Các đời tổng thống Hoa Kỳ và Việt Nam |
Tác Giả: Lê Quế Lâm | ||||
Thứ Năm, 27 Tháng 1 Năm 2011 09:14 | ||||
Trước 1975 tôi phụ trách nghiên cứu cuộc chiến của chính mình, từ đó tôi luôn tìm hiểu các vị tổng thống HK đã can dự vào VN trong bối cảnh nào, và đã hành xử ra sao? Hầu mong chúng ta có cái nhìn đứng đắn và khách quan về một đồng minh đã từng đổ nhiều của cải và xương máu trên quê hương. Hoa Kỳ có một ngày lễ chính thức là “Ngày Tổng thống” (President’s Day). Lễ này được ấn định vào ngày Thứ hai đầu tuần lễ thứ 3 của tháng Hai, đây là ngày sinh của George Washington, tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Trong bài viết nhân Ngày Tổng Thống Hoa Kỳ (16/2/2009), nhà báo Giao Chỉ -một cựu đại tá QLVNCH có nêu một câu hỏi: “Tổng thống Hoa Kỳ có phải là tổng thống của chúng ta hay không. Chúng ta đây là người Việt mang quốc tịch Hoa Kỳ. Trên pháp lý thì đúng đấy, nhưng trên thực tế thì dân ta có vẽ lạnh lùng hờ hững lắm. Như vậy có vẻ bất công với đất nước mà chúng ta đã hưởng phúc lợi khá nhiều”. Nhà báo dẫn chứng: “Vẫn còn nhớ khởi đi từ cuối thập niên 1970, anh em gặp nhau trên con đường xuôi ngược tìm nơi định cư. Tay bắt mặt mừng, hỏi rằng bây giờ bạn làm gì ở đâu. Câu trả lời nhẹ nhàng lý thú: trước làm hảng Ford, mới đây thì lãnh lương Carter, rồi qua làm việc với tổng thống Reagan. Cho đến bây giờ có nhiều bạn cao niên chúng tôi sắp sửa lãnh tiền già của vị tổng thống mới mà vẫn quen mồm gọi là thằng Obama. Hết sức là tự do dân chủ. Dân ta ở Mỹ đã 10, 20 hay thậm chí 30 năm. Đã đứng lên nghe đọc lời thề vào quốc tịch…nhưng thật sự tấm lòng không hề rung động với Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ…Như vậy phải chăng chúng ta đối xử với nước Mỹ dường như không phải đạo. Kể từ năm 1975, qua năm tới 2010 là 35 năm dâu bể. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải dành cho đất nước tử tế này một chút tình dân tộc mới”. (Việt Luận số 2335, Thứ Ba 17/2/2009) Cảm thấy xót xa vì cách xử sự “có vẻ bất công” và “không phải đạo” đối với đất nước Hoa Kỳ (HK), có lẽ chỉ vì ý nghĩ “HK phản bội, bỏ rơi đồng minh” đã khắc sâu vào lòng họ. Vì thế, tôi xin có vài ý nghĩ đóng góp về quan điểm này. Tôi không hưởng phúc lợi của Mỹ vì không định cư ở đó, song tôi luôn dành cho đất nước này những tình cảm đặc biệt như nước Úc là quê hương thứ hai của tôi. Tình cảm này xuất phát từ lòng biết ơn. Sau năm 1975, HK đã đóng góp ngân khoản lớn nhất cho Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, nhờ đó các trại tị nạn ở Mã Lai, Singapore, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân và Hồng Kông hoạt động liên tục suốt 10 năm. Nơi đây là trạm dừng chân đầu tiên của cả triệu đồng bào ta trong đó có cá nhân tôi, trước khi đến định cư tại các nước dân chủ tự do. Trước đó, đã có ba triệu binh sĩ Mỹ chiến đấu ở miền Nam VN, gần 300 ngàn bị thương tật và hơn 58 ngàn đã vĩnh viễn nằm xuống tại quê hương chúng ta. Người đời thường nói “nợ tiền dễ trả, nợ máu khó đền”, máu của họ đã hòa với máu của 250 ngàn tử sĩ VNCH trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập tự do. Trước 1975 tôi phụ trách nghiên cứu cuộc chiến của chính mình, từ đó tôi luôn tìm hiểu các vị tổng thống HK đã can dự vào VN trong bối cảnh nào, và đã hành xử ra sao? Hầu mong chúng ta có cái nhìn đứng đắn và khách quan về một đồng minh đã từng đổ nhiều của cải và xương máu trên quê hương. Tháng 4/1975 bước chuyển hướng chiến lược của HK: Ngày 23/4/1975 TT Gerald R. Ford tuyên bố tại Viện Đại học Tulane ở New Orleans: “Mỹ Quốc có thể lấy lại được niềm hãnh diện đã có trước Việt Nam. Nhưng niềm hãnh diện ấy sẽ chẳng thể đạt được bằng cách tham dự trở lại một cuộc chiến mà riêng đối với Mỹ đã coi là xong rồi”. (1) Với tuyên bố trên, HK đã chính thức chuyển hướng chiến lược từ giai đoạn “Trước Việt Nam” (Post Vietnam) sang giai đoạn “Sau Việt Nam” (After Vietnam). Người làm quyết định lịch sử này lại là vị tổng thống duy nhất trong số 44 tổng thống Mỹ (đến ngày hôm nay) đã không được dân chúng Mỹ trực tiếp bầu chọn như thủ tục xưa nay. Ông chỉ là một dân biểu, trưởng khối thiểu số Cộng hòa ở Hạ Viện, được TT Nixon đề cử thay thế Phó TT Agnew khi ông này từ chức (12/1973). Tám tháng sau, TT Nixon từ nhiệm vì vụ tai tiếng Watergate và ông trở thành tổng thống thứ 38 của HK (8/1974). Trước ông, trong giai đoạn“Trước Việt Nam” có 6 đời tổng thống là Franklin D. Roosevelt, Harry S. Truman, Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson và Richard M. Nixon. Trong giai đoạn “Sau Việt Nam”, cho đến hôm nay, cũng có 6 đời tổng thống là Jimmy Carter, Ronald Reagan, George Bush, Bill Clinton, George W. Bush và Barack H. Obama. Các tổng thống HK trong giai đoạn trước Việt Nam: Khởi đầu là Franklin D. Roosevelt, ông là tổng thống thứ 32, lãnh đạo nước Mỹ trong Thế chiến II và cũng là vị tổng thống duy nhất đắc cử 4 nhiệm kỳ. Trong TC II, Roosevelt luôn khuyến cáo hai đồng minh Anh Mỹ phải thay đổi chính sách thuộc địa. Ông nói: “Đã đến lúc các chính phủ phải nghe lời nói của các nước thuộc địa, nếu chúng ta cứ mặc tình để hàng triệu con người lại rơi vào chế độ nô lệ thuộc địa trá hình thì một cuộc chiến khác lại xảy ra”. Đối với Đông Dương, ông chống đối việc duy trì quyền lợi của Pháp ở đây và muốn đặt các thuộc địa dưới sự quản thác của quốc tế trong một thời gian để các nước này chuẩn bị đón nhận sự độc lập hoàn toàn. Ông đã tâm sự với con ông: “người bản xứ Đông Dương đã bị đàn áp trắng trợn đến nổi họ nghĩ rằng sống dưới bất cứ chế độ nào cũng còn khá hơn sống dưới chế độ thực dân Pháp” (2) Tháng 11/1943, Roosevelt cùng Thủ Tướng Anh Churchill đến Le Caire (thủ đô của Ai Cập) gặp Tưởng Giới Thạch họp bàn kế hoạch chiến đấu đuổi Nhật ra khỏi các nước Đông Á. Vấn đề thuộc địa lại được mang ra thảo luận, một lần nữa Churchill bác bỏ đề nghị của Roosevelt về thỏa hiệp quốc tế hóa các thuộc địa của Pháp ở Đông Dưong. Churchill sợ rằng nó sẽ ảnh hưởng đến sự thống trị của Anh đối với Ấn Độ và các thuộc địa khác nữa. Tuy nhiên, họ thừa nhận Nhật đã quất sụm toàn bộ ách thống trị thực dân trên toàn cỏi Á Đông, vì thế sau khi đánh bại Nhật, thu hồi các thuộc địa xong, các nước Tây phương sẽ thương lượng với những người bản xứ để trao trả độc lập cho các thuộc địa để duy trì ảnh hưởng của mình như Liên Hiệp Anh hoặc Liên Hiệp Pháp sau này. VN là thuộc địa và đất bảo hộ của Pháp, song Tưởng Giới Thạch và Roosevelt đều không muốn VN rơi trở lại vào tay Pháp mà nên đặt nó dưới sự ủy trị quốc tế. Dựa vào lý do Pháp đã đầu hàng Đức, còn VN lọt vào tay Nhật và nằm trong Mặt trận Hoa Nam do Tưởng Giới Thạch chỉ huy, nên Roosevelt và Tưởng quyết định giao VN cho Anh và Trung Hoa phụ trách sau khi thế chiến chấm dứt. Đến đầu tháng Hai/1945, do sự vận động tích cực của Churchill tại hội nghị Yalta, Pháp trở thành trụ cột của 5 cường quốc Đồng minh. Anh Pháp Mỹ chia nhau chiếm đóng Tây Bá Linh sau khi Đức bại trận. Về phần Đông Dương, tướng De Gaulle, Thủ tướng chánh phủ lâm thời Pháp đưa ra Tuyên ngôn 24/3 hứa sẽ cho các nước ở đây được tự trị trong Liên bang Đông Dương thuộc khối LHQ. Roosevelt vốn không tán thành việc Pháp trở lại Đông Dương, song lúc cuối đời, vì quá mệt mõi ông không còn phản đối việc Anh giúp Pháp tái chiếm các nước Đông Dương. Ngày 12/4/1945 Roosevelt qua đời, chưa đầy 3 tháng sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư. VN dưới thời TT Truman (1945-1953): Sau khi Nhật đầu hàng, quân Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch) vào giải giới Nhật ở bắc vĩ tuyến 16. Phía nam vĩ tuyến, quân Anh giúp Pháp tái lập chủ quyền ở Nam Kỳ. Cuối tháng Hai 1946, Hiệp ước Pháp- Hoa được ký kết tại Trùng Khánh: Pháp giao hoàn các nhượng địa ở Trung Hoa lại cho Tưởng Giới Thạch. Để đổi lại, Pháp sẽ thay thế quân TH ở bắc vĩ tuyến 16 để Pháp đặt trọn ảnh hưởng ở VN. Trong cuộc xung đột giữa Pháp và Việt Minh (VM) ở Nam Bộ và cuộc đàm phán giữa Pháp và chính phủ Hồ Chí Minh hồi năm 1945-1946, HK giữ thái độ trung lập. Trong công điện gởi sứ quán HK ở Paris, Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là Marshall nhắc nhở: “Chúng ta hoàn toàn thừa nhận lập trường là Pháp có chủ quyền ở Đông Dương và chúng ta không muốn tỏ ra là mình đang tìm cách phá hoại lập trường đó. Đồng thời chúng ta không thể nhắm mắt trước thực tế là có hai bên trong vấn đề này. Việc Pháp tiếp tục có mặt ở Đông Dương phản ảnh một giải pháp thực dân đã lỗi thời và nguy hiểm ở khu vực đó. Mặt khác chúng ta không được làm ngơ trước thực tế là ông Hồ Chí Minh có quan hệ trực tiếp với cộng sản và đương nhiên chúng ta không muốn thấy các chính quyền của thực dân đế quốc lại được thay thế bằng triết lý và tổ chức chính trị do Kremlin chỉ đạo và kiểm soát”. (3) Với quan điểm trên nên tháng 9/1945, TT Truman từ chối lời yêu cầu của De Gaulle xin HK cung cấp phi cơ và tàu thủy để chở quân Pháp sang Đông Dương. Truman cũng làm ngơ trước những lời kêu gọi của Hố Chí Minh (HCM) hồi tháng 8 và 9/1945 yêu cầu HK “một quán quân về dân chủ” hãy can thiệp để VN trở thành một nước được Mỹ bảo hộ trong một thời gian trước khi độc lập như trường hợp Phi Luật Tân (4). Đây là điều HK không thể làm được. Phi là thuộc địa của Mỹ nên Mỹ trao trả độc lập cho Phi năm 1946. Ấn Độ là thuộc địa của Anh nên ông Nerhu phải thương lượng với Anh và giành được độc lập năm 1948. Nam Dương là thuộc địa của Hòa Lan, nên ông Soekarno phải thương lượng với Hòa Lan và Nam Dương được độc lập vào năm 1949. Sau đó Truman cũng bác bỏ yêu cầu của Paris xin cung cấp vũ khí giúp Pháp chống Việt Minh sau khi đàm phán giữa Pháp và chính phủ HCM tan vỡ. Ngày 19/12/1946, ông HCM phát động toàn quốc kháng chiến. HK hoàn toàn đứng ngoài cuộc trong vấn đề Đông Dương cho đến năm 1948. Từ giữa năm này, quan hệ hai khối Đông Tây bắt đầu căng thẳng (khởi đầu chiến tranh lạnh) chính giới Mỹ hết sức quan tâm trước sự bành trướng của LX ở Đông Âu và tỏ ra lo ngại việc ông HCM đi theo CS. Vì vậy HK gây áp lực mạnh hơn buộc Pháp chấp thuận cho các nước Đông Dương được độc lập khá hơn. Một nền độc lập được cho là cần thiết để làm hậu thuẫn cho chủ nghĩa quốc gia có thể phát triển, nhờ đó HK hy vọng sẽ khuyến khich dân chúng VN tích cực ủng hộ ông Bảo Đại là người không CS để thay thế ông HCM và tổ chức Việt Minh. Ông Bảo Đại có thể thực hiện một giải pháp chính trị công bằng với những người quốc gia ôn hòa, do đó sẽ làm giảm bớt những thảm họa do việc các phong trào đấu tranh giành độc lập có thể bị phe cực đoan thao túng. Dù vậy khi Thỏa ước Élysée 8/3/1949 (Pháp trao trả độc lập) ra đời, HK vẫn chưa ủng hộ ông Bảo Đại. Trong một bức điện gởi sứ quán HK ở Paris, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Trong lúc này chúng ta không thể đưa nước Mỹ đi cam kết một cách vô điều kiện để ủng hộ chính phủ của một người bản xứ khi mà chính phủ này không phát huy được tín nhiệm đối với nhân dân VN, có thể cuối cùng trở thành một chính phủ bù nhìn, tách rời dân chúng và chỉ tồn tại được nhờ sự có mặt của giới quân sự Pháp”. (5) Cuối năm 1949, Mao Trạch Đông chiến thắng ở Hoa Lục. Với tham vọng hình thành khối CS Đông Á để đương đầu với khối CS Đông Âu, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (TC) là nước đầu tiên trên thế giới công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) và đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ HCM (18/1/1950). Việc TC thừa nhận nước VNDCCH bắt buộc Liên Xô (LX) phải miễn cưỡng ủng hộ quyết định của Mao, vì họ vừa ký hiệp ước hữu nghị với TC. Lúc bấy giờ LX còn trong giai đoạn củng cố thế lực, nên Stalin chưa muốn vi phạm những thỏa hiệp đã ký với HK hồi thời tiền chiến. Theo đuôi Bắc Kinh, ngày 30/1 và các ngày đầu tháng Hai 1950, LX và các nước Đông Âu thừa nhận chính phủ HCM. Nhân dịp này Tổng bí thư đảng CSVN Trường Chinh lớn tiếng cho rằng: “Hệ thống XHCN thế giới kéo dài từ Đông Âu dến Đông Bắc Á sẽ hỗ trợ đắc lực cho CS Đông Dương -tiền đồn chống đế quốc ở Đông Nam Á”. (6) Trước các hoạt động rầm rộ của khối CS ủng hộ chính phủ HCM, Ngoại trưởng Mỹ là Dean Acheson đệ trình TT Truman ý kiến: “Trước mắt Mỹ phải chọn lựa hai điều, hoặc là ủng hộ các chính phủ hợp pháp ở Đông Dương, hoặc là đương đầu với sự bành trướng của chủ nghĩa CS ở phần đất còn lại của Đông Nam Á, có thể sang cả hướng Tây” (7). Sau khi Quốc hội Pháp phê chuẩn hiệp ước Élysée, HK, Anh Quốc, Hòa Lan, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và một số nước Tây phương chính thức thừa nhận Quốc gia VN vào ngày 7/2/1950. Chính quyền Truman công nhận chính phủ Bảo Đại là chính phủ hợp pháp của VN. Ngoại trưởng Acheson đề cao chính phủ này đã thể hiện rõ nét “tinh thần quốc gia tích cực” và cho rằng ông HCM là “kẻ thù không đội trời chung của nền độc lập các nước bản xứ Đông Dương”. (8) Sau khi Mao công khai ủng hộ CSVN, đặt hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm hậu phương cung cấp vũ khí lương thực giúp VM. Pháp chính thức yêu cầu Mỹ viện trợ để bảo vệ ĐD. Hội đồng An ninh Quốc gia khuyến cáo Truman mở rộng viện trợ cho Pháp ở ĐD. Ngày 29/6/1950, ba ngày sau khi CS Bắc Triều Tiên mở cuộc xâm lăng Nam Triều Tiên, TT Truman mới ban hành đạo luật về viện trợ quân sự cho ĐD. Tháng Hai 1951, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động VN thông qua bản Chính cương xác nhận: “Việt Nam là tiền đồn phe Xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á” (9) Năm sau 1952, Hội đồng An Ninh Quốc gia HK ra tuyên bố: “Bất cứ xứ nào ở Đông Nam Á mất vì sự xâm lược của CS cũng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng. Nếu không phản công có hiệu lực và kịp thời thì việc mất bất cứ xứ nào thôi chắc chắn cũng sẽ đưa tới sự khuất phục tương đối mau chóng hoặc một sự sắp hàng với cộng sản của tất cả các nước còn lại trong nhóm quốc gia này”. (10) VN dưới thời TT Eisenhower (1953-1960): Tiếp tục chủ trương ngăn chận CS của người tiền nhiệm, Eisenhower tuyên bố không thể để cho Đông Dương rơi vào tay CS vì “chúng ta có ở đó một loạt bài Domino, nếu vắng đi một quân thì chắc chắn các quân bài kia sẽ rụng theo”. Vị tổng thống thứ 34 của HK còn các nhận: “Mỹ cầm đầu Thế giới tự do để chống CS một cách toàn diện, Mỹ cũng phải cầm đầu Thế Giới Tự Do tiến hành một cuộc chiến đấu bằng cân não con người, cuộc chiến đấu ý thức hệ để chống chủ nghĩa cộng sản”. Trước quyết tâm của HK, khiến TC phải chùn bước. Ba năm trước, họ hy vọng lấy chiến thắng ở Triều Tiên và VN để cỗ vũ chiến tranh cách mạng. Kết quả, một triệu binh sĩ thương vong ở Triều Tiên và hiện đang sa lầy trong cuộc chiến VN mà TC là nước viện trợ vũ khí và trang bị nhiều nhất cho Việt Minh. Đã thấy rõ quyết tâm “trả đũa ồ ạt” của Mỹ, Bắc Kinh thấy cần phải thoát ra khỏi cuộc chiến này với bất cứ giá nào. Ngày 24/8/1953 TT Chu Ân Lai tuyên bố: “Đình chiến ở Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực để giải quyết các cuộc xung đột khác”. (11) Còn Pháp, sau Thế chiến II, họ hăm hở trở lại Đông Dưong nhằm lợi dụng nguồn nhân lực và nguyên liệu dồi dào để kiến thiết nước Pháp thời hậu chiến. Nhưng họ không lường trước sự phản kháng mãnh liệt của nhân dân VN cũng như áp lực của HK buộc Pháp phải trao trả độc lập cho các nước ĐD. Tính đến cuối năm 1952, số quân viễn chinh Pháp bị thương vong lên đến 90 ngàn, và chi phí cho cuộc chiến gấp hai lần số tiền mà họ đã nhận của HK qua kế hoạch Marshall. (12) Vì thế họ cũng muốn rút khỏi cuộc chiến hao quân tốn của này. Trong cuộc hội đàm Anh Pháp Mỹ ở Hoa Thạnh Đốn, ngày 13/7/1953, Ngoại trưởng Bidault cho biết lập trường của Pháp là muốn giải quyết vấn đề Đông Dương như vấn đề Triều Tiên. Đối với HK, họ chỉ có lợi khi thấy kẻ thù dính líu vào cuộc chiến gần như không lối thoát này. LX và TC sẽ phải nổ lực viện trợ cho VM, do đó sẽ hạn chế nhiều đến việc kiến thiết và xây dựng để củng cố sức mạnh nhằm làm chỗ dựa ủng hộ các cuộc chiến tranh cách mạng…nên lúc đầu HK không chấp nhận đàm phán. Nhưng về sau, TC và Pháp vận động hai đồng minh là LX và Anh Quốc đứng ra triệu tập hội nghị Genève 1954 để vãn hồi hòa bình, HK phải miễn cưỡng tham dự. Trước việc chia cắt VN không thể nào tránh khỏi, một giải pháp mà HK cho là tạm bợ chỉ nhằm xoa dịu các cường quốc và tạo mầm móng xung đột sau này nên Ngoại trưởng Foster Dulles không muốn dính líu đến những quyết định do các cường quốc sắp đặt. Ông đến Genève tham dự trong mấy ngày đầu và sau đó để Thứ trưởng Ngoại giao Bedell Smith cầm đầu phái đoàn Mỹ. Ông yêu cầu Ngoại trưởng Anh Eden đồng chủ tịch hội nghị Genève với Ngoại trưởng LX Molotov thoả thuận những biện pháp thỏa đáng để giải quyết vấn đề Đông Dương. Điều quan trọng là phải bảo đảm tự do và công lý cho nước trong vùng. Ông nói rõ: “Trong trường hợp Pháp và TC đi đến thỏa hiệp chia cắt Đông Dương thì Minh ước Phòng thủ ĐNA sẽ được thành lập”. HK cho rằng giải pháp Genève 1954 về Đông Dương là một thảm họa. Nơi đây “chủ nghĩa CS đã hoàn thành một bước tiến quan trọng có thể dẫn đến mất cả Đông Nam Á”. (13) Song HK tin tưởng hiệp ước Phòng thủ ĐNÁ (SEATO) sẽ là lá chắn ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng, bảo vệ hòa bình và an ninh ĐNÁ. Ngoại trưởng Dulles đã nói rõ: “Mục tiêu của Mỹ đối với Đông Nam Á và Đông Dương không phải để tham chiền mà là để tránh sự tham chiến”. Do sự sắp đặt của bốn cường quốc Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Cộng, hội nghị kết thúc với bản Tuyên bố bế mạc ghi nhận những điểm chính như: Pháp rút khỏi ĐD; đình chỉ chiến sự; giới tuyến quân sự 17 chỉ có tính cách tạm thời; mọi người VN có quyền tự do chọn vùng mình muốn sinh sống; chính quyền hai vùng Bắc Nam gặp gở thương lượng một năm trước khi tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7/1956 với những điều kiện cần thiết bảo đảm cho nhân dân VN có thể tự do bày tỏ ý muốn của mình. Một phân tích gia HK về các vấn đề quốc tế nhận xét “Giới tuyến quân sự tạm thời và quyền tự do lựa chọn vùng mình sinh sống, thực chất cũng là giới tuyến phân chia về chính trị, nói tóm lại thì việc gì xảy ra cho Đức và Triều Tiên ngay sau 1945 thì đã xảy ra cho VN năm 1954” (13) Khi hội nghị Genève 54 kết thúc, trưởng đoàn HK tuyên bố không ký tên vào bản Tuyên bố bế mạc hội nghị, vì giải pháp chia cắt tạm thời chỉ nhằm xoa dịu các cường quốc nhưng tạo ra mầm móng cho sự xung đột sau này. HK chỉ bằng lòng công bố một Tuyên cáo riêng xác định: Cam kết tôn trọng hiệp định, hứa sẽ không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để làm thay đổi thỏa ước. HK coi bất cứ hành động xâm lược mới nào xâm phạm đến các thỏa ước nói trên đều là sự đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Về vấn đề tuyển cử tự do, HK cho rằng nếu sự chia cắt lãnh thổ phản lại ý nguyện của người dân bản xứ thì HK sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thống nhất thông qua một cuộc tổng tuyển cử tự do do LHQ giám sát, nhằm bảo đảm cho người dân hành xử quyền chọn lựa của mình một cách trung thực. HK nhắc lại quan điểm cố hữu của mình là “dân chúng được quyền quyết định tương lai của mình” và Hoa Kỳ sẽ không tham gia bất cứ một sự sắp đặt nào để ngăn trở điều đó. (14) Tháng 9/ 1954 HK thành lập khối Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) gồm 8 nước Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Hồi quốc, Thái Lan và Phi Luật Tân. Đặt Nam VN, Lào và Cam bốt vào khu vực bảo hộ của tổ chức quốc tế này. Sau đó HK mới chính thức cam kết với Nam VN qua bức thư ngày 23/10/1954 của TT Eisenhower gởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm. HK xác định mục tiêu của họ là: “giúp NVN bằng viện trợ để duy trì và phát triển một nhà nước tự do có sức sống mạnh, có khả năng chống trả những mưu toan khởi loạn hoặc xâm lược bằng vũ lực”. HK mong muốn chính phủ Nam VN đáp ứng lại bằng cách thực hiện những cải cách cần thiết, mở rộng chính phủ có sự tham gia của các đảng phái chính trị, và thiết lập các cơ cấu dân chủ hơn. (15) Giữ đúng cam kết, từ 1955 chính quyền Eisenhower bắt đầu viện trợ kinh tế, giáo dục và kỹ thuật nhằm tạo sự phồn vinh cho Nam VN, giúp phần đất này đi vào con đường không CS với một chánh quyền có khả năng phát triển theo chiều hướng tự do. HK giúp VNCH mở rộng Viện Đại học Sàigòn, thành lập Viện Đại học Huế, mở trường Quốc gia Hành chánh, trường Nông Lâm súc, trường Kỹ thuật Phú Thọ…Mở các nhà máy than Nông Sơn, nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy đường Hiệp Hòa, các cơ sở kỹ nghệ bông vãi, ve chai…tạo công ăn việc làm cho dân lao động để mở mang kinh tế miền Nam. Ngoài ra HK còn tái tạo hệ thống đường xá, chấm dứt nạn mù chữ, thiết lập chương trình y tế nông thôn và chương trình Diệt trừ sốt rét. Ngày 7/8/1959 đường xe lữa xuyên Việt nối liền Đông Hà với Sàigòn được khánh thành. Theo một thỏa ước ký kết giữa Pháp và HK, 342 cố vấn quân sự Mỹ thuộc Phái bộ Viện trợ Quân sự (MAAG) có mặt tại VN từ trước 1954 lần lượt thay thế Pháp đảm nhận việc huấn luyện quân sự cho Quân đội Quốc gia VN. Cuối tháng 4/1955 khi những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi VN, chính quyền Eisenhower đưa sang 350 nhân viên quân sự thuộc “Phái bộ thu hồi trang bị tạm thời” (TERM) giúp Nam VN thu hồi và phân phát lại những trang bị do Pháp để lại. TERM được coi là một bộ phận thuộc Phái bộ Viện trợ Quân sự HK tại VN. Theo tinh thần hiệp định Genève 54, phái bộ này được ở lại MN sau khi VN bị chia cắt. Đến cuối năm 1960, HK vẫn duy trì ở miền Nam VN số cố vấn quân sự được qui định trên mặc dù tình hình ngày càng tồi tệ do sự khuấy động của CS. Tháng 9/1960, đại sứ HK Elbridge Durbrow báo cáo về Hoa Thạnh Đốn: “Nếu những tiến bộ hiện nay của cộng sản cứ tiếp diễn thì có nghĩa là sẽ mất Việt Nam tự do vào tay cộng sản”. Đó là tình hình Nam VN mà tân tổng thống HK Kennedy sẽ tiếp nhận từ sự bàn giao của ông Eisenhower. (16) (Xin xem tiếp tuần tới) Chú thích: 1- Nguyễn Tiến Hưng và J.L. Schecter, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, C & K Promotions, CA, 1987, Tr. 570. 2- Elliott Roosevelt, As He Saw It, Duell Sloan & Peace, NY, 1946, P.115. 3- The Pentagon Papers, Published by The New York Times, Bantan Books, NY, 1971, PP 7-8 4- Neil Sheehan, A Bright Shinning Lie, Picador, London, 1990, P. 147. 5- The Pentagon Papers, P. 10 6- Trường Chinh, Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân Việt Nam, Quyển II, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975. 7- The Pentagon Papers, P.9 8- Neil Sheehan, P. 170 9- Trường Chinh, Sđd, Tr. 239 (Trích báo Sự Thật của Việt Minh số 128 ngày 18/2/1950). 10- Pentagon Papers, P. 27 11- Tội ác của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Campuchia, Văn kiện Ngoại giao của nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia công bố ngày 10/7/11984, Nxb Sự Thật, Hà Nội, Tr. 14 (Dẫn chứng sách Vietnam: De la Guèrre Francaise à la guèrre Americaine của Phillippe Delivers và Joean Lacouture) 12- Stanley Karnow, Vietnam: A History, penguin Books, Victoria, 1985, P. 188 13- Hans Morganthau, The 1954 Geneva Conference: An Assessment, NY, 1965, P.69 14- US Department of State, American Foreign Policy 1950-1955, Basic Documents, Government Printing Office, Washington, DC, 1957, PP 788-9 15- Như trên, PP. 2401-4
|