Home Tin Tức Thể Thao Tâm lý đá phạt đền (penalty)

Tâm lý đá phạt đền (penalty) PDF Print E-mail
Tác Giả: Phụng Nhân   
Chúa Nhật, 13 Tháng 6 Năm 2010 08:53

Trong tất cả những pha đá bóng  , có lẽ pha đá phạt đền (penalty kick) là pha tạo ra nhiều cãi cọ gây cấn nhất, chẳng những giữa các cầu thủ trên sân, mà còn giữa khán giả hâm mộ, kể cả những người ngồi nhà theo dõi trên truyền hình.

 

 
Giới hâm mộ đá bóng  – đá banh, túc cầu, bóng tròn – sắp sửa được toại nguyện khi giải Vô địch thế giới World Cup khai trương tại Nam Phi, hứa hẹn nhiều pha sôi nổi, gây cấn. Tất nhiên, những người mê đá banh sẽ ủng hộ đội mình hết mình, nhưng cũng lại có nhiều người không cần biết ai thắng ai thua mà chỉ muốn thưởng thức nghệ thuật đá banh – những cú đá tuyệt đẹp, những chiến thuật tài tình, và trên hết là những cảm xúc hỉ nộ ái ố được bộc lộ trong lẫn ngoài sân cỏ.

Trong tất cả những pha đá bóng  , có lẽ pha đá phạt đền (penalty kick) là pha tạo ra nhiều cãi cọ gây cấn nhất, chẳng những giữa các cầu thủ trên sân, mà còn giữa khán giả hâm mộ, kể cả những người ngồi nhà theo dõi trên truyền hình.

Nhìn sơ qua thì chẳng có gì giản dị hơn một cú đá phạt đền cả, thưa bạn. Này nhé, trên sân cỏ lúc đó coi như chỉ còn 2 đối thủ – người đá và người chụp, tức thủ môn. Trái bánh được đặt đúng 11 thước trước khung thành. Người đá thì đá, thủ môn thì cố chụp lấy, nếu banh lọt lưới thì được, nếu banh bị chụp hoặc văng ra ngoài thì hỏng. Đá penalty trông có vẻ dễ ợt như vậy đó. Khung thành thì rộng mênh mông, với anh thủ môn trông như cái tăm đứng đơn độc ở giữa hai cái cột, lại còn bị luật chơi bắt đứng chết dí trên lằn cuối sân, làm sao banh mà không lọt lưới được?

Ấy thế mà những cầu thủ gạo cội, uy danh lẫy lừng nhất thế giới đều đã từng đá hỏng penalty đó. Bạn không tin sao? Từ Diego Maradona, Zinedine Zidane cho tới Franz Beckenbauer, v.v… tất cả đều đã từng đá hỏng ít nhất một lần trong đời mình. Xin bạn đừng chê họ “đá dở” nhe! Không đâu, nghệ thuật đá penalty phức tạp lắm, không phải chuyện đùa.

Tâm lý chụp penalty

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao thủ môn luôn luôn nhảy chồm lên một cách thật ngoạn mục khi cố bắt penalty không? Và hình như banh lọt lưới càng lẹ thì anh ta càng nhảy đẹp không?

Theo một công trình nghiên cứu khoa học vừa được công bố gần đây, thật ra cách hay nhất để anh ta chặn banh là… anh đứng im! Còn chuyện bay đẹp chỉ là vấn đề tâm lý thôi. Giản dị là thế này: Anh thủ môn lúc đó bị căng thẳng dữ lắm. Mang trọng trách thắng bại trên vai mình, anh cảm thấy nếu anh không nhảy đẹp thì lỡ trái banh lọt lưới, anh sẽ bị đồng đội, huấn luyện viên lẫn ủng hộ viên trách cứ là đã không cố gắng hết mình để chụp lấy banh.

Đó là chuyện thật 100% mà một toán nghiên cứu của Đại học Ben Gurion bên Israel tìm ra.

Sau khi quan sát kỹ lưỡng hàng trăm trái phạt đền, các nghiên cứu gia kết luận rằng, nếu đứng yên, thay vì nhảy qua trái hay nhảy qua phải, thủ môn có xác suất cao nhất chụp được banh. Cụ thể, xác suất đó là 1 trên 3 lận đó. Nhưng nếu anh ta nhảy ngang thì xác xuất chỉ còn 1 trên 7! Tiếc rằng, trên thực tế, các thủ môn chỉ chịu đứng im trong 6% các trường hợp mà thôi…

Một thủ môn nổi tiếng nói với toán nghiên cứu: “Nếu tôi đứng yên một chỗ mà trái banh lại bay vào góc trái hay góc phải, thì… ‘quê’ quá đi, phải không? Người ta sẽ trách rằng tôi đứng ì ra như con lợn béo. Cho nên tôi phải nhảy đại. Banh có lọt lưới thì người ta chỉ có thể nói: Ờ anh ta đã cố gắng hết sức nhưng đường banh quá tuyệt vời, không ai bắt nổi.”

Tâm lý đá penalty

Đứng từ cái nhìn của thủ môn là như vậy. Nhưng đối với cầu thủ đá phạt thì sao? Các nghiên cứu gia kết luận rằng anh này cũng trải qua y hệt cái tâm lý lo sợ bị chê trách như anh thủ môn. Các thống kê cho thấy rằng xác suất cao nhất để làm bàn là đá banh lên phía cao của khung thành – ở cái khoảng trống cao hơn đầu thủ môn. Nếu đá vào khoảng cao đó, dù chếch bên trái, chếch bên phải hay ngay chính giữa, xác suất lọt lưới lên tới gần 100%. Nếu đá ngang bụng thì xác suất chỉ còn 70%, chứ nếu đá thấp sát mặt đất thì bết lắm, chỉ có 43% khả năng tung lưới thôi.

Biết vậy, nhưng tại sao đa số cầu thủ vẫn không chịu đá cao? Lại là lý do tâm lý nữa, thưa bạn. Nếu anh ta đá cao mà lỡ để banh bay ra ngoài khung thành thì anh sẽ bị chê thậm tệ là “bắn chim”, là “đá ẩu”, thậm chí là “ngu” nữa! Nhưng nếu anh đá sà sà dưới mặt đất mà chẳng may thủ môn bắt được, thì người ta chỉ có thể nói: Ờ, thủ môn chụp quá giỏi, không phải lỗi người đá.

Thế mới biết, làm cầu thủ cũng có nhiều nỗi lo sợ, mà lớn nhất là nỗi sợ làm phụ lòng người đi xem, làm thất vọng người ủng hộ, chứ không giản dị chỉ có chuyện đưa chân đá trái banh về phía trước.

Như trong trận chung kết World Cup năm 1994 đụng độ với Brazil, trung phong Roberto Baggio của Ý đã chọn đá cao để bảo đảm trái banh lọt lưới. Chẳng may banh bay bổng lên, vượt ra khỏi gôn, thế là anh bị người ta nguyền rủa cho đến bây giờ vẫn chưa hết nguyền rủa. Trận đó, Baggio là người đá penalty chót, bị hỏng, cho nên Brazil đoạt cúp vàng. Ngày nay chẳng ai còn nhớ tới 5 lần anh làm bàn cho đội Ý trong giải World Cup năm đó – trong đó có 2 bàn thật vẻ vang trong trận bán kết với Bulgaria – mà người ta chỉ chê anh là “thủ phạm” đem lại chiến bại cho nước Ý!

Tâm lý sợ đá hỏng đó, ít cầu thủ nào mà có khả năng vượt qua. Trong số tất cả các cầu thủ danh tiếng, có anh Dennis Bergkamp (đội Arsenal và đội tuyển Hoà Lan) là người có can đảm làm chuyện đó. Anh cả quyết: “Đá penalty, tôi luôn luôn đá cao. Quý vị thử nhìn coi, nếu thủ môn nhảy sang trái hay sang phải thì cái khoảng trống hai bên còn rất ít. Nhưng khoảng trống ở phần trên của khung thành thì lại rất lớn. Đá nhẹ vào đó là chắc chắn làm bàn. Đây là vấn đề toán học. Tôi tính toán theo toán học. Bạn đá banh kiểu tâm lý chiến là hỏng bét.”

Hãy chờ coi, trong giải World Cup năm nay, các huấn luyện viên sẽ ra lệnh cho cầu thủ của họ đá penalty như thế nào – cao, hay thấp, hay vừa? Và họ sẽ bảo thủ môn của họ đứng yên một chỗ hay là bay nhảy như xiệc? Đứng im thì “không đẹp”, khán giả sẽ không ưa, nhưng sẽ đem lại nhiều khả năng chiến thắng hơn… trừ khi… cầu thủ bên kia biết rằng thủ môn sẽ đứng im, liệu anh ta sẽ cố đá sà dưới đất thay vì đá lên cao? Nếu anh ta nghĩ như thế thì sẽ lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn tâm lý khó thoát, và như ai cũng biết, một người đá phạt mà trong lòng rối beng như hũ mắm thì kể như đã nắm chắc phần bại trong tay!

Bên trái hay bên phải?

Một vấn đề tiên quyết khác trong nghệ thuật giữ gôn là: có nên làm bất cứ động tác nào trước khi người ta đá penalty hay không?

Vì trái banh nằm rất gần khung thành, cho nên, một khi banh đá đi rồi thì kể như thủ môn không thể kịp thì giờ phản ứng. Do đó có một số thủ môn “ăn gian” bằng cách nhảy trước khi chân người đá đụng banh. Muốn làm vậy thì thủ môn phải đoán xem banh sẽ bay về phía nào mà đón đường. Một số thủ môn định bụng trước là mình sẽ nhảy về phía nào, vì như vậy cú nhảy của anh sẽ quyết liệt và hiệu quả hơn. Nhưng một số thủ môn khác lại chờ xem động tác của người đá như thế nào trước khi quyết định mình sẽ nhảy về phía nào. Làm như vậy thì khá rủi ro, bởi vì nhiều cầu thủ đá phạt thường giả bộ đá về một hướng nhưng rốt cuộc sẽ đá về phía ngược lại! Một lần nữa, lại là chuyện tâm lý, khó nghĩ lắm!

Cho nên một số cầu thủ đá phạt chọn giải pháp giản dị là đá ngay chính giữa, bởi vì đó là cái khoảng trống mà thủ môn sẽ bỏ lại khi anh ta bay ngang sang bên này hay bên kia.

Thường khi cầu thủ bắt đầu tiến tới trái banh để sửa soạn đá, thủ môn chỉ có vài giây để đoán xem anh này sắp sửa làm gì. Nếu thủ môn đoán trúng, rất có thể anh sẽ cứu nguy được khung thành. Trong một giai thoại nổi tiếng, thủ môn Helmut Duckadam của đội Steaua Bucharest đã cưú được 4 trái penalty liên tiếp trong trận chung kết giải Vô địch Âu châu năm 1986, đối đầu với FC Barcelona. Duckadam nhảy 3 lần về phía phải, và lần thứ tư, anh quyết định nhảy về phía trái để bắt được trái banh. Anh đã đoán trúng cả 4 lần. Vì anh nhảy 3 lần trước đó về bên phải, anh khiến cho cầu thủ thứ 4 bị rối loạn tâm lý, do dự và mất tập trung!

Các thủ môn cũng thường nghiên cứu cách đá penalty cố hữu của đối thủ để đoán xem họ sẽ đá thế nào, bởi vì mỗi cầu thủ thường có những thói quen mà một người nghiên cứu rành rõi sẽ tìm ra. Chẳng hạn thủ môn Ricardo của đội Portugal đụng với đội Anh quốc trong World Cup 2006, anh ta đã cứu được 4 trái penalty nhờ anh đã học hỏi trước về thói quen của hàng tiền đạo Anh. Xém chút nữa là anh cứu được trái penalty thứ 5! Một trường hợp nữa là thủ môn Jens Lehman của Đức, trong trận đá penalty với Argentina, đã rút một tấm giấy ở trong túi ra, trên đó anh có ghi sẵn tất cả những thống kê đá penalty của mỗi cầu thủ phe địch. Học kỹ đến thế là cùng!

Thủ môn bày trò

Một số thủ môn có khi lại còn “giở trò” để khiến cho đối thủ mất tập trung. Trong cú đá penalty, người bị áp lực nhiều nhất là người đá, cho nên bất cứ một điều gì bất thường cũng có thể khiến cho anh bị mất “an tịnh” – như nói theo kiểu nhà Phật. Một ví dụ điển hình xảy ra trong trận chung kết Anh quốc năm 2008 giữa Manchester United và Chelsea. Khi Nicolas Anelka (Chelsea) sắp sửa chạm banh, thủ môn Edwin Van der Sar lấy tay chỉ trỏ bên tay trái, ý muốn nói rằng tất cả những trái penalty trước của Chelsea đều bay sang bên trái cả, và cử chỉ này của thủ môn khiến cho Anelka bị bối rối, đưa banh sang phải, là nơi Van der Sal đã nhảy trước đỡ được!

Có một mánh lới bị cấm ngặt đối với thủ môn là nhảy về phía trước trước khi chân cầu thủ chạm banh, với mục đích là để thu hẹp lại góc đá, đồng thời khiến cho cầu thủ đá phạt bị chia trí. Thời xưa, khi luật lệ chưa nghiêm minh lắm, nhiều thủ môn đã dùng mánh lới bất hợp pháp này để nhảy chồm tới, bởi vì theo luật, thủ môn phải đứng đạp mức gôn khi chân cầu thủ chạm banh. Một trường hợp nổi tiếng là thủ môn Taffarel của Brazil chuyên môn lạm dụng trò này, nhưng ngày nay thủ môn nào mà làm vậy thì lập tức sẽ bị trọng tài cảnh cáo. Tôi còn nhớ thời thập niên 1980 khi theo dõi bóng đá trên truyền hình, nhiều thủ môn cứ nhảy ra đằng trước như vậy, khiến bọn bạn tôi xem trận đấu la hét inh ỏi, “Ăn gian, đồ ăn gian! Thằng trọng tài nó mù sao mà không thấy!”

Với tất cả những yếu tố kể trên xảy ra chung quanh một trái đá penalty, nhiều người tưởng rằng được penalty là kể như là chắc chắn làm bàn. Thưa bạn, không phải vậy đâu. Nhiều thống kê cho thấy số penalty thành công chỉ khoảng có 2 phần 3 mà thôi!

Chẳng hạn, trong số 78 trái penalty trong giải vô địch Anh quốc mùa 2006-06, chỉ có 57 trái lọt lưới, có nghĩa là 30% bị thất bại.

Tại Đức, một giáo sư Đại học theo dõi giải bóng đá toàn quốc trong vòng 16 năm liền, tìm thấy rằng chỉ có 76% những trái penalty lọt lưới thôi (cao hơn bên Anh – phải chăng là cầu thủ Đức đá penalty giỏi hơn cầu thủ Anh?). Ông giáo sự này cũng nghiệm thấy 99% các cú đá cao đều lọt lưới, và kết quả này xác nhận công trình nghiên cứu của Đại học Ben Gurion đã nói ở trên.

Một số trái penalty nổi tiếng

Xin liệt ra đây một số trái penalty (hỏng) được bàn tán cho tới ngày nay:

- Roberto Baggio trong trận chung kết Ý-Brazil, Los Angeles 1994. Đây là trái penalty nổi tiếng nhất (đã đề cập ở trên). Sau khi hai bên huề nhau suốt 120 phút giao đấu, Baggio bước ra điểm đá penalty vào thời điểm quyết định của trận đấu. Thủ môn Taffarel của Brazil vừa mới cứu trái penalty trước đó. Biết Baggio là người theo Phật giáo, cho nên Taffarel chỉ tay lên trên trời đề cầu xin Thiên Chúa phù hộ cho anh ta! Bị bối rối, Baggio quyết định đá cao, nhưng banh vuột khỏi chân anh, cũng bay cao… lên trời, theo ngón tay chỉ của Taffarel! Ý bị thua trận, nhưng thực tình mà nói, trong trận đó Ý chẳng xứng đáng được chút nào.

- Trong trận bán kết World Cup năm 1992 giữa Pháp và Tây Đức, hai bên huề nhau 3-3 sau khi đá thêm giờ. Cả hai cầu thủ gạo cội của Pháp là Didier Six và Maxime Bossis đều đá hỏng trái penalty của mình, khiến Đức thắng trận. Nhưng điều oan ức nhất cho Pháp thật ra đã xảy ra trước đó: thủ môn Schumacher của Đức đã “chơi xấu” Patrick Battiston của Pháp khiến anh này nằm bất động trên sân cỏ, thân thể giựt giựt, phải đem gấp đi nhà thương. Đáng lý ra thì Schumacher xứng đáng bị trục xuất ngay trong pha đó, và như vậy thì làm gì được ở lại để mà giữ gôn? Cuối cùng thì Đức thắng, nhưng hình như để “rửa oan” cho Pháp, đội Ý đã đá bại Tây Đức ở trận chung kết. Hai năm sau đó, đội Pháp với các danh thủ Platini, Giresse và Tigana “phục thù” khi chiến thắng vẻ vang giải vô địch Âu châu 1994.

- Trái penalty hỏng oan ức nhất lịch sử có lẽ là cú đá của Victor Ikpeba trong trận chung kết Phi châu năm 2000 giữa Nigeria và Cameroon, và có lẽ đó là một trong những lỗi lầm trọng tài nghiêm trọng nhất. Sau khi hai bên huề 2-2, phải đá penalty, Cameroon dẫn trước 3-2 trong cuộc thi đấu penalty. Ikpeba của Nigeria đá một trái tuyệt đẹp, đâm vào ngay dưới thành ngang, nhưng… lại dội ra! Ai ai cũng thấy – và truyền hình replay cũng cho thấy như vậy – trái banh đã vượt vào lưới tới 30 cm, nhưng trọng tài biên không trông thấy, hủy bỏ bàn thắng. Hình như đó là dịp mà trang web của đài BBC nhận được nhiều email phản đối trọng tài nhất trong lịch sử internet.

- Và cuối cùng là một gương thượng mã thể thao hiếm có. Năm 2009, cầu thủ người Rumania Costin Lazar của đội Rapid Bucharest được trọng tài thưởng cho một trái phạt đền vào phút thứ 63 trong trận đấu với Oteful Galati. Sau khi trọng tài đặt banh ở điểm phạt đền, Lazar bước tới, nhìn banh, xong lắc đầu… từ chối đá phạt! Khi được hỏi tại sao lại làm vậy, Lazar trả lời trọng tài: “Không có lỗi thì làm sao có phạt?”

Trọng tài hiểu ý, và đưa banh cho đội bên kia tái giao banh. Cuối cùng thì đội Rapid vẫn thắng trận đấu!

Trong thời buổi khi mà nhiều cầu thủ không ngần ngại “ăn gian” bằng đủ mọi cách để “tạo” được trái phạt đền, người ta phải khâm phục anh chàng Costin Lazar đã dám từ chối một bàn thắng được trọng tài tặng anh trên đĩa vàng!