Bài toán khó của Việt Nam |
Tác Giả: BBC | |||
Thứ Ba, 03 Tháng 8 Năm 2010 17:12 | |||
Thời gian gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thực hiện một loạt cuộc tập trận trong các vùng biển châu Á. Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước việc Mỹ tập trận chung với Nam Hàn và ủng hộ nỗ lực quốc tế hóa trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Mới nhất là cuộc tập trận không quân của Trung Quốc bắt đầu hôm 03/08 tại hai tỉnh Hà Nam và Sơn Đông. Đài BBC đã có cuộc nói chuyện với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học George Mason (Hoa Kỳ), về các diễn biến mới nhất thu hút sự chú ý của dư luận này: GS Nguyễn Mạnh Hùng: Có hai lý do mà tôi nghĩ Trung Quốc phải thực hiện tập trận dồn dập những ngày này. Thứ nhất, Mỹ đã tập trận trước, và để phản đối, Trung Quốc cũng phải tập trận. Thứ hai, hiện các nước Đông Nam Á đang bắt đầu nỗ lực cộng tác với nhau trong chủ đề Biển Đông, điều mà Trung Quốc không muốn. Bắc Kinh muốn bẻ đũa từng chiếc để dễ trị, muốn đàm phán song phương thay vì đa phương, khi mà các nước có thế mặc cả chung (collective bargaining power). Vậy cho nên việc Trung Quốc diễu võ giương oai, tôi cho là chủ yếu để đe dọa các nước Đông Nam Á. Phía các nước này, xưa nay vẫn giữ thái độ im lặng, ngậm miệng. Chỉ khi sau có chỉ dấu rằng Hoa Kỳ sẽ có thái độ thì họ mới bắt đầu đặt vấn đề đối diện với Trung Quốc. BBC: Thưa ông, liệu tình hình trong khu vực có thể leo thang căng thẳng hơn nữa hay không? GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi không nghĩ sẽ xảy ra đụng độ lớn. Nếu chúng ta nhớ, từ khi có vụ tàu Impeccable, khi Trung Quốc điều tàu ra quấy nhiễu tàu thăm dò của Mỹ, thì Washington đã tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục vào vùng biển quốc tế và tuần phòng vùng đó. Trung Quốc đã không thể nói được gì. Hơn nữa, tương quan lực lượng của Trung Quốc và Mỹ còn khác nhau xa lắm. BBC: Thưa có ý kiến cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton tại Hà Nội hồi cuối tháng Bảy là thắng lợi của Việt Nam, vì việc Hoa Kỳ muốn tham gia tiến trình quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông cũng là ý nguyện của Việt Nam. Giáo sư nghĩ sao về ý kiến này ạ? GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trong những lần họp trước của Asean, chỉ có mỗi Philippines là dám đưa vấn đề Biển Đông ra công khai. Thế nhưng nay khi được tin là Hoa Kỳ có thái độ mạnh, thì ngần đấy nước Đông Nam Á mới đồng loạt giơ tay ra nói. Không thể phủ nhận là Việt Nam đã có những cố gắng rất lớn, như công khai hóa vấn đề, một việc mà trước Hà Nội không dám làm. Thứ nữa, Việt Nam đang xúc tiến mua thêm nhiều vũ khí, tàu ngầm, tàu chiến... Giới lãnh đạo Việt Nam cũng lên tiếng mạnh mẽ tuyên bố sẽ bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc... họ đã tỏ thái độ can đảm đặt vấn đề như vậy. Hoa Kỳ trông thấy và ủng hộ thái độ của Việt Nam và Đông Nam Á. BBC: Đây thực sự là quyết tâm của ban lãnh đạo Việt Nam, hay là một động tác trước kỳ Đại hội Đảng sắp tới thưa Giáo sư? GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ đây là tổng hợp hai yếu tố. Thứ nhất, lãnh đạo Việt Nam tuyên bố cam kết bảo vệ đất đai, biển đảo vì không muốn mất tính chính danh trong mắt của người dân. Trong thời kỳ hiện nay, phe nào bị cho là nhân nhượng Trung Quốc thì sẽ bị yếu thế trước Đại hội XI. Mặt khác, Mỹ cũng đang trông ch̀ờ để xem Việt Nam và các nước Đông Nam Á có ý định và có khả năng duy trì độc lập đối với Trung Quốc hay không. Khi nhận thấy cả hai yếu tố trên đều ló diện thì Mỹ đã ngửa bài. Lần đầu tiên chúng ta thấy là Hoa Kỳ và Việt Nam đã có đồng quyền lợi về chiến lược. BBC: Thưa ông, khi các cường quốc đối đầu với nhau thì các nước nhỏ lại là người lo lắng nhất. Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì trong lúc này? GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam hiểu rõ và rất lo sợ việc đó. Họ biết là - như người ta nói - "Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết". Họ cũng sợ rằng trong tương lai, quyền lợi của Việt Nam với tư cách nước nhỏ sẽ bị mang ra để móc ngoặc, mặc cả giữa các nước lớn. Thế nhưng Việt Nam cũng bị dồn vào thế phải quyết định. Việt Nam nói là không có ý định khiêu khích Trung Quốc, mà chỉ muốn vẹn toàn lãnh thổ và giữ quyền tự chủ của mình. Đó là điều mà quốc gia nào cũng phải làm, và Việt Nam cũng ở thế chẳng đặng đừng không thể có lựa chọn khác, trừ khi đành khoanh tay cho Trung Quốc lấy hết những gì còn lại.
|