Home Phiếm Các Tác Giả Lấy vợ, đã thiệt.

Lấy vợ, đã thiệt. PDF Print E-mail
Tác Giả: Thạch Đạt Lang   
Thứ Sáu, 08 Tháng 5 Năm 2009 22:30

Thế rồi cuối cùng Tư Lù cũng lấy vợ. Những người đã từng biết Tư Lù trước đây, chẳng bao giờ ngờ được rốt cuộc rằng hắn đã kiếm được người bằng lòng lấy mình để từ giã cuộc đời độc thân vô vị.

Bộ Tư Lù xấu trai hay dị tướng lắm sao để không thể có được người đàn bà nào để ý đến hắn? Không phải vậy, ngược lại là khác. Hắn tuy không thể sánh với Phan An, Tống Ngọc hay Brat Pitt, George Clooney, Tom Cruise,... nhưng cũng khá đẹp trai, tưóng cao lớn so với người Việt Nam, vai to ngang và hơi dềnh dàng khi đi đứng.

Vậy thì nguyên do tại đâu mà mãi gần đến tuổi 45 Tư Lù mới “chịu” lấy vợ? Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là Tư Lù quá... lù đù.

Lúc đầu tui cũng không biết tên thật hắn là gì, chỉ thấy những người trong trại tị nạn gọi hắn là Tư Lù thì gọi theo thôi. Gặp hắn lần đầu, nghe người ta gọi hắn như vậy, tui lại tưởng hắn có ngón nghề đó. Sau vài lần nói chuyện mới té ngửa ra là không phải vậy. Hắn tên Tôn, là con thứ 3 trong gia đình. Hồi bên trại tị nạn Bataan, Philippines người ta gọi hắn là anh Tư Tôn, nhưng tụi nhỏ và đám thanh niên lí lắc cứ đùa giỡn gọi hắn là anh Tôn Lò hay anh Tư Lù, sau thấy tên Tôn Lò phi lý quá nên đám trẻ bỏ, không gọi tên Tôn Lò nữa, tên Tư Lù nghe hợp lý hơn vì Tư Lù... lù đù... thấy thương quá.

Tư Lù sống cu ki một mình, nghe nói hồi ở Bataan cũng vậy, không giao thiệp, đi lại, chơi bời với ai. Hắn không ăn uống gì của ai, nhưng cũng đừng hòng mà lân la tới chàng chấu, xin xỏ hắn món gì, dù hắn luôn vui vẻ, hòa nhã với mọi người.

Thời gian đó tui còn đang đi học, cuối tuần rảnh, vào trại tạm cư của người tị nạn làm thông dịch viên... không tuyên thệ, giúp những người Việt mới qua còn lủng tiếng Đức đi chợ, mua sắm, liên lạc giấy tờ,… nhân tiện kiếm có người đẹp nào mới từ đảo hay Việt Nam qua, coi được được chút chút thì... thả con dê cho chạy lang thang chơi. Được thì tiến tới mà không thì cũng chẳng chết thằng Đức nào.

Tui biết Tư Lù vì một “sự cố” ngẫu nhiên. Số là vào một chiều thứ bẩy, Tư Lù đem

 Ford Escort, Nguồn: abc.es

chiếc Ford Escort, Baujahr (Build Year) một ngàn chín trăm... hồi đó (dịch qua tiếng Anh là nineteen... odd...odd) thay nhớt trên bãi đậu xe, bên hông mấy dẫy nhà của trại. Chẳng biết nhân viên trại hay ai đó gọi điện thoại cho cảnh sát mà chỉ trong vòng 10 phút, lúc Tư Lù còn đang loay hoay dưới gầm xe thì Polizei đã hú còi hụ inh ỏi chạy tới.

Dù Tư Lù đã cẩn thận hứng nhớt cũ vào trong một cái chậu nhựa, nhưng nhớt vẫn chẩy ra ngoài thành những vũng nhỏ. Hai người cảnh sát Đức kêu Tư Lù đứng lên rồi nói một tràng tiếng Đức khiến hắn ngơ ngác. Tư Lù gốc người Nam, đâu ở Bến Tre thì phải, vốn thuộc giai cấp nông dân. Khi miền Nam bị phỏng giái, Tư Lù thấy khó sống với đám cán bộ, công an xã, huyện nên bỏ lên Sài Gòn, sống lưu lạc ít năm rồi vượt biên. Qua đảo, hắn ghi tên đi Đức liền khi được phái đoàn UNHCR hỏi, vì thấy đời sống trên đảo không thân nhân, bè bạn, quá thiếu thốn, chật hẹp, xô bồ. Qua Đức được hơn 3 năm, đã học một khóa tiếng Đức 8 tháng do Sở lao động (Arbeitsamt, giờ đổi thành Arbeitsagentur) tổ chức, nhưng Tư Lù vốn lù đù, không thông thạo thứ ngoại ngữ khó nuốt này nên hoảng hốt, chẳng hiểu chuyện gì khi cảnh sát vừa nói vừa chỉ cho hắn thấy những vũng nhớt nhỏ chảy ra bên ngoài cái chậu xuống dưới đường. Hắn chỉ nghe được lõm bõm mấy chữ Fuehrerschein, Ausweis...

Tui tình cờ nhìn thấy mọi chuyện nên nhanh nhẹn đi qua bãi đậu xe khi Tư Lù đang còn ú ớ không nói thành câu. Hai nhân viên cảnh sát thấy tui đến, giải thích mọi chuyện rồi định làm biên bản phạt vạ 5.000 DM (Đức Mã, khoảng 3.000 USD). Tui liền thông dịch cho Tư Lù, đồng thời nói cho hai người cảnh sát hiểu, chúng tôi là người Việt Nam tị nạn cộng sản, mới qua Đức chưa được bao lâu nên chưa rõ về luật pháp, văn hoá, đời sống của người Đức nhiều, nên đồng hương của tôi vô tình phạm luật chứ không hề cố ý.

Hai người cảnh sát, sau khi nghe lời trình bày của tui, nhìn vẻ mặt sợ hãi của Tư Lù và chiếc Escort mới... chạy chừng hơn chục năm, đáng giá chưa bằng tháng lương của họ, đồng ý không phạt Tư Lù về tội làm ô nhiễm môi sinh. Tư Lù chỉ phạt cảnh cáo 40 DM về tội sửa xe trên bãi đậu, làm cản trở lưu thông.

Tư Lù mừng quá, cám ơn tui rối rít, sau khi cảnh sát đi khỏi hắn hỏi:

- Sao xứ này ký vậy chú em mày? Chút xíu nhớt chảy ra đường mà cũng đòi phạt tới 5.000 DM, hổng giống VN mình chút nào. Hồi ở Sàigòn tui đi làm thợ phụ, sửa xe gắn máy Hoda, Suzuki... trong Chợ Lớn, ôm nhớt đổ ra đường mương sau nhà hoài, có ai nói gì đâu? Qua đây thấy cái gì cũng khác.

Thấy tui còn trẻ hơn hắn nhiều, trong lúc nói chuyện, Tư Lù cứ xưng tui và gọi tui là chú em mày. Tui định giải thích cho Tư Lù hiểu về vấn đề môi trường nhưng thấy hắn lù đù quá nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Rồi dường như để cám ơn, Tư Lù chợt đề nghị:

- Chú em mày có rảnh không? Vô phòng tui chơi chút, tui làm cái gì ăn chiều nghe!

Mèng ơi! mãi sau này mới biết, tuì là người đầu tiên có hân hạnh được Tư Lù mời ăn cơm từ khi hắn đến Đức. Trong bữa cơm, Tư Lù cho biết đã đi làm nhưng chưa dọn ra ngoài, vẫn ở trong trại chung với một anh bạn khác. Vì ở trong trại không phải trả tiền nhà, tiền điện, nuớc, gas,...

Tui liếc nhanh căn phòng, đồ đạc khá đơn sơ với hai caí giường ngủ, loại giường cá nhân bằng nhôm, có nệm dầy, hai cái tủ quần áo. Trên mỗi đầu giường có chiếc bàn đêm, giữa phòng có một chiếc bàn ăn và 4 cái ghế, loại ghế tròn nhỏ có thể xếp cho gọn lại. Trên cái bàn đêm của Tư Lù để một cái radio, cassette stereo, không có TV hay Video-Player, cũng không thấy một tờ báo hay sách vở gì. Tui cười cười nói đùa với hắn:

- Anh Tư ở với cộng sản có mấy năm mà học được phương châm sống thật tuyêt vời là tăng thu, giảm chi, tích cực cầm nhầm.

Tư Lù cũng cười trông thật lù đù.

Sau bữa cơm chiều “đột xuất” đó, tui trở thành một người tạm gọi là quen biết với Tư Lù. Hễ gặp tui là hắn mời vô phòng hút điếu thuốc, uống ly cà phê instant của hãng Nestlé... chua như cứt mèo. Dần dà trở nên thân mật hơn, tui hỏi sao hắn không lấy vợ? Hắn nhìn tui có vẻ ngạc nhiên, trả lời:

Đôi lứa
Nguồn: static.flickr. com

-Tại sao lại phải lấy vợ hả chú em mày? Bây giờ độc thân, đi làm được nhiêu, mình ôm trọn, lấy vợ về, phải nuôi nó, mệt lắm chú em. Lại nữa nó quấy rầy mình ban đêm, ngủ không được, sáng làm sao đi làm chú em mày? Mình ên khỏe re, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, không ai cản, hổng ai ngăn, không sướng hơn sao?

- Vậy anh không thấy buồn vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi sao? Ở đây thấy mấy cô như hai chị em cô Thu Đạm, Thu Cúc con ông Đội Rù coi cũng mướt quá, tướng tá anh cũng ngon cơm, sao anh không làm quen, qua lại, rủ đi chơi cho cho đỡ buồn?

Tư Lù trợn mắt nhìn tui:

- Giỡn hoài chú em mày! Con gái người ta hơn hớn như vậy mà chú em nói tui gù đi chơi khơi khơi, không tính chuyện gì đâu có được. Đi chơi với mình chay tịnh, rủi có bầu với thằng khác, bắt mình cưới mới độc à nghen. Mà lấy mấy cô đó về, suốt ngày lo đi canh giữ không cũng mệt, còn làm ăn gì được nữa chú em mày?

Nghe nói vậy tui bật cười:

- Người ta gọi anh là Tư...Lù đù mà tui thấy anh khôn quá cỡ thợ mộc, chẳng lù đù chút nào hết.

Sau khi học xong, kiếm được việc làm ở nơi xa, tui không còn vào trong trại tị nạn nữa. Bẵng đi một thời gian khá lâu cả chục năm, tui gần như quên mất Tư Lù cho đến ngày bất ngờ nhận được cái thiệp mời dự đám cưới của hắn.

Tui ngạc nhiên vì gần 10 năm dài, tui hầu như không gặp hay liên lạc với những người quen, biết trong trại tị nạn ngày trước, sao Tư Lù lại có được địa chỉ để gửi thiệp mời dự đám cưới của hắn? Trong thiệp có ghi số điện thoại để liên lạc, tui liền gọi cho hắn.

- A lô! Tôn nghe đây! Ai đó?

- Hùng đây anh Tư Lù! À quên! xin lỗi anh Tôn! Hùng thông dịch...vật đây! Anh khỏe không? Sao giờ lại sắp lấy vợ rồi, không sợ chia đôi lương, không sợ vợ quậy ban đêm nữa hả? Chúc mừng trước nghe. Mà sao anh có địa chỉ của tui để gửi thiệp cưới vậy?

Tư Lù cười, giọng cười ha hả, sảng khoái trong điện thoại, không lù đù chút nào:

- Chú em mày ngạc nhiên lắm phải không? Phải thay đổi chứ, thời đại văn minh của hai tếch, com-biu-tờ, in-tờ-nét...làm thay đổi thế gìới từng ngày, từng giờ. Con người mình cũng phải thay đổi quan niệm sống cho theo kịp trào lưu tiến hóa của nhân loại, nếu không sẽ bị đào thải chú em mày à.

Mèng ơi! Thiệt hết biết. Chỉ khoảng 10 năm trời không gặp mà giờ đây nói chuyện với Tư Lù qua điện thoại, nghe giọng hắn khác trước một trời, một vực. Nào hightech, computer, internet, trào lưu tiến hoá của nhân loại...khiến tui ngạc nhiên “cực”.

- Nhưng làm sao anh có được số phôn của tui?

Tư Lù lại cười:

- Chú em mày hỏi thiệt hay chơi? Có học như chú em mày mà sao hỏi dớ dẩn zdậy? Vô in-tờ-nét bấm chuột vào trang vàng (Gelbe Seiten, Yellow sites), điền tên chú em vô chỗ kiếm (Suche , Search), bấm cái nữa là nháy mắt, có ngay địa chỉ và số phôn thôi. Đám cưới tui, chú em mày xuống sớm ít ngày, tui dẫn chú em mày đi chơi vùng này cho biết, chú em là thượng khách của tui nghe, có nhà cửa rộng rãi cho chú em mày ở, không cần phải ra hô ten.

  Black Forest (Germany) Nguồn: skogsborg.com

Bấy giờ tui mới sực nhớ ra là chưa coi kỹ cái địa chỉ mới của Tư Lù. Hóa ra hắn đã dọn nhà về vùng Schwarzwald, một trong những vùng du lịch nổi tiếng của Đức thuộc tiểu bang Baden- Wuerttemberg. Nhìn ngày đám cưới, tui suy nghĩ thật nhanh, trả lời hắn:

-OK! Đám cưới ngày thứ bẩy, tui xuống anh ngày thứ sáu, chiều chủ nhật tui về.

- Sao mà ở có hai ngày vậy chú em mày? Ở thêm tuần nữa đi, sau đám cưới, tui dẫn chú em mày đi chơi hết vùng này cho biết với người ta.

- Để dịp khác đi anh Tôn. Tui hiện đang bận nhiều việc. Cám ơn anh trước nghe.

Nói chuyện với hắn thêm vài câu rồi tui cúp phôn, hẹn ngày gặp lại.

Đúng hẹn, chiều thứ sáu tui nghỉ việc sớm, từ hãng lái xe thẳng đến nhà Tư Lù ở Schwarzwald (tiếng Anh là Black Forest). Từ ngoài xa lộ, lúc sắp sửa lên đèo, nhìn lên vùng Schwarzwald, thấy cả khu rừng cây như có một màu đen bao phủ đúng như tên gọi. Theo địa chỉ ghi trong thiệp cưới, tui ngừng xe trước một nhà hàng Việt Nam khá lớn, khang trang, sạch sẽ. Nhìn đồng hồ, thấy đã 5 giờ chiều, tui lẩm bẩm:

- Tư Lù thay đổi thật! chẳng lẽ bây giờ hắn mở nhà hàng?

Do dự một vài phút rồi tui đậu xe, so lại số nhà lần nữa cho chắc ăn, bước vào trong. Nhà hàng chỉ mới có lác đác vài thực khách người Âu, dường như từ xa tới. Còn đang nhìn quanh quất định hỏi thăm, đã nghe tiếng gọi lớn của Tư Lù:

- A! Chú em Hùng!

Từ trong nhà bếp hắn đi ra, vừa đi vừa tháo bỏ đôi găng tay và cái nón đội chụp trên đầu bằng vải trắng, tướng tá vẫn vậy, có vẻ dềnh dàng và mập hơn trước. Trước bụng quấn một cái tạp dề, Nắm chặt tay tui lắc lắc, Tư Lù nở nụ cười thật tuơi:

- Dữ không! Lâu quá mới gặp lại anh, chắc phải cả chục năm rồi. Sao đi có một mình vậy? Bà xã đâu?

- Bà xã nào? Hồi trong trại tị nạn anh nói với tui sống mình ên khỏe hơn, lương lãnh ra không phải chia hai, đêm ngủ không bị quấy rầy, đánh thức nửa chừng. Tui làm theo lời anh đó thôi.

Tư Lù cười ha hả:

- Chú em mày thiệt! Thời gian làm thay đổi con người dữ lắm, nhất là tư duy đó nghe. Để tui giới thiệu bà xã với chú em mày nghe. Lại đây Thu ơi!

Vừa nói Tư Lù vừa đưa tay ngoắc ngoắc một người đàn bà trẻ, chừng khoảng 30 tuổi, trắng trẻo, khá đẹp, ngồi sau máy tính tiền mà từ lúc bước vào tôi đã trông thấy. Nữa! Lại thêm một điều đáng ngạc nhiên. Trước lúc đi Schwarzwald, nghĩ đến đám cưới Tư Lù, tui cứ tưởng tượng, hình dung ra vợ sắp cưới của Tư Lù sẽ là một cô gái quê, sắc đẹp trung bình, thậm chí có thể xấu.Nào ngờ... Cô gái tiến đến gần, dáng thon thả, nhanh nhẹn, không có vẻ gì quê mùa như tôi nghĩ. Tư Lù chỉ tui:

- Đây là chú em Hùng, hồi trước làm thông dịch ở trong trại tị nạn, còn đây là Mộng Thu, bà xã sắp cưới của tui.

Mộng Thu gật đầu chào, giọng Bắc trong trẻo:

- Chào anh Hùng! Anh Tôn mấy bữa nhắc tới anh hoài, anh ấy kể vụ thay nhớt nhiếc xe sao đó xuýt bị phạt nặng, nhờ anh nên thoát. Anh uống gì không để em đi lấy?

Tui chưa kịp trả lời thì Tư Lù đã nói:

- Em làm cho anh hai ly coctail Margaritas, kêu thằng Thắng thay anh coi bếp, lát nữa khách vào đông, anh ra phụ. Giờ anh phải đưa chú em Hùng lên phòng cất đồ đạc đã.

Chờ Mộng Thu quay đi, Tư Lù quay qua tui:

- Đi chú em mày! ra xe lấy hành lý bỏ lên phòng đi, xe đậu đâu?

Tui khoác tay:

- Anh lo sắp xếp công việc trong nhà hàng đi, để mặc tui, có gì đâu ngoài cái trolley và bộ Anzug (veston).

Dù nghe vậy nhưng Tư Lù vẫn theo tui ra xe. Tui đành phải trao cho hắn cái trolley rồi theo hắn đi vào trong, xuyên qua nhà hàng, lên lầu trên. Tầng trên nhà hàng là một Wohnung (Apartment) 4 phòng ngủ, 2 Badezimmer (Bathroom). Tư Lù đem cái trolley vào trong một căn phòng có giường nệm, tủ, bàn ghế đầy đủ, tất cả đều sạch sẽ, mát mắt, nói:

- Phòng chú em mày đây. Bỏ đồ đó đi rồi xuống dưới mình lai rai, kiếm cái gì nhậu chơi. À quên! Để cho chú em mày coi phòng vợ chồng tui chút.

Nói xong hắn kéo tui qua một căn phòng khác thật rộng nằm bên góc trái của Flur. Bước vào trong tui giật mình. Một chiếc giường đôi to đùng, chắc phải bằng cỡ giường King-Size bên Mỹ, có nệm dầy với bao màu mỡ gà thêu hoa sặc sỡ, hai cái gối to, một bàn trang điểm lớn và một cái tủ quần áo 6 cánh cửa kính, đặt sát tường, gần hết chiều dài căn phòng, tất cả bằng gỗ Kirsch (Cherry) thật đẹp, Tui trầm trồ khen:

- Anh Tư chơi đồ Moebel (Furniture) ác đạn thiệt nghe, toàn gỗ Kirsch. Hồi trong trại không thấy anh sắm món gì.

Tư Lù cười hăng hắc, đầy thỏa mãn:

- Hồi đó khác, giờ khác! Phải thay đổi cho kịp với mọi người chứ, chú em mày. Mà nói cho ngay tất cả cũng nhờ vợ tui hết chú em mày à.

- Vậy sao? Tưởng là tất cả do anh chứ. Tui ngạc nhiên hỏi.

- Không phải đâu! Xuống dưới nhà nhâm nhi chút, tui kể chú em mày nghe. À mà qua phòng làm việc của tui bên cạnh coi cho biết.

Tui thật tình tò mò đi theo Tư Lù vào căn phòng bên cạnh xem phòng làm việc của hắn ra sao, căn phòng lớn cỡ phòng Tư Lù cho tui tạm trú. Tui ngẩn người khi thấy căn phòng được trang trí theo kiểu Arbeitszimmer thật “hoành tráng”, một Computerecke lớn cũng bằng gỗ Kirsch với một monitor 21 inches, hai cái kệ đựng sách vở, một tower đựng CD-Rom và CD-Musik và 1 hộp Diskette, một Chefsessel (armchair) bằng da màu đen to tổ nái, trên tường lại treo mấy tấm tranh sơn dầu của Monet Claude như Water Lilly, A Palm Tree At Bordighera.. (dĩ nhiên là thứ tranh Reproduction) . Quả thật không thể nào ngờ được một sự thay đổi toàn diện trong con người Tư Lù như thế. Hắn cười nói, đi lại, cử chỉ, hành động luôn có một vẻ tự tin hoàn toàn, không còn cái nét lù đù, ngớ ngẩn như hồi trong trại nữa.

Điều gì đã làm Tư Lù thay đổi hoàn toàn như vậy? Đến lúc ngồi bên ly Margaritas, nhâm nhi mấy món nhậu mà vợ Tư Lù làm sẵn, tôi mới hiểu mọi chuyện khi hắn kể.

Tư Lù gặp Mộng Thu, vợ sắp cưới của hắn trong một dịp rất tình cờ. Hắn ra phi trường Frankfurt tiễn đứa em họ ở Mỹ qua chơi về lại Mỹ. Lúc trở ra, hắn đi lạng quạng, lạc đường vào khu vực Gepaecks-Abholen (Baggages claim), gặp Mộng Thu mới từ VN qua, đang đứng lớ ngớ chờ lấy hành lý. Thấy hắn cũng đang quờ quạng tìm lối ra, tưởng hắn cũng mới từ VN qua, Mộng Thu hỏi:

- Chào anh! Anh chờ lấy hành lý hả, chuyến bay nào vậy?

Tư Lù giật mình khi được hỏi, hắn ngập ngừng:

- Không phải... cô! Tui...tui... người ở đây.

Mộng Thu thật tự nhiên:

- Vậy hả? Hân hạnh được biết anh. Em tên Mộng Thu.

Tư Lù ngẩn người ú ớ:

- Chào chị à...à. cô Thu! Tui...tui... tên Tôn.

Thế là hắn quen nàng từ hôm đó. Sau đó hắn mới biết là Mộng Thu là con một thiếu tướng đang có quyền hành trong quân đội của chế độ cộng sản, qua Đức du lịch. Rồi chẳng hiểu ma đưa lối, qủy dẫn đưòng thế nào mà trong suốt thời gian Mộng Thu ở Đức, Tư Lù nhất nhất làm theo lời Mộng Thu, trở thành tài xế đưa nàng đi khắp nơi, từ mua sắm, đi chợ, thăm chỗ này chỗ kia...và cuối cùng làm hôn thú với nàng. Từ một người lù đù, không giao thiệp, chơi bời với ai, không đi đây đi đó, chỉ biết đi làm, về nhà, ăn, ngủ, nghe nhạc, không TV, sách báo...Tư Lù trở nên hoạt bát, xông xáo, tìm đọc sách báo, sắm nguyên một bộ Computer lúc Window 95 bắt đầu xuất hiện trên thị trường để tự học, rồi mầy mò, surf trên internet...

Nghe lời Mộng Thu hắn bỏ việc làm, đi học nấu ăn, trở thành chef koch trong nhà hàng do Mộng Thu bỏ tiền ra sang cho. Đó là chuyện hai năm về trước, đám cưới ngày mai chỉ là hợp thức hoá cuộc tình duyên của hắn và Mộng Thu. Tui tò mò hỏi:

-Hồi trước tui nhớ, có lần nói chuyện anh chửi cộng sản dữ lắm mà, tụi công an xã, huyện làm anh xất bất, xang bang phải bỏ làng ra đi, sao giờ lấy con gái thiếu tướng cộng sản? Cộng sản chui vô tới tận giường rồi là phải đầu hàng, có đúng không?

Tư Lù cười hắc hắc, vỗ mạnh vai tui:

Lứa đôi
Nguồn: hatiwanita.wordpres s.com

- Không phải vậy! Trước khác, giờ khác chú em mày! Phải thay đổi tư duy mới sống nổi. Người ta buông súng đầu hàng, chú tui thì ngược lại, chĩa súng đầu hàng.

Hắn ngừng lại một chút rồi đổi giọng nói nhỏ hơn như muốn thì thầm vào tai tui:

- Ông già vợ tui giờ ngon lành lắm nghe, ổng đang chuyển tiền nhờ tui đứng tên mua Aktien (Stock) của Đức cho ổng, tui đang tìm sách, báo đọc, tìm hiểu cách chơi, mua bán làm sao..? Hay là...chú em mày có học, làm cố vấn cho tui đi. Mà chú em mày cũng nên.. lấy vợ đi, bà xã tui còn cô em kế coi cũng ngộ lắm, muốn, tui nói dùm một tiếng là xong ngay.

Tui mỉm cười:

- Thiệt không? Ngộ như bà xã anh không?

Tư Lù xăng xái, giọng trở lại bình thường:

- Thiệt mà! Coi ngộ hơn vợ tui nữa, Nó đi lên Stuttgart lấy đồ cưới rồi, chứ không chú em mày đã gặp. Ngày mai đám cưới, nó về chú em mày sẽ gặp nó, coi lời tui đúng hay không, nó đang chờ kiếm người “tử tế “để lấy. Chịu không? Lấy vợ đã lắm chú em mày ơi. Muốn cái là có liền, giờ tui mới hiểu hết ý nghiã thâm thúy cái tên mà mấy thằng mắc dịch bên đảo đặt cho tui.

Tui bật cười lớn:

- Hahaha ! Lấy vợ...đã thiệt, muốn là có liền hả anh Tư Lù? Giờ đêm ngủ, bả quậy anh hay anh quậy bả?

Tư Lù không trả lời, chỉ cười cười lẩm bẩm:

- Tư Lù… Lấy vợ đã thiệt!