Trung Cộng dò dẫm canh tân |
Tác Giả: Asia Times | ||||
Thứ Sáu, 20 Tháng 8 Năm 2010 06:53 | ||||
Trong ngót ngét hai năm còn lại trước khi Chủ tịch Hồ Diệu Bảo (Hu Jintao) và vài nhân vật ở cấp lãnh đạo của CSTQ về hưu, ngày càng có nhiều lời kêu gọi công khai để họ khởi sự đổi thay chính trị. Lần này những kêu gọi cho dân chủ hóa và tôn trọng pháp luật không do những người bất đồng chính kiến với lãnh đạo nhưng lại do chính các khuôn mặt tiêu biểu phía cơ Theo một bản tin ngày 5 tháng 8 vừa qua, Trung tướng Liêu Dã Châu (Liu Yazhou), chính ủy tại Đại học Phòng vệ Quốc Gia của QĐGPND, trường huấn luyện tướng lãnh của CSTQ, đã táo bạo tiên đoán rằng TQ sẽ phải thay hệ chính trị độc tài hiện tại bằng một hệ thống chính trị dân chủ trong vòng thập niên tới, vì chẳng có cách thoát hiểm nào khác cho đảng CSTQ. Chỉ hai ngày sau, tiến sĩ (TS) kinh tế Hồ Sinh Đạo (Hu Xingdou) của Viện Kỹ thuật Bắc kinh, người được biết đến do những nghiên cứu về các nhóm thiểu số bị thua thiệt tại TQ, đã đăng trên trang mạng của mình một bản kiến nghị gởi Hồ Diệu Bảo dưới tựa đề "Đường dẫn tới sụp đổ của TQ và cách né tránh". Trong thơ mở, TS họ Hồ cho rằng sự diệt vong của công lý và công bằng xã hội đang đặt TQ trên một lộ trình nhiều hiểm nguy, nếu muốn tránh chỉ có cách thực hiện cải cách chính trị để thật sự mang lại quyền tự do và quyền công dân theo hiến pháp cho người dân trong nước. Tiên đoán của tướng họ Liêu được đăng trong một bài báo trong số mới nhất của tuần báo Phượng Hoàng, một tờ báo do hãng truyền hình cùng tên có khuynh hướng thân Bắc kinh xuất bản tại Hương cảng. Có lẽ do tính táo bạo của những nhận định của Liêu, bài báo được đăng kèm với chú thich dè dặt của Biên tập viên rằng bài dựa theo một cuộc phỏng vấn độc quyền với tướng này, và ông đã không duyệt lại bản hiệu đính chót của bài trước khi được đăng. Mở đầu bài báo, tướng Liêu đã chỉ trích gay gắt thái độ thờ lạy đồng tiền đang thịnh hành tại TQ. Ông nói cả nước từ trên xuống dưới đang thờ lạy mãnh lực đồng tiền mà quên đi những lực đẩy có vẻ mềm mỏng hơn như lý tưởng và văn hóa. Theo ông, "Có nhiều tiền hơn chưa hẳn đã làm tăng những tiềm lực mềm... Một quốc gia chỉ biết thờ lạy mãnh lực đồng tiền là một quốc gia tụt hậu và ngu xuẩn, cả trong nội trị lẫn bang giao phát triển trên trường quốc tế". Đối nội, "tham nhũng đang trở nên thất thoát lớn nhất về kinh tế của TQ, mà cũng là tệ nạn xã hội lớn nhất, và thử thách lớn nhất về chính trị". Đối ngoại, tệ thờ tiền đang làm sĩ diện TQ xấu đi rất nhiều. Chẳng hạn, họ Liêu nói đường lối đầu tư bằng cách hối lộ quan chức địa phương tại Phi châu của TQ dẫn đến hệ quả là các quan này ngày càng ăn mạnh miệng hơn, trong khi dân địa phương thì ngày càng đố kỵ nhà cầm quyền TQ và những công trình của người Tàu. Ông cho rằng không có dân chủ, TQ sẽ không thể tiếp tục trong hướng đi lên về lâu về dài: "Một hệ thống thất bại trong việc để cho công dân được hít thở bầu khí tự do và để họ phát huy tối đa sáng tạo, và nếu nó không đưa được những người đại diện tốt nhất cho quốc gia dân tộc đến vị trí lãnh đạo thì chắc chắn phải sụp đổ". Lấy Liên Sô cũ làm thí dụ, tướng Liêu nêu ra lý do khiến đảng CSLX sụp đổ là thất bại trong chính hệ thống của nó chứ không phải về mặt kinh tế hay quân sự. Trong một sự ví von kín đáo với cách làm việc hiện nay tại TQ, ông nói đảng CSLX từng đặt ổn định chính trị ở ưu tiên hàng đầu, "đặt ổn định trên trước mọi thứ khác, và cố dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề. Nhưng rốt cuộc xung đột trong xã hội bừng cháy và rồi cái gì cũng thành ra chuyện trái ngược". Đối lại bí quyết then chốt trong thành tựu của Mỹ nằm ở chỗ nước này đề cao sự tôn trọng pháp luật và ở cả hệ thống đàng sau sự cai trị bằng luật pháp, chứ không ở Phố Tường Tài (Wall Street) hay Thung lũng Điện tử (Silicon Valley). Thế nên, theo tướng Liêu, TQ phải thay đổi hệ chính trị của nó. "Cải tổ hệ chính trị của ta là một nhiệm vụ mà lịch sử đã trao cho ta. Chẳng có cách nào trốn thoát được". Ông tiên đoán là "trong vòng 10 năm, sự chuyển đổi từ một hệ thống chính trị độc tài sang một thể chế dân chủ sẽ xảy ra không cách tránh được. Nhiều thay đổi lớn sẽ được chứng kiến tại TQ". Nên biết Liêu là con rể Cựu Chủ tịch Nước Lý Tiên Niệm (Li Xiannian) do vậy cũng là một phò mã của chế độ, và đang được coi như ngôi sao chính trị đang lên trong đảng CSTQ, trong Hồng quân, tuy thuộc loại ngựa chứng với những phát biểu nảy lửa và những bài viết thường xâm phạm nhiều điều cấm kỵ. Nay 57 tuổi, tướng này hiện là thành viên Ủy ban Trung ương Kiểm tra Kỷ luật của đảng, tức cơ chế chống tham nhũng tối cao tại TQ. Do địa vị và gốc bự như vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi lời bình luận của ông này về nhu cầu cải tổ chính trị lập tức gây nên cơn sốt trong dư luận đại chúng. Bài viết trong Tuần báo Phượng Hoàng đến nay đã được đăng lại, được tường thuật và bàn cãi trên mọi trang mạng hàng đầu của TQ. Tiểu thuyết gia và người viết blog nổi tiếng Dương Hạng Dũng (Yang Hengjun) đã nói với tờ Deutsche Welle rằng “nếu là tướng nào khác thì tuyên bố đó đã là chấn động mạnh, nhưng tôi không ngạc nhiên khi tướng bộc trực họ Liêu nói những chữ đó, vì ông ta đã nói những chuyện tương tự trước đây. Liêu là người có lương tâm và tầm nhìn xa". Trong mắt họ Dương, ông Liêu đã nói thay cho nhiều người trong đảng. "Khó mà tiếp tục theo đà hiện nay tại TQ, đảng CSTQ khó bám víu vào quyền lực cai trị như bây giờ. Phải có thay đổi, tuy người người có cái nhìn thế này thế khác về việc phải làm nên thay đổi ra sao". Vài nhà phân tích thời cuộc tại Bắc kinh tin rằng phát biểu của tướng Liêu phản ảnh sự kiện các phò mã và thế hệ trẻ tiên phong trong đảng đang muốn có tiếng nói có ảnh hưởng hơn trong sinh hoạt chính trị. Những người này cũng hy vọng việc nói lên các quan điểm phóng khoáng có thể giúp họ được biết đến hơn trong cuộc chạy đua trước thềm đại hội lần 18 vào cuối năm 2012. Theo một nhà phân tích, "Các phò mã của chế độ, là những người chủ trương sứ mệnh của họ là phải bảo tồn những gì ông cha họ đã tranh đấu để giành được, đang lo sự trị vì của đảng CSTQ sẽ mất chính nghĩa nếu không thúc đẩy được tiến bộ về chính trị. Họ cũng hy vọng sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn sau cuộc cải tổ trong hai năm tới". Tuy thế cũng có nhiều dân mạng chỉ trích cái nhìn của Liêu về sự thành công của Mỹ. "Quan điểm của ông ta theo đó thành tựu của Mỹ là nhờ luật pháp và hệ thống đàng sau nó có phần hời hợt. Câu hỏi có thể đặt ra là hệ luật của Mỹ phát xuất từ đâu?" Hồ Sinh Đạo cũng có ưu tư về sự thất bại của hệ chính trị hiện nay của TQ như Liêu. Trong kiến nghị gởi Chủ tịch nước, ông cho rằng sự cầm quyền tại TQ hãy còn phải tìm đâu là đường lối đúng đắn. Hiện nay để duy trì ổn định và bảo vệ quyền lực cũng như quyền lợi, hành pháp ở nhiều địa phương "dùng đến dối trá, bạo hành, vu khống, lao động cải tạo, băng đảng, bỏ tù trái phép và nhà thương điên để giam giữ ký giả, người đưa tin và mọi người có quan điểm khác với họ". Vì vậy, "công lý và công bằng xã hội đã chết. Đây là thất bại lớn nhất của nhà cầm quyền đương nhiệm. Họ Hồ gán thất bại này cho chế độ hiện tại, điển hình là "trong sự cấu kết giữa hành pháp, lập pháp, tư pháp và quản lý, trong sự cấu kết giữa cán bộ và kinh tài, giữa đảng và nhà nước". Hậu quả, theo ông, là TQ đang trên đường đến sụp đổ. Giải pháp là phải xây dựng một thể chế ông gọi là "Xã Hội Chủ Nghĩa Hiến định" - XHCNHD (constitutional socialism), trong đó công bằng xã hội là nền tảng cho việc cầm quyền. "Tôi cổ vũ con đường cải tổ phù hợp với điều kiện của TQ, chứ không rập khuôn tự do kiểu Tây phương. Tôi gọi con đường đó là XHCNHD." Trong phỏng vấn với báo chí sau khi đăng tải kiến nghị, Hồ triển khai thêm về khái niệm XHCNHD như là sự kết hợp của cách cầm quyền hợp hiến và công lý, tóm tắt là CNXH và đảng trị phải tuân thủ hiến pháp. Đi vào chi tiết, theo ông người dân phải được mọi quyền hợp hiến như bầu cử và giám sát chính phủ, quyền tự do ngôn luận và thông tin. Ông nói ông cổ vũ một lộ trình thay đổi tiệm tiến vì nhiều nhà trí thức đồng ý rằng TQ phải tránh thêm một cuộc cách mạng bằng bạo lực, do vậy chỉ có cách tiến hóa dần dần để ủng hộ tiến bộ trên mặt xã hội và trong phát triển mới phù hợp với nguyện vọng của đại đa số quần chúng. Ông cũng nhấn mạnh giải pháp của mình là tích cực xây dựng chế độ. "Dù sao thì CNXH vẫn chấp nhận được đối với đảng, nên đề nghị của tôi chỉ cho canh tân cách ôn hòa". Hồ cho biết tuy kiến nghị đề đạt gởi Chủ tịch nước, ông cũng đã gởi một số phó bản cho các nhân vật lãnh đạo qua những người quen. Chủ tịch có đáp trả hay không không quan trọng lắm, điều cần là "để thức tỉnh quần chúng và các cán bộ của chế độ để họ biết đâu là sự thật, và để biết được làm sao có thể đưa nước ta đi xa hơn và đem lại tiến bộ trong xã hội". Phân tích gia cho rằng có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Liêu và Hồ lên tiếng kêu gọi cải cách chính trị cùng một lúc. Rất có thể hiện đang có những tranh cãi ở cấp cao nhất, và phía cởi mở muốn quan điểm của mình được đưa ra ánh sáng dư luận, để trắc nghiệm phản ứng trong nội bộ đảng cũng như của quần chúng. Ngô Thiện Khải chuyển dịch từ "General and Scholar test reform waters", Wu Zhong, Biên tập báo TQ http://www.atimes.com/atimes/China/LH12Ad01.html
|