Home Phiếm Các Tác Giả Ôi Đàn Bà!

Ôi Đàn Bà! PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Ba, 03 Tháng 8 Năm 2010 07:11

Đàn ông ba chục tuổi còn xuân. Đàn bà ba chục tuổi đã toan về già.

Đàn bà là cái chi chi mà tự cổ chí kim, người ta đã hết bút mực để nói tới, kẻ thì hết lòng ca tụng, người không ngớt than phiền. Alfred De Musset thì ca tụng rằng: "Đàn bà, ấy là con chim đẹp nhất của chúng ta trên quả đất này (La femme, c''''est le plus bel oiseau que nous avons sur la terre), trong khi Euripide (480- 408 trước J.C.) thì lại than vãn "Đàn bà là cái tai họa ghê gớm nhất trong các tai họa" (La femme est le plus affreux de tous les maux.) Kết hợp cả hai ý tưởng ấy lại, chúng ta sẽ có một triết lý rất là ba phải.

Chuyện xưa đời khai thiên lập địa kể lại rằng, Thượng Đế sinh ra đàn ông, đến ngày thứ sáu thấy đàn ông thơ thẩn một mình cô đơn quá, Thượng Đế mới lấy cái xương sườn thứ sáu của đàn ông mà tạo nên người đàn bà, đem đến sống chung với người đàn ông cho đỡ buồn. Trước khi lấy cái xương sườn để tạo ra người phụ nữ, Thượng Đế đã ru Adam ngủ và bảo:

- Ráng ngủ đi con. Có lẽ đây là lần cuối cùng con được ngủ yên!

Cũng vì gốc gác là cái xương sườn, đàn bà luôn theo "sát sườn" đàn ông, sẵn sàng "hích" vào sườn hay đâm vào sườn, cái chỗ mà nơi kia là nguồn gốc của mỉnh và đàn ông thì mãi đi theo đàn bà để đòi lại cái xương sườn của mình. Câu chuyện tiếp theo là sau một thời gian sống chung, một ngày kia người đàn ông đem người đàn bà trả lại cho Thượng Đế và than rằng: "Thượng Đế ơi, con xin trả lại người này cho Thượng Đế vì con hết chịu nổi rồi". Thượng Đế chấp nhận lời thỉnh cầu của người đàn ông, thu nhận lại người đàn bà. Nhưng chẳng mấy lâu, người đàn ông lại tìm đến, cầu xin Thượng Đế cho y lại người đàn bà vì y không chịu nổi sự dằn vặt của thương nhớ và cô đơn. Lần này Thượng Đế đem người đàn bà trả lại cho người đàn ông và căn dặn lần cuối rằng: "Lần này chúng bây dắt nhau đi đâu thì đi cho khuất mắt ta, có đau khổ, phiền muộn gì thì cũng ráng chịu, đừng có trở lại đây làm phiền ta nữa!"

Từ đó, người đàn ông và đàn bà không xa rời nhau nữa, người gặp vợ hiền thì như người lên thiên đàng, người gặp vợ không ra gì thì trở thành triết gia.

Đọc được trên một cột hài hước của một tờ tuần báo: "Nếu thế giới không có đàn bà thì dầu có tới bốn con vịt cũng không thành một cái chợ. Thì quần áo đàn ông không phải thay, cửa nhà không phải quét! Thì đêm đêm không có ngôi sao đổi ngôi và không có những chàng trai đi vẩn vơ trong trăng tìm vần thơ, và hoa ti gôn sẽ không bao giờ rụng. Và đàn ông sẽ không bao giờ phải ngủ ngoài hè mỗi khi họ về nhà quá trễ..."

Những trường phái ghét đàn bà còn cho đàn bà còn ác độc, độc hơn loài quỷ dữ, vì quỷ dữ chỉ cướp được linh hồn của người ta, trong khi đàn bà không những tàn phá linh hồn mà còn tiêu hao cả thể xác, làm cho người đàn ông hao mòn tinh lực.

Không hiểu vì sao đàn bà được loài người xưng tụng là phái đẹp, thật ra Thượng Đế không bao giờ ưu ái cho những con vật giống cái dưới trần thế này được đẹp hơn những con vật giống đực. Con công xòe cánh ngũ sắc là con công trống, con sư tử có bờm kiêu hãnh là con sư tử đực, đến con gà trống oai vệ cạnh nhà cũng có mồng đỏ màu sắc đẹp đẽ khác với vẻ nghèo nàn của con gà mái. Theo quy luật này thì đến những con chim chào mào, con chim se sẻ, chắc con trống cũng phải đẹp hơn, rồi đến con chim cú hay con chim bói cá kia, nhan sắc và hình dáng con mái vẫn xếp hạng sau con trống.

Nếu đàn bà là phái đẹp, là giống đẹp vì sao đàn bà ngày nay lại phải dùng tới son phấn, cùng hằng triệu triệu loại mỹ phẩm và mắt phải kẻ, môi phải tô, má phải đánh phấn hồng? Đàn bà là giống đẹp, có thân thể tuyệt mỹ trời ban sao lại phải cắt, bơm, bồi, căng, khoét, may...Nếu đàn bà là giống vật thơm tho trời tạo dựng, thì sao trên thế giới hàng nghìn công ty nước hoa phải vắt cả triệu cánh hồng để đem lại cho quý bà vài giọt nước hoa tinh chất. Con công trống, trời sinh ra bộ lông đã đủ đẹp, đâu có như các bà đầu tóc phải bới, uốn, nhuộm, chải theo trăm nghìn kiểu cọ. Đàn bà vốn đã là đẹp thì sao lại phải thời trang, áo quần này nọ, xuân hạ thu đông, khi mỏng khi dày, khi kín đáo mệnh phụ, khi hở hang chào mời. Hãy nhìn vào các dạ tiệc, trong khi giống đàn ông chỉ độc có mỗi bộ áo veste, chiếc cà vạt màu, đôi giày đánh bóng thì quí bà trăm hồng nghìn tía, chẳng cô nào giống bà nào, hai dạ tiệc không mặc lại một lần y phục. Nếu đã là đẹp, sao lại phải mượn cái vỏ bọc y trang đến ngần ấy, sao phải cầu đến vật chất do con người tạo ra?

Như thế chúng ta cũng hiểu vì sao Tổng Thống Phu nhân Fernando Marcos của Phi Luật Tân lại có tới 3,000 đôi giày trong khi chưa nghe ai lên án chồng bà có quá nhiều bộ cánh âu phục.

Nếu đàn bà quả là giống đẹp được loài người giống đực tôn sùng, coi như là một "vưu vật" của trời ban cho, sao quí ông lại dùng những ngôn từ xách mé gọi tài năng đàn bà "đái không qua ngọn cỏ". Điều này thì quả là giống đực đã lầm to, hãnh diện mình là giống đái qua hai ba ngọn cỏ. Than ôi, nếu quí ông không được hỗ trợ bằng hai bàn tay trời ban cho, thì quí ông chẳng khác chi đứa trẻ đái dầm thuở mới chập chững biết đi.

Nói về đầu óc đàn bà thì ngày xưa ông Khổng Tử đã "viết" một câu chắc nịch "phụ nhân nan hóa" (đàn bà khó dạy). Khổng Tử lấy vợ năm 19 tuổi, có hai người con, nhưng suốt đời ông đi lang thang du thuyết từ nước này qua nước khác cho tới lúc ông mất nãm 73 tuổi. Chắc chắc là ông không thể đem gia đình theo bên cạnh, và sách sử cũng không nói ông gặp nhiều phụ nữ, nhưng kiểu ông nhận xét về đàn bà kiểu này, thật là khinh mạn hết chỗ nói.

Trong văn chương bình dân, có lẽ cũng do giọng lưỡi các cụ đồ kiêu ngạo, không thể thiếu đàn bà, lại "tần mần như ma" nhưng luôn luôn có cái giọng khinh bạc với đàn bà:

"Đàn ông nông nổi giếng khơi,
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu!"

Cũng với cái luận điệu ấy, cũng một thứ mà ở đàn ông thì tốt mà sang đàn bà, thành dở:

"Đàn ông rộng miệng thì sang
Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà!"

"Đàn ông tốt tóc là tiên
Đàn bà tốt tóc nằm liền với ma." (?)

Dính líu tới đàn bà thì ở phương Tây vào những thế kỷ trước người ta đem tên những vị Thánh để đặt cho những cơn bão như "Hurricane Santa Ana" đổ vào Puerto Rico năm 1982, và sau đó là cơn bão "San Felip 1" và "San Felip 2" cũng tàn phá Puerto Rico trong hai lần 1876 và 1928. Năm 1953, cơ quan khí tượng quốc gia, theo thói quen của các nhà khí tượng hàng hải đã quyết định đem tên quí nàng đặt cho tên các cơn bão, với lý do là ngoài biển tàu bè đều mang tên đàn bà thì các cơn bão mang tên quí nương luôn cho tiện. Những cơn bão dữ dằn, tàn phá không thương tiếc tất cả những gì trên mặt đất mà các nàng đã đi qua. Từ đó chúng ta có những cơn bão mang những cái tên ngọt ngào như Teresa, Lisa, Nicole... nhưng đầy sự giận dữ, cuồng nộ, và khi nó đi qua, đã cuốn hết nhà cửa, tài sản và cả ...xe hơi của chúng ta (phải chăng quí ông muốn nói tới những con bão ly dị?) Mặt khác, phải chăng vì tính tình bất thường của đàn bà mà người ta "áp đặt" tên các quí nương vào cho các cơn bão.

Nhưng tới năm 1979, người ta lại xen kẽ tên quí ông vào với quí bà để gọi tên các cơn bão táp, coi đây như là một sự giải phóng cho các bà ra khỏi sự tai tiếng. Nhưng rủi thay năm 2005, trong 14 cái tên hỗn hợp dành cho các cơn bão, cơn bão mang tên Katrina thổi vào bốn tiểu bang trong vùng vịnh Mexico vào tháng 9 là cơn bão tàn phá nhất của thế kỷ đối với nước Mỹ.

Nói về mặt hình thức tức nói về ngoại hình của người đàn bà thì theo một thống kê của trang web Newwoman ở Anh Quốc thực hiện, chính "đàn bà là kẻ thù của đàn bà", vì các bà không bao giờ bằng lòng với nhan sắc hay thân thể của mình. Trong cuộc khảo sát 3,000 vị mà chỉ có một bà là bằng lòng với mình mà thôi, số còn lại đều bất mãn và oán trách ông Trời sao cho mình có cái mũi thế này, đôi mắt thế kia, hay cái eo thế nọ. Họ không chỉ tự làm khổ mình mà còn hay nhìn khuyết điểm của người khác, bới lông tìm vết trên ngoại hình của bạn bè đồng giới, đồng nghiệp và ngay cả thành viên trong họ hàng. Nghĩa là đàn bà thường ít chú ý tới những người khác phái đứng trước mặt họ mà thường chú ý tới những người cùng chung giới tính, và phần nhiều là nhìn qua cái vẻ bề ngoài. Có lẽ vì thế mà một câu nói thường được nhắc lại: "trong một hôn lễ đàn ông nhìn nhan sắc cô dâu còn đàn bà nhìn kỹ bộ áo cưới của cô dâu".

Tuy vậy người đàn bà vẫn là một sinh vật yếu đuối, mong manh, người ta thường ví người đàn bà với loài hoa, mà hoa thì cành vội tàn, nhụy vội rửa. Người đàn bà như những loài hoa kia, chỉ có một thời xuân sắc, chỉ đẹp có một thời, và sẽ không bao giờ là mùa hạ, mùa thu hay tới mùa đông.

"Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già xồng xộc nó thì theo sau."

Tạo hóa sinh ra người đàn ông tám mươi tuổi vẫn còn tinh khí, trong khi người đàn bà năm mươi đã vội tắt kinh, trứng hết, đã đi vào trạng thái "em ơi lửa tắt, bình khô rượu", hoa tàn, nhụy héo, tóc rụng, da nhăn không có gì níu kéo lại mùa xuân được nữa. Người ta nói tạo hóa thật không công bằng khi xếp đặt cho người đàn bà mãn kinh quá sớm. Những thay đổi trên cơ thể người đàn bà sau thời kỳ này là một nỗi ám ảnh lớn đưa đến những sự thay đổi về tâm lý và tinh thần. Ngày nay, theo sự tiến bộ của khoa học, tuổi thọ của con người càng ngày càng tăng, nhưng tuổi đàn bà trong thời gian kinh nguyệt vẫn không hề thay đổi. Và nếu tuổi thọ càng tăng, thì thời gian sau khi mãn kinh của phụ nữ lại kéo dài ra bằng 1/3 đời người, càng gây biết bao nhiêu khó khăn cho họ. Trên thực tế đàn bà trên tuổi 50, khó giữ được những nét trẻ trung, tươi mát như những người khác phái đồng trang lứa. Sự giảm thiểu của kích thích tố nữ là nguyên nhân gây ra việc phai tàn của một thời xuân sắc, mà ác một nỗi, các nghiên cứu trong ngành y khoa ngày nay đổi thay kết luận của họ, một sớm một chiều khiến người ta trở tay không kịp. Trong vòng thời gian 40 năm nay, ngành y học cho là kích thích tố nữ rất cần cho phụ nữ sau khi mãn kinh, họ xưng tụng đó là "món quà của thời gian" (a gift of time) đã bù đắp lại cho phụ nữ sự bất công của tạo hóa, hôm nay cũng chính ngành y lại la hoảng lên là nó có thể gây ra ung thư, rồi hình như bây giờ họ lại nói không sao!

Phụ nữ luôn luôn muốn kéo dài thời xuân sắc và mong muốn đoạn cuối cuộc đời của mình vẫn giữ được những nét trẻ trung, khỏe mạnh, khi so với người bạn đời cùng tuổi cũng không đến nỗi quá chênh lệch. Vì vậy mà một đôi vợ chồng ở tuổi trẻ, chồng dù hơn vợ năm bảy tuổi nhưng khi đến giai đoạn 60, thì vẻ già trẻ của hai người không còn là một sự cách biệt nữa. Cho nên:

"Đàn ông ba chục tuổi còn xuân.
Đàn bà ba chục tuổi đã toan về già."

Vì vậy, chúng ta phải thông cảm cho những người đàn bà đang cố níu lại thời xuân xanh của họ bằng cách nhờ các bàn tay phẫu thuật phục hồi, sửa sang, sơn quét. Những quảng cáo trên đài phát thanh hay báo chí của những vị bác sĩ đang sống nhờ và làm giàu nhờ vào sự khắc nghiệt của con Tạo đối với phụ nữ, đã khiến chúng ta phải ngượng ngùng khi nghe nói những lời chào hàng "nâng ngực từ rốn, bơm mông, giải phẫu thẩm mỹ âm đạo" sao nghe nó dung tục, thô tháp. Còn đâu là những ngày "em tan trường về, anh đưa Ngọ về, đường mưa nho nhỏ, ôm nghiêng tập vở..." Ngày đó thực tình, tôi chỉ nhìn thấy một đôi mắt đen, một tà áo quấn quít... còn ngoài ra không thấy trời thấy đất, nói chi tới ngực nàng, mông nàng...

Tôi biết rằng đàn bà là mẹ của loài người, và chúng ta thử tưởng tượng chỉ một ngày hôm nay thôi, một thế giới không có đàn bà, thế giới sẽ chỉ còn lại những cửa hàng bán thịt, bán than, bán bánh mì... quả đất sẽ không còn hoa, còn nhạc. Tôi biết các bạn cũng như tôi, cũng như các nhà hiền triết, các cụ đồ nho, và cả ai đó nữa... một đôi khi bực mình thì cũng chì chiết, nói xấu đàn bà hết lời, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên trở lại đầu bài, bắt chước Alfred de Musset để nói rằng: "Ôi đàn bà, ấy là con chim đẹp nhất của chúng ta trên quả đất này!"