Home Tin Tức Bình Luận Nguyên nhân thảm kịch tại Phnom Penh : chính quyền thiếu kinh nghiệm ứng phó

Nguyên nhân thảm kịch tại Phnom Penh : chính quyền thiếu kinh nghiệm ứng phó PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân / Phạm Phan   
Chúa Nhật, 28 Tháng 11 Năm 2010 12:18

Tai nạn xô đẩy thảm khốc tại Phnom Penh ngày 22/11/2010 đã khiến cho gần 350 người thiệt mạng.

Nguyên nhân trực tiếp dẵn đến thảm kịch đang trong vòng điều tra, nhưng có một yếu tố đã rõ : chính quyền Cam Bốt phải chịu một phần trách nhiệm vì không có kinh nghiệm đối phó cũng như đã thiếu dự phòng khả năng xẩy ra thảm họa. Thông tín viên Phạm Phan tường trình từ Phnom Penh.

alt
Cảnh người cúng cho thân nhân bên cạnh chiếc cầu ở Phnom Penh. Ảnh ngày 25/11/2010 / Reuters

 Thảm họa xẩy ra vì đám đông hoảng loạn

Một ủy ban điều tra của chính quyền nói nguyên nhân gây ra tình trạng hoảng sợ và hỗn loạn tối 22/11 là do cây cầu bị đu đưa nhẹ.

Tuy nhiên, ông Mak Chito, nhân vật đứng đầu Cục Hình Sự thuộc Bộ Nội Vụ, thành viên ủy ban điều tra lại nói chính quyền chưa đưa ra báo cáo chính thức về nguyên nhân thảm họa tại cầu Koh Pich, phải vài ngày nữa mới có thông báo chính thức. Ông Om Yeng Tieng, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Điều Phối Đáp Ứng Với Tai Họa Koh Pich nói 90% người được phỏng vấn cùng nói nguyên nhân gây thảm họa là do đám đông xô lấn nhau.

Những sự kiện thực tế cho thấy rằng, để ra vào cù lao Koh Pich có hai cây cầu, nhưng tối 22/11 do là ngày hội chót nên số lượng người đi chơi tăng lên rất nhiều, và cây cầu nhỏ nơi mọi người dồn lại để đi qua lại chỉ mới được xây xong so với cây cầu lớn hơn, cầu nhỏ này hẹp nhưng lại gần hơn khi đi từ địa điểm trung tâm lễ hội đến Koh Pich, do vậy với khối lượng hàng chục ngàn người xô lấn tranh giành lối đi khiến cho tình hình tệ hại thêm.

Hàng năm vào mùa Lễ Đua Ghe truyền thống, thường có trên hai triệu người từ hơn 20 tỉnh đổ dồn về Phnom Penh đi chơi lễ hội. Năm nay theo ước lượng có gần 5 triệu người.

Koh Pich trước đây là một cù lao yên tịnh, trên đó có ngôi chùa nhỏ, một số gia đình nông dân làm rẫy, ở ven bờ cù lao có vài gia đình người Việt làm nghề đánh bắt cá. Cù lao này vào năm 2006 được bán cho tư nhân để đầu tư xây dựng. Từ đó Koh Pich thay da đổi thịt với các công trình nhà cửa, biệt thự, khu giải trí… mọc lên tạo sức hấp dẫn với người đi chơi. Đây cũng là một nguyên nhân gây cảnh ứ nghẹt, chen lấn tại cầu Koh Pich.

Cũng nhân thảm họa Koh Pich, vài tờ báo và cư dân địa phương gần Koh Pich đã nhắc lại lời nguyền rủa của những người dân nghèo trên cù lao do bị chiếm đất và không nơi sinh sống sau khi bị cưỡng bức phải rời khỏi cù lao.

Hiện nay cây cầu đang bị cấm qua lại để chờ điều tra xong. Cầu nghiêng như thế nào chưa biết, hay cầu lún ở chỗ nào cũng chưa rõ. Tuy nhiên không thể bỏ qua yếu tố vô trật tự của đám đông khi có một biến động nhỏ. Chính thái độ hoảng sợ quá mức của mọi người trong cùng một lúc làm cho mạnh ai nấy chạy khiến phải đạp lên nhau mà chết.

Đại đa số người thiệt mạng vỉ bị chen lấn, giẫm đạp

Thông báo mới nhất của Tiểu Ban Giải Quyết Tình Trạng Khẩn Cấp đưa ra sáng ngày thứ Năm nói con số người chết là 347 chứ không phải 456 người. Ông Ith Samheng, Bộ Trưởng Xã Hội kiêm đứng đầu Tiểu Ban nói sở dĩ có sự điều chỉnh con số là vì báo cáo trùng nhau, con số sau là do thống kê ghi nhận từ các bịnh viện có người chết và bị thương. Trong 347 người chết có 126 nam và 221 nữ.

Thông báo chính thức cũng đưa ra con số bị thương là 395 thay vì 755 người. Các con số thương vong đầu tiên do do Đài Truyền Hình Bayon đưa ra, đài này do con gái ông Hun Sen làm chủ.

Tất cả người bị chết là do bị nghẹt thở khi thân hình bị ép mạnh và không di chuyển được, hay bị chấn thương nặng bên trong cơ thể do bị xô đẩy, chen lấn, giậm đạp trong đám đông hàng chục ngàn người kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ trong tình hình không được cấp cấp kịp thời.

Lực lượng giữ gìn trật tự đông đảo nhưng thiếu kinh nghiệm và tắc trách

Như hàng năm chính quyền thông báo có đến gần 5 ngàn cảnh sát, quân cảnh được triển khai để gìn giữ an ninh trật tự cho người đi chơi lễ hội. Nhưng theo các nạn nhân may mắn sống sót kể lại với thân nhân họ thì lúc xảy ra thảm nạn, cảnh sát, quân cảnh không hết lòng giúp dân. Có nạn nhân nói lính chỉ làm rề rề, không hăng hái, không nhanh chóng. Có người đứng gần đó nói khi quân cảnh dùng vòi bắn nước vào đám đông khiến cho dân chúng hoảng sợ thêm.

Kep Chuk Tema, Đô Trưởng Phnom Penh nhìn nhận sai sót trong việc bảo vệ dân nhưng kèm theo đó ông cũng nói số lượng dân quá đông nên không thể kiểm soát hết được. Dù nhà nước huy động đến 5 ngàn cảnh sát quân cảnh giữ trật tự nhưng lại không chuẩn bị và huy động các phương tiện khác như xe cứu thương, nhân viên y tế, và các biện pháp cấp thời khi có thảm họa xảy ra.

Do vậy, khi tình trạng giậm đạp nhau một cách kinh hoàng xảy ra tối 22/11, lực lượng cảnh sát, quân cảnh trở tay không kịp, họ chạy đi chạy lại nắm nạn nhân kéo ra khỏi đám đông, có khi quăng người bị thương lên chung một xe chất đầy xác chết.

 Có nạn nhân bị thương không nhẹ nhưng nếu được đưa đến bịnh viện nhanh và chữa trị kịp thời thì không đến nổi phải chết. Nói đến nhà thương tại Phnom Penh thì không thể bỏ qua chuyện phải có tiền bác sĩ mới chịu chữa trị, và khối lượng nạn nhân đông đúc cùng một lúc cũng khiến cho hệ thống y tế Phnom Penh lúng túng, bất ngờ vì chưa phải đối diện với một tình trạng tệ hại như thế này trước đây.

 Tổ chức bảo vệ nhân quyền Asian Human Rights Commission nêu bật trách nhiệm của chính quyền

Theo phúc trình của tổ chức nhân quyền này thì chính quyền không khả năng kiểm soát đám đông và giới hạn những tổn thất có thể có được. Những sự việc xảy ra chứng minh là chính quyền thiếu chuẩn bị đối phó với bất kỳ thảm họa lớn nào khi nó xảy ra trong lễ hội.

Phúc trình của Ủy Ban Nhân Quyền Châu Á còn nói cảnh sát và quân cảnh chậm chạp hành động khi tai họa bùng ra không những thế còn làm cho tình hình tệ hại hơn khi các bịnh viện chật ứ người thương vong, và trong các bịnh viện nhân viên y tế không chu toàn nhiệm vụ khi chất thây người thành đống rồi lấy chiếu che phủ sơ sài các xác chết.

 Bài học rút ra : phải dự phòng trường hợp xấu nhất số lượng dân tham dự lễ hội quá đông

Đầu tiên trách nhiệm cao nhất thuộc về chính quyền, những người giành quyền cai trị và quản lý xã hội thì phải chịu trách nhiều nhất khi số lượng người dân bị chết quá nhiều một cách vô lý và oan ức.

Thứ hai, ban tổ chức và đô thành Phnom Penh phải dự trù trường hợp xấu xảy đến khi số lượng dân tham dự lễ hội quá đông, như có thể xảy ra cháy, nổ…Và lực lượng gìn giữ an ninh phải được huấn luyện chuyên môn về cách thức đối phó với thảm họa. Xe cứu thương và nhân viên y tế phải có mặt 24/24 để cứu giúp nạn nhân một khi có tai họa, các bịnh viện phải chuẩn bị cung ứng phương tiện nếu có thương vong nhiều.

Phải kiểm tra các kiến trúc trong khu vực lễ hội để coi nó có bảo đảm an toàn hay không, như trường hợp cầu Koh Pich mới xây xong, phải coi cầu có thể chứa được sức nặng của hàng ngàn người đi qua lại trong 3 ngày lễ, nếu không được thì không cho dân đi qua hoặc nếu sử dụng được một cách hạn chế thì phải kiểm soát giòng người đi qua bằng cách xếp hàng đi từ từ.

Thứ ba, đô thành Phnom Penh phải thông báo chỉ dẫn cách thức cho dân chúng đi chơi hiểu biết về sự cảnh giác để không quá nao núng và sợ hãi quá mức khi có biến động.

Thứ tư, chính bản thân từng người dân phải biết được nguy hiểm của việc tụ tập quá đông trong khu đất nhỏ, không thể ỷ vào chính quyền, không mang con nhỏ vào những nơi như thế, không quá ham vui để mang họa vào thân.
Trường hợp một cháu bé Việt Nam mới 6 tuổi chết trong đám người hỗn loạn, sức thanh niên còn không chịu được sự xô đẩy của hàng ngàn người thì em bé mới 6 tuổi tất nhiên bị giày xéo hay chết ngộp không thể cứu kịp.