Tấu Hài PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thanh Ty   
Thứ Năm, 25 Tháng 11 Năm 2010 05:49

Tác giả Trịnh Thanh Thủy với bài viết nhan đề “Nhỏ mà không học lớn làm Em Xi” luận về cái nghề “nói giảo” (MC) hiện nay có nhiều “khám phá” rất thú vị.

Thuở nhỏ, cách đây hơn 60 năm, người viết thường được dì Hương, người hàng xóm cạnh nhà, dắt theo đi coi hát bội ở rạp Thạnh Xương, trên chợ Đầm Nha Trang, khỏi phải mua vé. Nghe nói dì là tình nhơn của ông bầu gánh nên luôn có vé mời đặc biệt.

Khoảng thập niện 40-50, hát bội là môn nghệ thuật sân khấu diễn tuồng cổ duy nhất ở miền Trung rất thịnh hành được đông đảo “bà con cô bác” từ thôn quê đến thành thị say mê.

Tác giả Đoàn văn Cừ trong bài “Đám hội” đã nói về sức lôi cuốn của hát bội:

Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh

Đón tôi về xem hội ở làng bên

Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền

Người bé lớn đều mê man về hát bội…

Hát bội, thông thường mỗi buổi diễn, trước khi mở màn bắt đầu, ông bầu gánh lên sân khấu mặc áo thụng, trịnh trọng nói lời chào khán giả và lược sơ qua cốt truyện của tuồng hát. Gần đến màn chót, một lần nữa, ông bầu lại xuất hiện cám ơn “bà con cô bác” đã “bỏ thì giờ vàng ngọc quá bước đến xem” và giới thiệu tuồng tích tối mai, còn “hay hơn, đặc sắc hơn nữa”. Sau đó, mở cửa “xả giàn” cho đám khán giả không tiền mua vé, đang háo hức bên ngoài, ùa vào coi khúc chót miễn phí. Đây là một lối quảng cáo câu khách rất hữu hiệu cho đêm mai.

Thuở ấy, cách dàn dựng sân khấu còn thô sơ lắm. Mỗi lần muốn chuyển cảnh sang một màn khác, màn nhung phải kéo lại che kín sân khấu để cho bên trong thay phông màn, dựng cảnh như cây lá, thành quách, ngai vua , cờ xí…mất ít nhất cũng từ 5 đến 7 phút.

Lúc ấy, ông bầu cho hai anh hề ra “nói giảo” để câu giờ. Tôi thường hay sốt ruột và bực mình với thời gian này. “Nói giảo” theo nghĩa miền Trung (Bình Định-Phú Yên) là nói tầm phào, bá vơ, nói nhăng nói cuội cho vui, chẳng ăn nhập gì với tuồng đang hát hay dính dáng gì tới đoạn chuyển tiếp đang gay cấn hay mùi mẫn cốt để cho khán giả khỏi buồn chán trong lúc chờ đợi. Chữ “giảo” ở đây không có bà con họ hàng, thân thích gì với chữ giảo hoạt hay xử giảo.

Đôi lúc “nói giảo” có chuẩn bị sẵn một chủ đề hài hước thì cũng làm vui sân khấu, gây tiếng cười thỏa thích cho khán giả. Nhưng thường thì họ bị đẩy ra thình lình mỗi khi có tình huống bất ngờ, phía sau hậu trường xãy ra trục trặc kỹ thuật. Chẳng hạn như tướng Trương Phi, lúc đến vai, lại quên mất bộ râu quai nón lúc nghỉ tháo ra móc ở chổ nào, đang chạy đi tìm. Hay ngài Quan Công đúng lúc ra sân khấu lại bị “Tào Tháo” đuổi phải chạy vô nhà cầu. Lúc này mấy anh hề buộc phải nói “cương” cho có chuyện để câu giờ cứu bồ nên vô duyên, nhạt nhẽo hoặc bí quá phải giả méo mồm, nói ngọng nghịu, hoặc nhíu mắt, nhăn mày, quơ tay, múa chân làm trò khỉ để thọt lét khán giả.

Ngày nay sân khấu đã thay đổi bộ mặt, vai trò của ông bầu và hai anh hề “nói giảo” cũng được thay đổi theo. Người dẫn tuồng, hay “hướng dẫn chương trình”, gọi văn huê là Em Xi (MC) đã thay thế nhiệm vụ của họ.

Tác giả Trịnh Thanh Thủy với bài viết nhan đề “Nhỏ mà không học lớn làm Em Xi” luận về cái nghề “nói giảo” (MC) hiện nay có nhiều “khám phá” rất thú vị.

Chưa nghe nói có trường lớp nào dạy về cái nghề “nói giảo” này. Nhưng cũng đã có vài người ăn nên, làm ra nhờ nó. Có ông nọ đang kiếm ăn bằng ngòi bút, tự nhiên bỏ bút, nhảy sang nghề “nói giảo” cho một trung tâm băng nhạc. Không ngờ mả phát, phất lên như diều gặp gió. Vừa có tiếng lại vừa có tiền. Đi đâu cũng được các bà sồn sồn săn đón hậu hĩ. Các em nhí thì tối ngày cứ réo chú ơi, chú hỡi.

Lại có chị học luật ra, thấy người ta hốt bạc cắc bằng cách “nói giảo” sao mà dễ quá, bèn không theo nghề thầy cãi, mon men qua tung hứng với ông nhà văn nọ, qượi qượi ăn theo, ngọng nghịu tiếng mẹ đẻ lúc ban đầu, gần 20 năm nay, cù nách khán giả. Khán giả chưa kịp nhếch mép thì chị đã hô hố cười mồi trước, rất là vô duyên òm. Nghe nói có nhiều người đã bị lở nách.

Từ xưa, giới ca kịch nhờ giọng ca, cách diễn nên dễ được giới hâm mộ nghệ thuật biết đến tên tuổi. Còn các vai phụ “nói giảo” hàng đêm chẳng có một ai thèm lưu tâm, để ý .

Nhưng ngày nay, mấy ông, bà “nói giảo” (MC) lại được bầu sô ưu ái nâng cao địa vị ngang hàng hoặc trội hơn các ca, kịch sĩ về vai trò cũng như tiền cát sê.

Cứ nhìn vào mấy tờ quảng cáo chương trình ca nhạc thì thấy rõ. Ảnh của các MC hướng dẫn chương trình luôn ở chính giữa, được bao quanh bởi các ảnh của các ca, kịch sĩ với những hàng chữ giới thiệu tên tuổi một cách trang trọng không thua gì một siêu sao.

Nhưng sách cũng có câu “Sinh ư nghệ tử ư nghiệp” để chỉ những cái “sự cố” đã cố sự xãy ra trong lúc hành nghề. Nghề MC cũng vậy. Nghề kiếm ăn bằng nước bọt coi vậy mà cũng khó khăn, lắm ba chìm bảy nổi trước búa rìu dư luận. Kiểu làm dâu trăm họ. Cách đây mấy năm, có một cuốn băng video đã làm dư luận hải ngoại “nóng” lên, chống đối dữ dội vì cuốn băng, nói rõ ra là ông MC, bị cho là có những lời lẽ thuyết minh làm lợi cho Việt gian Cộng sản.

Có điều nghịch lý là tuy bị phản đối rất nhiều nhưng con số lén đi mua băng (lậu) để “coi cho biết sự tình” cũng không ít. Chỉ có ông bầu sản xuất băng nhạc là hưởng lợi, vẫn cứ sống khoẻ re, ra băng đều đều. Còn ai choảng nhau vì nó mà sứt đầu u trán, thì ráng mà chịu lấy.

Chuyện đời thật khó lòng. Cũng một câu nói, một cách làm trò, mà kẻ thì vỗ tay khen hay đáo để, cười ngặt nghẽo. Kẻ lại trề môi chê thậm tê, cho là thô tục, giễu dở.

Trong bài viết “Nhỏ mà không học lớn làm MC”, tác giả có nêu ra một số MC tên tuổi trong cộng đồng Việt Nam nhỏ bé của chúng ta, kèm theo những nhận xét, phân tách ưu khuyết điểm riêng của từng người cho thấy muốn trở thành một MC nổi tiếng lắm khi cũng trầy vi, tróc vảy chứ không phải dễ dàng như lấy đồ trong túi. .

Bởi thế, có bà mệnh phụ nọ, ngày xưa cũng đã từng là “đệ nhị phu nhân”, nay tuổi đời đã thuộc loại “thất thập cổ lai hy”, thấy người ta lên sân khấu ăn nói duyên dáng, được khán giả vỗ tay rần rần, cũng muốn mài sừng làm nghé, cố lên sân khấu một lần, ỏng ẹo làm MC. Kết quả thất bại ê chề, vận may ngó lơ, trở về quê mở quán phở “tái giá”, vui với bồ nhí cho hạp đạo trời.

Qua chuyện trên, mới biết học được câu” Giấy rách phải giữ lấy lề” cũng khó lắm thay.

Ối thôi! Cái nghề MC không học này sao mà lắm nhiêu khê, “có trăm lần vui, có vạn lần buồn”. Vậy mà ai ai cũng muốn trở thành MC trong các buổi hội họp đông người. Từ nhà văn, nhà báo, luật sư, bác sĩ… đến mấy anh chạy “sô” cò con, trong bụng “lam nham ba lá sách” cũng đều muốn thành anh “nói giảo”, xin lỗi, thành MC cả.

Kể ra thì cũng vinh dự cho cái nghề mới này, cái nghề nhỏ mà không học…, lắm chứ!.

Thật là muôn hình vạn trạng, trăm hoa đua nở. Hoa cứt lợn chen với hoa lài.

Tuy nhiên, về hình thức thì cách “nói giảo” ngày xưa hay kiểu làm MC ngày nay vẫn không có gì thay đổi. Vẫn là những lời cám ơn, sơ lược tiết mục sắp diễn và mục đính chính vẫn là… câu giờ. Có mới chăng, chỉ là đổi mấy chữ nôm na mách qué, quê mùa “bà con cô bác” thành văn bác học Hán Việt “quí vị khán giả”. Và thêm chỉ độc nhất câu: “Xin một tràng pháo tay thật lớn cho…” rất phản tác dụng, gây khó chịu cho người nghe. Vẫn biết là không ăn tiền, nhưng MC nào cũng gân cổ lên “xin”. Có lẽ họ sợ người xem không biết thưởng thức chăng?

Ngày xưa, ông bầu đứng trong cánh gà ra hiệu cho hai anh hề chấm dứt nói giễu đề chuẩn bị mở màn mới. Ngày nay, MC miệng nói nhưng mắt phải ngó chừng cái đèn đỏ báo hiệu phía trước, chớp chớp, là ngưng ngay dù là câu chuyện đang nói nửa chừng hay cách mấy cũng phải xì tốp tức khắc, không được phép “quá đà”, nếu không thì…có ngày phải về đuổi gà cho vợ.

Về chuyện nói “quá đà”, tác giả Trịnh Thanh Thủy có kể đến một MC rất giỏi, kiến thức về chủ đề uyên bác, cách nói lôi cuốn, hấp dẫn người nghe nhưng các ông bầu lại ít chịu mướn:

“Sự đam mê, đầy nhiệt huyết của ông với âm nhạc là một trong những yếu tố thành công chính của một MC nhưng nó cũng làm ông thất bại vì ông vốn quen “quá đà”, khiến sau này ít ai mời ông làm MC vì sợ tốn thời giờ của ban tổ chức”.(Nhỏ mà không học lớn làm MC.)

Vì khỏi học hành gì cả mà vẫn làm MC được nên sân khấu ca nhạc bỗng đâm ra “nạn nhân mãn MC”, thừa mứa người “nói giảo”. Mỗi lúc mỗi đông, số người này không biết phải đầu quân đi đâu, làm gì để sống với ánh đèn sân khấu quen thuộc hằng đêm?

Phải tìm lối thoát để sinh tồn, họ họp nhau lại thành từng nhóm, hai người, ba người hoặc cùng lắm là bốn người. “Nói giảo” không thể có đông người như một gánh hát được. Đêm đêm họ lên sân khấu đặt chuyện “nói giảo” với nhau để chọc cười khán giả, xen giữa các tiết mục ca múa, nhạc. Thường thì họ nói chuyện hài hước, chuyện tiếu lâm. Đôi khi họ giả gái nói giọng the thé của người lại cái, đi ỏng ẹo… cũng cốt để gây cười cho khán giả xả hơi, chờ tiết mục kế tiếp.

Từ đó, tiết mục có tên là “tấu hài” ra đời. Đặc biệt là ở quốc nội, quần chúng dễ dãi, “tấu hài” nở rộ như nấm gặp mưa. Từ Nam ra Bắc chổ nào cũng có “tấu hài”, bất cứ chương trình nào, từ lớn đến nhỏ. Đến nỗi có lúc người ta phải kêu lên “Ra ngõ gặp tấu hài”. Lúc ban đầu, loại hình này cũng làm cho khán giả thích thú bởi tính hài hước, chọc cười bình dân phổ thông của nó. Từ đó, tấu hài trở nên một đặc sản không thể thiếu trên sân khấu ca múa nhạc.

Riêng ở thành phố Sài Gòn đã có hơn 60 nhóm “tấu hài” đã một thời làm mưa, làm gió ở hàng trăm tụ điểm ca nhạc.

Tuy nhiên. dần dà vì không có kịch bản, diễn viên không có trình độ nên thường chạy theo tiếng cười dễ dãi, thị hiếu rẻ tiền, cương tùy hứng, thậm chí bí đề tài, đem chính hình hài xấu xí của mình làm thành trò cười hoặc đem khuyết tật của người khác như mắt lé, răng hô, béo mập, lùn, cà lăm… để giễu cợt hòng lấy tiếng cười nhạt nhẽo khiến cho khán giả nhàm chán dần.

Những anh hề “nói giảo” tự xưng là nghệ sĩ “tấu hài” như Hoài Linh, Bảo Chung, Phi Vũ, Bảo Quốc, Kiều Oanh, Hoàng Sơn, Việt Linh… lâu nay cứ lặp đi, lặp lại bao nhiêu chuyện đó một cách gượng gạo trước người xem với những lời thô thiển, bỡn cợt vô nghĩa cốt chọc ngoáy đến tiếng cười mà không ăn nhập gì với vai diễn.

Những “tiểu phẩm hài” như Thầy bói mù sờ mu rùa, Vợ lớn vợ bé đánh ghen, Anh chồng sợ vợ v.v… cứ diễn tới diễn lui đến độ sáo mòn, còn diễn viên thì cố gân cổ lên mà gào cho to tiếng khiến khán giả mệt mỏi phải quay lưng lại với sân khấu.

Sự yếu kém về nội dung và nghệ thuật diễn xuất hời hợt chạy theo chủ nghĩa tự nhiên đã làm cho tấu hài dần dần hết thời, các tụ điểm ca nhạc vắng như chùa bà Đanh, khiến cho số “nghệ sĩ hài” lâm vào cơn khủng hoảng về “nghệ thuật ngoáy cười” cũng như kinh tế bao tử.

Tình trạng tuyệt vọng của đám “tấu hài” tưởng chừng như đang trên bờ vực thẳm thì may mắn thay một cứu tinh mới đã xuất hiện đúng lúc, đã vực dậy và kéo “nghệ thuật tấu hài” lên “đỉnh cao chói lọi” theo một khuynh hướng nghệ thuật mới.

Nghệ sĩ cứu tinh này đã làm cho hàng triệu triệu khán giả thích thú, cười hả hê, sướng khoái mê ly, cười mệt nghỉ. Chỉ với vài câu cực ngắn nhưng lại mang đầy ý nghĩa to lớn, lạ lẫm, gây kinh ngạc cho người nghe. Sự thành công không những “tuyệt vời trên cả tuyệt vời” ở trong nước mà còn vang dội ra cả thế giới. Mọi người đều bị cuốn hút với lối “độc tấu hài” của nghệ sĩ này. Cả tỉ người trên thế giới đã chăm chú dán mắt trên màn ảnh nhỏ tại nhà để theo dõi những “sô” diễn của nghệ sĩ này.

Ái chà chà! Siêu sao nào mà nghe “nổ” quá vậy? Đã có “bắc rao” nào về ca cẩm, tấu tót trên sân khấu trong quá khứ chưa? Đã từng là “Em xi” ở các tụ điểm ca nhạc lần nào chưa?

Xin thưa là chưa! Hoàn toàn chưa. Đây là một siêu sao mới toanh. Bảo đảm “xăng buộc xăng” phần dầu.

Nghệ sĩ này tên là Sáu Phong (có lẽ là ních nem) đang làm nghề canh nhà mồ cho một gia tộc phong kiến ở làng Ba Đình. Xuân thu nhị kỳ lo quét dọn lăng chứa xác chết ướp khô của trưởng tộc dòng họ này. Trưởng tộc này, cách đây hơn nửa thế kỷ, đã có công lớn dựng nên An Nam đô hộ phủ. Con cháu đã ba đời kế nhau hưởng vinh hoa phú quí. Đến đời họ Nông kế vị hiện nay thì Sáu Phong được mướn làm kẻ gác lăng Ba Đình.

Trong đợt thưởng công khuyển mã cho gia nô, Sáu Phong được họ Nông cho đi tham quan một chuyến ở nước Cờ hoa, gọi là để “mở rộng tầm mắt”. Trong dịp này, Sáu Phong được quốc vương xứ Cờ hoa là Hắc diện Ô Bá Mà bắt tay chào hỏi. Thật là vinh hạnh ngàn năm một thuở cho Sáu Phong. Không biết do ông nhập hay bà nhập trong lúc bắt tay, bỗng nhiên Sáu Phong buột miệng nói: “Ông Ô Bá Mà à! Cái đó nó khó lắm đó”. Quốc vuơng Cờ hoa không hiểu Sáu Phong nói ký gì nên cứ há hốc mồm ra, trợn tròn con mắt, mặt ngẫn tò te.

Về nước, Sáu Phong kể lại cho bà con trong xứ An Nam nghe:

-Khi tui nói – Ông Ô Bá Mà ơi! cái đó khó lắm đó – là tui đã phân hóa nội bộ của xứ ổng – ổng cũng chăm chú nghe tui nói lắm.

Lúc kể chuyện này, tình cờ có một anh phóng viên của báo “Nhân dân” chụp hình, quay phim đưa lên báo, lên truyền hình. Cả nước thấy tức cười, rần rần đâm đầu vô coi tivi. Coi Dutúp trên In tờ nét cả triệu người. Ở hải ngoại cũng kháo nhau, đua nhau coi.

Người ta bình luận cái hay của Sáu Phong là đã thể hiện được đặc tính của người mình là “Đi xa về nhà tha hồ nói phét”. Thế là, tình cờ Sáu Phong nổi tiếng về tấu hài.

Càng lúc cái tên Sáu Phong càng vang dội khắp năm châu bốn bể.

Thừa thắng xông lên, Sáu Phong qua Cuba, tấu hài tiếp, cũng bằng chất giọng Nam bộ chân trâu, mộc mạc, thật thà như đếm:

alt

-Ông Phi Đen ơi! Có người nói An Nam dzới Cuba là trời sanh một cặp. Một anh ở đằng Đông, một anh ở đằng Tây, thay phiên nhau canh gác cho nền hòa bình thế giới. An Nam gác Cu Ba ngủ. An Nam nghỉ Cu Ba gác.

Lần này Sáu Phong càng được thế giới ngưỡng mộ hết sảy. Báo chí, truyền hình của nước ngoài suốt cả tuần liền đều đưa tin, đăng hình Sáu Phong ở trang nhất. Mặt Sáu Phong nghinh lên trời rất oai phong. Có mấy đứa ganh ăn, ghét ở, xấu mồm bảo:

-Sáu Phong lúc nói tay cứ huơ huơ như chém gió, mặt thì nghệch ra cứ như ngỗng ỉa!

Từ đó Sáu Phong có thêm hỗn danh là Chém gió: Sáu Phong chém gió!

Với uy tín đang lên vù vù, về nước, Sáu Phong liền được gia tộc họ Nông mời lên nói chuyện tham nhũng ở xứ An Nam trước cử tọa mấy ngàn người. Có cả một ngàn “Việt kiều yêu nước” khắp nơi trên thế giới vác mặt về tham dự để được vinh hạnh nghe Sáu Phong nói chuyện.

Hôm ấy Sáu Phong tấu hài:

-An Nam mình đâu có tham nhũng như bọn “thù địch, phản động, chống phá nhà nước” tuyên truyền. Chỉ là mấy anh thủ quĩ thấy tiền mình giữ có dư nhiều quá nên em mượn đỡ xài đỡ, thấy không ai đòi nên em mượn thêm chút nữa.

Chỉ một câu ngắn gọn vậy mà làm cả hội trường bị kích động phá lên cười hô hố, ha há, cười hăng hắc, cười hềnh hệch… gần vỡ cả nóc nhà. Đám “Việt kiều yêu nước” bị phấn khích quá độ đến nỗi phải trèo lên sân khấu, ôm nhau nhảy cẫng lên, hát ông ổng bài “Như có Boác Hù…” cho đã cái sướng khoái.

Cuộc “nói giảo” mới đây, nhân đại lễ Ngàn năm Thăng Long, lúc khánh thành tượng đài Thánh Gióng có đúc tim người và ngựa, ở núi Đá Chồng, Sóc Sơn, đã đưa danh tiếng Sáu Phong bay bổng lên “tột đỉnh vinh quang” trong nghệ thuật tấu hài, khi giễu:

-Thưa quí dzị, tui nghĩ chiện Thánh Gióng không có huyền thoại đâu. Gióng công lao là thế, tài năng là thế, quánh giặc xong, không màng chức vụ, danh lợi, không đòi ai cám ơn. Gióng thanh thản dzìa trời để dzui thú điền dziên. Gióng có đáng để ta học tập không?

Có hơn 100 người trong số dự lễ vì tức… mình (Sáu Phong hỗn hào gọi trỏng Thánh Gióng là Gióng trống không) và tức…cười quá nên bị nấc cụt không ngưng được phải đưa vào trạm xá gần đó cho nhai gừng sống, uống mật ong để chữa trị.

Đám đông nghệ sĩ tấu hài trong nước đang ngồi ngáp gió một thời gian dài, uống nước lã mấy tháng nay để tìm đường… cứu nước như Boác Hù, à không, cứu nguy bao tử, vớ được “bí quyết” của Sáu Phong là biết kết hợp tính thời sự đang xãy ra hàng ngày vào tấu hài mới ăn khách, đang định họp nhau soạn gấp “chùm” tiểu phẩm liên hoàn nói về những đề tài “nhạy cảm” đang làm nóng dư luận như “Bác Tô Hô trong nhà thổ”, “Tôi như Rứa với lề phải”, “Huỳnh ngọc Sĩ bị trúng thực đô la” …thì được tin một nhân tài tấu hài khác vừa xuất hiện đã nổi tiếng vang dội ngay không thua gì Sáu Phong.

Họ đang đói… đề tài nên vội đổ xô mở in tờ nét vào Dutúp xem màn tấu hài này để biết là sao nào, tấu cái gì để học tập kinh nghiệm và để… “chôm ái đia” ăn khách.

Té ra chẳng ai xa lạ mà chính là ông Lại Củ Sâm có mỹ danh từ khuya là Xuân tóc đỏ, môt cây đinh vàng của Đài truyền hình Việt Nam, VTV3 hơn 20 năm nay.

Ông Củ Sâm này có trình độ học vấn hơn ông Sáu Phong giữ nhà mồ cho dòng họ Nông xuất thân từ rừng U Minh. Ông du học ở xứ Liên xô vĩ đại 12 năm về tiếng Hindi. Tốt nghiệp về nước, không gặp thời, nên phụ bán hàng xén cho mẹ vợ ở chợ Đồng Xuân để chờ thời. Mấy năm sau, đài truyền hình Việt Nam cần người tường thuật thể thao, môn bóng đá của Liên xô, ông Củ Sâm trúng mánh, được tuyển ngay.

Ở đài truyền hình một thời gian, nhờ có giọng đọc đặc biệt ông kiêm luôn nghề MC hướng dẫn các chương trình “Đố vui để chọc” và “Ai là triệu phú… của đảng ta” v.v…Năm 2008, Củ Sâm nhận được giải “Người dẫn chương trình (MC) Gameshow được yêu thích nhất” của đài truyền hình Việt Nam do tạp chí Truyền hình bầu chọn.

“Sự cố” đã làm cho Xuân tóc đỏ Lại Củ Sâm nổi tiếng ngang xương như sau:

Trong đêm bế mạc Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam, chương trình đã được Cục Điện ảnh, Đài Truyền hình Việt nam, công ty BDH kiểm duyệt khá kỹ lưỡng. Phụ trách chương trình gồm ba người: Lại văn Sâm làm MC. Cô Ngô Mỹ Uyên và “một người lấy chồng người ngoại quốc đã ở nước ngoài 20 năm” (lời ông Lê Ngọc Minh BTC) làm phiên dịch tiếng Anh.

Đến tiết mục nam diễn viên Hồng Kông Ngô Ngạn Tổ lên sân khấu ra mắt khán giả thì đột nhiên muốn phát biểu vài câu. (phần này không có trong kịch bản). Khi anh nói dứt câu thứ nhất, hai phiên dịch viên chưa kịp mở mồm, Lại văn Sâm tuy là MC nhưng cướp luôn sân khấu, ứng khẩu theo tiếng Hindi học ở Nga, dịch bựa theo bài bản 20 năm nay, dù Tây, Mỹ, Ma Rốc… có nói gì gì cũng cứ “y như rứa” mà xổ, không cần nhập nhĩ gì với lời phát biểu của đương sự và khỏi có “ke” là khán giả có biết ngoại ngữ hay không.

Cái “sự cố” hài kịch dở khóc, dở cười này kéo dài hơn 5 phút khiến cho khán giả bất ngờ, ngỡ ngàng muốn đứng tim.

Mặc cho Ngô Ngạn Tổ nói gà, ông Củ Sâm cứ phiên dịch ra là vịt.

Cứ thế MC Củ Sâm xâm mình… tới luôn bác tài cho đến khi Ngô Ngạn Tổ dứt ở câu thứ ba. Tưởng đâu đã thoát nạn, ai dè thằng cha Ngô Ngạn Tổ chơi khăm cú tổ trác, lại muốn nói thêm câu chót: Last one. Củ Sâm càng muốn chứng tỏ trình độ tiếng Anh của mình cũng “hết sảy giò gà” nên chặn họng Ngô Ngạn Tổ: Ô kê! Ô kê! Bờ lít! Du quan câm! Câm!

Ngô Ngạn Tổ: I just want to say that I wish the best of luck for the future of the VietNam international film festival and I hope I will have an opportunity to come back again, thank you.

Do không có trong giấy, Củ Sâm quýnh quáng cầu cứu đồng nghiệp: Ly ơi! Ly ơi! Người ngồi phía dưới nghe rất rõ lời kêu cứu. (Ly có lẽ là tên một phiên dịch viên nào đó)

Ly: Vâng, thưa quí vị! Anh đã chúc cho liên hoan phim một thành công tốt đẹp nhất.

Quả đúng là “Nhỏ mà không học lớn làm MC” không sai trật vào đâu được. Cũng từ đó thiên hạ gọi ông MC Lại văn Sâm thành nghệ sĩ tấu hài Lậm văn Sai. Đúng là cái tên định mệnh.

Không biết đám “nghệ sĩ hài” đông nhung nhúc ở trong nước sẽ học tập kinh nghiệm thắng lợi của đàn anh Sáu Phong, Củ Sâm để lên đường mở ra một kỷ nguyên “tấu hài” mới có kèm tính thời sự, xã hội cập nhật, tương lai sẽ ra sao. Chứ ở hải ngoại, nhiều MC kiêm tấu hài, cả ca sĩ lẫn kịch sĩ nghe tin chấn động bên tai này đã lo sốt vó sợ “nghệ sĩ nhân dân ưu tú” trong nước sẽ tràn ra, cạnh tranh dành mất chổ đứng, nhiều người đã “kính nhi viễn chi”, chuyển sang làm nghề quảng cáo thuốc “cao đơn hoàn tán” cho mấy gánh sơn đông mãi võ rồi.

Than ôi! Thời oanh liệt “tấu hài” nay còn đâu!

 Boston 05/11/2010