Home Tin Tức Bình Luận Mỹ chạm vào “vùng quyền lợi cốt lõi” thứ ba của Trung Cộng

Mỹ chạm vào “vùng quyền lợi cốt lõi” thứ ba của Trung Cộng PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Ðạt Thịnh   
Thứ Tư, 11 Tháng 8 Năm 2010 20:04

 Ngày 22 Tháng 7, 2010, ngoại trưởng Mỹ Hilary Rodham Clinton tuyên bố tại Hà Nội là Hoa Kỳ coi việc giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

là mối quan tâm mang tầm mức quốc gia của người Mỹ, đồng thời bà hối thúc các quốc gia liên quan nên gấp rút đàm phán để tìm giải pháp.

 

      
Bà còn nói Hoa Thịnh Ðốn quan ngại rằng những tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn của nhiều nước về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm ảnh hưởng tới giao thương hàng hải, cản trở việc tiếp cận vùng hải phận quốc tế ở khu vực này và hủy hoại luật về biển của Liên Hiệp Quốc.
       
Sóng thần là sản phẩm của địa chấn dưới lòng biển, và sóng thần chính trị nổi lên trong cuộc hội nghị Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) diễn ra vào tuần lễ thứ 3 của tháng Bẩy, là sản phẩm của chính sách ngoại giao bằng pháo hạm của Trung Cộng.
       
Những chiếc pháo hạm hóa trang thành tầu cảnh sát biển bắt ngư dân hành nghề trên Biển Ðông phải tuân hành luật lệ Trung Cộng; ngư thuyền nào hành nghề trong những tháng Trung Cộng cấm hành nghề sẽ bị bắt, bị phạt, ngư dân bị đánh đập. Việc làm này mang mục đích Trung Quốc hoá Biển Ðông; mọi người không khỏi nhận xét như vậy, vì nếu Biển Ðông không phải là lãnh hải “của” Tầu thì tại sao cảnh sát biển Tầu lại bắt giữ những ngư thuyền đánh cá trên biển mà người Tầu gọi là “Nam Hải”.
       
Nụ cười ngoại giao tươi như hoa vẫn không tắt trên đôi môi son đỏ của bà Clinton khi bà nói lên những lời khuyến cáo rất hòa nhã này, nhưng hãng tin Bloomberg nói bà đã làm Trung Cộng nổi giận. Ngoại truởng Trung Cộng Dương Khiết Trì giận đến như thế nào, mà thái độ của ông được tờ Tuần Việt Nam, trong số phát hành ngày 28 tháng Bẩy mô tả “Tạm gạt tính chất cứng rắn gần như là thịnh nộ trong phát biểu của Bộ trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì sang một bên, để tìm hiểu một cách tỉnh táo mọi vấn đề nằm trong ý kiến ông Dương nêu lên, chúng ta sẽ thấy gì?”
       
Hãng A.P. mô tả ông Trì mất bình tĩnh khi bà Clinton mở một lối thoát khác cho những bế tắc hiện nay trên Biển Ðông.
       
Tôi nghĩ  ông Trì không nổi giận vì câu nói, mà vì người nói; nếu cũng một câu này, nhưng người nói ra lại là ngoại trưởng Pháp, Nhật hay Anh, thì phản ứng của ông Trì không “thịnh nộ” rõ rệt đến mức người ngoài cũng nhìn thấy.
       
Ông Trì là một nhà ngoại giao, bà Clinton cũng vậy, nhưng ông Trì mất bình tĩnh, trong lúc bà Clinton vẫn tươi cười, thì hai hình ảnh này cho thấy bản lĩnh của mỗi người. Câu bà Clinton nói nghe như vô can, nhưng đang làm Biển Ðông nổi sóng –sóng lớn như sóng thần; tạo nhiều ảnh hưởng quan trọng cho cả Trung Cộng lẫn Việt Cộng và các quốc gia Ðông Nam Á khác.
       
Yếu tố khiến ông Trì khó chịu là “miệng kẻ sang có gang, có thép.” Bà Clinton đại diện cho “kẻ sang” Hoa Kỳ đứng ra khuyến cáo một cuộc đàm phán đa phương, điều mà Trung Cộng không chấp nhận.
       
Ông Trì phản đối Hoa Kỳ mưu tính ‘quốc tế hóa’ vấn đề biển Đông – nơi những lời tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đang gây xung đột với các quốc gia khác trong khu vực Ðông Nam Á từ hơn một năm nay.
       
Trong thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Cộng  hôm 25 tháng Bẩy, ông Trì đặt câu hỏi: ‘Kết quả sẽ là như thế nào nếu vấn đề (biển Đông) bị quốc tế hóa và đa phương hóa? Điều đó sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ và khó giải quyết hơn.’ Ông quên không nói “tồi tệ hơn và khó giải quyết hơn” cho Trung Cộng, nhưng lại thoải mái hơn cho những quốc gia Ðông Nam Á.
       
Ngày 22 tháng Bẩy, ngày Hoa Kỳ nhập cuộc, sẽ được nhắc nhở như thời điểm đánh dấu một thay đổi căn bản trên Biển Ðông.
       
Trước hội nghị ARF, Trung Cộng đã long trọng công bố Biển Ðông là “vùng quyền lợi cốt lõi” của họ. Họ định nghĩa “vùng quyền lợi cốt lõi” là những địa phương trong đó họ quyết liệt không nhượng bộ, không thương thuyết.
       
Trung Cộng có 3 “vùng quyền lợi cốt lõi” (core interest) Ðài Loan, Tây Tạng, và Biển Ðông; Biển Ðông mới được tuyển vào địa vị “vùng quyền lợi cốt lõi” để cảnh cáo thế giới đừng xen vào, nhưng Hoa Kỳ vẫn phạm vào cấm điều này.
       
Trong 2 vùng được tuyển trước, “quyền lợi cốt lõi” của Trung Cộng là thống trị những chủng tộc sống trên lãnh thổ Tầu, hay lãnh thổ bị Tầu xâm chiếm mà không khuất phục quyền lực Trung Cộng: người Ðài Loan sống trong lãnh thổ trước kia bị sát nhập vào nước Tầu, và người Tây Tạng sống trong nước họ, bị Trung Cộng xâm chiếm.
       
Trong vùng quyền lợi cốt lõi số 3, Trung Cộng muốn độc chiếm chủ quyền và độc chiếm những nguồn lợi của Biển Ðông, giờ này những người “chủ cũ” của Biển Ðông như Việt Nam, Phi Luật Tân, Ðài Loan, Mã Lai, Nam Dương vẫn còn tranh chấp bảo vệ quyền đánh cá trên vùng biển họ vẫn sinh sống từ thủa khai thiên lập địa.
       
Tiến sĩ Giản Quân Ba thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Phục Đán, Thượng Hải bảo phóng viên Nguyễn Trung của đài VOA là Trung Cộng có nhu cầu làm chủ Biển Ðông trước năm 2020, vì, “Nếu Bắc Kinh không thể giải quyết vấn đề tranh chấp và xác lập chủ quyền ở những hòn đảo và vùng lãnh hải trước năm 2020, đây sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, bởi vì theo một nguyên tắc của luật quốc tế, nếu một quốc gia chiếm đóng một vùng đất hơn 50 năm mà không bị quốc gia nào phản bác thì vùng đất đó có thể trở thành một phần lãnh thổ nước này.
       
“Cho dù Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận sự chiếm đóng của các nước láng giềng tại các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, vẫn có một thách thức lớn đối với Bắc Kinh. Vào năm 2020, các hòn đảo đó sẽ bị chiếm đóng hơn 50 năm tính từ những năm 70. Và năm 2020 đang tới gần.”
       
Ông tiến sĩ Ba không biết là ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá quanh đảo Hoàng Sa từ những năm tiền sử, và quân đội VNCH đã trấn đóng trên đảo này từ những năm 1950, và chỉ thất thủ vì bị pháo hạm Trung Cộng tấn công năm 1974.
       
Tranh chấp về chủ quyền các hải đảo trên Biển Ðông được Trung Cộng cho phép, nếu tranh chấp diễn tiến theo phương thức song phương; điều tối kỵ của Trung Cộng là đa phương hóa và quốc tế hoá những tranh chấp trên Biển Ðông.
       
Kinh nghiệm của một trong hai “vùng quyền lợi cốt lõi” bị Trung Cộng nhắm nhía trước Biển Ðông -vùng hải đảo Ðài Loan- cho thấy là Trung Cộng sẽ thất bại tại Biển Ðông.  Cả hai vùng cốt lõi Ðài Loan và Biển Ðông đều là vùng biển, và hải quân Trung Cộng không đủ mạnh để khống chế mặt biển. Khả năng và kỹ thuật tác chiến trên mặt biển của hải quân Trung Cộng còn đi sau hải quân Hoa Kỳ 15 năm. Do đó họ không dám tấn công Ðài Loan. Nhưng lục quân Trung Cộng thừa sức chiếm Tây Tạng, mà Hoa Kỳ không làm gì được. Ưu điểm lục quân này lại không áp dụng được với Việt Nam, nên sự can thiệp của Hoa Kỳ khiến Trung Cộng lâm vào thế bị trói tay trên Biển Ðông.
       
Dư luận tố giác Trung Cộng dùng chính sách chia để trị, không cho phép những chiếc đũa được cột thành bó. Hoa Thịnh Ðốn đang giúp các nước Ðông Nam Á xích lại gần nhau tạo thế hổ tương.
       
Ông Trì tố cáo Hoa Kỳ can thiệp vào “việc riêng” của Trung Cộng, việc mà họ có thể giải quyết với các quốc gia đối tác. Ông đúng trong việc tố cáo Hoa Kỳ chen vào cuộc tranh chấp Biển Ðông, vì quả Hoa Kỳ có chen vào; nhưng ông không chứng minh được sự can thiệp đó là sai.
       
Không chứng minh được, bộ ngoại giao Trung Cộng cay cú viết thông cáo chê những lập luận ‘nghe như công bằng’ của bà Clinton ‘thực chất là một cuộc tấn công nhắm vào Trung Quốc’. Thông cáo nói thêm rằng ‘không có vấn đề gì’ trong việc tự do lưu thông trên hải lộ, cũng như không hề có bất an trên biển Đông, mà Hoa Kỳ chỉ nại ra để nhúng tay vào.
       
Trung Cộng có thể khẩu chiến nhiều hơn nữa, nhưng điều họ cần làm ngay là tìm cách đối phó với quả bom bà Clinton cho nổ ngay trên bàn hội nghị ARF 17. Sức ép của quả bom đang tiếp tục tàn phá uy thế của Trung Cộng.
       
Một tuần sau hội nghị ARF, Hà Nội chủ động chuyển thư mời các bộ trưởng quốc phòng của khối ASEAN nới rộng (ADMM+ là Asean Defence Ministers’Meeting cộng thêm các nước Hoa Kỳ, Nga, Trung Cộng, Nhật, Bắc Hàn, Ấn Ðộ, Úc và Tân Tây Lan) đến Việt Nam tham dự cuộc hội nghị dự định nhóm họp vào ngày 12 tháng Mười.
       
Trong một cuộc họp báo, thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho hay Việt Cộng sẽ tham vấn với Mỹ, Trung Quốc, và Nga để đưa ra chương trình hài lòng tất cả các bên. Vịnh cũng nói bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại sẽ có phiên họp hẹp trước khi họ tham dự hội nghị ADMM+.
       
Lời mời của Việt Cộng được hưởng ứng nhanh chóng, khiến Vịnh tuyên bố, “Việc các nước lớn bày tỏ sự ủng hộ tích cực đối với ADMM+ thể hiện mong muốn của họ hợp tác với ASEAN, để can dự tích cực và hòa bình vào khu vực, mưu cầu ổn định, thịnh vượng chung và lợi ích cho từng quốc gia", là triệu chứng đáng mừng.
       
Theo ông Vịnh, bản thân ASEAN cũng mong muốn thu hút nguồn lực của các nước bên ngoài để đối phó với những thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực. Trong những “nguồn lực” này dĩ nhiên có khí giới, chiến hạm, phi cơ, hỏa tiễn, súng phòng không …, nhưng Hoa Kỳ sẽ không trực tiếp hiện diện trong tranh chấp.
       
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Biển Đông có được đưa vào chương trình nghị sự không, Vịnh nói là còn quá sớm để khẳng định vấn đề nào sẽ được thảo luận tại hội nghị. Trao đổi quan điểm và các vấn đề quan tâm, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước cộng sẽ xác định các vấn đề cần ưu tiên thảo luận.
       
Tuy nhiên, sau quả bom Clinton, tổng trưởng quốc phòng các nước ADMM + đến Hà Nội để bàn chuyện gì, ngoài chuyện tìm giải pháp cho Biển Ðông. Vịnh e dè nói quanh, "Ðông Nam Á không chỉ có duy nhất vấn đề Biển Đông, mà còn nhiều khó khăn khác nữa. Việc đưa vấn đề nào ra thảo luận tại ADMM+ lần này thuộc thẩm quyền của các Bộ trưởng trong tiến trình hội nghị".
       
Tổ chức hội nghị ADMM+ ba tháng ngay sau ngày bế mạc hội nghị ARF17 cũng cho thấy là ASEAN ý thức được bản chất của những khó khăn trên Biển Ðông nặng tính chất quân sự.
       
Hoa Kỳ cũng không để mất thì giờ: trong lúc chờ đợi ADMM+,  tổng trưởng quốc phòng Robert Gates đến thăm Nam Hàn và Nam Dương; ông hội kiến với tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono về vấn đề an ninh khu vực.
           
Dấu hiệu đáng mừng là thái độ bắt đầu tự tin của tướng Vịnh: trả lời cuộc phỏng vấn của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post), xuất bản tại Hong Kong, ông nói Việt Nam muốn gửi thông điệp cho cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẽ "không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời Việt Nam có đủ khả năng để đối phó".
       
Bài báo tựa đề 'Ánh thép và chiếc găng tay nhung của Việt Nam' (A flash of steel and the velvet glove from Vietnam) viết Việt Nam kêu gọi tăng lòng tin và sự minh bạch trong quan hệ với Trung Quốc.
       
Ông Vịnh nói củng cố quan hệ quốc phòng sẽ dẫn tới thúc đẩy quan hệ song phương mở rộng hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông bảo phóng viên báo South China Morning Post, “Không có biện pháp tăng cường lòng tin nào tốt hơn là rõ ràng minh bạch,” ý trách Trung Cộng nhập nhằng, đánh lận. Vịnh nói Việt Nam sẽ không bao giờ dùng vũ lực, nhưng đủ khả năng đối phó với vũ lực từ bên ngoài.
       
Khi được hỏi câu tuyên bố này có thể được hiểu là gần đây đã có đe dọa của Trung Quốc đòi sử dụng vũ lực với Việt Nam hay không, ông Vịnh trả lời: "Nên dành câu hỏi này cho Trung Quốc chứ không phải Việt Nam".
      
Khẩu quyết 18 chữ vàng đã rơi mất một nữa giúp câu nói của Vịnh cứng cát hẳn lên, chứ không còn “một lòng tuân lệnh Bắc Kinh” như vài tháng trước nữa.
       
Bài báo viết, nhận xét của ông Vịnh hé mở đôi chút về quan hệ quốc phòng Việt-Hoa, một trong các quan hệ chiến lược quan trọng nhất, nhưng cũng bí mật và nhiều nghi kỵ nhất trong khu vực.
       
Bà Clinton đã gỡ được cái ách Trung Cộng trên lưng người Việt Nam và công dân của nhiều quốc gia Ðông Nam Á; những công dân này đang nôn nóng chờ chứng kiến bản lãnh của ông Robert Gates, và cả của ông Barrack Obama nữa, nhân vật mà bà Clinton giới thiệu là sẽ đến Việt Nam năm 2011.
       
Nguyễn Ðạt Thịnh