Năm Mới Biến Chuyển Mới |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | ||||
Thứ Hai, 03 Tháng 1 Năm 2011 05:20 | ||||
Chúng ta sắp bước qua ngưỡng cửa năm 2011. Nhìn lại 10 năm đầu của Thế kỷ 21, người ta không khỏi có ấn tượng rõ rệt qua năm thứ 11 của Thế kỷ này sẽ có nhiều biến chuyển rất kỳ diệu, mau lẹ hơn 10 năm trước rất nhiều. Biến chuyển gì vậy? Biến chuyển về thời cuộc. Và những biến chuyển mới đó đều do bộ óc và hành động của con người tạo ra trên khắp thế giới. Trước hết hãy nhìn đến những biến chuyển mới nhất ở Mỹ vào tháng chót của năm 2010. Tuần trước báo chí Mỹ loan tin TT Barack Obama đã đạt được những thắng lợi mau lẹ rất bất ngờ tại Quốc hội Lưỡng viện Mỹ. Đó là những kết quả lớn lao nhất kể từ 2 năm qua so với các thế hệ khác của quá khứ. Tờ Washington Post viết: "Quốc hội này dù đã đạt được những kết quả, nhưng không được lòng dân lắm". Tuy có chút mỉa mai, nhưng đó là sự thật không ai có thể chối cãi. Trước hết đó là thỏa hiệp giảm thuế được Thượng viện và Hạ Viện thông qua vào trung tuần tháng 12. Thứ đến là Quốc hội đã hủy bỏ một đạo luật mà tên gọi rút gọn thành 4 chữ đầu là DADT (Không hỏi, không nói), vẫn được áp dụng trong Quân đội Mỹ riêng cho những quân nhân mà Việt ngữ trước đây vẫn gọi là "ái nam, ái nữ". Sự thật ngày nay chúng ta đã biết đó là những người đồng tính, người trai có cử chỉ và tư cách như người nữ và ngược lại cũng vậy. Từ đó lại có nạn gọi là đồng tính luyến ái (homosexual) khi những người đồng tính đó ở chung trong một khung cảnh thu hẹp như trại lính. Luật "không hỏi không nói" giản dị là không ai hỏi và cũng không ai được tự nói ra "tôi là ái nam hay tôi là ái nữ". Điều đó có nghĩa nếu đã là đồng tính, luật bắt phải giấu nhẹm, dù có biết cũng không ai được hỏi và dù người khác không biết cũng không được tự nói ra. Là một quân nhân khi ra trận tất nhiên phải gánh vác đủ mọi trách nhiệm, dù nguy hiểm có thể bị thương hay bị chết như mọi người khác trước trận tiền, vậy mà lại không cho phép hỏi hay tự nói ra hai chữ "đồng tính", thử hỏi những người đó ôm hận đau khổ đến độ nào khi phải hy sinh trước khi nhắm mắt. Họ đâu có tự ý muốn làm người đồng tính. Chỉ tại ông Trời oái oăm tạo ra một loại người như vậy mà thôi. Bây giờ nhờ sự thúc đẩy của một ông Tổng Thống Mỹ, đạo luật thù ghét người đồng tính vô tội vạ, đau khổ, đang sẵn sàng hy sinh chết để người khác ở nhà an hưởng thái bình, đạo luật bất công và tàn nhẫn đó đã bị hủy bỏ. Dân chúng Mỹ vỗ tay reo mừng. Nhưng cũng có một số nhỏ những kẻ đặt nặng vấn đề tôn giáo, nên đã phản đối vì họ cho rằng đồng tính là phản lại ý Trời. Quân đội Mỹ đang phải lâm trận cũng như có mặt ở Afghanistan hay Iraq để chống bọn khủng bố al-Qaida, chết hay bị thương, hy sinh đến mức cao, cố nhiên được an ủi rất nhiều khi thấy một sự bất công trắng trợn và bạo tàn nhất cho bạn đồng ngũ của mình đã bị Quốc hội hủy bỏ. Và điều này có thể còn nâng cao tinh thần của quân đội Mỹ, tạo thêm sức mạnh và hiệu quả của quân lực Mỹ đang lâm chiến ở những mảnh đất xa lạ trên thế giới. Những người dân thường ở Mỹ cũng như ở những nước có quân đội Mỹ đang chiến đấu đều hoan nghênh sự biểu quyết của Quốc hội Mỹ. Nhưng trên đây không phải là cuộc biểu quyết duy nhất tạo ra biến chuyển mới trong thời cuộc quốc tế. Còn một chuyện thứ hai ảnh hưởng sâu rộng đến thời cuộc, không phải chỉ trong lãnh vực quân sự mà còn cả trong lãnh vực kinh tế nữa. Đó là vào tuần chót của nhiệm kỳ hiện nay, Thượng viện Mỹ đã thông qua Thỏa hiệp Tài giảm Vũ khí hạt nhân với Nga, gọi tắt theo Anh ngữ là START. Từ 25 năm trước, Mỹ và Liên Sô có mỗi bên khoảng 25,000 bom nguyên tử. Trong khoảng mấy chục năm sau, số bom nói trên giảm hơn 75% ở cả hai bên (phía Nga, Liên bang Sô Viết bị giải tán năm 1991). Nga trở thành một nước lãnh đạo các tiểu bang Cộng hòa phụ thuộc. Kế đó Nga và Mỹ ký kết Hiệp ước START để tài giảm thêm bom và phi đạn nguyên tử, các chuyên gia Mỹ đã từng đi thị sát những cơ cấu nguyên tử của Nga cho đến khoảng tháng 9 năm nay. Nhưng Hiệp ước START đến cuối năm 2010 là hết hạn, nếu không có hiệp ước nào khác nối tiếp thêm, đến năm 2011 lại phải điều dình lại hiệp ước mới. Chính vì thế cả Nga và Mỹ từ mấy tháng trước đây đã thương lượng xong một hiệp ước mới với đầy đủ chi tiết thích hợp với sự giao hảo hai bên ngày một khắng khít hơn. Đặc biệt vào đầu tháng 12 năm nay, Hạ viên Nga đã công bố một tài liệu mật vạch tội trùm Cộng sản Stalin đã ra lệnh tàn sát người Ba Lan ở lò hỏa thiêu Katin. Lúc đó chúng tôi viết Nga đã hoàn toàn trút bỏ chủ nghĩa Cộng sản, để trở thành một nước dân chủ. Hiệp ước mới cũng có tên là START, có nhiều chi tiết khác hợp thời hơn sau một cuộc thương lượng giữa Mỹ và Nga. Tuần trước Thượng viện Mỹ đã chuẩn y hiệp ước này. Đầu tuần này Ngoại trưởng Nga đã hoan nghênh cuộc biểu quyết ở Thượng viện Mỹ, nhưng nói phía Nga cần có thời gian để nghiên cứu toàn bộ bản văn hiệp ước tài giảm vũ khí nguyên tử. Trong khi đó một nhân vật thuộc Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) cho biết Viện này có thể chuẩn y Hiệp ước mới vào ngày 26 tháng 1 năm 2011. Với những diễn biến nói trên phối hợp với những gì TT Obama đã thực hiện được trong tháng 11 vừa qua khi ông chính thức viếng thăm Ấn Độ, Nam Dương, rồi dự hội nghị kinh tế tại Nam Hàn và Nhật Bản, cho thấy Mỹ đã có thêm những mối thỏa hiệp về kinh tế với các nước từ Nam Á đến Đông Bắc và Đông Nam Á. Những nối kết về kinh tế đồng thời đã hỗ trợ thêm cho nỗ lực quân sự Mỹ ở các mặt trận chống khủng bố al-Qaida ở Afghanistan, Pakistan, và Iraq. Đồng thời những diễn biến đó đã yểm trợ cho sức ép của Mỹ đối với Iran. Sau khi đi một vòng quanh thế giới tôi muốn trở lại nước Mỹ với câu hỏi: Sự thỏa hiệp vào cuối năm 2010 giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ có ý nghĩa gì? Phải chăng Mỹ đã hết sự tranh chấp lưỡng đảng. Tôi xin trả lời ngay là chế độ lưỡng đảng là tốt nhất cho một nước dân chủ, có thể còn tốt hơn chế độ đa đảng. Chế độ độc đảng là chế độ độc tài như chúng ta đã thấy ở các nước Cộng sản. Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ cố nhiên vẫn tiếp tục đua tranh trong các cuộc bầu cử. Trong các cuộc bỏ thăm về thỏa hiệp như mấy tuần gần đây ở Lưỡng viện Mỹ, người ta đã thấy một điểm rất quan trọng nổi bật: Đa số của lưỡng đảng đã thỏa hiệp về bất cứ chuyện gì có lợi cho dân, cho nước. Ngoài ra họ vẫn là hai đảng đối nghịch bởi vì một lẽ giản dị: có đối nghịch, có thi đua đất nước mới tiến được. Chỉ có một điều kiện duy nhất cả hai bên cần phải theo. Đó là cấm không được vì quyền lợi riêng tư mà đả phá, chụp mũ, vu khống lẫn nhau khi không có bằng cớ xác thực.
|