Bóc vỏ củ hành |
Tác Giả: Giao Chỉ, San Jose | |||
Thứ Sáu, 04 Tháng 12 Năm 2009 10:29 | |||
Xin trả lời câu hỏi tại sao? Người Ba Lan có câu ví von hết sức chua cay. Tình cờ tôi nghe được qua cuốn phim Ðiện biên Phủ, do điện ảnh Paris phát hành. Câu chuyện giữa anh lính gốc Ba Lan trong binh đoàn lê dương thuộc Pháp. Họ nói rằng: Lịch sử như một củ hành, càng bóc vỏ càng cay. Khi bóc hết củ hành, mặt đã đầy nước mắt. Bây giờ là cuối năm 2009 bước sang đầu năm 2010, cộng sản Hà Nội chuẩn bị ghi dấu 35 năm “Giải phóng miền Nam” Những chiến dịch Mậu Thân 68 và Mùa Hè 72 sẽ được nhắc tới cùng với trận Quảng Trị với 81 ngày đẫm máu. Chúng tôi xin mời quí vị cùng bóc củ hành lịch sử chiến tranh Việt Nam, nhìn từ phía Việt Nam Cộng Hòa. Mở đầu là 2 tháng lui binh bi thảm của Vùng I tại Quảng Trị. Tháng tư và tháng năm 1972. Căn cứ Carroll đầu hàng, sư đoàn 3 bộ binh rút quân với 300 ngàn quân dân Quảng Trị di tản. Ba ngàn thường dân bị tàn sát trên đại lộ kinh hoàng. Tiếp theo là 4 tháng từ tháng sáu đến tháng chín, 1972. Miền Nam tổng phản công hào hùng đẫm máu. Bắc quân hết sức kiên cường quyết giữ từng tấc đất. Binh đoàn Cộng Hòa dũng cảm luân phiên vào vùng lửa đạn. Sau cùng thủy quân lục chiến thay nhẩy dù đánh vào cổ thành Ðinh Công Tráng. Riêng tại đây trên 3 ngàn lính mũ xanh đã hy sinh. Lính miền Nam tử trận, tuổi trung bình 20. Trẻ nhất là 17. Trong khi đó, lính miền Bắc tuổi trung bình 18, có em chỉ 16 tuổi. Tin tức ghi trên mộ bia, theo hình chụp trong nghĩa trang. Hàng tuần cả ngàn bộ đội Bắc quân chết khi vượt sông Thạch Hãn, và hàng chục ngàn người khác đã chết trong ngôi thành cổ. Ðó là những trang sử cần viết lại. Viết bằng máu của thanh niên hai miền Nam Bắc vào mùa Hè 1972. Lịch sử cần viết lại như thế nào? Trong thế kỷ thứ 20, nhân loại trải qua 2 kỳ đại chiến, lịch sử thế giới ghi lại từng trận đánh chính xác và công bình. Không thiên vị dù là đồng minh hay phe trục. Cuộc chiến Nam Bắc Hoa Kỳ cũng đã viết lại những trang đẫm máu tương tàn giữa anh em một nhà. Chiến sử cũng rất công bình và chính xác. Sau nội chiến, Hoa Kỳ đã trở thành 1 quốc gia hùng cường, bỏ lại sau lưng hận thù Nam Bắc. Người Mỹ đã lưu giữ tất cả những di sản anh hùng từ hai chiến tuyến. Tiếc thay, cuộc chiến Nam Bắc nồi da nấu thịt tại Việt Nam vào thời Trịnh Nguyễn thế kỷ thứ 18 chẳng còn di tích lịch sử để làm bài học cho con cháu đời sau. “ Ôi Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn, muôn đời sau để hận cho giòng sông”. Bây giờ chúng ta chỉ còn lại con sông Gianh sầu thảm tại Quảng Bình. Năm 1954, khi sông Bến Hải chia đôi đất nước, cuộc chiến tương tàn tiếp tục suốt 21 năm, sau cùng miền Nam thua trận. Miền Bắc không có được phẩm cách văn minh của phe chiến thắng để bảo toàn di sản của cả 2 bên. Ðã 35 năm sau cuộc chiến, chính quyền cộng sản Hà Nội vẫn viết chiến sử hoàn toàn một chiều, hoàn toàn bất công và hoàn toàn xuyên tạc một cách không cần thiết. Năm 1968 cộng sản tổng tấn công toàn diện vào dịp Tết, hy sinh các đơn vị tại miền Nam. Cuộc nổi dậy thất bại. Cộng sản vẫn gọi là thành công với “Khí thế như Mậu Thân, ra quân như Nguyễn Huệ”. Năm 1972 cộng sản tổng tấn công lần thứ hai, hy sinh các thanh niên miền Bắc, và một lần nữa họ thất bại. Vì trận An Lộc là điển hình chiến thắng của miền Nam trong chiến tranh phòng thủ. Trận Quảng Trị là điển hình chiến thắng của miền Nam trong cuộc chiến phản công. Ngày nay VNCH không còn nữa. Người cộng sản Hà Nội toàn quyền viết lịch sử của cuộc chiến Quảng Trị 1972 theo ý của họ. Và chúng ta, người Việt hải ngọai có nghĩa vụ phải viết lại trang sử Quảng Trị với các tài liệu của chúng ta, một cách trung thực và công bình. Ðó là lý do chúng tôi thực hiện bộ DVD “Trận Quảng Trị mùa hè 1972”. Trong khi đó, tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh tại Quảng Trị vẫn nằm trong cảnh điêu tàn hoang phế tại Nghĩa Trang quân đội Biên Hòa. Ðã 38 năm qua kể từ khi miền Nam cắm được ngọn cờ chiến thắng trên Cổ thành Quảng Trị. Ðã 35 năm qua kể từ khi miền Bắc thôn tính miền Nam. DVD Quảng trị 72 cũng sẽ là những bông hoa thả xuống giòng sông Hiếu Giang qua mây trời Cam Lộ, qua tiếng hát Ðông Hà để trôi niềm oan khuất ra biển Ðông. DVD Quảng trị 72 cũng là những bông hoa thả xuống sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, sông Mỹ Chánh đem theo những linh hồn trẻ thơ và mẹ già đã chôn vùi trong ngôi mồ tập thể trên Ðại Lộ Kinh Hoàng. Bộ DVD này, gửi đến quý vị hôm nay để lưu giữ ngàn đời sau mong rằng sẽ không còn tiếng súng của oán thù. Nhưng sẽ còn mãi tiếng khóc của trẻ thơ giữa chiến trường lẫn trong tiếng kèn truy điệu và tiếng chuông gọi hồn ai. Giới thiệu DVD: Vị Tổng tư lệnh. Trong chiến tranh Việt Nam, thời kỳ 68 và 72 của đệ nhị cộng hòa chúng ta có vị tổng thống nhà binh hết sức năng động. Ngày 20 tháng 5-1990 tại thành phố Westminster, CA. trong một cuộc họp báo đặc biệt, khi được hỏi về cuộc rút quân thất bại đau thương tại cao nguyên, trung tướng Nguyễn văn Thiệu đã hãnh diện nhắc đến thành quả lãnh đạo của ông vào mùa hè 72. Vì vậy, khi nói đến lịch sử, khi nhắc đến Quảng Trị, chúng ta không thể bỏ qua vị tổng tư lệnh. Bộ DVD này dự trù hoàn tất tháng 11-2009 nhưng phải chậm trễ 1 tháng. Bởi vì chúng tôi phải chờ đợi để có thể gửi đến quý vị thêm đoạn phim lịch sử về Tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Cuộc đời ông đã có những con số năm tháng hết sức ý nghĩa. Nền Ðệ nhị Cộng Hòa của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu cầm quyền được 9 năm. Khi ông mất ngày 29 tháng 9 năm 2001 tính đến năm 2010 cũng là 9 năm. Ðĩa DVD duy nhất này ghi lại các nét chính về cuộc đời của ông như vậy là công bố 9 năm sau khi ông mất. Ðây không phải là 1 tài liệu lên án hay tuyên dương tổng thống Nguyễn văn Thiệu. DVD này bắt đầu bằng khúc nhạc quân hành khi vị Tổng tư lệnh duyệt binh trong đại lễ ngày quân lực tháng 6-1973 tại Saigon và kết thúc bằng những hình ảnh đồng bào chạy loạn vào những ngày cuối của tháng 4-1975 cũng tại Saigon. Con người cũng như đất nước, cũng có lúc hưng thịnh như sóng triều và có khi tan tác như lá rụng mùa thu. DVD này sẽ đưa ra tất cả mọi khía cạnh, mọi nhận định của nhiều khuynh hướng, trải qua suốt 35 năm của người Việt đoạn trường từ trong nước ra đến hải ngoại. Ðặc biệt có hình ảnh cựu tổng thống tái xuất hiện tại California vào những năm 1989, 1990 cùng với giấc mơ xây dựng lại miền Nam bằng giải pháp chính trị. Ðây cũng chính là lúc ông phải đương đầu với búa rìu dư luận mãnh liệt nhất. Những cuộc hội họp riêng tư, những hội nghị trong vòng thân hữu và cuộc họp báo công khai từ Westminster lên đến San Jose. Chúng tôi xin đưa lại quý vị xem các hình ảnh từ 20 năm qua để biết rõ vị tổng thống của đệ nhị cộng hòa đã bị lên án nặng nề và tàn nhẫn ra sao trong bầu không khí gần như bị đấu tố, và ông đã tự làm luật sư biện hộ như thế nào. Những tài liệu lịch sử hết sức quý hiếm này rất cần được gửi đến quý vị. Ông Thiệu về Cali. Ngày xưa, khi San Jose tổ chức liên tiếp trên 10 lần quyên góp cho công việc cứu trợ thuyền nhân tỵ nạn, báo chí gọi đây là Thủ phủ của Tình thương. Qua đầu thập niên 70, thiên hạ đặt tên mới cho San Jose là thủ đô chính trị, có người hỏi tại sao. cũng dễ trả lời. Các văn nghệ sĩ và đặc biệt các ca nhạc sĩ nổi danh, các trung tâm băng nhạc từ Vân Sơn, Thúy Nga và Asia đều đóng đô ở quận Cam nên đã chiếm bảng vàng thủ đô văn hóa tại Nam Cali. Trong khi đó, tại Bắc Cali có đầy đủ chính khách và tướng lãnh để thành lập nội các. Từ phó thủ tướng Nguyễn tôn Hoàn đến thủ tướng Nguyễn bá Cẩn. Từ Kháng Chiến đến Phục Hưng. Hầu như các chính đảng đều có mặt. Những vụ án chính trị ra tòa Hoa Kỳ đều xử tại đây. Sau cùng với sự xuất hiện đầu tiên của ông Thiệu thì danh hiệu thủ đô chính trị chính thức đăng quang cho San Jose. Sau một vài sinh hoạt thân hữu tại địa phương miền Bắc, trận ra quân ngày 20 tháng 5-1990 tại thị xã Westminster, miền Nam được coi là trận thử thách hết sức mạnh mẽ đối với nhà lãnh đạo một thời của Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc biểu tình đông đảo và phẫn nộ lên án ông đào ngũ, tham nhũng và chuyển vận ma túy. Bốn đài truyền hình, hai tờ báo và 6 chương trình Radio Hoa kỳ tường thuật trên trang nhất. Ông Thiệu đến nơi họp báo với một đoàn bảo vệ hùng hậu của cảnh sát Hoa Kỳ. Trong một hội trường đầy kín phần lớn thân hữu, nhưng cũng có một số chống đối kịch liệt lọt vào bên trong. Báo chí truyền thông Việt ngữ thi nhau đặt câu hỏi. Không hề có một lời nhẹ nhàng lịch sự. Lần lượt các câu hỏi xỗ xàng tàn nhẫn được nêu lên. Chưa bao giờ có một cuộc họp báo như thế đối với một cựu nguyên thủ quốc gia. Nội dung câu hỏi đã hàm chứa sự lên án, mà cách xưng hô và đặt câu hỏi lại càng thể hiện sự buộc tội không khoan nhượng. Ông Thiệu sẽ phải trả lời trực diện tất cả các câu hỏi về tội đào ngũ, tham nhũng, ma túy cùng với nhiều tội danh khác. Trong số cử tọa có cả những người không đặt câu hỏi mà đã làm náo động hội trường bằng lời thóa mạ. Một người khác bênh vực tổng thống đã điên tiết nhẩy ra đấm đá. Trận thư hùng xẩy ra ngay trước mắt mọi người, trước khi trật tự vãn hồi để cuộc họp báo tiếp tục. Vị cựu tổng thống đả trả lời tất cả các câu hỏi trong bầu không khí căng thẳng. Hỏi đáp ra sao, quí vị phải xem DVD mới biết được. Người ta thường nói rằng cuộc đời chính trị của các vị lãnh đạo sẽ do lịch sử phán xét. Nhưng không ai có thể biết rằng thực sự lịch sử sẽ phán xét ra sao? Chính các khán giả của bộ DVD này sẽ là những người phán xét. Chung sự Vị nguyên thủ của chúng ta, một thời bị lên án năm 1990 nhưng vẫn có người thương tiếc khi ông qua đời năm 2001 và 8 năm sau, ngày lễ giỗ của ông 2009 lại vẫn có biết bao người tiếc thương. Nhiều người đã chịu bao nhiêu cay đắng, đau thương từ bản thân đến gia đình, có đầy đủ lý do để oán hận nhà lãnh đạo, nhưng vẫn mến phục ông. Có người, chẳng hề ân oán với quốc cộng và chiến tranh. Bản thân và gia đình hoàn toàn vô can, vô sự bỗng nhiên thù ghét ông Thiệu như điên cuồng. Quả thực lòng người không đo lường được. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu là con người như thế nào, bây giờ sự phán xét thực sự nằm trong tay quý vị, qua đĩa DVD có một không hai về vị tổng tư lệnh 1 thời được coi là đem đến vinh quang cho miền Nam với Kontum Kiêu hùng, Bình Long Anh dũng và Quảng Trị vùng dậy, Quyết chiến, Quyết thắng vào mùa hè 1972. Ðồng thời, ông cũng là người chịu trách nhiệm về những đau thương của miền Nam từ 1975 đến 1990. Bởi vì suốt 15 năm sau tháng tư 75 miền Nam chịu bao nhiêu hậu quả khi bị Việt Cộng thôn tính. Bắt đầu từ rã ngũ, tan hàng rồi tù đầy, kinh tế mới và những chuyến vượt biển kinh hoàng. Vào đầu thập niên 90, hầu hết các vị tướng lãnh Việt nam Cộng Hòa xuất hiện với tổng thống Nguyễn văn Thiệu tại miền Bắc California. Trung tướng Trần văn Minh và các tướng lãnh không quân. Các đô đốc hải quân. Ðại tướng Cao văn Viên và các tướng lãnh bộ binh. Hầu như toàn bộ hội đồng tướng lãnh. Quí vị tìm về bên nhau bàn chuyện xây dựng lại núi sông ngay tại San Jose. Nhưng sau cùng, giấc mơ đại sự cũng chỉ là ảo vọng. Chúng tôi có đoạn phim lịch sử này với hình ảnh của các niên trưởng trong phần nói về vị tổng tư lệnh. Phần lớn quí vị hiện diện trong phim đều đã ra đi. Các vị lãnh đạo quốc gia, từ Tổng thống, Tổng tham mưu trưởng, các tư lệnh quân đoàn. Tất cả đều ra người thiên cổ. Với tinh thần văn hóa đông phương, nghĩa tử là nghĩa tận. Xin nhắc lại công việc của quí vị với lời bình luận công bình và lễ độ. Cũng xin nhắc lại thêm một lần nữa, tục ngữ của người Ba Lan ghi rằng: Lịch sử như một củ hành, càng bóc vỏ càng cay. Khi bóc hết củ hành, mặt ta đầy nước mắt. Bây giờ, quí vị đã cùng tôi bóc hết củ hành, nhưng nước mắt chẩy dài không phải vì hành, mà bởi vì chúng ta khóc thương cho các chiến sĩ hy sinh cho Việt Nam Cộng Hòa. Trong đời sống, một cái tóc là một cái tội, nhưng chết là hết, người chết không còn lỗi lầm. Chỉ còn lại những người trách nhiệm hạng nhì của Việt Nam Cộng Hòa như chúng tôi vẫn còn sống, sẽ ôm tất cả những tội lỗi oan khiên cho đến khi về với quân khu Chín suối. Không thể chờ đến ngày kỷ niệm 50 năm bỏ nước ra đi. Giao Chỉ, San Jose.
|