Cái Số |
Tác Giả: Hưng Yên | ||||
Thứ Tư, 23 Tháng 11 Năm 2011 07:17 | ||||
“Ðôi giầy, đôi dép còn có số nữa huống chi là con người”
Câu nói “Ðôi giầy, đôi dép còn có số nữa huống chi là con người” tuy chỉ là câu nói đùa thôi, nhưng mà nó đúng đấy các cụ ạ, con người ta ai cũng có một cái số cả. Cứ từ từ rồi chúng tôi sẽ trình bầy để các cụ rõ rồi tin hay không thì tùy các cụ, nhưng mà cụ nào không tin thì có khi là con người “Yếu nhân đức tin” đấy. Cũng cùng được sinh ra cùng phút, cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng người này được sinh ra là con nhà giầu, người kia sinh ra là con nhà nghèo, người sinh ra ở Mỹ, người sinh ra ở Việt Nam, người da trắng, người da đen, người da vàng, người thông minh, người cà đẫn, người sướng, người khổ không ai giống ai. Ngay cả trong cùng một nhà, anh chị em cùng cha cùng mẹ mà số phận mỗi người cũng mỗi khác, thế thì không phải là mỗi người đều có một “Cái số” thì là gì? Thế nào chả có cụ bảo: “Ối dào, nhà bác chỉ tin nhảm, số cái con mẹ gì, cũng chỉ là hên xui thôi”. Vâng, giá là đi đánh bạc thì có lúc “hên” lúc “xui” thật, chứ còn giầu nghèo, sướng khổ thì không thể gọi là hên xui được. Thế còn người này thì lấy được vợ đẹp, người khác lại lấy phải vợ xấu, hay là có người đàn bà trông tướng người cũng bình thường thôi thì lại lấy được chồng danh giá, chánh thất đàng hoàng, trong khi có người trông cứ đẹp như tiên ấy, nõn nường thơm phức thì lại là người của giới “Chị em ta” hoặc là làm bé làm mọn. Thúy Kiều “Làn thu thủy nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” thì 15 năm lưu lạc, đến nỗi thi hào Nguyễn Du đã phải kêu lên: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”! Thế không phải là “cải số” hay sao? Các cụ chắc còn nhớ vũ nữ Cẩm Nhung chứ nhỉ? Giá ngày đó “Mình” mà vớ được nàng thì cứ gọi là sướng như... Vua, thế mà chỉ cần một bát át xít của bà vợ ông trung tá Thức thôi, vũ nữ Cẩm Nhung đã trở nên như thế nào thì các cụ cũng biết rồi đấy! Vũ nữ Cẩm Nhung thì thế, còn ca sĩ Minh Hiếu - đã chắc gì đẹp bằng vũ nữ Cẩm Nhung - thì lại “chớp” được anh cả Trường Sơn “3 sao” Vĩnh Lộc, danh giá một đời. Chả lẽ những điều chúng tôi vừa trình bầy ở trên đều là hên, xui cả sao? Không có đâu, “Cái số” cả đấy các cụ ạ. Cũng bởi con người ta ai cũng có một “cái số” và ai cũng muốn biết cái số của mình nó ra làm sao, sướng khổ thế nào nên mới nẩy sinh ra một cái nghề gọi là nghề coi “Tướng số”. Mới có cái gọi là “cải số ”, có nghĩa là làm cho cái số nó khác đi, xấu thành tốt, xui thành hên. Mới có câu nói là “Ðức năng thắng số”, có nghĩa là tuy gặp phải số xấu nhưng nếu ăn ở có đức thì cũng có thể biến xui thành hên, xấu thành tốt được. Muốn biết cái “số” của mình nó ra làm sao dĩ nhiên là phải đi gặp thày “Tướng Số” rồi, nhưng khổ nỗi có phải thày nào cũng là thày giỏi đâu! Mười vị thì hết đến chín vị là dỏm nhưng lại “nổ” còn hơn pháo tết. Cũng là thày bói cả nhưng có vị xưng là Tiên tri, có vị xưng là Bốc sư, có vị xưng là Giáo sư, có vị xưng là Mét tờ rờ, có vị lại chỉ xưng một tiếng “Thày”. Trước 1975 Việt Nam ta có 2 vị “bốc sư” nổi tiếng nhất là Mét Tờ Rờ Khánh Sơn và Tiên Tri Gia Cát Hồng. Mét tờ rờ Khánh Sơn khoe đã từng coi cho Cựu Hoàng Bảo Ðại và Toàn Quyền Pasquier, nhưng “số” của thày thì thày lại cóc biết, vì nếu biết thì thày đã cải số để khỏi đi ở tù rồi. Còn Tiên Tri Gia Cát Hồng thì chắc là dòng dõi của Gia Cát Khổng Minh bằn Tàu đây. Thày tiên đoán cả 3 phi hành gia của phi thuyền Apollo 11 đều có đi mà không có về, thế nhưng 3 ông đi rồi 3 ông lại về, chả ông nào rụng mất một sợi lông chân, bói thế mà cũng đòi làm thày bói! Ðến đây chắc các cụ hết còn nghi ngờ gì về mỗi con người đều có một cái số cả, thảng hoặc có cụ nào vì Yếu nhân đức tin mà chưa đủ lòng tin cho lắm thì chúng tôi lại xin được chứng minh thêm để củng cố thêm lòng tin cho các vị ấy. Như chúng tôi đã trình bầy ở phần trên, có anh tướng tá chẳng ra gì mà lại vớ được bà vợ đẹp hết xẩy, hoặc có chị đẹp như tiên mà lại lấy phải thằng chồng chẳng ra gì, người ta bảo như thế là vì “Phải duyên phải số”. Cùng đơn vị với chúng tôi thuở ấy có một ông Chuẩn Oái (chuẩn úy), tuổi đă xồn xồn nhưng ông kén vợ khiếp lắm, anh em giới thiệu cho ông người đẹp nào ông cũng chê. Người ông chê thấp, người ông chê cao, người ông chê gầy, người ông chê mập. Hoặc là đẹp mà không có duyên, hoặc là thế này, hoặc là thế nọ..., rốt cuộc những người ông chê đều lần lượt đi lấy chồng hết cả, còn riêng ông thì vẫn cứ trơ thân cụ. Vì giới thiệu ai ông cũng chê nên riết rồi anh em cũng chán, chẳng ai thèm giới thiệu nữa, để ông tự đi tìm lấy một mình. Dĩ nhiên cuối cùng thì ông cũng tìm được vợ. Anh em chúng tôi ai nhìn thấy vợ ông cũng đều thở dài, đúng là: “Chê tôm ăn cá lù đù, chê thằng ỏng bụng lấy thằng gù lưng”. Bà vợ ông cao ngỏng cao ngòng mà lại gầy đét như con cá hố! Bây giờ thì các cụ đã đủ lòng tin là mỗi người đều có một cái số cả chưa, hay là vẫn còn có cụ bảo: “Toàn là nói những chuyện ở đâu đâu, thế còn nhà bác thì sao? Có số hay không có số”? Dĩ nhiên là “Nhà cháu” cũng phải có số chứ. Ngay từ hồi còn nhỏ, mới đang học lớp ba hay lớp nhì gì đó là thày bu tôi đã nhắm vợ cho tôi rồi. Nàng là người làng bên, là em họ của một trong số ba ông anh rể của tôi và cũng học cùng trường, cùng lớp với tôi. Nàng lớn hơn tôi 1 tuổi, người nhỏ nhắn, mảnh mai, mặt trái soan, da trắng như trứng gà bóc trông xinh lắm. Trong khi tôi thì kheo khẳng kheo khừ, đen như củ súng và nghịch như quỷ. Cả hai bên gia đình đều đồng ý đợi cho hai trẻ lớn lên là cho chúng tác hợp để được trọn đời hạnh phúc bên nhau. Dĩ nhiên điều này cả tôi lẫn nàng đều biết và không đứa nào có ý kiến gì; riêng tôi thì cũng thấy vui vui trong bụng (còn nhỏ thế mà đã biết rồi đấy các cụ ạ). Sau 1954 di cư vào Nam, gia đình tôi ở Nha Trang, gia đình nàng ở Sài Gòn, hai đứa vẫn tiếp tục đi học và ý định trong một tương lai gần chúng tôi sẽ trở thành vợ chồng cũng vẫn không có gì thay đổi, cho tới một buổi chiều... Cho tới hôm nay tôi vẫn vòn nhớ như in trong bụng - đúng là một buổi chiều định mệnh - hôm đó là một buổi chiều Chúa Nhật. Tôi định đi coi xi nê nhưng xe đạp bị xẹp lốp, thay vì đem xe đi vá thì tôi lại dựng xe vào một góc nhà rồi đi bộ đến nhà thờ. Không phải tôi siêng năng đạo đức gì đâu, khô như ngói ấy. Ðến nhà thờ chỉ với mục đích kiếm mấy thằng bạn để nói dóc, nhưng chúng nó đều đi đâu mất cả. Gặp đúng giờ lễ, tôi vào quỳ gối trong nhà thờ. Liếc mắt sang phía mấy “O” xem có gì lạ không? Nhìn là nhìn thế thôi chứ tôi biết tỏng đi toàn khu này không có O nào bằng được nàng của tôi ở Sài Gòn. Có mỗi một O coi hơi đường được một tí thì thằng bạn thân nhất của tôi nó “xí phần” rồi. Nhưng mà lạ chưa, một con nhỏ tôi chưa từng gặp bao giờ và đẹp hơn tất cả đang quỳ ở dẫy ghế bên kia. Xong lễ, ra khỏi nhà thờ tôi lại gặp “Nhỏ” một lần nữa. Chính lần gặp này “Nhỏ” đã cho tôi đo ván không trỗi dậy được. Tôi fell in love các cụ ạ, fell in love! Mấy tháng sau thày bu tôi phải viết thư vào Sài Gòn xin lỗi gia đình người bạn học ngày còn nhỏ của tôi vì có thằng con trai cứng đầu cứng cổ không bảo được. Bây giờ nó đòi lấy người khác chứ nhất đinh không chịu lấy người mà cha mẹ đã định sẵn cho nữa. “Nhỏ” đã hạ tôi knock down chính là bà xã tôi bây giờ đấy các cụ ạ, nàng nhỏ hơn tôi 4 tuổi và gia đình nàng mới “mu” từ nơi khác đến ở cùng xóm với tôi mà tôi không biết. Trước ngày sang Mỹ theo diện HO, tôi đã có dịp về Sài Gòn dự đám cưới thằng cháu kêu tôi bằng cậu. Nó là con trai của người chị gái thứ ba của tôi và cũng trong dịp này tôi đã gặp lại nàng, người bạn học thuở nhỏ mà suýt nữa đã trở thành vợ của tôi. Hai chúng tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm của buổi thiếu thời. Nhạn nhắc đến những người bạn học của những ngày còn nhỏ nay ai còn ai mất, nàng đã nhìn tôi cười bảo: - Ngày đó nghe bố mẹ bảo lớn lên sẽ lấy anh thì em cũng bằng lòng, sau lại nghe bên nhà anh sắp sửa xin làm đám hỏi, rồi đùng một cái lại nghe là anh đã lấy vợ. Anh lấy vợ rồi thì ít lâu sau em cũng lấy chồng thôi. Tôi cũng ngập ngừng bảo nàng: - Chị không lấy tôi là may lắm, chứ lấy chồng lính có sướng gì. Tôi mười mấy năm trong quân đội, sau đó lại phải tù phải tội, bà nhà tôi suốt đời long đong lật đật. Nghe tôi nói vậy, nàng thở dài chép miệng : - Âu cũng là cái số!!! Âu cũng là cái số thật! Tôi lấy vợ thì nàng lấy chồng. Chồng nàng là một vị giáo sư trung học, tuy có hơi lớn tuổi một chút nhưng lại khỏi phải đi lính nên đã không phải đi tù cải tạo. Xét về mặt nào đó thì nàng sướng hơn vợ tôi nhiều, phải chăng số nàng là số sướng còn số vợ tôi là số khổ? Phần tôi, tôi lại thấy số tôi là số sướng vì tôi đã lấy được người tôi yêu.
|