Đảng Cộng sản mở rộng dân chủ nội bộ, nhưng vẫn độc quyền lãnh đạo |
Tác Giả: Thanh Phương / RFI | |||
Thứ Năm, 30 Tháng 9 Năm 2010 07:56 | |||
Hôm qua 29/9, Đà Nẵng lần đầu tiên đã bầu trực tiếp Bí thư thành ủy, ông Nguyễn Bá Thanh tái đắc cử Bí thư nhiệm kỳ 2010-2015. Thật ra thì cũng phải tương đối hóa sự kiện này, vì ông Nguyễn Bá Thanh là ứng cử viên duy nhất, và không phải là bầu phiếu kín. Chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, Lênin, Karl Marx được bày bán trên đường phố Hà Nội, ngày 29/9/2010. / Reuters Theo các nhà phân tích, việc thử nghiệm bầu trực tiếp bí thư ở một số địa phương có thể dẫn đến một tiến trình dân chủ trực tiếp hơn trong đảng và có thể đẩy nhanh giai đoạn chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo. Tuy nhiên tiến trình cải tổ ở Việt Nam vẫn rất thận trọng và chậm hơn so với Trung Quốc. Thứ tư 29/9 vừa qua, Đà Nẵng lần đầu tiên đã bầu trực tiếp Bí thư thành ủy. Đại hội Đảng bộ thành phố này đã bầu lại ông Nguyễn Bá Thanh vào chức Bí thư thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Thật ra thì cũng phải tương đối hóa sự kiện này, vì thứ nhất, ông Nguyễn Bá Thanh là ứng cử viên duy nhất do toàn bộ Ban chấp hành đề nghị, ba ứng cử viên khác đã tự động rút lui trước đó. Thứ hai, nhìn qua hình ảnh của Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng thì thấy là các đại biểu bỏ phiếu bằng cách giơ tay, chứ không phải là bầu phiếu kín. Thành ra, việc ông Nguyễn Bá Thanh đạt tỷ lệ phiếu 99,66% chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì có mấy dám công khai bỏ phiếu chống nhân vật này. Cho tới nay, các lãnh đạo Đảng vẫn được chọn theo hai giai đoạn. Đầu tiên, Đại hội Đảng, được triệu tập 5 năm một lần, bầu ra một ban chấp hành, rồi sau đó, ban chấp hành này mới bầu ra bí thư. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 13/9, ông Trần Lưu Hải, Phó Ban Tổ chức Trung ương cho biết là Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị phương án bầu trực tiếp Tổng bí thư Đảng trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm tới. Việc thay đổi thể thức bầu bí thư là một bước thử nghiệm mở rộng dân chủ trong nội bộ Đảng, chuẩn bị cho Đại hội. Nhưng các nhà phân tích tỏ vẻ thận trọng, cho rằng những thay đổi đó không có nghĩa là Đảng Cộng sản sẽ từ bỏ độc quyền lãnh đạo, như được ghi rõ trong Hiến pháp hiện hành. Những người chỉ trích chế độ thì xem đấy chỉ là một cách để tô vẽ cho hình ảnh của Đảng. Tuy vậy, như nhận định của hãng tin Reuters, trong bản tin phát ngày hôm qua, việc thử nghiệm bầu trực tiếp bí thư ở một số địa phương có thể dẫn đến một tiến trình dân chủ trực tiếp hơn trong đảng, và có thể đẩy nhanh giai đoạn chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo. Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương lần đầu tiên bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Việc bầu trực tiếp bí thư ở Đà Nẵng là một bước có ý nghĩa trong một tiến trình cải tổ đã được thử nghiệm ở các cấp thấp hơn, cụ thể là ở 1.400 đảng bộ cơ sở và 230 đảng bộ cấp huyện. Hơn nữa, theo nhận xét của ông Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, Đà Nẵng là một trong những thành phố lớn của Việt Nam, nên việc thử nghiệm này càng có tính chất quan trọng. Ông Carlyle Thayer nhận định, « Việt Nam đang thử nghiệm từng bước việc mở rộng dân chủ trong nội bộ Đảng và bầu trực tiếp các lãnh đạo Đảng. Điều này sẽ có ảnh hưởng đến chính trị quốc gia trong tương lai. » Theo vị chuyên gia này, cải tổ nói trên có thể dẫn đến việc bầu trực tiếp chủ tịch Nhà nước và chủ tịch Quốc hội, qua đó mở đường cho các ứng cử viên trẻ hơn. Hiện giờ, toàn bộ ủy viên Bộ Chính trị đều ở độ tuổi từ 60 trở lên và có một ủy viên đã 70 tuổi. Nhưng theo hãng tin Reuters, các nhà phân tích cho rằng tiến trình cải tổ ở Việt Nam vẫn rất thận trọng và vẫn chậm hơn so với Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở cửa đón nhận các nhà doanh nghiệp từ năm 2002, còn Việt Nam nay mới có dự án kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Vấn đề cần đặt ra là khi nào người dân mới được quyền trực tiếp bầu những người lãnh đạo trong một quốc gia độc đảng như Việt Nam? Trong những bài đóng góp ý kiến nhân Đại hội Đảng, đăng trên báo điện tử VietnamNet, ông Bùi Đức Lai, từng làm việc trong Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã đề nghị Đảng đề ra một cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, thay vì cứ bám lấy những giáo điều đã lỗi thời của chủ nghĩa Mác-Lênin và duy trì mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết. Nhưng muốn xây dựng một chế độ dân chủ nhân dân như thế thì phải sửa đổi bản Hiến pháp năm 1991, tức là phải bỏ điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng, một điều mà chưa chắc ban lãnh đạo mới của Đảng, cho dù có đầu óc cải cách đến đâu, sẽ làm.
|