Home Phiếm Các Tác Giả Mùa này, hoa sữa!

Mùa này, hoa sữa! PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Ba, 21 Tháng 6 Năm 2011 05:03

    Ở Mỹ mỗi tiểu bang đều có một loài hoa tượng trưng cho vùng đất đó,

 như Alabama thì có Camelia Japonica, Alaska thì Forget-me-not, Illinois có Violet và California là California poppie.

    Ở Việt Nam xưa nay mỗi thành phố đều có những loại hoa đặc biệt như Ðà Lạt có hoa đào, Huế có hoa phượng và Hà Nội phải chăng là hoa sữa? Tôi hỏi “phải chăng” là vì hỏi những người Hà Nội cũ, thì người ta nói hoa sữa không là đặc trưng của Hà Nội trong trí nhớ, mà niềm nhớ Hà Nội gắn liền với cây sấu, cây bàng. Nhưng ngày nay, cứ nói đến Hà Nội là mọi người đều nói đến hoa sữa. Trịnh Công Sơn trong “Nhớ Mùa Thu Hà Nội” đã nói Mùa Thu Hà Nội là mùa hoa sữa: “Mùa Thu Hà Nội, mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió...” Rồi các nghệ sĩ, nhất định thi nhau phải đem mùi hoa sữa vào tác phẩm mỗi khi nói đến Hà Nội: -“Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm. Có lẽ nào anh lại quên em, có lẽ nào anh lại quên em?” -“Hương hoa sữa lan xa mềm như một lời ru, như một lời tha thiết...” -“ Nhớ phố Khâm Thiên, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng..” -“ Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ, đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương..” -“Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp...” -“Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa”...

    Cây hoa sữa có nguồn gốc từ các khu vực Quảng Tây, Vân Nam (Tàu), Ấn Ðộ; Nepal; Sri Lanka, Campuchia; Myanma, Thái Lan, Indonesia, Malaysia; Papua New Guinea, Philippines... là một loài thực vật nhiệt đới, thuộc chi hoa sữa, họ Apocynaceae, có hoa nhỏ, màu vàng nhạt, mùi thơm hắc khó chịu. Không biết ai đã đem giống cây này vào Hà Nội và vào thời điểm nào? Mùi hoa sữa rất nồng nặc khi trồng dày đặc để lấy bóng mát như ở nhiều thành phố hiện nay.

    Sau năm 1975, các tỉnh thành ở miền Nam, sau khi được “thống nhất” và coi Hà Nội là thủ đô của “đỉnh cao trí tuệ”, nơi có Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản đóng đô, các tỉnh ủy và viên chức đảng tại miền Nam, theo tinh thần “cái gì của Hà Nội cũng thơm”, muốn lấy điểm với trung ương, lấy điểm với “Hà Nội, trái tim của cả nước”, đua nhau xin giống hoa sữa, nhập từ Hà Nội về trồng tại tỉnh mình. Học tập chuyện “bác Hồ” đem cây vú sữa miền Nam ra Hà Nội trồng để “nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”, bây giờ các đảng viên cũng đem cây hoa sữa về gây giống tại miền Nam để nhớ công ơn của đảng. Cây vú sữa của miền Nam năm xưa không chịu nổi đất miền Bắc khắc nghiệt đã chết queo từ hồi nào, nhưng cho đến nay, nước nhà thống nhất rồi cũng chưa có giấy báo tử. Cây vú sữa chết rồi, không ai chết theo cả, nhưng hoa sữa đem về miền Nam, cũng như chế độ Cộng Sản vậy, làm cho thiên hạ điêu đứng.

    Trước hết là tỉnh lỵ Ðồng Hới (Quảng Bình), nằm trong lòng miền Bắc. Trong chiến tranh có lẽ chưa ai rảnh việc để “trồng cây nhớ bác”, nhưng bây giờ Ðồng Hới bắt đầu ngạt thở vì hoa sữa được trồng dày đặc cả hai bên vỉa hè trên tuyến đường chính, san sát cứ 2-3m một cây, trên con đường dài 2 cây số. Vào mùa hoa sữa nở rộ, nhiều gia đình sống ở hai bên đường phải đóng cửa cả ngày vì mùi hoa nồng nặc, một số quán cà phê vỉa hè cũng phải dẹp. Một bà bán hàng rong than là đã bị viêm xoang mũi, nhức đầu vì ngửi phải mùi hoa sữa, muốn đi bán hết hàng phải bịt mũi, buộc đầu thật kín, nhưng như vậy lại bị ngạt thở... Cây hoa sữa gây dị ứng cho người nhạy cảm với phấn và hương hoa, và làm khó thở. Với những người mắc các bệnh như hen suyễn, viêm phổi thì càng khó chịu hơn, ngoài ra phấn hoa còn làm nổi mẩn đỏ do dị ứng da, khi ăn uống phải phấn hoa cũng bị tiêu chảy.

    Một lãnh thổ địa đầu sát với miền Bắc nhất, là quận lỵ Ðông Hà (Quảng Trị), nhờ ơn mưa móc, bây giờ dân chúng bắt đầu lén chặt cây hoa sữa, vì chịu không nổi mùi thối nồng nặc của loại cây quý này. Phản nghĩa của thơm chỉ có nghĩa là thối thôi. Ðã thơm thì ai mà đem chặt đi cho uổng công trồng. Tại Ðông Hà trên 100 đường phố, cây hoa sữa tập trung chủ yếu ở thị xã, và nhiều nhất là quốc lộ 9B. Cây hoa sữa ở Ðông Hà trồng rất dày, cứ 5m lại có một cây. Mùa hoa nở, mùi hoa lan tỏa trên nhiều đường phố, là một cực hình cho người qua đường, dù trời nóng, ở trong nhà cũng phải đóng kín cửa.

    Ðể biểu diễn lập trường, rồi những con đường xứ Huế cũng bắt đầu trồng hoa sữa. Vào năm 2008, người dân miền Trung đã gửi đơn “kiện” chính quyền về “thủ phạm” hoa sữa vì gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hoa sữa bây giờ là một vấn nạn, nhưng khó có thể thay đổi trong một thời gian ngắn, vì rất tốn kém, đôi khi lại mất điểm với trung ương. Quận lỵ Tam Kỳ nói rằng nghe hay thì đem về trồng, thế nhưng giờ đây hoa sữa đã trở thành nỗi phiền toái của nhiều người. Ở Ðà Nẵng thì công ty Cây Xanh đang tìm cách chặt cây, tỉa bớt cành để hạn chế bớt ảnh hưởng của hoa sữa cho sức khỏe của người dân.

    Tội nghiệp cho các tỉnh xa xôi ở miền Nam như Trà Vinh cũng với tay đến Hà Nội, lặn lội đường xa, kiếm cho được giống hoa sữa Hà Nội về trồng để bây giờ phải gặp cảnh dở khóc dở cười. Theo tin báo chí trong nước thì đông đảo người dân cư ngụ hai bên đường đã đòi kiện chính quyền nếu nhà nước không chịu đốn hạ hàng trăm cây hoa sữa đã ngày đêm làm khốn khổ cho con người. Mỗi năm từ tháng 5 cho đến tháng 9, hoa sữa nở rộ, tỏa mùi hương gây không khí ngột ngạt chết người, những ngày nóng nực, đứng gió thì mùi hoa tỏa ra càng nặng. Từ nhiều năm nay, dân chúng đã đòi chính quyền phải đốn hạ những cây hoa sữa này, vì ngu dốt, lập công lấy điểm, chính quyền ở các địa phương đã đưa một số cây từ xa xôi, hàng nghìn cây số về, để ngày nay người dân phải chịu đựng sự đau khổ hôm nay, trong khi ở miền Nam xưa nay, đâu có thiếu những loại cây xanh đem lại bóng mát. Còn gì là sắc thái đặc biệt của mỗi tỉnh nhà, mỗi mảnh đất quê hương?

    Một loài cây có một thứ hoa như hoa sữa, đã làm cho không những ở miền Nam khó chịu, than vãn mà cả miền Bắc cũng không chịu nổi mùi hương của nó, gây bệnh tật, khó chịu mà người dân bắt đầu muốn cắt, chặt, đốn, đốt nó đi, hay nói văn vẻ như những người Cộng Sản, là mơ một buổi sáng thức dậy, thấy ngoài đường không còn cây hoa sữa nào, nghĩa là mong nó chết tiệt đi! (Phỏng theo câu nói của một ông Cộng Sản quốc tế nào đó: Mơ một buổi sáng thức dậy, thấy mình là người Việt Nam - CS!) Trong khi đó, những ông văn nghệ sĩ cứ nhắm mắt ca tụng hoa sữa như là một thứ vương hoa, Trịnh Công Sơn thì nghe “thơm từng cơn gió...”, một ông khác thì “hoa sữa vẫn ngọt ngào”, một dì nọ thì kêu lên “hương hoa sữa mềm như một lời ru” hay “thơm nồng”. Có một cậu lại hãnh diện: “Ta còn em mùi hoa sữa”. Nếu thật thơm tho như vậy sao toàn dân bịt mũi lánh xa. Chỉ còn một điều có thể giải thích được là các ca nhạc sĩ này “nghẹt mũi” không ngửi được mùi thối, hoặc là “nhắm mắt” khen bừa mà không cần phải đến Hà Nội, chẳng biết cây hoa sữa thế nào, hay chưa biết đến nỗi khổ đau, chịu đựng của thiên hạ về hoa sữa. Chuyện này làm cho chúng ta nhớ lại một ý thơ của Phùng Quán: “Thơm thì cứ bảo rằng thơm, thối thì cứ bảo rằng thối!”

    Hoa sữa làm tôi liên tưởng đến chế độ Cộng Sản. Cũng vậy thôi! 

Tạp ghi Huy Phương