pháp đã nhượng bộ. Cả hai bên VN đều cùng mục tiêu: đòi độc lập và thống nhất, một bên ôn hòa, một bên cứng rắn, cùng hợp lực kiên trì đấu tranh. Nhờ thế một nước VN độc lập thống nhất có thể đã ra đời cùng lúc với Ấn Độ, Nam Dương và Miến Điện hồi năm 1948/49. Bước vào ngưỡng cửa độc lập thống nhất, đất nước đã có sẵn một đội ngũ trí thức tốt nghiệp từ Đại học Hànội và ở Pháp, đất đai lại trù phú, từng là vựa lúa lớn nhất nhì thế giới. Thành phố Sàigòn đã nổi tiếng là hòn ngọc Viễn đông, rồi đây VN cũng sẽ là nước giàu đẹp hàng đầu ở Đông Nam Châu Á. Rất tiếc, triển vọng không thành. Cộng hòa Nam kỳ là một thực thể chính trị của lịch sử, góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh giành độc lập bằng đường lối ôn hòa. Bs Thinh đã hành xử phương châm “gặp thời thế, thế thời phải thế” vì lợi ích đất nước nhưng phe Quốc gia lẫn CS lại gán cho nó nhãn hiệu phân ly, địa phương cục bộ, lên án Bs Thinh là Việt gian, tay sai Pháp, khiến ông phải tìm cái chết để minh oan. Nỗi bất hạnh bắt đầu đổ lên đầu dân tộc: hận thù, chia rẽ, đố kỵ. Chỉ hơn một tháng sau ngày ông quyên sinh (10/11/1946), HCM kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Cuộc chiến VN kéo dài từ 1946 đến 1989 -gấp ba lần hai trận đại chiến thế giới I và II, thì thử hỏi đau thương mất mát của đồng bào và đất nước lớn lao là dường nào? Cuộc chiến giải phóng dân tộc do ông HCM phát động hoàn toàn không cần thiết, chỉ có lợi cho Quốc tế CS, đã đưa đất nước xuống hạng bét trong số các nước trong vùng. Dư luận lên án bác sĩ Thinh làm tay sai cho Pháp, trong khi nhóm người Pháp quá khích ở Nam Kỳ, trong Hội đồng Tư vấn và trong các thế lực tài phiệt thuộc địa thì chỉ trích ông còn “vương vấn với quốc gia Việt Nam” (Lê Trọng Quát, Cuộc chiến thứ nhất 1945-1954, Tr. 273). Bs Thinh là người hiền lành, trong tác phẩm Histoire d’Une Paix Manquée trang 231, Sainteny cũng thừa nhận ông Thinh là một người yêu nước, lúc đầu gia nhập đảng Lập hiến của Bùi quang Chiêu, sau thành lập đảng Dân chủ Đông Dương cùng với bác sĩ Trần văn Đôn. B/s Thinh được Pháp đào tạo, ông đứng ra gánh vác việc nước chỉ vì tấm lòng “vương vấn với quốc gia Việt Nam”… Nhưng dư luận đương thời và cả đến nay đều có định kiến ông là tay sai của Pháp. Đó cũng là nỗi oan khiên của học giả Phạm Quỳnh ở Huế. Cách mạng tháng Tám 1945 kết tội ông là tay sai đắc lực của Pháp để giết ông. Vậy hãy xem tờ trình tối mật ngày 8-1-1945 của Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn gởi Toàn Quyền Đông Dương Decoux và đại tướng Mordant, nhận xét PQ như thế nào: “…Những yêu sách của Phạm Quỳnh cứ là thiết lập một nền tự trị toàn diện cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đồng thời chấm dứt chế độ thuộc địa Nam Kỳ, tiến tới việc hình thành một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý về sự kiện này: bề ngoài Phạm Quỳnh tuy nhã nhặn, hòa hoãn, nhưng ông ta là một phần tử bất khả phân trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam và chúng tôi đừng mong làm gì với lòng ái quốc chí thành, bất di bất dịch nơi ông ta, dù qua việc chúng ta đã dành cho ông một chức vị tối danh dự đã có”. (Bản dịch của Giáo sư Nguyễn Phước Bửu Tập công bố trong ngày Phạm Quỳnh tổ chức ở California, tháng 5/1999) Sau khi B/s Thinh quyên sinh, những người cùng chí hướng tiếp tục con đường của ông. Ngày 8/6/1948, Nguyễn văn Xuân -thủ tướng Chánh phủ Cộng hòa Nam kỳ, được Bảo Đại cử giữ chức vụ thủ tướng Chánh phủ Quốc gia Trung ương Lâm thời, ký thỏa ước Vịnh Hạ long với Bollaert -Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Pháp nhìn nhận VN độc lập và tự do thực hiện việc thống nhất quốc gia. Ngày 9/3/1949, Bảo Đại và TT Vincent Auriol ký Hiệp ước Elysée: Pháp chánh thức nhìn nhận VN là một quốc gia độc lập thống nhất thuộc khối LHP. Ngày 24/4/1949, Hội đồng Đại biểu Nam kỳ bỏ phiếu chấp nhận việc sát nhập Nam kỳ vào Quốc gia Việt Nam. Quyết nghị được Quốc hội Pháp thông qua ngày 3/6/1949. Quốc gia Việt Nam chánh thức ra đời ngày 1/7/1949. Tuy nhiên Pháp vẫn còn phải hiện diện vì tình trạng chiến tranh với Việt Minh, cũng như Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, Miến Điện, Hồi Quốc từ 1948/49 nhưng mãi đến 1957 mới trao trả độc lập cho Mã Lai vì sự khuấy động của CS ở đây. Từ 1949, đất nước ta đã trở thành địa bàn của chiến tranh lạnh, Quốc gia Việt Nam nằm trong khối LHP đứng cùng chiến tuyến với HK trong cuộc xung đột nầy. Oan án B/s Thinh không được giải tỏa, chánh nghĩa quốc gia bị hoen ố, gây ảnh hưởng tại hại cho những người chiến đấu cho dân chủ tự do trong cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua. Định kiến với đầu óc kỳ thị đã làm hại dân tộc. Những người đấu tranh cho độc lập thống nhất quốc gia thông qua con đường thương lượng hòa bình theo đúng pháp lý dựa trên sự thỏa thuận của Đồng minh và Hiến chương LHQ lại bị lên án là tay sai của Pháp. Vì thế người ta luôn cho rằng chánh quyền Quốc gia thời Bảo Đại chỉ là chế độ bù nhìn do thực dân Pháp dựng lên. Thời Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa: Thủ tướng Ngô Đình Diệm đứng ngoài trong cuộc tranh chấp Quốc Cộng 1945-1954. Tình thế đưa đẩy, ông trở thành lãnh tụ Miền Nam. Ông sống khắc khổ, không vợ con, có trình độ Tây học và Nho học, nổi tiếng thanh liêm và khí tiết khi từ chức Thượng thư bộ Lại để phản đối chánh sách của Pháp. Ông được cả nước tôn là chí sĩ, xứng đáng là đối thủ của lãnh tụ HCM ở miền Bắc. Sau HĐ Genève 1954, do sắp xếp của quốc tế vì nhu cầu hòa bình: đất nước bị chia đôi. Miền Nam nằm trong khu vực ảnh hưởng của Mỹ, họ coi nơi đây như là thí điểm của sự phồn thịnh và dân chủ ở Á châu. Từ 1955, HK bắt đầu viện trợ kinh tế, giáo dục và kỹ thuật nhằm tạo sự phồn thịnh cho Nam VN, giúp phần đất này có điều kiện đi vào con đường không CS với một chánh quyền có khả năng phát triển đất nước theo chiều hướng tự do. Được ưu thế về thiên thời và địa lợi, nhưng MN lại thiếu yếu tố nhân hòa vì thủ tướng Diệm không hiểu rõ tình thế đặc biệt của đất nước để chiêu hiền đãi sĩ hầu ổn định MN. Đất nước đã hoà bình, nhưng chỉ tạm bợ. Bộ đội Việt Minh CS tập kết ra Bắc, nhưng Lê Duẫn cho chôn vũ khí và gài lại MN những cán bộ nồng cốt để tái phát động chiến tranh. Các lực lượng vũ trang Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên là các đoàn thể yêu nước nổi lên trong thời kháng chiến chống Pháp. Họ từng hợp tác với VM nhưng sau khi rõ bộ mặt thật của CS chủ trương chèn ép tiêu diệt họ, họ chống lại VM. Một số vừa chống Pháp nhưng đôi khi hợp tác giai đoạn và nhận vũ khí của Pháp để chống VM. Khi QGVN ra đời, một số ra hợp tác có điều kiện với chánh quyền quốc gia. Đây là lực lượng chống Cộng hữu hiệu tại địa phương mà tân chánh quyền phải tranh thủ để tạo sự hòa hợp và ổn định quốc gia, vì thủ tướng là người Thiên chúa giáo miền Trung, lại được hậu thuẫn của gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư, đa số là tín đồ TCG. Tình thế lúc bấy giờ đòi hỏi ông phải uyển chuyển. Việc dẹp các lực lượng Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và phân tán các lực lượng nầy khỏi các vùng ảnh hưởng của họ là một sai lầm. Ngoài ra còn có một đại bộ phận nhân dân đã tham gia kháng chiến vì lòng yêu nước. Chiến tranh chấm dứt, trên 80 ngàn cán bộ VM tập kết ra Bắc. Người ra đi cũng như người thân ở lại, đều hi vọng ngày đoàn tụ, sau cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước dự trù tổ chức năm 1956. Vì thế họ tham gia các phong trào đòi hòa bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đó là tình cảm chân thành. Nhưng ông Diệm coi những ai từng theo VM, những ai tham gia các phong trào đòi hòa bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử đều là CS hoặc tay sai CS, phải bị trừng phạt. Vụ án Ba Cụt khiến người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với người lãnh đạo quốc gia. Ông Diệm nhờ Nguyễn ngọc Thơ, một đồng hương, có mối thân tình với Ba Cụt đứng ra chiêu dụ người bạn quay về hợp tác với chánh quyền. Trong khi đó, Diệm lại cho phục kích bắt sống Ba Cụt, đưa ra tòa kết án tử hình. Ba Cụt là nhân vật chính trị nổi tiếng, từng lãnh đạo lực lượng vũ trang chống Pháp và CS. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, đáng lẽ ông Diệm dùng quyền hạn của mình, ân xá Ba Cụt, không những ân xá, mà còn tạo điều kiện để ông ta có cơ hội phục vụ chính nghĩa quốc gia. Trái lại, người dân chỉ thấy những người lãnh đạo như phó tổng thống tiến thân nhờ thành tích lừa và giết bạn, còn tổng thống là người TCG miền Trung, một cựu quan lại triều đình Huế giết một nông dân Hòa Hảo miền Nam, một lãnh tụ kháng chiến chống thực dân và CS. Những người thực hiện quốc sách “tố Cộng” là viên chức của chánh quyền thân Pháp để lại bao gồm một số di cư từ miền Bắc, vốn có mối oán thù với VM. Từ đó, ngưòi dân có ý nghĩ chánh quyền Bảo Đại là tay sai của Pháp nay chuyển sang Ngô đình Diệm là tay sai của Mỹ. Công bình nhận xét, trong thời gian ngắn, ông Diệm đã biến MN từ một vùng đất hỗn loạn về chính trị, trở thành một quốc gia có chủ quyền được trên 50 quốc gia trên thế giới thừa nhận và đặt quan hệ ngoại giao. Đó là thành tựu đáng kể, nhưng ông không tranh thủ lòng dân, tạo thế nhân hòa. Thiếu điều kiện này, MN không thể ổn định để phát triển đất nước vững mạnh, hầu tồn tại lâu dài như hai nước đồng cảnh ngộ là Tây Đức và Nam Hàn. Trái lại, còn đào sâu thêm mối hận thù, giúp CS khuấy động tái phát chiến tranh. Lần này không còn những lực lượng giáo phái tiếp sức với chánh quyền quốc gia. Những người tập kết ra Bắc dù chứng kiến cảnh đấu tố man rợ trong CCRĐ, khi hồi kết không còn sự lựa chọn nào khác, phải tiếp tục kháng chiến. Tháng 9/1960, CSVN triệu tập Đại hội Đảng lần thứ III, ban hành nghị quyết thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, nhằm “giữ vững tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á và ra sức góp phần tăng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa”. (Văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản, Hànội, 1960, Tập I trang 34-35). Ngày 20/12/1960 MTGPMN ra đời. Ngày 6/1/1961, lãnh tụ LX Khruschev lên tiếng ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc, đặc biệt ở Cuba, Algérie và MNVN. Hai tuần sau trong diễn văn nhậm chức, TT Kennedy tuyên bố “HK sẽ trả bất cứ giá nào, chịu bất cứ gánh nặng nào, đương đầu với mọi chướng ngại, ủng hộ mọi đồng minh, đối đầu với mọi kẻ thù để bảo vệ sự tồn tại và thành công của tự do”. Thời Đệ nhị Cộng Hòa: Đến đầu năm 1965, VNCH bị CSBV uy hiếp nặng nề, HK bắt đầu trực tiếp can thiệp để bảo vệ sự sống còn của MN tự do. Trước khi đưa quân tham chiến, TT Johnson kêu gọi BV ngồi vào bàn đàm phán giải quyết vấn đề MN bằng đường lối hòa bình. Mãi đến tháng Tư 1968, BV mới chấp nhận đàm phán và kết thúc chiến tranh bằng HĐ Paris 1973. HK đã thực hiện đúng lời hứa hồi năm 1954: nếu sự chia cắt VN phản lại ý nguyện người dân bản xứ thì HK sẽ tìm kiếm sự thống nhất thông qua một cuộc tổng tuyển cử tự do có quốc tế giám sát. CSBV dựa vào điểm 3 trong lập trường 10 điểm của MTGPMN “quyền của nhân dân VN chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc mình là quyền tự vệ thiêng liêng bất khả xâm phạm”, để can dự vào MN thực hiện cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”, thống nhất đất nước. Trái lại, HK cho rằng “quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân miền Nam là quyền tự quyết và phải được tất cả các nước tôn trọng”. HK can dự vào VN vì mục tiêu này. Và nội dung trên trở thành Điều 9(a) của HĐ Paris 1973, còn Điều 9(b) là “nhân dân MNVN tự quyết định tương lai chính trị của MNVN thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế”. Việc thống nhất VN được qui định ở chương VI điều 15: “bằng phương pháp hòa bình dựa trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa hai miền Nam Bắc, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào”. Để kết thúc chiến tranh VN bằng HĐ Paris 1973, trước đó HK đã vận động ngoại giao với Liên Xô và Trung Cộng. Mỹ đã khôn khéo đào sâu mối bất hòa Nga Hoa, bằng cách không phủ quyết để Cộng hòa Nhân dân Trung hoa trở thành Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo An, có địa vị ngang hàng với LX và HK tại LHQ. HK còn thừa nhận vai trò lãnh đạo Thế giới Thứ ba của TC, tạo ra thế “ba chân vạc” để duy trì hòa bình thế giới. Thành phần thứ ba ở Sàigòn ra đời trong bối cảnh nầy. Lực lượng thứ ba sẽ cùng chánh quyền VNCH và MTGPMN thành lập Hội đồng Hoà hợp hòa giải quốc gia, đứng ra tổ chức cuộc tổng tuyển cử, để người dân MN thực hiện quyền tự quyết của mình. HĐ Paris 1973 là cơ sở pháp lý để nhân dân MN đấu tranh cho dân chủ tự do. Đó là mục tiêu của HK khi can dự vào VN: giúp VN chấm dứt chiến tranh và giúp người quốc gia thắng CS bằng con đường hòa bình. Rất tiếc, TT Nguyễn văn Thiệu không chấp nhận giải pháp nầy, ông coi những ai đấu tranh đòi bình, đòi hòa hợp hòa giải và Lực lượng thứ ba đều là CS hoặc bị CS giật dây. Vô tình, ông đã giúp CS thêm sức mạnh mà họ không hề có. Với lập trường “bốn không” ông chủ trương tiếp tục đương đầu quân sự với CS, điều nầy đi ngược chủ trương của HK, tất nhiên Quốc hội Mỹ phải chấm dứt sự ủng hộ. TT Thiệu từ chức và bỏ xứ ra đi. Trong cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua, người CS dù có mưu thần chước quỷ, họ cũng không thể thắng được nếu người quốc gia biết thức thời, nương theo tình thế mà hành xử. Người lãnh đạo VNCH cuối cùng, đại tướng Dương văn Minh -chủ trương hòa giải dân tộc, ra lịnh QLVNCH buông súng để tránh đổ máu thêm vô ích. Tình thế như vậy, ông không thể làm gì khác hơn. Hành động đó cũng là truyền thống dân tộc, biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết: hy sinh tình riêng vì nghĩa chung. Chiến đấu bảo vệ tự do cho MN là tình riêng, thống nhất đất nước là nghĩa chung. Nếu vì tình riêng, chiến tranh sẽ kéo dài triền miên, mọi thảm họa tiếp tục đổ lên đầu dân tộc. Trên hai triệu người đã nằm xuống vì nghĩa vụ thống nhất đất nước, gần nửa triệu người đã chết cho lý tưởng dân chủ tự do. Cả hai đều là chính nghĩa, nhưng khi cần hy sinh để đất nước tiến lên, phải hy sinh tình riêng. Chiến tranh chấm dứt để đất nước thống nhất, sau đó sẽ mưu tìm dân chủ tự do cho đồng bào. Việt Nam sau 1975: CS thống nhất đất nước, lúc bấy giờ VN đang có lợi thế: LX và TQ là đồng minh, nay với HĐ Paris 1973, VN sẽ thiết lập bang giao với HK. Chiến tranh VN đã tạo ra mối căng thẳng lớn giữa ba cường quốc trên trong thời gian dài, nay với HĐ hòa bình có sự thỏa thuận của cả ba, sẽ mở ra giai đoạn hợp tác giữa ba cực lớn của thế giới. Riêng VN, sau 1975 đất nước tiếp thu một chiến lợi phẩm khổng lồ đáng giá hàng chục tỉ mỹ kim, trong đó có nhiều cơ sở kỹ nghệ tân tiến ở Biên hoà, Thủ đức, Hốc môn… với hệ thống cầu đường toàn MN vừa được HK kiến tạo xong. Ngoài cơ sở vật chất khổng lồ, VN còn có đội ngũ trí thức hùng hậu của hai miền phối hợp, đa số tốt nghiệp ở nhiều nước Tây phương và khối XHCN. Tương lai huy hoàng đã bày ra trước mắt, song vì định kiến chế độ MN là thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ, nên CS giam giữ lưu đày gần một triệu quân dân cán chính VNCH mà gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Đó là những người có khả năng phát triển đất nước thời hậu chiến. Sau thời gian bị giam giữ lâu dài, CS thỏa thuận với Mỹ cho họ xuất ngoại sang HK theo diện HO. Cách đối xử của những người lãnh đạo cao nhất nhà nước CSBV đối với binh sĩ MN đầu hàng không được anh hùng mã thượng so với một võ tướng thời xưa -Trần Quang Diệu. Những người di tản hồi cuối tháng 4/1975 mà CS gọi là bọn ôm chân đế quốc, sau đó là thành phần HO, mà họ cho là tay sai của Mỹ do Mỹ đào tạo và trả lương… Nhưng phần lớn lại là những người thù ghét Mỹ dù sống ở Mỹ, cũng như cựu TT Thiệu lên án Mỹ phản bội, song cuối cùng cũng rời Đài Loan, Anh Quốc đến Mỹ sống những ngày tàn và gởi thân xác tại đây. Cũng vì thù hận, những thành phần trên luôn oán hận Mỹ phản bội TT Thiệu, nên không thấy được HK đã làm những gì để giúp dân tộc VN. Hiện nay có khoảng 1, 5 triệu người Việt sống ở Mỹ -nơi mà tổng sản lượng bình quân đầu người đứng đầu thế giới là 44135 mỹ kim. Như vậy, tổng GDP của họ là 66, 2 tỷ so với GDP của cả nước hiện nay là 55,3 tỷ Mỹ kim (Số liệu trên được trích từ chú thích 1 trang 13 Inside APEC, www. dfat. gov. au/geo/fs). Ngoài ra trong HĐ Paris 1973, HK còn cam kết -theo truyền thống của mình, sẽ giúp VN hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết đất nước thời hậu chiến. Người Việt ở HK còn có một đội ngũ chuyên viên trí thức tốt nghiệp đại học cả trăm ngàn người. Nay, mối bang giao giữa Hànội và Mỹ ngày càng phát triển, Cộng đồng người Việt ở HK phải góp phần bằng cách đặt vấn đề: mục tiêu can thiệp của HK trước đây là vì dân chủ tự do, vì muốn dân tộc VN được quyền tự quyết. Đó là cơ sở để HK chấm dứt chiến tranh và thiết lập bang giao với VN sau này. Vì thế, vấn đề trên cũng phải là đề tài giải quyết ưu tiên, để sớm chấm dứt những vướng mắt thù hận trong quá khứ, mở ra một trang sử mới trong mối bang giao hai nước và cả người Việt trong ngoài nước. Kết luận - Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong: Trong hơn 60 năm qua, đảng CSVN đã kiên trì với chủ nghĩa Mác-Lênin, chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN để mở rộng hệ thống XHCN thế giới. Nhiều triệu đồng bào đã hy sinh vì những mục tiêu trên. CSVN đã tận nhân lực làm hết sức mình... Nhưng chỉ một thập niên sau, chủ nghĩa Mác-Lê đã sụp đổ ngay tại nơi phát sinh là Đức và tại nơi nó phát triển là Nga. Toàn bộ hệ thống Xã hội chủ nghĩa thế giới và cả thành trì của nó là Liên Bang Sô Viết cũng đã tan rã. Còn đất nước VN trở thành một trong vài ba chục nước nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới. Đó phải chăng là do số trời? Vì trời là biểu tượng của lẽ phải, tình thương, công bằng bác ái… Đó là đấng toàn năng, chí tôn của các tôn giáo, trái lại chủ nghĩa CS là vô thần. Các tôn giáo không ngừng phát triển từ khi xuất hiện như Phật giáo hơn 2500 năm, Thiên Chúa giáo hơn 2000 năm, Hồi giáo hơn 700 năm… Còn chủ nghĩa CS, khi Tuyên ngôn CS ra đời (1848) đã thu hút khá nhiều người và Lénin đã áp dụng nó tại Nga từ 1917. Sau 75 năm hoạt động, CS Liên Xô tự động sụp đổ, sau khi gây ra một thảm họa khủng khiếp cho nhân loại: trên 100 triệu nạn nhân chết oan ức vì CS. Không những thấy được số trời, CSVN còn thấy được mưu đồ bành trướng của người đồng chí vĩ đại phương Bắc, được trình bày trong sách trắng của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với tựa đề “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, công bố năm 1979. Tài liệu nầy được phổ biến sâu rộng sau khi Đặng tiểu Bình điều quân “dạy cho Việt Nam một bài học”. Họ đã coi VN như là một chư hầu của họ. Đã thấy được số trời tất phải hiểu câu Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong. Nhưng giới lãnh đạo CSVN vẫn kiên trì với con đường cũ. Sau khi khối Sô Viết sụp đổ, họ quay về thần phục Bắc kinh, xin nối lại bang giao với TC và đi theo con đường của CSTQ: kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Giang trạch Dân liền đưa ra khẩu hiệu: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai” làm phương châm trong mối bang giao mới với VN. Từ đó, CSVN hành động rập khuôn theo TC. Những gì Bắc Kinh thực hiện, thì ngay sau đó được CSVN áp dụng. Những vấn đề lớn, Hànội đều phải tham khảo trước với Bắc kinh, cũng như thời HCM còn sống, ông cho rằng Stalin và Mao Trạch Đông không bao giờ sai. Trung Hoa đã thực hiện được ước mơ ngàn đời: qui hồi Nam bang trở lại thiên triều trong hòa bình. Hiện nay, nước chưa mất, nhưng những người lãnh đạo đất nước đã vong bản. Mất gốc trước, không sớm thì chầy cũng sẽ mất nước sau. Song những người tài hèn, đức mỏng thì không thể cải được số trời. khi trời đã giúp dân tộc chúng ta! Nhớ lại đoạn đường dựng nước, sau hai ngàn năm Bắc thuộc, Ngô Vương Quyền đánh bại quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng giành được quyền tự chủ cho đất nước. Tuy nhiên trải qua các triều đại kế tiếp Đinh-Lê-Lý-Trần-Lê-Nguyễn, các vua ta đều nhận sắc phong với chiếc ấn An Nam quốc vương từ các hoàng đế Trung Hoa. Mãi đến giữa thế kỷ 19, khi Pháp đặt ách thuộc địa ở Nam Kỳ và bảo hộ Bắc Kỳ, sự tùy thuộc vào Trung Quốc mới chấm dứt. Đây cũng là giai đoạn phát triển mới của dân tộc khi đất nước mở rộng bờ cõi về phương Nam. Nơi đây đất đai trù phú khiến tâm tánh con người cũng thay đổi, khác với phần đất sỏi đá khô cằn của đất Bắc và Trung phần. Sau đó tiền nhân lại được tiếp cận với nền văn minh Tây Âu, hấp thụ những tư tưởng dân chủ, tự do phóng khoáng, khác xa với đồng bào tại quê hương phía Bắc còn quan liêu bảo thủ, nệ cổ. Ông HCM, các lý thuyết gia CS hàng đầu cũng như lãnh tụ các đảng phái quốc gia Nguyễn hải Thần, Trương bội Công, Vũ hồng Khanh… đều xuất thân từ phần đất này. Họ chống thực dân Pháp và đi tìm hậu thuẫn ở Trung Hoa: CS hoặc Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Ngày nay các lãnh tụ CS già nua, bảo thủ cũng chỉ theo vết xe cũ mà thôi. Một dân tộc không ngừng phát triển trong 5000 năm và trong giai đoạn cận đại chấm dứt được sự ràng buộc với phương Bắc -luôn VN như là một chư hầu của họ. Dân tộc đó lại vừa tiếp thu một vùng đất mới sung túc, được thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa, với sông Cửu Long mang phù sa mầu mở để vun tưới ruộng vườn và bồi đắp giang sơn ngày càng mở rộng ra biển Đông. Sau Thế chiến II, mở ra thời cơ thuận lợi đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập tự do…Nhưng bất hạnh cho dân tộc, vì những người lãnh đạo lại cố chấp, định kiến… nên không thấy được thời cơ thuận lợi (thiên thời, địa lợi) bày trước mắt, để chụp lấy mà hành động, khiến đất nước lâm vào cảnh chiến tranh triền miên. Ngày chiến tranh kết thúc, đất nước điêu tàn, lại lọt vào tay CS. Những người vốn sống trong cảnh tự do, sung túc, không còn con đường nào khác, phải bỏ nước ra đi. Với sự trợ giúp của Phủ Cao phủ Tị nạn LHQ, đã có trên một triệu đồng bào ta định cư khắp nơi trên thế giới. Ngày trước, khi vận động thành công đưa 4 thanh niên VN vào học một trường ở Đông Kinh, cụ Phan Bội Châu cho rằng: “Trong mấy năm bôn ba ở Nhật để tìm đường canh tân đất nước chỉ có chuyện này là tôi thấy vui mừng hết sức, vì nước ta 4000 năm nay chưa hề có người nào du học, có chăng là tự bốn người này trước hết” (PBC, Ngục Trung Thư -bản dịch của Đào Trinh Nhất, NXB Vì nước, QD, Australia, Tr 49-50) Ngày nay niềm tin canh tân đất nước mà cụ Phan đã gieo cho đồng bào sẽ lớn lao là dường nào khi thấy hàng chục vạn sinh viên học sinh VN đã tốt nghiệp tại các nước văn minh tân tiến trên khắp thế giới. Đó có phải là do trời giúp, do hồn thiêng sông núi và tiền nhân độ trì. Ngoài vốn chất xám, đồng bào hải ngoại còn có tiền của dồi dào, năm nay gởi về giúp thân nhân hơn 5 tỷ mỹ kim, gần một nữa số vốn đầu tư của ngoại quốc vào VN. Năm 1975, Miền Nam ngưng chiến đấu, giúp đất nước thống nhất. Ngay sau đó đồng bào phải trả một giá đắt… Nhưng chỉ một thời gian ngắn lại được Trời giúp gấp bội để phục hồi và phát triển. Thiên thời, địa lợi đã có sẵn, chỉ còn yếu tố nhân hòa. Rất tiếc, trong dòng lịch sử chưa có một nhân vật miền Nam nào nắm quyền lãnh đạo toàn bộ đất nước. Có điều đáng mừng, là hiện nay -lần đầu tiên trong lịch sử đảng CSVN, sau tổng bí thư, bốn nhân vật chóp bu kế tiếp trong Bộ chính trị đều là những đứa con sanh ra tại Đồng Nai Cửu Long và lớn lên tại miền Nam tự do. Hy vọng rằng những người lãnh đạo này trải qua quá trình ăn gạo, uống nước Cửu Long Giang và hít thở không khí tự do của miền Nam sẽ thức thời hơn… Họ sẽ áp dụng những chính sách cởi mở chẳng những về kinh tế mà còn cả trong lãnh vực chính trị & xã hội để nhanh chóng phát triển đất nước theo trào lưu dân chủ tự do của cả thế giới trong thế kỷ đương đại 21 này. Điều đó còn giúp bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ trong tương lai nhờ vào sự đoàn kết thống nhất ý chí của cả dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước. Đó là yếu tố quan trọng nhân hòa. Trái lại, nếu họ tiếp tục thực hiện chính sách cai trị để bảo vệ quyền lợi và quyền lực của Đảng CSVN mà hy sinh quyền lợi của Tổ quốc & dân tộc, thời những kẻ lãnh đạo VN hiện nay thật đáng bị nguyền rủa là những kẻ buôn dân bán nước. Nguy cơ mất nước chỉ là vấn đề thời gian mà thôi! Lê Quế Lâm
|