Home Phiếm Các Tác Giả Đầu Năm Nói Chuyện đi ăn “phở”.

Đầu Năm Nói Chuyện đi ăn “phở”. PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Thứ Tư, 13 Tháng 1 Năm 2010 06:06

 Người Việt không quan trọng ngày sanh, cho nên trong đời sống chỉ có 2 lần chính thức ngày sanh được long trọng tổ chức.

 Đó là ngày đầy tháng và ngày thôi nôi (có người còn đọc là là Ngày Tôi Tôi-Ngày Tuổi Tôi) Đúng 1 năm làm một buổi lễ thôi nôi (hết nằm nôi) vào ngày này con trai con gái (tùy theo giới tính) mà có những phẩm vật được bày ra. Lễ chung là một mâm cơm cúng. Cúng 12 bà mụ, cúng trời đất, gia tiên.

Theo tục truyền, theo sách có ghi: Tục Lĩnh Nam (Nước Việt ngày xưa) đẻ con được ba ngày, hoặc đầy tháng, thì tắm cho con, làm một bữa tiệc gọi là "đoàn du phạn" (nghĩa là bữa cơm tròn trặn trơn tru). Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có viết: Tục nước ta, đẻ con được ba ngày, làm mâm cơm cúng Mụ. Đến hôm đầy tháng, hôm một trăm ngày, hôm đầy tuổi tôi, đều có làm cỗ cúng gia tiên, bầy tiệc ăn mừng. Bà con, người quen thuộc, dùng thơ, câu đối, đồ chơi, đồ quần áo trẻ để mừng nhau. Mà nhất là tiệc một trăm ngày là tiệc đầy tuổi tôi to hơn cả. Học giả Phan Kế Bính còn cho rằng ở thành phố Hà Nội thì đẻ con ra đầy cữ, đầy tháng, đầy tuổi tôi, mới làm lễ cúng Mụ.

Theo quan niệm dân gian của người Việt, đứa trẻ được sinh ra là do các vị Tiên (Bà chúa Đầu thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra. Vì vậy, khi đứa trẻ đầy cữ (đứa trẻ chào đời được 3 ngày), đầy tháng (đứa trẻ chào đời được một tháng) hay đầy năm thì bố mẹ, ông bà đứa trẻ phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các bà Mụ và cầu xin các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành.

Theo truyền thuyết, tục này có từ lâu đời và đã từng được ghi trong tác phẩm Phong Thần Diễn Nghĩa. Khương Tử Nha phụng chỉ Ngọc Đế phong cho ba vị tiên đảo là Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu và Bích Tiêu, môn đồ của Quy Linh Thánh Mẫu, nắm giữ "hỗn nguyên kim đẩu". Đời người trước sau đều chuyển kiếp từ cái "kim đẩu" này. Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu gọi chung là "Tam Cô", hay "Chú Sinh Nương Nương". Chú Sinh Nương Nương còn gọi là Thụ Tử Thần (thần ban con), và có 12 bà chị ("thập nhị thư bà" hay "thập nhị bảo mẫu", "thập nhị đình nữ"). Thập nhị thư bà với những tư thế khác nhau, tượng hình người phụ nữ bồng con, cầm tay con dắt, cho con bú v.v.

Sau khi người con được 1 tuổi thì không còn tổ chức lễ sinh nhựt nữa. Nhưng đến 60 tuổi thì có một buổi lễ tiệc chúc mừng được 1 hoa giáp (60 năm), sau đó cứ mỗi 10 năm làm một buổi lễ sinh nhựt gọi là thượng thọ.

Người Việt tại Sài Gòn hay các thành phố lớn theo Âu Mỹ, người có tiền thường tổ chức sinh nhựt mỗi năm như người Âu Mỹ vậy. Đến khi qua xứ người, tập quán tiệc sinh nhựt cũng được nhiều người theo. Lớn bé già trẻ đều có thể làm sinh nhựt. Đây là dịp bạn bè có cớ đến thăm nhau, chúc nhau sức khoẻ…v.v. Tuy nhiên, không phải người nào cũng theo tập quán của Âu Mỹ. Một bà nói “Nhựt nhiết gì. Bày đặt!” Những người khác không tổ chức sinh nhựt chỉ vì ngại nhận quà từ bạn bè, ngại ơn nghĩa. “Lỡ mình hổng có mà đi lại cho người ta thì coi kỳ.” Còn các ông thì sao? Các ông thích tổ chức sinh nhựt lắm. Nào là sinh nhựt con, sinh nhựt vợ, sinh nhựt của mình..v.v. Đây là dịp để các ông “cưng” vợ bằng những món quà, hâm nóng tình yêu, lại là dịp để các ông “đàn đúm” nhậu nhẹt mà các bà không có cớ để “cằn nhằn”. Thôi thì bề nào cũng tốt đẹp.

Sinh nhựt ngày nào cũng được. Nhưng sanh vào ngày đầu năm…ngày Tết thì sung sướng lắm; vào ngày đó ai ai cũng được nghỉ ngơi, có dịp quây quần ăn uống, quà cáp, tiệc tùng. Người Việt có 2 ngày Tết, Tết Tây và Tết Nguyên Đán. Ông thầy Mười phán “Sanh nhằm ngày Tết Nguyên Đán thì khỏi nói, cả nước ăn sinh nhựt của mình. Mặc sức mà có quà.” Nhưng bà vợ thầy thì nhăn mặt “Lỗ chớ chi! Thay vì ngày đó được lì-xì…bây giờ hai ngày nhập một chỉ được có 1 lần. Hổng lỗ là cái gì?” Ai nấy đều cười.

Năm nay ngày đầu năm Dương Lịch đúng vào ngày cuối tuần, những người có ngày sanh vào dịp này có điều kiện, có thời gian, có lý do để làm tiệc sanh nhựt và mời bạn bè. Một bà mẹ tâm tình “Bây giờ con cái nó vui, thì mình cũng vui…chớ sanh con ngày đó cực lắm.” “Sao cực?” “Bà nghĩ coi, ngày người ta nghỉ, mọi người vui chơi, mình vác cái bụng bầu vô nhà thương.” “Như vậy mà còn đõ, lỡ mà đập bầu ngay ngày Tết ta thì còn chết nữa. Ai cũng lo ăn tết, cúng kiến, tiệc tùng…còn mình thì vô nhà thương mà nằm, còn làm cho gia đình mất ăn tết nữa chớ.”

Câu chuyện đi xa hơn.

Người phụ nữ, người mẹ mang nặng đẻ đau. Có câu ca dao như vầy: “Người ta đi biển có đôi, còn tôi đi biển mồ côi một mình”. Đi sanh nở, người Việt coi như một cuộc vuợt biển, vượt cạn. Nó nguy hiểm lắm mà chẳng có ai đỡ đần. Chồng con có đứng đó cũng ngó thôi, ai đau giùm, ai rặn giùm…Khi “mẹ tròn con vuông” mới thở ra “Phẻ!”

Ngồi nghe mấy bà nói chuyện mà tội quá.

“Chớ gì nữa!” Một bà nói. “Như vậy còn đỡ, có ông còn nhơn dịp này đi lang bang nữa chớ.” “Có ông còn tòm tem em vợ đến nuôi chị ở cử mới chết. Thiệt tui cũng hổng biết nói sao.”

Câu chuyện còn đi xa hơn, các đấng lang quân có tịt ngồi yên lấm lét như “Rắn mồng Năm”. Nín thở qua sông cho yên ấm cửa nhà.

“Mà cũng ngộ. Cớ gì mà đàn ông có cái tánh đó hả?”

Đố có anh đàn ông nào ngon lành đứng ra giảng giải cho mấy bà nghe giùm coi.

Mấy ông, sau đó, liếc nháy nhau cười cười. Và không biết từ hồi nào, cánh đàn ông lại có chuyện ví von “Cơm và Phở”. Một ông chuyên sưu tầm đồ lạ có gửi cho bạn bè một bài thơ tân thời như sau:

Phở và cơmmmm...
Phở và cơm làm từ gạo tẻ
Phở ăn “khoẻ” giá rẻ hơn cơm
Phở khỏi đơm tay lùa miệng nuốt
Phở là thuốc “trau chuốt”...bệnh già

Phở chục tô ăn hoài chẳng ngán
Cơm nhàm chán ngao ngán thở dài...?
Phở miệt mài húp chan xùm xụp...
Cơm lạy lục tiếp tục mà nhai...

Cơm nguội tanh chỉ hoài một món
Phở được chọn nhiều món ăn hoài
Cơm vừa nhai hai hàng lệ chảy
Phở hết xảy vừa nhảy vừa nhai...

Cơm ăn xong phải chùi đĩa, bát
Phở húp xong quẹt miệng đi liền
Cơm tính tiền...bằng lương cả tháng
Phở ăn sáng cuối tháng...trả tiền

Cơm dọn ra nhâm nha với vợ
Phở ngoài chợ ăn với bạn bè
Cơm muối mè vừa khô...vừa mặn
Phở muôn mặt...gân, nạm, tái, vè....

Bài thơ không thấy tên tác giả, và giá trị, đúng sai, trung thực cở nào chắc khó mà phân định. Bên dưới bài thơ còn có thêm lời bàn “Mao Tôn Cương” với tưạ đề Lý Do Đàn Ông Thích Ăn “Phở”, khó trích dịch ra đây.

Đầu năm đi dự tiệc tân niên, nhân thể tiệc sinh nhật của cô em gái. Nghe thiên hạ thư qua tin lại, ngóng ý mấy bà chuyện phở chuyện cơm. Trong năm mới Canh Dần sắp tới cầu mong cho Hổ đừng sổng chuồng, dân ta không gặp cảnh “Thả Hổ về Rừng” mà khốn đốn.

Lê Bình