Home Tin Tức Bình Luận Thái Lan đã giải quyết được khủng hoảng?

Thái Lan đã giải quyết được khủng hoảng? PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA   
Thứ Sáu, 28 Tháng 5 Năm 2010 15:25

Cuộc khủng hoảng tại Thái Lan sẽ còn tiếp tục vì những nguyên nhân sâu xa trong hệ thống địa dư, lịch sử và kinh tế của Vương quốc này.


AFP PHOTO / MUHAMMAD SABRI/Các viên chức đang xem xét một phòng trưng bày xe hơi bị hư hại sau khi quả bom phát nổ ở tỉnh Yala, Thái Lan hôm 26-05-2010.

Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định như trên với chương trình Diễn đàn Kinh tế do Việt Long thực hiện sau đây.

Khó ổn định

Việt Long: Trong nhiều chương trình trước đây, ông thường nhấn mạnh đến yêu cầu mở rộng thị trường nội địa của các nước Đông Á có dân số đủ đông. Một trong các quốc gia đó chính là Thái Lan, với dân số hơn 60 triệu người.

Qua một chương trình phát thanh năm năm về trước trên diễn đàn này, ông còn ngợi ca nỗ lực của Chính quyền Thái theo chiều hướng đó, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Bây giờ, ông Thaksin bị một tòa án Thái truy tố với tội danh khủng bố và phe Áo Đỏ ủng hộ ông thì đã bị quân đội đẩy ra khỏi thủ đô Bangkok. Liệu tình hình Thái Lan đã đi vào ổn định hay chưa và ông kết luận ra sao về tương lai của xứ này, đối chiếu với những nhận định trước đó của ông?

“Thái Lan sẽ khó ổn định vì những thách đố sâu xa trong địa dư hình thể, trong lịch sử từ thời lập quốc và trong sinh hoạt kinh tế ngày nay. (Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa)

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin cám ơn ông đã nhắc lại bối cảnh của vấn đề thật ra khá phức tạp của Thái và xin kết luận ngay là Thái Lan sẽ khó ổn định vì những thách đố sâu xa trong địa dư hình thể, trong lịch sử từ thời lập quốc và trong sinh hoạt kinh tế ngày nay. Tôi còn thiển nghĩ rằng chế độ quân chủ Thái sẽ bị đe dọa nặng nề vì cuộc khủng hoảng. Đây là một hồ sơ rắc rối mà ta cần phân giải thành từng phần cho thính giả khi liên hệ tới trường hợp của Việt Nam.

Việt Long: Như vậy, ta bắt đầu trước bằng sự kiện địa dư và hình thể của Thái. Nó có đặc tính gì mà ảnh hưởng tới vụ khủng hoảng đang xảy ra mà ông cho là sẽ chưa dứt?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng mọi chính sách kinh tế chính trị đều nên xuất phát từ thực tế địa dư của lãnh thổ vì thực tế ấy có chi phối kết quả thực thi chính sách.

Thái Lan như ta biết ngày nay là Vương quốc nằm giữa hai bán đảo. Tại phía Tây và Tây Nam là bán đảo Mã Lai tiếp giáp với biển Andaman và Ấn Độ dương ở phía Tây và xứ Mã Lai Á hay Malaysia ở phiá Nam. Tại phía Đông là bán đảo Đông Dương, tiếp giáp với sông Mekong, các nước Lào, Miên và Vịnh Xiêm la. Xa hơn nữa là biển Đông và Thái bình dương.

Nằm giữa hai bán đảo, địa dư Thái Lan gồm có năm khu vực. Tại miền Bắc có hai khu vực là thứ nhất, vùng Tây-Bắc đầy núi rừng hiểm trở của rặng Hy Mạ Lạp Sơn và tiếp giáp với Miến Điện. Thứ hai là vùng Cao nguyên Khorat phì nhiêu ở phía Đông Bắc, tiếp giáp với Lào và Miên và là nơi sinh hoạt của một phần ba dân số Thái, là hơn 20 triệu người.

Tại miền Nam, Thái có vùng châu thổ sông Chao Praya rất trù phú với vị trí chiến lược của thủ đô Bangkok có 10 triệu dân, là 15% dân số. Hướng Đông của khu vực này là vùng tiếp giáp với xứ Cam Bốt. Hướng Tây và Tây Nam là một deo đất hẹp kéo dài tới bán đảo Mã Lai và chịu ảnh hưởng văn hoá, tôn giáo và cả chính trị của Mã Lai.

Việt Long: Địa dư hình thể ấy chi phối lịch sử Thái Lan ra sao và giải thích vụ khủng hoảng ngày nay như thế nào?


 Lính cứu hỏa đang phun nước vào khu thương xá Central World hôm 20-05-2010. AFP PHOTO.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thái Lan mới chỉ có tên gọi đó từ năm 1939. Trước đó, xứ này có tên là Vương quốc Xiêm La. Mà Vương quốc này cũng mới chỉ xuất hiện từ giữa thế kỷ 14 và non yếu trước sự xâm lăng của hai Đế quốc lớn.

 Từ hướng Tây là Đế quốc Miến Điện, từ hướng Đông là Đế quốc Khờme, tiền thân của Cao Miên hay Cam Bốt đời nay.

Địa dư hình thể ấy đã dẫn tới sự thành hình của hai vương quốc là Lan Nạp hay Lanna ở phía Bắc với trung tâm là Chiang Mai, và Vương quốc Ayuththaya ở phía Nam.

 Hai vương quốc này mới chỉ thống nhất thành xứ Xiêm La từ năm 1768 và dòng vua Chất Tri hay Rama đang trị vì tại Thái mới chỉ thành hình từ năm 1782, và dời đô về Bangkok từ đó.

 Nói lại cho gọn thì Thái Lan là Vương quốc thật ra còn mới nếu ta so với trường hợp Việt Nam, và ngay từ thời lập quốc tới nay đã bị ảm ảnh bởi hai vấn đề sinh tử, hay vấn đề ấy nay đang có nguy cơ bùng nổ.

Vấn đề Nội chính
Việt Long: Hai vấn đề ấy là gì mà ngày nay lại có nguy cơ bùng nổ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất là nạn ngoại xâm từ bên ngoài vào. Trong lịch sử, Thái Lan đã bị Đế quốc Miến Điện rồi Đế quốc Anh tấn công từ phía Tây và bị Đế quốc Khmer và Đế quốc Pháp tấn công từ phía Đông. Vì mối lo ấy mà chính sách đối ngoại của Thái là thường xuyên dung hòa để trung hòa các áp lực ngoại nhập và không bị thực dân Âu Châu thôn tính hoặc bị Cộng sản lũng đoạn và lôi vào chiến tranh. Nhìn theo khía cạnh đó thì Thái Lan khéo léo và may mắn hơn Việt Nam hay Miên và Lào.

“Một nghịch lý chính trị của Thái là các tướng lãnh rất hay ưa đảo chính, từ năm 1932 đến nay đã có hai chục vụ đảo chính thành công, bình quân là ba năm lại có một lần (Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa)

Vấn đề thứ hai thuộc về nội chính. Lãnh đạo tại trung ương, vùng châu thổ sông Chao Phraya và khu vực Bangkok phải kiểm soát được ảnh hưởng chính trị tại miền Bắc, là lãnh thổ nước Lan Nạp ngày xưa, và tại miền Nam, là vùng sinh hoạt của dân Hồi giáo gần gũi với Malaysia. Xưa nay, khu vực miền Bắc với trung tâm Chiang Mai vẫn có xu hướng ly khai khỏi trung tâm quyền lực ở Bangkok và năm 1959 còn lập "đảng Đông Bắc" để đòi tự trị. Khu vực miền Nam theo Hồi giáo cũng thế và còn bị cuốn hút vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Do địa dư hình thể và lịch sử, chính trị của Thái có những mục tiêu chiến lược là 1) bảo vệ sự ổn định tại khu vực Bangkok; 2) kiểm soát được ba khu vực có vấn đề là Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nam; 3) ngăn ngừa sự khuynh đảo của hai lân bang là Miên và Miến; 4) triệt để hợp tác với các cường quốc bên ngoài để duy trì hòa bình và phát triển bên trong.

Việt Long: Xin hỏi thêm một câu về chính trị trên cơ sở của các mục tiêu mà ông vừa nêu ra. Thể chế quân chủ lập hiến của Thái có đảm bảo cho các mục tiêu ấy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì động cơ chiến lược ấy, quyền lực của Thái thường nằm trong tay quân đội, lực lượng có sức mạnh ổn định cần thiết. Năm 1932, quân đội làm cuộc cách mạng chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế và lập ra chế độ quân chủ lập hiến. Người dân Thái Lan rất hiếu hòa, sùng đạo Phật và quý trọng ông vua, nhất là vua Bhumibol Adulayadej hiện nay, là một minh quân đã trị vì từ năm 1946 đến giờ.

 Lãnh tụ phe áo đỏ tuyên bố đầu hàng và kêu gọi người biểu tình trở về nhà hôm 19-05-2010. AFP PHOTO.

 Một nghịch lý chính trị của Thái là các tướng lãnh rất hay ưa đảo chính, từ năm 1932 đến nay đã có hai chục vụ đảo chính thành công, bình quân là ba năm lại có một lần.

Nhưng, các tướng lãnh cũng lại rất nể trọng Hoàng gia vì cần tới uy tín của ông vua, nên dù đảo chánh nhau, họ đều cúi đầu trước ông vua.

Chung quanh ngai vàng, họ liên kết với doanh gia, trí thức và lực lượng công chức để gìn giữ ổn định và trong mọi cuộc biến động thường ngại đổ máu vì dân Thái hiếu hòa lại rất dễ nổi hung và liều lĩnh khi thấy máu đổ.

Việt Long: Chúng ta bước qua phần thứ ba của hồ sơ này là chuyện kinh tế. Chiến lược kinh tế Thái Lan có phản ánh những mục tiêu chiến lược ông vừa nêu ở trên không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau khi cải cách, Thái Lan có tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,5% trong 10 năm liền, từ 1985 đến 1996, và trở thành một xứ "tân hưng" tại Đông Nam Á. Nhưng chiến lược phát triển theo kiểu Đông Á và sự hồ hởi về tăng trưởng cao khiến Thái bị khủng hoảng ngoại hối vào tháng Bảy năm 1997, lây lan thành khủng hoảng kinh tế cho Đông Á trong các năm 1998-1999.

Lên cầm quyền từ năm 2000, với kết quả bầu cử xuất sắc nhất, và tái đắc cử sau đó, Thủ tướng Thaksin Shinawatra bắt đầu cải tổ kinh tế theo hướng vừa tái phân lợi tức cho các vùng kém phát triển và bị khóa bên trong, vừa mở rộng thị trường nội địa và cải cách hệ thống giáo dục cho tiến bộ hơn. Trọng tâm của ông là chú ý đến khu vực Đông Bắc và trung tâm Chiang Mai, là nơi gia đình ông lập nghiệp từ nhiều đời sau khi di cư từ Quảng Đông qua. Y như ông vua Taksin đã thống nhất Xiêm La năm 1768, ông Thaksin này cũng là người gốc Hẹ.

Sai lầm chính trị

Việt Long: Nếu ông Thaksin đã cải cách và theo như ông trình bày thì có vẻ thành công, vì sao ông lại bị đảo chính vào năm 2006?

“Ông Thaksin đã đụng vào quyền lực chính trị của khu vực Bangkok, đe dọa ưu thế của các trung tâm quyền lực tại đây, là tướng lãnh, doanh gia, trí thức thành phố.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong nỗ lực cải cách kinh tế, ông Thaksin phạm nhiều sai lầm chính trị.

Thứ nhất, ông đụng vào quyền lực chính trị của khu vực Bangkok, đe dọa ưu thế của các trung tâm quyền lực tại đây, là tướng lãnh, doanh gia, trí thức thành phố và khơi dậy mối nguy ly khai của miền Bắc trong tâm tư của trung tâm Bangkok.

Thứ hai, uy tín quá lớn của ông với dân nghèo tại địa phương cũng có thể khiến Hoàng gia Thái lo ngại, khi vua Bhumibol đã cao tuổi, lâm trọng bệnh và không còn sự minh mẫn như trước.

 Thứ ba, Hoàng gia Thái đang lúng túng về vấn đề kế nhiệm vì Thái tử Vajiralongkorn lại là tay ăn chơi không được lòng dân bằng công chúa Sirindhorn, là người mà ông Thaksin tỏ vẻ quý trọng hơn.

Hai chuyện ấy khiến ông rất dễ bị dèm pha là mang tội khi quân phạm thượng, là chuyện nghiêm trọng cũng như là tội "chống đảng" tại Việt Nam! Đã thế, là một doanh gia tỷ phú thành công trước khi tham gia chính trị, ông Thaksin đã chủ quan tiến hành một số nghiệp vụ buôn bán gây dị nghị, nhất là lại có nhiều quan hệ kinh doanh với quốc tế làm cho lãnh đạo Thái lo sợ.

Thứ năm, ông còn mạnh tay diệt trừ các tổ chức ma túy và cải cách cả lực lượng cảnh sát trong mục tiêu ấy nên có thể đã gặp phản ứng.

Việt Long: Có phải là vì những nguyên nhân đó mà Thaksin đã bị đảo chính khi đang dự Hội nghị của Liên hiệp quốc tại New York vào tháng Chín năm 2006 hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng đây là một trách nhiệm rất lớn của các tướng lãnh và Hội đồng Cố vấn Hoàng gia khi đảo chính ông Thaksin và còn hủy bỏ bản Hiến pháp rất tiến bộ ban hành năm 1996. Có thể là vì vua Bhumibol đang lâm trọng bệnh nên đã để điều ấy xảy ra.

 Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejajiva tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên truyền hình hôm 7-4-2010. AFP PHOTO.

Sau đó, trong các cuộc bầu cử kế tiếp, đảng thân Thaksin lại thắng cử nhưng nội các này lại bị lật đổ ngoài khuôn khổ hiến pháp. Từ đấy họ có hai phe áo vàng của lực lượng chống Thaksin và mệnh danh là bảo vệ Hoàng gia và phe áo đỏ của lực lượng ủng hộ Thaksin liên tục thay nhau biểu tình, gây rối, thậm chí phá vỡ Thượng đỉnh của Hiệp hội ASEAN.

Cuộc khủng hoảng kéo dài khá lâu nhưng chưa gây đổ máu, cho tới tháng Tư vừa qua thì Chính phủ Thái thực tế trao quyền cho quân đội tái lập trật tự và bạo động khiến gần 100 người chết, là điều cực nguy hiểm.

Dù lãnh đạo phe áo đỏ có bị triệt hạ và quần chúng của họ rút khỏi thủ đô nhưng bạo loạn vẫn sẽ tiếp tục và càng khơi dậy phản ứng ly khai rất đáng ngại ở nhiều địa phương.

Việt Long: Như ông phân tích thì tình hình có thể là sẽ khó ổn định. Tương lai rồi sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đảng thân Thaksin vẫn tiếp tục đấu tranh tại Quốc hội và nếu lãnh đạo Thái không khéo xử thì hiến pháp và cơ sở vận hành dân chủ bị phá vỡ, là điều sẽ xảy ra với xác suất cao. Thực tế thì quân đội hiện đang nắm quyền tại Thái và nhiều phần thì xứ này sẽ còn gặp đảo chính liên tục vì ngay trong quân đội cũng có nhiều thành phần mặc nhiên ủng hộ Thaksin.

Trong khi ấy, nếu vua Bhumibol qua đời nay mai - vì đã trên 80 và mắc bệnh, thì việc kế nhiệm sẽ lại gây thêm bất ổn. Nền quân chủ có sức mạnh ổn định có thể bị đe dọa và Thái Lan sẽ còn trải qua một thời kỳ hỗn loạn dài.

Việt Long: Từ chuyện Thái Lan, ông có kết luận gì đáng để Việt Nam suy nghĩ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Phát triển trong ổn định và hài hòa giữa các khu vực là điều rất khó. Những dị biệt về giàu nghèo, địa phương, về thế lực và công lao kinh tế tại miền Nam với đặc quyền về chính trị tập trung vào miền Bắc là loại vấn đề đáng ngại cho Việt Nam.

 Mối lo về ngoại xâm của Thái thật ra còn nhỏ, kể cả việc Chính quyền Hun Xen tại Cam Bốt công khai ủng hộ ông Thaksin, nếu ta so sánh với sức ép và khả năng lũng đoạn của Trung Quốc, nhất là lại các vủng chiến lược ở miền Bắc và khu vực Tây nguyên. Ngần ấy yếu tố địa dư hình thể, lịch sử và chính trị đều khiến Việt Nam phải quan tâm đến chuyện Thái Lan và tránh vết xe đổ của họ.