Home Tin Tức Bình Luận Bầu Cho Cộng Hòa Hay Dân Chủ?

Bầu Cho Cộng Hòa Hay Dân Chủ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Linh   
Thứ Hai, 25 Tháng 10 Năm 2010 10:53
Đối với cử tri Việt, ngoài những vấn đề về việc làm, y tế, an sinh, giáo dục, xiết nhà, v.v…, mà chúng ta phải cân nhắc kỹ khi bỏ phiếu cho một dân cử địa phương, tương tự như những công dân Mỹ khác cũng phải làm, còn có vấn đề chính sách của Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến Việt Nam.


 

 
Không bao lâu nữa là sẽ đến ngày bầu cử giữa mùa, ngày 2 Tháng 11 tới. Một số lớn dân Mỹ sẽ không đi bầu, nhất là trong khối Dân Chủ. Đối với những người có đủ quan tâm và chịu khó đi bầu thì vấn đề đặt ra là bầu cho ai?

Một cách thực tế, cuộc bầu này là một trưng cầu dân ý về TT Obama. Phe Dân Chủ hiểu rõ vấn đề nên đưa ra chiến lược tranh cử thật giản dị: nhắc lại những tội cũ của TT Bush với hàm ý bầu Cộng Hòa là bầu cho “căn nhà đổ nát” của Bush, trong khi đúng ra thì phải bầu cho những thành quả vĩ đại của TT Obama.

Trên cột báo này, cả hai vấn đề đã được viết khá nhiều, nhưng cũng cần nhắc lại, để có dịp nhìn rõ sự thật trong cái khói hỏa mù của truyền thông “phe ta”, và có một kết luận: bầu cho ai?
 
TỘI CỦA TT BUSH

Trên căn bản, phe Dân Chủ mang tình trạng kinh tế của Bush ra đe dọa cử tri. Bush bị tố cáo hai tội chính, dĩ nhiên không kể một vạn tội lớn nhỏ khác.

Tội thứ nhất mà TT Bush bị tố cáo là cắt thuế nhà giàu, mà lại tiêu xài vung vít, biến dư thừa ngân sách của TT Cinton thành thâm thủng hàng ngàn tỷ.
Trước hết phải nói dư thừa ngân sách của TT Clinton là nhờ vào sự kiện hai cơn sốt điện toán dot.com và cơn sốt gia cư đã tạo ra một bong bóng phồn vinh giả tạo, gia tăng thu hoạch thuế rất lớn cho cả nước. Trong khi đó, ngay từ năm 1994, tức là hai năm sau khi Clinton đắc cử, Cộng Hoà đã chiếm được đa số tại cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, không cho Clinton tung ra những chương trình tốn kém nào nữa. Ta còn nhớ tháng 11 năm 1995, quốc hội Cộng Hòa không chấp thuận ngân sách của TT Clinton, khiến guồng máy chính quyền bế tắc, ngưng hoạt động mất mấy ngày vì hết tiền. Hai yếu tố bội thu thuế và giới hạn chi tiêu Nhà Nước đã đưa đến tình trạng bội thu ngân sách mà phe Dân Chủ không ngừng khoe khoang, trong khi TT Clinton thật ra không có công trạng gì. Đảng Dân Chủ không phát minh ra internet như ông Phó Al Gore khoác lác, do đó cũng không tạo ra cơn sốt dot.com, và TT Clinton cũng không phải người chặn đứng các chi tiêu của Nhà Nước.

Cuối trào Clinton, ngay trước khi Bush nhậm chức thì bong bóng dot.com xì hơi, hàng ngàn công ty điện toán dot.com vỡ nợ, và nhà nước không còn thu được tiền thuế trên hàng ngàn tỷ lợi nhuận của mấy công ty này nữa. Nước Mỹ đi vào suy trầm kinh tế. Rồi vài tháng sau đó là vụ 9/11, với hậu quả là hàng ngàn tỷ phải chi vào công tác an ninh trong nước, và diệt khủng bố ngoài nước, tại Afghanistan và Iraq. Hai yếu tố thất thu thuế do suy trầm kinh tế, và chi phí chiến tranh chống khủng bố đã đưa đến thâm thủng ngân sách không tránh được, mà khó có thể nói là lỗi của Bush được. Bush không tạo ra suy trầm kinh tế năm 2000, và Bush cũng không chủ mưu vụ 9/11 (mặc dù không thiếu gì người đầu óc không bình thường vẫn tố Bush ngụy tạo vụ này).

Phe Dân Chủ luôn tố cáo Bush nâng đỡ nhà giàu, cắt thuế cho họ. Nhưng lại không nói cho rõ là TT Bush năm 2003 cắt thuế cho tất cả mọi giới, giàu cũng như nghèo. Trên thực tế, giới nhà nghèo dưới thời Bush đóng thuế ngày một ít trong khi giới nhà giàu đóng thuế ngày một nhiều hơn. Thống kê của sở thuế IRS cho tám năm của TT Bush cho thấy tỷ lệ thuế thu được từ khối 1% những người giàu nhất đã tăng từ 33% tổng số thu năm 2001, lên đến 40% năm 2008. TT Obama đòi tăng thuế của “nhà giàu” vì nhu cầu “công bằng” (fairness). Còn công bằng gì khi 1% những người giàu nhất đóng góp 40% tổng số thuế thu được của cả nước; trong khi 40% dân Mỹ không đóng một xu thuế nào, nhưng lại lãnh tới hai phần ba tiền trợ cấp an sinh xã hội của cả nước. Con bò vắt mãi cũng sẽ hết sữa thôi.

Tội thứ hai TT Bush bị tố là tạo ra khủng hoảng gia cư và tài chánh cuối năm 2008, đưa đến khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp cao hiện nay. Thực tế, cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử Mỹ này đã manh nha từ hơn ba chục năm, và lớn mạnh trong các chính sách gia cư và tín dụng mỵ dân của các TT Dân Chủ Carter và Clinton, chứ không phải mới nẩy sinh ra trong mấy năm của Bush. Phe Dân Chủ tố giác Bush thả lỏng tín dụng gia cư để giúp tài phiệt Wall Street làm giàu, mà cố ém nhẹm chuyện đảng Dân Chủ đã nắm quyền kiểm soát quốc hội từ 2006, hai năm trước khi khủng hoảng bùng nổ, và đã ngăn cản không cho Bush ra luật kiểm soát tín dụng gia cư.

Đài CNN ngày 8 tháng 10 vừa qua đã mở cuộc thăm dò so sánh Bush và Obama. Kết quả Obama thắng Bush 47%-45%, cách biệt có 2% trong khi xác xuất sai trật là 4%. Tức là cả hai ngang ngửa nhau. Cách đây chưa tới hai năm, mức hậu thuẫn của Obama là gần 70% trong khi của Bush là 35%. TT Obama càng đổ thừa Bush bao nhiêu thì khoảng cách biệt lại càng ít đi.

Lạ lùng hơn nữa, theo thăm dò của báo phe ta Washington Post, một phần tư đảng viên đảng Dân Chủ (Dân Chủ!) cho rằng trở về với các chính sách của Bush là điều … tốt! (… but almost a quarter of Democrats say a GOP-led Congress would take the country in a new and better direction or say a return to Bush’s policies would be good.)
Đổ thừa mãi thì cũng hết người tin. Dân Mỹ hình như có trình độ hiểu biết cao hơn TT Obama nghĩ, mặc dù gần đây TT Obama đã công khai than phiền dân Mỹ hơi kém thông minh khi không nhìn thấy những thành quả cùa ông.
 
THÀNH QUẢ CỦA TT OBAMA

TT Obama khoe bốn “thành tích vĩ đại” của ông. Chấm dứt cuộc chiến tại Iraq, ra các luật “làm nên lịch sử” kích cầu kinh tế, cải tổ y tế, và cải tổ tài chánh.

Tháng 7 vừa qua đánh dấu ngày quân lực Mỹ chấm dứt tham chiến tại Iraq. Phó TT Biden lớn tiếng khoe là sách lược của TT Obama đã thành công, giúp cho ông giữ đúng lời hứa chấm dứt việc lính Mỹ tham chiến tại đây. Không ít đệ tử của Obama đã tung hô ông ngay. Điều ông Biden –và cả Obama- không nói ra và các đệ tử ngây ngô không biết, là quân tác chiến Mỹ rút ra khỏi Iraq là tuân theo hiệp ước đã được TT Bush (không phải Obama) ký kết với Thủ Tướng Al Maliki năm 2008. Trên căn bản, tình hình Iraq vẫn nghiêm trọng. Nhưng hiển nhiên là đã có thành quả và đó là thành quả của chiến lược đôn quân của TT Bush năm 2007, không liên quan gì đến Obama lúc đó còn đang lo tranh cử và lớn tiếng chỉ trích việc đôn quân đó. Cả ông Biden lúc đó cũng lớn tiếng chỉ trích chiến thuật đôn quân, mà ông cho là mang thêm lính Mỹ vào chỗ chết. Nếu TT Bush lúc đó áp dụng chiến lược không đôn quân mà Obama và Biden kêu gọi thì chắc chắn quân Mỹ đã không rút lui êm thắm năm 2010, mà đã tháo chạy có lẽ từ ngày “30 Tháng 4” năm 2009 bằng trực thăng bay từ nóc tòa đại sứ Mỹ rồi.

Thành quả thứ hai, luật kích cầu kinh tế đã hoàn toàn thất bại, chẳng giảm được nạn thất nghiệp, mà chỉ giúp nước Mỹ ôm một khối nợ khổng lồ. Kinh tế vẫn chưa ra khỏi lủng củng gần hai năm sau khi TT Obama nhậm chức. Nguyên ê-kíp kinh tế đã tháo chạy trở về dạy học. Họ đều là “siêu giáo sư” của Harvard, Stanford, …, tuyệt hảo về lý thuyết trừu tượng nhưng không biết giá một ổ bánh mì là bao nhiêu ngoài chợ.

Tháng Chín vừa qua, đã có thêm 95.000 người mất việc (đúng ra là 159.000 người mất việc, 64.000 kiếm được việc, kết số thuần là mất 95.000). Gần hai năm sau 800 tỷ kích cầu kinh tế, thiên hạ vẫn tiếp tục mất việc. Theo các chuyên gia, muốn trở về tỷ lệ thất nghiệp 5% của thời “đổ nát” Bush, thì mỗi tháng phải có thêm 300.000 việc làm (thay vì mất 95.000), liên tục trong 60 tháng từ nay cho đến tháng 9 năm 2015. Đấng Tiên Tri cho dù có đi trên mặt nước được, cũng không thể nặn ra từng đó việc làm.
Thành quả thứ ba, luật cải tổ y tế biểu quyết bằng cửa sau, dù chưa áp dụng, đã bị gần 60% dân Mỹ chống. Một thăm dò mới nhất của cơ quan Penn-Schoen (cả hai ông đều là cựu phụ tá cao cấp của TT Dân Chủ Clinton) cho thấy ngay cả 23% đảng viên Dân Chủ cũng muốn thu hồi luật này. Trong số gần 300 dân biểu và thượng nghị sĩ Dân Chủ đang tranh cử trở lại, không có một người nào dám khoe là mình đã bỏ phiếu thông qua luật cải tổ y tế.

Tình trạng thất nghiệp cao có liên quan trực tiếp đến cải tổ y tế. Mặc dù tăng trưởng kinh tế đã hết tuột dốc từ tháng 6 năm 2009, nhưng phần lớn các công ty đã không thuê thêm nhân viên vì còn cân nhắc tác hại của luật cải tổ y tế. Công ty McDonald đe dọa cắt bảo hiểm y tế của 39.000 nhân viên bán thời vì nếu áp dụng luật mới, chi phí bảo hiểm cho các nhân viên này sẽ quá đắt, khiến chính quyền Obama phải vội vã đặc miễn không áp dụng luật cải tổ y tế cho McDonald trong ít nhất là một năm nữa. Hàng loạt công ty và nghiệp đoàn khác đã mau mắn bắt chước theo McDonald, đòi được hưởng đặc miễn này. Và TT Obama đã phải đồng ý đặc miễn cho nghiệp đoàn giáo chức (United Federation of Teachers), và khoảng ba chục công ty (tính cho đến ngày bài này được viết, sẽ còn nhiều công ty đòi hưởng đặc miễn trong những ngày tới).

Luật mới chưa áp dụng đã phải “đặc miễn” không áp dụng cho các đại công ty và nghiệp đoàn. Thế thì áp dụng cho ai? Tiểu thương và những người dân bình thường thôi sao? Những người nào vẫn còn tin TT Obama tranh đấu cho tiểu thương, cho dân nghèo thấp cổ bé họng, chống các thế lực tài phiệt và nghiệp đoàn nên suy gẫm về chuyện đặc miễn này. Cũng nên coi lại sao luật mới lại khiến chi phí bảo hiểm y tế sẽ quá đắt như McDonald và các nghiệp đoàn than phiền đến độ phải chấp nhận đặc miễn? Sao không giống lời hứa hẹn giảm chi phí y tế của TT Obama vậy?
Thành quả thứ tư là luật cải tổ tài chánh. Thiên hạ chưa ai thấy gì cụ thể. Chỉ thấy các ngân hàng vẫn than vắn thở dài, để có lý do không cho ai mượn tiền trong khi vẫn công bố lời cả trăm tỷ.

Trong bốn “thành quả vĩ đại” của TT Obama thì cái đầu là thành quả nhận vơ, còn ba cái sau là hão huyền.

Ngoài những thành quả giả tưởng này ra, thì cũng còn đầy rẫy những tin xấu khác.

-              Cuộc chiến tại Afghanistan ngày càng rối mù. TT Karzai, không còn tin tưởng vào đồng minh Mỹ nữa và bắt đầu đi đêm với Taliban, đề phòng một buổi sáng tươi đẹp nào đó, TT Obama tuyên bố “đại thắng mùa xuân” rồi rút quân Mỹ về “trong danh dự”, cho Karzai vài tháng ngoi ngóp trước khi chìm, mà tiếng Mỹ gọi là “decent interval”.

-              Nguy cơ khủng bố Hồi giáo quá khích vẫn không suy giảm bất chấp những vuốt ve xin lỗi của TT Obama.

-              Rồi tin mới nhất: tướng Jim Jones, Cố Vấn An Ninh của TT Obama cũng ca bài cáo biệt, thay thế bằng ông Tom Donilon, là một phụ tá thân cận lâu năm của Obama từ ngày còn tranh cử. Điều đáng nói là trong cuốn sách mới đây của nhà báo Bob Woodward (đã nói qua trên cột báo này tuần trước), Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, khi bình luận về ông Donilon, đã phát biểu ông Donilon mà làm Cố Vấn An Ninh thì sẽ là đại họa (disaster). Xào xáo gia cang vẫn tiếp tục trong khi lãnh đạo … đi du lịch (đầu tháng 11 này, TT Obama sẽ công du thăm bốn nước Á Châu). Theo thông tấn xã Reuters, bộ trưởng Gates, đô đốc Mike Mullen, tổng tham mưu trưởng quân đội, và ngay cả phát ngôn viên Robert Gibbs cũng sẽ ra đi đầu năm tới, sau bầu cử. Con tàu tiếp tục chìm, thủy thủ tiếp tục nhẩy khỏi tàu.

Nếu cuộc bầu cử tới là một cuộc trưng cầu dân ý về thành tích của TT Obama, thì không cần coi thăm dò dư luận cũng biết là đa số dân Mỹ sẽ bầu cho đảng nào.
 
Vấn đề Việt Nam

Đối với cử tri Việt, ngoài những vấn đề về việc làm, y tế, an sinh, giáo dục, xiết nhà, v.v…, mà chúng ta phải cân nhắc kỹ khi bỏ phiếu cho một dân cử địa phương, tương tự như những công dân Mỹ khác cũng phải làm, còn có vấn đề chính sách của Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến Việt Nam.

Nói chung, các chính quyền Mỹ, Cộng Hòa hay Dân Chủ, cũng đều ưu tư về vấn đề nhân quyền, tự do dân chủ tại Việt Nam, và hầu hết các vị dân cử của cả hai đảng trong các khu vực đông người tỵ nạn định cư, đều chia sẻ những ưu tư đó, và cũng đã sốt sắng tranh đấu bên cạnh cộng đồng tỵ nạn. Công bằng mà nói, một hay hai vị dân cử Mỹ -hay Mỹ gốc Việt- đòi nhân quyền cho Việt Nam chẳng thể khiến VN biến thành một nước tự do dân chủ, cho nên chúng ta cũng cần cân nhắc một cách thực tế vai trò và ảnh hưởng cụ thể của họ trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như trong chính sách đối nội của nhà cầm quyền Việt Nam.

Nhưng nhìn vào chính sách của Mỹ đối với các vấn đề tại Đông Nam Á, người ta không khỏi lo lắng cho những biến chuyển gần đây. Người ta có thể đặt câu hỏi những vụ Trung Quốc công khai lấn lướt Việt Nam, từ Hoàng Sa, Trường Sa, bắt dân đánh cá Việt Nam, rồi vụ bauxit, tất cả đã xẩy ra không phải dưới thời cao bồi Bush, mà dưới thời tổng thống “ôn hòa” Obama. Có phải chính sách ôn hòa đó đã gửi một thông điệp yếu đuối đến Bắc Bình, khiến họ đã mạnh dạn hơn không? Và đối phó với sự “mạnh dạn” đó thì chính quyền Obama sẽ làm gì? TT Obama có thể gửi hàng không mẫu hạm qua Việt Nam cho các quan chức lên xem chơi, nhưng không ai tin ông sẽ gửi thủy quân lục chiến qua bảo vệ Việt Nam chống “Thiên Triều” hết. (10-10-10)

 
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it .