Home Tin Tức Thể Thao Câu nói trong ngày: Pele nói về Maradona

Câu nói trong ngày: Pele nói về Maradona PDF Print E-mail
Tác Giả: Trương Thị Hàm Yên   
Thứ Sáu, 18 Tháng 6 Năm 2010 06:26
Error is human! Nhân vô thập toàn!

Hôm nay, trong lúc trả lời cho Ole, vua bóng đá Pele đã nói về Maradona như sau:

“Diego {Maradona} nhận làm huấn luyện viên đội Argentina chỉ vì anh ấy cần tiền mà thôi”.

Không biết Maradona sẽ phản ứng thế nào, thế nhưng có người cho rằng phải cho hai “ông vua” này lên võ đài để giải quyết chuyện giữa hai người.

Kẻ bị chê ở World Cup: Hlv Fabio Capello

Một trong những huấn luyện viên bị “chê” ở World Cup 2010 chính là Fabio Capello - Hlv Đội tuyển Anh.

Ngôi sao huyền thoại bóng đá của Đức là Franz Beckenbauer, ông ra từng đoạt cúp vàng World Cup năm 1974 và cũng từng là huấn luyện viên, vừa đưa ra một nhận xét thẳng thừng làm nhiều giật mình: “Đội tuyển Anh đã thụt lùi dưới thời huấn luyện viên Fabio Capello”.

Franz Beckenbauer phê bình như thế trên tờ Daily Star sau khi xem Anh hòa Mỹ 1-1.

Franz Beckenbauer nhận xét là “Những gì tôi chứng kiến trong trận Anh gặp Mỹ có rất ít chất bóng đá. Dường như với tôi bóng đá Anh đã đi thụt lùi lại của một thời xưa cũ của thứ bóng đá vừa đá vừa chạy…”
Theo Franz Beckenbauerm, đội Anh đang bị trừng phạt vì có quá ít cầu thủ Anh trong giải Premier League, mà trong giải này các Câu lạc bộ thuê mướn cầu thủ giỏi khắp thế giới.

Anh hùng và tội nhân

Thường sau mỗi trận đấu, điều mà người ta hay nói đến là hai hình ảnh tương phản: Anh hùng và tội nhân!

Và trận cầu hòa 1-1 giữa Anh và Mỹ là một trường hợp mà hai hình ảnh tương phản này rõ nhất.

Những anh hùng trên sân cỏ…

Hẵn nhiên, cú sút đẹp mắt và kỹ thuật của Gerard, mở tỷ số cho đội Anh, khiến cho anh sớm trở thành người hùng của trận đấu cho đội tuyển Anh và giới hâm mộ đội Anh. Cờ Anh bay trên khán đài và tiếng hò reo nổi dậy… Chàng cầu thủ số 4 như rơi vào trạng thái hạnh phúc tuyệt đỉnh, và chàng chạy như điên trên sân cỏ, đôi tay giơ lên cao, và nụ cười rạng rỡ che khuất khuôn mặt của anh…

Ở phía đối phương, những pha cứu banh ngoạn mục của thủ môn Mỹ – Tim Howard, những lúc anh quằn quại trên sân cỏ vì chấn thương khi bị ôm cả chiếc giày của đối phương khi anh cứu một pha bóng thua trong gang tất,… đã khiến anh rực sáng trên cầu trường… Tài năng của Tim Howard đã chận đứng nhiều pha bóng nguy hiểm, làm tan nát những niềm hy vọng của Anh, và là chỗ dựa cuối cùng, nhưng vững chải và chắc chắn ở phía cuối cùng của thế trận… Tim Howard tỏa sáng như một người hùng trên sân cỏ…

Còn Clint Dempsey nữa chứ! Cú sút như trời giáng, khiến cho Robert Green ói bóng ra, để bóng lăn qua tay, lăn qua lằn vôi của khung thành, đưa đội tuyển Mỹ thủ hòa 1-1 với đội Anh… Clint Dempsey đã mang về cho Mỹ không chỉ một điểm qúy giá, mà cả một niềm hy vọng, một vầng hào quang trong World Cup lần này – hòa với ứng cử viên nặng ký của chức vô địch thế giới, World Cup 2010. Trước đây, Mỹ cũng từng thủ hòa với đội Ý – một đội vô địch thế giới. Tuy có bị dẫn điểm trước và tuy có bị dưới cơ đội Anh đôi chút, thế nhưng Mỹ đã chứng tỏ rằng bây giờ đội Mỹ đã không còn là một đội bóng dễ bị ăn hiếp như vài thập niên trước.

Ngoài hai ngôi sao rực sáng là Tim Howard, Clint Dempsey, anh chàng cầu thủ giữa sân Michael Bradley cũng thật đáng ca ngợi. Anh đóng vai rất xuất sắc để giải tỏa áp lực của các “hung thần” của vương quốc Anh, và liên tục đưa đội Mỹ ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong trận đấu với đội Anh, Michael Bradley còn rực sáng, hiệu quả hơn ngôi sao Donavan, vốn bị đối phương bám sát và vô hiệu hóa một cách đáng kể…

Nói một cách “rộng lượng”, một đội Mỹ sáng nay đáng được trao vòng nguyệt quế: Tuy không làm nên thần thoại (hạ đội Anh), nhưng trận hòa 1-1 với Anh trên sân Royal Bakokeng trong trận mở đầu bảng C cũng đáng được ca ngợi như một kỳ tích, một chiến thắng, một niềm tự hào…

Xin trao những người hùng những chiếc lá olive xanh vờn – một biểu tượng của những người hùng từ chiến trận… Họ sẽ còn tạo nên những huyền thoại khác trong các trận đấu tới? Có thể lắm chứ! Nhưng với những gì họ đã làm nên trong trận cầu hôm nay, họ đã trở thành ánh sáng trên cầu trường thế giới và từ đó khiến những giai thoại bóng đá trở nên quyến rũ và huyền diệu…

Và những “bóng tối” trên sân cỏ…

Nếu bóng đá tỏa sáng hào quang bởi những người hùng nói trên, thì cũng có những bóng tối của trận đấu, những người mà lỗi lầm và khuyết điểm của họ bị dư luận lên án và chỉ trích, khiến họ trở thành những tội đồ của vở bi hài kịch bóng đá…
Và trong trận cầu Anh – Mỹ, thủ môn Robert Green là người điển hình của hoàn cảnh này.

Anh đoán đúng cú sút, qùy người xuống, đôi bàn tay đưa ra đúng lúc để ôm quả bóng bay căng và mạnh về phía cầu môn. Anh ở đúng chỗ và đúng lúc, đúng vị trí và đúng tư thế, nhưng trái bóng oan nghiệt đã dội ra, lăn trên cánh tay, tiếp tục lăn qua lằn ranh cuối sân, anh cố nhoài người theo chụp quả bóng, nhưng không còn kịp nữa, quả bóng đã trôi qua lằn ranh, và anh gục đầu như muốn khóc…

Anh đã để thua một bàn, mà đó là bàn thua để đội Anh phải mất đi hai điểm. Anh đã để một bàn thua mà bàn thua đó khiến cho Anh phải chịu hòa trong một trận cầu mà Anh có quyền đòi hỏi một chiến thắng.

Tờ Daily Telegraph của Anh đã viết rằng anh ta là một người thông minh, một người thường đọc báo, thế nhưng, ngày mai, anh ta không nên đọc báo vì sẽ có nhiều bài chỉ trích anh ta, và cay nghiệt hơn khi báo này viết rằng anh ta nên đọc sách hướng dẫn làm thủ môn (a goalkeeping manual), và sách tâm lý chỉ phương pháp giải quyết những áp lực trên sân bóng,…

Anh ta trở thành tội nhân trước truyền thông và dư luận qua bàn thua nói trên…

Không chỉ thế, người ta còn lôi ra những thống kê về những lỗi lầm của anh trong mùa bóng ở câu lạc bộ…

Tên tuổi của anh trở thành những đối tượng của nguyền rủa, chỉ trích, tấn công, phê bình một cách khắc nghiệt, không thương xót…

Rồi đây, anh còn có cơ hội để ra quân trong đội hình đội tuyển Anh? Rồi đây, tương lai của anh sẽ bị lỗi lầm này, một lỗi lầm mà báo Anh viết là “shocking error” làm lu mờ, và chôn vùi trong làng cầu đỉnh cao của thế giới…

Error is human! Nhân vô thập toàn! Thế nhưng, cái lỗi lầm này trở nên một gánh nặng quá lớn…

Đời mà, nhiều lúc may rủi, hên xui,… chỉ cách nhau một lằn ranh quá mong manh… Có những giây phút làm nên lịch sử và cũng có những giây phút khiến con người trở nên thân bại và danh liệt…

Những lời an ủi từ đồng đội như những giòng suối mát…

Không phải ai cũng nguyền rủa hay chỉ trích Robert Green. Cũng có những người đứng bên cạnh anh, và lau chùi những giọt nước mắt cho anh, bởi có ai không phạm lỗi lầm trong trận đấu, trong cuộc sống?

Gerard nói: “Chúng ta không đoạt được những gì xứng đáng mà chúng ta đáng được hưởng. Ý định của chúng tôi tối nay là chiến thắng, thế nhưng chúng ta đã không làm được. Chúng ta cần ủng hộ, an ủi Robert Green.”
Còn John Terry thì nói: “Lỗi lầm đã xảy ra. Đây là lúc anh ấy {Robert Green} cần bạn bè xung quanh anh ta…”

Đồng đội quay quanh anh ta {Robert Green} và an ủi anh ấy…

Rồi đây, ai sẽ trở thành anh hùng và tội đồ trong các trận đấu tới?

Sau World Cup, những anh hùng sẽ tưng bừng lên giá trên “chợ” mua bán cầu thủ, được tôn vinh và được những câu lạc bộ săn đuổi và mời mọc với những hợp đồng béo bỡ, còn trong một chiều ngược lại, có những mãnh đời lầm lủi bước về cõi hoàng hôn và chìm vào bóng tối…

Đời là thế, không tránh được…
Những lời an ủi không thay đổi được số phận…
Nghiệt ngã của cuộc đời và cầu trường là thế…