Khói Nắng |
Tác Giả: Nguyễn Ngọc Tư | |||
Thứ Tư, 22 Tháng 2 Năm 2012 13:16 | |||
Chị vợ nói nấu nướng đã xong rồi, chừng nào muốn cúng thì kêu người trong bếp dọn ra. Anh ngóng ra con đường vắng ngắt chạy vắt ngang nhà, kêu chờ thêm chút nữa, “còn sớm…”. Giọng anh lẩy bẩy, vì cái vạt nắng sáng xiên vào hàng ba đã sắp đứng dậy thẳng lưng đi ra khỏi đó rồi. Nghĩa là đã sắp trưa. Chắc con Ba Hạnh đã chèo xuồng qua khỏi doi Chà Là, thằng Tư Thạnh cố vét thêm cuốc xe ôm nữa, cũng sắp ghé qua. Năm Vui biết đâu đón xe đò ở đầu lộ thứ Mười, hoặc đã lên xe rồi nhưng xe chết máy dọc đường. Mọi người sẽ về đủ mặt, anh tin vậy. Hôm nay là giỗ bà già. Năm nào vợ anh cũng lẳng lặng chuẩn bị nấu sáu mâm. Sáng qua chị bỗng hỏi năm nay mình có tính làm gọn không. Anh nạt, “nấu vậy ai ăn ai nhịn, bà con cười tui thúi đầu…”, rồi đùng đùng đá sập giàn củi, đi te te ra mé đìa, ạch đụi quăng chài. Lưới chài cứ vướng lại đâu đó, anh nhảy ào xuống, người đầm đìa nước. Vợ tần ngần ngó theo chồng, chụm thêm củi vào nồi bánh tét, nghe cay xè mắt mũi, dù gió đã mang khói ngược phía khác. Chị nhớ giỗ năm ngoái dư đến mấy mâm, dọn dẹp xong cả nhà buồn như con chù ụ. Giỗ đó anh không uống giọt rượu nào, lắc võng suốt buổi chiều như đã chìm lút không dậy được nữa. Cả nhà vẫn nhớ lần say cuối của anh là vào mùng ba tháng sáu năm kia. Họ nhớ cả quang cảnh hôm đó : trời rất thấp, gió cồn cào và trong nhà nghẽn đặc không khí bệnh tật. Mùi lá xông giải cảm, mùi dầu cù là, mùi chiếu gối ẩm ướt… ám lên gương mặt của những người lượn lờ quanh cái giường tối, nơi tía anh nằm thoi thóp. Cuối chiều anh đi nhậu về, hơi thở anh góp vào cái không khí vốn không mấy dễ chịu thêm cái mùi hèm lộn mửa. Khi loạng choạng ngang qua chỗ ông già, anh lè nhè vỗ vai xương xẩu của tía cười khơ khớ, chiến hữu bữa nay ngồi uống vài ly đi chớ, chân anh đá trúng bô nước tiểu làm nó văng tung tóe. Ông già nhợt nhạt, đấm ngực nói, “thằng trời đánh này không phải con tao”. Nói xong ông già cấm khẩu, ba bữa sau ông qua đời. Mày không phải con tao. Câu nói hụt hơi chống gậy đi từ miệng của một ông già đau sát chiếu, lại mạnh mẽ đến mức xuyên qua vách, qua tai, va đập vào não của dân Xẻo Quao. Người ta nói hèn chi cặp chân mày rậm rịt của anh không giống ông bà già xíu nào. Họ nhận ra anh cao ráo hơn mấy đứa em. Họ nhắc nhau, đận đó ông già thằng Sáng đi buôn đường mía mỗi chuyến chừng năm bảy bữa mới đáo qua thăm nhà. Họ nhớ anh là đứa bị ông già đánh đòn nhiều nhất, có lần ông còn trói anh vô gốc ổi bỏ đói cả buổi. Má anh hay bị chồng nặng nhẹ, “bà đội con bà lên đầu nên nó sanh hư…”, cái chữ “con bà” có ẩn ý, biết đâu. Mọi người gật gù kết luận, nguyên cả gánh chỉ có thằng đó là phá của, ham chơi, suốt ngày say xỉn. “Tía giận thì ổng nói vậy thôi”, anh nói với khắp láng giềng, với mấy đứa em, lượm mót từng cái gật đầu. Đứa con ngỗ ngược thường bị cha mẹ chửi té tát là nó không giống họ, không phải con họ, con họ thì đâu có tệ hệ nông nỗi vậy… kiểu đó thiên hạ thiếu chi. Nhưng thiên hạ không câu đó như những lời trăn trối cuối cùng, họ chỉ chửi với theo trong lúc cầm roi rượt thằng ngỗ ngược chạy ngời ngời ngoài ruộng, hoặc lúc nó đang nằm sấp chờ đánh đòn trên bộ ngựa, hoặc nó đang trốn trên tuốt đọt cây dừa. Tía anh thì nói như thể vét hết bao nhiêu tàn hơi để nhắn một thông điệp tối quan trọng. Và ông già dùng cái chết của mình để làm một cái dấu chấm bạo tàn. Bà Út nói tội nghiệp, thằng Hai bị cắt chảy máu. Bà già mù này dường như người họ hàng bên nội duy nhất chẳng nghi ngờ thân phận anh. Chắc vì bà không nhìn thấy những dấu hiệu nào đó trên người anh, được cho là lạc loài. Mỗi lần anh ghé chơi, bà lại bâng quơ, có thứ lưỡi gì bén bằng lưỡi người đâu con. Tía con giận thì nói vậy thôi, anh trả lời trong lúc ngó vào cái kiếng soi trên tủ áo, tự hỏi sao vành tai anh hơi méo và cẳng chân mảnh khảnh. Sao tóc mình lại hơi ngã nâu, cả dòng họ có ai vậy đâu ? Câu hỏi đó chỉ có hai người có thể trả lời, nhưng đã về đất cả rồi. Mỗi tối anh vẫn thường nhìn những thân nhang cháy, mong nó uốn cong thành một tín hiệu gì đó, có thể chứng minh được thân phận của mình. Nhưng tàn nhang thản nhiên rơi vãi, rời rạc và tẻ nhạt. Đám em anh chắc cũng không nhận được cuộc báo mộng nào, tụi nó dần lợt lạt. Nhiều bữa anh thấy Tư Thạnh chở khách ngang nhà và không hề phóng mắt qua khoảng sân mọc đầy lúa rày. Lần gần nhất là trước giỗ đầu của ông già hai ngày, Tư Thạnh ghé nhà, thắp nhang khấn vái rầm rì rồi che cái nón lá lên lư hương tía đem đi, bảo “Tía tôi thì tôi thờ…”. Chiếc xe cà tàng vọt đi vẽ nên một đường bay tán loạn của tàn nhang. Bữa đó anh đang bộ áo túi xám được may theo kiểu tía thường mặc hồi còn sống, và râu anh cũng lởm chởm như râu ông già. Chỉ cần cây gậy nữa thôi, anh sẽ thành bản sao của người cha trong ảnh, nhưng thằng Tư Thạnh không đếm xỉa. Chỉ cần nó kêu “ui là trời anh Hai y hệt tía…”, anh cho nó mấy chỉ vàng luôn cũng đáng. Nhưng rốt cuộc chỉ bọn trẻ nhà anh là hay được tiền mua kẹo, mỗi khi thảng thốt ba giống ông nội quá chừng. Giờ coi kiếng cho kỹ, anh thấy mặt mình chỉ thiếu vài nếp nhăn, thứ đó muốn có phải cần có thời gian. Râu tóc thì cũng đã bạc rồi, chỉ sau một lần giỗ má, nhìn nhà trống hoác, thưa vắng họ hàng, mấy đứa em kêu mắc công chuyện không tới… Chị vợ xót quá, ấm ức xui chồng đâu đi thử cái di truyền gì đó, cho người ta sáng mắt ra. Anh đang châm rượu cúng, quay mặt vô vách nạt, thôi đừng có tào lao, tía giận thì nói vậy… Anh sợ chị vợ bắt gặp cái ý nghĩ, lỡ như lời ông già là sự thật ?! - Giỗ năm sau cũng nấu đủ sáu mâm cho tui - Anh cố gằn giọng, tiếng vang ra ngoài thinh không. Ngoài đường toàn khói nắng là khói nắng, họa nên một thứ ảo ảnh gờn gợn. Thế giới sao mà vắng tanh.
|