Home Phiếm Các Tác Giả Nịnh chồng

Nịnh chồng PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Chúa Nhật, 25 Tháng 4 Năm 2010 20:44

Nịnh là dùng những lời lẽ dịu ngọt để tâng bốc, để nhờ vả hay để hãm hại người khác

Có những lúc đang ngồi làm việc, gã bỗng mong có khách đến chơi, để được tạm thời nghỉ xả hơi.

Có những ngày gã mong được cúp điện để được rút chân ra khỏi nhịp điệu nhàm chám trong thoáng chốc, bằng cách ngồi đọc hết những tờ báo tồn đọng trong tuần.

Và hôm nay, gã được cái may mắn…bị cúp điện.

Trước mặt gã, có hai bài báo được gã cắt làm tài liệu. Một bài mang tựa đề là “Ngôn ngữ của các loài hoa”, trong đó tác giả cho biết ý nghĩa của từng loại, để khi cần tặng cho em út, thì nhớ lấy mà mua cho đúng, kẻo mà tiền mất tật mang, hay đi đoong cả mảnh tình còm vắt vai.

Chẳng hạn:

Hoa mai ám chỉ một tình thanh khiết và ước mong chúng mình đừng quên nhau nhé.
Hoa hồng màu đỏ ám chỉ một tình yêu nồng nàn và tha thiết.
Hoa hồng màu trắng ám chỉ một tình bạn sắp được chuyển hệ sang một tình yêu.
Hoa lan ám chỉ một tình yêu tha thiết ấp ủ trong lòng.
Hoa pensée ám chỉ nỗi Nhớ nhung tha thiết và sâu đậm, không bao giờ quên và sẽ còn mãi.
Hoa bất tử  nói lên những cố gắng vượt qua mọi khó khăn để tình yêu của chúng mình tồn tại mãi với thời gian.
Hoa anh đào ám chỉ việc ước mong được bỏ qua những lỗi lầm của nhau.
Hoa mười giờ ám chỉ việc hẹn hò  gặp nhau vào lúc mười giờ .
Hoa thiên lý ám chỉ thái độ đứng đắn và hiên ngang.
Hoa huệ ám chỉ tính cách cao thượng và trong trắng.
Hoa sen ám chỉ việc từ chối tình yêu.
Hoa mimosa ám chỉ việc cầu chúc cho nhau được  bình an.
Hoa phượng án chị việc cầu chúc cho nhau được thành công trong học hành và thi cử.

Còn một bài báo khác thì đề cập tới những nghiên cứu về tiếng nói nơi loài chim, loài khỉ và loài cá heo, để rồi đi tới kết luận:

- Động vật cũng có một thứ ngôn ngữ, một thứ tiếng nói nào đó.

Tuy nhiên, nếu hiểu một cách chặt chẽ, thì chỉ con người mới có tiếng nói và ngôn ngữ đúng nghĩa nhất. Bởi vì đó chính là một thứ quà tặng, Thiên Chúa đã trao ban cho con người để thông truyền những ý nghĩ cho nhau, nhờ đó hiểu biết nhau hơn, cũng như cảm thông và xích lại gần nhau hơn.

Qua dòng thời gian, tiếng nói và ngôn ngữ không ngừng phát triển. Người ta đã sáng chế ra chữ viết để ghi lại tiếng nói và ngôn ngữ. Người ta đã khám phá ra vần điệu để sáng tác ra những bài thơ. Người ta khám phá ra cung bậc để sáng tác ra những bản nhạc. Và tất cả những tác phẩm nghệ thuật này vẫn không ngừng được “chiềng làng”  và liên tục phát triển.

Thế nhưng, trong cuộc sống rất nhiều lần người ta đã sử dụng phương tiện này để chửi bới và lăng nhục, chê bai và chỉ trích, tạo nên những căng thẳngvà chia rẽ trong mối liên hệ với người khác, cũng như những rạn nứt và đổ vỡ trong tình nghĩa thân thương.

Chính vì vậy, các cụ ta ngày xưa đã khuyên nhủ con cháu:

- Lời nói chẳng mất tiền mua,
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Hay như một câu danh ngôn đã bảo :
- Hãy ngoáy lưỡi bảy lần trước khi nói.

Tuy nhiên, chỉ vì muốn lấy lòng người khác, nhất là “bề trên” của mình, mà nhiều kẻ đã quá “liệu lời”. Họ cứ nhắm mắt tuôn ra toàn những lời ca tụng và khen ngợi vượt trên cả những mức độ cần thiết, trong khi đó cõi lòng thì lại chất đầy những ý đồ đen tối, chẳng mấy khi có được một chút mến yêu và chân thành. Những lời họ nói trong trường hợp này biến thành những lời ton hót và nịnh bợ.

Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức đã định nghĩa như sau:

- Nịnh là dùng những lời lẽ dịu ngọt để tâng bốc, để nhờ vả hay để hãm hại người khác.

Như vậy,  tiến trình của việc nịnh bợ thường được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất là dùng những lời lẽ dịu ngọt để tâng bốc.
Giai đoạn thứ hai là sau khi “đối tác” đã chịu đèn, đang “phê” với những lời tâng bốc ấy và hai lô mũi nở to như trái cà chua, thì ta mới lòi cái đuôi chuột là những ý đồ đen tối của mình.

Những ý đồ đen tối ấy có thể  nhờ vả việc nọ việc kia, có thể là che dấu những sai lỗi của mình và cũng có thể là hãm hại người khác…

Bình thường thì nịnh là thái độ của những kẻ bề dưới đối với đấng bề trên của mình. Và đấng bề trên ở đây được hiểu là những người có quyền và có thế, có chức và có vị hơn mình.

Ngày xưa, trong chế độ quân chủ nhà vua là người nắm giữ quyền hành tuyệt đối. Và theo quan điểm của Nho giáo, nhà vua chính là thiên tử, là con của trời, thay mặt cho trời để cai trị dân. Vì thế người dân phải tuyệt đối trung thành với nhà vua.

Trung thành với nhà vua trở thành một cái đạo. Trong tam cương, tức là ba giềng mối chính cho sinh hoạt xã hội, thì mối liên hệ “quân thần”, tức là cái đạo “vua tôi”, đã đứng hàng đầu.

Thậm chí, quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Vua bảo bày tôi phải chết, mà bày tôi không chịu chết, thì đó là bày tôi bất trung.

Cũng chính vì thế mà trong chốn triều đình, ít ai dám phát ngôn trái với ý muốn của nhà vua. Và từ đó  đã hình thành một tầng lớp quan lại vốn được gọi là  “nịnh thần”.

Sách “Cổ Học Tinh Hoa” kể lại rằng:

Ngày kia Văn Quân đất Lỗ Dương hỏi Mặc Tử:

- Có kẻ nói với ta rằng: Trung thần là người bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, để thì im, gọi thì thưa, như thế có cho là trung thần được không ?

Mặc Tử nói:

- Bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, như thế khác gì cái bóng ? Để thì im, gọi thì thưa, như thế khác gì tiếng vang ? Vua quan mà dùng đến những kẻ như cái bóng, như tiếng vang thì còn được ích gì ? Cứ như tôi đây, mà gọi là trung thần, khi vua có nhầm lỗi, thì phải liệu cách can ngăn đưa vào điều thiện, khi mình có điều hay, thì phải tìm đường bày tỏ, mà không lộ ra ngoài. Trên thì thành thực một lòng, một dạ với vua. Dưới thì không a dua vào bè kết đảng với ai. Những sự tốt lành yên vui thì để phần vua hưởng. Những điều oán thù, lo lắng thì mình hứng đựng. Có được như thế, tôi mới cho là trung thần.

Ai mà cứ theo mình như cái bóng, như tiếng vang, thì chỉ là kẻ ngu xuẩn và xiểm nịnh, vì kém cỏi không làm nên việc, nên chỉ biết chiều ý người trên để kiếm lợi.

Vì thế trong đạo dùng người, phải biết chọn những kẻ dám can ngăn điều dở của mình, bày tỏ điều hay của họ, hết lòng với mình, thì mới là những người có ích giúp mình được việc vậy.

Ngày nay, sống trong chế độ dân chủ, tuy nhà vua không còn nữa, nhưng vẫn tồn tại những người cầm quyền. Và để lấy lòng họ, gã thấy xuất hiện những kẻ được gọi là gia nô, chuyên môn phe phẩy các sếp của mình, thậm chí chưa bắt cúi thì đã cúi, và còn cúi gập cả mình xuống nữa. Chưa gọi mà đã thưa, và còn thưa to nữa là đàng khác. Sở dĩ họ làm như vậy, chỉ cốt để được hưởng nhờ tí bổng lộc hay chút ơn mưa móc.

Tuy nhiên, điều gã muốn bàn ở đây, đó là thái độ nịnh trong gia đình, giữa vợ chồng với nhau.
Ngày xưa, do ảnh hưởng của nền luân lý Khổng Mạnh, cũng như do ảnh của nền kinh tế nông nghiệp, cần phải có nhiều người để cáng đáng những công việc nặng nhọc trên ruộng đồng, bàn dân thiên hạ thường mang nặng trong đầu óc quan niệm trọng nam khinh nữ, như đã từng được phát ngôn:

- Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Một cậu con giai được kể là có, còn một cô con gái vẫn kể là không.

Và trong gia đình, anh chồng vốn thường cư xử với chị vợ theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”: Việc nhà phó mặc cho bu nó.

Tuy nhiên, ngày hôm nay thời vàng son ấy không còn nữa. Do ảnh hưởng của nền văn minh tây phương, cũng như do ảnh hường của quan niệm nam nữ bình quyền, người phụ nữ bắt đầu rời bỏ nồi niêu xoong chảo nơi xó bếp, để lăn xả vào những sinh hoạt xã hội và cũng đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

Phe đờn ông con giai mỗi ngày một lép vế, cứ tụt dốc một cách không phanh và rớt giá một cách thê thảm, như một tác giả nào đó đã nhận định:

Có một thực tế là ngày càng có ít đờn ông con giai để…râu.

Một anh vui tính đã giả thích hiện tượng đó như thế này:
 
Sở dĩ như vậy không phải lưỡi lam Gillette chất lượng cao nên quá sắc, quá bén, nhưng bởi vì đờn ông con giai sợ rằng dù có chăm chút tỉa tót cho khác người tới đâu chăng nữa, thì bộ râu của họ vẫn chỉ đạt tới một độ dài cố định, và nhất là có chiều hướng mang một kiểu dáng chung là…quặp xuống.

Phe đờn ông con giai sợ bộ râu ấy sẽ tố cáo cái tính sợ vợ của mình.

Mà sợ vợ mình thì đã sao ? Có chết chóc thằng tây đen nào không cơ chứ.

Đúng thế, sợ vợ không phải là một khuyết điểm, mà còn là một đức tính tốt, vì nó làm giảm đáng kể tỷ lệ những vụ ngoại tình và bạo hành.

Những anh chồng nào biết sợ vợ, hay nói đúng hơn, những anh chồng nào biết nể vợ và biết chia sẻ việc nhà với vợ, thì không phải chỉ là một anh chồng chung thủy, mà còn là một anh chồng hiền lành, chẳng bao giờ dám giải quyết những căng thẳng bằng những cú đấm sái qua hàm, hay những cú đá như trời giáng, khiến chị vợ như trái banh, lăn tọt vào trong tủ…

- Kính vợ đắc thọ,
  Sợ vợ sống lâu,
  Nể vợ ta hết u sầu.
  Đội vợ lên đầu,
  Thì trường sinh bất lão.

Ấy là gã chưa nói tới những kẻ trung thành chạy theo giáo phái…thờ bà theo kiểu:

- Chồng ngoan phải biết…thờ bà,
  Kẻo bà ly dị, chia ba gia tài.
  Khôn ngoan lý lẽ người ngoài,
  Hỗn láo, cãi vợ có ngày nhà tan.

Từ chỗ nể vợ đi đến chỗ nịnh vợ thì chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc.

Thậm chí, việc nịnh vợ còn là khúc dạo đầu cần thiết và không thể thiếu của tình trạng nể vợ:

- Vuốt râu nịnh vợ con bu nó,
  Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.

Bởi đó, trong dân gian mới phát sinh ra từ ngữ “nịnh đầm”, để chỉ những anh chồng không tiếc lời khen vợ, vì trong huyết quản của họ, độ “ga lăng” hơi bị đậm đặc trên cả mức độ bình thường. Cứ nhắm mắt khen tuốt luốt, tốt cũng khen, mà dở cũng khen, bởi vì cái định luật tâm lý thường tình nhất được tóm gọn như sau:

- Phàm đã là người, thì ai nấy bất luận già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, cũng đều thích được…nịnh.

Cơm nhão thì khen:

- Đỡ đau bao tử.

Cơm khô thì khen:

- Nhai lâu thấyngọt.

Cơm khét, thì khen:

- Bảo đảm đường ruột.

Cũng giống như ca dao đã diễn tả:

- Lỗ mũi em mười tám gánh lông,
  Chồng yêu, chồng bảo “râu rồng trời cho”.
  Đêm nằm thì ngáy o o,
  Chồng yêu, chồng bảo “ngáy cho vui nhà”.
  Đi chợ thì hay ăn quà,
  Chồng yêu, chồng bảo “ về nhà đỡ cơm”.
  Trên đầu những rác cùng rơm,
  Chồng yêu, chồng bảo “hoa thơm rắc đầu”
  Chồng yêu, cái tóc nên dài,
  Cái duyên nên đẹp, cái tài nên khôn
.

Tuy nhiên, có những trường hợp anh chồng trở chứng bỗng dưng nịnh chị vợ ra mặt và đột xuất có những thái độ ga lăng, thì chị vợ cũng nên đề cao cảnh giác, bởi vì rất có thể anh chồng đang theo đuổi những ý đồ mờ ám, như đèo bòng bồ nhí.

Những lời nịnh hót và những thái độ ga lăng ấy, là như một liều thuốc ngủ, làm cho chị vợ quên béng đi mất những thầm lén vụng trộm của anh chồng, hay làm  cho chị vợ cười tít cả mắt, chẳng còn biết anh chồng đang toan tính và âm mưu những gì.

Anh chồng mà nịnh chị vợ, thì chỉ là chuyện thường tình, nhưng chị vợ mà khen anh chồng, mới là chuyện đáng nói, chứng tỏ chị vợ là một tay cao thủ võ lâm, bản lãnh vững chắc, biết áp dụng chiến  thuật “mật ngọt chết ruồi”, như một câu danh ngôn đã nói:

- Người ta bắt được nhiều ruồi chỉ bằng một giọt mật, còn hơn bằng cả một thùng dấm chua.

Gã xin ghi lại nơi đây những lời tâm sự của bạn Minh Vũ trên báo “Phụ nữ Chủ nhật”, để các anh chồng cùng chia sẽ với nhau cái kinh nghiệm thương đau.

…Chồng là phái mạnh, được sinh ra để chăm sóc, chiều chuộng, chứ không phải là để được nịnh. Bởi thế lần đầu tiên được “nịnh”, tôi nào có biết, cứ sung sướng như người đi trên mây, khi nàng thả những lời ngọt lịm như mía lùi vào tai:

- Anh giỏi quá, thay hết đường dây điện trong nhà chỉ mất có một buổi. Gặp phải mấy thằng em thì cả tháng vẫn chưa xong.

Vì thế mà tôi ngoan ngoãn làm theo lệnh nàng…

Dựa vào lời nàng, thì tôi đúng là một người đàn ông toàn năng. Cái gì tôi cũng phải biết, để được nàng khen. Chỉ cần tôi hơi tròn miệng định nói chữ “không”, thì nàng liền mở to đôi mắt nai đen ngơ ngác:

- Việc này ngay cả anh cũng không biết thì con ai biết.

Thì ra nàng quả là một người phụ nữ tinh đời, đã nhận ra được cái sự toàn năng của một gã đàn ông bình thường như tôi.

Nàng vẫn cứ ngoan ngoãn ngây thơ, nịnh chồng như Tây. Việc nhà cửa vốn là chức năng và nhiệm vụ của nàng, thế mà nó đã được hoán đổi cho tôi lúc nào tôi cũng không hay, để rồi với tính vụng về cố hữu của đàn ông, tôi nấu cơm nhão nhoẹt. Nàng chẳng một lời chê mà còn âu yếm bảo:

- Hôm nay trời nóng nực, khó nuốt trôi cơm. Em cũng đang định ăn cháo trắng với hột vịt muốn. Anh đúng là hiểu ý em.

Cơm nhão nàng cũng ăn, cơm khô nàng cũng nuốt với lời khen nức cả lỗ mũi:

- Em đang ăn kiêng. Anh nấu cơm rời rạc như thế này em ăn từng hột, bảo đảm sẽ giảm mười ký lô trong một tháng.

Trời mưa, tôi quên mang quần áo vào, nàng cũng dịu dàng bảo:

- Không sao đâu, mình giặt hai lần cho nó thật sạch.

Thậm chí có lần tôi làm rơi mất cả tiền lương, nàng cũng không cau mày nhăn mặt, mắng chồng sa sả như các bà vợ khác, mà chỉ ôn tồn khuyên:

- Thôi thì của đi thày người anh ạ. Đừng lo nghĩ chi nhiều cho mệt. Của mất thì cũng đã mất rồi. Mình dành tâm trí để kiếm khoản khác bù vô. Tháng này anh tạm khỏi lấy tiền tiêu vặt, cà phê cà pháo nữa nhé…

Thậm chí, có lần tôi quên hết những lời dặn dò của vợ, đi bia ôm với bạn bè, mãi đến nửa khuya mới về.

Cứ nghĩ rằng nàng sẽ đón tôi với đôi mắt đẫm lệ và cái miệng mở to tuôn trào xối xả những lời mạt sát. Nhưng không, nàng vẫn nhẹ nhà giúp tôi thay quần áo.

Thấy vết son và mùi nước hoa trên áo tôi, nàng vẫn không đổ đổi thái độ “khen” chồng bằng giọng…lạnh tanh:

- Anh giỏi thật đấy. Từng tuổi này và vẫn dư sức quyến rũ, có thêm nhân tình nhân ngãi. Em không ghen đâu. Em cho anh được tự do đi lại với nhiều cô, để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông ngày nay. Từ giờ phút này anh được  thoải mái, không cần em có mặt, để ngăn cản bước đường của anh nữa.

Rồi nàng xách đồ về với…bu.

Có lần một anh bạn đã nói với gã:

- Cậu có biết tớ sợ cái gì nhất hay không ?

Gã lắc đầu và anh ta nói tiếp:

- Tớ sợ nhất hai chữ K của vợ, đó là vợ khóc và vợ khen. Vợ khóc thì tớ chẳng biết đường dỗ cho nín, chỉ còn nước đứng như trời trồng, đốt thuốc lá và nhìn ra ngoài đường. Còn khi vợ khen, thì biết chắc chắn là sẽ được nhờ vả chuyện nọ chuyện kia.

Từ những kinh nghiệm đau thương kể trên, gã đi tới một kết luận:

Khi được nịnh, anh chồng bỗng trở nên mềm nhũn như cái con chi chi.

Khi được uống nước đường, anh chồng bỗng trở nên yếu xìu, chui đầu vào rọ, chị vợ bảo gì cũng nghe, muốn gì cũng…chìu.