Những câu hỏi của một công dân Việt-Nam |
Tác Giả: Hoàng Hưng | |||
Thứ Ba, 10 Tháng 8 Năm 2010 11:52 | |||
Đảng có cho rằng nhân dân dễ tin theo những luận điệu xuyên tạc, nói xấu đảng của các thế lực thù địch với đất nước? Theo thông báo của ĐCSVN thì từ nay đến cuối năm 2010, Đảng sẽ đưa ra dự thảo nghị quyết Đại hội 11 để lấy ý kiến đóng góp lần lượt của các cơ quan các cấp và cuối cùng là toàn dân. Dù muốn hay không, tương lai của đất nước và dân tộc trong điều kiện hiện nay và một thời gian nữa (lâu hay mau chưa rõ) vẫn được quyết định chủ yếu ở sự cầm chịch của ĐCS; và Đại hội lần thứ 11 sắp tới có ý nghĩa mấu chốt đối với bước ngoặt lớn của vận mệnh quốc gia: VN hoặc sẽ trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào siêu cường phía Bắc, lợi ích dân tộc bị hy sinh trước sức ép của ngoại bang, bị nguy hại vì rập khuôn đường lối độc tài của họ để phát triển không bền vững; hoặc sẽ giữ được độc lập tự cường và phát triển bền vững bằng con đường độc lập, dân chủ hóa, phát huy được sức mạnh của toàn dân, tranh thủ được sự hỗ trợ của thế giới văn minh. Tôi là một công dân Việt Nam ngoài đảng CS, đã sống và làm việc gần 60 năm dưới sự lãnh đạo của ĐCS, đã bằng lời nói và ngòi bút góp chút phần vào những thành tích cũng như sai lầm của Đảng, cũng đã từng là nạn nhân của sự độc tài thiếu sáng suốt của Đảng. Hôm nay, sắp vào tuổi “xưa nay hiếm”, trong phạm vi những từng trải và hiểu biết của riêng mình, cố gắng giữ một cái nhìn công bằng, không thiên kiến, tôi muốn chân thành đối thoại với Đảng về những quyết định của Đảng, những quyết định sẽ chi phối cuộc sống của bản thân tôi, con cháu tôi cũng như tất cả đồng bào tôi. Nhưng trước tiên, để tôi hiểu thật đúng, thật rõ về ĐCSVN của ngày hôm nay, tôi đề nghị những người Cộng sản, bao gồm các nhà lãnh đạo, các nhà lý luận, cho đến đảng viên các cấp: hãy nghiêm túc, thẳng thắn, thật thà trả lời một số câu hỏi sau đây của tôi. Nếu câu trả lời của các vị khách quan, thuyết phục, tối thiểu là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam, không né tránh sự thật, tôi xin nguyện sẽ là một trong những người kiên quyết ủng hộ sự độc quyền lãnh đạo của Đảng, chống lại mọi âm mưu xâm hại sự độc quyền ấy, để giữ vững sự ổn định và tiến lên của đất nước. Tôi xin chia các câu hỏi thành từng cụm vấn đề: I/ Về con đường phát triển của đất nước: 1- Mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng đề ra có gì khác với mục tiêu phấn đấu của các thể chế hiện hành ở Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Bắc Âu? 2- “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có gì khác với mô hình kinh tế của những nước theo đường lối dân chủ xã hội (social democracy), thị trường xã hội (social market) như Đức, Bắc Âu, nhà nước phúc lợi (welfare state) như Anh…? 3- Ý nghĩa, nội hàm của cụm từ “định hướng xã hội CN” là gì? - Là phân phối công bằng sản phẩm xã hội, bênh vực kẻ yếu, người kém may mắn? - Là tiến tới xóa bỏ tư hữu tư liệu sản xuất? - Là tiến tới xóa bỏ bóc lột giá trị thặng dư? - Là sự thống trị của bộ phận kinh tế sở hữu nhà nước trong đó có sự độc quyền về những ngành then chốt? - Là độc quyền lãnh đạo của ĐCS? 4- Nền độc lập dân tộc đang và sẽ bị đe doạ chủ yếu từ phương Bắc hay phương Tây? 5- Giữa âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ độc quyền lãnh đạo của ĐCS với âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm thôn tính nước VN, cái nào nguy hiểm cho dân tộc hơn? II/ Về bản chất của Đảng Cộng sản VN: 1- Có bao nhiêu đảng viên CS hoặc vợ/chồng, con cái của họ là chủ cơ sở kinh tế tư nhân sử dụng người làm thuê? 2- Có bao nhiêu đảng viên có tài sản trị giá từ 5 tỷ đồng trở lên, có thu nhập bình quân trong gia đình từ 50 triệu đồng/năm trở lên, có từ 1 người con du học ở các nước tư bản? Trong số ấy có bao nhiêu là quan chức của Đảng và Nhà nước? 3- Có bao nhiêu đảng viên là công nhân trực tiếp sản xuất? 4- Có bao nhiêu đảng viên cho rằng học thuyết Mác-Lênin, chủ nghĩa CS cho phép tích lũy tư hữu tư liệu sản xuất thay vì xóa bỏ nó? 5- Có bao nhiêu đảng viên thực lòng tin rằng mình vào đảng là để phấn đấu cho lý tưởng Cộng sản thành công trên đất nước này? III/ Về sự độc quyền lãnh đạo của ĐCS: 1- Độc quyền lãnh đạo của ĐCS có đồng nghĩa cả nước chỉ có 1 chính đảng duy nhất? 2- Độc quyền lãnh đạo có đồng nghĩa 90% cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, 90% đại biểu Quốc hội phải là đảng viên CS? 3- Có đồng nghĩa mọi cấp mọi ngành phải có 1 cơ quan của Đảng song song với bộ máy chính quyền? 4- Có đồng nghĩa việc lớn việc nhỏ trong ba quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) đều do các cấp ủy quyết định sẵn, cơ quan dân cử chỉ có việc biểu quyết thông qua và chính quyền chỉ làm nhiệm vụ chấp hành, cơ quan tư pháp chỉ làm công việc hợp thức hóa? 5- Tại sao lại thay khẩu hiệu “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân…” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra thành “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân”? 6- Tại sao lại tránh trớ việc “luật hóa” sự lãnh đạo của ĐCS, một việc rất cần thiết để tránh nguy cơ người thay mặt Đảng lạm quyền, đứng trên pháp luật, dẫm chân vào sự điều hành của chính quyền? IV/ Về lòng tin của nhân dân đối với đảng: Đảng có dám làm một cuộc thăm dò rộng rãi dư luận nhân dân (nếu không là trưng cầu dân ý) một cách vô tư trung thực (không dùng mánh lới kiểm soát, khống chế) với những câu hỏi như sau: 1/ Có tán thành để ĐCS tiếp tục độc quyền lãnh đạo đất nước? 2/ Đảng độc quyền lãnh đạo nhưng nên đổi tên, thay từ Cộng sản bằng từ khác? 3/ Độc quyền lãnh đạo nhưng phải thay đổi tận căn bản cơ chế, phương pháp lãnh đạo, trước hết là thực hành dân chủ ngay trong nội bộ Đảng và thực sự tuân thủ nền pháp trị? 4/ Nên có 2 Đảng với chiến lược khác nhau (tuy vẫn chung mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”) thay nhau lãnh đạo theo sự lựa chọn định kỳ của nhân dân thông qua bầu cử? 5/ Nên có thêm vài đảng khác cùng với Đảng CS tham gia quản lý đất nước? V/ Về lòng tin của Đảng đối với nhân dân: 1/ Đảng có cho rằng trình độ dân trí, đặc biệt là giác ngộ chính trị, của nhân dân VN hiện nay thấp hơn nhân dân các nước Thái Lan , Indonesia , Philippin, Campuchia…? 2/ Đảng có cho rằng nhân dân dễ tin theo những luận điệu xuyên tạc, nói xấu đảng của các thế lực thù địch với đất nước? 3/ Đảng có tin rằng trong thời đại ngày nay, có thể dùng hệ thống tuyên truyền một chiều để làm cho dân tin vào những điều sai sự thật, ngược lại có thể ngăn chặn những thông tin nói lên sự thật nhưng không có lợi cho người cầm quyền? 4/ Đảng có tin rằng nếu công khai cho dân biết những công việc của đảng có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chung của nước của dân, như những tranh luận trong Đảng về đường lối phát triển đất nước, về nhân sự sẽ lãnh đạo bộ máy nhà nước; ngân quỹ của Đảng, tài sản của đảng viên cao và trung cấp, hoạt động kinh tài của Đảng, thì dân sẽ càng tin tưởng và yêu quý Đảng? 5/ Có thể thực sự thi hành tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tín ngưỡng (không cần sự kiểm soát gắt gao của hệ thống phối hợp đảng-hành chính-công an) mà không sợ mất quyền lãnh đạo, ngược lại càng tăng uy tín của Đảng, vì Đảng tự tin mình luôn là chính nghĩa, và đại đa số nhân dân luôn tin tưởng vào Đảng và trung thành với Đảng? Trên đây là những câu hỏi của một công dân trung bình, không đi vào lý luận về chính trị, triết học, nhưng rất thiết thực, cụ thể để hiểu thực chất của một chính đảng mà mình phải gửi gắm sinh mệnh, tương lai của bản thân và con cháu vào tay. Mong sớm được phúc đáp.
|