Home Phiếm Các Tác Giả Nghĩa tử là nghĩa tận

Nghĩa tử là nghĩa tận PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Ngọc Tuấn   
Thứ Sáu, 09 Tháng 3 Năm 2012 22:53

Tốt nghiệp Nhạc Viện chưa xin được việc làm.

Phường bát âm
 
Tôi chơi nhạc đám cưới, vũ trường, đệm đàn cho các ca sĩ hạng Phường, Quận, thi thoảng leo tới cấp Thành Phố… vẫn xác xơ chẳng đủ tram miệng, dạ dầy bữa đầy bữa vơi “điểm phổi” bằng thuốc lào hay thuốc lá nhìn kẻ no đủ lượn Dream rồi mơ tưởng đời mình tới lúc thăng hoa….

Anh Lễ nói: “Hãy ly dị phố phường theo chúng tao vài năm mày sẽ thoát kiếp sâu bọ”.

•- Thế các anh làm gì? Tôi hỏi (thoáng nghĩ trong đầu một đường giây buôn lậu ma túy). Anh Lễ bảo: “Chơi nhạc đám ma”. Khi cuộc sống đã lên tới cao trào của sự lòe loẹt kẻ giầu tiền thường đem cái chết của người thân để triển lãm lòng hiếu hạnh, nếu không có quy luật sinh tử họ chẳng biết thể hiện chữ hiếu ra sao. Chính vì vậy, họ chi rất đẹp cho các thủ tuc tiễn đưa người quá cố về thế giới bên kia, phường bát âm hoặc những người làm nghề khóc thuê qua đó cũng được nhờ.

Thế là tôi tạm xa thành phố theo phường bát âm xuôi ngược khắp nơi…
Nhờ khả năng cảm âm thiên phú, chỉ vài buổi tập tôi đã sử dụng thành thạo cây đàn tam anh Lễ giao cho, cũng chẳng mấy khó khăn tôi nắm vững quy luật hòa âm giản đơn ở các phường bát âm thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tôi hỏi anh Thứ (người thổi kèn): “chỉ có năm sao lại gọi là bát âm?”. Anh Thứ trả lời : “Tao cũng đếch biết! Trước thì đủ cả tám giờ còn năm vừa vặn một mâm gia chủ khỏi thêm bát đũa cho phường”. Lúc trẻ, anh Thứ thổi kèn Trompest trong “Đội Quân Nhạc” chuyên tiếp đón nguyên thủ quốc gia ngoại quốc hoặc trong ngày lễ trọng đại, và các cuộc họp quan trọng của chính phủ. Khi mất sức, anh mang quân hàm thượng úy, gia nhập phường bát âm với anh Lễ nhờ bạn bè giới thiệu. Anh Thứ rất thương đứa con gái út, lúc tan đám, anh hay xin nhà chủ gói xôi miếng giò mang về cho nó. Anh bảo: “Từ ngày theo phường con tôi đỏ da thắm thịt, càng nhiều người chết nó sẽ béo lên”.

Linh hồn kiêm cán bộ tổ chức phường bát âm tên Tiết, anh có biệt tài thám tử nắm rất chắc lý lịch các gia đình “máu mặt” trong phạm vi 100 cây số. Giàu lâu hay mới phất, địa vị xã hội ra sao, chết vì nguyên do gì? Anh biết tường tận tới đường tơ kẽ tóc. Vốn làm giáo viên giảng dậy môn Tâm Lý, chỉ thoáng dăm câu đôi điều anh đã nắm bắt được tình hình, dù gia đình đang lúc tang gia bối rối.

•1. Đám ma bố ông Tổng giám đốc

Nhà ông Tổng cách trung tâm thành phố 20 cây số. Ông tiếp phường bát âm với phong cách xuề xòa: “Tôi không thích ở thành phố dù được phân nhà. Các anh cứ đàn thật lâm ly, mấy cô khóc thuê thì gào cho thật thảm thiết, bao nhiêu tôi cũng chi”. Anh Tiết thì thào: “Bố ông ấy chết vì suy nhược thần kinh”. Tôi hỏi: “Sao anh biết?”. Anh Tiết bảo: “Nhà nhiều của thì lo ngay ngáy ăn không ngon ngủ chẳng yên, chưa biết lúc nào vỡ ổ, ngậm sâm Cao Ly thì cũng giống củ khoai hà.
… Cỗ quan tài nằm giữa căn phòng rộng thênh thang, chính giữa bàn thờ là trầm hương tỏa khói. Phường bát âm ngồi cạnh linh cữu trên chiếc chiếu Nga Sơn. Rượu ngoại, thuốc lá ba số 5 cứ hết lại được tiếp. Tôi xả láng trong lúc nghỉ, anh Lễ mắt trước mắt sau rút trộm thuốc lá, còn anh Tiết ngang nhiên cầm chai rượu tuồn vào túi, miệng lẩm bẩm: “Mang ra chợ hàng Da cũng xấp xỉ nửa chỉ”. Anh Thứ lầu bầu: “Tụi mình giống con kền kền chuyên ăn thịt xác chết”. Anh Thức (người đánh trống trong phường) bảo: “Đời là mấy tí, chẳng mấy khi trấn lột các ông quan hợp pháp”.
Tôi ngồi đàn như kẻ vô hồn, nhìn mấy ngọn nến chập chờn trên nắp quan tài. Ai cũng đều kết thúc tại vị trí này, con người sinh ra, sướng khổ, vinh quang, quyền lực hay nghèo hèn khốn khó đều giống nhau. Cuộc đời thật tạm bợ, thần chết cào bằng tất cả…
… Tiềng người khóc thuê lên bổng xuống trầm, nghẹn ngào, khắc khoải:
Con yêu bố/Hiếu với bố như hiếu với dân…
Ông Tổng nói với phường bát âm: “Lời bài khóc do tôi sáng tác, các anh thấy trong đó vừa mang tình văn học lại không mất quan điểm. Anh Lễ bảo: “Tuyệt vời, bác có khả năng duy mỹ”. Ông Tổng nói: “Duy vật chứ!”. Anh Tiết góp vào: “Cả hai!”. Ngoài ra nó còn mang nhạc tính. Ông Tổng xua tay: “Các anh nói hơi khó hiểu, mặc dù tôi biết là lời khen”.

À! Khi khách tới đông nhờ mấy anh chơi bản nhạc “Diệt Phát Xít” cho không khí thêm hùng tráng.
•- Vâng! Phường chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng – anh Thứ bảo.
Tiếng xe, tiếng người ồn ào…
•- Dạ! Mời các quý vị… Quý hóa quá!… Ông cụ nhà tôi chắc mát lòng mát dạ…
•- Cụ “đi” từ lúc nào?
•- Hôm qua, lúc chính ngọ…
•- Thủ trưởng yên tâm, em sẽ cho đăng trên báo, em tạm mượn bức ảnh cụ nhà, in vào mục chia buồn để thêm phần trang trọng…
•- Hết bao nhiêu?
•- Em ủng hộ vô tư coi như con cháu trong nhà tiền nong làm gì, nếu được chỉ xin thủ trưởng cái chữ ký vào bản hợp đồng chuyển nhượng…
•- Cứ từ từ, đợi qua ngày mở cửa mả. Có quen ai bên tờ “Thi văn” không?
•- Thằng bạn em phụ trách phần biên tập thơ của tạp chí…
•- Tốt! Cậu nhờ anh ta làm bài thơ ca ngợi ông cụ, tôi sẽ tóm tắt quá trình quê quán, đức độ cụ nhà…
•- Tưởng gì chứ việc đó thằng em làm một phát ăn ngay…
Kìn kìn vòng hoa các cơ quan đoàn thể từ thấp tới cao đề hàng chữ Kính viếng… Vô cùng thương tiếc… Cỗ bàn được bày ra, nếu vắng những người khóc thuê và tiếng nhạc nỉ non của phường bát âm rất dễ lầm đây là đám cưới. Khách, chủ đều tươi cười nâng ly chúc tụng nhau. Vợ ông chủ tich nói: “Đám nhà tôi có vui không quý vị?”.
•- Vui, vui lắm, còn hơn cả tết. Cũng nhờ cụ qua đời anh em chúng ta mới được hân hạnh gặp nhau đông đủ như ngày hôm nay.
•- Mời anh em nhạc sĩ ngừng tay xơi bữa cơm dưa muối – ông Tổng nói với phường bát âm…
Nhìn các món trên bàn, anh Tiết bảo: “Dưa muối kiều này còn hơn thịt cá nhà tôi”. Anh Thứ nói: “Thịnh soạn như vậy là con cháu hiếu thảo lắm!”. Anh Lễ hỏi: “Hết khoảng mấy cây hở các huynh?” Tôi bảo: “Không liên quan gì đến chúng ta, mấy cây cũng vậy.” Xin mời các đại sư huynh khai chiến với đĩa thịt gà – nào nâng đũa!

Ông Tổng nói với thực khách: “Làng tôi sinh nhiều anh hùng, ngay đầu làng dựng đền thờ vị thành hoàng có tài đánh giặc…”
•- Chắc thành hoàng đem lại ấm no cho toàn dân? Ai đó hỏi ông chủ tịch.
•- Làng tôi vẫn nghèo nhưng giàu lòng yêu nước.
Đám kết thúc. Ông Tổng cùng vợ tiếp phường bát âm vào buổi chiều ngày hôm sau:
•- Cám ơn các anh, ông quay sang hỏi vợ: “Thế nào?” “Lãi mình ạ! Tiền phúng viếng hơn chục triệu, chưa kể đồ mừng.” – Vợ ông trả lời.
•- Vậy bồi dưỡng thêm cho mỗi người năm chục ngàn…

Trên đường về anh Tiết bảo: “Cứ đà này, tôi chỉ mong các bậc giàu tiền lần lượt quy tiên.” Anh Thứ thì nói (sau khi đếm tiền): “Cái chết của các bậc quyền quý lợi nhiều hơn hại, nó đem lại cho chúng ta nguồn sống, nó giúp chúng ta tồn tại và nếu chúng ta sống mạnh sống hùng thì cả dân tộc hồng hào. Khuôn mặt xanh xao truyền thống sẽ đổi màu, dạ dày chẳng còn sôi réo đòi báo động.

Tôi bảo: “Có nghĩa chiến tranh hết đe dọa”. Anh Thứ gắt: “Tầm bậy! Giống người khi đủ ăn rồi họ lại đòi hỏi nhu cầu khác”. Tôi hỏi: “Nhu cầu gì?” Anh Tiết nói: “Mày chỉ đáng ăn cứt khi hỏi câu này”. Anh Lễ cười: “Nếu vậy thì tổ quốc dấu yêu hết cả cứt vì rất nhiều thằng hỏi như nó…”

•2. Đám ma bố ông X

X – trẻ trung, vẻ mặt đa mưu. Không hổ danh “hậu sinh khả úy”, vợ con rồi X vẫn ngủ thêm với nhiều cô gái qua các cuộc tình đã đóng bảo hiểm. Điều đó chứng tỏ X sòng phẳng, thận trọng và thấp thoáng nhân tính. X nói với phường bát âm: “Tôi cần các anh”. Anh Thứ hỏi: “Chúng tôi phải làm gi?”. X nói: “Yêu cầu nét mặt biểu hiện sự đau thương tới tột cùng”. Anh Lễ hỏi: “Giá cho sự đau thương là bao nhiêu?” X trả lời: “Một triệu?” Tôi nói: “Khi nhạc sĩ phải đóng vai kịch sĩ cũng chẳng mấy dễ dàng, xin anh hai triệu”. X trả lời: “OK!”.

… Anh Tiết nói với tôi: “Mày đã bắt đầu biết cách nâng cao giá trị tập thể, tao kiêu hãnh vì mày, chúng ta không thể sống theo kiều bầy đàn nguyên thủy, một cộng đồng có sức sống mạnh mẽ đòi hỏi tính liên kết bất vụ lợi. Hôm nay, trước linh hồn bậc cao niên khả kính tao xin thề, thương mày nhiều hơn nữa và thực hiện tốt chiến thuật “kẻ tung người hứng”. Anh Thứ bảo: “Hoan hô các Khanh! Vương quốc sẽ hùng mạnh, ngày mai Trẫm khao thưởng tất cả bữa lẩu dê ở phố Lê Duẩn”. Anh Lễ bảo: “Món dái dê hấp cách thủy rất tuyệt. Tôi nói: “Hôi bỏ mẹ!”. Anh Thứ bảo: “Vấn đề này mày vẫn còn đần độn, tao sẽ dậy dỗ mày có cái nhìn mang tính khoa học, tính triết lý Phương Đông và nhân bản trước những món ăn được chế tác từ bộ phận sinh dục, nó huyền bí, cao cả, thiêng liêng… Anh Tiết nói: “Chưa đủ, còn phảng phất mùi thiền”.

Đám ma bố ông X không ồn ào, người trong nhà nói nhỏ với nhau tựa tiếng khóc thút thít, khung cảnh lạnh lẽo gây cảm giác rờn rợn. Anh Thức ngừng tay trống lí nhí: Tao thấy giống như là chuyện Liêu Trai. Người đàn bà phụ trách công việc tiếp rượu, thuốc cho phường bát âm còn trẻ, vành khăn tang chít hờ hững ngang đầu làm tăng thêm nét đẹp quý phái, bộ tang lễ màu trắng mỏng dính như váy ngủ để lộ thân hình hoa hậu. Anh Tiết bảo: “Cô bồ ruột của cái ông đang nằm trong quan tài”. Anh Lễ nói: Kiểu “già non ngãi non vợ chồng”. Anh Thứ bảo: “Nhìn bộ đồ tang phủ trên mình người đẹp khiến chim tôi cứng ngắc, ăn mặc kiều đấy cũng gần giống trần truồng”. Anh Tiết nói: “Thôi, xin bố hãy tập trung chơi nhạc.”. Tôi hỏi anh Tiết: “Vợ ông ấy không ghen?” Anh Tiết bảo: “Bà khuất núi trước chồng hai tháng, cho nên cô bồ mới ngang nhiên tiếm quyền”…

Tang lễ bố ông X sang trọng xong trang nghiêm, bình dị. Người tinh tế tới dự thấy gần giống một âm mưu khiến họ phải dè dặt, ý tứ. Các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, đồ uống cũng thế, rượu làng Vân thay thế vị trí rượu phương Tây. Từ giàn âm thanh đời mới cứ khoảng nửa tiếng đồng hồ lại phát cuốn băng ghi âm giọng nói bố ông X đọc lời khai mạc buổi hội thảo mang chủ đề ” Bàn về văn hoá tang lễ”. Anh Thức bảo: “Đám này phường mình nhàn hạ”. Tôi nói: “Sự có mặt của phường bát âm chỉ mang giá trị vật trang sức”. Anh Thứ bảo: “Thôi đi các bố! Tôi chỉ quan tâm mấy tờ giấy có mệnh giá cao… Tôi nói: “Giọng nói người chết nghe khá hào hùng, bài diễn văn hay đấy chứ!” Anh Lễ bảo: “Tao nghe thấy giống kiểu quảng cáo thuốc chữa hôi nách, sâu răng, hắc lào, bệnh lậu của gánh thuốc ” Sơn đông mãi võ” “.

Đêm rằm. Tôi không ngủ mà đi dạo quanh khu vườn nhà ông X. Trăng sáng quá, các anh trong phường bát âm chắc đã ngủ ngon, nhìn trăng, nhìn cảnh vật tôi bỗng nhớ tới hai câu thơ của một thi sĩ nhà quê:
…Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem trăng sáng vãi ngang vườn chè…

Vườn nhà ông X không có chè, toàn cây ăn quả, chậu cảnh. Bóng ai mặc bộ đồ trắng thoáng hiện. Ma! Tôi sởn gai ốc, xong không phải, đó là cô bồ ruột của bố ông X (hiện đang nằm trong quan tài). Cô không hiện diện một mình, ông X đứng cạnh…

Tiếng ông X: “Anh phải có trách nhiệm thừa kế những gì bố anh để lại, giờ đây chúng mình không phải lén lút như trước”. Giọng cô gái: “Bố con nhà anh giống hệt nhau”. Ông X hỏi: “Anh với bố, ai làm cho em sướng nhiều?” Cô gái bảo: “Anh hùng hổ nghiến ngấu, bố anh từ tốn dẻo dai, ai cũng làm em thích …” Ông X đè lên cô, tiếng hổn hển, tiếng rên trong cơn khoái lạc hệt như tiếng thú. Bộ đồ tang bị xé nát… Trăng sáng lắm nên tôi nhìn rõ vòng tay cô bồ bố ông X xiết chặt nồng nàn, quằn quại và đam mê.

Anh Lễ nói (ở quán lẩu dê trên đường Lê Duẩn): “Món dái dê hấp cách thủy thật tuyệt!”. Anh Thứ bảo: “Vừa có hợp đồng. Ngày mai phường mình chơi nhạc cho đám ma con chó nhà một đại gia mua bán bất động sản, Các khanh nghĩ thể nào?” Anh Tiết trả lời: “Người hay súc vật đều giống nhau thôi không có gi phải băn khoăn…”.

Thành phố lên đèn, tôi vật vờ vô định thoáng nghe bên tai tiếng dương cầm giai điệu bản “Giao hưởng số chin, cung rê thứ” của L.V. BeeThoVen mà tôi học ngày nào. Hiện tại, tôi chơi nhạc đám ma. Cái chết – quy luật tất yếu giúp tôi sinh tồn, các giá trị nghệ thuật cao quý chỉ còn là hoài niệm!.