Sửa Lại Dây Đờn ! |
Tác Giả: SE sưu tầm | ||||
Chúa Nhật, 26 Tháng 8 Năm 2012 07:07 | ||||
"... Coi kỹ trước khi quyết định chứ dây đờn mà cắt bỏ thì uổng đời lắm U à..." Ngày xưa con người ta mau già chứ ngày nay thì khác hẳn. Nhìn mấy ông mấy bà tóc tai đen nhánh hoặc đỏ đỏ nâu nâu; mắt kính to tổ chảng che mất cặp mắt xệ mí với 2 cái túi mỡ; quần jean áo thun hoặc váy đầm màu mè ôm cái bụng chỉ hơi lúp lúp; đố ai biết mấy khứa đó đã trên 60? Thế mới có bài thơ như thế này lưu truyền trên mạng: 60 CHƯA PHẢI ĐÃ GIÀ 75 LÀ TUỔI ĂN CHƠI. 100 CÓ LỆNH DIÊM VƯƠNG. Theo bài thơ trên tôi “mới” 60 tức là tuổi mới qua dậy thì. Tôi mới có một đời vợ; lúc nào cũng rạo rực xuân tình; mê đàn bà; mê rượu chè; và ham vui hết cỡ. Tôi còn rất dzui dzẻ, yêu đời và yêu người thì đùng một phát, lãnh ngay cái búa xì xồ của ông thiên lôi. Ổng phán là tôi bị ung thư tiền liệt tuyến. Nói theo tiếng Mỹ là tôi bị Prostate cancer. Khám ngoại khoa thông thường bác sĩ kiểm tra bằng đường hậu môn thì không bị gì cả. Nhưng theo kết quả thử máu hàng năm PSA(Prostate Specific Antigen )* của tôi là 2.5 nên họ gửi tôi đi thử sinh thiết tức Biopsy. Tôi bị đè ra dích 7 mẫu thịt ở cái “tuyến tiền liệt” để gởi đi xét nghiệm xem có bị ung thư không, và mới ba ngày sau bác sĩ gọi phone báo tin sét đánh cho biết tôi đã bị ung thư tiền liệt tuyến và đề nghị tôi nên trở lại gặp họ để định ngày mổ. Thật quả là xốc! Tôi choáng váng cả người! Giai đoạn chờ đợi kết quả biopsy tôi cũng có lo lo và nghĩ đến trường hợp xấu có thể xảy ra nhưng vẫn lạc quan nhiều hơn vì xét ra trong gia đình tôi đâu có lịch sử di truyền bịnh này. Và những triệu chứng như són tiểu, đái rắt, đái đêm, đau buốt khi đi tiểu tôi đâu có bị. Cục cưng nghe tôi báo hung tin mà nó lại thở ra cái phì làm như trút được một gánh nặng: - Khỏe re! Tối tối tha hồ ngủ ngon khỏi lo ông quậy. Biết nó lo nhưng giả bộ giỡn cho tôi không bị áp lực, tôi cũng tỉnh rụi đùa theo: - Đừng có hòng. Anh còn cả đống Viagra kìa. Hồi giờ chưa xài thì giờ có dịp thử cho biết. Tôi bị định ngày lên bàn mổ là 2 tháng sau vì bác sĩ bảo bịnh của tôi không đến nổi nặng lắm nên không cần mổ gấp. Theo tôi biết thường thường PSA nếu trên 3.00 mới nguy hiểm. Còn trường hợp của tôi mới 2.5 mà bác sĩ nghi ngờ và gởi đi biopsy rồi mổ tôi không rõ lý do tại sao. 1 người bạn bác sĩ của tôi ở California hỏi bạn ảnh là bác sĩ trưởng khoa Niếu đạo thì ông ta nói những bệnh nhân của ông nếu PSA từ 2.5 đến 3.00 ông ta chỉ để theo dõi chứ không Biopsy.. Tôi đi khám thêm một bác sĩ người Việt ở đây thì vị bác sĩ này lại khuyên tôi nên mổ khi còn khỏe vì để lâu không tốt. Trước sau gì cũng mổ mà. Bác sĩ còn bảo bây giờ cũng chưa thể biết được là các tế bào ung thư của tôi đã lây lan ra chưa, phải chờ khi mổ tiền liệt tuyến họ lấy mẫu tủy sống xét nghiệm thì mới biết được. Điều này làm tôi cứ âm ỉ lo lắng ngày đêm không biết bịnh tình của mình thế nào rồi, nếu nó đã di căn không biết có trị được không và còn sống thêm bao lâu. Tôi cũng tra cứu được là các nhà khoa học vừa nghiên cứu ra một loại thuốc ngăn ngừa không cho các tế bào của ung thư tiền liệt tuyến này bộc phát và lây lan. Hy vọng năm tới thành công. Nghe mà phấn khởi. Một cô bạn ở hãng đề nghị: - Nè! U đi Mayo Clinic ở Rochester khám lại cho chắc có đúng là bị Prostate Cancer không. Nhiều khi bác sĩ của U họ lầm lẫn sao. Thấy U còn tươi roi rói “Mi” không tin đâu. Coi kỹ trước khi quyết định chứ dây đờn mà cắt bỏ thì uổng đời lắm U à. Tôi đính chánh: - N đâu có cắt dây đờn. Chỉ sửa lại thôi à. Cô nàng hù và dụ: - Nghe nói 99% cuộc giải phẩu là đứt dây đờn mà. Bây giờ họ đang nghiên cứu tìm ra phương pháp chữa trị mới, biết đâu đến năm sau thì thuốc mới thành công U sẽ còn nguyên vẹn bộ đồ lòng. Tôi chán nản: - Thôi anh già rồi, đàn địch gì nữa. Bà xã anh bảo cắt dây đờn cho khỏi phải lo.. - Sao giờ U dễ bỏ cuộc vậy? Chỉ sợ đứt dây đờn rồi biến thái ngồi đó buồn bã không chịu làm thơ vui cho thiên hạ đọc thôi. Còn nước còn tát mà. U đi lấy thêm ý kiến của bác sĩ ở Mayo đi, để khỏi phải hối hận. “Mi” năn nỉ mà. Thấy cô nàng xuống giọng năn nỉ tôi xiêu lòng liền một khi. Chìu M một tí vốn dĩ là...nghề của chàng mà. Sẵn tên bạn bác sĩ cũng đã khuyên tôi cùng ý kiến như thế, thôi thì đi thử có mất gì đâu mà sợ. Tôi làm hẹn ở Mayo clinic và đi khám vài ngày sau. Bác sĩ ở đây giỏi có tiếng của nước Mỹ. Họ xem xét các xét nghiệm của tôi và cũng khuyên nên mổ: - Trong mấy mẫu xét nghiệm của ông thì mấy cái nằm phía dưới ok không nguy hiểm nhưng cái thứ bảy bên trên phía trái đo ra theo thang điểm (Gleason score) là 6, bên phải là 7 thì có nguy cơ lan tràn không nên để lâu. Theo dẫn giải của bác sĩ nếu thang điểm này chỉ từ 6 đến 7 thì sau 10 năm mới có nguy cơ. Còn lên đến 8 rất nguy hiểm sẽ lây lan ra những chỗ khác rất dễ chết người. Khả năng cao nhất di căn ra bọng đái, hoặc xương chậu ...Mấy chỗ này làm sao mổ mà thay được nên để di căn tới đó đi bán muối là cái chắc. Bịnh của tôi có từ 4 năm trước và không nguy hiểm, đáng lý ra còn lâu cỡ 5, 6 năm nữa mới phát thành ung thư nhưng vì tôi có nhiều chuyện lo lắng quá, thêm cái tật nhậu nhẹt lu bù cũng ảnh hưởng đến nó. Tôi nêu thắc mắc của mình ra hỏi về vụ tại sao với bệnh tình như vậy của tôi mà kết quả PSA chỉ 2.5 thì bác sĩ bảo nguyên nhân có thể là kết quả đo PSA không chính xác. Kỹ thuật hiện nay cho ra kết quả sai lệch thường vì bị ảnh hưởng bởi mấy lý do: 1) Người Á đông thường có kết quả PSA thấp hơn người Tây phương. Thí dụ PSA 2.5 của người châu Á có thể tương đương với 5.00 của người Tây phương. 2) Loại thuốc Symvastatin giảm Cholesteron sẽ làm cái test PSA thấp hơn là không uống. Mà tôi thì đang uống loại thuốc này. 3) Bụng bự cũng cho kết quả test PSA thấp xuống hơn con số thật sự. Và cái bụng của tôi thì ...lớn hơn cái trống cơm một chút... Cả 3 điều này đều trúng lên mình tôi nên mặc dù PSA chỉ là 2.5 nhưng thật sự phải cao hơn nhiều. Hèn chi! Nghe nói ở San Fransisco vừa trình bày một kỹ thuật mới xét nghiệm máu về ung thư tuyến tiền liệt với độ nhạy 95%, chính xác hơn kỹ thuật xét nghiệm máu hiện nay. Điều này giúp cho bệnh nhân tránh những thử nghiệm sinh thiết (biopsy) không cần thiết để chẩn đoán. Tôi hỏi bác sĩ thêm về cái nghiên cứu khoa học mới có thể ngăn ngừa phát triển xấu của bịnh ung thư tiền liệt tuyến bằng thuốc thang thì bác sĩ bảo vấn đề này cũng còn đang nghiên cứu và chưa được công nhận. Nếu tôi không mổ ngay mà chờ vài năm nữa bịnh sẽ di căn không tốt. Vậy là quyết định MỔ, chỉ phải chọn cách mổ nào thôi. Theo bác sĩ dẫn giải và theo nghiên cứu của tôi trong internet thì có 2 cách mổ ung thư tiền liệt tuyến là rạch bụng và mổ nội soi. Phương pháp rạch bụng đã có cả trăm năm nay rồi. Tưởng tượng cái bụng mình bị banh ra máu me tùm lum tà la và người ta thấy rõ bụng dạ của mình tôi không thích chút nào. Còn mổ nội soi thì chỉ đục năm cái lỗ nhỏ nơi bụng, cho các dụng cụ ánh sáng và mổ vào trong cơ thể. Phương pháp này nhờ robot mổ rất chính xác ít gây tổn hại đến các dây thần kinh gần đó. Thời gian mổ thì kéo dài hơn nhưng giảm thời gian hồi phục sau khi mổ hơn là phương pháp mổ rạch bụng. Tôi chọn phương pháp mổ nội soi ! Bề ngoài tôi cười giỡn làm như chẳng ăn nhằm gì, về già bệnh hoạn là chuyện nhỏ. Nhưng từng tí từng tí một, nổi lo và buồn cứ lớn dần. Tôi thấy thương con vợ cũng mới “dậy thì” của mình quá. Bao lâu nay “nó” cứ âm thầm sát cánh bên tôi trên đường đời, là cái gối dựa êm ái của tôi, là “cục nợ” đời tôi luôn muốn có, là “cục cưng” tôi chìu chuộng thương yêu những khi ...nổi hứng, là...tùm lum hầm bà lằng mà tôi muốn có...kiếp sau. Vậy mà kiếp này tôi cứ hoài cà chua cà cháo ăn hiếp hoặc chọc ghẹo nó. Nếu may mắn được chữa lành, anh hứa sẽ ...coi em là tất cả, sẽ ăn cơm nhà mà không đòi phở đòi bún gì cả, và sẽ dành hết cuộc đời còn lại cho em. (Bây giờ thấy thương bả quá thì hứa tùm lum tà la, nhưng lúc « Con vợ dậy thì » hay gọi cách khác là « Cục cưng » của tôi lâu nay nó ...khờ lắm. Mấy đứa con cũng vậy, đứa nào đứa nấy lớn đầu rồi mà không biết lo, và nhát cáy. Tôi là một thằng đàn ông đảm đang, lo từ việc lớn đến việc nhỏ trong gia đình. Từ chuyện mua nhà mua cửa, sửa sang máy móc đồ đạc vật dụng gia đình cho đến chuyện mua quần áo cho vợ con một tay tôi lo tất. Giờ nếu lỡ không may tôi mất đi thì làm sao con vợ dậy thì khờ dại này có thể sống nổi. Thật mới thấy thấm thía : « Con không cha như nhà không nóc, Phải nhờ mấy đứa em chăm sóc cho vợ con mình nếu lỡ mình đột ngột chầu trời.. Xẩy cha còn chú mà. Tôi nghĩ ngợi tùm lum tà la. Tôi cũng lo không biết ca mổ của mình sẽ thế nào, bác sĩ có thể nào làm đứt dây đờn để mình thành thái giám không. Mặc dù bây giờ « nó » không còn hoạt động thường xuyên nữa nhưng có lai rai dù gì cũng còn hơn không. Rồi nếu bịnh mình đã di căn không còn sống bao lâu nữa thì phải làm những gì để yên tâm nhắm mắt...Tôi nghĩ ra đủ thứ chuyện mình đã chưa làm, chưa kịp làm và chưa hoàn tất cho vợ con, gia đình, bạn bè, xã hội, và ngay cả đối với chính mình...Nếu may mắn bình an khỏe mạnh lại tôi sẽ làm tất cả, không phí thời giờ vào những chuyện không đâu nữa. Bạn bè ít ai biết tôi đang bị bịnh ! Vợ con và người thân có biết cũng nghĩ tôi bản lĩnh và chì một cây nên bịnh này đối với tôi chỉ là chuyện nhỏ. Chẳng vậy sao ? Tôi vẫn tửng tửng chọc ghẹo hết người này người nọ nhất là « cục cưng » của mình: - Mổ xong em cho anh về Việt nam một mình nhen. Cục cưng dãy nãy lên liền : - Anh nói anh có nhiều thuốc Viagra mà. Không được. * Rồi cái ngày « thiến » cũng đến. Tôi phải nhịn đói và xổ ruột một đêm trước ngày mổ. Phải nhịn rượu, nhịn ăn và chạy ra chạy vào phòng vệ sinh suốt đêm mệt nhừ. Thằng em tôi còn đem tôm rang muối tới nhà nhậu nhem thèm ông anh nữa chứ. Nó cứ xúi : - Thèm thì làm vài con đi. Xổ ra không hết thì khi mổ bác sĩ sẽ gắp ra cho mà ! Cục cưng của tôi thì buồn ra mặt. Nó không dấu nổi sự lo lắng của mình. Nó cũng sợ như tôi nhưng không nói ra. Lỡ biết đâu xui xẻo lúc gây mê rồi không tỉnh dậy làm sao. Trường hợp này cũng đã xảy ra. Ca mổ của tôi thuộc loại đại phẩu trong ngành niếu đạo chứ chơi à. Tôi nhập viện lúc 11 giờ sáng. Làm ba cái thủ tục giấy tờ, đo huyết áp, nhiệt độ cho đến 1 giờ chiều thì được đẩy vào phòng mổ. Cuộc chia tay tạm thời nhưng cục cưng của tôi cứ bịn rịn mắt đỏ cả lên. Mặc dù cũng lo nhưng để an ủi nó tôi giỡ giọng dê ra chọc : - Lành bệnh xong em cưới cho anh thêm một bà nữa nhen. Cục cưng tôi cười méo xẹo gật đầu : - Ờ, mấy bà cũng được. Ông nỡm ! Tôi xiết tay nàng : - Nhớ lời đó nghe cưng ! Tí nữa gặp ! Mấy đứa em và con tôi mỗi người một câu động viên nhặng xị cả lên. Mới thấy đến giây phút quan trọng của cuộc đời, người thân lúc nào cũng quan trọng, là niềm an ủi, là cổ võ tinh thần, và là mục đích để mình còn lưu luyến mà muốn níu kéo với cuộc sống.. Mọi người chờ đợi ở phòng ngoài. Xem computer thấy đến 2 :15 PM bắt đầu giải giẫu. Cho đến 4 : 30 chiều là xong và tôi được chuyển qua phòng hồi sức. Hai tiếng sau tôi tỉnh dậy, cái đầu nặng như đeo đá, chóng mặt, bụng căng cứng và cảm thấy khó chịu ở phần hạ bộ hết sức, nhưng chắc cái máu háo sắc nó mạnh quá nên tôi vẫn cảm nhận được 2 cô y tá sao mà đẹp ơi là đẹp. Cô thì tóc vàng mắt xanh. Cô thì mắt nâu tóc nâu. Mặt đã đẹp mà thân hình thì hết chỗ chê. Cô tóc vàng giới thiệu tên của cô bạn và của mình, dịu dàng hỏi thăm tôi và cho biết ca mổ của tôi rất tốt. Bác sĩ đã gắn một cái ống dẫn tiểu vào đường tiểu của tôi để nước tiểu tự động chảy ra ngoài vào một cái bịch. Người nhà tôi được phép vào phòng thăm. Nhìn mặt ai cũng tỏ vẻ lo lắng, ái ngại và đau xót, tôi cất giọng khàn khàn nói : - 2 cô y tá đẹp quá. Cả nhà về hết đi chỉ cần để 2 cô y tá này lại cho anh. Nghe tôi giở giọng cà giỡn, nét lo âu trên mặt của họ tan biến nhanh. Thằng em tôi cười nói : - Ổng dê được là không sao rồi. Thằng bạn tôi khen : - Mày mổ xong mà sao tao thấy hồng hào đẹp trai hơn trước đó nghen. - Mày không thấy 2 cô y tá đẹp quá trời sao, nhìn cổ là tao bừng bừng lên hà. Bịnh hoạn đau đớn phải ráng mà chịu, phải dấu trong lòng, có than van cũng không đỡ hơn mà tội cho người xung quanh cho nên khi còn người nhà ở đó, tôi vẫn giỡ giọng bỡn cợt ra cho họ an tâm. Nhưng vẫn là người biết rõ ý tôi, cục cưng nói : - Thôi anh ráng ngủ đi cho khỏe, bọn em ra ngoài. Tôi nằm nhà thương hai ngày rồi về nhà, bác sĩ cho biết cuộc giải phẫu đã diễn biến rất tốt và khi mổ họ đã lấy một ít tủy sống trong xương khu để xét nghiệm xem ung thư có di căn ra chưa. Tôi được giải phẫu hôm thứ ba và bác sĩ hẹn tôi thứ năm tuần tới tái khám để tháo gỡ cái ống dẫn tiểu. Bây giờ đi đâu tôi cũng phải mang theo bọc tiểu và dây nhợ lòng thòng. Dây thần kinh và các cơ của việc tiểu tiện không co thắt như trước đây mà tự động tháo nước. Cái ống dẫn nước tiểu này làm tôi rất khó chịu, cảm giác vướng víu và căng ở bụng, ở phần tiểu tiện, vậy mà phải mang nó cả chục ngày mới được tháo gỡ. Tôi còn may chứ có người bạn phải mang nó đến hai tuần hoặc lâu hơn. Bên cạnh cái nổi khó chịu này tôi cứ hồi hộp và lo ngay ngáy không biết kết quả xét nghiệm ung thư của mình thế nào rồi, ung thư đã di căn ra chưa ? Rồi lại lo lỡ tới ngày tái khám mà bác sĩ lại phán là chưa tốt để tháo gỡ cái ống dẫn tiểu và hẹn thêm một tuần nữa chắc tôi khóc òa tại chỗ. Tôi đếm từng giờ, từng ngày mong cho thời gian qua mau để tháo phứt cái của nợ kia cho khỏe tấm thân già. Cũng may ! Thứ Năm ngày hẹn tôi gặp bác sĩ thấy mặt ổng tươi rói và cười đẹp ơi là đẹp. Ông ta bắt tay tôi : - Chúc mừng ông ! Kết quả xét nghiệm cho thấy ung thư của ông không lây lan chỗ nào cả. Bịnh của ông đã hoàn toàn chữa khỏi. Tôi như trút được một gánh nặng ngàn cân, người nhẹ bỗng, sướng ơi là sướng ! Quên mất hỏi ông ta là dây đờn của mình có còn đờn từng tứng tưng được không nữa chứ. Thôi cái đó để tính sau. Đời mình nay còn dài mà ! Tháo cái ống dẫn tiểu ra xong tôi phải mang tã như em bé mới sinh. Khi ngồi rồi đứng lên, nước tiểu tự động tuôn ra tã xối xã. Nghe nói các dây thần kinh và cơ thịt này phải 1, 2 tuần nữa mới phục hồi sự co thắt như xưa được. Buồn buồn cám cảnh của mình tôi làm thơ tự nhạo : « Ta thấy trong ta nó buồn buồn Đúng 1 tháng sau khi mổ, tôi hoàn toàn không bị tình trạng nước tiểu tự tuôn nữa, ngay cả lúc cười lớn hoặc ách xì cũng không bị xón. Cục cưng mừng ra mặt, nàng rúc vào lòng tôi như cái thưở mấy chục năm trước hai đứa mới ...lấy nhau. Ôi chao! Cảm động hết sức! Bỗng dưng tôi thấy hình như dây đờn của mình vừa rung lên tích tịch tình tang...
|