Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Hồi Ký Cái Chết Của HQ Đại Tá Hồ Tấn Quyền Tư Lệnh Hải Quân trong cuộc binh biến 1 tháng 11 năm 1963

Cái Chết Của HQ Đại Tá Hồ Tấn Quyền Tư Lệnh Hải Quân trong cuộc binh biến 1 tháng 11 năm 1963 PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Hai, 27 Tháng 9 Năm 2010 05:39

Đại Tá Quyền là người đã nhìn thấy sự quan trọng trong việc bảo vệ lãnh hải Việt Nam bằng chính những phương tiện đơn giản của Việt Nam.

 
                            Hồ Tấn Quyền Tư Lệnh Hải Quân 
 
“Vài hàng về HQ Đại Tá Hồ Tấn Quyền.

Đại Tá Quyền gốc người Huế, sinh năm 1927 tại Đà Nẵng, xuất thân Khóa 1 Sĩ Quan Hải Quân (SQHQ) Nha Trang. Khóa này có 6 sĩ quan ngành Chỉ Huy và 3 sĩ quan ngành Cơ Khí. Người đỗ đầu khi ra trường ngành Chỉ Huy là ông Trần Văn Chơn. Người đứng thứ sáu là ông Hồ Tấn Quyền. Như tất cả những người cùng khoá, trước khi theo học Khóa 1 SQHQ Nha Trang, ông Quyền cũng đã theo học ngành Hàng Hải. Tất cả 6 sĩ quan ngành Chỉ Huy khoá này, đều lần lượt thay nhau làm Tư Lệnh Hải Quân từ khi người Pháp trao quyền chỉ huy cho sĩ quan Việt Nam vào ngày 20 tháng 8 năm 1955, cho đến khi Hạm Đội Việt Nam Cộng Hoà làm lễ hạ kỳ trên Biển Đông, hồi 12 giờ trưa ngày 7 tháng 5 năm 1975. Ông Quyền là vị Tư Lệnh thứ ba, từ ngày 6 tháng 8 năm 1959, đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, là ngày ông bị hạ sát. Đại Tá Lê Quang Mỹ là vị Tư Lệnh đầu tiên. Kế đến là Trung Tá Trần Văn Chơn ở nhiệm kỳ đầu. Trước khi được chỉ định làm Tư Lệnh, ông Quyền làm Tham Mưu Trưởng Hải Quân cho ông Chơn.

Trong chức vụ Tư Lệnh Hải Quân, ông Quyền đã chứng tỏ là người có khả năng và tuyệt đối trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đồng thời ông cũng là người có nhiệt tâm và viễn kiến sắc bén trong việc xây dựng Hải Quân.

Trong lần đảo chánh ngày 11 tháng 11 năm 1960, do Đại Tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu, Đại Tá Quyền là người đã đích thân đem 2 đại đội của Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) vào dinh Độc Lập, hợp sức cùng với lực lượng phòng thủ trong dinh, ngăn chận được phe đảo chánh. Đó là một chiến công rất cụ thể của ông Quyền với Tổng Thống Diê.m. (Hai đại đội trước của tiểu đoàn này đã do Đại Úy Nguyễn Kiên Hùng, Tiểu Đoàn Trưởng dẫn đi theo phe đảo chánh. Vì không đủ xe, nên mới còn 2 đại đội đợi xe ở trại Cửu Long. Lúc ấy Đại Tá Quyền leo qua cầu Avalanche điều động 2 đại đội còn lại này vào dinh chống lại phe đảo chánh).

Và ngày 27 tháng 2 năm 1962, phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc dùng máy bay oanh tạc dinh Độc Lập, chính các chiến hạm Hải Quân, do ông Quyền làm Tư Lệnh, đã bắn lên, đạn bay đan kín vùng trời, bảo vệ an toàn dinh Tổng Thống. Một máy bay đã bị Hải Quân bắn hạ.

Trong việc xây dựng Hải Quân, ngay từ ngày cuộc chiến bột phát, năm 1960, Đại Tá Quyền là người đã nhìn thấy sự quan trọng trong việc bảo vệ lãnh hải Việt Nam bằng chính những phương tiện đơn giản của Việt Nam. Ông là người đã có sáng kiến thành lập Lực Lượng Hải Thuyền, dùng những ghe xuồng chúng ta có thể đóng lấy được và tuyển dụng những dân chài địa phương, trà trộn với ngư dân để phát giác và ngăn chận từ trong trứng nước sự xâm nhập ngưới và vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển. Các đơn vị Hải Thuyền, sau được biến cải thành các Duyên Đoàn, đã chứng tỏ rất hữu hiệu, tạo được nhiều chiến công trong việc đối đầu với những ghe tàu xâm nhập từ Bắc vào Nam. (Xin xem thêm bài phỏng vấn Đại Tá Nguyễn Văn Thông về Lực Lượng Hải Thuyền).

Cái chết của Đại Tá Quyền.

Năm 1963, Miền Nam mỗi lúc mỗi có những khó khăn. Ngoài thì Cộng sản mở rộng những trận đánh. Người Mỹ vì nhiều lý do không muốn ủng hộ chính quyền của Tổng Thống Diệm nữa. Trong thì có những mâu thuẫn đảng phái, tôn giáo, do đó quân đội cũng có nhiều phân hoá. Tổng Thống Diệm chỉ còn tin tưởng vào một số rất ít đơn vị trung thành với ông, như Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật; Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt; và Hải quân Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân. Vì thế trước khi khởi sự, cấp chỉ huy đảo chánh phải làm sao hóa giải được những trở ngại nói trên. Để làm việc này trong Hải Quân, cấp chỉ huy đảo chánh, đứng đầu là Trung Tướng Văn Minh, đã “xây dựng” (móc nối) với bốn người là HQ Trung Tá Chung Tấn Cang, Chỉ Huy Trưởng Giang Lực; HQ Thiếu Tá Khương Hữu Bá, Chỉ Huy Trưởng Duyên Lực; HQ Thiếu Tá Trương Ngọc Lực, Chỉ Huy Trưởng Vùng III Sông Ngòi; và một sĩ quan gốc Thủy Quân Lục Chiến, Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ Huy Trưởng Đoàn Giang Vận. Riêng về ông Trương Ngọc Lực, xuất thân khóa 2 sĩ quan Nha Trang, với nhiều thời gian hoạt động trong sông và khét tiếng là một tay hiếu sát.

Thi Hành.

Công tác này diễn tiến như sau:

Trước hết là trung hoà các người có thể làm trở ngại việc đảo chánh trong Hải Quân. Do sự chỉ định của cấp chỉ huy đảo chánh, Thiếu Tá Trương Ngọc Lực và Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang, hai người phải làm sao loại trừ cho được sự hiện diện của Đại Tá Quyền trong vai trò Tư Lệnh Hải Quân, ưu tiên là bắt giử ông Quyền đem nộp cho họ. Ông Giang nhớ lại lời ông Lực nói rằng:

-“Ông Quyền trung thành với ông Diệm lắm, không cách nào thuyết phục ông ta theo phe cách mạng được đâu, mà có khi còn nguy cho tính mạng và đại cuộc. Ông Lực được ông Minh (Dương Văn Minh) cho biết là giữa Tổng Thống Diệm và ông Quyền có một kế hoạch di tản bí mật bằng tàu Hải Quân khi có biến, lánh nạn khi có đảo chánh. Chi tiết thế nào thì không được biết, chỉ nghe ông Lực nói lại mà thôi”.

Để thi hành công tác này, khoảng 10 giờ sáng hôm 1 tháng 11 năm 1963, buổi sáng được nghỉ lễ, ông Quyền đang đánh tennis với ông Thăng (xin xem thêm bài phỏng vấn Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng), thì ông Lực đến năn nỉ ông Quyền rất lâu, mời đi Thủ Đức ăn trưa, lấy cớ hôm ấy là ngày sinh nhật thứ 36 của ông Quyền. Ông Quyền không muốn đi, vì “buổi trưa còn phải lên Bộ Tổng Tham Mưu họp”. Sau ông Lực năn nỉ mãi, ông Quyền về nhà thay quần áo, lái xe citroen đen đi. Ông Quyền cầm tay lái. Ông Lực ngồi ở ghế trên, ông Giang ngồi ghế sau. Khi từ xa lộ Biên Hoà rẽ vào đường đi Thủ Đức, xe nghiêng, ông Lực ngã vào ông Quyền, cũng là lúc ông Lực rút dao găm ra đâm ông Quyền. Ông Quyền nhanh tay đỡ và dằng được dao găm, đâm vào tay ông Lực. Máu bắn tung toé. Hai người vật nhau, xe ủi xuống lề đường. Trong phút nguy nan đó, ông Giang ngồi ở ghế sau chồm lên dí súng vào vai phải ông Quyền, nổ súng, “đâu một hai phát gì đó”. Ông Quyền buông lơi con dao dính đầy máu xuống trước mặt, gục ngã trên bánh lái. Sự việc xảy ra trong chớp mắt, tự nhiên như một phản xạ, không suy nghĩ, ông Giang đứng bất động, kinh hoàng. Vừa lúc ấy, một chiếc xe dân sự do tài xế của ông Lực chạy sau, trờ tới. Ông Lực và anh tài xế bê xác ông Quyền bỏ vào thùng xe dân sự này. Cả ba lên xe này chạy về Sài Gòn.”

Chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân.

Ông Lực và ông Giang cấp tốc trở lại Sài Gòn, thay quần áo tác chiến Hải Quân, có mặt tại ngã ba Bạch Đằng-Nguyễn Huệ, lúc 1 giờ trưa, để đón 2 đại đội khoá sinh từ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung lên, do Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu đích thân trao la.i. Đúng như dự trù, ông Lực và ông Giang hướng dẫn đoàn xe chở 2 đại đội này chạy ào vào chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Quân nhân Hải Quân thấy sĩ quan Hải Quân hướng dẫn đoàn xe, nên không chống cự, vì thế việc chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân không gặp trở ngại nào. Trong khi ông Giang phân chia lính bộ binh tước khí giới và canh gác Bộ Tư Lệnh, thì ông Lực chạy thẳng lên Văn Phòng Tư Lệnh Hải Quân, nói với Trung Tá Đặng Cao Thăng, Tham Mưu Trưởng Hải Quân, rằng:

“Cách Mạng đem quân tới chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân”.

Theo sự nhớ lại của ông Thăng, thì:

“Tôi thấy ông Lực mặt mày xanh ngắt, tay bị băng, thì tôi biết là có chuyện chẳng lành cho Đại Tá Quyền rồi. Ông Lực lùa tôi và các sĩ quan tham mưu vào văn phòng Đại Tá Quyền. Khi đó có 2 máy bay của Không Quân bay rất thấp quanh Bộ Tư Lệnh Hải Quân, có lẽ để uy hiếp Hải Quân. Các chiến hạm liền nổ súng dày đặc bầu trời. Đặc biệt chiến hạm HQ 06 đậu tại cầu A, vị trí 1, do Đại Úy Đỗ Kiểm làm Hạm Trưởng, bắn lên rất dữ dội. Ông Lực yêu cầu tôi ra cột cờ trước Bộ Tư Lệnh ra lệnh cho các chiến hạm ngưng bắn. Người trực tiếp áp tải tôi ra sân cờ là Trung Úy Thái Quang Chức.” (Ông Chức là em Trung Tướng Thái Quang Hoàng, một sĩ quan thuộc đơn vị của ông Giang).

Trước đó, theo kế hoạch đã định, Trung Tá Cang ra lệnh cho một số chiến đĩnh của Giang Đoàn 24 Xung Phong ỉm quân ở bên kia cầu Sài Gòn. Vì nếu ở bên này cầu, quá 1 giờ trưa nước lớn, tàu không chui qua gầm cầu được. Đúng giờ ấn định, 1 giờ 30, Trung Tá Cang đem đoàn chiến đĩnh sang chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Trên chiếc Monitor Combat (Tiền Phong Đĩnh) do Trung Sĩ Thạch Sơn, người Việt lai Miên làm Thuyền Trưởng, ông Cang đứng trên chiếc Monitor này, cặp vào cầu tàu Tư Lệnh. Ông Cang lên Văn phòng Tư Lệnh đảm nhiệm vai trò Tư Lệnh Hải Quân. Nhớ lại biến cố này, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang cười và nói rằng:

-“May mà tôi đã đến kịp, tránh được những điều đáng tiếc xảy ra cho Hải Quân.”

Trật tự tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân được vãn hồi. Hôm sau, 2 tháng 11 năm 1963, ông Cang được thăng Đại Tá, ông Lực thăng Trung Tá và ông Nguyễn Kim Hương Giang thăng Thiếu Tá.

Vào khoảng 1 giờ 15 chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963, khi biến cố đảo chánh đã xảy ra rồi, ông Thăng nhớ laị, nói rằng:

-“Tổng Thống Diệm có gọi tôi, hết sức bình tĩnh, ông hỏi Hải Quân ra sao, anh Quyền đâu. Ông chỉ thị cho tôi phải đẩy quân của ông Lực ra. Lúc đó Bộ Tư Lệnh Hải Quân đã bị tước khí giới rồi, tôi không làm nổi”.

Nhìn lại biến cố này, ông Thăng có nhận xét rằng:

-“Tôi thấy vụ giết ông Quyền có thể có dự mưu, vì tại sao phải mời ông Quyền lên Thủ Đức, và công việc này lại giao cho một sĩ quan nổi tiếng hiếu sát trong Hải Quân. Vả chăng ông Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và em ông, Thiếu Tá Triệu bị bắt và bị bắn chết trong Bộ Tổng Tham Mưu. Chắc họ cũng dành cho ông Quyền cùng một số phận. Ông Giang, theo tôi, chỉ là người phụ thuộc, không có mưu đồ nào. Ông bắn ông Quyền chỉ vì trong hốt hoảng, quá sợ hãi.”

Sau đó, theo lời kể lại của anh Trần Văn Hoa Em, khi ấy còn là Thiếu Úy, thì:

-“Sau ngày đảo chánh, ông Lực có lúc xuống nấn ná ở tàu tôi (HQ 501) đậu ở cầu C, do Đại Úy Bùi Cửu Viên làm Hạm Trưởng. Ông Lực tỏ ra dè dặt và sợ hãi, rồi lặng lẽ đi đâu không biết”.

Còn ông Giang thì cho hay:

-“Trung Tá Lâm Ngươn Tánh, lúc ấy là Tham Mưu Trưởng, một hôm kéo tôi ra kè xi măng ở bờ sông trước cầu C, nói với tôi rằng, ‘tụi bây liệu đường đi đâu thì đi xa đi. Tụi nó dự trù giết mày và thằng Lực đó’. Nên không bao lâu Trung Tá Lực được đổi đi làm Tùy Viên Quân Lực tại Hán Thành. Còn tôi (Giang) được đổi ra Phú Quốc, làm cố vấn cho vị chỉ huy Hải Quân tại đâỵ”

Nhìn xa hơn chút nữa, trong cuốn “Việt Nam Nhân Chứng”, Trung Tướng Trần Văn Đôn đã kể lại nhiều chi tiết cho thấy rằng người Mỹ đã chủ động, theo dỏi ráát sát biến cố ngày 1 tháng 11 năm 1963. Trong trang 227 và 228 sách đã dẫn, ông Đôn đã đưa ra những chi tiết về việc ngườì Mỹ muốn bắt và giết cho được Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu.

Khi đón tiếp các vị tướng lãnh của nhóm đảo chánh tới thăm Toà Đại Sứ Mỹ, hồi 4 giờ chiều ngày 2 tháng 11 năm 1963, khi anh em Tổng Thống Diệm đã bị giết rồi, ông Cabot Lodge, Đại Sứ Hoa Kỳ ra tận lề đường đón các vị tướng đại diện phe đảo chánh, ông Lodge đã vui vẻ thốt lên bằng tiếng Pháp:

”C’est formidable! C’est formidable!” (Thật là tuyệt diệu. Tuyệt diệu).

Thái độ ấy, lời nói ấy tưởng đã quá đủ để thấy thân phận của những ai mà người Mỹ muốn loại trừ trong biến cố 1 tháng 11 năm 1963.”