Biển Đông Dậy Sóng (4) |
Tác Giả: Ls Nguyễn Thành | ||||
Thứ Ba, 18 Tháng 1 Năm 2011 08:51 | ||||
Hà Nội mưu toan dâng Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Bắc Việt cho Bắc Kinh qua hai hồ sơ nộp LHQ, chúng ta phải làm gì?
Trên 100 Tổ Chức, Hội Đoàn tham gia Ngày Hoàng Sa và Hội Luận 22/1/2011 ở San Jose: Ở bài 1 [Từ Hội Thảo Quốc Tế về Biển Đông [1] ở Hà Nội cuối 2009 đến Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông [2] ở Sài Gòn cuối 2010] người viết đã cảnh báo: Hà Nội mưu toan hoàn tất việc bàn giao Hoàng Sa, Trường Sa và 20 ngàn km2 Vịnh Bắc Việt cho Bắc Kinh qua chính Luật Biển LHQ khi bất ngờ đưa vấn đề mà Hà Nội và Bắc Kinh lâu nay vẫn coi là “nhậy cảm” này ra trước LHQ, qua 2 hồ sơ nộp Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa ngày 6 và 7/5/2009. Sau khi nộp hồ sơ, Hà Nội tổ chức Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông ầm ĩ từ trong nước ra hải ngoại để gây hỏa mù, xoa dịu dân chúng và che dấu hai hồ sơ bán nước cho Bắc Kinh. Qua bài 2 [Hoa Kỳ với Biển Đông, Trung Cộng với Hoàng Sa Trường Sa] người viết đã lưu ý bạn đọc: Hoa Kỳ can dự vào Biển Đông lúc này trước hết vì quyền lợi, chủ chốt là vấn đề dầu khí và mục tiêu trước mắt của Trung Cộng là chiếm trọn Hoàng Sa Trường Sa. Vì mục tiêu “cốt lõi” khác nhau nên sớm muộn hai cường quốc này cũng sẽ thỏa hiệp với nhau và chỉ “tiểu quốc” VN là lãnh đủ! Việc công ty dầu khí BP [Anh] nhưng do một ông Mỹ đứng đầu - sau khi rút khỏi 2 hợp đồng khai thác dầu khí với VN cuối năm 2009 vì bị TC áp lực - đến Bắc Kinh ngày 11/11/2010 để ký hợp đồng khai thác dầu khí với TC ở Biển Đông cùng với công ty dầu khí Chevron [Mỹ], đã chứng minh cụ thể cho nhận xét trên. Bài 3 [Từ hiệp ước Vịnh Bắc Việt 25/12/2000 với Bắc Kinh đến 2 hồ sơ về Thềm Lục Địa VN nộp LHQ ngày 6 và 7/5/2009] tuy giản lược nhưng người viết tin rằng bạn đọc đã thấy rõ: “Đảng CSVN bán nước cầu vinh bằng mọi cách, mọi cơ hội, trên nừa thế kỷ nay”. Từ “bất hợp pháp” [công hàm 14/9/1958] đến “bí mật” [hiệp ước Vịnh Bắc Việt 25/12/2000] và nay “công khai” [hồ sơ nộp LHQ ngày 6 và 7/5/2009] không mở rộng Thềm Lục Địa VN ra ngoài 200 hải lý [mà VN có đủ điều kiện theo Luật Biển LHQ để được hưởng] và cố ý gạt Hoàng Sa Trường Sa ra ngoài hải phận VN để dâng cho TC qua đàm phán “song phương” sau này. Qua bài cuối [Viết cho Ngày Hoàng Sa 22/1/2011 ở San Jose] này, đề tài “Hà Nội mưu toan dâng Hoàng Sa, Trường Sa và 20 ngàn km2 Vịnh Bắc Việt cho Bắc Kinh qua hai hồ sơ đệ nạp lên LHQ, chúng ta phải làm gì”, tuy ngắn gọn trong phạm vi của một bài báo nhưng người viết tin rằng bạn đọc vẫn nhận ra việc Hà Nội bất ngờ đưa vấn đề “nhậy cảm” Biển Đông ra trước LHQ là vì Hà Nội đã nghiên cứu Luật Biển LHQ rất kỹ và thấy có thể lợi dụng được để hoàn tất việc bàn giao Hoàng Sa, Trường Sa và 20 km2 Vịnh Bắc Việt cho Bắc Kinh, hoàn thành chủ trương bán nước cầu vinh, trước sau như một, của Đảng CSVN. Việt Cộng với Biển Đông trước LHQ 1.Ngày 13/5/2009 là hạn kỳ chót để các nước ven biển nộp hồ sơ xin mở rộng thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý và tối đa 350 hải lý, theo qui định ngày 13/5/1999 của LHQ. Hà Nội bỏ phí suốt 10 năm và chỉ còn vài ngày là hết hạn, ngày 6 và 7/5/2009 mới nộp hai hồ sơ cho LHQ. Trong lúc đó, người dân trong nước chỉ cần nói hay viết “Hoàng Sa Trường Sa của VN” là bị đàn áp thẳng tay hay bị bắt bỏ tù rồi. Điều này chứng tỏ rằng nếu không có sự cho phép hay dàn dựng của Bắc Kinh thì không bao giờ Hà Nội dám đưa vấn đề mà Hà Nội và Bắc Kinh xem là “nhậy cảm” này ra trước LHQ, tức ra trước “Công Luận và Công Pháp”, hai kẻ thù của Bắc Kinh. Cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có một phần rất nhỏ nằm cách bờ biển VN 200 hải lý, còn hầu hết gần 250 đảo, đá và bãi của hai quần đảo này đều nằm ở xa ngoài khơi, có nơi cách xa bờ biển VN tới 400 hải lý. Do đó, nếu Thềm Lục Địa VN được mở rộng đến 350 hải lý thì cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa đều nằm gần trọn trên Thềm Lục Địa mở rộng của VN. Theo Điều 77 Luật Biển, quyền của nước ven biển đối với thềm lục địa mở rộng là một quyền tuyệt đối để khai thác dầu khí và khoáng sản. Hà Nội nghiên cứu rất kỹ Luật Biển nên không thể nói là không biết những dữ kiện hết sức thuận lợi cho VN này. Không những bỏ qua một cơ hội vàng để bảo vệ chủ quyền đất nước, ít ra là trên phương diện pháp lý, mà Hà Nội còn tự “trói tay” trước các cuộc đàm phán sau này, đúng như chuyên gia về Biển Đông Vũ Hữu San đã nhận xét: “Hà Nội công khai vẽ hải-đồ và chính thức nộp cho LHQ. Từ nay, Việt Nam cãi gì ngược lại về hải phận cũng không được. Hà Nội tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề Biển Đông và trong thời gian sắp tới, hai bên cùng bàn bạc, đàm phán, phân định biên giới biển. Khi đó, Trung Quốc sẽ dùng hải-đồ mà Việt Nam đã nộp LHQ để đàm phán thì số phận Hoàng Sa Trường Sa coi như xong!” 2. Về công hàm 14/9/1958 công nhận lãnh hải TC 12 hải lý bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của VN, Hà Nội dù có “cãi chầy cãi cối” đến đâu cũng không thể nào xoá đi được tội ác tày trời dâng Hoàng Sa Trường Sa cho Đảng CSTH của đảng CSVN. Tuy nhiên, về mặt thuần tuý pháp lý, cái công hàm 14/9/1958 bất hợp pháp này không thể làm mất đi chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa Trường Sa. Nguyên tắc phổ quát của hình luật là không ai được quyền cho hay bán một vật mà mình không có. Huống hồ là Hoàng Sa Trường Sa, lãnh hải hay biển đảo của một quốc gia, không những không phải của Đảng CSVN mà Đảng này còn biết chắc là chúng thuộc chủ quyền của VNCH lúc đó qua nhiều văn kiện có giá trị pháp lý quốc tế. Tuy Trung Cộng dùng công hàm 14/9/1958 để tuyên bố lung tung chủ quyền đối với Hoàng Sa Trường Sa nhưng thừa biết nó vô giá trị trước luật pháp nên chưa bao giờ dám chính thức nộp vào hồ sơ để tranh chấp Hoàng Sa Trường Sa với VN. Trong khi đó Trung Cộng đã lập hẳn một hồ sơ với đầy đủ văn kiện, bản đồ nộp Ủy Ban Thềm Lục Địa LHQ để tranh chấp chủ quyền với Nhật về bãi đá ngầm Okinotori, phía Đông Biển Đông [East China Sea], một bãi đá nhỏ mà gía trị không thể nào so sánh với Hoàng Sa Trường Sa. Giới học giả Trung-quốc cũng biết rõ như thế và Tiến Sĩ Lo Chi-Kin của Trung Cộng từng thú nhận: “Bắc Kinh không bao giờ dám đưa những tranh chấp về hải đảo tại Biển Đông ra trước các cơ quan trọng tài quốc tế.” 3. Nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng biết thế nên mới buộc Hà Nội phân chia lại Vịnh Bắc Việt và ký kết hiệp ước bí mật 25/12/2000 mà hậu qủa là VN đi từ 63% diện tích cũ xuống còn 45% là tối đa, tức VN mất 20% hay 20 ngàn km2 Vịnh Bắc Việt cho TC. Vì mất mát quá nhiều như thế nên Hà Nội đã dấu kín hiệp ước 25/12/2000 và nay mưu toan “công khai hoá “ hay “hợp pháp hóa” qua hồ sơ nộp LHQ ngày 7/5/2009 liên quan tới lãnh hải vùng này, trong đó đường ranh 200 hải lý VN đột ngột dừng lại ở vĩ tuyến 15N khi gặp quần đảo Hoàng Sa, tức gián tiếp coi như vùng quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Việt đã giải quyết qua hiệp ước “bất hợp pháp” và “bất bình đẳng” 25/12/2000 rồi. Âm mưu dâng Hoàng Sa Trường Sa cho Bắc Kinh lộ rõ hơn nữa khi Hà Nội vừa tuyên bố “sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề Biển Đông” và sắp tới “2 bên cùng bàn bạc, đàm phán, phân định biên giới trên biển.” Hai bên sẽ đàm phán thế nào thì vụ đàm phán 10 năm trước với hiệp ước 25/12/2000 về Vịnh Bắc Việt đủ để biết trước kết quả của đàm phán song phương giữa Hà Nội với Bắc Kinh. Học gỉa Vũ Hữu San 10 năm trước đã la lên: “Chỉ một hòn đảo Hải Nam thôi, TC đã chiếm phần lớn Biển Đông. Làm sao VN còn đầy đủ sức lực cho cuộc thương thảo nhiều lần quan trọng hơn về Trường Sa Hoàng Sa cũng như toàn thể chủ quyền Biển Đông sau này. Phía Trung Cộng vẫn chưa chính thức bước vào cuộc thương thảo lớn về Biển Đông thế mà họ đã thực sự thắng hiệp quyết định. Sỉ nhục Quốc Thể! Sĩ khí ở chỗ nào thế? Hỡi các “đồng chí” CSVN ơi!” Nói rõ hơn, qua đàm phán song phương 10 năm trước để phân định lại Vịnh Bắc Việt, Hà Nội đã dâng cho Bắc Kinh 20 ngàn km2 Vịnh Bắc Việt, đã để cho Bắc Kinh lấy bằng hết vùng thủy tra thạch ở cửa sông Hồng, nơi có tiềm năng dầu khí, và để cho Trung Cộng lấn chiếm Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý phía Bắc VN, có nơi chỉ còn cách bờ biển VN có 40 hải lý. Nay, qua 2 hồ sơ Hà Nội nộp LHQ, hậu quả còn tệ hại vô cùng vì chưa bước vào đàm phán với Bắc Kinh mà Hà Nội đã tự “trói tay trói miệng” hay chịu mất trước, khi xác nhận với LHQ là Thềm Lục Địa chỉ 200 hải lý, tức Hoàng Sa Trường Sa ngoài hải phận VN, tức “không chắc” là của VN! Tóm lại, công hàm ngày 14/9/1958 thì vô hiệu, hiệp ước bí mật 25/12/2000 thi cũng bất hợp pháp và sự xâm chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974 và 7 bãi đá ngầm Trường Sa ngày 14/3/1988 thì vi phạm cả Luật Biển lẫn Hiến Chương LHQ nên sớm muộn gì rồi Trung Cộng cũng sẽ phải trả lời trước Công Pháp Quốc Tế về những hành vi xâm lăng bằng võ lực này. Do đó đưa vấn đề Biển Đông ra trước Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa LHQ là cơ hội tốt nhất để Hà Nội hoàn tất chủ trương của Đảng CSVN là bằng mọi cách dâng phần lớn Vịnh Bắc Việt và Hoàng Sa Trường Sa cho Đảng CSTH. Vì sao? Câu trả lời nằm trong “Thủ Tục Cứu Xét Hồ Sơ” của Uỷ Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa dưới đây. Thủ tục cứu xét hồ sơ của LHQ Theo Luật Biển LHQ, muốn mở rộng thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý, nước ven biển phải nộp hồ sơ cho Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa LHQ [từ đây viết tắt là Uỷ Ban=Committee]. Hồ sơ phải kèm theo bản đồ với toạ độ rõ ràng và cách tính để qui định đường ranh thềm lục địa ngoài 200 hải lý. Sau khi nhận được hồ sơ, Tổng-thư-ký LHQ phải thông báo bằng văn bản cho các hội viên Luật Biển và phổ biến văn bản này trên trang nhà LHQ [“UNCLOS”] Để giải quyết 1 hồ sơ, Ủy Ban phải chỉ định 1 Tiểu Ban [Sub-Committee] gồm 7 người để xem xét. Tiểu Ban họp riêng khi xem xét hồ sơ và có thể yêu cầu nước liên hệ cung cấp thêm tài liệu hay nếu cần cho phép nước liên hệ thay đổi hồ sơ. Tiểu Ban phải thông báo cho nước liên hệ biết ý kiến của Tiểu Ban và đọc cho nước này biết các khuyến cáo [Recommendations] về hồ sơ của Tiểu Ban trước khi đệ trình Ủy Ban xét duyệt. Theo Luật Biển LHQ, Uỷ Ban chỉ có 2 nhiệm vụ: 1] Cứu xét và chấp thuận hồ sơ về thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý; 2] Cố vấn về khoa học và kỹ thuật biển cho các nước ven biển, nếu được yêu cầu. Và với thủ tục cứu xét trên đây, nhất nhất từng bước trong khi cứu xét hồ sơ đều phải tham khảo ý kiến của nước liên hệ, Uỷ Ban đâu khác gì “Ban Trọng Tài” đóng vai trò trung gian giữa các nước liên hệ. Hơn nữa, trước khi Uỷ Ban họp cứu xét hồ sơ thì các nước hội viên Luật Biển, trong đó có TC và VC, họp trước để thông qua chương trình nghị sự của Uỷ Ban. Ngoài ra, trong số 21 ủy viên của Ủy Ban hiện nay có đại diện của TC, Bắc Hàn và Nga. Uỷ Ban hiện nay do Đại Hội Đồng các nước hội viên Luật Biển, trong đó có Việt Cộng và Trung Cộng, bầu ra hồi tháng 6 năm 2007, gồm 21 ủy viên với nhiệm kỳ 5 năm [2007-2012]. Tức là Ủy Ban chỉ có thể thành lập tối đa 3 Tiểu Ban; do đó việc giải quyết hồ sơ rất chậm, thường mất vài năm hay nhiều năm. Điều này rất bất lợi cho VN vì Trung Cộng có thêm thời gian để biến các bãi ngầm xâm chiếm năm 1988 ở Trường Sa chẳng hạn thành các căn cứ quân sự vững chắc đặt tình thế vào “sự đã rồi” rất khó giải quyết sau này dù khi đó công lý đứng về phía chúng ta. Tóm lại, với tư thế cầm quyền và tư cách thành viên Luật Biển LHQ, Hà Nội đã đệ nạp Uỷ Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa LHQ hai hồ sơ vào ngày 6 và 7/5/2009 về thềm lục địa mở rộng của VN. Đây là cơ hội bằng vàng để Hà Nội bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa Trường Sa, ít ra là trên phạm vi Công Pháp và Công Luận, rất cần thiết và hữu ích cho hiện tại [ngăn chặn các công ty nhẩy vào ký hợp đồng với Trung Cộng để khai thác dầu khí chẳng hạn] và cho các cuộc đàm phán tay đôi với TC hay ra trước Toà Án Quốc Tế sau này. Bởi lẽ, Hà Nội chỉ cần xác nhận với Ủy Ban là Thềm Lục Địa VN là 350 hải lý [vì VN có đầy đủ điều kiện theo Luật Biển LHQ để được hưởng] thì khi đó cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa đều nằm gần trọn trên Thềm Lục Địa VN. VN khi đó sẽ có chủ quyền tuyệt đối đối với Thềm Lục Địa mở rộng này và đặt TC vào tình trạng chiếm cứ bất hợp pháp và gián tiếp phủ nhận luôn cái bản đồ lưỡi bò của TC. Thế nhưng Hà Nội đã làm ngược lại và đang lợi dụng “thủ tục cứu xét hồ sơ” của Uỷ Ban để hoàn tất chủ trương của Đảng CSVN: Dâng Hoàng Sa, Trường Sa và phần lớn Vịnh Bắc Việt cho Bắc Kinh! Chúng ta phải làm gì? Câu trả lời chi tiết xin dành cho buổi Hội Luận lần thứ 7 của Ủy Ban Công Lý - Hoà Bình cho Hoàng Sa -Trường Sa, sau Đại Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ QLVNCH đã anh dũng chiến đấu và hi sinh trong trận hải chiến lịch sử chống quân Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974 do Hội HQ Bạch Đằng, Hội HQ Cửu Long và Liên Hội Cựu Quân Nhân Bắc CA tổ chức tại Hội Trường Unify Center 765 Story Road, San Jose, California, từ 10 giờ 30 sáng đến 3 giờ chiều, Thứ Bẩy ngày 22/1/2011, và theo sự hiểu biết của ngưòi viết bài này thì hiện đã có trên 100 Tổ Chức, Hội Đoàn, Cơ Quan Truyền Thông Báo Chí hai miền Bắc-Nam Cali tham gia Ban Tổ Chức, tham dự hay hỗ trợ. Hai năm trước, ngày 30/11/2008, Hội Luận 1 được tổ chức ở San Jose bởi Ban Đại Diện Cộng Đồng BCA, Tập Thể Chiến Sĩ VNCH và 27 Tổ Chức, Hội Đoàn Bắc-Nam CA. Một tuần sau, ngày 6/12/ 2008, Hội Luận 2, cùng đề tài "Hiện Tình Hoàng Sa Trường Sa" và cùng mục đích, được tổ chức ở Frankfurt, Đức, bởi Liên Hội NVTNCS, Hội PNVN Tự Do và gần 40 Tổ Chức, Hội Đoàn ở Đức-quốc, với sự tham dự của Cộng Đồng NVTNCS ở Hoà Lan và Pháp. Trong Tâm Thư gửi Đồng Hương hải ngoại và Đồng Bào trong nước, Ban Tổ Chức Hội Luận 1 ở San Jose và Hội Luận 2 ở Frankfurt đã đòi hỏi "Đảng CSVN phải kịp thời ứng xử minh bạch trước các vấn nạn sinh tử của Dân Tộc và Đất Nước đúng với Công Pháp Quốc Tế." Sự thật hoàn toàn trái ngược và học giả Vũ Hữu San đã nhận xét về hai hồ sơ này như sau: “Hà Nội đã lùi bước khi vẽ hải-đồ nộp LHQ. Nếu xem hải-đồ do Hà Nội vẽ để nộp LHQ, ta sẽ thấy: 3/4 biển Hoàng Sa nằm trong hải phận TQ; VN chỉ còn 1 đảo độc nhất là Tri Tôn trong số trên 100 đảo của nhóm Hoàng Sa; 4/5 biển Trường Sa không còn trong hải phận VN; VN chỉ còn đảo Trường Sa nổi và 2 đảo chìm, trong số hơn 100 đảo nổi, chìm của nhóm Trường Sa." Ở Hội Luận 3, "Tìm Phương Cứu Nguy Đất Nước" do TS Nguyễn Thanh Liêm [nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH], nhân sĩ và hội đoàn tổ chức ở Nam California, Hoa Kỳ, ngày 25/7/2009 và 26/7/2009, người viết những dòng này đã cảnh báo: "Hà Nội mưu toan dâng Hoàng Sa, Trường Sa và Vịnh Bắc Việt cho Bắc Kinh qua hồ sơ nộp LHQ ngày 6 và 7/5/2009." Ngày 2/4/2010, người viết những dòng này đã tường trình 2 hồ sơ của Hà Nội trước Hội Ngộ Toàn Cầu cựu SV Luật Khoa Sài Gòn, ờ Houston, Texas, Hoa Kỳ, và ngày hôm sau 3/4/2010 - lần đầu tiên ở hải ngoại - gần 200 Luật Gia Việt Nam đã ra Tuyên Ngôn tố cáo “Hà Nội đã cắt hàng trăm ngàn hải lý vuông thềm lục địa VN và gạt Hoàng Sa Trường Sa ra ngoài hải-phận VN với ý đồ dâng HS-TS cho Bắc Kinh!" Hội Luận 5 ở Montreal, Canada, ngày 25/4/2010, do Cộng Đồng NVQG Montreal, Tổ Chức, Hội Đoàn ở Canada tổ chức. Hội Luận 6 ở Paris, ngày 3/10/2010, do Phong Trào PNVN Hành Động Cứu Nước tổ chức với sự hợp tác của các Tổ Chức, Hội Đoàn, Nhân Sĩ ở Pháp, Đức, Na Uy, Thuỵ Sĩ. Cả hai buổi Hội Luận 5 và 6 đều không ngoài mục đích tham khảo ý kiến thật rộng rãi và tìm phương cách đối phó với mưu toan bán nước thâm độc của Đảng CSVN. Tổ Quốc Lâm Nguy! Hoàng Sa, Trường Sa và phần lớn Vịnh Bắc Việt sẽ “vĩnh viễn” mất về tay bành trướng Bắc Kinh qua Luật Biển LHQ là do bọn VGCS đương quyền Hà Nội và VN sớm muộn cũng trở thành quận, huyện của TC nếu CSVN còn tiếp tục tiếm quyền. Uỷ Ban Công Lý - Hoà Bình cho Hoàng Sa-Trường Sa xin được mời gọi tiếp tay, góp ý và cùng ký Thư Phản Kháng hai hồ sơ bán nước của Hà Nội với hàng trăm luật gia, trí thức, nhân sĩ và hàng ngàn tổ chức, hội đoàn, đồng hương ở nhiều nơi trên thế giới đã ký qua 6 buổi Hội Luận nói trên. Ls Nguyễn Thành
|