Ông Ba thường nói đùa rằng, ông đang bị tù chung thân trong nhà lao êm ái, mà cai tù không ai khác hơn là bà Ba.
|
Bà “quản lý” tất cả sinh hoạt từng ngày của ông. Từ đi đứng, ăn mặc, nghỉ ngơi, và cả giấc ngủ của ông nữa. Con mắt dòm ngó của bà không bỏ sót bất cứ hành động nào của ông. May mắn cho ông, bà không làm chung một sở, nếu không, thì e công việc sở của ông, cũng không khỏi bị bà xía vô, và ông cũng sẽ mất hết vài chút thì giờ riêng tư ngắn ngủi đang có để thở tự do. Bà Ba thì dường như cảm thấy cái thiên chức tự nhiên của bà là chăm sóc ông chồng từng ly, từng tí, như chăm trẻ sơ sinh.
Mỗi buổi sáng, ông Ba cứ nằm nướng mãi không chịu dậy sửa soạn đi làm, cứ thiếp đi trong những giấc ngủ ngắn ngủi muộn màng. Cái giấc ngủ nướng mà ông cho là ngon nhất, khoan khoái nhất, và nó quyến rủ cái vốn liếng lười biếng tiềm tàng trong mỗi con người. Kỳ lạ thật, cả đêm thì mất ngủ, cố gắng mà không chợp mắt được, chờ khi gần sáng, cần dậy đi làm, thì lại ngủ ngon, ngủ say. Bà Ba thì chạy vào chạy ra phòng ngủ, nhắc nhở chồng. Bà cúi xuống bên giường, luồn tay vào tóc ông, vuốt ve dỗ dành : “Dậy đi anh, đừng để muộn rồi hấp tấp, lái xe xa lộ nguy hiểm. Tội nghiệp quá, anh còn buồn ngủ lắm sao? Đêm nào em cũng bảo đi ngủ sớm, mà anh cứ thức khuya. Để em pha cà phê cho anh uống liền nghe. Dậy trễ cà phê nguội mất ngon đi.”
Bà kêu réo đến lần thứ ba, thứ tư ông Ba mới uể oải dậy. Có khi bà phải bật truyền hình lên, và tìm loại nhạc vui, nhạc hùng, vặn lớn tiếng, cho ông tỉnh ngủ. Trong lúc ông làm vệ sinh buổi sáng, thì bà pha cà phê áp suất, mùi thơm nồng bay lan tỏa khắp nhà. Nước cà phê màu đen sẩm quánh đặc trong ly thủy tinh trong veo. Bà biết chồng thích loại cà phê nầy. Mỗi lần mua cà phê sống, bà phải đi xa hơn một trăm dặm để tìm cho ra loại đặc biệt nầy, đắt nhất và danh tiếng nhất. Bà ít dám uống thường xuyên, vì cà phê đắt, tiếc tiền, chỉ để dành cho ông mà thôi. Tuy phải đi xa để mua, nhưng bà không dám mua nhiều một lúc, vì dự trữ lâu ngày sợ cá phê “bay hơi” không còn giữ được chất lượng nữa. Nhiều lúc ở trong phòng tắm, ông nói vọng ra : “ Em ơi, ống kem đánh răng hết rồi, xà phòng em để đâu, lần sau đi chợ nhớ mua dao cạo râu cho anh nhé...”. Cái gì ông cũng kêu réo gọi bà, như trẻ con vòi vĩnh mẹ. Ông biết, bà thích được nghe những lời vòi vĩnh của chồng, được chăm sóc chồng. Có lẽ, nếu tất cả mọi sự, ông tự làm lấy, không réo gọi bà, thì chắc bà buồn lắm. Bà tìm được cái thích thú, hạnh phúc trong việc chăm sóc chồng.
Ông làm vệ sinh buổi sáng xong, thì ngồi vào bàn. Trên bàn đã sẵn dĩa thịt nguội, mấy lát thịt ba chỉ chiên, vài lát bơ mặn, một khúc bánh mì thơm dòn, và một ly nước cam vắt. Bà hối ông ăn món nầy, món kia ríu rít. Rồi bà chạy mau vào phòng tắm, lấy cái lược, yêu cầu ông chải tóc lại, vì khi nào bà cũng thấy mấy sợi vô kỷ luật chổng lên trời. Mỗi khi bà thấy da ông tróc vãy, thì bà lấy kem dưỡng da bôi vào má, vào mặt ông. Những lúc đó, ông giẫy nẩy mà la lối: “Thôi thôi, anh đâu phải đĩ ngựa mà bôi kem dưỡng da của đàn bà! Em tha cho anh đi, vào sở, họ cười anh tội nghiệp.” Bà cứ lầu bầu : “ Mùa đông không bôi thuốc, da hư cả, xấu lắm.” Cái hộp thức ăn trưa của ông Ba to cồng kềnh, nặng trĩu. Bà đã chất sẵn cơm, thức ăn hai ba món khác nhau, một hộp rau sống, trái cây đã cắt sẵn vì bà biết nếu không cắt gọt sẵn thì ông không bao giờ ăn, mấy miếng bánh ngọt, chai sữa tươi nhỏ, bình thủy đựng cà phê, trà. Bà còn bỏ vào đó một hộp đựng thuốc đau đầu, đau bụng, băng dán cấp cứu, dầu cù là. Ông Ba thường thường thử sức nặng cái hộp đựng thức ăn, rồi cười mà ví như ông sắp đi cắm trại, mang đồ ăn cho toàn cả gia đình. Đôi khi xách nặng quá, ông lầm bầm: “ Thôi, vợ thương thì rán chịu cho bả vui lòng, chứ không làm chi khác được.” Thà mang đi , ăn không hết thì đi năn nỉ, mời bạn bè, hoặc đổ vào thùng rác, còn hơn là để cho vợ lo lắng, áy náy. Đôi lúc ông quên, đem một ít thức ăn thừa về nhà, là bà quýnh quáng, sờ đầu ông xem có nóng không, sao mà hôm nay “ biếng ăn”.
Những khi ngồi ăn chung với bạn bè trong sở, có ai ngạc nhiên nhìn vào hộp thức ăn tràn đầy, phong phú của ông, thì ông giải thích: “ Đây là hộp thức ăn 'tình thương', không phải tầm thường như những hộp thức ăn mua bằng tiền bạc của các bạn đâu.” Mỗi buổi chiều, ông Ba về nhà trước bà chừng nửa giờ. Ông nằm dài trên ghế bành, nghe cái xương sống dãn ra thoải mái, ông mở truyền hình nghe tin tức. Khi ông nghe tiếng xe bà vào sân, thì liền theo đó, có tiếng bà nhắc, câu nhắc nhở cố hữu: “Nầy, anh đi tắm đi chứ. Nhớ dùng loại thuốc gội đầu chứ đừng dùng xà bong bôi lên tóc mà mai mốt hói đầu đó” Bà chạy vào bếp, lấy cho ông hai trái táo khô trước khi đi tắm, và nói: " Ăn cho nhu động ruột được điều hòa, tránh táo bón. Anh nhớ vặn cho nước đủ ấm nghe, nước lạnh sinh ra cảm mạo .” Ngày nào bà cũng nhắc nhở cùng một câu đó. Đôi khi, bà chưa kịp nói hết, thì ông đã nói nguyên câu của bà. Bà chỉ cười. Khi nào bà cũng chạy vào phòng tắm trước, kiểm soát xà phòng, khăn tắm, thuốc gội đầu. Lấy sẵn áo quần lót treo lên giá cho ông. Bà chạy ra, hối ông thêm vài ba lần nữa, nhưng khi nào ông Ba cũng ngồi im tại chỗ, vì gắng nghe cho hết tin tức quan trọng buổi chiều. Đôi khi bị vợ thúc dục quá, ông liếc nhìn bà, rồi rời ghế bành mà mặt còn quay lại nhìn màn ảnh truyền hình tiếc rẻ. Những lúc ông xem đấu bóng rổ, đang đến hồi gay cấn, thì dù đã đến trước cửa phòng tắm, ông cũng đứng lại nấn ná, xem trái banh trên màn ảnh có lọt lỗ hay không. Bà nhìn ông mà cười nói: “ Anh thật lạ. Đã lớn rồi, mà chiều nào cũng nhắc nhở năm lần bảy lượt mới chịu đi tắm. Không có em nhắc, thì chắc xuân thu nhị kỳ anh mới tắm rửa chăng?” Khi nào ông Ba cũng cười, và trêu lại bà : “ Anh nhớ năm ngoái đã tắm rồi mà. Tắm gì mà tắm mãi thế, tắm mãi thịt da nó thau hết. Hồi xưa chưa lấy em, hai mươi mấy năm anh chỉ tắm có ba lần thôi, vậy mà cũng có người thương , cũng lấy được vợ, có thua ai gì đâu?”
Rồi ông Ba vào phòng tắm, mở nước chảy ào ào trên thân thể. Thường thường , khi mở vòi thì không cần thử, mà nước ấm đã thoát ra ngay, vì bà Ba đã xả trước phần nước lạnh nằm trong ống rồi. Ông Ba vừa nhảy nhót vung vẫy tay chân dưới vòi nước, vừa hát theo điệu nhạc vang vang từ máy hát nhỏ trong phòng, mà bà Ba vặn sẵn, và đã chọn những băng nhạc ông ưa thích. Tắm xong, thì vói tay lấy khăn và áo quần, đã được treo sẵn trên máng mắc áo. Ông Ba mặc áo quần vào mà không hề thắc mắc, không hề nghĩ đến cái chu đáo và chăm sóc của vợ. Ông xem chuyện đó như đương nhiên được hưởng, và ông cũng chưa bao giờ máng sẵn khăn tắm hay áo quần cho bà. Bà cũng không bao giờ đòi hỏi, hay cân phân cái việc chăm sóc nhau giữa hai vợ chồng. Trong khi ông tắm, thì bà xuống bếp, cắt rau, lạng thịt, nấu ăn, chuẩn bị cho bữa cơm tối. Tắm xong, ông Ba lần xuống bếp giả vờ hỏi bà: “ Em ơi, có cần anh giúp việc gì không?”
Ông hỏi cho có lệ, hỏi cho bà vui, chứ ông đã thuộc lòng câu trả lời của vợ mỗi ngày: “ Thôi, anh đã tắm sạch sẽ rồi. Đừng làm gì nữa mà vấy bẩn vào áo quần. Để em làm một mình cho mau. Anh lên nhà xem truyền hình đi.”. Trước khi ông đi, bà lau tay, và luồn tay vào tóc ông, kiểm soát xem tóc đã sấy khô chưa. Rồi bà liếc nhìn ông với con mắt âu yếm, nhìn cái dáng hớn hở của ông, mà bà mĩm cười như thích thú lắm. Thỉnh thoảng từ bếp, bà chạy lên phòng khách, đút cho ông một miếng thức ăn, yêu cầu ông thử xem có “vừa miệng” không. Khi nào ông cũng nói: “Em nấu ăn là nhất rồi, không ai nấu ngon bằng em cả. Em thử thấy ngon, là anh ăn ngon.” Bà cười vui vẻ : “ Em nấu cho anh ăn, thì phải hợp với khẩu vị của anh mới được” “Dễ thường em không ăn sao?” Chưa bao giờ ông cho ý kiến là hơi mặn, hơi lạt, thiếu cay. Câu trả lời cố hữu là: “ Ngon lắm rồi, vừa ăn lắm rồi.” Bà Ba hí hửng quay xuống bếp nấu tiếp. Đôi khi ông Ba nói vọng từ phòng khách xuống: “ Em nấu gì mà thơm quá, làm anh đói bụng quá chừng.” Bà biết ông thích ăn tỏi và ăn cay, bà cho thật nhiều tỏi và ớt vào các món ăn. Ông Ba tiếp tục xem truyền hình, xem tin tức, và các trận thể thao buổi chiều. Đôi khi ông cũng muốn dọn bàn ăn, soạn chén dĩa giúp bà, nhưng không dám làm, sợ không vừa ý vợ. Nhiều lần bà căn dặn: “Để em làm. Em biết hôm nay cái gì cần, cái gì không. Anh dọn đầy ra bàn, có cái không cần đến, rồi sắp xếp vào lại, thêm mệt.”
Ông cũng hiểu bà nói thế, để cho ông có thì giờ mà xem truyền hình nhiều hơn. Nấu cơm xong, bà dọn ra bàn, bật đèn vàng, và chạy ra quay cái truyền hình về hướng bàn ăn, để ông vừa ăn , vừa xem các chương trình đang dang dở. Trong khi ăn, ngày nào bà cũng nhắc nhở, thúc hối ông gắp món nầy, gắp món kia: “Anh ăn tôm đi, tôm tươi và dòn, ngon lắm.” Ông mới đưa đũa vào dĩa tôm, chưa kịp gắp, thì bà đã nói tiếp: “Thịt nầy ninh mềm và bùi lắm, anh ăn miếng thịt nầy đi.” Ông lại chuyển đũa từ dĩa tôm qua dĩa thịt, mới gắp, chưa kịp đưa lên miệng, thì bà đã nói: “Anh ăn canh đi, canh mồng tơi mát và ngọt nước. Mồng tơi tươi, ngon lắm.” Ông theo lời bà, chưa kịp múc canh, đã nghe bà nói: “Rau tươi đây, anh ăn nhiều vào cho có chất xơ, trị được bệnh đường ruột.” Rồi bà dục ông gắp rau. Khi chén ông đã đầy cả tôm, thịt, canh , rau, ông bắt đầu thanh toán dần, thế mà bà cũng cứ dục ông gắp thêm. Ông thường trêu ghẹo bà: “ Ước chi anh có ba cái miệng, sáu cánh tay để ăn và gắp thức ăn cho em vui.”
Ngày xưa, khi mới cưới, ông hơi bực mình vì ăn chưa hết món nầy, thì bà đã hối gắp món khác. Đôi khi ông gắt: “Để cho anh thở với chứ. Có ai dành hết đâu mà gấp thế?” Nhưng sau nhiều lần bắt gặp ánh mắt buồn bã của vợ, thì ông hiểu rằng, không tội gì mà làm cho bà buồn. Cứ gắp lia lịa cho bà vui, ông cũng chẵng mất gì cả. Trong lúc ăn, bà để dành miếng ngon gắp bỏ vào chén ông, ông bỏ lại vào chén bà, cứ thế mà đẩy qua, đưa lại, cho đến khi bà làm mặt giận ông mới chịu ăn. Biết vợ thương, ông thường gắp thức ăn bỏ vào chén bà và nói: “Miếng nầy dở lắm, em ăn giúp anh, anh không muốn ăn miếng dở.” Bà âu yếm nhìn ông và mĩm cười, như thầm bảo: “Anh không gạt nỗi em đâu, em biết hết.”. Mỗi khi ăn cá, bà ân cần nhắc nhở ông: “Khéo hóc xương nghe, anh ăn phần hông con cá, nhiều thịt, ít xương, đừng ăn phần kia” Ông lại trêu chọc bà: “ Phải. Để phần nhiều xương lại cho em hóc xương, cho bác sĩ và bệnh viện có việc làm, đỡ thất nghiệp.”
Mấy chục năm , chưa bao giờ ông bị hóc xương, mà bà vẫn nhắc nhở. Bà cho rằng, nhờ bà nhắc nhở, nên ông không bị hóc xương. Gần cuối bữa ăn, bà thường ép ông ăn thêm nửa chén, một phần tư chén, hoặc húp thêm chén canh, vài muỗng nước rau. Biết ý bà, nên ông thường để dành, trống một góc dạ dày, mà có sức ăn thêm cho vợ vui lòng. Ông cũng biết sau bữa ăn còn bánh ngọt, trái cây, phải ăn cho hết. Nhiều lúc cơm ngon, ông ăn đã đầy bụng, không ăn thêm được nữa, ông thường cầm các thứ trái cây mà bà ép ông ăn, len lén gói lại, đem cất vào tủ lạnh. Ông biết rõ, ông không có quyền nói là no lắm rồi. No cũng phải rán mà ăn. Nhiều lúc bà ép ăn nhiều quá, bao tử chịu không nỗi sức ép, phải bài tiết gấp. Sau khi xả xong, ông nói đùa vói bà: “ Nầy em, của Caesar đã trả lại cho Caesar hết rồi. Phí mất một bữa ăn”. Thế là bà vội vã đi lấy dầu nóng thoa vào rốn ông, bắt ông phải mang vớ vào cho ấm chân, dù trời đang tiết nóng nực. Bà lại nhắc nhở : “ Anh không được khỏe, tối nay phải đi ngủ sớm. Đừng đọc sách, đừng xem truyền hình.” Sau đó bà vội vã nấu nước gừng, bắt ông uống nóng, để dằn cơn đau bụng. Ông nói rằng thải ra hết, là xong rồi, không đau đớn gì nữa cả, mà bà không tin, cứ lo lắng mãi.
Sau mỗi bữa ăn, ông Ba nói cho có lệ: “ Em có cho anh dịp may, hôm nay được dọn dẹp chén dĩa và rửa bát không?” Bà Ba gạt phắt đi như mọi hôm: “ Không được đâu, việc nầy của em. Anh rửa chén bát rồi sắp xếp lung tung, đến khi cần, em không biết đâu mà tìm.” Ông Ba hỏi, chứ đã biết chắc câu trả lời của vợ rồi. Bởi đôi khi ông cũng áy náy, muốn giúp vợ một tay, vì việc gì bà cũng dành lấy mà làm. Khi có việc bà không làm nổi, mới kêu ông phụ giúp.
Mỗi đêm, ông Ba thường ưa đọc sách, nhưng bà cứ thúc dục ông đi ngủ sớm, đừng thức khuya hại sức khỏe. Chín giờ đêm là phải tắt đèn đi ngủ. Không được qua khỏi cái giới hạn đó. Ông thường nói với bà: “ Em xem, cuộc đời ngắn ngủi, người xưa còn biết thắp đuốc đi chơi, mình ngủ sớm, uổng đời quá.” Khi đi ngủ, bà đưa thêm áo ấm cho ông mang, bắt ông đi vớ, đội nón, vì sợ khuya trời chuyển lạnh. Nhiều đêm trời nóng nực, không chịu nỗi đôi vớ, cái nón nực nội, nhưng ông cũng không phản đối. Chờ cho bà ngủ, ông len lén cởi ra các thứ vướng víu nóng nực đó. Thường ông nói nhỏ: “ Em à, mình đang ở California vào mùa xuân, chứ không phải ở Alaska vào mùa tuyết phủ.” Bà trả lời yếu ớt: “Thà chịu nóng một chút, mà chắc chắn khỏi cảm lạnh khi về khuya.” Thường trước khi ngủ, bà ép ông uống vài viên thuốc bổ. Bà đứng canh cho đến khi ông uống xong mới chịu đi, vì có lần , bà tìm thấy thuốc bổ nằm la liệt trong thùng đựng rác. Có khi ông Ba vờ uống cho bà vui, nhưng ông ép viên thuốc vào dưới lưỡi, và sau đó phì ra. Mỗi khi pha trà cho ông uống, bà cũng thử xem độ nóng đến đâu. Khi nước quá nóng, thì bà không quên dặn dò: “ Nước nóng lắm đó. Coi chừng kẻo phỏng lưỡi” Những lúc nầy, ông Ba giả bộ như sắp uống ngay ly nước, làm bà hốt hoảng la ơi ới. Dù bà biết ông đùa nghịch mà thôi. Rồi ông Ba nhăn răng cười, bà quay mặt bỏ đi. Mỗi khi ông dẫn bà đi phố, bà thấy áo quần đẹp, vưa ý, thì mua cho ông ngay. Bà biết kích thước, tầm số của áo quần ông, từ áo lót, quần lót, cho đến áo tay dài, áo tay cụt, vòng lưng, vòng mông, mà chính ông Ba cũng không biết và không nhớ phải mua áo quần cỡ nào cho chính ông. Tất cả áo quần của ông Ba đều do bà mua sắm, cứ chất đầy trong tủ. Có khi ông Ba thấy vợ chọn cái áo lòe loẹt quá, ông nói: “ Em nầy, quanh vùng chúng ta ở, có ai lập gánh cải lương không? Để anh xin gia nhập. Sẵn có cái áo nầy, đỡ may mặc tốn kém” Bị ông trêu chọc, bà không giận hờn, chỉ nói nho nhỏ: “ Anh không thích màu áo đó, thì em sẽ đem đổi lại.” Thường khi ông lái xe, bà ngồi bên cạnh. Bà ngồi mà mắt nhìn kiếng chiếu hậu, nhìn qua phải, nhìn qua trái, xem xe cộ chung quanh mà nhắc nhở ông biết tình trạng lưu thông trên đường. “ Coi chừng chiếc xe bên phải, nó chạy sát xe mình quá.” Hoặc: “Chạy chậm lại chút đi, cái xe đàng trước xem loạng quạng như người say rượu.” Hoặc la lên nho nhỏ: “Anh phải nhường cho xe kia qua chứ. Tranh nhau làm gì?”. Ông Ba thường bảo: “ Anh thì lái xe, mà em thì lái anh. Lên xe, em hãy ngồi nghỉ ngơi, đọc báo, nghe nhạc hoặc ngủ cho khỏe , việc lái xe để anh lo.” “ Em phải chia xẻ cùng anh chứ, bốn con mắt, hai cái đầu vẫn hơn hai con mắt, một cái đầu. Vã lại, làm sao mà yên tâm nghỉ ngơi được?”
Mỗi lần đi đâu xa, không quen đường, bà Ba thường dở bản đồ nghiên cứu trước. Phải đi lối nào, xa lộ nào, đến đâu thì chuẩn bị, và ra khỏi xa lộ quẹo mặt hay quẹo trái, đi thêm bao nhiêu ngã tư nữa thì quẹo hướng nào. Trước khi quẹo là ngã tư tên đường gì. Rồi bà vẽ ra trên giấy, dán vào tay lái cho ông. Tuy thế, bà vẫn chưa yên tâm, sao chép lại một bản khác mà cầm trên tay. Rồi chỉ đường cho ông đi. Ông cứ lái xe theo hướng dẫn của bà, và thành một thói quen, lái xe mà không suy nghĩ, không vận dụng trí nhớ để tìm đường. Bỡi vậy, những khi đi đâu một mình, ông hay bị lạc đường, và phải dừng xe lại xem bản đồ. Ông thường nghĩ, vợ chăm sóc quá, làm ông mất đi một phần năng khiếu có sẵn. Những khi bà chỉ sai đường, đi quanh co mà không tìm ra nơi muốn đến, thì bà áy náy, nôn nao, làm như bà đã phạm vào một lỗi lầm tầy trời. thường thường, ông Ba an ủi vợ: “ Có sao đâu. Lạc đường thì quay lại. Cứ xem như mình đi chơi, đi ngắm cảnh, đi cho biết đó biết đây. Gấp gáp gì đâu? Đến trể cũng chẳng chết ai cả. Tìm mãi rồi cũng sẽ ra đúng đường.” Dù được chồng an ủi như thế, mà bà vẫn quay quắt dòm qua, ngó lại, rồi cúi đầu vào cái bản đồ, cho đến khi xe dừng lại đúng dịa chỉ, bà mới hết băn khoăn. Những khi đi bộ băng qua đường, bà hốt hoảng nhìn quanh và la lối nhắc nhở: “Coi chừng xe cộ. Nhiều người lái ẩu tả lắm. Phải nhìn phải, nhìn trái, và nhìn lui cả đàng sau nữa mới được.” Bà thường nói : “Anh không biết một chút gì về luật đi đường cả. An toàn là trên hết.” Câu nói của bà làm ông Ba mĩm cười, vì chính ông là kỹ sư lưu thông, phụ trách về an toàn cho xe cộ di chuyển trong thành phố nhà. Những khi ông ngồi chờ bà đi rảo trong các khu hàng hóa lớn, trước khi đi bà dặn dò: “Ngồi đây nhé. Đừng đi đâu mà xe cộ nguy hiểm, làm em lo.” Ông Ba ngồi đọc báo, có khi quẹo đầu ngủ gật. Khi mỏi mệt, ông đi một vòng cho giãn gân cốt, hoặc lảng vảng ở các tiệm bán đồ điện tử. Nếu bà trở lại mà không thấy ông, thì bà hốt hoảng như con gà mắc đẻ, chạy quanh tìm kiếm. Khi tìm được ông, thì bà lớn tiếng và giận hờn: “Anh làm em sợ muốn chết. Tưởng đâu chúng nó bắt cóc, hoặc giết chết anh rồi. Đi đâu mà không cho em biết?”
Ông Ba hiểu rằng, vì thương chồng nên bà mới có thái độ đó. Không phải bà độc tài hay khó tánh. Ông thường trả lời: “ Em tưởng tấm thân anh quý báu lắm sao? Ai mà bắt cóc anh làm gì , nuôi cho thêm tốn cơm, cạy không ra một đồng xu. Họ giết anh làm gì, sừng sỏ như anh, không giết ai thì thôi, chứ ai mà giết được anh. Em làm anh tưởng mình là nhân vật quan trọng lắm.” Những lúc đi ăn tiệc, hoặc tham dự đám cưới, dù đã được ông căn dặn trước, nhắc nhở nhiều lần, thế mà bà Ba vẫn quen thói như khi ở nhà, gắp lia lịa các miếng ngon bỏ vào chén ông. Hoặc thúc hối ông ăn món nầy, ăn món kia. Những lúc đó, ông Ba đưa mắt kín đáo ra dấu cho bà, hoặc đá chân bà ở dười gầm bàn mà nhắc nhở. Bà chỉ mĩm cười. Những lúc nầy, ông Ba thấy thương vợ vô cùng, dù hơi bực mình vì ngượng với những người ngồi chung bàn, sợ họ nghĩ ông bà tham ăn, thiếu lịch sự. Có khi ông chữa thẹn bằng vài câu khôi hài vu vơ.
Trong mùa hè, ông Ba thường đi đánh quần vợt với bạn bè vào sáng chủ nhật .Thấy ông Ba xuất hiện trên sân, là đám bạn đã nhao nhao lên trêu chọc ông: “Hôm nay chúng tôi được ăn, uống món gì đây?” Bởi họ biết rằng, khoảng gần trưa, bà Ba sẽ lể mể bưng đến bánh trái, nước ngọt cho ông Ba và bạn bè. Bà thường đặn dò: “ Đánh banh vừa phải thôi, đừng chơi nhiều, đứng ngoài nắng lâu không tốt . Các anh ăn uống đi, cho có sức mà đập banh.”
Cái chu đáo của bà thường được bạn bè ông Ba đem ra làm đề tài để trêu chọc ông. Cũng có vài người tỏ ra ganh tị, vì không có được bà vợ hết lòng vói chồng như bà Ba. Bị trêu chọc, ông Ba chỉ cười và trêu lại rằng, các bạn ông không có phước phần thì rán cắn răng mà chịu. Có bà thấy bà Ba đem thức ăn ra sân banh cho chồng, thì phàn nàn và lớn tiếng: “Việc gì mà nối giáo cho giặc. Mấy chả ham chơi, lười biếng chảy mỡ ra, việc nhà thì thoái thác rằng yếu, mệt, mà chạy chơi, đập banh suốt ngày ngoài nắng thì không mệt. Đàn bà mình cũng đi làm chứ! Thứ bảy, chủ nhật mình lo việc nhà mờ con mắt không hết, mấy ổng thì đi chơi, lại còn nhậu nhẹt, bàn tán chuyện vá trời xô núi. Đem thức ăn ra sân banh làm chi cho mấy chả thêm lừng!” Bà Ba chỉ cười, nói nhỏ nhẹ: “Thương chồng thì có mất mát gì đâu? So đo làm chi? Thương thì cho bao nhiêu cũng không vừa, và không cần đền đáp. Làm gì được cho chồng vui là em thấy sung sướng trong lòng. Tình thương cho đi, không bao giờ thiệt hại cho ai cả.”
Ông Ba sợ nhất là những khi nhức đầu sổ mũi. Những lúc đó, bà đè sấp ông xuống, dùng cái muỗng, bôi dầu cù là mà cạo gió cho nát cái lưng ông ra. Da lưng rướm máu, đỏ bầm lằn ngang vết dọc. Ông chỉ biết la ơi ới, và xin bà nhẹ tay cho, vì quá đau. Đau quá, ông thều thào: “Em làm như công an tra tấn, khai thác lấy tin tức không bằng. Thôi tha cho anh đi.” Bà đâu có chịu tha dễ dàng. Sau màn cạo gió, là xông dầu gió. Rồi bắt ông uống nhiều loại thuốc khác nhau cho mau lành bệnh. Ông hỏi bà: “ Em bắt anh uống nhiều thuốc như thế nầy, không sợ phải ra tòa mang tội sát phu hay sao?” Ông biết bà không có một chút kiến thức y khoa nào cả, cứ nghĩ uống nhiều thuốc là mau lành bệnh. Ông giả vờ uống cho bà đỡ lo, rồi đem quăng vào thùng rác. Thường ông thì thầm đùa với bà: “ Em muốn anh hết bệnh ngay tức thì không? Dễ lắm. Chúng ta vào buồng đóng cửa, thương nhau cho nhiều, mồ hôi ra, là hết bệnh ngay.” Bà phát yêu vào vai ông: “Bậy bạ, muốn chết sớm hay sao. Bệnh mà còn loạng quạng là sụm ngay luôn đó.”
Mỗi khi ông Ba đi công tác xa nhà vài hôm, bà soạn hành lý cho ông, bỏ vào hành trang đủ thứ lỉnh kỉnh. Bà có sẵn mấy cái danh sách dài lòng thòng, về những món cần thiết chuẩn bị sẵn cho ông. Đi ngắn ngày, đi dài ngày, đi một hai ngày, đều có danh sách riêng cho các thứ hành trang mang theo. Đi xa trên ba ngày thì có năm mươi bốn món, đi dưới ba ngày thì có bốn mươi tám món. Trong đó có cả tăm xỉa răng hai loại, loại bằng nhựa có dây chỉ, loại tăm thơm trong bao giấy, có cả giấy lau kiếng, giấy ướt chùi tay, con dao Thụy Sĩ có cờ chữ thập trắng, thuốc đau đầu, đau bụng, dầu gió... Bà kiểm soát và đánh dấu vào những món cần dùng đã nhét vào rương da. Suốt đêm hôm trước khi đi, dù ông đã vặn đồng hồ reo báo thức rồi, bà cũng lăng xăng không ngủ được, chạy lui chạy tới trong nhà cho đến khuya, và không ngủ được vì sợ ông trễ giờ lên máy bay, bà thức dậy nhiều lần nhìn đồng hồ, và mở hành trang ông ra, kiểm soát lại xem có thiếu món gì không. Đôi khi ông bực mình, gắt bà, nói là ông đã lớn, đã già rồi, không còn là trẻ con nữa mà phải lo lắng từng ly, từng tí như vậy. Bà chỉ nói nho nhỏ là nếu bà không lo cho ông, thì ai lo cho đây. Nghe giọng nói buồn bã của vợ, ông Ba biết rằng, vì thương chồng mà bà quay quắt như vậy, nên để yên cho bà lăng xăng. Có lẽ không được lo lắng cho chồng, thì bà buồn hơn. Mỗi lần nhìn đống hành trang, khi nào ông cũng kêu lên: “ Em làm như anh dọn nhà không bằng. Mang đi nhiều, nặng nhọc mà không dùng đến, uổng công.” “ Thà dư còn hơn thiếu. Lỡ anh cần, thì có ngay mà dùng.”
Ngoài hành trang mang theo, bà còn kiểm soát xem ông còn đủ tiền mặt trong túi không. Nếu không đủ thì bà bỏ thêm. Bà còn mua cho ông cái thắt lưng da hai lớp, dấu mấy trăm đồng đô la xếp gọn. Bà cũng không quên dấu thêm tiền trong một ngăn bí mật trong rương da, để phòng khi bất trắc. Ngày thường, mỗi sáng bà bỏ thêm tiền mặt vào ví da cho ông, dù ông bảo là đã có thẻ nhựa, không cần tiền mặt làm chi. Trong hộp gạt tàn thuốc của chiếc xe ông, bà cũng dấu ít chục đồng, để phòng hờ khi khẩn cấp, khi ông cần đến. Và quả thật, ông đã nhiều lần sử dụng cái số tiền bí mật phòng xa đó. Những lúc nầy, ông thấy thương vợ vô cùng. Lần hai ông bà đi du lịch Trung Hoa, đêm ngủ lại Bắc Kinh, nằm trong khách sạn rộng rãi, ông nói: “ Em à, nằm đây mà anh nhớ đến thời xưa, các sứ thần Việt Nam qua cống Thiên Triều, như cụ Ngô Thời Nhậm, cụ Nguyễn Du, họ đi bộ hàng ngàn dặm, lại phải ở lại công quán, đâu có tiện nghi, đâu có sang trọng như khách sạn bây giờ mà lại có vợ ôm trong tay nữa. Chúng ta sung sướng quá, tội chi không để lại một kỷ niệm yêu thương nơi đây?” Ông luồn tay vào bụng bà. Bà giẫy nẩy không chịu: “ Ngày mai leo Vạn Lý Trường Thành, phải để dành sức khỏe mà đi. Không thì uổng lắm” “ Một trăm cái Vạn Lý Trường Thành cũng bỏ. Bà nói nho nhỏ: “ Thiên hạ biết, họ cười cho mà xấu hổ” “Vợ chồng thương nhau là hợp với lẽ trời đất, có gì sai trái mà sợ thiên hạ cười. Ai không có chuyện nầy, mà lại dám cười mình? Ngày mai lên xe, anh sẽ hỏi vợ chồng nào dám dong tay lên, xác nhận là chưa có chuyện “thương” nhau bao giờ. Xem có ai dám dong tay lên không?” “ Thôi anh ơi, đừng nói chuyện tào lao nữa. Kỳ lắm.”
Hôm sau ông Ba thở phì phò leo lên dốc Trường Thành Vạn Lý. Bà đi bên cạnh xót xa : “ Đã bảo mà không nghe. Tội nghiệp anh chưa.” Được thể, lần đi du lịch Âu châu, hai tuần qua sáu quốc gia, ông cũng nài bà để lại kỷ niệm thương nhau tại thủ đô của mỗi nước. Tại London thủ đô Anh Quốc , Paris của Pháp , Geneva của Thuỵ sĩ, Rome của Ý, và Vienna Áo Quốc. Khi di chuyển, ngồi trên xe, ngày nào bà cũng thấy ông quẹo đầu nhắm mắt ngáy phì phò mà cái miệng chu dài ra, bà xót xa nói nho nhỏ : “ Khổ chưa, đi du lịch ngắm cảnh mà mệt ngủ khì ra thế, có uổng tiền không. Thiệt như là trẻ con. Thương quá!” Đang ngáy, mà ông cũng nghe được, giật mình mở mắt, quay qua bà nói đùa: “ Thương hả? Chưa được đâu. Trên xe đông người thế nầy, kỳ lắm.” Bà cấu ông một cái , nói nho nhỏ : “ Bậy nào, anh cứ nói chuyện khôi hài mãi. Thiên hạ nghe được, họ cười cho” Rồi ông lại tiếp tục ngủ gục, cái đầu lắc lư theo nhịp xe di chuyển. Mỗi khi xe dừng lại ở các thắng cảnh cần viếng thăm, bà đánh thức ông dậy. Cái mặt ông đờ ra, ngơ ngác nhìn quanh. Mấy lần ông đi trượt tuyết, từ nhà lái xe lên núi cũng mất gần năm giờ. Bà dành lấy tay lái, đưa ông đi, vì sợ ông lái xe đường xa mệt nhọc, không còn sức mà trượt tuyết. Bà thường nói: “ Anh nhắm mắt ngủ cho khỏe, lấy thêm một chút sức khỏe mà trượt đua với thiên hạ.” Lên núi, bà đứng canh, và đưa mắt theo dõi ông từ trên cao lao người vòng vèo lượn xuống. Hai tay bà luôn luôn ôm lấy ngực lo lắng, sợ ông té ngã. Mỗi khi ông lượn vòng qua , bà không quên nhắc nhở : “ Cẩn thận nghe anh, coi chừng té gãy tay, gãy chân thì khổ.” Nghe bà nhắc, ông lướt đến gần bà, rồi giả vờ té lăn nằm ngữa trên tuyết. Biết là ông chồng đùa nghịch, mà bà vẫn hốt hoảng chạy gấp đến hỏi han rối rít. Ông nhăn răng cười. Bà nhẹ nhàng trách: “ Anh ác lắm. Anh làm em lo, tội nghiệp em.”
Mỗi lần có bạn ông đến chơi, bà lo lắng nấu món nầy, món kia, làm thức nhậu cho các ông. Thường thường bà nấu thức ăn theo sở thích của khách mà bà biết. Rồi bà bảo đứa con trai xuống hầm nhà lấy những chai rượu nho cũ nhất mà đãi khách. Hằng năm, có những đợt rượu nho được bán ra với giá rẻ để quảng cáo. Bà mua vài ba chục chai, cất vào hầm, gác lên kệ và ghi chú năm sản xuất. Mười mấy cái kệ dưới hầm nhà chất toàn rượu nho. Những chai rượu để dành lâu năm, có khi giá tăng thành năm bảy lần giá mua ban đầu. Bà lý luận rằng, thế nào cũng phải mua rượu đãi bạn, tội gì không mua trước, tiết kiệm được vô số tiền. Khi đãi người ta, thì phải cho ăn ngon, uống ngon, còn không thì thôi, đừng mời. Đó là cái chủ trương của bà. Bỡi vậy cho nên nhà ông bà Ba thường có khách khứa liên miên. Đãi đằng bạn bè, là một thú vui của bà. Bà Ba thường nói rằng, những niềm vui nho nhỏ hàng ngày gom lại, thành ý nghĩa hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Bà không mơ cao xa, không ước vọng giàu sang xa hoa phú quý tột bực.
Những khi việc sở cần kíp, ông Ba đi làm thêm vào thứ bảy, hay buổi chiều về muộn, bà thường xuýt xoa, lo cho sức khỏe của ông. Bà thường bảo ông: “ Mình có đủ ăn rồi, kiếm thêm bao nhiêu tiền cũng không thể giàu được. Mà giàu làm chi? Có nhiều tiền để sau nầy chết cúng cho chùa, cho nhà thờ ư ? Con mình, chúng không cần tiền đó. Mình đến đất nước nầy khi đã quá nửa đời người, mà còn làm ăn sinh sống được, huống chi con mình lớn lên tại đây, học hành và tốt nghiệp tại đây. Tương lai của chúng, chắc chắn khá hơn mình nhiều, tại sao mà phải lo ngược ?” Có người chế nhạo ông Ba rằng, đã già đời rồi, mà còn để vợ chăm sóc như con trẻ, bị vợ “quản lý” như kẻ đi tù chung thân. Ông Ba cười, và nói rằng, trong cái vòng lao tù êm ái nầy, ông mong được ở tù càng lâu càng tốt, và cầu sao cho đừng bao giờ có ngày “ân xá”.
Bà Ba cũng bị bạn bè thân thiết trách mắng: “ Sao mà dại thế, các ông cũng có tay có chân, cũng có sức khỏe, tội chi mà hầu hạ cho các ông thêm lười biếng, thêm hư hỏng. Mai sau mình có chết trước, mấy ông sống một mình không nổi, phải đi kiếm gấp bà khác mà điền thế vào chỗ trống của mình. Phải tập cho các ông tự lập, tự lo lấy cho quen.” Bà Ba nhẹ nhàng đáp: “Tình thương không có so đo. Làm được gì cho chồng vui là mình vui, là xây thêm được một viên gạch vào cái nền hạnh phúc cho vững vàng hơn, không mất mát đi đâu cả. Cho còn sướng hơn nhận.”
|