PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Trinh   
Chúa Nhật, 13 Tháng 9 Năm 2009 05:05

           Ở tù là mình không ở nhà mình với cha mẹ,vợ con mà được mời vào nhà đá ở chung với những người tù khác.Ở tù còn có nhiều cách gọi khác như xộ khám,nằm ấp,đi bóc lịch,đi tù , ủ tờ,đi cải tạo và chắc là còn mấy cách gọi khác mà nhất thời chưa nhớ ra. Người có tội bị bắt ở tù  là đương nhiên,còn bắt giam oan uổng  người vô tội là tội ác không thể tha thứ.Ngoài ra theo các tôn giáo lớn,khi chết rồi vong linh cũng có thể bị tù để trả lại công bằng cho những hành vi độc ác của mình khi còn sống đã làm tổn thương đến trời đất,đồng loại và có khi đến các sinh vật khác.Đi tù khác với đi TU là hành vi tự nguyện của nhà tu hành muốn rèn luyện tinh thần và thể xác của họ để có thể hiệp nhất với trời đất,với Phật tính và Thiên tính.

 

Nhà tù còn được gọi là trại giam,nhà lao,nhà ngục,khám đường,xà lim,trại cải tạo kể cả nhà tù hoặc là trung tâm gì đó (như cai nghiện hay phục hồi nhân phẩm v.v..),địa ngục hoặc âm phủ ?.Trong tương lai có thể con người còn nghĩ ra những cái tên khác hay hơn.Bình thường đi tù   là bị cưỡng bách do một quyết định hành chánh(bị tù theo quyết định hành chánh là phương thức độc tài,độc đoán dưới chế độ chuyên chế) hay một bản án của Tòa án;  nhưng lâu lâu nghe nói cũng có người tự nguyện xin đi tù như mới đây ở Tây Ninh  hai giám đốc doanh nghiệp Trương hoàng Niên và Trương hoàng Dũng (bị nghi gian lận hoàn thuế)xin được vào tù hoặc ông Wang nào đó ở Đài Loan xin vào tù vì sống tự do không có việc làm ,không có cơm ăn !Có lẽ từ xưa đến giờ có nhiều người từng xin được đi tù vì những lý do khác nhau,nhưng vì không nhớ hết nên chỉ xin gợi ý như thế chẳng hạn vụ nhà thờ Thái Hà,hàng trăm người xin được đi tù v.v..

Nhà tù chắc là có từ lâu đời vì khi xã hội con người hình thành thì cũng đồng thời xuất hiện những người có quyền lực hơn người khác do sức mạnh cơ bắp,trí tuệ hay uy quyền tinh thần,ưu thế về kinh tế hay nắm được võ lực.Những kẻ này hay tổ chức này bắt người khác phải tuân phục họ,nếu kháng cự thì bỏ tù.Cũng trong xã hội có những kẻ phá phách,không cho người khác được sống yên ổn như những tên trộm cắp,chuyên đánh lộn,chuyên lừa gạt mọi người ,giết người v.v..thì xã hội vẫn thấy cần vô hiệu hóa chúng bằng cách mời chúng đi ở tù để  không có cơ hội tiếp tục phá hoại cuộc sống yên bình.

Vậy nhà tù là công cụ cần thiết cho xã hội ổn định.Nhưng càng  ngày xã hội càng văn minh.Nhà tù thường được những tay độc tài chuyên chế lợi dụng làm công cụ để trấn áp người chống đối,cốt giữ vững quyền lực,gây ra bao đau thương cho người bị đàn áp và gia đình họ.Nhà tù chôn vùi tuổi thanh xuân con người vô tội trong ngục tối,làm tan nát những gia đình hạnh phúc,phá tan bao ước mơ tương lai của những cháu nhỏ ngây thơ,trong trắng ;con cái của tù nhân không còn được hưởng tình yêu thương trong một gia đình êm ấm hạnh phúc bên cha,bên mẹ,không còn được đủ điều kiện tiếp tục học hành để phát triển con người như những đứa trẻ khác.Đấy là chưa kể những đứa trẻ này còn bị phân biệt đối xử khi bị loại khỏi các trường đại học và những cơ hội việc làm bằng cách này hay cách khác.Những trại tập trung của Đức Quốc Xã,những khu vực lưu đầy nổi tiếng của Liên Xô là những hình thức nhà tù kiểu mới điển hình.Những trại Tập Trung Cải Tạo một thời,cũng là những nơi dành cho những người bị giam giữ mà cả người bị nhốt lẫn người ra lệnh nhốt chưa khẳng định tội danh,chưa khẳng định thời gian giam giữ mà sẽ tùy theo tình hình được rút ngắn hay kéo dài theo cảm tính của kẻ chuyên chính.

Vì những oan ức,bất công,đau khổ mà nhà tù đã gây ra từ trước tới nay cho bao thế hệ,mà trong thời Lý Thánh Tông là một chế độ phong kiến,độc tài ,chuyên chế,nhà vua khi nghĩ đến thân phận người tù do chính mình bắt giữ cũng động lòng trắc ẩn,thương xót phải truyền cho các quan lại dưới quyền lấy chăn dầy,áo ấm và cơm ăn cho tù nhân trong mùa đông bớt đói rét đau khổ.

Do đó dưới các xã hội văn minh người ta mới lập ra những qui định khắt khe khi tống giam một người,có luật pháp rõ ràng và được thực thi chặt chẽ,nếu không luật pháp chỉ là tấm khiên bảo vệ  an toàn cho kẻ lạm quyền.Khi một người bị bắt giam bị đem ra xét xử,quyền bào chữa của họ phải được sử dụng hết mức,bản án phải được xét xử công khai và vẫn còn quyền kháng án để khai thác hết mọi khía cạnh pháp lý cũng như tình tiết vụ án.Một khi bản án đã tuyên phải được đương sự tâm phục khẩu phục hoặc ít nhất cũng được công luận nhìn nhận.

Chúng ta khó tìm thấy một thống kê về số tù nhân đối với dân số của các quốc gia vì tỷ lệ này rất cao,ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia đó.Chỉ nhìn chung quanh số các gia đình có người thân phải đi thăm nuôi trong các trại giam thì sẽ thấy con số này rất lớn.

Ở đây không bàn về chế độ pháp luật và nhân quyền mà chỉ nêu ra những cảm nghĩ của người bị tù oan hay bị tù vì bị đàn áp.

Hồi nhỏ,chúng ta thường thắc mắc về tương lai và tìm lời giải trong tướng số.Cách đơn giản nhất là xem chỉ tay.Cũng chẳng có sách vở,thầy bà gì cao tay cả,chỉ là bè bạn chìa tay cho nhau xem đường nào là sinh mệnh,đường nào là gia đạo v.v..chỗ nào là hoạn nạn,bệnh tật và có thằng còn phán cả chuyện tù đầy của nhau nữa.Trong đất nước đang còn nhiễu nhương,loạn lạc,chuyện tù đầy không phải là xa lạ,nhưng trong đầu óc trẻ con cứ nghĩ là chỉ trộm cướp,giết người vô tội mới phải đi tù.Ai cũng cứ tưởng sống lương thiện,ăn ở hiền lành thì muôn đời không bao giờ phải đi tù.Thế mà đường đời lại có muôn khúc quanh,đầy bất ngờ,chỉ một biến cố chính trị,những người dân vô tội bỗng nhiên lâm vào cảnh tù tội,như chuyện trên trời ập xuống,gia cảnh tan nát mà chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao,chỉ vì bị nghi là ở phe này hoặc phe kia !Mà ở tù cũng chẳng biết bao giờ về.Trong hoàn cảnh đó họ có thể đã suy nghĩ ra sao ?

Kẻ ra lệnh bỏ tù ta nhân danh cái gì mà có thể làm như vậy?Chính nghĩa ư?Luật pháp ư?Chứng minh điều đó bằng cách nào ?Có được tạo lập nên bằng sự đồng thuận xã hội và ý chí của đa số nhân dân hay sự đồng thuận chỉ là do chúng bảo thế?.Không có đối thoại,không có phản biện,không có biện minh,biện hộ.Cái bánh xe bằng sắt của chúng cứ thản nhiên nghiền nát tuổi thanh xuân của bao lớp người để xây dựng ngai vàng cho chúng nhân danh những giá trị mơ hồ còn xương máu nhân dân đổ ra là sự thật.

Kẻ ngồi tù nhìn trời rộng mây cao mà thấy mình như con chim nhỏ bé ở trong lồng,muốn vỗ cánh bay bổng hoặc cất tiếng hát líu lo vang xa là ngay lập tức bị níu lại,bị bịt miệng lại;thèm một vòng tay âu yếm của đứa con thơ,người vợ trẻ nhưng không thể nào có được vì những hàng rào trại giam kiên cố và  những trạm gác có lính ôm súng canh chừng ngày đêm.Nhìn khung trời bao la ,đất đai rộng rãi là tài sản Thượng Đế ban cho mọi vật được tung tăng trong đó mà có kẻ dám cướp quyền của Ngài không cho ta ngụp lặn ,bay nhảy trong đó,giới hạn ta trong khung trời nhỏ hẹp,không được tự do hít thở và ngắm nhìn đất trời bao la xinh đẹp.

Trong hoàn cảnh tuyệt vọng này cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận có một nơi để tìm sự an ủi :

“Con Với Mẹ

Ðời con dâng hiến Mẹ của con!
Giây phút đầu tiên đến Sài-gòn.
Cáo gian lắm điều Con vì Mẹ!
Vu vạ nhiều nỗi: Mẹ với con!
Sống chết, lao tù: Con có Mẹ,
Gian truân chẳng quản: Mẹ bên con!
Tăm tối đêm trường: Con thưa Mẹ,
Băng rừng vượt biển: Mẹ dẫn con!
Cô quạnh ê chề: Con kêu Mẹ,
Hy vọng trào trào: Mẹ nghe con!
Ðau khổ xác hồn: Con nhìn Mẹ,
Âm thầm tế lễ: Mẹ dạy con.
Muôn vàn thương nhớ: Con dâng Mẹ!
Ức triệu ân tình: Mẹ thương con!
Sứ mạng tương lai: Con trao Mẹ,
Khó khăn hiện tại: Mẹ giúp con!
Âu yếm đêm ngày: Con yêu Mẹ,
Ngày về tin tưởng: Mẹ đợi con!”

Còn cựu tù Hồ chí Minh trong Ngục Trung Nhật Ký,bài Hạn Chế (số 103) thì :

Đau khổ chi bằng mất tự do!
Đêm buồn đi iả cũng không cho.
Cửa tù khi mở, không đau bụng,
Đau bụng thì không mở cửa tù!

Cái oái oăm của thân phận người tù,khi nghĩ gần,nghĩ xa đều bế tắc và những người đã có kinh nghiệm ở tù,nhất là tù oan,phải hiểu rõ nỗi đau thương và lòng oán giận với điều phi lý,bất công của chế độ lao tù mà sau này khi họ đã nắm được quyền lực trong tay,vẫn không chịu cải cách,vẫn tiếp tục thực hành những điều phi lý đó cho người khác thì họ có còn lương tri nữa hay không?

Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng có những vần thơ tù như “Nói chuyện với tử thần”dưới đây :

“Xà lim trông hệt cái nhà mồ
Mỗi lần mở cửa tôi ra vô
Thấy như chôn rồi mà vẫn sống
Tử thần tôi sợ con cóc khô”.

Hoặc :

“Màn đêm dày đặc phủ xà lim
Có vật gì rơi giữa khoảng im
Lắng mãi tôi nghe rồi mới biết
Thì ra tiếng động của con tim.”

Dù có lúc ngài nói :

Ngục thất dầu sôi thành cam lộ
Lao tù lửa bỏng hóa hồng tiên.

Nhưng dù mô tả thế nào thì câu nói dân gian “Nhất nhật tại tù,thiên thu tại ngoại” đã diễn tả đầy đủ hết nỗi thống khổ cả về tinh thần và thể xác của kẻ ở hoàn cảnh chim lồng cá chậu .

Thế Lữ tưởng tượng người tù như chúa sơn lâm trong cũi sắt để nói lên tâm sự của mình :

Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ bị nhục nhằn, tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khí thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể của muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới ?
Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu….

Người tù làm gì trong những ngày tháng đó ?

Ngày xưa  người tù chịu nhiều chế độ chẳng hạn như tù thường,tù khổ sai và tù khổ sai biệt xứ.Ngày nay văn minh hơn không thấy nói vế những phân biệt đó nữa,cho nên tùy theo điều kiện  của mỗi nhà tù mà tù nhân có thể ăn chơi suốt,hoặc chỉ phải làm vài việc vệ sinh lặt vặt trong trại giam ,hoặc phải lao động vất vả.Còn người tù có thể đem nhốt ở bất cứ ở đâu trên lãnh thổ và phải làm bất cứ việc gì mà Ban Giám Đốc trại nghĩ ra như cày cuốc,trồng trọt,xẻ gỗ,đốn cây,làm mộc,làm gò rèn,may vá ,chăn nuôi vv..

Nước sông,công tù,không gì rẻ bằng nên các tù nhân tha hồ đem sức lao động đề làm những việc riêng tư cho các quan coi tù.Nhiều người ở ngoài không biết cái cưa,cái đục,cái búa là gì nhưng vô tù rồi khéo tay một cách kỳ lạ,tạo ra những sản phẩm kim khí,đồ gỗ và cả xây dựng vv.. rất thẩm mỹ với công cụ thô sơ.Ở những nơi không có việc gì làm thì tù nhân tập thiền,dạy nhau tử vi bói toán,luyện tập các bài dạy cho tinh thần và thể chất được khang kiện như dịch cân kinh,học ngoại ngữ vv..-để giết thời gian.Giới tù Hình Sự thì dạy nhau các kỹ thuật chôm chĩa,bẻ khóa,xâm hình,các mánh lới tinh vi để hành động qua mặt pháp luật,  sau khi mãn án thì tay nghề được nâng cao,đem lại kết quả tốt hơn trong các phi vụ mới.Nhà tù là một trường dạy nghề  hiện đại và hiệu quả nhất.

Lao động trong tù là bắt buộc,rất vất vả,có định mức,có thi đua nhưng không quan trọng hiệu quả kinh tế,làm để mà làm,để cho tù nhân không được ở không,dễ sinh rắc rối.Một trại tù đóng tại nơi nào thì chỉ trong một năm ,hàng chục cây số rừng chung quanh đó thành hoang hóa,cây cối bị chặt hết,cây lớn làm đồ mộc hoặc nhà,cây nhỏ làm củi,rừng chỉ còn trơ lại cỏ dại mà thôi!

Ngày ra tù dĩ nhiên ai cũng vui mừng như chết đi sống lại.Những người mãn án thì còn đoán ra ngày về của mình,còn kẻ tù không án mà được gọi tên thì nỗi vui mừng biết làm sao tả xiết,mặc dù có những lo toan về trăm ngàn khó khăn đang chờ trước mặt.Nhưng hãy vui mừng và về với gia đình  trước đã.

Còn những người không còn chỗ nào để về thì sao,tiền bạc không có,biết đi đâu về đâu,như con chim trời bạt gió,tìm đến nhà ai bây giờ?Ôi nỗi đau này còn  ghê gớm hơn nỗi đau lúc ngồi tù.

Có những người khác khi về  vợ con không cho vào nhà vì vợ đã có chồng khác.Trường hợp này đã xảy ra khá nhiều và chắc còn nhiều nhân chứng đang sống rải rác khắp nơi trên trái đất này ,chẳng cần phải nói thì chúng ta cũng cảm nhận được nỗi lòng của những người trong cuộc!

Sau cùng ai cũng tìm ra con đường riêng của mình,nhưng hoàn cảnh của họ lúc đó  còn bi thảm nào hơn ?Trái đất rộng mênh mông nhưng họ không tìm ra một chỗ để gối đầu.

Đức Phật  bảo con người có bốn cái khổ,nhưng có lẽ phải thêm vào một cái khổ nữa thì mới nói lên hết được tính chất của cuộc sống  con người thời nay : SINH,LÃO,BỆNH,TỬ và TÙ.Nếu đề nghị này được chấp nhận thì rồi đây các nhà Địa Lý,Kỹ sư xây dựng và Kiến trúc phải sửa lại bậc thang leo lầu thế nào để bậc cuối cầu thang đừng rơi vào chữ TÙ,nếu không thì thà chết sướng hơn.Đây cũng chỉ là sơ phác cái khổ của TÙ chứ bút giấy nào tả cho hết được./-