Home Phiếm Các Tác Giả Chó xứ Nhật, trẻ xứ Ta

Chó xứ Nhật, trẻ xứ Ta PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan Văn Hưng   
Thứ Bảy, 23 Tháng 5 Năm 2009 23:06

Hôm nay giở trang báo Straits Time xuất bản tại Singapore ra đọc, mắt tôi liền chú ý tới một mẩu tin vui vui. Tờ báo tường thuật về một hiện tượng đang làm người dân Nhật Bản như lên cơn sốt: người ta đang đổ xô đi mua chó đem về nuôi trong nhà.

Ai lại chỉ riêng trong năm ngoái mà đã có thêm một triệu rưởi con chó được người Nhật đem về nhà nuôi, nâng tổng số chó khắp nước lên tới 11 triệu con. Nhưng bảo là nuôi thôi thì không đủ. Những con chó này được chủ của chúng nâng niu chiều chuộng chẳng khác gì con đẻ của mình. Người ta thường bảo các xứ Âu Mỹ yêu chó lắm, nhưng nào có thấm gì với người Nhật.

Ở đây, những con chó của họ được ăn no ngủ kỹ đã đành, chúng còn được ăn cơm nơi những tiệm ăn sang trọng chỉ dành riêng cho chó, rồi mỗi năm được ăn tiệc sinh nhật với chiếc bánh đẹp đẽ từ những cửa tiệm chỉ chuyên làm bánh cho chó.

Chúng được ăn diện chẳng khác gì tài tử. Những tiệm bán quần áo cho chó đầy ứ những bộ áo thời trang nhất, những chiếc T-shirt đủ màu đủ kiểu, những chiếc giày cao cổ bằng da, những cái nơ bằng lụa và cả những cái nón xinh xinh cho những nàng chó thích làm dáng. Nhà thời trang Louis Vuitton được dân chúng Nhật hâm mộ từ bấy lâu nay cũng đã tung ra một loạt mặt hàng thời trang chỉ cho chó.

Khi chó đi ngủ thì chúng được nằm trên nệm nước thật êm ái. Nếu chúng lên ký quá độ vì thức ăn quá bổ dưỡng thì đã có máy tập thể dục làm đẹp thân chó để chúng thải bớt mỡ bụng. Chó mệt mỏi thì có mát-xa, chó khó bảo thì có trường học dạy dỗ, còn chó đau yếu thì có bệnh viện 24 tiếng trên 24. Khi chủ đi chơi vắng nhà thì đã có nhân viên giữ... chó tới tận nhà chăm sóc. Đi lâu hơn thì gửi chó nơi những khách sạn với đầy đủ tiện nghi 5 sao.

Đọc bài báo về những con chó xứ Nhật này đã làm cho lòng tôi cũng vui lây... cho tới khi tôi đọc tới giá tiền của những sản phẩm đó và tôi chạnh nghĩ tới mức sống tại nước mình, không phải của loài chó mà là mực sống của loài người, người Việt Nam trên đất nước Việt Nam.

Bạn có thể tưởng tượng được không, một chiếc giây cương Louis Vuitton để dẫn chó đi chơi trên phố giá là 88,000 yen, tương đương với 4 tháng lương của một cô giáo tại xứ ta. Một chiếc bánh sinh nhật cho chó có thể lên tới nửa tháng lương, một bộ áo là 2 tháng lương, còn cái máy tập thể dục cho đỡ mỡ bụng kia thì khỏi nói làm gì: nó tương đương với gần một năm lương của cô giáo nhà mình đó!

Lấy tổng sản lượng dành cho chó xứ Nhật chia đều cho 11 triệu con, ta có 1000 Mỹ Kim mỗi năm cho mỗi con chó, một số tiền dư thừa để nuôi nấng một đứa trẻ Việt Nam cho nó lớn lên thành người tốt đẹp từ thể xác tới trí tuệ. Một con chó xứ Nhật, một đứa trẻ xứ ta. Sự so sánh có vẻ phũ phàng, bất nhân. Nhưng làm sao chối cãi đây? Người dân Nhật nuôi chó chẳng phải là những nhà đại tỷ phú, họ chỉ là công dân bình thường trong đất nước của họ, là những người già cả nuôi chó để lấp đầy cuộc sống lẻ loi xa con cái mà thôi. Thế nhưng có lẽ họ đã chăm lo cho chó của họ kỹ hơn là nhà nước của ta lo cho trẻ con xứ mình.

Nghĩ tới loài chó xứ Nhật, tôi chợt nhớ tới câu nói của ông Gandhi, người đã tranh đấu bất bạo động để đem lại độc lập cho Ấn Độ. Gandhi có nói: "Sự cao thượng của một nước có thể đo bằng cách họ đối xử với các loài xúc vật".

Đúng lắm, nhưng còn trẻ con thì sao? Tôi phải mượn lời của ông Hubert Humphrey, một cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, một khuôn mặt không thể nổi danh bằng Gandhi, nhưng ông Humphrey có nói một câu vô cùng chí lý: "Muốn biết cái đạo đức của một chính phủ thì chỉ cần nhìn vào cách họ đối xử ra sao đối với trẻ con xứ họ".

HÃY TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI PHẠM PHÁP

Nông dân nghèo khốn bị cán bộ nhà nước tước đất và đánh đập oan ức - đó là cái tít mà ký giả Pháp Frédéric Bobin đã dùng cho bài tường trình tuần qua của ông về tình trạng nông thôn tại Trung Quốc. Ông Bobin thuật lại cuộc gặp gỡ của ông với nông dân vùng Zizhou thuộc tỉnh Shaanxi trong một hang đá tối tăm cách Bắc Kinh 500 cây số về hướng Tây Nam. Nơi đây, xa khỏi tầm mắt của đô thị hào nhoáng, người nông dân Trung Quốc vẫn sống cuộc sống vật chất như một nửa thế kỷ về trước và một cuộc sống tinh thần chẳng hơn gì thời phong kiến.

Không phải nông dân chỉ có nghèo mà thôi, họ còn bị cán bộ hà hiếp nữa. Như Lý Chu Đệ, một người trồng ngô tuổi mới 50 mà trông tưởng cụ già, kể rằng: "Họ (tức cán bộ) đến thu thuế nhà tôi, tôi chẳng còn gì để mà đưa cho họ nữa, nên họ đánh đập, tôi thì hộc máu, còn vợ tôi thì mang tật nguyền cho tới ngày hôm nay."

Rồi đến lượt Trương Kế Luân, một nông dân bị tước mất ruộng đất. Ông ta kể: "Nghị quyết nhà nước nói rõ sẽ bồi thường cho chúng tôi, nhưng tôi đã chẳng được một đồng xu nào cả! Một phần ruộng của tôi còn lại bị ngài bí thư trên huyện chiếm lấy làm của riêng nữa. Nhưng làm thế nào bây giờ, đòi Ông Trời còn dễ hơn là đòi cán bộ!".

Buồn thay, ông ta không phải là người duy nhất bị lường gạt. Một thửa ruộng 60 mẫu nơi 60 gia đình nông dân dựa vào nhau mà sinh sống, cũng đã bị nhà nước tịch thu, bảo là để xây dựng một khu thương phố. Sau khi nông dân đóng một số tiền cắt cổ tương đương với 10 Mỹ Kim một thước vuông để nhà nước không đuổi họ đi, thì một ngày đẹp trời năm 2001, một đoàn xe ủi đất đã tiến vào làng, ủi đi tất cả không còn lấy một căn.

Quả thật vùng Zizhou đã trở thành đất dụng võ cho những cán bộ được bổ nhiệm tới đây. Nói đúng hơn, nó là cái mồi béo bổ cho những cấp quan lại như của thời phong kiến tái sinh.

Thế nhưng ngày nay nông dân không còn chịu khuất phục nữa. Họ tới gặp nhà báo Bobin trong hang đá kia để kể hết sự tình, họ muốn nói lớn cho thế giới biết về nỗi khổ của họ. Một người nông dân nói: "Lần này tôi nhất quyết tranh đấu dù là phải mất mạng".

Làm như thế, họ muốn noi gương một người mà họ coi là thần tượng. Đó là ông Mã Nguyên Linh, người đã lãnh đạo phong trào chống chính sách đánh thuế bất công vào cuối thập niên 1990. Cách tranh đấu của họ Mã thật là giản dị nhưng lại vô cùng đặc sắc: giữa lúc nhà nước ráo riết tăng thuế thì ông ta thâu vào một chiếc cassette cái thông báo chính thức về chính sách khoan hồng giảm thuế của nhà nước, và ông đem cassette đi phân phát cho nông dân trong vùng!

Chỉ có thế thôi, nhưng ông bị chính quyền cách chức giáo viên của ông. Ông bị đuổi ra khỏi Đảng Cộng Sản và bị nhốt tù suốt 4 năm trời. Chẳng chịu thua, nông dân trong vùng đã vận động một thỉnh nguyện thư quy tụ được 30 ngàn chữ ký để đòi tự do cho ông, một việc động trời chẳng có thể tưởng tượng được tại xứ Tàu. Bàn thỉnh nguyện thư tuyên bố: "Trời đã nổi giận vì nhân dân đang bất bình". Nhờ vậy mà nhà cầm quyền đã phải chùn chân và trả tự do cho họ Mã vào năm ngoái. Ra khỏi tù, ông ta lại tiếp tục tranh đấu.

Tôi đọc chuyện xứ Tàu mà sao tôi cứ tưởng như chuyện xứ ta. Là người Việt, những câu chuyện lấy đất, hà hiếp và đánh đập dân nghèo sao nghe như có gì quen quen. Có ai dám bảo rằng thời nay chuyện vua quan và cường hào ác bá hút máu dân lành không còn nữa?

Như thường lệ, tôi lại kết thúc Trông Người Ngẫm Ta tuần này với một câu danh ngôn. Những câu chuyện ở trên đã khiến tôi suy nghĩ miên man về hai chữ "bất công". Tôi mới chợt nhớ đến một câu nói bất hủ của Henry Thoreau, một nhà văn nổi danh Hoa Kỳ của thế kỷ 19 và cũng là người đã gây nhiều cảm hứng cho văn hào Nga Leon Tosltoi cũng như ông Gandhi của Ấn Độ.

Ông Thoreau có nói: "Nếu luật pháp của một chế độ buộc anh phải hành xử bất công đối với một ai đó, thì tôi xin nói thẳng với anh: thà là anh hãy trở thành một người phạm pháp!".