Vui Buồn Võ Bị |
Tác Giả: SVSQ Phạm Văn Tiền F/20 | |||||||
Chúa Nhật, 28 Tháng 8 Năm 2011 04:37 | |||||||
Chúng ta, những thư sinh vừa rời khỏi ghế nhà trường theo tiếng gọi non sông lên đường làm lịch sử Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa Đà Lạt là nơi sinh của nhiều loài hoa quý, hoa Anh Đào nở rộ mùa Xuân cùng Mimosa, Penseé, Tulipe và những cụm hoa lan rừng. Hãy nhớ đừng quên mang một vài cành hoa tặng người yêu khi về phép. Đà Lạt là nơi chúng ta chập chững bước vào đời quân ngũ với nhiều ước vọng tương lai, mãi mãi vẫn còn in sâu trong ký ức mỗi một cựu Sinh Viên Sĩ Quan xuất thân từ mái trường Võ Bị. Đà Lạt của một thời đáng yêu và đáng nhớ! Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi! Nghe hơi gió len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi. Thông reo bên suối vắng lòng dạt dào bao ý thơ. Đà Lạt thành phố sương mù đã một thời là của tôi, của anh, của chúng ta, của những chàng trai Võ Bị ê a nhịp bước quân hành. “Bạn ơi! Quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai tôi đã, đã đi xa rồi, thành đô yêu dấu vắng bước chân tôi, giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu, chỉ về là khi nước non vui bình yên...” mãi mãi là bài hát không thể nào quên của những buổi cơm chiều đầu đời Tân Khóa Sinh ngồi thẳng lưng, quần áo thùng thình, đầu trọc nhẵn lờ quờ, ăn uống hấp tấp vội vàng, đi đứng theo thế vuông góc cùng những lời xỉ vả vô tội vạ, đầy nước mắt nơi phạn điếm vào những buổi cơm chiều. Đà Lạt với những cô nữ sinh xinh đẹp của Bùi thị Xuân, Couvent Des-oiseaux, Lyceé Yersin... “Em cao nguyên má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông” đã một thời làm chúng ta mê mệt si tình đêm nằm thao thức, mơ mộng viễn vông... Đà Lạt thành phố thơ mộng của núi rừng cao nguyên với đồi thông ngút ngàn và nhiều thác nước uy nghi hùng vĩ. Cam Ly, Pren, Suối Vàng, Gougah, hồ Than Thở, Xuân Hương, khu phố Hòa Bình, những con đường ngoằn ngoèo dốc thẳng gập ghềnh, cùng khí hậu tươi mát quanh năm đã từng đắm say trong lòng biết bao lữ khách! “Đà lạt của người tôi yêu. Từng con phố dài như dốc chiều, có mưa phùn giăng theo sương núi và quanh hồ đôi bóng dập dìu. Đà Lạt của người yêu nhau, như con suối và trăng gối đầu. Như hơi lạnh đan trong quan khói. Và giáo đường hai đứa bên nhau! Đà lạt của người trăm năm. Em chim quyên bay xuống đồng bằng. Đem đồi thông vi vu tiếng thở và hoa đào nở giữa hàng cau..!” (Nghiêu Minh) Khóa 20 Nguyễn Công Trứ nhập trường cuối năm 1963 và mãn khóa ngày 20-11-1965. Chúng ta, những thư sinh vừa rời khỏi ghế nhà trường theo tiếng gọi non sông lên đường làm lịch sử. Thời gian 2 năm quá ngắn so với một đời người, nhưng lại là thời gian khá dài đáng nhớ nhất của đời lính chúng ta với những ngày tháng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong gian khổ. Những bài tập chiến thuật, địa hình, những đêm dạ hành, những buổi học văn hoá cùng những lần bị phạt huấn nhục hành xác từ các niên trưởng đàn anh, những đêm dã chiến đầy gian nan vất vả. Làm sao chúng ta có thể quên được cái cảm giác của ngày được phép dạo phố đầu tiên của người SVSQ Võ Bị sau thời gian bị giam hãm kềm kẹp tứ bề. Những khuôn mặt hốc hác phờ phạc sau ngày dạo phố cuối tuần, cùng khung cảnh mệt mỏi rã rời, trộn lẫn nắng nhạt chiều tàn khu doanh trại, nhưng vẫn hăng hái cho một ngày thứ hai đầu tuần “chào cờ” đầy sôi động. Tất cả là những kỷ niệm để đời. Bốn mươi tám năm là một quãng đường dài. Những mái tóc xanh ngày xưa bây giờ đã bạc. Những đôi chân và đôi tay rắn chắc, hàng trăm cái nhảy xổm hít đất bây giờ đã yếu. Nhiều khoảng không gian trong ký ức đã bị phủ dày dưới lớp bụi thời gian. Tuy nhiên những địa danh quen thuộc ngày nào mãi mãi vẫn còn tiềm ẩn sâu trong ký ức của mỗi một SVSQ xuất thân cùng một mái trường mẹ. Đồi 1515 nơi tọa lạc của một quân trường, miếu Tiên Sư, ấp Thái Phiên thênh thang với cánh đồng carot, bắp cải, nặc nồng mùi phân cá, đồi Bắc nơi tiền đồn chúng ta thường xuyên canh gác hàng đêm. Nào Lapé Nord, Lapé Sud, đồi 1441 bên bờ hồ Than Thở, đồi 1605 những đêm dã trại lạnh thấu xương mùa Đông buốt giá. Nhiều bản làng dân tộc thiểu số núi rừng với các ngày lễ hội chiên trống hàng năm bên ánh lửa bập bùng; đỉnh Lâm Viên, núi Trinh Nữ cao sừng sững giữa trời, sương mù che phủ quanh năm, nơi thử sức cuối cùng sau 8 tuần lễ huấn nhục để bắt đầu cho một ngày mới “Quỳ xuống Tân Khóa Sinh! Đứng dậy Sinh Viên Sĩ Quan!” trong một đêm giá lạnh âm u hồn tử sĩ tại Vũ Đình Trường. Phố Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, khu chợ Hoà Bình, và nhất là cổng sau Tôn Thất Lễ nơi chúng ta thường trốn phố đêm qua ngõ Chi Lăng… và hàng trăm địa danh khác sẽ ở lại với chúng ta cho đến giây phút cuối của đời người. Bởi vì những nơi đó, trên mỗi con đường, trong từng viên gạch, nơi những bãi cỏ xanh mướt tại Vũ Đình Trường trong những buổi chào cờ sáng thứ hai, những căn phòng ta học khu nhà H, dãy nhà 3 tầng thẳng tắp chia làm 4 khu batiments gọn ghẽ xinh đẹp nơi ta ở, phạn điếm chúng ta ăn, những bản nhạc chúng ta nghe... vẫn còn lảng vảng đâu đó hình ảnh của bạn, của tôi, của các niên trưởng đàn anh đầy tình nghĩa ôm ấp thương yệu, chia ngọt xẻ bùi trong những ngày buồn vui lẫn lộn “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu!” Trong suốt 21 năm chiến đấu kiên cường, quân dân Việt Nam Cộng Hòa không có con đường nào khác hơn, không có chọn lựa nào khác hơn là phải chung lưng chiến đấu bảo vệ từng con đường, khu phố, từng ngọn núi, con sông của đất mẹ, bảo vệ quyền được nói những điều chúng ta suy nghĩ, quyền được sống nơi chúng ta muốn sống, quyền đi nhà thờ, đi chùa, quyền được hát bài hát chúng ta thích. Người Sinh Viên Sĩ Quan của Trường Võ Bị Quốc Gia chúng ta cùng chung nhịp bước quân hành với các quân trường bạn, đã đóng góp máu xương vào cuộc chiến đầy chính nghĩa nhưng cũng đầy hy sinh gian khổ đó. Các bạn khóa 20 Nguyễn công Trứ chúng ta, cùng biết bao niên trưởng của các khóa đàn anh khác, đã lần lượt nằm xuống để tô thắm cho đất mẹ Việt Nam, để nền tự do dân chủ được đơm bông kết trái! Nhưng tiếc thay chí lớn không thành, ước vọng đã sớm tan tành mây khói, anh hùng trong một lúc sa cơ đã trở nên người thiên cổ. Xưa nay chinh chiến mấy ai về! Ngày chúng ta mãn khóa cũng là lúc chiến trường miền Nam đang cực kỳ sôi động, bọn Cộng Sản Hà Nội với sự tiếp tay của tập đoàn cộng sản quốc tế, lợi dụng tình hình chính trị sau cuộc đảo chánh nền đệ nhất Cộng Hòa với cái chết oan uổng của anh em vị tổng thống, và thảm cảnh thanh trừng nội bộ của các tướng lãnh, đã là cơ hội tốt để chúng tung toàn bộ lực lượng chính quy xâm nhập miền Nam. Cuộc đổ bộ tại bờ biển Đông Bắc Đà Nẵng ngày 7-3-1965 của 3500 TQLC Hoa Kỳ đã mở một trang sử mới cho một giai đoạn mới trong cuộc chiến Việt Nam. Mỹ thực sự cầm súng dàn trận chiến đấu với xe tăng, đại bác, không còn chỉ đơn thuần là cố vấn. Chiến trận đã xảy ra khắp nơi và những tin tức dồn dập từ các chiến trường, những mất mát bất ngờ quá sớm của các khóa đàn anh đi trước, đã để lại trong lòng mỗi một chúng ta nhiều nỗi buồn thương tiếc không nguôi. Nhưng chúng ta không nản chí, một Nguyễn Anh Vũ thủ khoa khóa 18 Nhảy Dù, Lê Văn Quế người đại đội trưởng đáng kính trong hệ thống tự chỉ huy Đại Đội F Biệt Động Quân, Võ Thành Kháng thủ khoa khóa 19, niên trưởng Nguyễn Văn Hùng Thủy Quân Lục Chiến... và hàng chục niên trưởng khác đã hy sinh trên mọi miền đất nước trong các trận chiến thử lửa đầu tiên, mặc dầu “chí tuy còn mong tiến bước, nhưng sức không kham nổi đoạn đường, chúng ta cần được dắt dìu. Hỡi các chiến sĩ trận vong!” Toàn thể khóa 20 chúng ta đồng hát khúc ca quân hành: “Đoàn sinh viên ta xiết chặt dây thân ái. Gieo khắp đó đây những mầm sống vui. Đoàn sinh viên ta vui bước lên. Dù gian nan bao nhiêu khó khăn, đi lên, đi! Ta đoàn Sinh Viên Võ Bị Việt Nam!...” Chúng ta không cầu an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm. Khóa 20 chúng ta tiếp tục lên đường với tất cả nhiệt tâm của người trai thời chinh chiến. Chúng ta hăng hái tranh nhau tình nguyện về các binh chủng hùng mạnh nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sự tuyển chọn có giới hạn và không ít các bạn trong chúng ta đã thất vọng vì không đúng theo sở thích và nguyện vọng của mình. Binh chủng Nhảy Dù 50, Thủy Quân Lục Chiến 25, Biệt Động Quân 50, Lực Lượng đặc biệt 10 trong đó có 3 bạn biệt phái thám báo Quân Đoàn II , tất cả không còn chỗ trống. Số còn lại chia đều về các sư đoàn bộ binh trên 4 vùng chiến thuật. Chúng ta đã có mặt ngay trên chiến trường sau 42 ngày thử thách khóa 23 Rừng Núi Sình Lầy tại trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ, có nhiều bạn nôn nóng bỏ học nữa chừng về trình diện đơn vị gấp để được ra ngay ngoài mặt trận, dù có bị phạt cũng chẳng sao! Chúng ta là những hiệp sĩ thiếu kinh nghiệm trên chiến trường. “Em hỏi anh bao giờ trở lại! Anh trả lời mai mốt anh về. Anh trở về hàng cây nghiêng ngã, có khi khi là hòm gỗ cài hoa. Anh trở về bằng chiếc băng ca, trên trực thăng sơn màu tang trắng em ơi!” Võ Phú Hữu Đại Đội A là người tử nạn duy nhất của khóa khi còn là SVSQ, bạn đã bị đuối sức trong bài thực tập “Vượt sông ứng chế” giữa lòng hồ Than Thở. Còn Đỗ Bá, Sư đoàn 5 Bộ Binh, là người tử trận đầu tiên tại chiến trường sau chỉ một tuần về trình diện đơn vị. Nguyễn Thành Trọng, Huỳnh Văn Dinh, Nguyễn Thanh Vân Sư đoàn 18, Nguyễn Đình Khiêm Sư đoàn 7, Thuận Văn Chàng, Đỗ Đức Thành, Lê Phát Lộc, Trịnh Tiến Hùng, Phan Văn Na Nhảy Dù, Nguyễn Quang Minh, Lê Xuân Lộc, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Quốc Chính, Nguyễn Xuân Hoà, Nguyễn Hoa TQLC, Hoàng Đại Đồng, Đoàn Văn Chớ, Đỗ Cơ Danh Biệt Động Quân, Phan Gia Lâm, Nguyễn Tâm Hồng, Trịnh Văn Hơn Sư đoàn1. Trương Đình Bảy Sư Đoàn 2...Tất cả các bạn đó đã là những người sớm đền xong nợ nuớc. Chúng ta - những người may mắn còn lại - không có chọn lựa nào khác hơn là vẫn tiếp tục chiến đấu và hy sinh cho đến những trận chiến sau cùng. Chúng ta hãnh diện về thành tích nhiều chiến công nơi trận mạc và tài chỉ huy của các bạn Hoàng Mão, Lại Thế Thiết, Nguyễn Thái Bửu, Nguyễn Văn Măng, Huỳnh Bá An những cánh chim đầu đàn của khóa. Những Trần Công Hạnh, Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Trọng Nhi, Trương Văn Vân, Lê Hữu Chí Nhảy Dù; Phạm Cang, Nguyễn Văn Sử, Nguyễn Cao Nghiêm, Lê Quang Liễn, Phạm Văn Tiền...TQLC; Vương Mộng Long, Quách Thưởng, Trịnh Trân, Đỗ Đức Chiến, Lê Tấn Tài, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Hữu Mạnh, Lê Thanh Phong, Nguyễn Lương Hào, Trương Đình Hà Biệt Động Quân; Trần Lương Tín, Vũ Quý Ánh, Phạm Hưng Long, Phạm Gia Quang… Sư đoàn 5; Nguyễn Bích, Võ Công Danh Thiết Giáp; Đoàn Minh Phương, Hà công Hách... tất cả đều may mắn tồn tại và chiến đấu trong những điều kiện bất lợi cho đến trận chiến sau cùng. Hòang Đình Đạt cựu SVSQ Tham mưu Tiểu Đoàn Đại Đội H, sĩ quan tiếp liệu trung đoàn của Sư Đoàn 18 Bộ Binh và nhiều bạn khác đã hy sinh vào ngày lịch sử bi hùng 30-4 của dân tộc. Tôn Thất Trân, Huỳnh Túy Viên dù nằm trong tay giặc nhưng vẫn tỏ ra tiết tháo của một cấp chỉ huy gan dạ, nên đã bị địch kết án tử hình trong những ngày đầu bọn giặc cưỡng chiếm miền Nam. Còn nhiều bạn khác cũng đã làm rạng danh cho khóa bằng ý chí sắt đá kiên cường, dù đã trở thành người thương binh trong cuộc chiến. Quách Vĩnh Trường là một điển hình đặc biệt, sau khi giải ngũ đã tiếp tục đến trường, tốt nghiệp thủ khoa Cao học Luật tại Đại Học Sài Gòn, Phạm Văn Yêng luật sư, Trương Dưỡng ngồi xe lăn mà cũng đi học và tốt nghiệp kỹ sư Điện Tử, Trần Thanh Quang với bàn tay còn lại vẫn tiếp tục thành đạt nơi xứ người, Nguyễn Trọng Nhi mặc dầu đến Mỹ muộn màng cũng đã trở thành bác sĩ, Vương Mộng Long tù cộng sản 13 năm, định cư năm 1993 cũng đã tốt nghiệp University of Washington năm 2003 với cấp bằng B.A Social Sciences& Communication và còn rất nhiều bạn khác nữa... Khóa 20 chúng ta hơn một phần ba đã lần lượt hy sinh và đổ máu trong cuộc chiến đấu cho tự do và dân chủ để bảo vệ miền Nam. Chúng ta đã làm hết sức mình trong cương vị chỉ huy thuộc nhiều đơn vị khác nhau. Sau khi đất nước thân yêu bị giặc cưỡng chiếm, cả dân tộc rơi vào vòng nô lệ của chủ nghĩa Cộng sản độc tài, hàng ngàn chiến sĩ QLVNCH trong đó không ít anh em cùng khóa chúng ta bị đày đọa trong lao tù hay bỏ thây ngoài biển cả mênh mông hoặc mất tích trên đường vượt thoát tìm tự do. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng ngẩng đầu cao hãnh diện, gìn giữ tiết tháo của một cấp chỉ huy. Lữ đoàn 147 TQLC với các tiểu đoàn tác chiến được chỉ huy bởi các bạn khóa 20 chúng ta, đã để lại sự cảm mến của nhiều đơn vị bạn, ngay cả trong những giờ phút bi thương nhất của lịch sử. Những gì xảy ra tại bãi biển Thuận An trong những ngày tháng Ba Gãy Súng năm 1975, đã chứng tỏ các bạn ta đã hoàn thành tốt đẹp phương châm “Tự Thắng để Chỉ Huy”, thề sống chết thủy chung với binh sĩ thuộc quyền. Và chúng ta, bầy chim xanh sống còn sau nhiều trận bão tố cuồng phong, đã may mắn tìm lại nhau, sau gần nửa thế kỷ xa cách, từ lúc thủ khoa Quách Tinh Cần giương cung tên bắn đi khắp 4 phương trời tượng trưng cho chí tang bồng hồ thỉ của người sĩ quan xuất thân từ trường Võ Bị trong ngày lễ mãn khóa. Người SVSQ xuất thân từ trường mẹ, đã vượt qua mọi khó khăn để tổ chức nhiều lần hội ngộ. Từ các thành phố Úc Châu, Âu Châu hay tại nơi Hoa Kỳ chúng ta đang sống. Riêng khóa 20 Nguyễn công Trứ đã nhiều lần hội ngộ mỗi hai năm, San José, Santa Ana, Houston qua nhiều đời hội trưởng. Một Tổng Hội Trưởng Đinh Văn Nguyên E/20 sống và hết lòng với tập thể Võ Bị đã từ bỏ anh em quá đột ngột khi chưa hết một nhiệm kỳ. Một Nguyễn Hữu Thọ, người đại diện khóa đầu tiên may mắn thoát nạn cộng sản định cư sớm tại Hoa Kỳ, dù chỉ còn là một thương binh với chiếc chân giả nhưng rất giàu tình đồng đội, đã nhiều lần về Việt Nam lặn lội khắp nơi hầu giúp đỡ bạn bè trong cơn khốn khó từ các trại tù cải tạo trở về. Anh đến với mọi người với tấm lòng chân thật hào sảng đáng quý. Ở đời mấy ai được như anh! Rồi Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Thanh Đức, Trần Kim Bảng, và nay là Lê Tấn Tài. Tất cả các anh đã làm rạng danh tình tự Võ Bị. Những cuộc họp mặt không ngoài mục đích là tạo điều kiện gặp nhau, tương trợ nhau, nhất là thăm hỏi nhau trong giai đoạn cuối của một đời người. Chúng ta đến với nhau từ một tấm lòng nhân ái, từ con tim thổn thức cùng với quá nhiều kỷ niệm đáng yêu của một thuở quân trường. Đó là những cơ hội để hành khúc Võ Bị được hát vang lên trong niềm kiêu hãnh, để bạn bè cùng một tiểu đội, trung đội, đại đội, cùng khóa trong tiểu đoàn, liên đoàn; tưởng đã nghìn trùng cách biệt, cuối cùng đã xúc động ôm lấy nhau, và trong những lần như thế, những giọt nước mắt cũng nhỏ xuống để tưởng nhớ các bạn đồng môn vừa mới ra đi hay đã yên nghỉ từ lâu trong lòng đất mẹ, đã chết trong lao tù cộng sản, chết âm thầm trên biển cả mênh mông, hoặc đang sống khó khăn tủi nhục nơi quê nhà. Những cái bắt tay thật chặt cùng những biệt danh ngày nào Thầy Tử Lộ, Trần Gia Né, Ni cô Diệu Kiệt, Tài Nhậu, Sơn Sữa, Bích Ngựa, Cảng Moto, Đoàn Kim Sơn Đạo Dừa., Trần Đồng Tý, Hai Ngựa, Chân Mốm, Minh Carré, Tri Gù, Nguyễn Phúc Nham (Long), Gà toi Nguyễn Ngọc Tới..... sẽ được nhắc đến trong mừng mừng, tủi tủi sau gần nửa thế kỷ may mắn còn gặp lại nhau. Những tiếng “ĐM!” được liên tục phát ra trong ứa lệ nghẹn ngào: À thì ra mầy còn sống! Hơn 48 năm qua cá nhân người viết bài nầy xin tạ lỗi với bạn Nguyễn Ngọc Tiền C/20, bị hàm oan vì cái tên cúng cơm “Tiền Bụng” mà các bạn đã ưu ái dành cho tôi. Chuyện của Quít làm mà Cam phải chịu! Lỗi do tôi mọi đàng..., tôi cũng chỉ có tiếng mà không có chút miếng nào, nỗi oan Thị Kính! Hòang Gia Tiến, Lê Ngọc Răng, Ngô Văn Tuận, Phạm Văn Tiền, Nguyễn Ngọc Tới cũng một thời chúng ta cùng nhau đều bước không mỏi mệt đi tìm người mình thương “Từng con phố dài như dốc chiều, hai bên đường hoa Penseé nở và tiếng cười như tiếng thông reo!” Nhiều, rất nhiều bao chuyện cũ ngày nào cùng biết bao kỷ niệm tưởng như đã nghìn trùng xa cách, giờ đây đã được khơi dậy trong lòng chúng ta bằng nhịp đập con tim và tiếng lòng thổn thức. Cả Liên đoàn SVSQ Đại Đội F năm đầu tiên trừ một ít bạn quá giỏi, thành phần còn lại điểm văn hóa kém nhất vì đề thi Toán Lý Hóa “hóc búa” của thầy Trương Đình Ngữ. Nhờ Papa Phát kéo lại trong bài thi tóan Giải tích, như Papa thường nói “chẳng có ma gì!” Xin ghi nhận bạn Đỗ Đức Chiến Đại Đội “A” là người có điểm cao nhất về quân sự, còn văn hóa thuộc Quách Tinh Cần Đại Đội “E”. Khóa chúng ta đã qua nhiều đời chỉ huy trưởng, nhưng có lẽ thời Thiếu Tướng Trần Tử Oai và Trung Tá Thành với biệt danh Trung tá “Em” là đáng nhớ nhất. Cờ đen, cờ đỏ được thay phiên nhau trong 8 đại đội thuộc Liên Đoàn SVSQ mà đặc biệt nhất cờ đen thường được dành ưu tiên cho 2 Đại Đội F&H. Mỗi lần nhận được cờ đen là đại đội phải bồng súng cầm tay chạy vòng quanh sân trại. Đây là đề tài gây nhiều tranh cãi và bất bình giữa hai vị đại đội trưởng, đại úy Nguyễn Đình Tạo và Phạm Quang Mỹ. Đại Đội F với đội bóng tròn vô địch Liên Đòan SVSQ cùng các hảo thủ Nguyễn Bích, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Văn Nghiêm, Đoàn Văn Chớ, Nguyễn Văn Liễu, Nguyễn Văn Măng, Phạm Văn Tiền, Dương Đình Chính, Nguyễn Phúc Long… một thời làm đảo điên các danh thủ Đại Đội H. Bên cạnh đó còn có Phạm Cang vua leo núi Lâm Viên, vô địch hầu hết các giải điền kinh của khóa. Làm sao có thể quên được nhiều đêm cuối tuần dạ hành băng rừng, vượt suối thâu đêm suốt sáng. Chúng ta phải đi diễn hành đều bước với chiếc áo đi mưa giữa trời nắng chang chang nóng bức. Xin chia sẻ buồn nhiều hơn vui với Sinh Viên Sĩ Quan Đại Đội Trưởng Trương Dưỡng Đại Đội F, khi còn là TKS Đại Diện đã bị Thiếu Tướng Trần Tử Oai đích thân phạt cách chức thật oan ức và phải chịu hình phạt trọng cấm (không vô hồ sơ) chỉ vì đại đội đi không đều bước từ bãi tập trở về doanh trại. Bốn mươi tám năm, nửa thế kỷ một đời người, thoáng nhanh qua như cơn mộng ảo. Những ngày tù tội ta đã nhường cơm xẻ áo cho nhau, làm sao có thể quên được. Bên cạnh Phạm Cang, Lê Quang Liễn bất khuất hiên ngang cùng nhiều bạn tù khác, bất chấp hiểm nguy đã tổ chức đình công phản đối chế độ cay nghiệt của nhà tù, nên đã dẫn đến biến cố đau thương lịch sử đẫm máu của Trại Cải Tạo Bình Điền tháng Tư 1979. Chúng ta còn niềm kiêu hãnh nào hơn với Vương Mộng Long, Đặng Quốc Trụ, Nguyễn Văn Nghiêm, Trương Văn Vân tổ chức vượt trại nhiều lần, tìm sự sống mong manh trong cái chết là điều chắc chắn. Các bạn ta đã thực sự là những người hùng “Can trường trong chiến bại”. Các bạn ơi! Hãy ôm nhau mà giữ lấy những bảo vật quý hiếm nầy, hãy cố gắng mà tìm đến nhau đi kẻo trễ, chiều hôm tới rồi! Bạn Nguyễn minh Trí vừa mới từ giã anh em vài tháng trước đây, nay được tin Nguyễn Quang Minh vừa mới mất tại quê nhà, sẽ còn ai nữa sẽ tiếp tục khi túi thời gian còn lại quá ít ỏi hiếm hoi. Xin ghi nhận công lao về một thứ tình người tuyệt vời của các bạn khóa 20 NCT về trường hợp Trương Đình Hà G/20 tứ cố vô thân nơi xứ lạ quê người với cơn bạo bệnh, các bạn đã tìm đến tận miền Missouri xa xôi mang về trong vòng tay ôm ấp của khóa. Xin ngưỡng mộ trước tấm lòng vàng của bạn Nguyễn Thanh Đức, và nhất là gia đình anh chị Nguyễn Phú Hữu cùng đại diện khóa Lê tấn Tài. Hình ảnh bạn Tài ngồi bên giường bệnh để cắt móng tay, móng chân cho bạn Hà đã làm nhiều người cảm động, rơi nước mắt!! Và cả khóa chúng ta tại miền Bắc Cali đã lo chu đáo cho bạn mình đến giờ phút cuối cùng, nghĩa tử là nghĩa tận với đủ nghi thức của một cựu SVSQ xuất thân từ trường Võ Bị. Không những thế khóa chúng ta còn có những người vợ, những bà mẹ tuyệt vời, dù rằng các bạn ta đã ra người thiên cổ. Chị Hoàng Đình Đạt, Chị Vũ Tiến Tường (Maria Châu), Chị Nguyễn Bá Kỳ, Chị Trần Tấn Hòa, Chị Đinh Văn Nguyên, Chị Trần Văn Hải, Chị Trịnh Tiến Hùng, Chị Trần Văn Thọ, Chị Lê Ngọc Ẩn, Chị Hoàng Thúc Kháng, Chị Trần Văn Trương, Chị Nguyễn Thành Nhu... đã là tấm gương sáng cho người phụ nữ Việt Nam, suốt đời ôm ấp, chung thủy, nâng niu và trân trọng những kỷ niệm quý hiếm của chồng, nên đã thường xuyên đến với khóa chúng ta trong mỗi lần hội ngộ. Không những thế các chị còn thường xuyên đóng góp, giúp đỡ gia đình của nhiều người cùng chung hoàn cảnh nhưng rất khó khăn tại quê nhà ngay cả thân nhân của các bạn đã khuất. Gia đình cha mẹ của bạn Huỳnh Văn Dinh, cụ bà mẹ của Nguyễn Quốc Chính. Xin ghi nhận công lao của bạn Hoàng Đình Hiệp và cả khóa chúng ta hết lòng lo cho gia đình bạn Huỳnh Túy Viên với số tiền gây quỹ trên 10 ngàn Mỹ kim để sớm được định cư sang Hoa Kỳ nhưng kết quả không đạt được vì chị Viên đã mất, tuy nhiên với số tiền đó chúng ta cũng vẫn tiếp tục gởi hết về cho các con anh. Bên cạnh đó chúng ta cũng lo cho mồ mả bạn Nguyễn Đức Nhị được tươm tất đàng hoàn theo yêu cầu của gia đình bạn ta ở quê nhà. Nguyễn Đắc Kiên, Lê Thương Mẫn, Nguyễn Thành Vân... sống hết lòng và tròn bổn phận đại diện cho khóa tại quê nhà. Chúng ta vẫn hướng lòng mình với anh em bằng những quà Tết hàng năm, không những chỉ riêng trong khóa mà còn nới rộng thêm ở nhiều khóa khác. Phải thành thật công nhận rằng khóa 20 chúng ta đã thể hiện được tấm lòng của tình bằng hữu. Chúng ta đã làm được nhiều điều tốt qua lòng nhiệt tâm và tận tụy của đại diện khóa Lê Tấn Tài. Tất cả chỉ vì “Tình tự Võ Bị” dù ở hải ngoại hay tại quê nhà, chúng ta luôn gắn bó với nhau như tình anh em ruột thịt, chúng ta dìu dắt nhau cho đến cuối cuộc đời. Với các bạn dù đã tử trận hay đã từ trần, chúng ta xin dâng một nén nhang thơm cầu xin các anh về chứng giám tình đoàn kết của khóa chúng ta trong ngày hợp mặt, ngày Đại Hội Khóa 20 kỷ niệm “48 Năm Hội Ngộ” 3-4 tháng 9 năm 2011 tại miền Nam Cali, Hoa Kỳ. Chúng ta đã hay đánh rơi nhiều thứ quý giá trong cuộc đời nầy, nhưng có những thứ chúng ta sẽ không bao giờ mất và luôn giữ trong tim. Đó là tình chiến hữu, tình đồng môn cùng khóa, cùng trường và khát vọng Dân Chủ cho dân tộc Việt Nam. Viết cho ngày họp mặt khóa 20 Nguyễn Công Trứ, 48 năm sau ngày nhập trường SVSQ Phạm Văn Tiền F/20
|