Tướng Nguyên Văn Quan và biến cố 1-11-1963 |
Tác Giả: Nguyễn Hữu Duệ | |||
Thứ Ba, 29 Tháng 6 Năm 2010 13:13 | |||
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Quan, ngày đảo chánh là đại tá, nhưng ông giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức và điều khiển biến cố này. Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, tư lệnh lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống kể với tôi rằng, khi ông đi họp ở Tổng Tham Mưu vào ngày 1-11-63 thì bị Thiếu Tá Thiệt, quân cảnh, còng tay với nhiều sĩ quan cao cấp mà phía đảo chánh gọi là người tin cậy của Tổng Thống Diệm. Ông cằn nhằn Thiếu Tá Thiệt, và hỏi: - Sao kỳ vậy anh Thiệt? Tôi là một sĩ quan cao cấp được Tổng Tham Mưu mời họp mà anh lại còng tôi ? - Thưa trung tá, tôi không dám, nhưng đây là lệnh của Đại Tá Quan. Thật vậy, sau này mới biết địa vị quan trọng của Đại Tá Quan từ lúc tổ chức đảo chánh, rồi ông được coi như phụ tá của Trung Tướng Dương Văn Minh, người cầm đầu đảo chánh sau trở thành Quốc Trưởng. Khi ông Quan làm tỉnh trưởng Phước Tuy (Bà Rịa), tôi là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, thuộc sư đoàn 7 đóng quân tại đó. Tôi không thuộc quyền chỉ huy của ông, mà trực thuộc tư lệnh sư đoàn. Tuy nhiên, tôi rất kính trọng ông và những gì ông cần đến tôi trong việc giữ an ninh tỉnh, tôi đều vui vẻ thi hành, vì tư lệnh sư đoàn đồng ý cho giúp địa phương giữ an ninh. Theo tôi biết, ông tốt nghiệp sĩ quan từ thời Pháp (hình như cùng khóa với tướng Dương Văn Minh). Ông từng là tỉnh trưởng Vĩnh Long, rồi đổi về Phước Tuy. Ông hơn tuổi tôi rất nhiều, nhưng biệt đãi và coi tôi như em. Có lần ông nói là ông ít quen người Bắc, nhưng gặp tôi ông quý ngay và nể nang tôi. Ông hay mời tôi đi dự tiếp tân, và khi có các bạn tướng tá đến thăm, ông đều mời tôi dùng cơm ở tư dinh. Ông có cô con gái khá đẹp, khiến anh em ở trung đoàn cứ ngỡ tôi muốn làm rể ông. Có lần Trung Tướng Dương Văn Minh về thăm ông, muốn đi tắm suối nước nóng và tắm biển Vũng Tàu. Ông Minh có người con đang học ở Phi Luật Tân về nghỉ hè, nên muốn đem con đi nghỉ cùng. Tôi cũng được mời đi chơi trong dịp này, và tôi quen Trung Tướng Minh từ ngày đó. Khi đến suối nước nóng (tôi nhớ thuộc quận Đất Đỏ thì phải), phong cảnh quá đẹp, và đường vào rất tốt. Trung Tướng Minh thích lắm, khen ít có chỗ nào đẹp như vậy. Ông nhớ trước đây, chỗ này hoang vu, đâu có đẹp như thế này? Đại Tá Quan cho biết, sở dĩ đẹp như thế là do lệnh của Tổng Thống muốn sửa lại con đường từ quốc lộ vào, và tu sửa suối nước nóng thành nơi thắng cảnh, để thu hút khách du lịch khi ra Long Hải tắm biển thì ghé chơi, và cũng là nơi để học sinh ra cắm trại giải trí cuối tuần. Ông kể thêm: - Về việc này, moa bị lũy cự đấy (chắc đại tá thân với tướng Minh nên ông xưng moa với Trung Tướng và gọi Tổng Thống bằng lũy, vì quen miệng. Một hôm lũy gọi moa về gặp, moa vào văn phòng, lũy mời moa ngồi cẩn thận, và bảo: - Ông lấy viết ra ghi đi, tôi muốn nhờ ông làm một việc. - Moa đớ người ra, vì mình có mang giấy viết đâu. Moa thấy trên bàn của lũy có xấp giấy trắng và mấy cây viết, moa bèn thò tay với lấy. Lũy trừng mắt nhìn moa, nói: Tỉnh trưởng gì mà Tổng Thống gọi về không mang giấy viết, lại lấy giấy viết của Tổng Thống mà xài! - Thưa cụ, được cụ gọi, tôi vội về trình diện nên quên mang giấy viết. Thế rồi lũy mang bản đồ ra, chỉ cho moa nơi có suối nước nóng, và hỏi moa có biết chỗ này không? Moa thưa đại là có biết, thật ra mình cũng đi qua một lần nhưng không nhớ lắm. Lũy vẽ cho moa cái plan muốn sửa như thế nào, và đào hồ cùng làm vườn hoa và nhà thủy tạ v.v… Moa nói là làm được, nhưng xin ngân khoản để làm. Lũy bảo đã bàn với ông tổng trưởng Công Chánh, và sai moa sang gặp để bàn ngân khoản. Khi làm xong, moa mời lũy về khánh thành. Khi đến, lũy có vẻ thích và khen đẹp. Có mấy ông đại sứ ngoại quốc đi cùng cũng khen đẹp, nên lũy có vẻ vui. Sau đó, ông Quan mời Trung Tướng Minh và tôi ra Vũng Tàu ăn cơm ở Grand Hotel. Đến nơi thì gặp Đại Tá Có, tư lệnh quân khu ở đó rồi. Con của Trung Tướng Minh đi cùng tùy viên của ông ăn ở ngoài. Bữa ăn chỉ có bốn người. Tôi lấy làm lạ vì Đại Tá Có là tư lệnh Quân khu, coi như xếp của ông, mà ông vẫn gọi là chú một cách tự nhiên, và ông Có gọi ông là anh. Sau này, nhiều lần ăn cơm ở nhà ông, có mấy vị đại tá và có lần cả Thiếu Tướng Tám nữa, mà ông vẫn gọi là chú cả. Vì vậy, tôi chắc ông được nhiều người kính nể. Trong bữa ăn, tôi thấy tướng Minh và ông rất thân mật. Tôi nhớ Đại Tá Có hỏi trung tướng về Trung Tá Fernand Bùi. Ông Có nói: - Ông này chả xuất sắc gì và hay chơi bời mà sao trung tướng quý ông ấy thế, bao giờ cũng dùng ông. Tướng Minh cười, nói: - Hắn có mạng rất là hên, kỳ nào hành quân có hắn là thắng nên moa quý lắm, mạng của hắn hợp với moa. Nói đến Trung Tá Fernand Bùi, tôi nhớ đến ông ngày cùng làm việc một thời gian hết sức ngắn với tôi ở Tổng vụ Dân nguyện của Thiếu Tướng Cao. Ông người lùn mập, rất vui vẻ, có điều hay chửi thề. Hễ mở miệng ra, bao giờ cũng bắt đầu bằng hai chữ Đù mẹ. Ngày ở Hậu Giang,sư đoàn 4 (sư đoàn 7 sau này) cũng tham gia chiến dịch. Trung Tá Ngô Dzu là tham mưu trưởng sư đoàn, kể với anh em tôi một chuyện về ông khiến ai cũng buồn cười. Ngày Tổng Thống xuống thăm Long Xuyên, nơi Trung Tá Bùi làm tỉnh trưởng, tối đó có làm khán đài nơi bờ sông để Tổng Thống và quan khách ngồi xem các thuyền chăng đèn kết hoa trình diễn trên sông. Có cả sân khấu nổi trên thuyền để diễn kịch nữa. Vở kịch có một màn lính Tây đi càn, bắt gà và trêu ghẹo phụ nữ. Có cô con gái bị lính Tây cởi áo và bóp vú. Tổng Thống quay mặt đi, nói: - Tục tĩu ! Tục tĩu !. Trung Tá Bùi ngồi sau Tổng Thống sợ quá bèn la lên: - Chết tôi rồi! Đù mẹ, chết rồi. Đù mẹ ông phó hại tôi rồi! Cả khán đài ai cũng cười. Lúc đó, có cả Phó Tổng Thống Thơ ngồi cạnh Tổng Thống. May được Phó Tổng Thống nói với Tổng Thống là vì ông tỉnh trưởng sợ quá, nên la ông Phó Tỉnh trưởng, xin Tổng Thống bỏ lỗi cho. Rồi Tổng Thống cũng cười. Một anh bạn tôi ở sư đoàn 5 (sư đoàn Nùng cũ), kể với tôi ngày mới vào còn đóng ở sông Mao, có lần Tổng Thống ra thăm sư đoàn. Khi xe Tổng Thống vừa đến, một đoàn gia đình binh sĩ chạy đến sát xe, tranh nhau xem mặt Tổng Thống. Có người ngó thẳng vào xe, hỏi: ¸”Nó đâu, nó đâu?”. Vì vậy, khi Đại Tá Xứng được chỉ định coi sư đoàn 5, ông kể với tôi rằng Tổng Thống nhắc đi nhắc lại phải lo trường học cho con em binh sĩ và cả binh sĩ Nùng nữa, sao cho họ phải biết đọc, biết viết và nói thạo tiếng Việt. Có lần trung đoàn tôi được chỉ định giữ an ninh vùng Võ Đất, nơi sẽ thành lập thêm một tỉnh nữa gọi là tỉnh Bình Tuy, lấy một phần đất của tỉnh Biên Hòa và một phần của tỉnh Phước Tuy để lập ra tỉnh này. Có đại diện của các bộ ở trung ương gửi về để vẽ bản đồ và nghiên cứu việc xẻ đường và đất đai xem hợp với chủng loại lúa nào, hoặc cây ăn trái nào, vì cả vùng là rừng tranh bát ngát. Ông tỉnh trưởng Biên Hòa và Đại Tá Quan cũng nhiều lần đến bộ chỉ huy họp liên bộ. Vì lẽ đó, nhiều lần Đại Tá Quan ở lại với tôi vào ban đêm, và tôi luôn nhường lều ngủ của tôi cho ông. Nhờ thế, ông quý tôi lắm và hai bên nói chuyện rất cởi mở. Có lần Tổng Thống đến thăm. Tổng Thống ngồi xe jeep do Đại Tá Khiêm, tư lệnh Sư đoàn lái, tôi ngồi sau với sĩ quan truyền tin có máy để liên lạc. Tôi hướng dẫn Tổng Thống đi qua rừng tranh từ Võ Đất ra quốc lộ 1, chỉ là vạt tranh đi chứ chưa có đường sá gì cả, nên chỉ đi xe jeep được mà thôi. Tuy đường đi gập ghềnh và xóc lắm, nhưng Tổng Thống rất vui vẻ. Đến một khu rừng nhỏ độ mấy chục mẫu, cây cối không cao lắm và cạnh đó có một cái đìa khá lớn, Tổng Thống bảo dừng xe lại và xuống xem rừng. Tôi trình Tổng Thống, dân ở đây gọi nơi này là ổ voi vì voi đi hàng đàn, chạy qua đây đều ngừng lại, nghỉ để uống nước. Cả đoàn nghỉ lại trong rừng, ông khen rừng nhỏ, nhưng sạch sẽ và nhắc tôi: - Anh nhớ nhắc ủy ban liên bộ phải bảo vệ khu rừng này, cả cái đìa nữa, để sau này là nơi cắm trại cho học sinh, vì là nơi gần tỉnh. Tôi lấy sổ tay ra ghi, ông có vẻ bằng lòng lắm (tôi nhớ đến lời Đại Tá Quan kể khi gặp ông không mang giấy viết). Khi ấy rừng tranh đã già nên ông hỏi Đại Tá Khiêm, nếu rủi ro bị cháy thì chạy sao cho kịp ? Đại tá nói nếu rừng tranh bị cháy thì không nên chạy về phía trước, mà phải chạy về phía sau, vì phía sau đã bị cháy rồi, chỉ bị nóng một chút chứ không mệt. Ông thích lắm và khen đúng. Ông nói với chúng tôi: - Nước mình còn nhiều tài nguyên chưa được khai thác. Anh xem khu này quá rộng mà chả được canh tác gì, sau này có đường sá, giúp cho dân vào định cư ở đây sẽ trở thành trù phú. Quả nhiên sau này, tôi có dịp đi ngang Bình Tuy và thấy dân cư đông, cây cối xanh tươi, tôi lại nhớ đến ông. Thời đó còn thanh bình, đi lại dễ dàng và có an ninh, nên tụi tôi hay tổ chức đi săn ở các rừng xung quanh. Đêm nào đi săn về cũng có thú rừng như nai, mễn, thỏ v.v… Một lần khoảng 2 giờ chiều, đột nhiên có một đàn voi chạy qua khu tiền đồn do một đại đội đóng cách bộ chỉ huy của tôi độ một cây số, tôi tưởng như có động đất lớn. Tụi tôi đều chạy xuống hố phòng thủ và chưa rõ chuyện gì. Đại đội ở tiền đồn báo cáo là có đàn voi chạy qua, sợ nó chạy vào chỗ đóng quân, nên xin phép bắn để tụi nó tránh xa ra. Thế là các súng khai hỏa và đàn voi chạy qua ngoài khu đóng quân. Có một con voi mẹ trúng đạn chết, và một con voi bị thương nằm cạnh với mẹ. Nghĩ lại, tôi thấy quá sơ.ï Nếu đàn voi này chạy thẳng vào khu đóng quân, chắc là binh sĩ chết và bị thương rất nhiều. Đời tôi chưa bao giờ nghe tiếng động lớn và đất rung chuyển như vậy. Khi nghe tin một con voi mẹ to lắm, và một con voi con bị bắn chết, thượng sĩ trung đoàn nói với tôi: - Thiếu tá biết con voi cái có cái gì quý không ? - Thì voi có cái vòi là quý nhất. Ông bảo tụi họ gửi cho mình ít thịt voi và miếng vòi cho cả bộ chỉ huy ăn một bữa. - Không phải cái vòi là quý nhất đâu! Voi đực già thì có cái ngà, còn voi cái nếu tìm được cái lông của nó chỗ cửa mình thì quý nhất, bán cho Tàu bao nhiêu nó cũng mua. Để làm nhẫn đeo tay, trừ được gió độc và mang lại may mắn. Mỗi con voi cái chỉ có mấy cái ở chỗ kín mà thôi. Ngoài ra, mấy cái lông của nó cũng làm tăm xỉa răng, trừ sâu răng rất hiệu nghiệm. Nghe ông nói vậy, mấy ông cận vệ và nhân viên văn phòng đều xin phép tôi đi xem voi, và tìm lông voi. Tôi đồng ý, nói: - Ừ đi thì đi. Nhưng phải nộp cho tao một cái nếu tìm được. Thế là cả đoàn chạy đi xem voi. Tôi nhờ ông thượng sĩ gọi họ bảo đem một cái chân, và thịt voi về biếu đại tá tư lệnh Sư đoàn. Tối đó, ông đại đội trưởng báo cáo với tôi một chuyện rất buồn cười. Đám lính ở bộ chỉ huy xuống, thằng nào cũng xông xáo móc vào cửa mình của voi. Có thằng thọc sâu ngập cả cánh tay. Nghe vậy ai cũng cười lăn. Cái chân voi tôi gửi biếu Đại Tá Khiêm, ông thích lắm. Ông cho đem thuộc và làm cái bình cắm hoa, coi rất đẹp. Sau ông làm Thủ Tướng, một lần đến thăm ông ở tư dinh, tôi vẫn thấy cái chân voi để ở góc nhà, cắm mấy cành lau. Trở lại Đại Tá Quan, ít lâu sau được đổi về Sàigòn, ông bị đau nhiều, bị bệnh trĩ nặng và phải mổ. Người ta đồn ông nghiện thuốc nữa, nhưng tôi không thấy bao giờ, mặc dầu nhiều lần đến thăm ông. Khi ông đau, mỗi lần tới thăm, tôi thường được bà bảo: “Anh Quan đau nằm trên lầu, chú cứ lên thăm anh”. Trước ngày đảo chánh độ một tuần, Tổng Thống đi thăm nhà thương Cộng Hòa, hôm ấy Trung Tá Khôi tháp tùng. Khi Tổng Thống thăm khu cấp tá ở nhà thương, có ghé thăm Đại Tá Quan. Đại tá có nhắn Trung Tá Khôi là ông mong gặp tôi. Ngay chiều hôm sau, tôi đến thăm ông ở nhà thương, được cho biết ông đã về nhà. Tôi đến nhà thì ông đi vắng. Sau đảo chánh, ông kể với tôi là ông ở nhà thương để tiện việc liên lạc với anh em sắp xếp kế hoạch đảo chánh. Sở dĩ ông nhắn tôi đến gặp, là muốn dò ý tôi. Sau này tôi cứ nghĩ ngợi mãi: Nếu tôi gặp ông trước ngày đảo chánh, không biết khi ông kể tôi nghe kế hoạch đảo chánh, thì tôi phải làm gì? Nếu tôi gặp ông thì chắc là sự việc sẽ khác, vì ông tin và quý tôi vô cùng. Sau này, khi lập kế hoạch đảo chánh đại tướng Khánh do ông và Đại Tá Phạm Ngọc Thảo chủ mưu, ông mời tôi về thảo luận và rủ tôi tham gia, không có một sự e dè hay nghi ngờ gì cả. Tôi không gặp ông cho đến ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963. Vào hồi gần 12 giờ đêm hôm ấy, ông điện thoại nói chuyện với tôi. Sau đây là cuộc điện đàm giữa ông và tôi. Lúc ấy tôi ngồi ở bàn chỉ huy cạnh máy truyền tin, có đủ cả bộ Tham mưu Lữ đoàn Phòng vệ ở cạnh. - Duệ đấy hả ? Qua là Đại Tá Quan đây. - Dạ… thưa đại tá, Duệ đây. - Duệ à ! Qua được Trung Tướng Dương Văn Minh bảo gọi cho toa, vì ông biết qua và Duệ thân nhau. Qua nói Duệ nghe, tất cả các tướng lãnh đều theo phía cách mạng cả rồi, chắc toa nghe trên đài thì rõ, các tỉnh đều đánh điện ủng hộ. Khánh ở vùng II và Trí ở vùng I cũng đồng ý cả. Ông Minh hứa là nếu toa theo nữa thì mọi việc sẽ êm xuôi, và tránh được sự đổ máu. Ông Minh sẽ cho Duệ lên đại tá và muốn bao nhiêu tiền cũng cho. Sau này muốn ở Việt Nam, Duệ có một chỗ tốt trong quân đội, hoặc muốn đi ngoại quốc cũng được. Toa nghĩ kỹ đi Duệ (tôi không chắc là đúng 100% vì lâu quá rồi, nhưng đại ý là như vậy) - Dạ… thưa đại tá, chắc đại tá cũng biết là tôi quý mến đại tá như thế nào. Tôi cũng biết là mình tôi không chống lại với các tướng lãnh được…Nhưng xin đại tá hiểu cho tôi, lúc này tôi chỉ nghe lệnh của Tổng Thống mà thôi, mặc dầu tôi biết có thể sau này tôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Xin đại tá thưa với trung tướng là cố gắng dàn xếp với Tổng Thống chứ lúc này bảo tôi phản lại Tổng Thống thì tôi không sao làm được. - Ừ, qua cũng rõ em rất khó xử nhưng qua lo cho em thì qua phải gọi cho em. Thế bây giờ tình hình trong ấy thế nào ? Ông Diệm ở đâu? Ông đổi giọng nghe rất thân mật, gọi tôi là em và gọi Tổng Thống là Ông Diệm. - Dạ, Tổng Thống vẫn ở trong dinh, và tôi ở thành Cộng Hòa, vẫn chạy đi chạy lại giữa dinh Gia Long và thành Cộng Hòa. Còn tình hình ở đây rất yên tĩnh. - Thôi, để qua nói lại với ông Minh. Đại Úy Khôi, Trưởng phòng 3 Lữ đoàn, hỏi tôi: - Ai gọi cho thiếu tá vậy ? - Đại Tá Quan, trước đây là tỉnh trưởng Phước Tuy, nơi Trung đoàn 12 đóng quân, ông và tôi thân nhau lắm. - Ông có nói ông giữ nhiệm vụ gì trong cuộc đảo chánh này không ? - Moa cũng chẳng rõ, nhưng moa biết ông và tướng Minh thân nhau lắm. Đại Tá Quan chỉ nói đến tướng Khánh ở vùng II và tướng Trí ở vùng I, làm tôi hy vọng Trung Tướng Cao ở vùng IV chưa chịu theo phía đảo chánh. Chắc thế nào tướng Cao cũng đem quân về cứu Tổng Thống, như chuyện đã xẩy ra ngày 11 tháng 11 năm 1960. Sau này gặp tướng Cao, ông kể cho tôi nghe ông nhất định không theo đảo chánh, mặc dù được gọi nhiều lần. Ông cố gắng để liên lạc với sư đoàn 9 và Sư đoàn 7 đêm quân về, nhưng sư đoàn 9 không có phương tiện vượt sông, và sư đoàn 7 thì bị Đại Tá Có đem công điện của Trung Tướng Đôn, quyền Tổng Tham Mưu trưởng, về tiếp thu, nên Đại Tá Đạm bị cô lập. Vì vậy, đến gần sáng, Thiếu Tướng Cao mới chịu gửi công điện ủng hộ, sau khi đã nói chuyện với Thiếu Tướng Khiêm, yêu cầu giữ an ninh cho Tổng Thống và bảo vệ danh dự cho ông. Sau đảo chánh, Thiếu Tướng Khánh và Thiếu Tướng Trí được lên trung tướng, mặc dầu Thiếu Tướng Trí mới được lên thiếu tướng hơn một tháng. Còn Thiếu Tướng Cao thì bị cất chức về ngồi chơi ở nhà, mãi sau khi chỉnh lý mới có việc làm là tổng vụ trưởng tổng vụ dân nguyện. Trong khi đó, tôi cũng chưa có việc làm, nên là người đầu tiên được gọi về làm với ông. Sau vì có việc xích mích với đại tướng Khánh, ông bị cất chức và lại về ngồi chơi ở nhà, còn tôi bị đổi ra sư đoàn 25 ở Quảng Ngãi. Sau khi ông Khánh lưu vong, tướng Cao lại được bổ nhậm làm tổng cục trưởng tổng cục Chiến tranh chính trị, tôi lại là người đầu tiên được lấy về làm việc với ông. Tôi cũng kể thêm một chuyện về Trung Tá Đinh Văn Phát, là tỉnh trưởng Kiến Phong. Đêm đảo chánh, các tỉnh trưởng đều được thúc giục để đánh điện ủng hộ hội đồng cách mạng. Trung Tá Phát cũng được Đại Tá Có gọi dây nói giục làm kiến nghị, ông trả lời như sau: - Đại tá hiểu cho, tôi là con nhà Nho, việc gì cũng phải có trước có sau. Mới đây được Tổng Thống tin cậy cho làm tỉnh trưởng, mà nay làm kiến nghị ủng hộ đảo chánh, sao tôi làm được? Sau đảo chánh, ông bị cất chức và bị kiếm chuyện bỏ tù ở nhà tù Mỹ Tho. Gặp tôi khi đến thăm ông ở nhà tù, ông nói: - Tôi chả sợ gì, chỉ sợ lương tâm mà thôi! Sau này ông làm chủ hãng phim, và là chủ một tờ nhật báo (tờ Độc Lập), rất giàu có. Gặp tôi, ông khoe là được Ông Diệm phù hộ. Còn một người khác gọi điện thoại cho tôi trong đêm đảo chánh, là Đại Úy Tôn Thất Đình, anh của tướng Đính, và cũng là chánh văn phòng của ông. - Thiếu Tá Duệ hả? Đại Úy Đình đây! - Chào anh Đình, tôi là Duệ đây, có gì vậy anh? - Ông tướng bảo tôi gọi cho anh biết, là mọi sự đã xong rồi, đừng chiến đấu nữa để đổ máu anh em vô ích. Tự nhiên tôi nổi nóng lên, khi nghĩ đến tướng Đính ra vào dinh Gia Long hầu như hàng tuần. Lúc vào Tổng Thống, lúc vào ông cố vấn, luôn luôn như con cháu trong nhà mà phản lại Tổng Thống, không ai có thể ngờ được! - Anh thưa với ông tướng là lúc này tôi chỉ nghe theo lệnh Tổng Thống mà thôi. Tôi không thể ngờ được ông tướng lại phản Tổng Thống, tôi chả kính trọng ông một chút nào. Nói rồi tôi cúp máy, anh em ở bộ tham mưu ai cũng đồng ý là tôi nói phải. Một sĩ quan (tôi không nhớ là ai) nói: - Thật không thể tin được! Khi đảo chánh thành công, tôi bị an ninh quân đội do tướng Mậu ra lệnh bắt giam khoảng hơn một tháng. Tôi đã viết cho Trung Tướng Minh một thư khá dài, rồi mật chuyển cho cô em gái tôi trong một chuyến thăm nuôi, để em tôi mang lại nhà Đại Tá Quan, nhờ ông lo cho tôi ra. Gặp em tôi, ông rất niềm nở và hứa ngay là ông cam đoan tôi sẽ về trong một tuần. Bà Quan cũng nói với em tôi là yên trí, bà sẽ nhắc ông hàng ngày. Quả nhiên tôi được về ngay. Khi đến cám ơn ông, tôi gặp Trung Tá Nguyễn Viết Đạm ngồi ở phòng khách đợi ông tiếp. Bà Quan gặp tôi thì quá mừng, bảo tôi cứ lên lầu gặp ông như trước kia. Gặp tôi, ông mừng lắm, thân mật kéo tôi ngồi ngay lên giường. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông sau ngày đảo chánh, nên thưa với ông: - Thưa đại tá, xin lỗi đại tá đã gọi dây nói cho tôi mà tôi không nghe. Xin đại tá hiểu cho, tôi là người chung thủy và Tổng Thống tin cậy ở tôi, có thể nào tôi phản ông được? - Duệ nói đúng. Kể cả ông tướng Minh cũng chả phiền trách gì toa. tướng Đôn cũng vậy, vừa nghe qua lời trình là ông ra lệnh thả ngay. Sau moa mới rõ là Mậu hắn trù toa mà bắt, chứ có ai ra lệnh đâu! Tôi thắc mắc hỏi ông, sao mọi người được lên tướng mà ông chưa được lên. - Xào, lúc nào moa lên chả được! Moa và ông Minh như anh em, nhưng moa không muốn lên tướng vì cách mạng. Cứ nghĩ đến cái chết của hai anh em ông, đến giờ moa vẫn còn bàng hoàng! Khi về đến Tổng Tham Mưu, moa ngã vật ra ngay trên giường, phải gọi bác sĩ đến chích thuốc. Thấy ngồi đã khá lâu, và có Trung Tá Đạm đợi dưới nhà, tôi nhắc ông xuống tiếp khách. Ít lâu sau, Trung Tá Đạm được lên đại tá, làm tư lệnh sư đoàn 25. Khi Đại Tá Quan lên tướng, thì được chỉ định coi An Ninh Quân Đội. Một buổi tối, tôi đến mừng ông, đang ngồi nói chuyện thì người nhà lên trình có ông nguyên bộ trưởng phủ Tổng Thống là ông Nguyễn Đình Thuần đến thăm, ông hỏi tôi: - Chắc toa cũng biết lũy. - Dạ, tôi có biết. - Ngày lũy làm bộ trưởng có gặp moa một lần, thấy cũng tử tế. Lũy đến nhờ moa cho thông hành đi Pháp. Tôi đi cùng ông xuống để tiếp ông Thuần, và tôi đi về. Gặp ông Thuần, tôi kính cẩn chào và ông bắt tay tôi. Thấy có một hộp sâm để trên bàn, ngay ghế salon ông ngồi. Sau đó ít lâu, tôi được ông kể cho nghe là ông Thuần đã đi Pháp. Cách đây ít lâu, tôi đọc một bài báo nói ông Thuần đi Pháp là nhờ một tòa đại sứ nào đó đưa đi. Tôi chỉ kể lại những gì tôi biết, không dám chắc là ông Thuần đi bằng cách nào. Những người làm việc với ông Quan ở Phước Tuy, sau cách mạng cũng được ông giúp đỡ. Ông chánh án Dương Thiệu Sính, được đổi về làm tổng giám đốc quan thuế; ông phó tỉnh trưởng (tôi nhớ là ông Ngọ thì phải) làm thị trưởng Vũng Tàu v.v…Tôi cũng được ông rủ về làm ở an ninh quân đội với ông, nhưng tôi không thích, vì sợ ân oán. Tôi xin ông để tôi học xong khóa anh ngữ, rồi đi du học như đã xin với Trung Tướng Khiêm. Tôi nhớ là hình như ông ở an ninh quân đội một thời gian rất ngắn. Lạ lùng nhất, người thay ông lại là Đại Tá Phước (sau lên chuẩn tướng khi ông coi biệt khu 44, và bị chết vì rớt trực thăng). Đại Tá Phước cũng quen nhiều với tôi. Ông cũng bị Đỗ Mậu bắt giam ở an ninh quân đội cùng với tôi, vì tội không theo đảo chánh. Ông và tôi cùng bị giam ở một phòng nhỏ có 3 giường, 2 tầng, 6 người, có cả ông tỉnh trưởng Đà Lạt là Thiếu Tá Phước nữa. Trại giam do một thượng sĩ coi, anh ta tên là Hường rất hách dịch và dưới quyền Đại Úy Sinh, trưởng phòng điều tra. Mỗi ngày tụi tôi được ra ngoài hai lần, mỗi lần một giờ ở cái sân nhỏ. Ngày ấy, trừ một số người được thăng thưởng nhờ cách mạng, việc lên cấp bậc rất khó khăn. Lên đại tá có thể giữ các chức vụ rất quan trọng như tư lệnh sư đoàn, hay giám đốc nha, hoặc trưởng phòng bộ Tổng Tham Mưu v.v… Thế mà khi Đại Úy Sinh đi thăm trại giam, thượng sĩ bắt tụi tôi phải ngồi dậy, mặc quần áo tươm tất để đón. Đại Tá Phước và tôi không thèm thi hành, chỉ mặc quần đùi, áo thung vì trại giam quá nóng. Đại Tá Phước tâm sự với tôi: - Duệ này, moa giữ chức vụ trưởng phòng nhì Tổng Tham Mưu, người nắm tất cả những tin tức địch trong tay mà thằng Mậu, nhất là thằng Đại Úy Sinh này, nó đối với mình như Việt cộng vậy, moa buồn vô cùng. Bất kể tình anh em trong quân đội, tụi an ninh này tưởng tụi nó là trời! Toa biết không, moa chỉ mong có một ngày moa được coi nha này, để moa làm sạch sẽ lại, và ngày ấy toa về phụ moa mới được. Khi được bổ nhiệm coi an ninh quân đội, ông gọi ngay cho tôi. Lúc ấy tôi đang làm ở tổng vụ dân nguyện với Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao. - Duệ này, toa nhớ ngày anh em mình bị giam ở an ninh, moa đã nói gì với toa không? Bây giờ moa về làm giám đốc nha này, toa về làm phó cho moa, giúp moa chỉnh đốn lại. Lấy cớ là tướng Cao mới xin tôi về, nay xin đi thì kỳ quá, nên từ chối theo ông. Sau đó, một số lớn sĩ quan ở an ninh phải đổi đi, rất nhiều người phải ra khỏi ngành nữa. Thấy vậy tôi rất mừng, vì nếu về làm với Đại Tá Phước, tôi cũng sẽ bị oán trách nhiều. Đại Tá Quan lại nghỉ ở nhà, nhưng không phải nhà riêng ở đường Phan Đình Phùng (trong một ngõ khá rộng chỉ có 4, 5 nhà) mà là một căn biệt thự lớn ở đường Phùng Khắc Khoan, nhà ông Ngô Viết Thụ ở trước đây. Sau khi ông giúp Trung Tá Phạm Ngọc Thảo đảo chánh tướng Khánh không thành công, thì ông ở nhà và ít người tới thăm. Tôi luôn đến thăm ông, thấy sức khỏe của ông kém đi nhiều. Thường ông phải nằm ở phòng ngủ tiếp tôi, hôm nào trời đẹp thì đem ghế ra ngoài bao lơn ngồi. Ông tâm sự với tôi về cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963. - Toa biết không, việc đảo chánh là do Mỹ gây ra, và xúi ông Dương Văn Minh. Tụi họ nói là đã sắp xếp xong cả với các tướng lãnh rồi, nhưng khi ông Minh hỏi những ai, thì họ chỉ cho tên ông Đôn và ông Kim thôi. Ông Minh gặp ông Đôn thì ông Đôn nói là đang tiếp xúc, và có nhiều hướng thuận lợi, khi nào sắp xếp xong sẽ cho ông Minh rõ. Chính ra mọi sự là do ông Đôn lo cả, ông Minh chỉ được bầu ra làm xếp sau này mà thôi. Ông Minh bàn với moa và giao cho moa gặp gỡ các sĩ quan cấp nhỏ, hầu hết đều có quân, và cũng có nhiều anh em ở Đại Việt nữa. Ông Minh lưu ý ông Đôn thế nào cũng phải rủ cho được ông Khiêm và ông Đính, thì mới có cơ may thành công. Thật ra, ông Minh không oán trách gì Ông Diệm đâu, mà ông luôn nghĩ ông không được tín nhiệm là do ông Nhu, nên không ưa ông này. Tôi hỏi ông: - Thiếu tướng có biết tại sao có quyết định giết Tổng Thống và ông Nhu ? - Thật ra, lúc đầu có ai nghĩ đến việc đối xử với hai ông như thế đâu. Nhiều ông tướng đến họp mới hay có đảo chánh, chứ có ai biết trước đâu. Lúc moa gọi toa thì ai cũng nghĩ là khó thành công, nhưng không dám nói ra. Lúc nghe tin có tiểu đoàn Biệt động quân đóng ở Bưu Điện để bảo vệ Tổng Thống và sư đoàn 5 chưa đưa được đơn vị nào vào gần để tấn công, thì nhiều người sợ ra mặt. Moa nghĩ nếu như lúc ấy để họ tự do rút lui thì họ chạy cả. Nhưng gần sáng, nghe tin hai ông đã trốn ra khỏi dinh, thì ai cũng mừng rỡ và sốt sắng bàn bạc sôi nổi. - Thế thiếu tướng có biết những vị tướng nào xui Trung Tướng Minh giết cả hai anh em Tổng Thống? Tôi nghe Trung Tướng Lễ và Trung Tướng Chiểu đã xui Trung Tướng Minh là nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ, có người lại nói ý kiến của thiếu tướng cũng như vậy nữa. - Thật tình moa không biết, nếu biết moa đã cản ông Minh. Moa đối với Ông Diệm có chuyện gì đâu, lũy cũng tử tế với moa, và khi moa ở Vĩnh Long thì đối với cha Thục, giao tình cũng thân. Sau moa về Bà Rịa thì cũng ở khá lâu và lần sau cùng lũy vào nhà thương Cộng Hòa, cũng ghé thăm moa, còn chúc moa sớm bình phục. - Tôi nghe nói thiếu tướng cũng ở trong phái đoàn cùng với tướng Xuân và Đại Tá Lắm đi đón Ông ở nhà thờ cha Tam. - Đúng, moa vì tò mò mà đi theo, chứ moa chả được ông Minh giao cho nhiệm vụ gì đi đón hai ông. Khi đến nơi, moa chỉ ngồi trên xe theo dõi mà thôi. - Theo thiếu tướng thì việc giết hai ông là do lệnh của tướng Minh? Hay Đại Úy Nhung và tướng Xuân tự ý làm? - Làm gì có chuyện này, ông Minh phải ra lệnh thì thằng Nhung mới đi cùng chớ. Chắc ông cũng rõ, ngoài thằng Nhung không ai dám thi hành việc giết hai ông. Việc ông chỉ định tướng Xuân đi đón hai ông cũng vậy, vì chỉ Xuân mới dám đi với nhiệm vụ ấy chứ các tướng khác không ai dám nhận lời. - Thiếu tướng thấy sự việc như thế nào khi tướng Xuân và Đại Tá Lắm gặp hai ông? - Moa thấy ông Xuân gặp hai ông không chào hỏi gì cả, Lắm thì chào cung kính và moa thấy Ông Diệm hỏi gì thì Lắm đều trả lời. - Thế còn vai trò của Thiếu Tá Nghĩa ? - Ông Minh chỉ định, hay tự ý hắn xin đi theo, moa cũng không biết nữa. - Thiếu Tá Nghĩa có cùng đi xe M113 với hai ông và Đại Úy Nhung không ? - Moa không để ý và cũng không nhớ hai ông đi xe thứ mấy nữa, nhưng thấy hai ông lên xe thiết giáp và ông Nhu còn vất điếu thuốc xuống đất trước khi lên xe. Moa có nghe mấy tiếng súng nổ trên đường đi, và đến Tổng Tham Mưu mới hay hai ông đã chết một cách thê thảm lắm! Moa ớn lạnh, lên đến phòng tướng Minh là moa muốn xỉu luôn, phải nằm vật trên giường và gọi bác sĩ. - Người ta nói tướng Xuân chào tướng Minh và trình Mission accomplie có đúng không thiếu tướng? - Đúng, moa có nghe và nhiều người cùng nghe. - Thiếu tướng thấy thái độ của Thiếu Tướng Đôn và tướng Khiêm cùng các tướng khác khi nghe hai ông bị giết thế nào? - Lúc ấy lố nhố đông người nhưng moa thấy Khiêm lộ vẻ ngạc nhiên và bỏ kính xuống lau, còn các người khác chả ai dám có ý kiến hoặc dám nói gì. - Thiếu tướng có biết tại sao mà các vị tướng lại đồng tình để đảo chánh Tổng Thống không? - Thì ai cũng nghĩ là Mỹ đã không ủng hộ thì Ông Diệm làm sao đứng vững được? Toa thấy không, như Đính và Khiêm nếu không theo thì làm sao lật được. Ai cũng nghĩ nếu đám nào đảo chánh thì hai ông này tránh sao khỏi bị tội, nên khi nghe Mỹ xúi là họ theo ngay. Trong vụ này có tướng Đôn và Kim là người chủ chốt và bàn với Mỹ từ ban đầu. - Thiếu tướng thấy có đơn vị lớn nào theo đảo chánh không? - Chả có đơn vị lớn nào cả. Không quân, hải quân chỉ liên lạc được mấy anh nhỏ. Ở các sư đoàn, ngoài sư đoàn 5 thuộc quyền Đính là theo, và trung tâm huấn luyện Quang Trung. Moa tin là Mỹ đã xúi bẩy các tướng là bằng mọi cách phải làm đảo chánh. Toa thấy không, sau này họ lại sợ những người cầm đầu toàn là sĩ quan của Pháp nên lại ủng hộ Khánh để lật, nhưng họ quý ông Minh nên vẫn giữ lại làm Quốc Trưởng, vì nghĩ chỉ ông Minh là không thân Pháp. Ngưng một lúc, ông thở dài, rồi lại nói tiếp: - Sau cách mạng, ông Minh giao toàn quyền về quân đội cho ông Đôn, về hành chánh thì giao ông Thơ, moa là người giúp ông phối hợp với ông Thơ, còn bên quân đội, thật tình moa cũng không nắm vững. Lúc Khánh làm chỉnh lý, moa cũng lo cho ông Minh vô cùng. Nhưng sau liên lạc được, lũy cho moa biết là không có bị gì, và lũy cũng đã liên lạc được với tòa đại sứ Hoa Kỳ, và họ cũng hứa là sẽ bảo vệ lũy. - Còn thiếu tướng, sau chỉnh lý có bị làm khó dễ gì không? - Không, Khánh biết moa quá mà, nhưng moa tự ý xin từ chức ở an ninh quân đội, vì lúc đó thấy nản vô cùng. Khi ngồi ở balcon, nói chuyện về cuộc đảo chánh, tôi thấy Thiếu Tướng Quan đã yếu lắm rồi, có vẻ mệt thấy rõ. Tôi hỏi ông: - Thiếu tướng đau làm sao, và bác sĩ nói thế nào về bệnh tình của thiếu tướng? - Có lẽ moa bị đau phổi, ngoài ra bệnh trĩ của moa vẫn chưa khỏi hẳn. - Theo tôi, thiếu tướng cũng nên vào nhà thương nằm để có bác sĩ thường xuyên chăm sóc, và bớt phải tiếp khách đỡ mệt. Ông cười một cách chán nản: - Duệ xem bây giờ có mấy người đến thăm moa đâu, ngoài mấy anh em thân thiết như Duệ. Ngồi một lúc, ông thấy mỏi nên rủ tôi vào phòng cho ông nằm nghỉ. Đột nhiên, ông cầm tay tôi và nói: - Moa muốn bàn với Duệ một việc, thấy toa là người Công giáo và thẳng thắn, nên moa bàn với toa. - Dạ, thiếu tướng, tôi đâu có phải người Công giáo, tôi theo đạo ông bà. Nhà tôi chỉ có mẹ tôi và bà nội tôi hay đi chùa. Còn đàn ông thì ít đi. - Thế mà người ta nói Ông Diệm chỉ tin những người Công giáo mà thôi. - Đó là tin đồn, tôi chả thấy có gì phân biệt cả. Rất nhiều người Phật giáo ở cạnh Tổng Thống và rất được ông quý mến. - Moa lúc này yếu lắm, nằm ôn lại cuộc đời mình thì moa cũng chả làm điều gì ác đức, chỉ phải là ngày còn trẻ trác táng quá độ nên moa thương các con mình sau này phải trả cái nợ của moa. Toa biết không, ngày còn trẻ moa chơi bời quá sức. Bây giờ moa muốn trở lại đạo Công giáo, toa nghĩ sao? Ngày ở miền Tây, moa thân với Đức Cha Bình lắm. Moa đã gặp ông, cũng học đạo được mấy tháng nay rồi. - Nên lắm, thiếu tướng! Tôi cũng muốn theo đạo Công giáo, nhưng khi ở với Tổng Thống Diệm, sợ mang tiếng là theo đạo để tạo công danh, nên tôi chưa theo. Ngày còn nhỏ, làng tôi có thầy giáo dạy đạo, ông và tôi thân nhau lắm nên tôi học hỏi được khá nhiều. - Hồi tưởng lại, moa thấy cuộc đời quá ngắn, đời moa được chứng kiến biết bao là biến cố và moa thấy moa là người may mắn. Bây giờ nghĩ lại, mình thấy chả có gì đáng quý ngoài tình anh em. Ít ngày sau, ông nằm ở nhà thương Saint Paul, tôi có vào thăm, thấy lúc bấy giờ ông đã yếu lắm rồi. Ông được Đức Cha Bình, Tổng Giám Mục địa phận Sàigòn rửa tội. Khi ông chết thì làm lễ theo nghi thức Công giáo, có thánh giá để trên quan tài. Tuy nhiên, cũng có mấy vị sư đến hành lễ và tụng kinh cho ông. Ông được đưa về chôn ở Biên Hòa.
|