Home Tin Tức Bình Luận Thách thức với một tờ báo

Thách thức với một tờ báo PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Đình Trọng   
Chúa Nhật, 05 Tháng 9 Năm 2010 04:09

Với những tờ báo phải tìm chỗ đứng trong thị trường thì buổi đầu bao giờ cũng vô cùng gian nan, trần ai!

Nhưng với Tuổi Trẻ, sự khởi đầu nan này không có vì Tuổi Trẻ ra đời đúng vào thời cơ vàng! Khi thành phố lớn nhất Việt Nam còn mang tên Sài Gòn thì ở đó báo chí là một ngành kinh doanh lớn, vừa thu lợi nhuận kinh tế, vừa thu lợi nhuận chính trị, ở đó là một thị trường báo chí vô cùng phong phú, sôi động, nơi mỗi buổi sáng từ ông chủ đến người làm thuê đều phải có li cà phê và tờ báo mới, nơi có hơn trăm tờ báo xuất  bản hàng ngày! Sau 30.4.1975, người đọc báo vẫn còn đó nhưng hơn trăm tờ báo không còn nữa! Mỗi buổi sáng ngồi uống li cà phê không có tờ báo mới, buổi sáng bỗng trở nên trống rỗng, li cà phê mất đi hương thơm ngây ngất, mất đi vị đắng làm tỉnh táo đầu óc! Những tờ báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Văn Nghệ . . . từ Hà Nội đưa vào, tờ Sài Gòn Giải Phóng do những người làm báo từ Hà Nội vào và từ rừng về tổ chức xuất bản ở Sài Gòn do nhu cầu chính trị đơn thuần đều không hợp thị hiếu người đọc báo Sài Gòn. Tuổi Trẻ ra đời đúng vào lúc cả thị trường báo chí mênh mông, rộng lớn phía Nam bỏ trống!

 
Hàng trăm tờ báo ở VN. nguồn On the net 

Những người trẻ tuổi, những sinh viên, học sinh Sài Gòn, đã từng đọc báo, viết báo ở Sài Gòn trước 1975, đã xếp bút nghiên tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, những người trẻ tuổi đang say lí tưởng cách mạng ấy nay xúm lại say mê, hăm hở làm tờ Tuổi Trẻ. Họ biết người đọc Sài Gòn cần thông tin gì ở tờ báo. Đáp ứng được nhu cầu thông tin của cả Sài Gòn, của cả miền Nam, Tuổi Trẻ có sức lớn Phù Đổng từ tuổi lên ba! Thực sự là tờ báo chính trị vững vàng, tiếp nhận được sức sống của mảnh đất báo chí Sài Gòn, đến nay Tuổi Trẻ đã trở thành tờ báo của cả nước, tờ báo của mọi người Việt đang li tán trên khắp thế giới. Điều này những tờ báo chính trị chay, những tờ báo của chính trị, vì chính trị như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Sài Gòn Giải phóng đều không làm được. Bản thân Tuổi Trẻ rất cần nhận thức điều này để đừng chính trị hóa tờ báo một cách thô thiển, áp đặt.

Với đất nước có gần trăm triệu dân thì một tờ báo phát hành mỗi số vài trăm ngàn bản chưa phải là lớn nhưng với mặt bằng báo chí trong nước, với đối tượng và thành phần người đọc Tuổi Trẻ, với không gian vươn tới của Tuổi Trẻ, có thể khẳng định Tuổi Trẻ đã là một tờ báo lớn của Việt Nam. Hãy lưu ý những  người thường xuyên đọc báo Công an tpHCM sẽ thấy đó là những ông chạy xe ôm ngồi chờ khách đọc tin vụ án, những bà ngồi bán hàng ngoài chợ khi chợ vắng đọc chuyện quan hệ tình cảm của ông nọ bà kia, những cô công nhân ở khu nhà trọ đọc chuyện lừa tình, lừa tiền . . . Tờ báo với đối tượng người đọc như vậy, với nội dung thông tin như vậy dù số lượng phát hành có lên tới cả triệu bản vẫn không phải là tờ báo lớn! Những người đọc báo Công an thường không đọc báo Tuổi Trẻ. Những người đọc báo Tuổi Trẻ đều là những người có ý thức xã hội, ý thức cộng đồng, đều  là những người có học thức từ bậc trung trong xã hội trở lên!

Trong những thách thức với tờ báo lớn, có một thách thức rất ít người hình dung tới. Đó là thách thức giữ được tư thế của tờ báo lớn. Đã có chỗ đứng vững chắc trong thị trường báo chí, đã tạo được giọng điệu, cốt cách riêng, được người đọc chấp nhận. Giữ và phát huy được giọng điệu cốt cách riêng đó thì tirage phát hành từ vài trăm ngàn lên một triệu, lên trên một triệu là điều đơn giản, không khó và không xa! Nhưng giữ được tư thế của tờ báo lớn thì không đơn giản!

Buổi ban đầu của Tuổi Trẻ, cùng với thuận lợi thị trường báo chí cả Sài Gòn, cả miền Nam còn bỏ trống, còn có một thuận lợi lớn nữa là cả nước đang ngây ngất trong men say chiến thắng nhưng đất nước vẫn trong thời chiến, không khí chiến tranh vẫn bao trùm cả nước, chính quyền và nhân dân vẫn cùng chung một ý chí bảo vệ độc lập dân tộc, vẫn là một khối đồng thuận. Báo chí thể hiện ý chí chính quyền cũng là thể hiện ý chí nhân dân. Có người bảo báo chí là công cụ, là sức mạnh của chính quyền! Không phải! Báo chí, dù là báo chí của nhà nước, báo chí chính thống cũng còn là sức mạnh của sự thật, sức mạnh của lẽ phải, sức mạnh của dư luận, là công cụ, là sức mạnh của nhân dân nữa chứ! Vì thế khi chính quyền và nhân dân đồng thuận, ý chí của chính quyền và ý chí của nhân dân là một, làm báo thuận lợi, dễ dàng vô cùng!

Hôm nay đất nước ta đã được sống nhiều năm trong cuộc sống hòa bình. Trở về cuộc sống hòa bình dân sự không phải lúc nào và việc gì giữa chính quyền và nhân dân cũng có sự đồng thuận! Đó là điều rất bình thường trong mọi xã hội dân sự! Trong xã hội dân sự Việt Nam hôm nay, sự không đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân đang ngày càng nhiều. Từ tư tưởng đến hành động. Từ việc chọn con đường đi đến dân giầu nước mạnh đến những việc làm cụ thể. Từ việc cho nước ngoài vào nước ta khai thác bô xít đến việc qui hoạch mở rộng Hà Nội. Từ việc phá hội trường Ba Đình đến việc làm đường sắt cao tốc. Từ việc cho nước ngoài thuê gần nửa triệu hecta rừng đầu nguồn trong nửa thế kỉ đằng đẵng đến việc sử dụng quá lãng phí, không hiệu quả đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân .  .  . Những sự việc lớn đó, ý chí của chính quyền và ý chí của một bộ phận quan trọng nhân dân đều có sự khác biệt rất xa. Ứng xử với sự khác biệt đó thể hiện tư thế, tầm vóc lớn hay nhỏ của tờ báo.

Xin nhắc lại, tờ báo là công cụ, là sức mạnh của quyền lực chính trị nhưng tờ báo, dù là tờ báo của hệ thống chính trị nhà nước còn là tiếng nói, là sức mạnh của sự thật, của lẽ phải, tờ báo còn là quyền lực của dư luận! Tờ báo còn là tình cảm, là ý chí của nhân dân, những người bỏ tiền ra mua báo, nuôi dưỡng tờ báo, những người quyết định sự sống còn, sự phát triển hay suy sụp của tờ báo! Quan nhất thời, dân vạn đại! Quan là chính quyền, là quyền lực chính trị. Quyền lực chính trị dù mạnh đến đâu cũng chỉ nhất thời! Dân  mới là mãi mãi! Ứng xử giữa cái nhất thời và cái mãi mãi này vừa thể hiện nhân cách người làm báo, vừa thể hiện tư thế, tầm vóc của tờ báo.

Báo Văn Nghệ là tờ báo chính thức của hội Nhà Văn Việt Nam. Nhà văn dù ở đâu và ở thời nào cũng là lương tâm, là tâm hồn của nhân dân. Khi lương tâm nhân dân đang nhức nhối, khi tâm hồn nhân dân đang thắt nghẹn nỗi lo về việc chính quyền cho nước ngòai vào vị trí chiến lược hiểm yếu Tây Nguyên khai thác bô xít thì phóng viên báo Văn Nghệ được chủ đầu tư dự án khai thác bô xít Tây Nguyên o bế, cung phụng, đưa rước vào Tây Nguyên cưỡi ngựa xem hoa, nghe những lời hoa mĩ tô hồng về công trình khai thác bô xít! Rồi báo Văn Nghệ đăng bài dằng dặc sông dài biển rộng của phóng viên này thêu hoa dệt gấm về công trình khai thác bô xít! Tất nhiên quyền lực chính trị rất hài lòng về bài báo đó! Nhưng trong mắt các nhà văn chân chính, trong mắt người đọc bỏ tiền ra mua báo, chỉ một bài đó, báo Văn Nghệ của hội Nhà Văn Việt Nam đã trở thành tờ báo sến, tờ báo tầm thường, thấp hèn, tư thế nhỏ bé thảm hại!

Báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng, đơn thuần là tờ báo của hệ thống chính trị, các tổ chức đảng phải lấy kinh phí đảng, kinh phí chính trị ra mua báo và chính nguồn kinh phí này quyết định tirage phát hành của báo. Nhu cầu thông tin, thị hiếu thẩm mĩ của người đọc không trở thành vấn đề tờ báo cần quan tâm đáp ứng nên những tờ báo này không có mâu thuẫn giữa đòi hỏi của chính trị và thị hiếu người đọc. Tuổi Trẻ đạt được tirage phát hành vài trăm ngàn bản không phải từ nguồn kinh phí chính trị mà từ vài trăm ngàn người đọc bỏ tiền riêng của họ ra mua báo! Vài trăm ngàn người đọc hàng ngày ấy quyết định sự tồn tại, sự phát triển, quyết định gương mặt của Tuổi Trẻ hôm nay. Tuổi Trẻ là tờ báo của hệ thống chính trị nhưng Tuổi Trẻ còn là tờ báo của thị trường, của người dân bỏ tiền ra mua báo nữa! Và sự sống của Tuổi Trẻ chính là từ dân!

Chính trị không bỏ tiền mua báo nhưng chính trị nắm quyền lực quản lí nhà nước. Người nắm quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền và thường đòi hỏi thái quá! Tư thế của tờ báo lớn là không thỏa mãn những thị hiếu tầm thường, lệch lạc của người đọc nhưng cũng không thỏa mãn những đòi hỏi thái quá của chính trị, của quyền lực! Không tự nhỏ lại theo thị hiếu thấp hèn! Cũng không tự nhỏ lại trước chính trị độc tôn! Chính trị chỉ có sức mạnh của quyền lực nhà nước. Khi nhà nước và nhân dân không cùng ý chí, sức mạnh ấy càng lẻ loi! Báo chí có sức mạnh của pháp luật, của lẽ phải, của sự thật, của dư luận, của văn hóa! Một bài viết của Thủ tướng đầy khoa trương, thiếu chân thực, không đúng thực tế đòi hỏi phải đăng toàn văn cùng lúc trên nhiều tờ báo là một đòi hỏi thái quá, đạp lên nguyên tắc báo chí! Điều 52 Hiến pháp: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc của báo chí tức là pháp luật của báo chí mà báo nào và người viết báo nào cũng phải thực hiện là: Một bài viết không thể cùng lúc đăng trên nhiều tờ báo!

Khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trịnh trọng tuyên bố trước Quốc hội quyết tâm chống tham nhũng. Để thể hiện quyết tâm đó ông còn khẳng định nếu không chống được tham nhũng ông sẽ từ chức! Gần hết một nhiệm kì cầm quyền, Thủ tướng Dũng không những không chống được tham nhũng mà tham nhũng còn lan rộng đến tận chân ông, gần như ngang nhiên, công khai, mức độ nghiêm trọng hơn trước nhiều lần! Những vụ việc tham nhũng khổng lồ liên tiếp diễn ra! Nhưng Thủ tướng không thực hiện lời hứa từ chức! Với người dân, đó là một Thủ tướng thất hứa và thiếu tự trọng!

Gần suốt một nhiệm kì chấp chính, hệ thống hành pháp từ trung ương đến địa phương đã để xảy ra quá nhiều vụ việc nghiêm trọng! Gây nguy hại cho an ninh, đe dọa sự sống còn của đất nước như cho nước ngoài vào Tây Nguyên khai thác bô xít, cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn nước, đầu nguồn sự sống của cả cộng đồng dân tộc! Gây thiệt hại nặng nề về kinh tế như vụ Vinashin làm thất thóat hơn 80 000 tỉ đồng! Như vụ tập đoàn Than Khoáng sản tàn phá vùng than đông bắc! Nạn than thổ phỉ diễn ra khắp nơi và kéo dài! Đất đai tan hoang! Môi trường bị ô nhiễm nặng nề! Than bị thất thoát lãng phí không quản lí nổi! Nguồn than cạn kiệt! Những băng nhóm tội phạm tranh cướp than hoành hành trở thành những băng nhóm xã hội đen đe dọa cuộc sống bình yên của cả xã hội! Những vụ việc bộc lộ đạo đức quan chức suy đồi thảm hại như vụ quan đầu tỉnh Hà Giang quan hệ với gái bán dâm kéo dài suốt nhiều năm! Đạo đức suy đồi đến mức bí thư tỉnh ủy, giám đốc công an tỉnh có trong tay ảnh quan đầu tỉnh cởi truồng với gái bán dâm trong nhà nghỉ nhưng coi đó chỉ là việc bình thường, bình thản bỏ qua! .  .  . Còn nhiều lắm những vụ việc bê bối đạo đức và yếu kém năng lực của hệ thống hành pháp! Trên đây chỉ điểm qua vài vụ việc còn đang ồn ào. Ở các nước thực sự có dân chủ và có văn hóa chính trường chỉ cần xảy ra một vụ việc trong các vụ việc trên, Thủ tướng đã tự từ chức! Nếu không tự từ chức, Quốc hội cũng bỏ phiếu phế truất! Thủ tướng Dũng đã không đủ tự trọng để từ chức lại còn đứng tên trong hai bài viết dài răn dạy cả nước. Bài viết ngày 16.7.2010: Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược kinh tế xã hội của đất nước ta! Bài viết ngày 25.8.2010: Bảo đảm tốt an sinh và phúc lợi xã hội! Với sự quản lí, điều hành yếu kém để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng trên làm sao kinh tế xã hội đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững được! Với tham nhũng hoành hành tràn lan, với đồng tiền liên tục mất giá, cuộc sống người lao động vô cùng khó khăn làm sao có thể bảo đảm tốt an sinh xã hội được! Suốt 5 năm quản lí và điều hành đất nước, Thủ tướng Dũng không thể làm cho kinh tế xã hội đất nước phát triển nhanh và bền vững, không bảo đảm tốt an sinh xã hội, vậy Thủ tướng Dũng viết hai bài này để phủi tay, trốn tránh trách nhiệm hay để khoe tài khoe giỏi, lừa dối người dân?

Như trên đã viết, những người đọc báo Tuổi Trẻ đều là những người rất có ý thức xã hội, ý thức chính trị! Họ nhớ điều Thủ tướng Dũng hứa không chống được tham nhũng thì từ chức! Họ không quên những vụ việc tệ hại do nội các của Thủ tướng Dũng gây ra! Làm sao họ có thể đọc nổi bài viết của Thủ tướng Dũng! Trong cuộc tạo đàm ngày 28.8.2010 tại báo Tuổi Trẻ, một ý kiến hoàn toàn có lí khi cho rằng Tuổi Trẻ không nên dành hơn hai trang báo, một phần trang nhất và toàn bộ hai trang 14; 15 đăng bài Bảo đảm tốt an sinh và phúc lợi xã hội của Thủ tướng Dũng vì bài đó chỉ người sửa morat phải đọc còn người mua báo không ai đọc! Bài báo dài lê thê không thể đọc được ấy lại chiếm chỗ của nhiều bài báo khác người mua báo cần đọc!

Tôi không thất vọng khi Tuổi Trẻ đăng bài viết của Thủ tướng Dũng nhưng tôi rất thất vọng khi nghe người đứng đầu Tuổi Trẻ nói rằng ông rất vinh dự, tự hào khi Tuổi Trẻ có tên trong những báo được Văn phòng Chính phủ yêu cầu đăng bài của Thủ tướng! Ông nói: Chúng ta biết gì về an sinh xã hội! Đọc bài của Thủ tướng mới thấy an sinh xã hội rộng lớn vô cùng! Hóa ra chúng tôi nông cạn không hiểu nổi hàm ý sâu xa về an sinh xã hội của Thủ tướng Dũng hay chúng tôi cảm hứng theo cuộc sống còn lãnh đạo báo Tuổi Trẻ cảm hứng theo chính trị, theo tuyên giáo nên không gặp được nhau?

Cảm hứng theo chính trị là cảm hứng của những tờ báo chính trị chay như báo Nhân Dân! Tuổi Trẻ là của cuộc sống, của mấy trăm ngàn người hàng ngày bỏ tiền ra mua báo Tuổi Trẻ. Đất sống của Tuổi Trẻ là cuộc sống đang diễn ra trên đất nước thân yêu của chúng ta. Xin hãy trở về cảm hứng cùng mảnh đất đang nuôi Tuổi Trẻ.

© Phạm Đình Trọng