Sau bốn thập niên rút lui, Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á |
Tác Giả: Lê Quế Lâm | ||||
Thứ Tư, 12 Tháng 1 Năm 2011 06:33 | ||||
Thứ Tư tuần qua 2/7/2009 Ngoại trưởng Hoa Kỳ (HK) bà Hillary Clinton đã đến Thái Lan tham dự một loạt hội nghị với các nước Đông Nam Á (ĐNÁ).
Đầu tiên là hội nghị khối ASEAN và các đối tác như Đại Hàn, Nhật Bản, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi và Liên Âu. Sau đó là hội nghị của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum – ARF) bao gồm các thành viên kể trên cùng 7 nước khác thuộc khu vực Á châu và Thái bình Dương. Trong cuộc họp báo khi vừa đến Bangkok bà Clinton tuyên bố với các nước ASEAN “Tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng là Hoa Kỳ đã trở lại”. Bà Clinton đã đại diện HK ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với các nước ASEAN Cách đây 4 thập niên, ngày 8/6/1969 tại đảo Guam, TT Nixon tuyên bố rút 25 ngàn quân Mỹ khỏi Nam VN và sẽ tuần tự rút hết theo một lịch trình sắp sẳn. Và từ 1970 HK lần lượt giảm quân ở Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan, Phi Luật Tân… để khởi đầu chính sách “phi-Mỹ hóa” trong học thuyết hòa bình Nixon. Đây là thông điệp đầu tiên của Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch rút lui khỏi ĐNÁ. Vậy HK đã đến đây trong bối cảnh như thế nào, và lý do họ ra đi? là nội dung bài viết này. ĐNÁ là khu vực đang phát triển, dồi dào tài nguyên có trữ lượng dầu mỏ đáng kể và còn cung cấp cho thế giới một số lớn nguyên liệu quan trọng khác nữa. ĐNÁ còn là ổ khóa để mở rộng cánh cửa đi vào lục địa châu Á trù phú với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Nơi đây kiểm soát tuyến đường hàng hải quốc tế nối liền Đông Bắc Á/Thái Bình Dương với Trung Cận Đông, Châu Á và Châu Phi. Trong những năm đầu của thập niên 1940, Nhật đã tấn công vào chế độ thực dân của Châu Âu, đưa ra khẩu hiệu “Châu Á của người Á châu”. Họ thành lập khối “Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á”, giải phóng các thuộc địa, đẩy ảnh hưởng Tây phương ra khỏi khu vực này. Trước đó, năm 1919 Quốc tế CS đã chú ý đến phong trào giải phóng thuộc địa ở phương Đông. Lenin tin tưởng các dân tộc thuộc địa được Quốc Tế Cộng Sản (QTCS) ủng hộ sẽ đánh bại bọn đế quốc thực dân, góp phần với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân tại các nước tư bản sẽ đưa chủ nghĩa CS đến thắng lợi hoàn toàn. Lãnh tụ cách mạng VN là ông Hồ Chí Minh đã gia nhập QTCS và thành lập Đảng CS Đông Dương năm 1930. Vì lẽ đó TT Roosevelt (Mỹ) mong muốn sau khi Thế Chiến thứ II chấm dứt, các dân tộc ĐNÁ phải được độc lập và không còn bị đô hộ bởi các cường quốc thực dân nữa. Ông đề cao vai trò các nước ĐNÁ đã cùng Đồng minh chống lại sự xâm lăng của Nhật và có ý muốn thực hiện một “Châu Á của người Á châu” được xây dựng trên tinh thần quốc gia của mỗi dân tộc. Sau khi Nhật bại trận, HK đã áp lực các đồng minh Tây Âu trao trả độc lập cho các thuộc địa trong vùng nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa CS. Rất tiếc, tại VN cuối năm 1946 ông Hồ Chí Minh (HCM) đã phát động Toàn quốc kháng chiến. Ông không muốn thương lượng hòa bình với Pháp để tranh thủ nền độc lập cho đất nước. Ông chỉ muốn VN trở thành tên lính xung kích của Phong trào giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân đế quốc. Đầu năm 1950, sau chiến thắng ở Hoa Lục, Mao Trạch Đông đã tích cực ủng hộ ông HCM và lực lượng Việt Minh kháng chiến chống thực dân Pháp. Do đó, Đông Dương đã diễn ra cuộc đọ sức đầu tiên giữa QTCS và Thế giới Tự do và kết thúc bằng HĐ Genève 1954: hai miền Nam Bắc VN trở thành tiền đồn của Thế Giới Tự Do (TGTD) và QTCS ở ĐNÁ. Riêng Miên, Lào là hai vương quốc trung lập. Đối với HK, giải pháp Genève về Đông Dương là một thảm họa. Nơi đây chủ nghĩa CS đã hoàn thành một bước tiến quan trọng, có thể dẫn đến mất cả Đông Nam Á (1). Tháng 9/1954 HK triệu tập hội nghị Manila thành lập khối Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) gồm 8 quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Hồi Quốc, Thái Lan và Phi Luật Tân. Miền Nam VN, Lào và Cam Bốt được đặt dưới sự bảo hộ của tổ chức quốc tế này. HK tin tưởng SEATO sẽ là lá chắn ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng (TC), bảo vệ hòa bình và an ninh ở ĐNÁ. Ngoại trưởng Dulles đã nói rõ: “Mục tiêu của Mỹ đối Đông Nam Á và Đông Dương không phải để tham chiến mà là để tránh sự tham chiến”. Sau Hiệp Định Genève 1954, thế giới bước vào giai đoạn hòa hoãn, Liên Xô (LX) chủ trương “chung sống hòa bình” với Mỹ. Nhưng ông HCM núp dưới chiêu bài giải phóng dân tộc, phát động chiến tranh giải phóng Miền Nam VN bằng hình thức khuynh đảo và xâm nhập lén lút tạo ra cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, giữa HK ủng hộ VNCH và CSBV yểm trợ con bài của họ là MTGPMN. Cà LX và TC đều tận tình chi viện cho CSBV với hai chủ đích khác nhau. LX ra sức tranh thủ Hà Nội, không những để ngăn chặn ảnh hưởng của TC mà còn nhằm vào các quyền lợi kinh tế, chính trị khác nữa, đồng thời lợi dụng cuộc chiến VN để thí nghiệm chiến lược bành trướng Chủ Nghĩa Cộng Sản (CNCS) trong thời bình. Còn TC coi cuộc chiến VN là nơi tranh chấp bá quyền của hai siêu cường. Họ ủng hộ chiến tranh chống Mỹ ở MNVN là nhằm giương lá cờ bảo vệ độc lập dân tộc của các nước thế giới thứ ba. Dựa vào ưu thế của 25 triệu Hoa Kiều nắm quyền kiểm soát nền kinh tế của hầu hết các quốc gia ĐNÁ, Bắc Kinh còn lợi dụng vị trí một quốc gia láng giềng có liên hệ lịch sử và văn hóa lâu đời với các quốc gia trong vùng để tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc khác tại đây. Vì lẽ đó, từ sau TC II, ĐNÁ là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc xung đột quốc tế. Cuối tháng 10/1966 do đề nghị của tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos, lãnh tụ các nước Đồng minh có quân tham chiến ở Nam VN như TT Park Chung Hee của Đại Hàn, TT Kittikachorn của Thái Lan, TT Harold Holt của Úc, TT Keith Holyoak của Tân Tây Lan và TT Johnson của HK đã gặp gở giới lãnh đạo VNCH tại hội nghị Manila. Họ đưa ra sáng kiến hòa bình, chấm dứt chiến tranh bằng đề nghị quân ngoại nhập cùng rút khỏi Nam VN để nhân dân ở đây thực hiện việc hòa giải dân tộc. Hội nghị còn đề xướng kế hoạch phát triển vùng Á Châu/Thái Bình Dương với việc thành lập Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB). Hội nghị đưa ra hai Tuyên ngôn quan trọng về tự do, hòa bình và tiến bộ ở VN và toàn khu vực Á Châu/Thái Bình Dương với 4 mục tiêu chung: Chống xâm lược; Chiến thắng nạn nghèo đói, bệnh tật và thất học; Xây dựng khu vực an ninh và tiến bộ; Thực hiện việc hòa họp và hòa bình giữa các dân tộc trong vùng. (2) Hưởng ứng lời kêu gọi trên và sự ra đời của Ngân hàng Phát triển Á Châu mở ra triển vọng hợp tác mới, năm nước Nam Dương, Mã Lai, Singapore, Thái Lan và Phi Luật Tân thành lập “Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á” (ASEAN) vào tháng 6/1967 với mục đích hợp tác về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa và xã hội giữa các nước trong khu vực. Giải pháp Trung lập hóa toàn cỏi Đông Dương cũng được các nước ASEAN đề ra sau khi HK rút khỏi Đông Dương. HK can dự vào cuộc chiến VN là nhằm áp lực Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán giải quyết chiến tranh bằng con đường hòa bình. HK và Bắc Việt cùng hai bên miền Nam VN là VNCH và MTGP đã tham gia cuộc đàm phán ở Paris từ tháng Giêng 1969. Đến tháng Bảy 1969 HK bắt đầu rút quân khỏi Nam VN, TT Nixon đề ra kế hoạch hòa bình mà người ta thường ta thường gọi là học thuyết Nixon hay “phi -Mỹ hóa”.Theo Nixon, sau khi HK rút khỏi Nam VN, nơi đây sẽ diễn ra cuộc tranh chấp mới, không phải giữa TGTD và QTCS mà là giữa LX với TC. Do những sự kiện trên, ĐNÁ có lẽ là nơi trách nghiệm quan trọng về các nguyên tắc sống hòa bình và sự cần thiết của việc thương thuyết hợp tác thay cho chính sách đối đầu. Điều này đòi hỏi các cường quốc phải cùng nhau giải quyết các cuộc tranh chấp, cố gắng hạn chế sự dính líu về quân sự chính trị, biến ĐNÁ thành khu vực hòa bình, trung lập mà tất cả đều có cơ hội đồng đều tham gia vào thị trường quan trọng này. Các quốc gia trong vùng cũng luôn bày tỏ lòng mong muốn hòa bình hợp tác và sẳn sàng góp phần giải quyết các vấn đề nội bộ của khu vực. Đầu năm 1971, năm nước ASEAN cùng các quốc gia Á Châu Thái bình Dương như Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn và Nhật Bản hợp hội nghị và ủy quyền cho Nhật, Mã Lai và Nam Dương nghiên cứu giải pháp chấm dứt chiến tranh VN, ngăn chặn không cho cuộc chiến lan rộng qua các nước khác và tìm những phương thức thích hợp để các cường quốc giảm bớt sự xung đột ở khu vực xung yếu này. Kết quả vào tháng 11/1971, năm nước ASEAN ra tuyên bố: “cùng nhau hành động để biến vùng này thành một khu vực hòa bình, tự do và trung lập” (Zone Of Peace, Freedom And Neutrality - (ZOPFAN) Để thực kế hoạch “phi Mỹ-hóa ở Á Châu, HK chủ trương trung lập hóa toàn vùng ĐNÁ. Giải pháp này được sự tán đồng của LX và TC, vì nó làm giảm bớt hiểm họa chiến tranh giữa các cường quốc. Học thuyết Nixon áp dụng vào Châu Á, chủ trương “Châu Á của người Á châu” trong đó Nhật sẽ đóng vai trò lớn trong việc giúp đỡ các nước ĐNÁ xây dựng thành một khu vực hòa bình, tự do, trung lập và phồn vinh. Từ lâu Nhật có khuynh hướng trung lập và chỉ thành lập một lực lượng quốc phòng vừa đủ để phòng vệ mà thôi. Nhật đã đạt được một số mục tiêu mà trước đây họ đã phải chịu nhiều hi sinh trong TC II. Ngày nay nhờ sức mạnh kinh tế họ đã làm tròn nghĩa vụ bồi thường chiến tranh cho các nước trong vùng và đã xây dựng lại khu vực “Thịnh vượng chung ĐNÁ” nhưng không có tính chất rầm rộ như trước đây. Đối với các nước trong khu vực, từ nay họ có trọng trách dàn xếp và giải quyết lấy những vụ tranh chấp trong vùng bằng con đường thương thảo hòa bình và thường xuyên tham khảo ý kiến lẫn nhau. Họ sẽ chuyển những lời phản kháng về sự can thiệp của ngoại bang cho LHQ hoặc một cơ quan thẩm quyền nào đó do các cường quốc lập ra. Các chương trình viện trợ của HK sẽ được chuyển qua Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Á Châu với những kế hoạch điều hợp do chính các nước trong tổ chức địa phương này soạn thảo. Trong trường họp bị bên ngoài tấn công hoặc những xung đột khu vực không được giải quyết ổn thỏa, lôi kéo một nước thứ ba can dự vào, HK sẽ dùng sức mạnh để bảo vệ, chống lại những vụ can thiệp hay hăm dọa của những cường quốc bên ngoài. HK trù liệu sẽ dùng hải lực chớ không phải bộ binh để đối phó với những nơi được xác định là có ngoại xâm. Các căn cứ cố định tại các vùng đông dân cư ở ĐNÁ sẽ không còn binh sĩ HK trú đóng, thay vào đó là hệ thống căn cứ được tập trung vào những hòn đảo ở giữa Thái bình Dương, chủ yếu trông cậy vào lực lượng di động của Đệ thất hạm đội. Vận dụng vào VN, học thuyết Nixon thể hiện dưới danh nghĩa “VN hóa chiến tranh”. Nhưng “Việt hóa chiến tranh” lại là điểm chủ chốt của học thuyết Nixon, nó chứng minh thiện chí và quyết tâm kiến tạo hòa bình của HK. Hai mục tiêu chính của Mỹ trong việc thực hiện “VN hóa chiến tranh” là trao dần trách nhiệm cho chính phủ VNCH để HK chấm dứt nhiệm vụ kết thúc chiến tranh bằng một giải pháp chính trị công bằng. Một giải pháp không những phù hợp với lợi ích lớn nhất của dân tộc VN và các cường quốc liên hệ mà còn là mẫu mực để giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế trong giai đoạn hòa bình hữu nghị và hợp tác giữa các nước. Đầu năm 1972, TT Nixon đi TC và LX tìm sự kết hợp giữa ba cực lớn của thời đại để thực hiện việc chung sống hòa bình, hạn chế cuộc chạy đua vũ trang và làm giảm bớt hiểm họa chiến tranh nguyên tử. Nixon cho rằng từ khi Thế chiến II chấm dứt đến nay, các cuộc xung đột tranh giành giữa các cường quốc tiếp diễn không ngừng. Với chính sách “phi-Mỹ hóa” chủ trương không can thiệp vào nội bộ các nước khác, HK đã đi tiên phong đem lại cho thế giới một hòa ước thực sự do chính HK chủ động có LX và TC tán đồng. Theo quan điểm của TC thì tình trạng bất ổn định tại một vài khu vực trên thế giới phát xuất từ tham vọng bá quyền của hai siêu cường. Ngày nay với sự rút lui của HK, sự đe dọa của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ không còn nữa thì “nghĩa vụ quốc tế” của khối CS yểm trợ các cuộc chiến tranh giải phóng, cũng không còn cần thiết. Nhờ đó hiểm họa của cuộc tranh chấp bá quyền sẽ giảm đi để nhường chỗ cho giai đoạn hòa bình hợp tác hai bên cùng có lợi. Để chấm dứt sự đối đầu mở ra thời kỳ mới hợp tác trong hòa bình, các cường quốc cần mở cuộc đối thoại cùng nhau giải quyết các tranh chấp khu vực. Trong tình tình thế giới có hai hệ thống xã hội chính trị đối lập, điều cần thiết để tránh chiến tranh, giữ gìn hòa bình đòi hỏi các cường quốc phải tôn trọng nguyên tắc bất can thiệp, rút lui khỏi các địa bàn tranh chấp, thừa nhận quyền tự quyết của các dân tộc để họ theo đuổi chính sách trung lập phi liên kết. Nhờ can thiệp vào VN, khi HĐ Paris 1973 ra đời, HK đã ngăn chặn chủ nghĩa CS tràn xuống ĐNÁ. Vòng đai bao vây TC kéo dài từ Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, kéo dài xuống năm nước ASEAN -nay trở thành khu vực hòa bình, tự do, trung lập và phồn vinh. Không những thế, HK còn bắt tay với TC, cả hai cam kết “đều không mưu cầu bá quyền và đều phản đối bất cứ nước nào hay tập đoàn nào cố gắng thiết lập bá quyền đó ở khu vực châu Á”. (3) Trong tình thế đó, HK rút lui khỏi VN và ĐNÁ vào giữa thập niên 1970. Giữa tháng 5/1975 hai tuần sau khi Hà Nội chiến thắng ở VN, bộ trưởng Ngoại giao 5 nước ASEAN trong phiên họp thường niên tại Luala Lumpur đã bày tỏ ý muốn thiết lập bang giao thân hữu với từng nước ở Đông Dương. Họ mong muốn giành được hậu thuẫn của VN để củng cố ĐNÁ trở thành khu vực hòa bình tự do và trung lập thực sự. Vùng đất chiến lược này lại được Nhật dự trù một ngân khoản 1600 triệu đô la giúp 8 nước trong vùng gồm 5 nước ASEAN và ba nước Đông Dương xây dựng khu vực Thịnh vượng chung ĐNÁ. Để thực hiện kế hoạch này, tháng 8/1977 TT Takeo Fukeda đến Kuala Lumpur tham dự hội nghị thượng đỉnh tụ các nước khối ASEAN, tại đây ông kêu gọi sự hợp tác hữu nghị giữa các nước trong vùng kể cả Miến Điện và ba nước CS ở Đông Dương. Thủ tướng Nhật hứa sẽ kinh viện thêm 5 tỷ đôla cho kế hoạch phát triển ĐNÁ thành khu vực phồn vinh. (4) Trước đó, vào ngày 20/6/1976, HK đóng cửa các căn cứ quân sự ở Thái Lan kết thúc sự có mặt của Mỹ ở đây sau 12 năm can dự. SEATO chấm dứt nhiệm vụ và giải tán ngày 30/6/1977. Chú thích: 1- The Pentagon Papers, Published by The New York Times, Bantam Books, NY, 1971, P.15. 2- Lyndom B. Johnson, The Vantage Point: Perspectives of the Presindency, Redwood Press Ltd, London, 1972, PP. 248-249. 3- Henry Steele Commager, Documents of American History, Vol II: Since 1898, Prentice Hall, Inc, New Jersey, 1973, P. 706. 4- The Year Book 1978, Grolier Incorporated, USA, 1978, PP. 103 + 272.
|