Văn chương tình dục rộ lên ở trong nước: Sau Sợi xích đến Dại tình |
Tác Giả: Theo Tiêu Quyên / Người Lao Động | |||||
Thứ Sáu, 23 Tháng 4 Năm 2010 06:51 | |||||
Dại tình nói về những phụ nữ từng đi qua chiến tranh với những khát khao hạnh phúc giày vò và thành đạt ở thời bình
Những cuốn sách bị đánh giá có nội dung không lành mạnh như Sợi xích và Dại tình được giải quyết bằng cách tiêu hủy, thu hồi. Tuy nhiên, hệ lụy từ những vụ này không đơn giản như vậy. Không bao lâu sau ngày cuốn sách Sợi xích của Lê Kiều Như (NXB Hội Nhà Văn) bị cấm phát hành, thu hồi tiêu hủy, một “tác phẩm” khác mang tên Dại Tình (tác giả Bùi Bình Thi, NXB Phụ nữ) lại bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi, tiêu hủy vì cho là “sách sex”, khi tác giả chạm đến vấn đề nhạy cảm với cách thể hiện “nóng bỏng” không kém những miêu tả về sex như trong Sợi xích. Sử dụng yếu tố sex cho thêm hấp dẫn (?) Dại tình nói về những phụ nữ từng đi qua chiến tranh với những khát khao hạnh phúc giày vò và thành đạt ở thời bình. Họ lần lượt kể về cuộc đời họ, về những mất mát, ước vọng và cả về đời sống tình dục. Giăng giăng trong tác phẩm là những chuyện kể tự nhiên đến mức quá đà, kiểu như: “làm việc” đều đặn tuần 4 lần, mỗi lần trung bình bốn mươi nhăm phút, mình với lão mồ hôi đầm đìa, cực kỳ thỏa mãn”; “một tuần phải 2 hoặc 3 lần lên giường với một thằng cu nào đấy”, “cậu ta thở mới khiếp... cánh trai tơ họ càng thở dốc bao nhiêu lại càng hăng bấy nhiêu và càng hăng bao nhiêu lại càng dai bấy nhiêu...”. Nhà văn Bùi Bình Thi (vốn không phải là một cây bút mới, từng có nhiều tác phẩm viết về chiến trường Campuchia ít nhiều được quan tâm trên văn đàn, như: Ký sự Xiêng Khoảng, Đường đến cánh đồng chum, Âm vang của rừng, Kiếp người, Sau những giọt nước mắt...) cho rằng ông có lý do để khai thác những yếu tố liên quan đến vấn đề nhạy cảm. Ông khẳng định: “Tôi không viết dễ dãi, tôi chỉ muốn sử dụng một phương pháp miêu tả về vấn đề tình dục một cách quyết liệt nhưng tôn trọng và nâng niu những giá trị chân thực. Tình dục là cái cao thượng chứ không hề thô thiển. Tôi muốn nói đến những điều sâu xa hơn là khát vọng hạnh phúc của phụ nữ giữa một xã hội mà đồng tiền có thể làm lung lay mọi giá trị”. “Tôi không viết dễ dãi, tôi ý thức được mình viết cái gì và hoàn toàn chịu trách nhiệm về nó”. Tuy nhiên, bản thân ông lại không hề phủ nhận việc sử dụng yếu tố sex để tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm (!). Ngưng phát hành, thu hồi nhưng... vẫn bán! Liên lạc với NXB Phụ nữ - đơn vị phát hành cuốn sách thì đơn vị này từ chối trả lời, chỉ nói rằng cuốn sách đã bị ngưng phát hành và NXB không quan tâm đến vấn đề này nữa. Nhưng rõ ràng cuốn sách được xuất bản thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về NXB. Đâu phải cấp phép xuất bản, không được phát hành thì thu hồi là xong? Những cuốn sách bị đánh giá có nội dung không lành mạnh, được giải quyết bằng cách tiêu hủy, thu hồi. Nhưng hệ lụy của nó lại không đơn giản như vậy. Cuốn Sợi xích đã bị cấm phát hành ngay khi vừa ra mắt nhưng lác đác trong vài hiệu sách tại Hà Nội và Vũng Tàu, cuốn sách này vẫn được bày bán công khai. Xuất bản sách dễ dãi Tại các bến xe, chiếu sách vỉa hè và nhiều sạp báo, hàng loạt cuốn sách nội dung không lành mạnh được bày bán phổ biến. Sách bói toán, sách rẻ tiền được dán mác phóng sự xã hội, phóng sự điều tra, góc khuất về đời gái bán hoa, thậm chí là truyện trinh thám... nhưng tất cả đều có chung mục đích là miêu tả chuyện tình dục. Nội dung hời hợt, câu chữ dễ dãi, lắm khi thô tục chỉ xoay quanh những hành vi làm tình, mang tính gợi dục. Truyện ma – kinh dị cũng là một loại sách trá hình khi nội dung của nó cũng đề cập chuyện tình dục giữa ma và người với cách viết vô cùng thô thiển. Điều đáng nói là loại sách này lại có mặt trong một số nhà sách lớn, được trưng bày trên cả một kệ sách hẳn hoi và đối tượng độc giả tìm đến có cả các em thiếu nhi. Lách luật để tồn tại là một thực trạng đang xảy ra ở nhiều đơn vị xuất bản và một số đơn vị làm sách tư nhân. Nhiều NXB giải quyết tình hình khó khăn về kinh tế của đơn vị, kiếm tiền trả lương cho nhân viên, cũng không ngần ngại bán giấy phép cho các đơn vị làm sách tư nhân in những đầu sách có nội dung không lành mạnh mà không cần kiểm tra, kiểm soát nội dung trước khi sách phát hành. Xuất bản sách bây giờ xem ra khá dễ dãi khi các chủ sở hữu ấn phẩm bỏ tiền ra là mua được giấy phép xuất bản. Vai trò của một số NXB bây giờ cũng chỉ như một tấm bình phong. Lỗ hổng trong quản lý xuất bản phẩm Điều 18 Luật Xuất bản năm 2004 quy định việc đăng ký kế hoạch xuất bản: “Hằng năm, nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Bộ Văn hóa - Thông tin trước khi xuất bản”. Thế nhưng, việc đăng ký hằng năm các đầu sách xuất bản cũng bộc lộ điểm yếu trong công tác quản lý xuất bản, với quá nhiều tựa sách đăng ký mà cơ quan quản lý chỉ thẩm định trên tựa sách và nội dung tóm tắt sơ bộ. Chưa kể việc “treo đầu dê, bán thịt chó”, đăng ký tựa sách một đằng, thực hiện nội dung một nẻo của một số đơn vị liên kết xuất bản. Dù Luật Xuất bản có quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan xuất bản nhưng trái bóng trách nhiệm được giám đốc các NXB đá lên cho Cục Xuất bản thông qua công tác đọc lưu chiểu. Cục Xuất bản khó quản lý nội dung hàng chục ngàn đầu sách mỗi năm vì đội ngũ đọc lưu chiểu quá mỏng. Và trong những sai phạm của các NXB về nội dung ấn phẩm phát hành ra thị trường lại có phần trách nhiệm của Cục Xuất bản.
|