Từ cuộc chiến ngoại hối đến chiến tranh mậu dịch |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà | |||
Thứ Tư, 13 Tháng 10 Năm 2010 10:52 | |||
Tranh cãi chung quanh viễn cảnh nổ ra một cuộc chiến ngoại hối thực sự xoay quanh ba điểm : thế mạnh quá đáng của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tiền tệ toàn cầu ; đồng nhân dân tệ không phản ánh đúng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và sự yếu kém về tiềm năng tiêu thụ tại nhiều nước châu Âu. Lãnh đạo WB và IMF tại cuộc họp ngày 8/10/10 / imf. Làm thế nào tránh để xảy ra một cuộc chiến ngoại hối, ngăn cản các quốc gia sử dụng đơn vị tiền tệ như một loại vũ khí để áp dụng chính sách bảo hộ trá hình, làm phương hại đến đà phục hồi kinh tế thế giới ? Đó là đề tài chính được đem ra thảo luận, nhân khóa họp thường niên của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế từ ngày 8-10/10 tại thủ đô Washington. Kết thúc kỳ họp, bộ trưởng Tài chính của 187 nước vẫn không tìm ra đồng thuận. Đe dọa tiềm tàng một cuộc chiến ngoại hối vẫn chưa tiêu tan. Bất đồng sâu đậm giữa hai khối quốc gia, một bên là các nước phát triển công nghiệp với tỷ lệ tăng trưởng èo uột, và bên kia là các nước đang trỗi dậy càng thêm rõ nét. Tranh cãi chung quanh viễn cảnh nổ ra một cuộc chiến ngoại hối thực sự xoay quanh ba điểm : thế mạnh quá đáng của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tiền tệ toàn cầu ; đồng nhân dân tệ không phản ánh đúng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và sự yếu kém về tiềm năng tiêu thụ tại nhiều nước châu Âu. Vũ khí tiền tệ Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm, hầu hết các quốc gia đều coi việc đẩy mạnh xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu do đây là phương tiện tốt nhất cho phép nâng tỷ lệ tăng trưởng lên thêm một vài phần trăm, giải quyết một phần nạn thất nghiệp. Tháng chín vừa qua, Hoa Kỳ bắn tín hiệu đầu tiên khi tuyên bố là Ngân hàng Dự trữ Liên bang một lần nữa lại tính tới kế hoạch « nới lỏng chính sách tiền tệ ». Hậu quả trực tiếp là đồng đô la Mỹ xuống giá so với euro và yen. Thế nhưng đồng thời do đơn vị tiền tệ của Trung Quốc được cột chặt với đô la Mỹ, cho nên đồng nhân dân tệ cũng đã mất giá theo, vào lúc Washington và cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Nhật Bản cũng đang gia tăng áp lực để Bắc Kinh nâng giá nhân dân tệ. Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nền kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm đã phản ứng lại ngay lập tức : Tokyo lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay đã trực tiếp can thiệp để làm hạ nhiệt đồng yen. Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ không che dấu ý định đắp những « con đê », tránh để đơn vị tiền tệ của họ tăng giá. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California giải thích về « chiến tranh ngoại hối » là gì và vì sao đây lại là mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Cuộc chiến tiền tệ giữa các quốc gia đã xảy ra chưa ? Liên quan đến vấn đề định giá nhân dân tệ : trong cuộc mặc cả với Trung Quốc, các nước lớn –Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật- còn chưa chắc nắm lấy phần thắng trong tay, liệu các nước bé có giải pháp nào hay không ? RFI : Thưa anh, chiến tranh hối đoái là gì và vì sao lại là một vấn đề đáng lo sợ trong hoàn cảnh bất trắc hiện nay? NXN : Nói về bối cảnh gần thì ta thấy ra ba hiện tượng có tương quan tạm gọi là liên hoàn. - Thứ nhất là sự sụt giá của đồng Mỹ kim vì lý do chủ quan của nước Mỹ như chi tiêu và vay nợ quá mức, lẫn những lý do khách quan của kinh tế thế giới. Thứ hai, vì đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc lại ràng giá vào đô la Mỹ theo hối suất quá thấp nên đô la càng mất giá thì đồng nhân dân tệ càng xuống giá so với các đồng bạc khác. Thứ ba, khi đô la Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc cùng giảm giá thì các đồng bạc kia đều lên giá. Hậu quả là hàng hoá của các nước này tăng giá và khó cạnh tranh hơn, trong khi xứ nào cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu để hồi phục sản xuất. - Vì vậy, trong tháng Chín, hàng loạt quốc gia đã tung ra biện pháp can thiệp nhằm hạ hối suất của đồng nội tệ. Thí dụ như hạ lãi suất tín dụng trong nước và bán ra đồng bạc để mua vào Mỹ kim hầu đô la lên giá và đồng bạc của mình giảm giá. Khi các nước Á châu, kể cả Nhật Bản, mà phải chủ động can thiệp như vậy vào thị trường ngoại hối, nhiều xứ khác thấy là bị thiệt hại nên cũng muốn nhảy vào vòng. - Mối lo chung ngày nay là xứ nào cũng mò xuống đáy để ghìm cho đồng bạc rẻ hơn và gây phản ứng dây chuyền, là dùng khí cụ ngoại hối để kích thích xuất khẩu chứ không thụ động tuân theo quy luật cung cầu nữa. Vì vậy, nhiều quốc gia mới tri hô là đừng để xảy ra cuộc chiến ngoại hối. Và định chế quốc tế có nhiệm vụ đảm bảo ổn định tài chính và ngoại hối là IMF mới được yêu cầu phải nhảy vào can thiệp và hạ nhiệt cơn sốt này. RFI : Nếu quốc gia nào cũng ghim giá đồng tiền thì chúng ta sẽ lâm vào trận chiến mậu dịch sau trận chiến ngoại hối và đấy mới là mối nguy đáng ngại nhất phải không? NXN: - Chúng ta đang có nguy cơ mà ta có thể nói rất nôm na là "sống chết mặc bay", hoặc nói cho thi vị là "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ". Nếu vì nhu cầu xuất khẩu mà xứ nào cũng xé rào lo cho quyền lợi riêng thì hệ thống tài chính thế giới bị bất ổn và kinh tế toàn cầu suy sụp. Vì vậy mà tuần qua các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng Trung ương mới báo động và can gián chuyện các nước trả đũa nhau bằng biện pháp ngoại hối. Nếu không ngăn cản được thì chiến tranh mậu dịch sẽ bùng nổ mà chẳng xứ nào có lợi cả. RFI : IMF mới chỉ báo động là coi chừng chiến tranh ngoại hối, chứ theo anh thì cuộc chiến ấy đã xảy ra chưa? NXN: - Câu hỏi này đi sâu hơn chuyện bối cảnh và đòi hỏi một sự phân tích còn rắc rối hơn : Xin nghĩ đến hai khối kinh tế. Các nước hậu công nghiệp Âu-Mỹ-Nhật có chung nỗi lo là tăng trưởng thấp mà lại... dư tiền đầu tư vì các Ngân hàng Trung ương Mỹ, Âu, Nhật, Anh đều bơm tiền quá nhiều từ năm 2008 để kích thích kinh tế. Các nước "tân hưng" hay đang phát triển thì có đà tăng trưởng cao hơn và nhiều cơ hội đầu tư hơn. Vì vậy mà tư bản của các xứ giàu, mà đang bị nghèo đi, mới chảy vào các nước mới nổi lên để tìm cơ hội đầu tư. Hiện tượng đó khiến đồng bạc của các nước tân hưng này lên giá và đặt ra bài toán nan giải về nhiều mặt. Tiền chảy vào các nước tân hưng làm đồng bạc lên giá gây bất lợi cho xuất khẩu, lại tạo ra áp lực lạm phát và đe dọa chính sách tiền tệ của quốc gia. - Bây giờ, nói về giải pháp, nếu họ can thiệp vào thị trường ngoại hối hoặc hạ lãi suất để tiền khỏi lên giá thì lại thổi lên lạm phát. Họ có thể tăng lãi suất để chặn lạm phát thì lại khiến tư bản nước ngoài chảy vào nhiều hơn và đồng bạc lên giá. Họ mà chặn tiền vào bằng chế độ kiểm soát hối đoái và ngăn chặn tư bản thì sẽ gây ra chiến tranh ngoại hối. - Cho đến nay, các nước tân hưng đều cố đỡ bằng biện pháp ngoại hối, nhưng chưa đi tới giải pháp Bắc Kinh là vừa kiểm soát tư bản ra vào, vừa ràng đồng bạc vào tiền Mỹ theo tỷ giá thấp, mà đông lạnh khối tiền tệ để ngăn lạm phát và thu vào một dự trữ ngoại tệ rất lớn. Sau vụ khủng hoảng năm 1997, một số nước Đông Á đã phải áp dụng biện pháp bất thường ấy rồi từ từ bãi bỏ. Trung Quốc thì giữ chính sách này rất lâu nên mới gây vấn đề. Cho nên, nếu không giải quyết tình trạng bất công của Trung Quốc, chiến tranh ngoại hối dễ bùng nổ. RFI: Trung Quốc thao túng như thế nào để chiếm lợi thế xuất khẩu và gây vấn đề cho các nước? NXN: Trung Quốc áp dụng chế độ ngoại hối cố định là neo giá đồng bạc vào tiền Mỹ với hối suất thấp. Khi xuất khẩu mà thu vào ngoại tệ thì trên nguyên tắc đồng tiền chảy vào kinh tế sẽ giúp cho dân hưởng, nhưng vì tỷ giá thấp, dân ít được hưởng. Đã thế, vì kiểm soát chế độ hối đoái, nhà nước độc quyền giữ lại ngoại tệ nên có khối dự trữ ngày nay bằng 30% của cả thế giới. Để kiểm soát lạm phát, một phần đối giá của đồng ngoại tệ ấy lại bị đông lạnh chứ không bơm vào kinh tế làm gia tăng khối tiền tệ lưu hành. Kết cuộc thì người dân lao động cho nhà nước nắm ngoại tệ khuynh đảo các nước và số thặng dư mậu dịch rất lớn vẫn không làm đồng bạc lên giá và tự động điều chỉnh thất quân bình về ngoại thương. RFI: Các nước công nghiệp hóa như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu hay Nhật Bản có thể làm gì để đối phó với chuyện ấy? NXN: Nói chung, Âu châu và Nhật Bản đều than phiền, nhưng trông vào sức ép của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đang mắc nợ ngập đầu, lại có một chính quyền nhu nhược và cần tới sự hợp tác của Trung Quốc cho các hồ sơ an ninh khác như Bắc Hàn, Iran hay cả Pakistan, nên loanh quanh thì cả năm nay chỉ nói dứ chứ cũng không dám làm mạnh. Chưa kể là nếu kinh tế Mỹ lại đụng đáy lần nữa và Ngân hàng Trung ương Mỹ lại phải bơm tiền vào kinh tế thì chiến tranh ngoại hối càng dễ bùng nổ. Theo sau là chiến tranh mậu dịch vì xứ nào cũng ngăn nhập khẩu và đầy mạnh xuất khẩu như đã xảy ra 80 năm trước khiến cho tổng khủng hoảng kéo dài và lan rộng. RFI: Ba khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật còn có cái thế mặc cả với Trung Quốc, chứ các nước đang phát triển thì xoay trở như thế nào? NXN: Đấy mới là vấn đề ! Với ảnh hưởng rất mạnh của ba khối công nghiệp hóa này, IMF cũng quan tâm đến sự ổn định chung và phản ứng của các nước tân hưng, nhưng như ta vừa thấy hôm thứ Bảy, IMF chưa có thể đưa ra biện pháp và mọi người lại chờ Thượng đỉnh của nhóm G-20 vào tháng tới tại Hàn Quốc. Nếu các nước không có biện pháp dứt khoát và kinh tế lại suy trầm th êm thì các nước tân hưng sẽ không chỉ đồng loạt mà còn phối hợp với nhau để đối phó. Trong kịch bản bi quan ấy, chiến tranh ngoại hối sẽ xảy ra. Sau ba ngày họp tại Washington, Trung Quốc giữ nguyên lập trường, không nhượng bộ đòi hỏi của phương Tây muốn Bắc Kinh nâng giá đơn vị tiền tệ, IMF thì không đủ can đảm để thuyết phục Washington từ bỏ kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ. Hồ sơ nóng bỏng trong khóa họp thường niên vừa qua của IMF và Ngân Hàng Thế Giới phải đợi đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp được tổ chức tại Seoul (21-23/11) mới lại được đem ra thảo luận.
|