Home Phiếm Các Tác Giả Sống để ăn

Sống để ăn PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạp ghi Huy Phương   
Thứ Hai, 29 Tháng 3 Năm 2010 14:20

Dân tộc mình ngày nay nổi tiếng về mục ăn nhậu.

Nhậu thì đã có Trần Văn Giang nói về “văn hóa cạn chén”, ăn thì Nguyễn Hưng Quốc cho rằng dân tộc chúng ta “chỉ có một ám ảnh lớn: ăn.” Mà kể cũng lạ, ngay cả chuyện sex của ông bà ngày xưa cũng có chữ “ăn” đi đầu là “ăn nằm”, gái điếm thì dính gì với “ăn” mà cũng có chữ “ăn sương”.

Khi chúng ta giàu có no đủ, có bao giờ chúng ta nghĩ đến miếng ăn, khinh khi cho miếng ăn là hạ tiện, đứng trên, đứng xa mà nhìn, khinh bỉ những kẻ tranh giành miếng ăn.

 Có sống trong hoàn cảnh đói khát, mời thấy miếng ăn là quan trọng. Khi người ta đói, danh dự, khí tiết, chí khí đều là đồ bỏ, do vậy những con người Cộng Sản đã nghiên cứu được một chính sách có thể thống trị, đàn áp con người gọi là chính sách bao tử. Chính sách bao tử được hỗ trợ bằng chính sách hộ khẩu, có hộ khẩu mới có tem phiếu, có tem phiếu mới có cái ăn bỏ vào miệng.

Người miền Bắc ngày trước có thành ngữ “mặt rầu như mất sổ gạo”, mất sổ gạo rồi thì đời còn ý nghĩa gì nữa. Trong cái chế độ quản lý hộ khẩu và lương thực như thế, làm sao người ta có thể trốn “nghĩa vụ quân sự” (quân dịch), trốn nghĩa vụ thì chỉ có lên rừng bứt lá mà ăn hoặc uống nước suối như Bá Di, Thúc Tề không ăn thóc gạo của nhà Chu lên rừng núi Thú Dương, hái rau vi mà ăn. Thậm chí gia đình không đủ cái ăn, thanh niên phải đăng ký nghĩa vụ quân sự để có cơm rau ngày hai bữa.

Chế độ nhà tù của Cộng Sản áp dụng kỹ thuật coi tù của hai đàn anh Liên Xô và Trung Quốc, bắt làm việc cật lực nhưng cho ăn cầm chừng cho khỏi chết đói chứ không cho ăn no, việc này có kết quả là làm tê liệt ý chí đối kháng và làm cho tù nhân tự tranh chấp, xâu xé nhau.

Việc xâu xé thứ nhất là chuyện bình bầu cho người này ăn 17 ký, kẻ kia xuống 13 ký, cán bộ nhà tù tuyệt đối không can thiệp vào việc này, để tù nhân tự chì chiết, tố khổ nhau mà bình bầu mức ăn.

Việc tồi tệ thứ hai là trong các đội tù hình sự, đội trưởng, một kiểu “đại bàng” có quyền lãnh một thau cơm rồi sau đó cho ai ăn, ai nhịn, là quyền của y, tù nhân chỉ biết cúi đầu khuất phục. Cai tù dùng hình thức tự quản để tù giết lẫn nhau. Cũng chừng ấy ngô khoai, nhưng chúng làm cho nhiều kẻ làm việc trối chết và khuyến khích mọi người ganh đua lao động để đem của cải về cho trại tù.

Thời ấu thơ chúng ta đã có những giấc mơ thần tiên có bướm có hoa, tuổi thanh niên mơ có tình yêu và hạnh phúc. Này các cháu nhỏ ơi, ở trong nhà tù, nhất là nhà tù kiểu Cộng Sản, các bác các chú chỉ có một giấc mơ chập chờn với một củ khoai, củ sắn hay một bát cơm, có khi mơ thấy đang ăn gì đó, mà lúc thức giấc rồi thấy miệng mình vẫn còn nhai nhóp nhép.

Trong lò gạch, tưởng tượng nếu có một khúc bột mì luộc lớn bằng viên gạch mà ăn thì sướng biết mấy. Ngày Tết trông thấy cái bánh chưng giả làm bằng giấy treo trên cây nêu trước sân trại tù, trầm trồ ước ao có được một cái bánh lớn như vậy để chia nhau.

Có nhớ nhà thì cũng ám ảnh bởi gói quà có tảng đường, viên kẹo hay nắm xôi. Sao những mơ ước của con người có thể tầm thường, bần tiện đến như thế và chuyện khống chế, khuất phục ý chí của con người trở nên quá đơn giản.

Như vậy phải chăng người ta ám ảnh bởi cái ăn chỉ lúc người ta đói?

Ðiều này có lẽ không đúng. Trong hoàn cảnh của Việt Nam khi mà chính phủ khoe đã xóa đói giảm nghèo, gạo đã xuất cảng đứng hàng thứ nhì trên thế giới, con người vẫn ám ảnh bởi miếng ăn. Xưa kia theo phong tục Việt Nam, cái ăn vẫn là cái gì kín đáo, thậm chí người đàn bà có “ba lúc” đừng để người khác trông thấy là lúc ăn, lúc ngủ và lúc khóc.

 Ăn bây giờ không phải chỉ để đáp ứng nhu cầu đói của cái bao tử trống rỗng, kiểu ăn để mà sống, mà xã hội bây giờ hình như con người sống để mà ăn, ăn được đưa lên hàng nghệ thuật là “nghệ thuật ẩm thực” hay gọi cho sang hơn là “văn hóa ẩm thực.”

Xưa kia người ta thường định nghĩa nghệ thuật như là một ngành hoạt động với những phương tiện gợi cảm như thi ca, hội họa, âm nhạc... và văn hóa như là những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo thì bây giờ ăn uống được người trong nước hiện nay nâng lên hàng nghệ thuật và xếp vào một loại văn hóa. Nghệ thuật, văn hóa đem lại phần tốt đẹp cho tâm hồn con người, bây giờ loại ăn nhậu ở vệ đường, cạnh lỗ cống, bên gốc cây, la lối, hò hét, nôn tháo được gọi là nghệ thuật, hay là văn hóa ư?

Văn hóa ẩm thực: con gì cũng ăn. Ðiều này sau năm 1975 tưởng chỉ có thể xẩy ra trong những nhà tù “cải tạo” là “con gì nhúc nhích được” là ăn, như con rết, con nhái, con cóc, con châu chấu, con bò cạp. Ăn để cho khỏi đói, ăn để đáp ứng sự kêu gào thống thiết của bao tử.

Văn hóa ẩm thực Việt Nam bây giờ không phải ăn cho khỏi đói mà ăn để thỏa mãn sự hiếu kỳ, ăn để thỏa mãn cái “chảnh” của dân chơi, của dân thượng lưu, của các đại gia. Từ con cheo, con rắn, con rùa, con nhím đến con cọp, con mễn, con chó... con gì bỏ vào miệng được, khoái khẩu là... văn hóa. Con gì mà hiếm hoi, khó kiếm, khó tìm, khó bắt, đắt giá lại càng nên tìm mà ăn mới đạt đến nghệ thuật.

Văn hóa ẩm thực: máu gì cũng uống. Máu dê, máu heo, máu vịt xưa nay đã thường. Người ta tìm đến máu, máu rắn cạp nong, rắn hổ mang, hổ đất, hổ mái gầm. Rượu thì rượu mật gấu, rượu mật rắn, rượu hà nằm, rượu nhau, rượu bào thai.

Báo chí trong nước tường thuật một con rắn sống khoảng 1/2 kí lô, cắt cổ mổ bụng lấy mật, lấy máu uống tại chỗ giá 2 triệu đồng. Trong khi lũ trẻ moi đống rác kiếm mỗi ngày một ký gạo, bọn ăn chơi, đại gia, giám đốc, thủ trưởng tìm các loại máu, rượu quý để uống.

Các loại máu hay rượu này không phải người ta dùng để chữa những bệnh ngặt nghèo, mà để tìm công dụng kích dâm, tăng cường sinh lý, “ông uống bà chờ”, “ông uống bà khen”, cường dương bổ thận, cải lão hoàn đồng. Nghe nói chuyện đi chùa Hương lại nhớ thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, ngày nay đến chùa Hương mà thấy nai, beo, mễn, xẻ thịt máu me đầm đìa, làm sao cô bé ngày xưa còn có được cái cảnh: “Em tìm hơi chàng thở, chàng ôi, chàng có hay!”

Tất cả đều để phục vụ cho cái xác chứ không phải cho phần hồn.

Phải chi con người cũng như con thỏ, con nhím chỉ biết ăn rau, ăn cỏ mà không biết ăn thịt, uống máu thì đâu có chiến tranh mà cũng chẳng có hận thù.

Trước đây chúng ta đã nghe người ta nói nhiều về chuyện bệnh viện ở Việt Nam dùng bào thai trong các lần phá thai sớm để cung ứng cho nhu cầu bồi bổ cho một số giới chức lãnh đạo. Không có ai tố cáo về chuyện này, nhưng tục ngữ ta đã có câu “không có lửa sao có khói”. Thôi thì lửa hay khói cũng chẳng sao, miễn cho các cấp lãnh đạo có đủ sức khỏe, nhiều thê lắm thiếp, sống lâu trăm tuổi để còn lo cho đất nước này tiến nhanh, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Mặt khác cũng hy vọng đất nước này người ta sẽ truy lùng, săn đuổi, nấu nướng hết cả loài cọp beo, rắn rết cho dân nhờ.