Vốn chủ trương “ăn cây nào rào cây ấy”, cho nên hễ có dịp là tôi “quảng cáo” tối đa cho cái vùng của tôi.
Nhắc đến Central Coast, thì phần lớn người Việt nam, nhứt là dân câu cá, chỉ nói đến The Entrance. Tôi cũng đã một vài lần đến thử thời vận ở cái nơi “đô hội” này. Nhưng cứ nhìn cái cảnh dân câu, mà đa số là di dân, chen chúc nhau để quăng cần loạn xà ngầu và nhứt là sự rình rập đêm ngày của nhân viên kiểm soát hải sản là tôi thấy “oải” rồi. Kỳ thực, cái vùng mà người dân Úc chỉ biết đến vì có một số dân biểu “nổi tiếng” vì tai tiếng như bà Belinda Neal hay ông Craig Thompson, có rất nhiều thứ khác đáng được biết đến hơn. Tôi không quá chủ quan, bởi vì tạp chí Time, trong số ra ngày 6 tháng 12 năm vừa qua, cũng đã dành cho vùng Central Coast của tôi một trang quảng cáo rất “rôm rả”. Hầu như ai ở đây cũng dễ dàng có điều kiện để sống gần sông nước, rừng núi, nông trại hoặc bãi biển mà không cần phải là triệu phú. Là một “peninsula” (bán đảo) cho nên bãi biển rải rác khắp nơi. Những cái tên như Avoca, Terrigal, Ettalong, Pearl Beach, Patonga dễ dàng gợi lên cho người ta những bãi biển đẹp sạch, thưa người và còn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên. Gần nhà tôi nhứt có hồ Brisbane Water. Đây là nơi dân chơi Yatch thường tập trung lại để giương những cánh buồm trắng xóa. Riêng dân câu cá như tôi thì nhìn đâu cũng chỉ thấy cá. Tôi thích nhìn cảnh cá nhảy trong cảnh hoàng hôn trên mặt hồ mỗi khi đổi con nước. Thật bình yên và thanh thản.
Không biết có phải do tôi “nổ” quá hay vì muốn gặp lại tôi mà những ngày đầu năm dương lịch vừa qua, nhiều “phái đoàn" từ Sydney, không “quản ngại đường xá xa xôi trắc trở”, đã kéo nhau đến thăm. Đây là những món quà đầu năm quý giá nhứt và có ý nghĩa nhứt đối với tôi. Cho tới nay, mỗi lần ra ngõ gặp hàng xóm, tôi vẫn thấy mình có đủ lý do để “ngất cao đầu lên” như ai vì cũng được bạn bè xa gần chiếu cố đến. Tôi phải ngẩng đầu lên là vì cách đây không lâu, mỗi lần ra khỏi nhà, tôi cứ như phải cúi đầu mà đi chớ không dám nhìn ánh mắt mà tôi nghĩ là hơi soi mói của cư dân trong xóm, bởi vì báo chí địa phương đưa tin 9 vụ “trồng cỏ” trong vòng hơn một tháng bị cảnh sát phát giác mà trong đó có đến 6 vụ liên quan đến những người mang những họ rất phổ thông như Nguyễn, Lê, Trần v.v.
Dân cư trong cái xóm nhỏ và yên ắng của tôi hẳn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của nguyên một chiếc xe buýt đầy người cố gắng uốn éo trên con đường nhỏ để rồi đậu xuống trước nhà tôi ngay buổi sáng ngày đầu năm dương lịch. Phải khen và cám ơn anh tài xế bạn tôi. Nhờ anh mà tôi đã có thể gặp lại thật nhiều người thân quen trong cùng một lúc và có được một ngày đầy ắp tình người ở một nơi mà có đốt đèn giữa ban ngày cũng khó tìm được một người đồng hương.
Tối chúa nhựt vừa qua, nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn đã trào dâng trong tôi khi xem cuốn phim tài liệu “Once upon a time in Cabramatta” được trình chiếu trên đài SBS. Vui vì được nhìn thấy những hình ảnh sinh hoạt của nơi được xem là thủ đô tỵ nạn của người Việt nam tại Úc. Buồn vì phải theo dõi lại những cảnh đời đầy nước mắt của nhiều gia đình tỵ nạn.
Xa quê hương, được sống gần nhau, nói cùng một tiếng nói, ăn cùng một thức ăn, chia sẻ cùng một tâm tình của người xa xứ...đây là điều mà ai chẳng mong muốn. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy là bao nhiêu những buồn phiền khổ lụy do cuộc sống trong các cộng đồng người Việt có thể mang lại. Tôi hiểu được tại sao, để tránh những hệ lụy xã hội và nhứt là vì tương lai của con cái, nhiều người đành phải hy sinh niềm vui được sống với người đồng hương để đi lập nghiệp ở một nơi xa lạ.
Đó là một mất mát lớn. Tôi hoàn toàn chia sẻ sự mất mát ấy. Cũng may, thời buổi này, nhờ các phương tiện giao thông và nhứt là kỹ thuật truyền thông “số” (digital), gặp nhau không phải là điều bất khả thi nữa. Chỉ cần cầm điện thoại, bấm vài cái là đã có thể nghe được tiếng nói của người ở xa. Ở cái xứ sở văn minh này, lái xe 2,3 tiếng đồng hồ để đi câu còn được, huống chi là đi gặp những người thân và bạn bè. Thành ra, ở nơi “thâm sơn cùng cốc” mà tôi vẫn có thể tiếp tục gặp gỡ với bạn bè và người thân bằng rất nhiều cách. Tôi vẫn xem các quan hệ ấy là điều tối quan trọng cho cuộc sống. Càng tiến về “bóng xế” của cuộc đời, tôi lại càng thấy nhu cầu phải duy trì hay thiết lập những quan hệ lành mạnh với mọi người.
Mới đây, Bronnie Ware, một nữ y tá người Úc chuyên chăm sóc những bệnh nhân vào giai đoạn cuối, đã ghi lại những điều ước muốn của họ trong một cuốn sách có tựa đề “The top five regrets of the dying” (5 điều hối tiếc lớn nhứt của những người sắp qua đời). Lớn nhứt trong những điều hối tiếc này là “không có đủ can đảm để sống cho mình thay vì sống theo ước muốn của người khác”. Nhưng quan trọng không kém đó là hối tiếc vì đã không giữ được “liên lạc với bạn bè”. Theo tác giả, nhiều người không thực sự biết đựơc giá trị của tình bạn cũ cho tới những tuần cuối đời và nhiều khi không còn kịp tìm lại bạn cũ nữa. Đời sống bận bịu, ai cũng có lúc bỏ bê bè bạn. Đến cuối đời, ai cũng nhận ra rằng chỉ có bạn bè và người thân là quan trọng.
Tôi không có nhiều “Bè Bạn Gần Xa” như nhà văn, ký giả Lô răng Phan Lạc Phúc. Tôi cũng chưa tham gia các văn đàn đủ lâu để có thể viết về “Bạn văn, một thuở” như nhà văn Nguyễn Mộng Giá hoặc có đủ quen biết để “Viết về bè bạn” như tác giả Bùi Ngọc Tấn của “Chuyện kể năm 2000”.
Bạn thân của tôi và “bè bạn” của tôi đa số là những người vô danh. Có những người bạn chí cốt quen nhau từ lúc còn mặc quần thủng đáy trên ghế trường làng. Có những người bạn chỉ mới quen trong thời gian gần đây. Có những người bạn tri kỷ và có vô số những người bạn chỉ mới gặp gỡ trong một lần đi câu. Có những người bạn đồng chí hướng, có cùng một sở thích mà cũng có vô số những người bạn hễ gặp nhau là cãi nhau inh ỏi...Với tôi, dù thân quen hay xa cách, dù hợp khẩu hay khắc khẩu, người bạn nào cũng làm cho đời tôi thêm phong phú hơn mà thôi.
Lúc nhỏ, cha mẹ và thày cô cứ dặn bảo phải “chọn bạn mà chơi”. Cha mẹ tôi hẳn phải buồn lòng không ít vì bên cạnh những đứa bạn “phá xóm phá làng”, tôi có rất nhiều bạn chăn trâu chuyên rủ tôi trốn học. Với những người bạn này thì câu nói “học thày không tày học bạn” xem ra đã ứng dụng một cách rất chính xác. Tôi học ở trường lớp thì ít, mà học được ở những người bạn chăn trâu thì nhiều. Ngoài những kinh nghiệm sống, cách ứng xử khôn lanh, những bài học “cách trí”, tôi còn học được ở những người bạn chăn trâu những điều rất cơ bản về giáo dục giới tính đầy dẫy trong thiên nhiên.
Tôi cũng được cái may mắn tiếp xúc và kết thân với rất nhiều bạn bè “bên lương”. Cái xóm giáo nhỏ của tôi có óc “biệt phái” rất cao. Lúc tôi còn nhỏ, dân “có đạo” cứ nhìn người “ngoại” như “vô đạo” và ngăn cấm không cho lũ trẻ chúng tôi giao du với những đứa trẻ “ngoại đạo”, vì sợ chúng tôi bị lung lạc “mất đức tin” và ngay cả “mất dạy” nữa.
Về tình bạn, nhiều người vẫn trích câu nói: “Bạn hãy nói cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai”. Dĩ nhiên, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Tự nhiên ai cũng thích tìm đến những người giống mình. Ai cũng muốn gặp gỡ những người có cùng sở thích, cái nhìn về cuộc sống, quan điểm và nhứt là chính kiến. Kỳ thực, một tình bạn đích thực có khi đòi hỏi con người phải vượt qua và đón nhận những khác biệt của nhau, nhờ đó mới có thể chia sẻ và làm giàu cho nhau.
Trong tình bạn, người ta cũng thường ứng xử theo nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn của ta”. Xử sự như thế là gia tăng tinh thần cục bộ, đầu óc phe phái cũng như chối bỏ vai trò trung gian và hòa giải thường rất cần thiết cho các quan hệ giữa người với người. Dĩ nhiên, trong cuộc sống, có ai mà không có kẻ thù. Có được thương mến bao nhiêu thì cũng không tránh khỏi những kẻ ghen ghét. Nhưng sống mà nhìn đâu cũng thấy “thù địch” hay cứ phải bận tâm phân biệt “ bạn thù” thì chắc chắn không thể nào có được cái tâm an bình. Tôi luôn ngưỡng mộ Đức Đạt Đai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Ngài luôn nhìn mọi người bằng ánh mắt của cảm thông. Với Ngài, tất cả những nhà độc tài, ngay cả những người đang đày đọa dân tộc và quê hương của Ngài, Ngài đều xem họ như những “nạn nhân” cần được giải thoát và thương yêu hơn là thù ghét.
Những ngày đầu năm, cùng với vô số những quyết tâm mà năm nào tôi cũng muốn lập lại, tôi thấy trước hết cần phải trau dồi tâm tình cảm thông đối với mọi người, bởi vì tôi biết rằng tôi sẽ chẳng bao giờ có được cái tâm an bình nếu tôi vẫn còn cưu mang cừu hận trong lòng.
Sự hiện diện của bạn bè và người thân trong những ngày đầu năm vừa qua mang lại cho tôi một niềm vui lớn và cũng nhắc nhở tôi điều đó: tôi không thể sống an bình nếu không xây dựng những quan hệ hài hòa với mọi người. Dù có muốn sống ẩn dật đến đâu, tôi cũng vẫn không thể cắt đứt liên hệ với người khác. Quả thực, “không ai là một hòn đảo”.
Cách đây 3 thế kỷ rưỡi, khi linh mục, thi sĩ và luật sư John Donne người Anh viết: “Không ai là một hòn đảo”, thì đảo vẫn còn bị xem là một phần đất hoàn toàn bị cô lập với thế giới. Cách đây không lâu, một khoa học gia đặt chân đến một hòn đảo còn trinh nguyên nằm trong Thái bình dương. Hòn đảo này nằm cách một hòn đảo gần nhứt và có người ở khoảng 500 cây số và cách đất liền khoảng 5000 cây số. Nhà khoa học ngạc nhiên vô cùng bởi vì trên bãi biển của hòn đảo tưởng chưa có một vết tích nào của văn minh nhân loại chạm tới, ông lại thấy có nhiều vỏ chai và các túi ni lông.
Ngày nay, hơn cả thời của John Donne, với sự phát triển của các phương tiện giao thông và truyền thông, có lẽ chẳng còn hòn đảo nào là chưa có người đặt chân tới nữa. Hình ảnh ấy giúp chúng ta hiểu được câu hỏi thời danh của John Donne “không ai là một hòn đảo”. Ngày nay, dù dân số thế giới đã vượt qua 7 tỷ người, không còn có người nào trên mặt đất này còn bị xem là đứng chơi vơi giữa trời biển nữa. Không cách này thì cách khác, mọi người đều liên hệ với nhau và mỗi người đều liên hệ với mọi người. Như một viên đá cuội ném vào đại dương, cách hành xử thiếu trách nhiệm ở một xó xỉnh nào đó trên mặt đất cũng đều tạo ra một âm vang nào đó đối với những nơi khác. Ngược lại, một nghĩa cử, dù được làm trong âm thầm, cũng vẫn ảnh hưởng đến người khác. Tất cả chúng ta đều là công dân của một cộng đồng rộng lớn là nhân loại. Trách nhiệm liên đới ấy luôn mời gọi tôi xem niềm vui của người khác cũng là của mình và nỗi khổ của bất cứ một ai đó, dù xa lạ đến đâu, cũng phải là nỗi khổ của riêng tôi.
|