Hầu như ai cũng ngạc nhiên khi nghe tin tổng thống Nigeria ban hành sắc lệnh cấm đội tuyển quốc gia dự các cuộc tranh tài quốc tế trong 2 năm sắp tới.
Nguyễn Văn Khanh (từ Johannesburg)
Nhà báo Nguyễn Văn Khanh cùng cổ động viên Maria Rodriguez của đội Uruguay tại Nam Phi. Sau thất bại ở World Cup 2010, nhà lãnh đạo tên “Goodluck” Jonathan ra lệnh trừng phạt các cầu thủ của đội banh “bad luck” bằng cách cấm họ không được đụng đến trái banh, không được quyền sử dụng các cơ sở thể thao của nhà nước để luyện tập, xem đó là bài học họ phải lãnh nhận vì đã tạo tiếng xấu cho quốc gia.
Dĩ nhiên Liên Ðoàn Bóng Tròn Thế Giới FIFA không hài lòng về quyết định này. Trong cuộc họp báo tại Johannesburg, ông Phát Ngôn Viên Nicholas Maingot cho biết “sẽ gửi văn thư phản đối và sẽ có quyết định cứng rắn với chính phủ Nigeria”, báo trước “cho chính phủ Nigeria đến 6 giờ chiều Thứ Hai phải có rút lại quyết định”. Tối hậu thư chưa tới, đã có câu trả lời từ phía quốc gia hội viên: ông cố vấn chính phủ Nigeria cho hay “Tổng thống chúng tôi không rút lại quyết định đã làm.”
Ký giả Tshepang của tờ Thương Mại Nam Phi còn kể là nghe được từ các đồng nghiệp Châu Phi khác chuyện Tổng Thống “Goodluck” gọi cả Liên Ðoàn Bóng Tròn Quốc Gia “bad luck” vào dinh sỉ vả, và cuộc họp trong bầu không khí nặng nề này kết thúc bằng sự ủng hộ của tất cả mọi người tham dự, “nhiệt liệt tán thành mọi quyết định tổng thống đưa ra, để giúp cho làng bóng tròn Nigeria tiến bước trong tương lai”.
Ðã hơn 3 tuần trôi qua, tính từ ngày trái banh lăn trên sân Nam Phi tới giờ, đây là lần đầu tiên FIFA bày tỏ thái độ có liên quan đến một quyết định chính trị. Trước đó, tổ chức thể thao quyền uy nhất thế giới này thường né tránh những chuyện mang tính nhạy cảm. Thí dụ rõ nhất là trong những cuộc họp báo ở vòng bảng, nhà báo nào đặt câu hỏi về chính trị sẽ bị cắt ngang ngay. Tôi không may chứng kiến cảnh các nhà báo Nam Hàn là nạn nhân của vụ này: họ lỡ dại hỏi ông huấn luyện viên Bắc Hàn Kim Jong-Hun là trước khi lên đường “lãnh tụ kính yêu” Kim Jong-il có nhắn nhủ gì không, có sợ sẽ bị trừng phạt nếu không thành công ở Nam Phi không; ông huấn luyện viên Bắc Hàn chưa kịp trả lời, đại diện của FIFA đã lên tiếng cằn nhằn “chỉ nên đặt các câu hỏi liên quan tới đá banh và cuộc tranh tài World Cup Nam Phi 2010, không nên nói hay hỏi chuyện chính trị ở đây”.
Thái độ của FIFA đối với Nigeria khiến mọi người phải ngạc nhiên vì xưa nay, chủ trương họ theo đuổi luôn luôn là “không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước hội viên”. Vài năm trước đây ở Á Vận Hội Doha, tôi từng hỏi ông Chủ Tịch Sepp Blatter về chuyện cầu thủ đội tuyển Việt Nam ăn tiền để “làm độ” và FIFA có biện pháp gì để giúp lành mạnh hóa làng bóng tròn Việt Nam hay không? Câu trả lời từ ông chủ tịch là “chúng tôi không hài lòng khi được thông báo chuyện xảy ra và không tha thứ cho chuyện xấu xa này” nhưng “biện pháp vẫn là quyết định của chính phủ Hà Nội chứ chúng tôi không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác”.
Không chỉ “làm ngơ” với các nước thành viên, FIFA còn “làm ngơ” với cả những hành động không thể chấp nhận được của những viên chức đang nắm các chức vụ quan trọng, chẳng hạn như năm ngoái Tổng Hội Bóng Tròn Australia được chính phủ kín đáo ủng hộ để bỏ tiền đưa hội tuyển U20 của Trinidad&Tobago sang Cyprus tập luyện, hay những món quà tặng thật hậu hĩnh -mà tôi được nghe nói- một số nước xin tổ chức World Cup 2018 và 2012 tặng cho các viên chức đang nắm các lá phiếu quyết định. Tin này không chỉ mình tôi biết, cứ hỏi các nhà báo đang tác nghiệp ở Nam Phi sẽ thấy ngay họ biết nhiều hơn tôi về những chuyện buồn nhiều hơn vui... bên lề sân cỏ!!!
Một trong những nhân vật đang điều hành FIFA được nói đến nhiều nhất trong những năm gần đây là ông Phó Chủ Tịch Jack Warner, người nắm hầu hết các quyết định liên quan đến 3 lá phiếu của CONCACAF. Phái đoàn vận động nào cũng bày tỏ những cảm tình nồng hậu với ông này, năm ngoái khi các nhà lãnh đạo các nước trong Liên Hiệp Anh gặp nhau ở Caribbean, Thủ Tướng Kevin Rudd của Australia còn nắm tay ông ta giơ cao cho cả thế giới thấy mối quan hệ “vừa thắm thiết vừa bền vững” giữa hai người. Tấm hình này khi được phổ biến khắp nơi còn mang một ý nghĩa khác: ông Warner và 3 lá phiếu của ông ta là của... Australia, đừng ai dại dột đụng tới.
Nếu đi sát với tin tức FIFA và các hoạt động của những nhân vật quan trọng trong tổ chức, chắc chắn không ai quên được chuyện liên quan đến ông Warner mà tôi vừa nhắc. Bốn năm trước đây khi dân chúng Ðức than thở chuyện World Cup tổ chức ngay tại nước họ nhưng mua vé quá khó, công ty du lịch Simpaul do gia đình ông Warner làm chủ đứng ra tổ chức tour cho cả thế giới đến Ðức vừa du lịch vừa xem đá banh, bảo đảm “chỗ ngồi trên sân thật tốt”. Khi chuyện đổ bể vì báo chí Ðức phanh phui, công ty này đã kiếm cả triệu dollars tiền lời, và FIFA ra quyết định bắt “phải tặng hết tiền lời cho các tổ chức từ thiện”. Ông Warner hạ cánh an toàn, tiếp tục là một trong những ông phó chủ tịch quyền uy!!!
Kể lại những chuyện trên đây không có nghĩa là tôi chê bai FIFA. Tôi thật vui mừng khi thấy ông Sepp Blatter nhanh chóng bày tỏ thái độ bực bội với quyết định của tổng thống Nigeria. Với tôi, phản ứng của FIFA là phản ứng của một tổ chức có lý trí, có lương tâm, biết tôn trọng lẽ phải, chứ không phải là thái độ của một tổ chức thể thao chỉ biết coi trọng đồng tiền như một số người thường nghĩ.
Cũng chính tin vào tổ chức thể thao có lương tâm FIFA, nên tôi có một ước mơ nhỏ. Tôi ước gì được xách cặp cho ông chủ tịch FIFA sang Bắc Hàn, được nhìn thấy ông Chủ Tịch Blatter đáng kính của tôi bắt tay với lãnh tụ kính yêu Kim Jong-il ở phi trường Bình Nhưỡng, sau đó được hân hạnh đứng ngay đằng sau hai ông chủ tịch nhìn cả dàn huấn luyện viên và các cầu thủ hội tuyển bóng tròn Bắc Hàn đang tươi cười ăn bữa cơm chiều chung với gia đình của họ.
Tại sao tôi lại ước mong như thế? Tôi mong vì nhớ đến câu chuyện một đồng nghiệp Nam Hàn ở Washington D.C. kể lại. Anh bạn tôi bảo rằng hồi 2004 khi cựu huấn luyện viên Moon Ki-nam của miền Bắc trốn được sang miền Nam, ông ta tiết lộ “nếu chiến thắng thì lãnh tụ kính yêu cho tiền rừng bạc bể, nếu thua thì thày trò dẫn nhau đi làm phu mỏ than suốt cả đời”. Ðội tuyển Bắc Hàn thất bại nặng nề ở World Cup Nam Phi 2010, bị thủng lưới tổng cộng 12 lần, chỉ gỡ được có 1 trái danh dự. Từ ngày họ về nước đến giờ, các nhà báo chúng tôi chẳng nghe tin tức gì về họ cả. Không ai biết họ đang ở đâu, đang làm gì, đang sống yên ổn với gia đình hay đang sống tập thể như những tù nhân ở mỏ than? Tôi muốn tìm cho ra câu trả lời.
Một lần nữa, xin vỗ tay hoan hô, xin cúi đầu kính phục ông Chủ Tịch Sepp Blatter và FIFA vì đã nhanh chóng lên tiếng bày tỏ thái độ trước quyết định “phản thể thao” của Tổng Thống Goodluck Jonathan xứ Nigeria. Ông Blatter ơi, ngay sau World Cup mình đi Bắc Hàn nhé. Ðừng quên tôi ước ao được xách cặp cho ông trong chuyến đi đó. Ðứa nào nói láo, đứa đó... chết liền!!!
|