Long hay Rồng, đứng đầu trong Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Những con vật huyền thoại, chỉ có tên theo huyền thuyết, không có thật trong các loài sinh vật.
Thời trước, trong chế độ phong kiến, Rồng được lấy làm biểu tượng của các vì vua chịu ảnh hưởng nặng về văn hóa Trung Hoa. Bất cứ thứ gì trên thân thể hoặc liên quan đến nhà vua đều khởi đầu bằng chữ Long. Cơ thể vua được gọi bằng Long thể, mắt vua Long nhãn (và cũng là cơm trái nhãn phơi khô, dùng làm thuốc bổ trong ngành Đông Y) râu vua Long tu,… Nơi vua ngồi làm việc Long ngai, giường vua ngủ Long sàng, xe vua đi Long xa, Long giá, áo vua Long cổn, Long bào, kiệu vua Long đình, gậy vua Long trượng,… vua đến nơi nào đó được gọi là Long ngự. Chữ Long gắn liền với nhà vua như vậy, nhưng vợ chánh của vua gọi là gì? Thời cổ Trung Quốc đến đời Tần Thủy Hoàng, vua gọi vợ chánh của ông ta bằng Hậu; giới quần thần gọi là Vương Hậu. Đến đời Hán về sau mới gọi vợ vua là Hoàng Hậu, và Hoàng Hậu là chức vị được vua phong. Bà Lữ Hậu là người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên được thụ phong chức danh Hoàng Hậu. Chức danh Hoàng Hậu là “Đệ nhất, vộ nhi”, chỉ khi nào Hoàng Hậu tại chức bị phế hoặc chết mới được phong cho người kế nhiệm. Kỳ dư, những bà vợ thứ của vua chỉ được gọi bằng Phi. Nhưng, cái nguyên tắc “Duy nhất Hoàng Hậu” của Trung Quốc bị những vì vua trên đất nước ta đánh gục, các vì vua: Đinh Tiên Hoàng có 5 hoàng hậu; Lê Đại Hành có 5 hoàng hậu; Lý Thái Tổ có 9 hoàng hậu, Lý Thái Tông có 8 hoàng hậu. Khi Nhà Nguyễn Gia Long lập quốc, thì chức danh cao nhất, quyền uy nhất trong giới nữ ở cung đình, ngoài xã hội là Phi. Đến đời Bảo Đại mới có Hoàng Hậu. (Nam Phương Hoàng Hậu) Như vậy, các bà vợ Vua đều không có “long”, cho dù “Long thê” hay “Long nữ”. Nếu có ai hỏi: Vua gọi vợ ông ta bằng gì? Đa số sẽ trả lời: Hậu, Ái hậu, Ái khanh, Ái nương,… Nhưng chính xác nhất là: Vua gọi vợ ông ta bằng MIỆNG (mồm). “Bửu bối” nhà vua thì gọi là “Ngọc Cốt” hoặc “Long cốt”. Còn “cái đầu trọc bẩm sinh” của nam giới, trong giới bình dân gọi là Quy đầu. “Cái ấy” của vua cũng gọi “Quy đầu”, nếu ai gọi là “Long đầu” (đầu rồng = đầu vua”) thì chỉ có nước bị chết chém. Đúng là rắc rối lôi thôi! Có người cắc cớ hỏi: “Khi vua “làm chuyện nọ chuyện kia” được gọi là Long gì?” Câu hỏi được một tay “chọc trời khuấy nước” đáp: Hoàng Thượng làm vệ sinh cho Hoàng Hậu. Còn khi vua bài tiết, người ta nói đùa là “Long ị”, thực tế như thế nào người viết chẳng biết. Vị nào biết xin vui lòng chỉ giáo! Khi nói về nhà vua, không thể nói Long Vương mà phải nói Long nhan, trong khi Long nhan chỉ là cái mặt vua. Còn Long Vương, chỉ để gọi vị vua cai trị dưới nước. Cũng vậy, nơi vua và hoàng thân quốc thích trú ngụ không thể gọi Long Cung, mà phải gọi Hoàng Cung. Còn Long Cung là nơi ở của Long Vương. Tất cả những tiếng có chữ Long dùng để gọi cơ thể nhà vua chỉ với mục đích trừu tượng, do sự tôn sùng thái quá. Giả như đó là một thực tế, chúng ta thử hình dung một con người có đầu rồng, râu rồng, mắt mũi giống mắt rồng,… thì khủng khiếp đến dường nào! Có những từ kép hoặc cụm từ có chữ Long “hổn láo, ngang tàng” đứng trước, nhưng chẳng “ăn nhậu” gì đến nhà vua, như: long nhong, long đong, long tong, long lanh, long loc, long trời chuyển hoặc lở đất,… Trong Tam Quốc Chí có đoạn, khi Tào Tháo bị bệnh nặng thèm ăn gan rồng. Tạ Từ xin diện kiến, lấy bút vẽ một con rồng trên lụa, giống y như thật, xong dùng dao mỗ bụng máu chảy dầm dề, đoạn Tạ Từ móc gan rồng ra dâng Tháo. Tào Tháo kinh hoàng, cho là ma thuật truyền lệnh bắt, Tạ Từ leo lên lưng rồng bay mất. Vua Huỳnh Đế và hoàng hậu được vị tiên tên Quảng Thành Tử truyền cho phép tiên, khi thành đạo, có rồng vàng sa xuống, hai vợ chồng cỡi về trời. Thời Chiến Quốc, Tiêu Sử và Lộng Ngọc (con gái út của Tần Mục Công) tu tiên, khi thành đạo, Tiêu Sử cỡi rồng, vợ cỡi phụng bay lên trời (truyện Đông Châu Liệt Quốc, có nói rõ chuyện nầy) Truyền thuyết Trung Quốc có câu chuyện: “Xưa có một vì vua muốn vẽ hai con rồng để treo hai bên ngai vàng, bèn rao truyền khắp dân gian, ai vẽ tranh rồng đẹp nhất sẽ được trọng thưởng, những họa sĩ tài ba trong nước ùn ùn kéo về kinh đô nhiều như mây, nhưng không ai vẽ vừa lòng đức vua. Bỗng có một họa sĩ trẻ đến, tâu: - “Bệ hạ muốn vẽ bức tranh ấy, thì xin cho hạ thần một loại lụa quý, dệt bằng 10 thứ tơ của loài tằm được ăn loại lá dâu ở trên độ cao 7000 thước (một thước Tàu bằng bốn tấc thước Tây) ở Tần Sơn. Khi có tơ, phải tuyển những tay thợ dệt xuất sắc để khi dệt không để lỗi một sợi tơ nào trên mặt lụa...” Nhà vua đồng ý, hẹn năm sau. Đến hẹn, chàng họa sĩ đem lụa về hang núi, hẹn 3 năm sau mới hoàn thành, và lấy cái đầu bảo đảm cho sáng tác của mình! Ba năm sau, chàng họa sĩ trẻ trung ngày trước bỗng trở nên tóc trắng như bông, đến dâng vua hai bức tranh. Nhà vua hớn hở mở ra xem, chỉ thấy mỗi bên tấm lụa chỉ có hai đường xổ dài từ trên xuống dưới! Vua và triều thần cùng ngơ ngác. Tức giận, không cần tra vấn lời nào, vua truyền lệnh chém đầu người họa sĩ. Từ đó nhà vua buồn không nguôi, tìm vui trong thú đi săn. Đến một hang núi, hỏi ra thì đó là hang động của người họa sĩ nọ. Vua tò mò vào xem. Vừa vào cửa động, nhà vua thấy hai bức tranh vẽ rồng treo trên hai bên vách đá, nét vẽ cực kỳ sống động. Rồng vẽ trên bức tranh như đang nhe nanh vờn vuốt! Gió lay, hai tấm lụa chao động, nhà vua tưởng chừng hai con rồng đang lượn khúc, chào đón đấng chí tôn! Vua buột miệng: - “Thật là hảo tài hoa! phải chi nhà ngươi dâng hai bức tranh nầy cho trẫm, thì công sức đáng phong hầu!” Nói xong, bùi ngùi thương tiếc... Vào bên trong nữa,vua lại thấy hai bức tranh rồng y như hai bức tranh trước, nhưng đường nét ít hơn, vẫn không kém phần linh động. Vua nói: - “Thần bút diệu kỳ! tài ba nầy nghĩ đáng được phong vương!” Ngậm ngùi một lúc rồi đi vào tiếp, lại thấy hai bức tranh vẽ rồng y như hai lần trước, nhưng lại càng ít đường nét hơn, song, tranh toát ra sự thoát tục phi thường. Hai con rồng như ẩn, như hiện, như thăng, như giáng. Nhà vua rụng rời tay chân, nghẹn lòng thốt lên: - Ôi! tài hoa nghìn năm khó thấy, chia đôi thiên hạ cũng chưa vừa! Ta đã hại lầm người rồi!” Lại bước vào thêm nữa thì.... vua thấy hai tấm lụa, nhưng trên đó không vẽ hai con rồng như 3 lần trước, mà chỉ vẽ có hai sọc dài từ trên xuống dưới y như hai “bức tranh” mà họa sĩ dâng vua ngày nào! Thấy thế, nhà vua suy nghĩ, tần ngần nhìn mãi, nhìn lâu thấy hai lằn vẽ ấy hóa ra hai con rồng đang bay lượn trên lụa. Vua lắc đầu, thở dài ngao ngán cho sự kém hiểu biết của mình! Từ đó, người ta mới hiểu thêm rằng, cái NGU không chỉ có ở hàng dân giả mà còn hiện diện ở nhiều giai tầng khác trong xã hội con người. Thái Quốc Mưu
|