Hồi giáo kém hội nhập vào các xã hội Đức và Pháp |
Tác Giả: Trọng Thành | |||
Thứ Tư, 05 Tháng 1 Năm 2011 10:26 | |||
68% người Pháp và 75% người Đức cho rằng các tín đồ theo đạo Hồi không hội nhập thực sự vào các xã hội này. Trầm trọng hơn là 40% cho rằng đạo Hồi « có thể là một mối đe dọa », có nghĩa là gấp hai lần số người cho rằng cộng đồng Hồi giáo là « một yếu tố góp phần vào đa dạng văn hóa ». Một đèn thờ hồi giáo trước lễ cầu nguyện (© Béatrice André) Le Monde hôm nay công bố kết quả cuộc điều tra dư luận, do IFOP tiến hành, về thái độ của người Pháp và người Đức đối với các tín đồ Hồi giáo. Theo đó, 68% người Pháp và 75% người Đức cho rằng : các tín đồ theo đạo Hồi không hội nhập thực sự vào các xã hội này. Trầm trọng hơn là 40% cho rằng đạo này « có thể là một mối đe dọa », có nghĩa là gấp hai lần số người cho rằng cộng đồng Hồi giáo là « một yếu tố góp phần vào đa dạng văn hóa ». Giải thích lý do : vì sao lại có sự kém hội nhập này, hơn 60% người được hỏi (61% người Pháp và 67% người Đức) cho rằng nguyên nhân đến từ chỗ các tín đồ Hồi giáo từ chối hội nhập. Hơn 30% (34% người Đức và 40% người Pháp) cho rằng sự khác biệt văn hóa là quá lớn giữa hai phía. Có ít người hơn gắn liền hiện tượng này với việc người nhập cư thường sống co cụm tại các khu dân nghèo đô thị. Các nguyên nhân về hoàn cảnh kinh tế khó khăn của những người nhập cư và thái độ phân biệt chủng tộc của một số người dân sở tại được rất ít người lựa chọn. Ông Jérôme Fourquet, một chuyên gia của IFOP, nhận định : bất chấp lịch sử khác biệt trong thời kỳ thực dân giữa hai nước Pháp – Đức, quá trình nhập cư và các phương thức hội nhập rất khác nhau, tại hai quốc gia kể trên, vẫn « tồn tại phổ biến một quan niệm rất cứng rắn » đối với cộng đồng hồi giáo. Chiếc khăn trùm đầu của các phụ nữ Hồi giáo trên đường phố gặp phải sự bất đồng của 59% người Pháp, vốn là các công dân thuộc một quốc gia theo truyền thống tôn trọng "tính trung lập về tôn giáo tại các không gian công cộng". Về hiện tượng này, vào thời điểm hiện nay, người Đức tỏ ra thờ ơ hơn người Pháp (tỷ lệ phản đối khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo ở Đức chỉ là 45%). Như vậy, xu thế không chấp nhận các biểu hiện công khai của đạo hồi tại nơi công cộng ở Pháp đã tăng mạnh so với cách đây 20 năm, vào thời điểm đó, có đến 55% người được phỏng vấn thờ ơ với chuyện này. Không chấp nhận những biểu hiện được coi là thái quá về tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo, tuy nhiên tại Pháp và Đức, khoảng 50% những người trả lời lại cũng « không phản đối » việc bầu một người gốc đạo Hồi làm thị trưởng. Con số này tại Pháp không ngừng tăng lên trong 20 năm vừa qua. Về việc các đảng chính trị hay nghiệp đoàn mang sắc thái Hồi giáo, tại Đức, có đến 44% không đối lập với điều này, trong khi tỷ lệ này ở Pháp là thấp hơn nhiều, với 14%. Theo nhà nhân chủng học Dounia Bouzar, quá trình biến chuyển của các quan niệm tại Pháp về đạo Hồi có mối liên hệ lô-gíc với các quan điểm chính trị phổ biến hiện nay. Nhà nhân chủng học giải thích, « các nhà chính trị Pháp, tả cũng như hữu, công nhận định nghĩa về Hồi giáo của các phần tử cực đoan thuộc mọi thành phần, đặc biệt với bộ luật về việc cấm khăn trùm toàn thân (tại nơi công cộng) ». Trong khi đó, bà Bouzar, người sáng lập văn phòng tư vấn « Các tín ngưỡng và các nền văn hóa », quan sát thấy một nghịch lý là, trong khi Islam được mô tả như là một rào cản cho việc gia nhập vào các giá trị của nền Cộng hòa, thì lại ngày càng có nhiều yêu cầu để các hiệp hội Hồi giáo tham gia nhiều hơn vào việc tăng cường sự tôn trọng đối với « Nguyên tắc trung lập về mặt thể chế trên phương diện tôn giáo » (Laicité), được ghi trong Hiến pháp, và trong cuộc đấu tranh chống lại các phần tử cực đoan. Trước tình trạng hình ảnh Hồi giáo trở nên xấu đi tại Pháp, chủ tịch Ủy ban Pháp về đạo Hồi (CFCM), Mohamed Moussaoui, cho rằng xu thế này có thể được đảo ngược. Ông giải thích, những cảm xúc nghi kỵ đối với đạo Hồi tại Pháp chủ yếu xuất phát từ các hoạt động của một số nhóm Hồi giáo cứng rắn. Chủ tịch Ủy ban Pháp về đạo Hồi cũng đề nghị các tín đồ Islam nên chống lại tất cả những gì có thể làm các quan hệ trở nên căng thẳng hơn. Những ví dụ cụ thể là : việc đòi phải có thịt « halal », nghĩa là thịt được làm đúng theo tiêu chuẩn Hồi giáo tại các bếp ăn tập thể, việc đòi có thời gian và địa điểm cầu nguyện tại nơi làm việc, hay yêu cầu xây dựng những cơ sở tôn giáo mang tính phô trương. Tuy nhiên, hiện tại, các yêu cầu của người đứng đầu Ủy ban Pháp về đạo Hồi về việc chia ngày lễ thứ sáu hàng tuần thành nhiều đợt, nhằm giảm bớt tình trạng quá tải của các thánh đường, khiến tín đồ phải tràn ra cả vỉa hè để làm lễ, vẫn chưa thực hiện được. Mà, các thực hành tôn giáo này của cộng đồng Hồi giáo lại chính là đối tượng chỉ trích của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp.
|