Tự Do Báo Chí Tại Hoa Kỳ |
Tác Giả: Phạm Văn Tuấn | |||
Thứ Ba, 11 Tháng 1 Năm 2011 08:50 | |||
Sự tự do của giới truyền thông hay tự do báo chí có liên hệ chặt chẽ với tự do ngôn luận. Giống như Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Báo Chí là một trong các điều căn bản của nền Dân Chủ. Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ đã cấm đoán chính quyền không được phép tước bớt các tự do ngôn luận, tôn giáo, báo chí và hội họp. Bảo vệ nền tự do báo chí là bảo vệ quyền của người dân được hiểu biết và khuyến khích các cơ quan truyền thông báo cáo và thảo luận về các biến cố chính trị đã xẩy ra hay sẽ xẩy ra. Nhờ tự do báo chí mà các ý tưởng có thể được in ấn, phổ biến và trao đổi, và chỉ bằng cách thảo luận cởi mở các ý tưởng mà sự thật mới được phát hiện. Nhà bình luận chính trị danh tiếng Walter Lippmann đã từng nói: Một nền tự do báo chí không phải là một đặc quyền (privilege) mà là một nhu cầu cơ hữu (an organic necessity) của một xã hội tốt đẹp. Tại Hoa Kỳ ngày nay, phần lớn các biến cố chính trị thường xẩy ra tại Thủ Đô Washington D.C. và các sự việc này đã được báo chí và truyền thanh, truyền hình tường thuật. Trước việc tường thuật các biến cố, nhiều người đã đặt câu hỏi, ai có quyền cho phép người dân được nghe những gì và đựơc đọc những gì? Chính quyền có nên kiểm duyệt các bài báo chứa đựng các tin tức gây nguy hiểm cho an toàn công cộng? Việc kiểm duyệt các tin tức, nếu có, khi nào bị coi là đi quá xa? Làm sao ngăn ngừa những tờ báo lợi dụng nền tự do báo chí để nói sai sự thực, làm hại những người lương thiện khác? Sự tự do của giới truyền thông hay tự do báo chí có liên hệ chặt chẽ với tự do ngôn luận. Tự do báo chí trước kia chỉ bao gồm các sách vở, nhật báo và tạp chí, nhưng ngày nay nền tự do đó còn được áp dụng vào truyền thanh, truyền hình và phim ảnh. Hai phương tiện truyền thanh và truyền hình thường bị chi phối bởi các quy luật của chính quyền bởi vì các làn sóng là một nguồn tài nguyên chung (a public resource) và các tần số phát thanh và phát hình có giới hạn và cũng vì thế, một số phạm vi truyền thông bị giới hạn hơn các thứ khác. 1. Kiểm duyệt báo chí Nhiều chính quyền trên thế giới hiện đang kiểm soát báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Các chính quyền này có thể phá hủy các máy in, ngăn cản các bài tường thuật không cho phổ biến, đóng cửa các tòa báo thường chỉ trích chính phủ, không cho phát hành hay tịch thu các cuốn sách, đòi hỏi sự kiểm duyệt sách báo trước khi in ấn, cấm đoán trình chiếu các phim ảnh… Tại Hoa Kỳ, Tu Chính Án Thứ Nhất bảo đảm nền tự do báo chí và cấm đoán các hình thức kiểm duyệt của chính quyền. Các giới hạn của chính quyền về tự do ngôn luận và báo chí có thể biện hộ khi chính quyền kiểm duyệt cách phổ biến việc gây căm thù hay khi tin tức có chứa đựng bên trong các nguy hiểm cho nền an ninh chung. Việc kiểm duyệt báo chí được coi là cần thiết khi có sự loan tin thất thiệt, làm hại tới các người dân vô tội, nhưng cách kiểm duyệt các tin tức khi nào bị coi là đi quá xa? Vào năm 1931, khi tờ tuần báo Saturday Press ở Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota cho in một loạt bài tố cáo viên cảnh sát trưởng và một số viên chức địa phương tham nhũng và ăn bớt của công, gọi họ là bọn Do Thái ăn bớt (Jewish grafters) thì tòa án địa phương đã ban ra một lệnh tòa (injunction) đóng cửa tòa báo bởi vì từ thập niên 1920 tại Minnesota, đã có một đạo luật cấm xuất bản các tạp chí gây tai tiếng, phỉ báng và có ác ý. Trước vụ kiện Near v. Minnesota này, vị chánh án Tòa Tối Cao là ông Charles Evans Hughes đã xác nhận rằng dụng ý của đạo luật Minnesota là trấn áp các xuất bản tương lai hơn là trừng phạt các xuất bản đã qua. Đạo luật của tiểu bang và lệnh tòa như vậy là một sự việc vi hiến vì giới hạn trước (prior restraint). Đối với việc kiểm duyệt của chính quyền trước khi một bài báo, một cuốn sách được xuất bản, ông William Blackstone, vị quan tòa và luật gia danh tiếng người Anh, đã từng viết: Tự do báo chí bao gồm cả việc không được giới hạn trước các phổ biến, và quan tòa Charles Evans Hughes phán quyết rằng duy trì đạo luật của tiểu bang Minnesota sẽ là một bước để tiến tới hệ thống hoàn toàn kiểm duyệt. Cách lý luận này tương tự như chủ thuyết về sự nguy hiểm rõ ràng và hiện tại (the clear and present danger doctrine) mà vị chánh án Holmes đã đề cập. Sau đó, Tòa Tối Cao cũng vô hiệu hóa các đạo luật tiểu bang đã cấm đoán việc phân phối các giấy quảng cáo và tập in mỏng (handbills and leaflets) mà không được phép của viên chức thành phố. Tuy nhiên, Tòa Tối Cao cũng cảnh cáo rằng việc giới hạn trước được cho phép khi liên quan tới nền an ninh quốc gia và sự bạo động trong nước. 40 năm sau vụ án về báo chí kể trên, vấn đề tự do trong việc phổ biến và quyền lợi của chính quyền lại được mang ra thử thách. Vào năm 1971, ông Daniel Ellsberg, một nhà phân tích chính trị làm việc tại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, đã vi phạm các quy luật về an ninh do cung cấp cho hai tờ báo New York Times và Washington Post các tài liệu nghiên cứu về cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Các tài liệu mật này là một phần thuộc báo cáo nhiều quyển của Bộ Quốc Phòng mô tả cuộc chiến và cho thấy rằng trong thập niên 1960, chính quyền Hoa Kỳ đã nói dối dân chúng về nhiều phương diện. Sau khi suy nghĩ, hai tờ báo New York Times và Washington Post bắt đầu cho tin các đoạn trích của công trình nghiên cứu. Ngay lập tức, Tổng Thống Richard Nixon đã xin một lệnh tòa ngăn chặn việc phổ biến kể trên vì cho rằng sự việc đó đã vi phạm vào Đạo Luật Do Thám của năm 1917 (the Espionage Act of 1917) khi đó còn hiệu lực. Vụ án New York Time và Washington Post kiện chính phủ Hoa Kỳ, hay còn được gọi là vụ án Tài Liệu Ngũ Giác Đài (the Pentagon Papers) được trình lên Tòa Án Tối Cao và các vị quan tòa đã bỏ phiếu 6 chống 3, xác nhận rằng chính quyền Hoa Kỳ đã không cung cấp đủ biện minh cho việc giới hạn trước, không chứng tỏ được rằng việc phổ biến các tài liệu đó sẽ gây ra các nguy hại trực tiếp và nghiêm trọng cho quốc gia. Sau đó, hai tờ báo kể trên tiếp tục cho in Tài Liệu Ngũ Giác Đài. Trước quyền tự do báo chí, thẩm phán Hugo Black là vị quan tòa không nhân nhượng, đã nói: Qua Tu Chính Án Thứ Nhất, các vị lập quốc đã cho quyền tự do báo chí sự che chở cần thiết để hoàn thành vai trò quan trọng trong nền dân chủ của chúng ta. Báo chí dùng để phục vụ những người bị cai trị, không phải những nhà cai trị (the press was to serve the governed, not the governors). 2. Kiểm duyệt sự thô tục Một thứ phổ biến không được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ, đó là sự thô tục (obscenity) bao gồm bên trong là loại dâm thư (pornography). Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra, đó là làm sao xác định được sự thô tục? Các lời chửi bới có phải là thô tục không? Loại phim X có thô tục không? Nhiều người cho rằng cần phải kiểm soát việc xuất bản các ấn phẩm nói về dục tình và các tòa án cũng canh chừng các cuốn sách khiêu dâm, các cuốn phim trình chiếu các cảnh đồi trụy. Khi không có các tiêu chuẩn để xét đoán, các nhân viên chính quyền có thể nới rộng ý nghĩa về thô tục để cấm đoán các tài liệu mà họ không ưa. Trong nhiều vụ kiện, Tòa Án Tối Cao đã cố gắng làm rõ danh từ thô tục. Nhân vụ án Miller kiện California vào năm 1973, Tòa Tối Cao đã đặt ra ba tiêu chuẩn để cứu xét một sản phẩm bị coi là thô tục: (1) một người bình thường, áp dụng các tiêu chuẩn hiện thời của cộng đồng, sẽ cảm thấy một cách tổng quát sản phẩm đó khêu gợi về dâm tính, (2) sản phẩm mô tả hành vi dâm dục mà luật pháp địa phương hay các tòa án coi là xúc phạm, (3) sản phẩm, xét theo tổng quát, thiếu đi các giá trị đứng đắn về mặt văn chương, nghệ thuật, chính trị hay khoa học. Ngoài ra, còn có lời bình luận nổi tiếng của vị chánh án Potter Stewart như sau: Tôi không biết phải định nghĩa sự thô tục như thế nào, nhưng tôi biết một sản phẩm là thô tục khi nhìn thấy rõ ràng. Tại Tòa Án Tối Cao, ngoài hai vị chánh án Black và Douglas, hầu như tất cả các vị khác đều coi các tài liệu thô tục không thuộc về ngôn luận (speech) hay báo chí (press) là những từ được dùng trong Tu Chính Án Thứ Nhất, vì vậy không được bảo vệ và có thể bị kiểm duyệt. Kể từ vụ án Miller v. California, các nhà làm luật, các tòa án và bồi thẩm đoàn địa phương đã dùng các tiêu chuẩn cứu xét theo sự xét đoán khác nhau tùy theo cộng đồng, tùy theo địa phương. Do các tiêu chuẩn địa phương được dùng tới nên kỹ nghệ khai thác tình dục đã phát triển tại vài nơi. Trên con đường thứ 42 của thành phố New York, người dân có thể nhìn thấy đủ loại dâm thư trong khi tại một số thị trấn khác, tất cả các sách báo và phim ảnh có một chút tình dục đều bị cấm đoán, vì vậy vào năm 1987, Tòa Tối Cao đã sửa đổi các tiêu chuẩn xét đoán về sự thô tục. Qua vụ án Pope v. Illinois, Tòa Tối Cao xác định rằng các tòa án không được dùng các tiêu chuẩn địa phương. Vị chánh án Byron White nói rằng giá trị của một sản phẩm không thể thay đổi từ cộng đồng này sang cộng đồng khác căn cứ vào sự chấp nhận địa phương và vấn đề chính là giá trị phải do một người hiểu biết đánh giá một cách toàn diện. Như vậy các tiêu chuẩn cứu xét về sự thô tục luôn luôn phải do Tòa Án Tối Cao thẩm định và cho lời phán quyết cuối cùng. Tòa cũng tuyên bố vào năm 1969 rằng các người bán sách không bị trừng phạt vì bán ra các tài liệu thô tục trừ khi chính họ biết rõ điều đó. Tòa còn quy định rằng các chính quyền tiểu bang và địa phương không có quyền ngăn cản các công dân dùng các tài liệu thô tục một cách riêng tư nhưng các chính quyền này có thể cấm những người dưới 18 tuổi vào các hiệu sách dành cho người lớn hay vào các rạp hát chiếu các loại phim cấm trẻ em. Quốc Hội cũng thông qua các đạo luật ngăn trở việc mua và bán loại dâm thư, chẳng hạn các tài liệu thô tục không thể gửi bằng bưu điện. Một vấn đề khác là tiểu bang New York phê chuẩn một đạo luật trừng phạt việc phân phối các tài liệu mô tả tình dục của trẻ em dưới 16 tuổi. Mặc dù xét theo một vài tiêu chuẩn, các tài liệu này không bị coi là thô tục nhưng Tòa Án Tối Cao cũng cho phép tiểu bang New York truy tố những người buôn bán thứ đó dù cho kẻ bán không trực tiếp tham gia vào việc khai thác tình dục của trẻ em (vụ án New York v. Ferber, 458 U.S.747-1982). Tòa Tối Cao cũng cho phép các thành phố dùng tới phương thức chia vùng (zoning procedures) để loại đi các rạp chiếu phim dơ bẩn và đóng cửa các hiệu sách người lớn nếu những nơi này là chỗ trá hình của mãi dâm. 3. Giới hạn việc quảng cáo Theo luật pháp, việc quảng cáo (advertising) được gọi là ngôn ngữ thương mại (commercial speech), không được Tu Chính Án Thứ Nhất che chở. Vì phải bảo vệ các người tiêu thụ, chính quyền đã kiểm soát một phần nào công việc quảng cáo. Năm 1914, Quốc Hội đã lập ra Ủy Ban Mậu Dịch Liên Bang FTC (Federal Trade Commission) có trách nhiệm theo dõi nội dung của công việc quảng cáo và cố làm cho tài liệu quảng cáo chứa đựng nhiều chi tiết xác thực hơn. Thí dụ về công việc này là vào năm 1971, các quảng cáo thuốc lá bị cấm phổ biến trên truyền thanh và truyền hinh còn trên các ấn phẩm, các hãng thuốc lá phải liệt kê rõ ràng thành phần chất nhựa và chất nicotine. Các loại quảng cáo lừa dối cũng bị ngăn chặn. Trong nhiều năm, đã có các đạo luật và quy luật tiểu bang ngăn cấm một số loại quảng cáo rồi tới giữa thập niên 1970, các tòa án và Ủy Ban FTC đã nới lỏng sự kiểm soát. Thí dụ vào năm 1977, Tòa Tối Cao đã bác bỏ một đạo luật cấm các luật sư quảng cáo về các dịch vụ và lệ phí (vụ án Bates v. Arizona Bar Association). Các quảng cáo về thuốc ngừa thai, các dịch vụ y tế cũng không còn bị cấm đoán như trước kia. 4.Phim ảnh, truyền thanh và truyền hình Phim ảnh, truyền thanh và truyền hình cùng với báo chí được gọi là các phương tiện truyền thông đại chúng (mass media), là các nguồn tin tức, gây ảnh hưởng tới đông đảo quần chúng. Qua nhiều thế kỷ, các phương tiện này đã đổi mới, phát triển, nên đã gây ra rất nhiều vấn đề mới và phức tạp. Vào năm 1915, khi kỹ nghệ phim ảnh còn sơ khai, trong vụ án Mutual Film Corporation kiện Ohio, tòa án đã quy định rằng các thẩm quyền tiểu bang và địa phương có hoàn toàn tự do kiểm duyệt các phim chiếu bởi vì phim ảnh không được coi là một phần của báo chí (the press) hay là cơ quan của công luận (an organ of public opinion). Kết quả của quyết định này là đã xuất hiện hàng trăm ủy ban kiểm duyệt cấp địa phương và cấp tiểu bang trên toàn quốc Hoa Kỳ, và các ủy ban này có quyền cấm cản các phim ảnh trình chiếu trong khu vực quản trị. Thời gian trôi qua, việc duyệt xét kỹ nghệ điện ảnh cũng thay đổi. Vào năm 1952, Hội Đồng Quản Trị của tiểu bang New York (Board of Regents) đã không cho phép chiếu cuốn phim Ý có tên là Điều Huyền Diệu (the Miracle) vì họ cho rằng cuốn phim này mang tính xúc phạm (sacrilegious). Qua vụ án Burstyn v. Wilson, Tòa Tối Cao phán quyết rằng phim ảnh được che chở một phần bởi Tu Chính Án Thứ Nhất và việc kiểm duyệt trước cuốn phim của tiểu bang New York được coi là vi hiến bởi vì định nghĩa của luật pháp về chữ xúc phạm quá mơ hồ. Tòa Tối Cao đòi hỏi các luật lệ kiểm duyệt phim ảnh phải xác định rõ ràng các tiêu chuẩn và áp dụng các tiêu chuẩn này một cách công bằng. Kể từ khi đó, rất khó cho các ủy ban kiểm duyệt cấm đoán các phim ảnh và ngày nay chỉ còn một số ít loại ủy ban này tại vài tiểu bang và địa phương. Việc kiểm duyệt thường được căn cứ vào sự thô tục. Đối với kỹ nghệ điện ảnh, họ cũng tìm cách tránh bớt sự can thiệp của chính quyền bằng hệ thống phân loại: loại G = dùng cho khán giả thông thường, loại PG = cần sự hướng dẫn của cha mẹ, loại PG-13 = cần sự hướng dẫn của cha mẹ dành cho các trẻ em dưới 13 tuổi, loại R = giới hạn (Restricted) và loại NC = cấm trẻ em dưới 17 tuổi. Các giới hạn còn được áp dụng vào truyền thanh và truyền hình. Giống như báo chí, các phương tiện truyền thông này là các diễn đàn quan trọng về tin tức và tranh luận, đề cập tới các vấn đề công cộng. Bởi vì truyền thanh và truyền hình hoạt động trên các làn sóng công cộng, nếu có quá nhiều đài phát thanh và phát hình, sẽ xẩy ra các rối loạn hay trùng chéo, vì vậy chính quyền liên bang đã cho phép mỗi đài phát sóng một tần số nhất định. Cơ quan chịu trách nhiệm điều hành việc phát sóng là Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang FCC (Federal Communications Commission) và mặc dù ủy ban FCC không kiểm duyệt nội dung việc thông tin hay can thiệp vào vấn đề tự do ngôn luận, nhưng ủy ban này đã đặt ra các tiêu chuẩn để cấp giấy phép hoạt động và đòi hỏi các đài phát sóng phải tôn trọng các tiêu chuẩn đó. Các giấy phép này có giá trị trong ba năm, sau đó phải xin tái cấp. Một điều lệ quan trọng của ủy ban FCC là chủ thuyết công bằng (fairness doctrine) theo đó, khi có một vấn đề quan trọng cần được đề cập thì các đài phát thanh và phát hình phải trình bày mọi mặt của vấn đề. Tuy nhiên chủ thuyết kể trên đã bị kháng cáo vào năm 1987 vì có ý kiến cho rằng quyền lợi theo Tu Chính Án Thứ Nhất của những cơ quan phát sóng đã bị vi phạm. Quyền tự do báo chí còn có một yếu tố quan trọng là dân chúng có quyền biết rõ chính quyền đang làm gì. Vì vậy vào năm 1966, Quốc Hội đã thông qua Đạo Luật Tự Do về Tin Tức (the Freedom of Information Act). Tới năm 1974, đạo luật kể trên lại được tu chính theo đó chính quyền phải để cho các nhà báo và các công dân quan tâm xem xét các hồ sơ liên bang (federal records) như các tài liệu về ngân khoản, các hình ảnh và bản đồ, ngoại trừ các tài liệu được ghi rõ là mật (classified). Chính quyền liên bang và nhiều tiểu bang còn chấp nhận các luật ánh sáng mặt trời (sunshine laws) theo đó, các cơ quan của chính phủ phải tổ chức các buổi họp công cộng và phải thông báo trước một tuần lễ về các buổi mít tinh này. Đạo luật ánh sáng mặt trời năm 1976 đòi hỏi gần 50 cơ quan liên bang, các ủy ban và hội đồng phải công bố các hoạt động của họ. Nếu các buổi họp bàn về đường lối hoạt động của chính quyền được thực hiện trong phòng kín thi công chúng có quyền đọc các bản tường thuật viết của các buổi họp đó. Trong lịch sử của Hoa Kỳ, việc bảo vệ các tự do dân sự (civil liberties) luôn luôn được theo đuổi và vấn đề tranh luận được nêu ra là việc Kiểm Duyệt đối với sự Tự Do. Dân chúng Hoa Kỳ thường có khuynh hướng chống lại sự bất dung thứ (intolerance), họ không muốn bị sai bảo phải làm gì và đứng trước các vấn đề trọng đại, người dân đôi khi ưa thích Tự Do hơn là Luân Lý.
|