Home Phiếm Các Tác Giả Câu chuyện "giao lưu"

Câu chuyện "giao lưu" PDF Print E-mail
Tác Giả: Đoàn Dự ghi chép   
Thứ Hai, 23 Tháng 2 Năm 2009 12:31

 Thưa quý bạn, trước đây Đoàn Dự tôi đã có dịp trình bày với quý bạn về việc dùng từ ngữ tại Việt Nam hiện nay, nhất là các từ phát xuất từ chữ Hán (ở Việt Nam thường gọi là từ Hán-Việt), nhiều khi khác hẳn với nghĩa tiếng Hán. Như quý bạn đã biết, tôi đã từng lấy ví dụ, khi chúng ta nói một anh chàng nào đó lang bạt kỳ hồ là ta nghĩ ngay rằng anh ta có thói quen phiêu bạt, nay đây mai đó, ít khi có mặt ở nhà.

 Nhưng thật ra, theo Tự điển Đào Duy Anh, ông giải thích rằng lang là con chó sói; bạt là dẫm, là đạp; kỳ là của nó (giống như chữ his, chữ her trong tiếng Anh. "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình": nghe tiếng cô ta mà chưa được nhìn thấy thân thể cô ta); hồ là cái yếm dải hay túm lông trước ngực của con chó sói. Vậy thì lang bạt kỳ hồ là tình trạng lúng túng, gỡ không ra giống như con chó sói đạp nhằm túm lông trước ngực của nó. Hoàn toàn khác với nghĩa tiếng Việt, chẳng có giang hồ giang hải gì cả. Nhưng ông Đào Duy Anh cũng nói từ ngữ là để dùng, người Việt quen dùng như thế thì cứ thế mà dùng cũng được, không cần câu nệ. Tôi không phải là kẻ câu nệ, tính tình bộc tuệch, ruột để ngoài da giống như lão ngoan đồng Chu Bá Thông, đến già vẫn cứ láo toét nên coi mình chẳng đáng một xu. Ở ngoài Bắc, tôi có người anh họ năm nay 69 tuổi, hơn tôi mấy tuổi. Anh ta tính theo tuổi "ta", tự tăng mình lên một tuổi, để râu dài, ăn nói cứ như ông cụ non, rồi hôm sau tết làm lễ thượng thọ, cả làng ai cũng gọi anh bằng cụ, anh có vẻ thích lắm. Trong khi đó thì ở trong Nam tụi tôi chỉ thích người ta gọi bằng anh, nhất là mấy cô choai choai, nghe mấy cổ kêu bằng anh, xưng em ngọt xớt, tôi mát cả ruột, thấy mình trẻ ra được tới... vài chục tuổi! Như vậy bạn thấy đằng nào lợi hơn?

 Trở lại câu chuyện "giao lưu". Như quý bạn đã biết, dưới chế độ CS, ngày trước người ta ra lệnh Việt hóa các từ Hán-Việt. Ví dụ người ta gọi nữ sinh là học trò gái, bộ đội nữ là bộ đội gái, nhà văn nữ là nhà văn gái (bây giờ thì bỏ những tiếng này đi rồi vì thấy nó kỳ quá), máy bay trực thăng là máy bay lên thẳng, hỏa tiễn là tên lửa v.v... Thậm chí địa danh các nước trong các bản đồ thế giới do Việt Nam xuất bản cũng phiên âm tiếng Việt. Bạn có thể biết Ốt-xtrây-li-a, Ốt-xtri-a là nước Úc và nước Áo, vì các nước đó quá quen thuộc (Australia, Austria), nhưng bạn không thể biết tỉnh U-Ta-Ra-Đi và thành phố U-Ta-Ra-Đi của Thái Lan tiếng Anh viết như thế nào, do đó bạn chịu thua, không thể tìm được trong các tự điển nước ngoài khi muốn nghiên cứu. Kết quả là người nghiên cứu, khi sử dụng bản đồ thế giới và cần tiếng Anh, tiếng Pháp, chẳng biết đường nào mà rờ. Ngược lại, những người ba đời đi gánh phân gánh tro, một chữ cắn làm đôi không biết, nay dù làm lớn tới cấp nào thì họ cũng chẳng thèm biết tới cái bản đồ thế giới làm gì. "Sự cố" diễn ra: việc phiên âm của các nhà đại trí thức tài cao học rộng nhưng kém suy nghĩ, "làm theo lệnh trên" tự nhiên trở thành vô dụng!

"Việt hóa" được một số từ thì người ta lại đẻ thêm ra nhiều từ khác. Sự cố, đảm bảo, dũng cảm, bức xúc, trăn trở  v.v... Ôi dào, đài truyền hình đang chiếu phim, bị đứt, phải ngừng một lúc thì nói đại là "vì lý do kỹ thuật" cho rồi, bày đặt "sự cố kỹ thuật" làm cái quái gì cho thêm nặng phần trình diễn. Còn "đảm bảo" tức là "bảo đảm"; tôi chả biết "đảm bảo" đúng hay "bảo đảm" đúng, nhưng theo ông Đào Duy Anh, "từ ngữ là để dùng, đã quen dùng như thế thì cứ thế mà dùng cũng được, không cần câu nệ". Theo tôi nghĩ, ngay tình trạng lúng túng, gỡ không ra như con chó sói đạp nhằm túm lông trước ngực của nó mà khi dùng sang tiếng Việt, trở thành con người giang hồ phiêu bạt còn được huống chi "bảo đảm" và "đảm bảo", cũng xem xem với nhau thôi, không khác nhau bao nhiêu. Tuy nhiên, bán hàng trong tiệm, bạn phải nói: "Bảo đảm với anh chị đây là hàng thiệt, không phải hàng giả của Trung Quốc", chứ nếu bạn nói: "Đảm bảo với anh chị đây là hàng thiệt..." thì "anh chị" sẽ bỏ đi mất tiêu, và ra đến ngoài họ sẽ nói với nhau: "Chưa nghe đã biết là dân Hà Nội rồi, hàng giả của Trung Quốc trăm phần trăm chứ thật sao nổi!..." Không hiểu tại sao cứ hễ những từ mới như thế là người ta lại cho là của Hà Nội, mà hễ Hà Nội là liên quan đến Trung Quốc, thật kỳ lạ!

 Bà chị tôi ở ngoài Bắc vào chơi, tôi hỏi mọi người ở ngoài ấy có mạnh khỏe không, chị nói: "Báo cáo với cậu, mọi người mạnh khỏe, bình thường. Năm nay rét hơn mọi năm nhưng cũng sống được, không đến nỗi nào"; Tôi bật cười: "Thôi chị ơi, em là em chị chứ có phải ai đâu mà chị báo cáo. Vào trong này mà chị cứ báo cáo như ở ngoài Bắc là không ai bằng lòng"; "Tại chị quen mồm mất rồi!"; "Ấy đấy, chị lại nói quen mồm, nói quen miệng thì nghe hay hơn"; "Ừ thì quen miệng, ở ngoài Bắc chỉ nói cái mồm, chả nói cái miệng bao giờ cả".

 Một từ mới mà tôi để ý, đó là hai tiếng "giao lưu". Tôi lấy ví dụ, một ca sĩ được mời lên sân khấu "giao lưu" với khán giả, tức là chuyện trò một cách thân mật, khán giả muốn hỏi gì thì hỏi nhưng toàn những câu nhẹ nhàng, không mang tính cách phỏng vấn: "Thưa ca sĩ X., bạn biết hát từ bao giờ ạ?"; "Tôi không biết hát. Tôi chỉ biết nhảy nhót như con loi choi và ăn mặc kỳ dị không giống ai hết thôi"; "Bạn không biết hát vậy tại sao người ta lại gọi bạn là ca sĩ?"; "Tại vì ông bầu. Cứ ông bầu giỏi, chịu khó lăng-xê thì mình trở thành ca sĩ"; "Ngoài việc nhảy nhót trên sân khấu, bạn còn biết làm gì nữa không?"; "Biết đóng phim. Mỗi cuốn tốn kém tới vài chục tỉ nhưng chẳng ai thèm coi"; "Tại sao người ta không coi?"; "Tại vì phim dở. Phim đã dở mà nội dung lại toàn tuyên truyền nên người ta không thèm coi"; "Không có ai coi tại sao người ta vẫn làm?"; "Đánh chén. Phim quay xong cho vô kho, tiền thì chia nhau đánh chén. Hàng mấy chục tỉ cho mỗi cuốn phim lấy từ tiền thuế của dân, đâu phải chuyện nhỏ?"; "Vậy tiền cát-sê của bạn được bao nhiêu?"; "Zê-rô. Hơn trăm ngàn bạc một ngày nhưng... thân tặng cho ông đạo diễn"... Đại khái giao lưu là như vậy, có gì thì nói huỵch toẹt, không cần úp mở. Thậm chí cách đây ít lâu, diễn viên Quyền Linh - một diễn viên cực kỳ nổi tiếng - khi chưa được mời đóng các phim quảng cáo như hiện nay, nghèo quá sống không nổi nên tủi thân, lúc "giao lưu" đã khóc ở trên sân khấu.

Về phần Đoàn Dự, chả phải ca sĩ, chả phải diễn viên nên chẳng ai thèm mời lên sân khấu làm gì. Đôi khi các vị độc giả ở nước ngoài thấy Đoàn Dự là tên trời đánh thánh vật nên thương tình, thỉnh thoảng gởi e-mail hoặc gọi điện thoại về "giao lưu" cho hắn đỡ đi lang thang "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình": "Alô, chú Đoàn Dự đấy phải không ạ?"; "Không, tôi là Đoàn Dự, không phải "chú" Đoàn Dự. Hơn bốn mươi năm trước tui mới 25 tuổi, làm chú sao được"; "Ô kê, nếu anh cho phép. Em muốn hỏi anh điều này..."; "Mười điều cũng được chứ không phải một điều..."; "Nhất trí. Ở Việt Nam em nghe nói có tiếng "U.50", "U.60"..., vậy chữ "U" đó là Upper hay Under, tức trên hay dưới 50-60 tuổi? Tụi em cứ cãi nhau, đứa nói Under, đứa nói Upper, chả biết đứa nào đúng đứa nào sai..."; "Under cô ạ, không phải Upper đâu. Tại vì hồi trước trong các kỳ Đại hội Thể thao Đông-Nam Á, tức SEA-games, người ta cho các vận động viên tự do, muốn bao nhiêu tuổi cũng được. Sau, họ thấy cùng một đội tuyển như thế, 2 năm một lần, cứ hễ đến kỳ SEA-games là lại thấy mặt các vận động viên quen thuộc, như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Minh Chiến, Đỗ Khải... của Việt Nam; Natipong, Thonglao, Kiatisak... của Thái Lan. Điều này có cái hại là toàn "bổn cũ soạn lại", SEA-games không tiến lên được. Họ bèn ra lệnh kể từ SEA-games 20 trở đi, tức từ năm 2002, các vận động viên bắt buộc phải từ 23 tuổi trở xuống, không được quá 23, nói vắn tắt là U.23, tức Under 23. Ngoài ra, họ còn tổ chức các giải bóng đá U.16 , U.19, U.20 dành cho thanh thiếu niên dưới 16, dưới 19, dưới 20. Như vậy chữ "U" phải là Under, không thể là Upper được"; "Ô kê, em hiểu rồi. Thế còn những tiếng như "thế hệ 8X", "thế hệ 9X" là sao?". "X là số 10 La-mã, tiêu biểu bằng số 0. "8X" là thế hệ các cô các cậu sinh trong các năm 1980s, còn "9X" là các cô các cậu sinh trong các năm 1990s"; "Vậy anh Đoàn Dự thuộc thế hệ mấy X?"; "Multi X, tức thế hệ... bảo tàng viện. Đoàn Dự hơi "bị" lớn tuổi rồi, đem bỏ vào bảo tàng viện là vừa"; "Tội nghiệp! Em hỏi thêm anh điều này nữa nha..."; "Mười điều cũng được, không cần một điều"; "Bên này đã đăng bài Chuyện Biển Hồ Campuchia của anh. Em và các bạn em đọc rồi. Tụi em thắc mắc không hiểu anh lấy tài liệu ở đâu mà nói rõ thế. Nào là Biển Hồ Tonle Sap dài 300 km, rộng 110 km, mỗi năm người ta đánh được tới 400,000 tấn cá chép bùn vảy bạc. Nào là trên sông Lan Thương của Trung Quốc có tới 14 cái đập thủy điện, đến mùa khô hạn làm chết các quốc gia bên dưới..."; "Lấy trong Nỗi Đau Xót Bồng Bềnh của ông NgyThanh đã đăng trên báo ở Canada và Hoa Kỳ chứ còn ở đâu nữa. Ông NgyThanh là nhà báo lớn, vừa là phóng viên vừa là một nhiếp ảnh gia đã cộng tác với nhiều cơ quan ngôn luận tại Sài Gòn trước năm 1975, đồng thời cũng là phóng viên chiến tranh cho hãng thông tấn Hoa Kỳ Associated Press, tập Nỗi Đau Xót Bồng Bềnh của ông rất có giá trị nên tôi phải dựa vào đấy mà viết chứ căn cứ vào các tài liệu khác sao được. Tôi sang Campuchia, hỏi các ngư dân Việt Nam đánh cá bên ấy, họ nói cá ở Biển Hồ bây giờ ít lắm chứ không như trước. Về Việt Nam, xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, có những con sông ở các nơi như Rạch Giá, An Giang, Châu Đốc bị nước mặn đổ vào, nông dân cày cấy không được. Rõ ràng là 14 cái đập thủy điện trên sông Lan Thương của Trung Quốc đang giết các quốc gia bên dưới, vậy mà họ vẫn cứ bênh Trung Quốc, coi Trung Quốc như ông chủ của họ. Trong khi đó thì ông NgyThanh rất thẳng thắn, kể rõ tên 14 con đập trên sông Lan Thương và tên các nhà khoa học người Anh, người Nhật đã lập báo cáo gửi lên Liên Hiệp Quốc. Vậy tôi phải theo ông ta chứ theo ai? Ngoài ra, tôi đoán ông NgyThanh cùng cỡ tuổi với các ông Nguyễn Đạt Thịnh, Văn Quang v.v..., tức là những nhà văn nhà báo nổi tiếng từ khi tôi còn là một chú nhóc học sinh trung học. Bây giờ đến lượt tôi viết văn, tôi theo các bậc đàn anh đó cho chắc ăn"; "Ô kê, em hỏi anh điều cuối cùng: anh và chú Văn Quang đi làm từ thiện với các anh em trong báo Văn Nghệ bên Úc nhiều hơn với các anh em bên Mỹ và Canada hay sao mà em thấy anh với chú Văn Quang thường nói đến các cuộc đi ấy nhiều hơn các nơi khác? Em ở Canada nên muốn biết rõ để khi nào có dịp về chơi thì đi theo anh với chú Văn Quang"; "Ông Văn Quang lớn tuổi rồi, hơn nữa lại lo cho các anh em TPB nên ít khi đi nơi này nơi khác. Anh em trong báo Văn Nghệ mỗi năm về một lần, thường là vào tháng 12, họ mời thì chúng tôi đi để kiếm tài liệu viết bài vậy thôi. Còn các trường hợp khác, độc giả gửi tiền nhờ chuyển, gửi theo đường bưu điện được thì tôi gửi, còn không thì tôi phải đi một mình, nhiều khi lặn lội vào các thôn xóm, toàn là đi xe Honda ôm, đau lưng với hai cái mông muốn chết, cô không đi được đâu". Tôi kể cho cô nghe ba lần tôi đi Bến Tre mấy hôm trước Tết, xuống Giồng Trôm, Mỏ Cày, phát quà cho hàng trăm gia đình nghèo, mỗi gia đình gồm 10 ký gạo, một thùng mì gói và 50 ngàn đồng chứ không phải nhỏ. "Toàn là của độc giả cả. Độc giả bảo thì tôi phải đi. Cô nên nhớ tôi không phải là người Công giáo nhưng nhìn ngôi nhà thờ đổ nát không còn phải là nhà thờ nữa, tôi xót cả ruột. Đối với tôi, muốn Công giáo hay Phật giáo tôi coi như nhau"; "Rồi làm sao anh còn thì giờ viết bài?"; "Phải cố gắng thôi. Nhiều khi tôi thức đến 2 hay 3 giờ sáng là chuyện bình thường". Và tôi nói thêm: "Cứ nghĩ đến trường hợp về mùa đông Canada tuyết phủ khắp mọi nơi, anh em trồng nho trong trại Jack Hender Farm đóng góp nhau gửi về 450 Gia kim giúp đồng bào nghèo, rồi một bà giáo ngày trước dạy ở trường Trưng Vương, nay 79 tuổi, giọng nói rất yếu, đang sống bên Mỹ, cố gắng gửi về 100 Mỹ kim: "Tùy ông Đoàn Dự quyết định, thấy đồng bào nào nghèo quá cần phải giúp đỡ thì giúp", rồi một chị làm nail cũng sống ở Mỹ, mỗi tháng gửi về 100 Mỹ kim: "đây là tiền tip của cháu, cháu cố gắng tiết kiệm để nhờ chú giúp cho các chú TPB mỗi tháng $50 và đồng bào nghèo $50"; tôi thấy tôi chẳng là cái gì cả, muốn Cà Mau, Bến Hải gì đó, cứ hễ độc giả bảo là tôi đi".
Thưa quý bạn, trong cuộc sống, dù thế nào đi chăng nữa vẫn có những con người với những tấm lòng.